Nguồn: Câu đối Xứ Nghệ
Có vị công tử con một vị tướng quân đã quá cố, nhà thì giàu nổi tiếng mà văn chương cũng nổi tiếng là dốt. Thói đời, dốt lại ham nói chữ, hay làm ra vẻ ta đây văn chương lỗi lạc hơn người.
Một hôm nọ, công tử nảy ra ý định làm đôi câu đối để thờ mẹ. Làm xong một vế thì đắc ý lắm, nhưng hiềm nỗi vế còn lại nghĩ mãi không ra. Ngay lúc đó có anh học trò nghèo lỡ đường, ghé vào xin công tử giúp cho lương ăn.
Công tử mừng thầm nói với anh học trò:
- Nếu anh quả là học trò thì bây giờ ta ra một vế đối, anh đối được thì ta cho 5 quan tiền, bằng không thì ta tống cổ anh ra khỏi cửa ngay mà không có cắc nào đâu.
Anh đồ nho nhã nhặn:
- Dạ xin công tử đưa vế ra của mình đi ạ!
Vị công tử dõng dạc:
- Mệnh mẹ muôn năm cửa tướng.
Rồi không đợi cho anh học trò kịp suy nghĩ, vị công tử lấy làm đắc ý thúc dục:
- “Mệnh mẹ”, đối đi!
- Dạ xin đối với “mồ cha” ạ.
- Ừ khá đấy! “muôn năm” đối đi!
- Chín kiếp.
- Được! thế “cửa tướng”?
- Dạ xin đối với “nhà công” ạ.
- Chà “công” đối với “tướng” tuyệt hay!
Nói rồi vị công tử gọi người nhà đem 5 quan tiền thưởng cho anh học trò. Nhận tiền, cám ơn xong là anh học trò vội vã cáo từ lên đường.
Đợi anh học trò đi rồi, vị công tử đắc ý ngâm nga:
Mệnh mẹ muôn năm cửa tướng
Mồ cha chín kiếp nhà công.
Bỗng vị công tử thét lên:
- Mẹ kiếp! ra thằng này nó dám chơi xỏ mình mà mình lại không biết còn đi thưởng tiền cho nó, bay đâu đuổi bắt lấy nó cho tao!
Hóa ra chữ “công” là “tướng”, nhưng tiếng Nghệ chữ “công” còn có nghĩa là “ông”. Sau khi ghép vào ngân nga, vị công tử mới chợt hiểu, anh học trò kia chửi mình “Mồ cha chín kiếp nhà ông!”.
Nhưng vị công tử sực tỉnh được, thì anh học trò đã cao chạy xa bay.