Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Về với Đồng Lộc thông reo
 
(21h: 29-04-2012)
Bài và ảnh của Phlanhoa
***


Tôi về Đồng Lộc khi trên đồi trải dài những sườn hoa sim tím. Thông reo mơ màng và tiếng ve bắt đầu ngân nga chào đón Hạ sang. Đồng Lộc bây giờ xanh mượt mà, chứ không tan hoang như thời thơ ấu của tôi. Lặng yên trước không gian bảng lảng khói hương, tôi nhớ về những kỷ niệm xưa…

 

Đường lên tháp chuông

 

 

Tháp chuông Đồng Lộc

 

 

Ngày ấy, UBHC tỉnh Hà Tĩnh được lệnh sơ tán từ Thạch Thanh (Thạch Hà) đến vùng đồi núi Quang Lộc (Can Lộc). Nơi này chỉ cách ngã ba Đồng Lộc có mấy cây số và cùng trên cung đường quốc lộ 15A. Người chở tôi đến nơi sơ tán không phải là mẹ tôi mà là o Báu. O Báu xinh đẹp và có mái tóc dài đến khoeo chân. Lai bằng xe đạp đi theo đường ngã ba Giang, o Báu không chỉ chở mỗi mình tôi, mà còn lỉnh kỉnh những soong nồi của bếp ăn tập thể. Khi đến cầu Soông, thì cầu đã bị bom Mỹ phá mất rồi. Lực lượng giao thông bảo vệ con đường vừa bắc vội vài thanh xà gồ qua những nhịp cầu. Những thanh xà gồ ấy, nghe họ nói là vừa mới được dỡ xuống từ những ngôi nhà của những người dân tình nguyện hy sinh cho cuộc chiến tranh. Hai o cháu tôi được lệnh phải qua sông gấp vì cứ khoảng 15 đến 30 phút lại có một loạt bom rơi xuống nơi này. O Báu không thể cõng tôi qua bởi không còn kịp thời gian, o còn phải cõng xe đạp và những soong nồi lỉnh kỉnh. Đứa bé chưa tròn sáu tuổi như tôi lúc đó đã phải trực tiếp đối mặt với sinh tử cuộc đời, chỉ còn một cách duy nhất là phải tự mình qua sông trên một thanh xà gồ có chiều ngang chưa tới 20cm, mà bên dưới là dòng sông chảy xiết và trên đầu là bom có thể rơi bất chợt lúc nào. Dù đứa bé con rất nhẹ, thì sự mỏng manh của thanh xà gồ cũng cứ rung ra rung rinh, khiến tôi phải bò bằng cả bốn chân tay như một con cún. Đến bên kia bờ, o Báu mừng rỡ, ôm lấy tôi khóc nức nở, o nói : “- Mày mà rơi tòm xuống sông, thì o không biết nói với mẹ mày thế nào đây?!”. Nói rồi o Báu vội vàng bồng tôi lên xe, đạp như bay, bởi càng xa cầu Soông bao nhiêu, o cháu tôi càng được an toàn bấy nhiêu.

 

Rồi chiến tranh ngày càng khốc liệt. Khoảng một tháng sau đó, lán tạm của UBHC tỉnh cũng trúng bom, o Báu bị thương bởi bom bi, bác sĩ chẩn đoán o Báu bị khoảng trên dưới một trăm viên bi bắn vào người.

 

Tôi thấy cần nhắc lại cho thế hệ trẻ Việt Nam mai sau được rõ, đừng vì thấy nước Mỹ giàu sang mà quên đi những ngày đau thương này của cha anh mình:

 

- Bom bi: là một loại bom mà bên ngoài giống như hàng trăm ngàn loại bom khác, nhưng bên trong được trộn lẫn thuốc nổ có sức công phá lớn với những hạt bi sắt (viên bi giống như trong ổ bi xe đạp). Khi bom nổ, những viên bi bắn thẳng vào cơ thể con người, nếu trúng chỗ hiểm thì chết ngay, nếu lệch đi một chút thì người đó phải sống trong đau đớn và chết dần mòn theo năm tháng. O Báu mang trong mình trên dưới một trăm viên bi, và cứ hễ trái gió trở trời lại đớn đau, lại thổ huyết, cơ thể ngày càng gầy guộc tong teo, o đã chết sau 8 năm đau đớn! Tổng thống Mỹ dù giỏi lèo lái ba tấc lưỡi đến đâu, thì cũng không thể biện minh nổi lý do họ chế tạo bom bi rõ ràng là để giết người. Nước Mỹ trở thành cường quốc chẳng qua là do những cuộc chinh phạt, và trong những cuộc chinh phạt, thủ đoạn huỷ diệt dân tộc khác của họ thật kinh khủng. Bom bi và chất đi-o-xin có lẽ nên đặt tên là loại vũ khí Mỹ đê hèn, là thứ vũ khí nhục mạ chính danh dự nước Mỹ!

 

Sau đợt o Báu bị thương, bom bi của Mỹ nhanh chóng bị hoá giải bởi những chiếc áo tơi của người Hà Tĩnh. Áo tơi được phệt sơn xanh, rồi cài thêm lá nguỵ trang để ra đồng, đến trường. còn đêm đến, mỗi đứa trẻ chúng tôi được cuộn tròn trong hai chiếc áo tơi, cái lót dưới làm giường, cái đắp lên mà ngủ, thì viên bi và mảnh bom Mỹ coi như chẳng làm gì được.

 

Quốc lộ 15A, lúc bấy giờ là huyết mạch giao thông. Từ con đường này, xe pháo, quân lương đạn dược và những cuộc hành quân xuyên ngày đêm của các lực lượng chủ lực của QĐNDVN, lực lượng TNXP, dân công hoả tuyến lên dãy Trường Sơn, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, để tiến sâu vào các chiến trường Miền Nam, giải phóng đất nước.

 

Tôi nhớ khi đó, bé tí chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ, đó là  tìm lá nguỵ trang cho các chú bộ đội. Dọc con đường này, các chú bộ đội, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong hành quân theo hàng dọc hai bên lề đường, mỗi người cách nhau một mét. Các chú bộ đội, từ ba lô, áo mũ đều màu xanh đã đành, trên đầu và trên ba lô các chú còn gắn thêm những cành lá, để cho máy bay Mỹ nhìn từ trên cao xuống sẽ tưởng nhầm giống như hai hàng cây xanh ven đường.

 

Dân công hoả tuyến thì lỉnh kỉnh hơn. Những chiếc xe đạp phượng hoàng khung ngang được thiết kế thêm hai giá gỗ hai bên để có thể thồ được từ bốn đến sáu bao gạo; những chiếc xe cút cít một bánh dùng để chở lúa khoai trên đồng ruộng; và cả những quang gánh của các mẹ, các bà trong những phiên chợ quê, trên con đường này đều trở thành phương tiện vận tải quân lương cho tiền tuyến.  Hà Tĩnh – Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ thực sự là “quang gánh nối hai đầu đất nước”.

 

Người lớn trong làng thì được giao nhiệm vụ đào hầm cá nhân hai bên vệ đường để bộ đội tránh bom. Còn trẻ con chúng tôi thì hàng ngày chui vào những bụi rậm để tìm những tán lá của cây đùng đình, chặt được thì đem ra đứng chờ ở rìa đường, hễ thấy lá nguỵ trang của chú bộ đội nào héo thì thay lá mới cho xanh lại.

 

Mỗi tối, trước khi ném bom xuống vùng này, Quân đội Mỹ thường thả xuống một hai quả pháo sáng, biến đồi núi Đồng Lộc và những vùng lân cận đêm trở thành ngày, sáng rực cả mênh mông, bởi thế nên dù xe chạy trong đêm trường vẫn phải nguỵ trang. Sau mỗi đêm, tàn tích của ống pháo sáng để lại là một chiếc dù trắng rộng lớn. Các o trong làng đem dù nhuộm với lá bàng xanh và biến nó thành thứ dù nguỵ trang cho xe chạy.

 

42.900 quả bom phá, 12.000 quả bom từ trường, 96.000 bom bi... đã đổ xuống ngã ba này. Tính bình quân một mét vuông đồi núi Đồng Lộc phải hứng chịu 3 quả bom Mỹ trong hai năm 1967 – 1968; Và nhìn tấm bảng ghi danh liệt sĩ trong nhà tưởng niệm, tính ra cũng dễ đến mỗi vài mét vuông từng thấm máu đào của một mạng người. Trong đó, có không ít những liệt nữ tuổi mới mười tám đôi mươi, cuộc đời còn trinh nguyên như trang giấy trắng.

 

"Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang"

(Thơ VươngTrọng)

 

Chiều ngày 24.7.1968, máy bay địch đã dội xuống ngã ba Đồng Lộc 60 quả bom tấn, 10 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống khi có cô đời còn chưa biết nói tiếng yêu thương lứa đôi. Thật là đau thương, nhưng nhìn vào Đồng Lộc hôm nay, lại thấy hiện diện một điều: Bom Mỹ có thể huỷ diệt thân xác các cô, nhưng linh hồn các cô thì mãi mãi bất tử. Đồng Lộc bây giờ thông xanh bạt ngàn, mùi bồ kết cháy khát khao và những triền hoa sim tím ngát. Gương mặt mười cô gái trong ảnh vô cùng thánh thiện, cứ dường như họ chưa hề đi qua chiến tranh. Bất kỳ những con cháu đời sau nào của Nick – son, hay Ri-gân nếu đến nơi này cũng phải cúi đầu trước những anh linh bất diệt.

 

 

 

Mười cô gái Đồng Lộc (Tranh trong nhà bảo tàng chiến tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc)

 

 

Nữ anh hùng La Thị Tám lại khác, hình tượng cô như một nữ thần sông La có phép màu nhiệm, mạng sống của cô bất diệt đến vũ khí tối tân của Mỹ cũng phải đầu hàng. Mỗi ngày, cô cứ một mình ung dung trên đồi cao, ngồi đếm bom rơi: cô đếm xem hôm đó bao nhiêu quả rơi xuống Đồng Lộc, quả nào đã nổ, quả nào chưa, quả nào cần cắm tiêu bom. Cô ăn  trên trận địa, ngủ trên trận địa và kết nạp Đảng trên trận địa. Cứ thế, cứ thế, cô đi qua cuộc chiến tranh với gương mặt tròn bầu bĩnh, còn nguyên nét ngây thơ hồn nhiên trong trẻo. Cả thế giới ngỡ ngàng khi nghe đó là một nữ anh hùng của Việt Nam.

 

Một câu chuyện tình đẹp như vẽ nhưng lại là sự thật 100% trong lịch sử dân tộc của nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng chính tại trên cung đường này:

 

Những đội làm đường hành quân trong đêm

Nào cuốc, nào choòng, soong nồi xủng xoảng

Rực rỡ mặt đất bình minh

Hấp hối chân trời pháo sáng

Đường tim anh in những dấu chân

Chiếc võng bạc trên đường hành quân

Anh đã buộc nhiều cây xoan, cây ổi

Lại đường mới và hàng nghìn cô gái

Em ở đâu tinh nghịch của anh?

 

Bụi mù trời, mùa hanh

Nước trắng khe, mùa lũ

Đêm rộng, đêm dài là đêm không ngủ

Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

“Cạnh giếng nước có bom từ trường

Em không rửa, ngủ ngày chân lấm

Ngày em phá nhiều bom nổ chậm

Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…”

Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa

Thương em, thương em biết mấy

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại

Sẽ giật mình: Đường mới ta xây

Đã có độ dài hơn cả độ dài

Của đường sá đời xưa để lại ¹

(Thơ của Phạm Tiến Duật)

 

Năm ngoái, tôi về Thạch Kim, duyên may được nghe kể về khúc kết của câu chuyện tình lịch sử: Những ngày cuối đời trên giường bệnh, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được chính o thanh niên xung phong mà anh đã đi tìm qua các ngã đường chiến tranh ngày nào tự tay chăm sóc ân cần cho anh. Nghĩa là họ đã tìm thấy nhau, nghĩa là trên con đường huyết mạch đi qua chiến tranh này, tình yêu của họ đã chấm một nét lãng mạn vào sự vĩnh hằng của lịch sử.

 

Theo “Tạp chí học tập”, thì chỉ tính riêng Hà Tĩnh, số đường làm mới trong 3 năm chống Mỹ (1965 – 1967), bằng tổng toàn bộ số đường xây dựng của cả thế kỷ XIX của Việt Nam cộng lại.

 

Và đặc biệt là câu chuyện “Huyền thoại về làng K130” trên baohatinh.vn đăng ngày hôm qua của tác giả Lê Văn Vỵ đã kể về con đường băng qua làng Hạ Lội, thuộc xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc. Đường được mở với sự hy sinh quyết tử cho tiền tuyến của dân làng, đã tự phá dỡ 130 ngôi nhà của mình, trong đó có người hiến đến hai ba ngôi nhà, thậm chí hiến cả hậu sự để lấy gỗ lát đường thông xe đi vào chiến trường.

 

Đồi hoa sim tím trải dài, tháp chuông huyễn hoặc trên đồi thông xanh. Đồng Lộc bây giờ không còn mang vẻ tàn khốc của chiến tranh, mà mang vẻ thanh u của cõi niết bàn. Tôi còn một điều nguyện ước cuối cùng cùng trước khói nhang:

 

- Cầu mong sao BQLDA khu di tích ngã ba Đồng Lộc sớm sửa lại tên, họ, quê quán, và ngày tháng năm sinh của các liệt sĩ trên bia đá tưởng niệm cho xứng đúng với danh vị  của người đã khuất!

 

 

 

Đồng Lộc,18 tháng 4 năm 2012

 

Ý kiến bạn đọc:
TRẦN VĂN THUYÊN

QUA SÔNG SOÔNG NHỚ THỜI ĐẠN LỬA

( Viết tặng PLH )

Xưa chưa tròn sáu tuổi

Qua cầu cây xà gồ

Sông Soông nước cuộn xoáy *

Trên đầu tàu Mỹ bay…

Chiến tranh đã lùi xa

Nay em đã thành bà

Nông thôn vẫn cứ khổ

Trẻ đu dây qua phà…

Tấm lòng em rất đẹp

Trăn trở về quê hương

Mong sao có cầu đường

Để nhân dân đỡ khổ

Trẻ con búp hoa nở

Lời Bác dạy phải thương

Làm sao trẻ bớt khổ

Đêm đêm dạ vấn vương !...

TRẦN VĂN THUYÊN GC:* Sông Soông ở huyên Can Lộc Hà Tĩnh đường lên ngã ba Đồng Lộc di tích lịch sử cách mạng


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Chùa Hương Tích Hà Tĩnh - Hoan Châu đệ nhất danh lam (21h: 24-04-2012)