Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Nước lụa Đức La
 
(17h: 30-07-2011)
Nước lụa Đức LaBài và ảnh của Phlanhoa


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chữ “Đức” là “nác”; chữ “La” là “lụa là”; cũng có ý kiến khác lại nói chữ “la” theo ngôn ngữ cổ Phương Đông là “tre”. Tôi nghĩ, có lẽ cả lụa và tre đều có ý nghĩa với Đức La.

Đức Thọ có 28 xã và một thị trấn, thì chỉ có Đức La là xã vinh hạnh được mang tên dòng sông La – dòng sông tâm hồn của người Hà Tĩnh. Nhìn vào bản đồ địa lý, bạn sẽ thấy ba xã La – Quang – Vịnh là một bãi bồi phù sa. Sông La, sông Lam và rào Con (sông nhánh của sông La) bao quanh bốn bề. Nhưng chỉ có Đức La là có sông La chảy bên mình, còn Đức Quang và Đức Vịnh, dòng sông chảy qua là sông Lam, người dân trong vùng quen gọi là sông Ngàn Cả.

Hình hài Đức La giống như con cá đang bơi ngược dòng từ phía sông Lam rẽ nguồn vào sông La theo hướng đông bắc – tây nam, đầu, vây, đuôi đều chạm vào sông nước. Có lẽ đó là lý do thủy tổ của các dòng họ vùng đất này đều có nghề bơi chải thuyền bè.

Vây trên của “con cá Đức La” chạm vào ngã ba sông – nơi cuối nguồn sông La đổ vào Ngàn Cả. Bên kia ngã ba sông là Bãi Cồn, một bãi bồi phù sa được tạo bởi phù sa của sông La - Lam. Bãi Cồn ngày nay thuộc xã Đức Quang và Đức Châu, nhưng nhiều dòng tộc ở Đức La trước đây có nguồn gốc từ Bãi Cồn, vì lý do bão lũ triền miên, được các cấp chính quyền di dời về bên này sông sinh sống. Ngã ba sông này, từ thời Lê có tên gọi là Ngã Ba Phủ - một ngã ba sông với nhiều chiến tích lịch sử oanh liệt qua các thời kỳ Lý – Trần - Lê.  Vi.wikipedia.org chép rằng:

“... Ngàn Cả - Lam Giang xuống quá Vạn Rú ( Hoành Sơn ) bây giờ đi về phía tây nam qua vùng đất ngày nay là các xã Nam Cường (Nam Đàn), Đức Châu, Đức Quang ( Đức Thọ ) mà đổ ra gành Phù Thạch, đối ngạn Triều Khẩu. Giữa hai dòng chảy là bãi cát bồi mênh mông, cây cỏ rậm rạp. Phía dưới bãi cát ấy là nơi sông La đổ vào sông Lam, từ đời Lê gọi là ngã ba Phủ.

Khoảng niên hiệu Hưng Long đời Trần Anh Tông (1293 - 1314) có sáu ông , Nguyễn, Phạm, Trần, Bùi, Bạch đều là quan văn võ nhà Trần lui về ở ẩn gần khe Yên Quốc dưới Rú Thành. Các ông cùng xin triều đình cho khẩn bãi bồi giữa sông, lập lên ấp Dương Xá (đời đổi là Tường Xá, thuộc xã Nam Hoa Đông, huyện Thanh Chương, đến đời Khải Định nhà Nguyễn, mới chuyển về La Sơn, Đức Thọ. Trong sáu vị Tổ khai cơ làng Tường Xá (nay là Đức Châu) thì người họ Bạch là con trai của Trạng nguyên Bạch Liêu. Trạng nguyên Bạch Liêu vốn quê làng Nguyễn Xá, huyện Đông Thành, Châu Diễn. Sau khi thi đỗ (1266) ông không ra làm quan mà chỉ làm gia khách Thượng tướng Trần Quang Khải (1241 – 1294) khi ông vào cai quản Nghệ An.

Sau khi Trần Quang Khải trở về triều đình thì Bạch Liêu về ẩn ở Kẻ Sét xã Nghĩa Liệt, dưới núi Lam Thành. Hiện ở làng Vệ Chính (xã Hưng Phú) có đền thờ ông. Còn mộ ông đặt dưới chân núi Hồng Lĩnh địa phận xã Ngoại Thiên Lộc, nay là xã Thiên Lộc, Can Lộc. (Mộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá quốc gia năm 1993). Chi họ Bạch ở Tường Xá không còn, nhưng ở làng Hưng Nhân xã Hưng Lam còn có chi họ Bạch Hưng rất đông đúc…”

 Từ trên Đê La Giang, bạn đi cho tới khi nào nhìn thấy một hồ sen nở hồng bên trái đường đi. Đó là địa phận xã Đức Nhân. Một tấm biển báo với dòng chữ “Đức La kính chào quý khách” và một mũi tên chỉ xuyên ngang đủ cho bạn hiểu, bên kia bờ đê là đường về Đức La.

Thật ra, khi bạn vượt qua bờ đê, cũng mới chỉ là địa phận Bùi Xá. Theo con đường nhỏ bằng bê tông - một kiểu đường làng phổ biến, thường có hiện nay ở vùng nông thôn mới, khoảng chừng nửa cây số, bạn gặp một cây cầu bắc qua một dòng sông nhỏ. Đó là cầu La Xá và rào Con (sông nhánh của sông La). Rào Con là ranh giới giữa Đức Nhân, Bùi Xá và Đức La. Nghĩa là chỉ cần qua khỏi cầu, bạn thời đã đến được địa phận Đức La.

Ngôi chùa “Cổ Long Tự” nằm ngay đầu làng, bên phải lối vào, là một ngôi chùa cổ linh thiêng đã mấy trăm năm không ai còn nhớ chính xác. Trong chùa còn lưu giữ nhiều bức tượng cổ bằng gỗ, có những bức mang hình hài văn hóa Chăm. Nghe nói có năm lụt to lắm, tượng cổ trong chùa trôi tứ tung sang tận các làng xã khác, nhưng rồi vẫn được nhân dân tự giác đem đến trả lại đầy đủ, không mất bức nào.

Nói lụatre đều có ý nghĩa với Đức La, bởi vì vùng quê này mang một vẻ đẹp thiên nhiên thanh bình, làng quê yên ả, nhờ vào những bờ tre xanh và dòng sông như dải lụa xanh mềm uốn lượn. Bốn thôn của Đức La đều xanh mướt bóng tre. Đứng giữa cánh đồng rì rào lúa hát, nhìn ra tứ phía, bạn dễ dàng nhìn thấy các dòng La – Lam – rào Con chảy êm đềm thanh thản.

Đầu cầu là chợ Cầu. Xưa kia nơi đây từng là khu chợ sầm uất. Bùi Xá bên này sông là làng nghề làm miến bột truyền thống. Theo các cụ trong làng kể lại thì đến đêm, tiếng cối lại thậm thình giã gạo từ đầu làng đến cuối thôn.

Nghề làm miến bột là nghề phụ, sông nước mới là nghề chính. Phải đến canh khuya rảnh rang việc sông nước, nhân dân mới đem gạo ngâm, giã, lọc lấy bột. Miến bột ở Bùi Xá có thứ làm bằng gạo lòn, gạo nếp, hay bột dong riềng. Cách làm thì thủ công theo phương pháp tráng thành bánh, phơi khô rồi dùng bàn cắt thái sợi.

La - Xá xưa kia nổi tiếng có món “miến bột chợ Cầu”. Miến gạo, hay miến dong được nấu với hến, với thịt, hoặc với cáy, nên còn gọi là “canh cáy”. Rào Con, không chỉ là ranh giới của hai xã La – Xá như ngày nay, mà bao đời còn là nguồn cung cấp những con cáy cho đời sống nhân dân, nên vùng này còn nổi tiếng với món mắm cáy tuyệt ngon. Đến nay, dân trong xã còn lưu lại những câu vè vui tai:

Rằng:

Đất Mai Hồ (ư)dệt vải

Đất Cổ Đạm(ạ) vắt nồi

(Chi chi) đất Láng Ngạn* bầy tui

Bắt được nạm cáy hôi

Về đâm đâm (thì) xoi xoi

Về chà đứng (ạ) chà ngồi

Phơi cho đủ nắng (ạ) đủ nôi

Ủ cho tròn ba tháng mới thôi

...

Với diện tích 330,5ha, dân số theo cập nhật hàng năm, khoảng trên dưới 1656 khẩu, (giáo dân chiếm khoảng trên 30% dân số), Đức La có 18 dòng họ, đa số là từ nơi khác di cư đến, trong đó có dòng họ Bùi Quốc từ Hương Sơn xuống chiếm 1/3 dân cư xã. Dòng họ Bùi nổi tiếng có Tiến sĩ Bùi Cảnh Khánh làm đến chức Tướng công binh bộ Thượng thư triều nhà Lê. Ngày nay, con em trong xã cũng có nhiều người đỗ đạt cao, có người làm đến chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí, Thượng tá CA…

Đức La bây giờ, nằm trong diện được Nhà nước cấp kinh phí thí điểm xây dựng nông thôn mới. Hy vọng một ngày không xa, Đức La sẽ trở thành xã giàu mạnh, tiên phong về xóa đói giảm nghèo…

 

 

UBND xã Đức La

Chợ Cầu vãn phiên

Rào Con chiều hoàng hôn

Đền thờ Bùi Cảnh Khánh

 

 

Cào hến trên sông La

Bưởi và mít nhà chú Thất

Đoạn này cuối nguồn sông La đổ ra sông Ngàn Cả, bên kia là núi Thành

Giặt đồ trên bến sông (thôn 4)

 

Sông La Hoàng hôn (tả ngạn là Đức La, hữu ngạn là Đức Tùng)

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Lịch sử tên gọi La Giang – Đức Thọ (22h: 07-07-2011)
 Ra đi nổi tiếng làng Quỳnh (17h: 30-10-2010)
 Làng Phúc Lộc (20h: 12-11-2010)
 LÀNG HƯNG NHÂN (19h: 17-11-2010)
 LÀNG GIA PHỔ (16h: 20-11-2010)
 Hội đồng hương Đức Thọ tại Vũng Tàu Đầu xuân (11h: 14-02-2011)
 Làng Nguyễn Xá (23h: 09-12-2010)
 Làng Chợ Cồ - Kỳ 2 (15h: 08-10-2010)
 Làng Chợ Cồ - Kỳ 1 (12h: 07-10-2010)
 TỤC NÉM ĐÁ Ở CÁT NGẠN (13h: 30-09-2010)