Nguồn:
- Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí – quyển IV
- Bổ sung tên địa danh mới theo “Từ điển Hà Tĩnh- XB.2000”
Khe suối
Khe Nhự: ở huyện Kỳ Anh, nguồn từ núi Nhự chảy đến đường quan thuộc xã Vĩnh Ái (Kỳ Khang ngày nay), gặp trời mưa nước chảy xiết thì hành khách phải đợi một hai khắc canh mới có thể lội qua được.
Khe Lau: ở phía nam huyện Kỳ Anh, nguồn từ đèo Ngang chảy đến đường quan thuộc thôn Đại Hào (Kỳ Liên ngày nay), nước nông có thể lội qua được.
Khe Mạc: ở phía nam huyện Kỳ Anh, nguồn từ núi Đậu Độ chảy đến đường quan thôn Mạc Khê (Kỳ Giang ngày nay), ở đây có cầu (tục gọi là cầu Úc), nước khe chảy đến thôn Hoàng Giang rồi đổ ra biển.
Khe Long: ở phía nam huyện Kỳ Anh, nguồn từ núi Mã Yên (thuộc địa phận xã Kỳ Lâm ngày nay), chảy vế phía đông qua đường quan, nước nông có thể lội qua, chảy đến thôn Ngưu Sơn, rồi đổ ra biển.
Khe Hạt Thạch: tục gọi là Đá Hạt (thuộc địa phận xã Kỳ Liên), ở phía nam huyện Kỳ Anh, nguồn từ đèo Ngang, chảy qua đường quan thôn Trạch Hậu, có cầu phía đông chảy vào sông Trí.
Khe Mộc Miên: ở thôn Xuân Sơn (Kỳ Lạc ngày nay) về phía nam huyện Kỳ Anh; là chỗ phân địa giới Hà Tĩnh và Quảng Bình, nguồn từ núi Vọng Liễu, chảy về phía đông nam vào sông Lỗ Cảng thuộc tỉnh Quảng Bình, ở đây có đường đi qua, xưa có trạm Mộc Miên gặp mưa to, nước khe chảy mạnh khó đi. Bài thơ của Bùi Tồn Am có câu rằng:
Chung cổ khê lưu trườn xúc thạch
Mộc Miên hà xứ Mộc Hà như?
Nghĩa là:
Từ xưa nước khe vẫn xói đá
Trạm Mộc Miên ở đâu, cây mộc miên thế nào?
Ngày xưa đấy là chỗ phân địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành.
Suối Việt Tỉnh: ở xã Phú Nghĩa, về phía nam huyện Kỳ Anh, trong dãy Hoành Sơn tách ra một quả gò bằng phẳng, bên gò có vách đá, nước từ trong hang đá vọt ra trong mát thơm ngon, người ta nhận là nguồn nước tốt nhất Châu Hoan. Người địa phương đục cây làm máng hứng nước, nước theo lòng máng chảy xuống giống hệt mưa to, chảy ra đồng ruộng, lúa má hoa màu đều được xanh tốt. Tương truyền xưa có viên biên tướng cấm dân không được lấy nước suối, tự nhiên suối bị tắc không chảy nữa, sau phải mổ trâu tế thần và hủy bỏ lệnh cấm, bấy giờ suối lại lưu thông. Bài thơ Bùi Huy Bích có câu rằng:
Ốc tào cấp lựu hà vô vũ?
Nham khiếu phi thoan cái hữu thiên.
Nghĩa là:
Sao không có mưa mà nước tàu chảy mạnh?
Hốc đá nước vọt là do trời.