Lược trích trong cuốn “Hát phường vải” của Ninh Viết Giao
Về ca từ, hát dặm là một thể văn vần đặc biệt. Mở đầu bài hát dặm thường là hai câu lục bát, rồi tiếp theo một loạt câu năm chữ. Cũng có bài không như vậy mà mở đâu ngay bằng câu năm chữ, vần thì vần chân, hết một khổ hoặc vài ba câu có láy lại.
Đối với những bài mở đầu bằng hai câu lục bát, thì những câu lục bát này hoặc mượn của hát ví, hoặc sáng tác theo thể hát ví.
Đây là một bài mượn các câu hát ví mở đầu:
1) Anh say lời nói em rồi
Ngày đêm không chộ dạ bồi hồi lắm thay
Cầm lấy trốc cày
Anh tưởng là trốc cuốc
Tay bưng đọi ruốc
Anh tưởng là đọi canh
Vắt một múi chanh
Anh tưởng là múi bưởi…
2) Cau non róc vỏ tiện mào
Trù têm cánh phượng ra chào bạn anh
Cau trắng trù xanh
Tiện mào róc vỏ…
3) Nhởn nhơ một đóa chương đài
Ong bay qua xấp xới, bướm dạo ngoài xung xăng.
Nền Đông Tước khăng khăng
Khóa xuân kiều mãi mãi…
Các bài không mượn những câu hát ví hoặc ca dao có sẵn mà sáng tác những câu lục bát khác cũng tương tự. Xin nêu một ví dụ:
Trời mần một trộ mưa dông,
Củ nu nặng gánh đò không sang đò
Tôi cứ gọi hờ
Mự không thưa không đợi
Mự không chờ không đợi.
Rõ ràng là về ca từ, hát ví có ảnh hưởng đến hát dặm, còn hát dặm đối với ví phường vải thì sao? Trong cuộc hát phường vải cứ hát mãi một làn điệu hát vì người nghe cảm thấy đều đều buồn chán. Để thay đổi làn điệu người ta đã dùng làn điệu hát dặm, nhưng các bài hát dặm thường dài nên bà con chỉ dùng một đoạn, hay sáng tác một đoạn, đoạn này phải trọn vẹn một ý tình.
Đây là một đoạn hát chào:
Khi máy mắt khi nhện sa
Khi chuột rích trong nhà
Khi khách kêu ngoài ngõ
Tay em quay xa đủng đỉnh
Tay em cầm chìa khóa động đào
Bước năm lần cửa ra chào bạn quen.
Còn đây là một đoạn hát xe kết:
Bướm lượn vườn hoa
Vườn hoa bướm lượn
Bạn quen ta hãy lượn trong nhà
Cho lòng đỡ xót xa
Dập dìu bướm lượn vườn hoa.
Những đoạn như vậy đều trở thành một câu trong hát phường vải song giờ đây những câu như vậy còn lại không nhiều.
Về làn điệu dặm nam nữ có hai lối, hát ngâm và hát nói (hay còn gọi là nói lối). Theo giáo sư Nguyễn Đổng Chi “Hát nói là phần cơ bản, phần chủ yếu của âm nhạc hát dặm. Gọi là hát nói vì thể tài loại này là những câu nói thông thường nhưng có âm, có tiết, có vần đã tương đối với hát nói của hát dặm. nó gây cho ta một cảm giác chắc, gọn, nặng nề, hì hục, tạo nên sự mệt nhọc, mệt nhọc không những cho bản thân người hát mà cả cho cảm giác người nghe”. Do đó cần phải có hát ngâm.
Hát ngâm tuy là phần thứ yếu, song đó là nhân tố phát triển của hát nói, hay đúng hơn như vừa nói ở trên, nó là nhân tố làm cho bài hát dặm đỡ nhàm, đỡ khô khan. Nhân tố “ngâm” còn có tác dụng chuẩn bị cho cái dài dài đều hơi của hát nói. Khi bắt đầu hát dặm, đối với những bài mở đầu bằng hai câu lục bát, âm điệu bao giờ cũng có vẻ trầm bổng, khiến ta tưởng chừng như bài hát sau này sẽ chuyển thành ca như hát phường vải.
Đúng như vậy, chính đó là làn điệu hát phường vải hay làm điệu hát ví nói chung.
Đến đây ta có thể kết luận giữa hát ví phường vải và hát dặm có ảnh hưởng qua lại rõ rệt cả về mặt ca từ và làn điệu, chủ yếu là ở hai câu lục bát mở đầu cho bài hát dặm nam nữ hoặc đôi khi xen kẽ vào giữa các bài hát dặm nam nữ.
Mời nghe "Đêm trăng phường vải" - Tổng hợp các làn điệu hò - ví - dặm
http://nsuthongluu.info/modules.php?name=Nvmusic&op=playsong&id=20