Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 4 : Xứ Kỳ Anh (tr. 143 - 151)
 
(11h: 11-04-2011)
Xứ này được cấu tạo bởi những yếu tố địa chất cuối cùng tách rời từ dãy Trường Sơn để lao ra ngoài bể khơi...



AN-TĨNH CỔ LỤC

(LE VIEUX AN-TĨNH)

Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936

(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)

 

Tác giả: HIPPOLYTE BRETON

Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ

Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU

 

*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách

 

***

Thiên II

Chương 4. - Xứ Kỳ Anh

(Từ trang 143 – 151)

Xứ này được cấu tạo bởi những yếu tố địa chất cuối cùng tách rời từ dãy Trường Sơn để lao ra ngoài bể khơi. Miền này chỉ có núi và núi lẫn với một ít ruộng nằm xen vào giữa. Xét về phương diện địa chất, nguồn gốc của miền này được chứng minh bởi những đồi bị nước biển xâm thực làm mòn dần, những đồi cát có di vật hóa thạch và những lớp sò chôn dưới đất [17, 18,19].

 

Giới hạn phía Bắc Kỳ Anh là Hộ Giang, chảy ra cửa Nhượng, tức là Kỳ Anh Nhượng Hải Khẩu theo các tập sử biên niên.

 

Khi đã đi qua con sông này thì bắt đầu một miền có nhiều đồi núi và ải đạo kéo dài cho đến tận Hoành Sơn, "dãy núi chắn ngang" mà người An Nam thường gọi, còn người Pháp thì lại gọi là dãy núi cửa ngõ miền Trung. Dãy Hoành Sơn là địa giới phía Nam của "xứ" Kỳ Anh; đó cũng là giới hạn hành chính giữa các tỉnh là Hà Tĩnh và Quảng Bình (Đồng Hới) ngày nay (Hình CXIV).

 

Cửa Nhượng cũng được gọi trong các sử biên niên là Cơ La hoặc Kỳ La. Một pháo đài bảo vệ cửa sông đối với những cuộc xâm nhập của quân Champa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Viên tướng chỉ huy quân bộ và quân thủy của chúa Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đã chiếm pháo đài này năm 1661.

 

Không có một ngọn đồi, không có một ải đạo nào của Kỳ Anh mà không lưu giữ ít nhiều lịch sử. "Xứ" này, trong một thời gian mấy thế kỷ, là đất biên giới ngăn cách Champa và An Nam, nhất là vào thế kỷ thứ X. Về sau, vào thế kỷ XVII, đất Kỳ Anh lại đóng một vai trò nổi bật trong lịch sử nước Đại Việt. Ông Ninh (Trịnh Ninh), thống soái quân đàng ngoài, sai xây dựng những công trình phòng ngự ở tất cả đỉnh cao và ải đạo để ngăn chặn bước tiến của quân chúa Nguyễn. Nhưng Nguyễn Hữu Dật, năm 1665, đã mượn "con đường thượng đạo" để tránh những công trình phòng ngự đó, đã bất kỳ xuất hiện ở xứ Hà Tĩnh, đã thắng nhiều trận, bắt buộc ông Ninh phải lui về phòng tuyến sông Lam. Vị chủ bút uyên bác của Tập san chúng ta đã thuật lại một cách đầy đủ những sự kiện đó trong bài nhan đề là: "Chiến dịch Nghệ An" [2].

 

Và nên biết, lại cũng chính ở xứ Kỳ Anh này, mấy ông tướng nhà Minh đã bắt cầm tù cha con vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương (1407).

 

Tôi sẽ không chia chương nghiên cứu này thành ba phần núi non, thành lũy, công trình kiến trúc khác - để tránh sự lặp lại quá nhiều.

 

Ở phía Đông huyện lị CẩmXuyên, tại làng Kỳ La có một ngôi đền gọi là Thiên Cầm (cây đàn của trời) bởi vì ngày xưa có một vị đế vương dừng chân nghỉ lại một đêm ở đây và đã được nghe trong mộng những tiếng nhạc tuyệt vời (Hình  CXII ở trên).

 

Vào đầu thế kỷ XV, vị vua sáng lập ra nhà Hồ và người con của mình (Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương) chạy trốn quan quân nhà Minh đã dừng lại đây trước khi định theo đường bể để trốn vào miền trung Trung Kỳ (Thuận Hóa = Huế), bỗng nhiên có một ông già xuất hiện nói với hai người:

 

"Đây là đất của Kỳ Lê; ở đó là núi Thiên Cầm. Hai nơi này đều không lành cho các Ngài vì tên nó là điềm gở. Phải trốn đi ngay không được trì hoãn".

 

Cha con vua Hồ khinh thường những hung triệu đó. Sau đó không lâu, hai người đều bị Tàu bắt. Sau đây là cách giải mấy câu ẩn ngữ trên: "Kỳ Lê nghĩa là bắt chộp tên Lê - tức là Quý Ly; Thiên Cầm nghĩa là bị trời giận bắt được". Đó là lời giải thích về sự bại trận của nhà Hồ, là triều vua cướp ngôi nhà Trần, trong kho văn học dân gian. Tiểu sử của hai vị vua của triều nhà Hồ ngắn ngủi (1400-1407), sẽ được trình bày ở thiên III "Những dòng họ danh tiếng ở An-Tĩnh".

 

Nên nhắc lại đây điều mà các nhà Nho thường ưa thích là đấu trí chỉ là một trò chơi chữ. Do đó, hai chữ Hán đều đọc là "Cầm" nhưng nghĩa thì khác nhau: nghĩa cây đàn và nghĩa bắt được.

 

Trên hữu ngạn Cửa Nhượng có quả núi Cao Vọng thuộc địa phận hai xã Vĩnh Trung và Vạn áng. Chính nơi đây hai cha con Hồ Quý Ly đã bị bắt (1047) và bị đưa xuống thuyền giải về Tàu (Hình CXII ở dưới).

 

Quả núi này làm thành Vụng Yên, trên đó, người ta còn tìm thấy vết tích của một thành cổ.

 

Trên địa phận xã Duy Lôi, có một quả đồi gọi là Mã Yên vì có hình thù như một cái "yên ngựa". Trên đỉnh đồi, có một nền đất bằng đóng dinh của một khu hành chính và quân sự đời nhà Trần và nhà Lê (thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII). Người ta còn nhận thấy vết tích (Hình CXIII). Trên bờ biển có hai ngọn đồi gọi là "Hỏa hiệu" - Nơi báo hiệu bằng cách đốt lửa. Hai nơi "hỏa hiệu" ấy đều ở trên địa phận xã Duy Lôi và Thần Đầu. hỏa hiệu ấy làm từ đời Trần, thời đó thường xảy ra nạn quân Champa xâm nhập bờ cõi, nhằm báo hiệu chiến thuyền của địch lúc chúng xuất hiện. Đến thế kỷ XVII, giai đoạn Trịnh - Nguyễn đánh nhau, các hỏa hiệu này lại đóng một vai trò rất lớn. Dấu vết hỏa hiệu hiện nay còn trông thấy (Hình CXIII ở dưới).

 

Xứ Kỳ Anh bị bít kín về phía Nam bởi một cánh núi cao nhất của dãy Hoành Sơn, sườn núi kéo mãi ra đến bể không liên tục như người ta có thể nhận thấy qua Hình CXIV. Nó để cách một lối đi qua: Đèo Ngang. Đỉnh đèo xưa được bảo vệ bởi một bức thành mà hiện nay chỉ còn lại cái cửa. Chính vì có cái cửa đó mà dãy núi được gọi bằng cái tên như ta biết hiện giờ: "Cửa ngõ Trung Kỳ" (Hình CXV).

 

Ta thử quan sát Hình CXIV. Cái đường chỉ trắng thể hiện Đường Thuộc địa số 1. Đường này có hai cung lớn. Bằng kính "lúp", ta hãy theo đường dây nối của mỗi một vành cung, người ta nhận thấy rõ một đường chỉ nhỏ khác, đó là đường cái quan cũ, ngày nay chỉ là một con đường mòn nhỏ mà người đi bộ thường qua. ở trên đỉnh đèo, dùng kính "lúp", người ta có thể nhận thấy cửa ngõ mà Hình CXV trình bày. Du khách ở Bắc vào sẽ đi phía dưới cửa ấy mà không biết, vậy mà nó vẫn dễ trông thấy từ phía Nam con đường.

 

Tất cả phần này của "dãy Hoành Sơn" đã từng nổi tiếng trong lịch sử An Nam. Các công trình phòng ngự thuộc hệ thống này đều được biết qua hai tên dưới đây: "Lâm ấp phế lũy" và "Thành ông Ninh" (Hình CXVI ở trên) nhắc lại hai thời kỳ khác nhau trong lịch sử Đại Việt là:

 

1)     Vào thế kỷ thứ X, chính dãy Nam Giới (mà tôi đã nói trước đây) được coi như là ranh giới giữa hai lãnh thổ của An Nam và Champa. Triều vua Tiền Lê (980-1010) đã chiếm giữ đồng bằng duyên hải từ tỉnh lị Hà Tĩnh hiện thời đến Hộ Giang. Nhưng đến đây, họ đã bị những pháo đài thiên nhiên của xứ Kỳ Anh được tăng cường bởi các đồn lũy Champa ngăn chặn lại. Toàn bộ những công trình đó gồm cả Đèo Ngang đã được người ta đặt cho cái tên "Lâm ấp phế lũy".

 

Lý Thái Tổ (1010-1028), vị vua đầu của nhà Hậu Lý (1010-1225) đã hạ được bức thành đó. Vì vậy, kể từ thế kỷ XI trở đi, chính là "Cửa Ngõ xứ Trung Kỳ" dãy Hoành Sơn làm ranh giới phía Nam của nước Đại Việt.

 

2)     Đến thế kỷ XVII xảy ra cuộc chiến tranh giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn. Bởi vậy, lúc ấy ông Ninh lại đặt đồn ải ở những vị trí này và do đó, những di tích còn lại cũng được gọi là "thành Ông Ninh".

 

Mặc dù ông Ninh là người quê ở Đàng Ngoài, tôi cũng sẽ kể tiểu sử của ông ấy, vì rằng vị danh nhân này đã để lại những kỷ niệm ở đất An-Tĩnh nên cuộc đời của ông có thể nói là đã thêu dệt nên lịch sử của xứ này từ 1655 đến 1661. Tiểu sử của ông Ninh sẽ được trình bày trong khung của lịch sử Lam Thành, một thành lũy nằm trong khu vực "thung lũng sông Lam" sẽ nói đến trong chương tiếp theo.

 

Bây giờ, tôi chỉ còn phải kể tên hai thành nữa. Ở làng Hà Trung, người ta phát hiện ra dấu vết của một pháo đài xây từ đời nhà Trần (thế kỷ XIII), pháo đài này đã từng đóng một vai trò dưới triều Lê (thế kỷ XVII). Tên gọi của thành này là Đinh Cầu cổ thành (Hình CXVIII ở dưới), một thành cũ phía sau là chỗ đóng quân giữ chiếc cầu đó. Hải Khẩu, cửa sông ra biển được bảo vệ bởi một đồn nhỏ cùng đóng một vai trò như thành cổ trên đây và cùng trong một giai đoạn.

 

Trước khi nói đến những ngôi đền ở Kỳ Anh, tôi cần phảichỉ ra một địa điểm đáng chú ý. Đó là núi Tiên Chưởng Sơn (cũng được biết dưới cái tên Ngọc Sơn). Quả núi này sở dĩ được gọi như thế là vì hình thù của nó giống như tay của một vị thần tiên. Nhưng không biết đích xác là vị tiên nào.

 

Bên cạnh quả núi này là một núi khác được gọi là Lạc Sơn. ở nơi đây, triều nhà Lê đã lập "trại nuôi voi chiến".

 

Những ngôi đền hiếm có đáng chú ý vì nhiều lẽ: những cánh đồng ở Kỳ Anh chỉ là những bãi cát dài rộng. Chỉ trên bờ các con sông, người ta mới tìm thấy ruộng, mà phần nhiều cũng là ruộng tạm thời. Chỉ mùa xuân mới có nước, về mùa khô dòng sông chảy dưới cát. Vì vậy đây là miền một phần là đất cằn và hoang. Xứ Kỳ Anh sở dĩ được chiếm lĩnh là do những lẽ thuộc về lĩnh vực chiến lược và chính trị. Xứ này không thể thành đất mà các dòng họ lớn lựa chọn. Lịch sử về những nơi có tên tuổi và những thắng tích của xứ này vì vậy liên hệ mật thiết với lịch sử các cuộc chiến tranh.

 

Chiến tranh giữa người An Nam với người Champa, chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn.

 

Chỉ có một công trình để lại đáng chú ý là đền "Chế Thắng". Đền này ở Hải Khẩu (cửa sông đã nói trên), thôn Bình Lễ (Hình CXVIII).

 

Truyền thuyết dân gian kể rằng: Nữ thần của đền là một người vợ của vua Trần Duệ Tông tên là Nguyễn Bích Châu. Năm 1377, Duệ Tôn chuẩn bị cuộc viễn chinh sang Champa. Bích Châu khuyên nhà vua từ bỏ ý định đó. Nhưng khi vua từ chối, thì nàng xin đi theo vua. Đến Hải Khẩu, một buổi chiều, đội chiến thuyền bỏ neo. Vào khoảng nửa đêm, một trận bão nổi lên. Nhà vua nằm mộng thấy một người đàn ông tự giới thiệu mình là "Nam Minh Đô đốc" (vị tướng chỉ huy đội quân dân miền Nam) và đòi nhà vua phải giết một trong số những người vợ của mình để tế thần thì mới làm dịu được trận bão. Bích Châu tự nguyện hy sinh để cứu lấy đội chiến thuyền. Duệ Tôn sai trói vợ mình để trên một chiếc mâm vàng rồi đem quẳng xuống biển. Ngay sau đó, sóng gió bỗng yên lặng. Tôi phải nhắc lại ở đây rằng cuộc viễn chinh đó kết thúc bằng một cuộc đại bại: Duệ Tông bị giết trước thành Đồ Bàn (tỉnh Bình Định ngày nay) và đội quân An Nam bị đánh tan.

 

Chuyện dân gian còn truyền tụng rằng: Vua Lê Thánh Tông (1460-1497), lúc đi đánh Champa (1470) có dừng lại ở Hải Khẩu. Trong khi nằm mộng, nhà vua thấy Bích Châu hiện về và nói rằng: "Thiếp bị thuồng luồng bắt giữ, xin bệ hạ cứu cho".

 

Lúc tỉnh dậy, vua cho bọc vào nến một bức thư, đóng dấu ấn riêng của mình rồi vứt xuống bể. Bức thư bày tỏ những lời khuyên nhủ của vua cho Quảng Lợi, tức là Hà Bá. Thần Hà Bá thuận theo ý nhà vua và người ta thấy từ đáy biển nổi lên thi hài của nàng Bích Châu vẫn nguyên sắc đẹp như hồi còn trên dương thế. Vua mai táng nàng với nghi lễ dành cho một vị hoàng hậu. Lê Thánh Tông sau khi đại thắng trở về sai lập đền thờ Bích Châu và phong cho nàng tước vị Chế Thắng phu nhân.

 

Từ đó, sự linh thiêng của vị vương phi này đã nhiều lần được biểu hiện ra để phù hộ cho dân chài Hải Khẩu và những người này coi nàng như là vị thần che chở cho mình.  

 

Ở làng Thần Đầu có hai ngôi đền thờ hai anh em Lê Quảng Chi và Lê Quảng Y. Cả hai đều làm đến chức Thượng thư dưới triều vua Lê Thánh Tông và Lê Hiển Tông (thế kỷ XV) (Hình CXIX và CXX). Tiểu sử của hai người sẽ được trình bày ở Thiên III.

Ở làng Phu Lễ có đền thờ Phạm Công Tiêm, người từng làm tổng trấn An-Tĩnh dưới triều vua Lê (Hình CXXI).

 

Bây giờ tôi chỉ còn góp thêm một ý niệm về quá trình kiến tạo gần đây nhất của các đồng bằng duyên hải của nước Đại Việt bằng cách đưa ra làm thí dụ hai đồng bằng nhỏ ở Hoàng Lễ và Vĩnh Sơn, một nằm ở phía Bắc và một nằm ở phía Nam Hoành Sơn.

 

Ta hãy nhìn kỹ Hình CXIV.

Tại đồng bằng Hoàng Lễ nằm về phía Bắc (phần bên trái của Hình), chúng ta thấy uốn khúc khe Con Bò để đi đến cửa Xích Mộ (Mộ đỏ). Cửa sông này chắc là cách đây mấy thế kỷ nằm xa về phía Bắc hơn, vì không những chỉ ngôi mộ mà cả đồn lũy cũ để bảo vệ lối đi qua hiện nay cũng bị chôn vùi dưới cát đã di chuyển từ Tây Bắc sang Đông Nam. Đồn này gọi là Đáo Đầu. Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn cầm quân đi đánh Champa, khi qua cánh đồng Hoàng Lễ, nhà vua được biết là thành bị cát xâm lấn nên đã phải bỏ đi. Vua bèn làm một bài thơ, trong đó viết:" Xưa, thành Đáo Đầu bảo vệ xứ này. Bây giờ đồi cát lại là thành trì để chống quân giặc (Champa).

 

Bây giờ chúng ta hãy quan sát cồn cát bồi Vĩnh Sơn ở phía Nam Đèo Ngang (ở bên phải Hình). Chúng ta nhận thấy những khúc quanh co của Khe Rào hướng về đồi cát, nhưng cát thì đã lấp cửa sông nhỏ này. Vì vậy, ở đây chỉ còn cái mà người An Nam quen gọi là Cửa Lấp, nghĩa là một cửa sông bị bồi lấp ít nhất cách đây một thế kỷ.

 

Cửa Lấp! Đó là số phận đang chờ cửa Xích Mộ hiện thời. Và đó là lịch sử của những "cửa lấp" khá nhiều trên bờ biển xứ Trung Kỳ [18].

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương IV : Xứ Kỳ Anh (từ trang 142 - 151) (22h: 12-09-2010)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 5 : Lưu vực sông Lam (từ trang 152 - 157) (11h: 26-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chuong 5 : Lưu vực sông Lam (tiếp theo từ trang 158 - 164) (11h: 26-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương V : Lưu vực sông Lam - Vùng Tràng Đen (tr. 164 - 174) (12h: 28-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - chương 5 : Lưu vực sông Lam - Những thắng đia và đền đài nổi tiếng (Tr. 174 - 183) (08h: 30-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 5 : Lưu vực sông Lam_những thắng địa và đền đài nổi tiếng (tiếp theo từ trang 184-192) (10h: 04-02-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - chương 5 : Lưu vực sông Lam - Những thắng địa và đền đài nổi tiếng (tiếp theo từ trang 192 - 201) (10h: 06-02-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 5 : Lưu vực sông Lam - Những thắng địa và đền đài nổi tiếng (tiếp theo từ trang 202 - 212) (17h: 07-02-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 5 : Lưu vực sông Lam - Những thắng địa và đền đài nổi tiếng (tiếp theo từ trang 212 - 222) (15h: 09-02-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 5 : Lưu vực sông Lam - Những thắng địa và đền dài nổi tiếng (Tiếp theo từ trang 222 - 232) (15h: 11-02-2011)