Nguồn:
- Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí – quyển IV
- Bổ sung tên địa danh mới theo “Từ điển Hà Tĩnh-2000”
***
Núi Cao*: ở địa phận hai xã Hương Bộc và Đồn Điền về phía tây Thạch Hà, núi cao chót vót, các núi trong huyện Thạch Hà đều phát mạch từ đây.
*Nay thuộc xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà.
Núi Nhật Lệ: ở địa phận hai xã Ngụy Dương và Đại Nại về phía tây đạo thành, cao lớn, đẹp đẽ, phía đông trông ra biển cả , ánh mặt trời chiếu vào trước tiên, nên gọi tên là thế. Trên núi có khe cát, nước từ trên cao dội xuống rất mạnh, gặp gió mùa hè cát bay mù mịt; chân núi có động Chùa, lại có động Hạc ở bên hữu và động Thoa ở bên tả, đều theo hình dáng để gọi tên; khi nào nước khe có tiếng vang động thì liền mưa, phía tây núi là chỗ phát nguyên của sông Cày.
Núi Bảo Đài: ở địa phận xã Vĩnh Lưu (xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà ngày nay) về phía tây đạo thành, hình núi trông như lâu đài, nên gọi tên thế; dưới núi có ngọn Bút, ngọn Sách và ngọn Voi Ngựa đứng sững, phía đông có núi Thiên Thai, trên núi có miếu và chùa.
Núi Nam Giới: ở địa phận xã Dương Luật (Thạch Kim ngày nay) về phía đông bắc đạo thành. Gọi là núi Nam Giới, là vì ngày xưa, phía nam cửa Sót giáp với Chiêm Thành. Trên núi có ao gọi là ao Tắm, sâu thẳm không cùng, bên cạnh ao còn nền nhà cổ, gọi là “Quỳnh Viên”, tương truyền Chử Đồng Tử tu luyện ở đấy. Bài thơ Lê Thánh Tông đi nam tuần có câu rằng: “Danh viên do thuyết cổ Quỳnh Viên”, nghĩa là tương truyền Quỳnh Viên xưa là vườn nổi tiếng. Nay xét Sử ký chép: Lý Thái Tổ lập trại Định Phiên ở đây, vậy thì cái nền cũ ấy có lẽ là nền trại. Phía tây bắc núi có miếu thờ Vũ Mục vương (xem phần đền miếu). Lại cách đấy vài ba dặm về phía nam có suối Hiêu Hiêu, nước từ trong hốc đá vọt ra, nước rất thơm ngọt. “Ốc lậu thoại” của Bùi Dương Lịch nói: “Nghệ An cho ba nguồn nước ngon là: sông La ở huyện La Sơn, suối Việt Tỉnh ở huyện Kỳ Anh và suối Hiêu Hiêu ở núi Nam Giới. Vì Xứ Nghệ vừa gần núi, vừa giáp biển, các ngọn nước phần nhiều lẫn sỏi và có chất mặn, chỉ ba ngọn này nước trong và thơm ngon. Nhưng nước sông La yên tĩnh không lưu thông, nên tính trì trệ; nước suối Việt Tỉnh chảy mạnh nên tính cấp bách; muốn tìm một thứ nước không trì trệ, không cấp bách, uống vào thông nhuận, thì chỉ có nước suối Hiêu Hiêu này là hơn cả; hàng năm, cứ đến mùa hè, người địa phương hay chở nước suối này đi bán, người ta cho là một thứ nước quý. Hễ lúc nào thấy núi có mây trắng, thì liền mưa, tục gọi là “núi đội mũ trắng”. Lại mùa hè, đá núi bị rạn nứt, hễ thấy ngọn lửa bốc ra gần đến miếu thì thường có mưa to. Về phía tả núi có một ngọn chạy ra đến biển, gọi là núi Long Ngâm, vì sóng biển ầm ầm nên gọi tên thế…”
Núi Cảm: ở địa phận xã Đại Nại về phía đông bắc đạo thành, giữa đất bằng nổi vọt lên, trông ra sông Nại, trên núi có chùa, gọi là chùa Cảm Sơn.
Núi Long Tương*: ở địa phân xã Bàn Thạch và Hạ Lỗi về phía tây bắc đạo thành; phía đông nam núi có khối đá lớn đứng sững, nhiều đá nhỏ bao bọc xung quanh, người địa phương gọi là Tiên Sơn, dựng đền thờ.
*Nay thuộc xã Quang Lộc, huyện Can Lộc.
Núi Nghĩa: ở địa phận xã Đức Lâm về phía nam đạo thành, trên núi có chùa, chân núi có cái ao chừng 5 mẫu, sông cái vòng quanh bên ngoài ao, phong cảnh cũng đẹp.
Núi Thành: ở địa phận xã Hà Hoàng (nay là xã Thạch Trung và Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) về phía bắc đạo thành. Vì ở đây có lũy cũ, nên gọi thế, chân núi có khe.
Núi Hà Thanh: ở địa phận xã Hà Hoàng về phía bắc đạo thành, bốn ngọn núi cách nhau, một ngọn nhỏ gọi là Quy Sơn, trên núi có vết người to, người địa phương lập đền thờ. Lại có núi Yên Thảo ở địa phận xã Đô Hành và núi Ngang Bản ở địa phận hai xã Bàn Thạch và Thái Hà.
Núi Đội: ở địa phận xã Đan Chế (nay là xã Thạch Long, Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) về phía bắc đạo thành, ba ngọn núi bắc ngang qua bến Đạm; cạnh núi có tảng đá gọi là đá La Hán; trong sông đá nổi thành từng đội, vì thế nên đ8ạ tên là huyện Thạch Hà; trước kia có nền trại, nay vẫn còn. Lại có núi Mai ở địa phận xã Dục Vật.
Núi Nghèn: ở địa phận xã Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn), về phía bắc đạo thành, trên núi có chùa, trước kia có tháp, không rõ dựng từ thời nào; mùa hè năm Lê Cảnh Hưng thứ 35, một đêm vào trống canh năm, sắc trời quan đãng, chợt có đám mây đen từ phía tây bắc nổi lên, tháp ấy tự nhiên bị đổ, nay dấu cũ vẫn còn.
Núi Chướng Lâm: ở địa phận xã Mỹ Duệ (nay là xã Cẩm Duệ), huyện Cẩm xuyên, sông Gianh tỉnh Quảng Bình phát nguyên từ đây. Lại có núi Chủ Trương, còn gọi là núi Mộ, cũng ở địa phận xã này; núi Đâu ở địa phận xã Thượng Lộc.
Núi Kình Thốc: có tên nữa là núi Hoắc. Địa phận xã Thổ Ngõa (nay là xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên; trên núi có bàn đá bằng phẳng tục gọi là bàn cờ tiên. Ở phía đông nam có một khoảng đất rộng có thể làm ruộng, bốn mặt có núi vây bọc, đời Lê trung hưng có Vân Phong Nguyễn tướng quân dinh điền ở đây để cấp lương quân.
Núi Phượng Hoàng*: ở xã Phượng Hoàng, huyện Cẩm xuyên, thế núi mở ra hai bên tả hữu như hình chim phượng bay, nên gọi tên thế. Lại có núi Vân Phong, có tên nữa là núi Hội, ở địa phận thôn Vân Phong, đất bằng nổi vọt lên, phía nam trông ra sông Cái, núi tròn đẹp, đáng yêu.
*Tỉnh Hà Tĩnh có ba ngọn núi có tên là Phượng Hoàng và một gọi là núi Phượng:
- Núi Phượng tên chữ là Phượng Sơn thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ;
- Núi Phượng Hoàng thuộc xã Ân Phú, huyện Vụ Quang;
- Núi Phượng Hoàng (còn gọi là núi Đại Lạc), một ngọn trong nhánh thứ ba của dãy Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân);
- Núi Phượng Hoàng (trong Đại Nam Nhất thông chí nói đến) thuộc xã Cẩm Hưng huyện Cẩm Xuyên;
Núi Nhược: ở địa phận xã Quyết Nhược (nay là xã Cẩm Hòa), huyện Cẩm Xuyên, nổi bật lên ở khoảng đất bằng, làng xóm chen nhau, phần nhiều trồng hồ tiêu; vế phía nam có núi Mỹ Lộc, trên núi có tảng đá to bằng phẳng, tương truyền là dầu vết của tiên, núi tuy không cao, hình dáng rất thanh nhã; về phía đông, mọc riêng một ngọn núi nhỏ, gọi là núi Cẩm Bào, hình dáng như cái nón úp.
Núi Thiên Cầm: ở địa phận thôn Thiện Trị xã Kỳ La (nay là xã Cẩm Long) huyện Cẩm Xuyên, phía đông giáp biển, phía tây liền núi Ngọc Tiên thôn Thái Vân. Tương truyên xưa, vua Hùng đi chơi phương Nam, nghe không trung có tiếng véo von, nên gọi là núi Thiên Cầm (đàn trời). Theo sử ký thì cuối đời trần, cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, chạy đến Kỳ La, muốn chạy vào Tân Bình (nay là Quảng Bình), có phụ lão nói, chỗ này gọi là Ki Lê (trói họ Lê), ở trên núi có Thiên Cầm (trời bắt) đấy là triệu chứng không tốt, xin đừng lưu ở đây; nhưng cha con Hồ Quý Ly không nghe, sau quả nhiên bị bắt ở đây, nên lại gọi là núi Thiên Cầm.
Núi Tiên Chưởng* (tay tiên): ở địa phận xã Cấp Dẫn về phía bắc huyện Kỳ Anh, trên núi có đá lớn đứng sững, thạch nhũ rũ xuống trông như hình ngón tay, nên gọi tên thế. Có tên nữa là Ngọc Thạch, lại có núi Vọng Liễu ở địa phận xã Vọng Liễu về phía tây nam huyện Kỳ Anh. Dưới chân núi có đền thờ cua Lan Quân công Lê Phát (thế kỷ XVI).
*Tên khác là núi Ngọc Thạch, rú Giung, Lạc Sơn, nằm giữa địa phận hai xã Kỳ Bắc và Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh.
Núi Tượng Tỵ: ở địa phận xã Tượng Tỵ vế phía bắc huyện Kỳ Anh, hình núi như vòi voi, nên gọi tên thế. Đời Lê lập trường nuôi voi ở đây. Lại có núi Lạc Hạ cũng ở địa phận xã này, hình núi như cái vạc úp.
Núi Kỳ Đầu: ở địa phận xã Cấp Dẫn về phía bắc huyện Kỳ Anh, ngọn núi cao vót, hình như ngọn cờ, nên gọi tên thế. Theo Sử ký, thì khoảng Lê Cảnh Hưng có viên đá lớn ở dưới sông tự nhiên dời lên núi, những chỗ đá dời qua, đều có vết tích rõ ràng. Mùa hạ và mùa thu có chim cu núi tập, người địa phương đào lỗ chứa nước, dử chim xuống uống nước đặt bẫy để bắt.
Núi Yên Tâm: ở địa phận thôn Như Nhật, tổng Cấp Dẫn, về phía bắc huyện Kỳ Anh, thế núi tôn nghiêm, có các ngọn Cờ, ngọn Trống, ngọn Voi, ngọn Ngựa ở hai bên cũng hướng vào, sườn núi có chùa, nay bỏ.
Núi Tam Thai: ở địa phận thôn Dã Độ (nay là xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) về phía bắc huyện Kỳ Anh. Núi có ba ngọn, các núi ở địa phận tổng Cấp Dẫn đều phát mạch từ đây. Về phía tây núi có quãng đất bằng chừng trăm mẫu, là thôn Đậu Trại.
Núi Mã Yên*: ở địa phận xã Hà Trung về phía bắc huyện Kỳ Anh, ngọn núi chỗ lên chỗ xuống như hình yên ngựa, nên gọi tên thế, chân núi có một cái gò bằng phẳng, là lỵ sở trấn Nghệ An hồi Lê Sơ; nay dấu vết lũy cũ vẫn còn.
*còn có tên gọi là núi Trà Sơn, thuộc địa phận xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân ngày nay.
Núi Bàn Độ*: ở địa phận xã Đỗ Chữ về phía bắc huyện Kỳ Anh, giáp biển, trên núi có đầm, gọi là đầm Thủy Tiên, tương truyền nước có tiên nữ trong đầm đi ra. Đời Trần, vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, khi thuyền qua đây bị sóng gió không tiến được, phải đem người cung nữ là Nguyễn Bích Châu đặt lên cái mâm đồng dâng cho thủy thần, bấy giờ thuyền mới đi được, nên gọi tên là núi Bàn Độ. Nay bên cạnh núi có đền thờ Chế Thắng phu nhân. Thơ của Bùi Tồn Am có câu rằng: “Thí vấn Thạch Bàn hà xứ tại ?
Niêm lai thùy khiến động trung tiên?”
Nghĩa là:
Hỏi xem mâm đá nơi nào tá?
Trong động lâu nay ai thấy tiên?
Bài thơ của Lục niên cư sĩ (Nguyễn Thiếp) có câu rằng:
“Tiên nữ bất tri hà xứ khứ?
Không lưu đàm nguyệt chiếu nhân gian”
Nghĩa là:
Chẳng hay tiên nữ đi đâu tá?
Trơ trọi trăng đầm chiếu thế gian”.
Trên núi có chùa, gần đấy có núi Càn Hương ở xã Vĩnh Ái, tục gọi “ông Hương bà Độ”.
* Tục gọi rú Đọ, thuộc địa phận xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, cao 441m.
Núi Cao Vọng*: ở địa phận xã Bỉnh Lễ về phía đông bắc huyện Kỳ Anh, một dãy núi liên tiếp, mà ngọn núi này cao hơn cả, theo Sử ký thì khoảng năm Hưng Khánh đời Trần Giản Định, Trương Phụ nhà minh bắt được Hồ Hán Thương ở đây. Bài thơ của Bùi Tồn Am có câu rằng:
“Trương Phụ lai thơi thanh thạch lão
Hán Thương khứ hậu bạch vân ưu”
Nghĩa là:
Trương Phụ đến đá xanh cũng phải già
Hán Thương đi chỉ còn đám mây trắng.
*Núi Cao Vọng hay Cao Vượng, còn có tên khác là rú Voong, nằm ở mé nam Cửa Khẩu, thuộc địa phận xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh ngày nay.
Núi Hỏa Hiệu: ở địa phận thôn Lạc Di về phía nam huyện Kỳ Anh; mạch núi từ Hoành Sơn chia đường kéo đến; đời Lê thường chứa cửi trên núi, phòng khi có báo động thì đốt lửa báo hiệu nên gọi tên thế.
Hoành Sơn: ở địa phận xã Hoằng Lễ về phía nam huyện Kỳ Anh; là chỗ phân địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, một giải núi liên tiếp chắn ngang đến biển; phía đông có núi Đao, đường quan đi qua trên núi, xưa là chỗ phân địa giới giữa Giao chỉ và Chiêm Thành, ở đây có thành bằng đá.
Hòn Yến*: có tên nữa lả hòn Sơn Dương, ở địa phận thôn Thần Đầu về phía đông nam huyện Kỳ Anh. Ở giữa biển cách bờ hơn 300 trượng, trước kia thường có chim yến làm tổ, ít lâu nay không thấy nữa. Ở chân đảo sản xuất thạch quyết minh.
*Nay thuộc xã Kỳ Liên và Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh.
Vũng Yên: ở phía đông núi Cao Vọng địa phận xã Bỉnh Lễ (Kỳ Lợi ngay nay) về phía đông huyện Kỳ Anh, ba mặt đảo có núi bao bọc, trong có vũng nước rất yên ổn, thuyền biển gặp gió bão thường đỗ ở đây. Trên bờ là dân cư hai thôn Vĩnh Trung và Vạn Áng; ít lâu nay đặt hai đồn vuông và tròn, gần đấy lại có đảo Ô Tôn về phía nam.
Cồn Điệp: ở gần núi Bảo Đài thuộc địa phận xã Vĩnh Lưu huyện Thạch Hà về phía Bắc đạo thành, cồn này cao chừng hai trượng, chu vi phỏng 10 trượng, trong đất có nhiều vỏ điệp.