Lược trích trong “Hát phường vải – Ninh Viết Giao”
***
... Biết bao chàng trai đã thức liền đêm này qua đêm khác để đi hát phường vải. Mà địa điểm diễn ra sinh hoạt hát phường vải có gì đâu. Không một dụng cụ âm nhạc để đệm theo. Không diễn xướng như trên sân khấu. Một cái sân nhà, một lối ngõ và chỉ có tiếng hát ngọt ngào qua lại.
Thế mà nhiều chàng trai xa mấy cũng đi, bận mấy cũng đi. Nếu ban đêm bận xay lúa giã gạo thì ngay từ buổi trưa, họ đã cố tranh thủ làm cho kỳ xong. Họ bất chấp cả trời mưa. Mưa to nếu không có tơi nón thì bỏ quần áo vào một cái vò, mình đóng khố, hai tay ôm lấy vò, chạy một mạch tới nơi…Trời lụt cũng cứ đi. Trai chợ Thượng, chợ Hạ vùng Đức Thọ sang hát bên Nam Đàn, về mùa mưa, nước sông lên to, ngập lụt cả cánh đồng, nhưng vẫn cố chèo thuyền sang chỗ có hát cho kỳ được. Bỏ một tối hát thì đêm đó không tài nào ngon giấc. Và sáng hôm sau ăn cơm không ngon, làm việc uể oải, “bụng nó cứ cồn cào thế nào ấy” (lời nhiều bà con nói với chúng tôi như vậy!). Đâu phải chỉ những người biết hát hay biết đặt câu hát mới đi chơi hát phường vải mà cả những người không biết hát: trẻ có, già có, nam có nữ có, cũng say sưa đi nghe hát phường vải. Điều đó thể hiện một trình độ nhất định về nhận thức thẩm mỹ của nhân dân đối với sinh hoạt hát phường vải, một sinh hoạt trang nhã, giàu tình nghĩa. Cho nên, có một điều lạ là sau một đêm hát, mặc dù thức khuya mất ngủ, sáng hôm sau các chàng trai ra đồng làm việc vẫn hăng – có khi năng suất lao động còn tăng thêm nữa. Nhất là sau những đêm đã nghe, đã bẻ, đã đối đáp được những câu hát hay, được bên nữ ca ngợi, thì họ không biết mệt mỏi là gì! Nói cho đúng, có một số chàng trai, say sưa đi hát không phải chỉ vì thích giọng hát hay, ưa câu hát ý vị, mà có khi yêu thương cả người hát nữa.
Đâu phải chỉ “hò hát cho quen, rồi rạng ngày ai về nhà nấy, không há dễ ngọn đèn hai tim” đâu! Chính tiếng hát đã là dây tơ hồng thay nguyệt lão xe kết nhiều lứa đôi. Ở Nam Đàn, nhiều gia đình mà tôi đến sưu tầm, nghiên cứu những câu hát và tục hát phường vải, đã cho tôi hay là các cụ ông cụ bà xưa kia, nhiều người sở dĩ nên vợ nên chồng, sống thuận hòa đàm thắm, là nhờ các đêm hát phường vải. Bà con nói đích danh ông cụ nọ với bà cụ kia nên vợ nên chồng như thế nào và kể cho chúng tôi nghe bao mối tình duyên khác nảy nở trong hát phường vải, nhưng sau rồi lở dở, trắc trở. Thành thử hát phường vải không phải gồm những câu hát chung chung mà thật ra mang những tình ý thực, thiết tha, lành mạnh, chất phác, say sưa của trai gái bình dân. Những tình cảm ấy dạt dào, nhuần nhị trong từng chữ, từng lời của những câu hát còn truyền lại. Những câu như:
Một niềm kết tóc xe tơ
Một niềm chỉ đọi chỉ chờ mà thôi.
Hay
Một niềm chỉ quyết lấy o
Khéo bông khéo vải, khéo lo việc nhà.
Rõ ràng chứa đựng biết bao nhắn nhủ chân thành của một mối tình keo sơn, thùy chung. Cũng vì gắn bó với nhau nồng nàn như vậy, nên nếu vì một lý do nào đấy mà không lấy được nhau, họ đau khổ oán trách tất cả:
Vì ai cho mõ xa đình
Hạc xa hương án cho mình xa ta
Vì ai cho bướm nguôi hoa
Cho tằm nguôi kén, cho ta nguôi mình.
Nội dung câu hát thiết tha, tình tứ, cộng với giọng hát trầm trầm, man mác, uyển chuyển, say sưa, trách gì các chàng trai chẳng bỏ ăn bỏ ngủ đi hát thâu đêm.
Phải có một tình yêu sâu sắc, chất chứa, đắm say; chất chứa, đắm say đến tràn đầy mà phải dồn nén lại trong lòng thì đến lúc bùng ra mới thốt lên những lời, những câu hát da diết như vậy.
Những dòng tôi viết trên đâu phải là suy diễn. Ở Nghệ Tĩnh có một bài vè, bài “Nhởi chơ em đã quen anh” được tác giả diễn đạt khá đầy đủ và thật đắm đuối mối tình lứa đôi nảy nở từ cái môi trường văn hóa ấy, tức là những đêm hát phường vải:
Nhởi chơi em đã quen anh
Ngồi mà ngẫm lại nguồn cơn sao đành
Giá như nghĩa em với anh
Tưởng nên tình chồng vợ
Quên đi thì chớ
Nhớ lại những khi hát đàn
Những lời anh than
Những câu em hát
Cái miệng em hát
Tay em kéo sợi vải ra
Xa quay đàng xa
Lòng em bối rối
Bối rối cái nỗi
Muốn cùng anh gối phượng chăn loan
Ngỏ chưa hết trong câu hát đàn
Em đang để thầm trong dạ…
Tác giả nói đến cơn “say người” tức là say từ câu hát, giọng hát, đến say người hát. Say rượu, say thuốc, say trầu còn có thể dã được. Còn say người, ôi cái tình yêu đến “say người” thì không biết lấy gì mà dã:
Đêm dài than thở
Thanh thơ một đôi lời
Ơi cái cơn say người
Giá như say trầu, say thuốc
Say trầu say thuốc
Thì dã rau răm
Em say anh cả năm
Bie61tla61y chi mà dã!
Say rượu lại khá
Say người quên ăn
Mặt mũi băn khoăn
Em lấy ai chưa lấy.
Có giống như Hàn Mặc Tử trong tập thơ Cẩm châu duyên khi tưởng tượng nàng Thương Thương nghĩ đến Tư Mã Tương Như:
Đã say rồi Tư Mã chàng ôi!
Lòng thiếp nao nao sượng cả người
Thôi thôi hãm bớt cung cầm lại
Lòng say đôi má cũng say thôi.
Có tương tự như Vũ Hoàng Chương với bài thơ “Say”, trong đó có những câu:
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên, quên hết
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi…
Giống mà không giống. Cơn “say người” của cô gái trong bài vè “Nhởi chơi em đã quen anh” cũng như trong bao câu hát phường vải, rất trong sáng, lành mạnh; trong sáng, lành mạnh mà vẫn tha thiết, mặn nồng. Trong cái cơn say người của cô gái không hề vẩn một chút tình dục; cô chỉ nghĩ đến chữ ái ân của đạo vợ chồng.
Đêm nằm lại thấy
Thấy chiêm bao rõ ràng,
Thấy rõ ràng anh đang hát
Hình dung con mắt
Cởi áo ra đắp
Tưởng đạo vợ chồng
Thức dậy hóa không
Em trông mong nỏ chộ
Tình yêu của họ bao giờ cũng đi đến thề thốt gắn bó keo sơn nghĩa là muốn kết tóc xe tơ, thành chồng thành vợ, chung sống lâu dài, trăm năm hạnh phúc đầu bạc răng long:
Đôi ta nay đã trót
Trót mang nặng lời nguyền
Dù ai đẹp như tiên
Ai lắm bạc nhiều tiền
Cũng không bằng bạn cộ (cũ)
Đó là những lời “thệ hải minh sơn”, “lời nguyền với núi non xanh”, “lời nguyền với biển rộng sông dài”, với “trời cao biển lớn”, để cho:
Đẹp ba sinh hương lửa
Vẹn lời nguyền hương lửa.
Tôi phải dẫn bài vè trên và kéo dài đoạn này ra một chút vì có người cho rằng, nội dung của các câu hát phường vải không có tình thực ý thực, mà chỉ là chữ và lời. Tôi sẽ trở lại vần đề này trong mục IV, mục nói về “Con người Nghệ Tĩnh qua nội dung trữ tình của hát phường vải”.
Nhưng trong qua trình phát triển của hát phường vải, trai gái không chỉ thộ lộ, trao đổi tình cảm với nhau mà còn đua trí với nhau nữa. họ thử thách trí thông minh, sự nhanh trí, tầm hiểu biết cuộc sống của nhau. Nhiều chàng trai vì cảm một câu đố ra hay, nhiều cô vì phục một câu đối lại tài tình mà sau này thành bạn trăm năm của nhau. Thử thách trí thông minh không phải chỉ ở chỗ bên nữ hát một câu, rồi bên nam hát tiếp theo sao cho vừa hợp vần, vừa hợp ý hợp tình, mà ngay trong thủ tục một cuộc hát phường vải đã có hẳn một chặng hát đố, hát đối. Buổi đầu có lẽ trai gái chỉ hát đố. Người ta đố nhau về sự vật, sự việc, đố nhau về những tri thức trong đời sống hàng ngày. Nhưng rồi nhà nho tham gia hát phường vải, tham gia từ bao giờ, chưa rõ. Sự kiện này đánh dấu một thời kỳ diễn biến của hát phường vải. từ đấy hát phường vải bắt đầu có sự thay đổi chất…
♫☼ditimnguoithuong.mp3