Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
CU ĐƠ HÀ TĨNH
 
(00h: 20-05-2012)
CU ĐƠ HÀ TĨNHBài và ảnh của Văn Lê
Cám ơn tác giả đã gửi bài cho vidamdodua.com
***


… Thứ quà quê này gắn liền với văn hóa ẩm thực vừa dân dã, vừa cao sang. Còn thú gì hơn, trăng lên, chè xanh đổ bát B 52 (bát sắt, to, dùng cho bộ đội thời chiến) kẹo lạc chặt miếng lên đĩa, ngồi ngoài hiên, ngắm trăng sáng, hưởng cơn gió thổi từ sông Ngàn Phố về mát rượi, chuyện làm ăn, chuyện làng xóm cứ thế mà râm ran…

Huyền thoại về kẹo cu đơ

       Kẹo cu đơ gắn liền với tên tuổi của ông cu Hai, gắn liền với làng Thịnh Xá, một làng quê trù phú, trọng chữ nghĩa, học hành, tấp nập buôn bán phía hữu ngạn dòng sông Ngàn Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới nối liên lạc được với bà Đinh Thị Bình (sinh năm 1925; gọi ông cu Hai bằng chú ruột, trú quán tại Hà Nội từ năm 1960). Bà Đinh Thị Bình (khó khăn lắm) nhớ lại: “Cha tôi là Đinh Nho Vân con cả. Con thứ là chú Vi. Gọi Vân Vi cho chảy ca mà. Chú Đinh Vi con thứ, nên gọi là Hai. Chú Hai sinh khoảng năm 1901, mất khoảng năm 1966. Chú có 5 con hai trai ba gái. Tất cả đều rời quê kiếm ăn. Không ai theo nghề của cha cả. Năm con đã mất 4. Bây giờ chỉ còn cháu Liên (con út) hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng năm 53, 54 gì đó, ta giải tù hàng binh thực dân Pháp về Thịnh Xá. Rất nhiều lính Pháp đến nhà chú Hai ăn kẹo lạc, uống rượu đã phiên chuyển từ “hai” (tiếng Việt) sang “deux” (tiếng Pháp) và tên gọi Cu Đơ có từ ngày đó”.

       Nhưng theo bà Lê Thị Hạnh (77 tuổi, cùng quê) thì biệt danh cu Hai lại bắt nguồn từ giá mỗi đĩa kẹo lạc hai tiền, nên khách quen gọi ông cu Vi là cu Hai.

     Chúng tôi tìm về Thịnh Xá, qua chợ Gôi, rẽ phải, ngoặt ra bờ sông Ngàn Phố là tìm đến đươc nhà của ông cu Hai. Vườn nhà đã bán cho gia chủ khác. Di tích của ông Cu Hai chỉ còn đất vườn. Nhà cửa, cây cối, hàng rào cho đến các công trình trên đất đã khác. Bà Lê Thị Hạnh (77 tuổi) cho biết: Năm 1992, anh Đinh Nho Nguyên (con thứ 3 của ông Đinh Vi) bán vườn nhà cho gia đình bà. Theo bà Hạnh, trước khi làm nghề nấu kẹo, ông cu Hai làm nghề buôn trầu. Hàng ngày, ông quảy hai sọt vào các nhà dân dọc hai bên bờ sông Ngàn Phố. Nhưng rồi lụt bão, trầu chết rũ. Nghề buôn trầu không ăn thua. Ông Hai chuyển sang nấu kẹo. “Tôi không còn nhớ rõ lắm, nhưng ông bắt đầu nấu kẹo khoảng năm 47, 48 gì đó. Kẹo ông Hai nấu là kẹo khuôn. Khuôn làm bằng bẹ chuối. Kẹo nấu xong đổ lên giấy, hay lá chuối. Chỉ bán ở chợ Gôi, Choi. Nhưng từ 1950 trở đi, ở Thịnh Xá có trường Thiếu sinh quân hoc tại trường THCS Sơn Thịnh bây giờ. Hàng ngàn người. Hết lớp này rồi lớp khác. Ngoài bộ đội tình nguyện Việt Lào từ mặt trận Trung Lào cũng về an dưỡng, khoảng năm 1953, 1954 có thêm hàng binh Pháp cũng về đây. Làng Thịnh Xá là hậu phương tấp nập, nhộn nhịp. Nghề kẹo của ông cu Hai “phất” lên từ đó. Hàng ngày, HS, bộ đội, tù binh người Pháp đến nhà ăn kẹo, uống nước chè xanh”. Bà Hạnh nhớ lại

         Kẹo lạc Hương Sơn được nấu từ nguyên liệu lạc, mật mía, chanh, gừng. Lạc và mía được trồng trên những bãi bồi phù sa hai bên bờ sông Ngàn Phồ phì nhiêu. Chanh tứ thì quanh năm ra quả. Ở Hương Sơn, vườn nhà nào cũng có một luống gừng. Gừng trồng trên đất trau nắng, chở từ ruộng về, được tấp nhả bừa (gốc rạ trộn bùn) vừa tốt vừa thơm. Cho nên kẹo cu đơ được nấu từ những thứ nguyên liệu thuần phác nhà quê không trộn lẫn. Làm kẹo, ông cu Hai tuân thủ một nguyên tắc không pha trộn, không sử dụng bất cứ nguyên liệu nào khác được sinh ra từ đất quê.

          Hương Sơn còn nỗi tiếng chè xanh. Chè xanh được trồng trên các dãy đồi lộng gió, thoáng đãng phơi nắng, tắm mưa, xanh mỡ màng. Chè xanh cắt xuống, rửa nước đầu nguồn Ngàn Phố, hãm nước giếng khơi “ ba chò”: Cho chát, cho đặc, cho thơm, mà “đi” với kẹo cu đơ thì phải biết. Sự kết hợp gữa thơm, chát, ngọt quyện vào lưỡi làm nên một vị đặc thù khó quên, khiến nhiều người nghiện. Đã chè xanh phải đi với miếng kẹo lạc. Xong thong thả rít một hơi thuốc Lào ngửa cổ, phả khói lên trời là thú quê không gì sánh bằng. Bao nhiêu mệt mỏi lên thác, xuống ghềnh, nắng mưa ngấm vào xương cốt cứ là tiêu tan. Vì thế cu đơ phải sinh ra từ đất chè xanh. Ăn cu đơ mà không chè xanh thì coi như không phải ẩm thực đúng kiểu cách.

       Thứ quà quê này gắn liền với văn hóa ẩm thực vừa dân dã, vừa cao sang. Còn thú gì hơn, trăng lên, chè xanh đổ bát B 52 (bát sắt, to, dùng cho bộ đội thời chiến), kẹo lạc chặt miếng lên đĩa, ngồi ngoài hiên, ngắm trăng sáng, hưởng cơn gió thổi từ sông Ngàn Phố về mát rượi, chuyện làm ăn, chuyện làng xóm cứ thế mà râm ran. 

       Cho nên, nhà ông cu Hai phải bắc mấy dãy ghế dài. Ra cả ngoài sân, trước ngõ. Khách ngồi dưới bóng tre xanh, nghe chim hót, nghe gió xào xạc, nghe mái chèo vỗ sóng trên sông Ngàn Phố, và hương đồng gió nội quyện với hương mật mía, hương chè xanh ngào ngạt… Kẹo ông cu Hai nấu đổ ra khuôn. Ngoài ra, chiều khách ăn kẹo non, ông cu Hai đổ vào đọi (bát) gọi là “kẹo đọi”. Rồi sau này, kẹo đổ lên lá bánh đa úp lại. Kẹo cu đơ bây giờ là tên gọi cho thứ kẹo ngoài bánh trong kẹo này.

Nhân dân Hương Sơn, Hà Tĩnh đã lấy tên người sáng tạo để gọi tên đặc sản cũng là một cách vinh danh cho người đã có công sản sinh ra thứ quà mang đậm hồn quê.

“ Vi có nghĩa là làm. Cái hay của ông Vi chính là đã làm ra kẹo cu đơ. Kẹo cu đơ gắn liền với một thời kỳ của Thịnh Xá, với phong cảnh trên bến dưới thuyền, với làng quê- hậu phương nhưng là cửa ngõ đón, đưa những đoàn quân, nơi gắn liền với trường học, trường chỉnh huấn, chỉnh quân, với các chợ Gôi, Choi, Phố, Rạp vv…Cu đơ gốc không phải ốp bánh đa như bây giờ. Dân gian lưu truyền rằng: Khách vào ăn kẹo đọi ở nhà ông cu Hai dùng bánh đa múc kẹo lên, thấy ngon, bùi, từ đó kẹo được đổ trên bánh đa. Gốc kẹo đổ vào bánh đa ra đời từ đó!”. Ông Đào Bỉnh (83 tuổi, Sơn Ninh) chia sẻ.

      Nghề nấu kẹo không có gì khó khăn. Bí quyết nhà nghề không có gì bí hiểm cả: “Ông Cu Đơ không dấu nghề. Bà con đến học, ông bày cả”. Bà Hạnh nói.      

       Người dân Hương Sơn trữ lạc trong chum. Mùa mía kéo che, mật trong vại. Thỉnh thoảng ngày nông nhàn làm một nồi, hãm ấm nước chè xanh, làng xóm hú gọi nhau bù khú. Trong ký ức tôi không thể nào quên mỗi lần đến phiên chợ Rạp, mẹ lại cho ra chợ, đến hàng kẹo lạc của bà Duyên. Bà Duyên chít khăn đen, môi ăn trầu đỏ tươi, vừa cười, xởi lởi, cầm dao, giơ dùi (một khúc gỗ) chặt bôm bốp kẹo lạc, gói vào lá chuối khô dúi vào tay tôi. Những hạt lạc vỡ do vết dao chặt bà gom sạch bảo tôi khum tay lại đón lấy. Tôi nhanh nhẩu ngửa cổ, cho vào miệng nhỏm nhẻm nhai khoái chí. Nhưng từ ngày bà Duyên mất, chợ Rạp không ai bán kẹo nữa.

          Tại Thịnh Xá, sau khi ông Cu Đơ qua đời, “thời vàng son” kẹo cu đơ Thịnh Xá đã qua. Cả làng còn lại 5 người nấu kẹo mang ra chợ bán. Ông Nguyễn Văn Hùng (53 tuổi) cạnh nhà ông Cu Đơ kế tục nghề nấu kẹo cho đến nay, nhưng mỗi ngày cũng chỉ một nồi dăm chục chiếc gọi là.

            Kẹo cu đơ có nguồn gốc từ Hương Sơn. Nhưng theo điều tra của chúng tôi cả huyện Hương Sơn, hiện nay, người theo nghề không quá 25. Chủ lò kẹo lớn nhất là của bà Hường (thị trấn Phố Châu).  Lò kẹo cu đơ của bà Hường thường xuyên có 9 thợ làm. Từ tráng bánh, chọn lạc, mua mật, bắc nồi, nấu kẹo, đóng gói, tất cả cung đoạn ấy đều trông chờ vào tay của 9 người đàn bà.  Cu đơ bà Hường nấu tại nhà, không nhập cho các đại lý, sản xuất đến đâu bán đến đó. Không biển quảng cáo, chào mời. Khách mua ăn hay làm quà cho người thân ở xa như Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Mình và nhiều nơi khác.  Kẹo cu đơ nhà bà Hường có hình bán nguyệt như nửa vầng trăng.          

         Từ Hương Sơn, cu đơ đã đi khắp bốn phương. Nghề cu đơ đã ra Nghi Xuân, đến Hồng Lĩnh, xuôi Can Lộc, Thạch Hà, vào Thị xã Hà Tĩnh và có một làng: Làng cu đơ ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh).

 

Căn nhà xưa của ông Cu-đơ nay đã bán cho người khác

 

Làng cu đơ

         Từ bến xe Thành phố Hà Tĩnh đi vào phía Nam, hai bên đường Hà Huy Tập la liệt các biển quảng cáo đủ loại, đủ kiểu, đủ mẫu mã, màu mè bắt mắt, dễ coi rao mời khách hàng dừng chân mua “ Đặc sản kẹo cu đơ Hà Tĩnh”. Người ta dễ dàng nhận ra làng cu đơ không chỉ ở dày đặc biển quảng cáo, mà hương mật mía sắc lên quyện lẫn với vị gừng cay thơm nồng nàn ngào ngạt níu kéo bước chân khách đi đường.

        Những người con xa quê, trên chuyến xe khách dài ngày mệt mỏi, chạm vào cầu Phủ, thoảng nghe hương vị ngọt ngào của kẹo cu đơ là sực tỉnh và biết mình đã ở gần nhà.

       Ông Đặng Minh Thư (83 tuổi) là một trong những người đầu tiên tại Hà Tĩnh sản xuất kẹo cu đơ cho biết: “ Nghề nấu kẹo này, tôi học ở ông cu Đơ (Thịnh Xá, Hương Sơn). Còn nhớ, năm 1952, tôi đi dân công ở Lào, trên đường trở về đến chợ Gôi gặp lũ quét. Không qua đò Choi được, tôi xin nghỉ tạm tại nhà ông cu Đơ. Thế rồi thành duyên phận. Từ ăn kẹo, nhìn, làm, tôi học mót được kỹ thuật nấu kẹo của gia đình này. “Năm 1961, tôi làm công nhân nông trường Cẩm Kỳ. Nông trường trồng nhiều mía, kéo che, sắc mật. Sẵn mật mía, chúng tôi nấu kẹo ăn thường xuyên. Năm 1977, từ Cẩm Xuyên, tôi mua đất gần cầu Phủ và chuyển cả gia đình ra. Từ làng ra phố, vợ bỏ nghề nông, tôi quay sang nghề nấu kẹo cu đơ. Bao nhiêu kiến thức học mót được, tôi đem vận dụng. Đó là năm 1977. Như vậy cũng đã 34 năm rồi!”.     

        Nghề nấu kẹo cu đơ không đòi hỏi vốn liếng nhiều. Một hai cái chảo, một cái lò, dăm cái môi, vài đôi đũa và một ít vốn là có thể hành nghề được.

Chẳng thế mà, hầu hết những người nấu kẹo cu đơ hoặc là cán bộ, công nhân đã nghỉ hưu còn sức khỏe, hoặc là những người nông dân bỏ làng ra phố kiếm kế sinh nhai, hoặc là những người gặp hoàn cảnh éo le, hoặc là học sinh, sinh viên chưa có công ăn việc làm. Anh Nguyễn Đăng Thanh bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống phải nằm điều trị 4 năm ở bệnh viện. Nghề nấu kẹo cu đơ là nguồn sống chủ yếu của gia đình. Hiện nay, lò kẹo của anh Thanh là một trong hai lò lớn nhất ở Thành phố Hà Tĩnh. Trung bình mỗi ngày anh cho ra lò 4 tạ kẹo. Bà Hồ Thị Phương (Phường Đại Nài, 66 tuổi, thương binh 4/4) mỗi ngày nấu thêm nồi kẹo để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Các cháu học sinh PT ngày hè, ngày nghỉ chủ nhật, có thể phụ giúp cha mẹ quạt bánh, thổi lửa, dàn kẹo, đóng gói. Cả tỉnh Hà Tĩnh ước tính có trên 400 lò kẹo thu hút một lực lượng lao động không nhỏ. 

Cháu Dương Thị Hải và Nguyễn Thị Thùy đều từ huyện miền núi Hương Khê, đều tốt nghiệp Trường Trung cấp y tế Hà Tĩnh đang làm tại lò kẹo của anh Nguyễn Đăng Thanh giãi bày: “ Tréo ngoe lắm chú ạ! Bố mẹ cháu trồng mía kéo mật, cho cháu đi học y . Ra trường không có việc làm, may mà có lò kẹo chú Thanh…”.

         Nghề nấu kẹo cu đơ bằng thủ công lấy công làm lời. Có ai đã vào nơi sản xuất lò kẹo mới thấy hết được nỗi vất vả của những người lao động. Một nồi kẹo từ khi bắc nồi lên bếp đến khi nhắc xuống mất gần một tiếng. Thợ nấu kẹo, những ngày nắng nóng, đứng bên lò lửa, liên tục dùng đũa cái, quấy đều mật và kẹo trong chảo cho đến lúc đúng độ. Mồ hôi ròng ròng chảy ướt hết quần áo. Đối với thợ múc kẹo lên bánh đa, có đỡ hơn, nhưng ngồi bên chảo kẹo ngùn ngụt bốc hơi, mà phải làm thật nhanh, chính xác không thể nói là nhàn nhã. Nếu vô ý có thể bị bỏng.

     Để có một tấm kẹo cu đơ ngon nguyên liệu mật, lạc phải loại một. Hà Tĩnh có những vùng đất lạc như đất bãi phù sa ven hai bờ sông Ngàn Phố Ngàn Sâu, sông La hay lạc đất bãi Nghi Xuân, Thạch Trị, Thạch Khê, Thạch Hội (Thạch Hà) có tiếng. “ Lạc cúc Thạch Hà 4 tháng , mỏng vỏ, chắc hạt, dễ giòn. Mật mía ở những cánh đồng mía dưới chân núi Vũ Quang hay ven sông sắc lên cho màu vàng nấu cánh dán, không úng chua, không đổi sắc là vùng nguyên liệu tốt nhất cho kẹo cu đơ”. Bà Hồ Thị Phương (chủ lò kẹo) trao đổi.

      Bí quyết có kẹo cu đơ ngon phụ thuộc nhiều yếu tố. Theo anh Nguyễn Đăng Thanh (chủ lò kẹo) hóm hỉnh “bật mí” : “Với tôi, kẹo ngon phải tuân thủ mấy “l” sau: Lạc, lửa, lẫn, lòng, làng”. Lạc, mật là nguyên liệu. Lạc đều, chắc, giòn. “ Cái hàng kẹo như hàng hoa, chỉ cần một hạt lạc hỏng, hay một chai mật mía chua là hỏng hết cả nồi kẹo”. Vì vậy, từ chảo nấu đến mọi vật dụng phải sạch tinh. “ Lửa” là nói khi sắc, lửa giữ đều. To dễ cháy. Nhỏ không đủ độ để lạc giòn. Củi sắc kẹo phải khô, không khói. Củi ướt, mục, khói cũng làm hỏng hương vị nồi kẹo. Người sành nghề, chỉ cần nhìn hạt lạc trồi lên trong nồi kẹo sôi là biết nhỏ lửa. Hoặc dùng đũa vớt mật lên không chảy mà kéo thành sợi óng ánh. Nhỏ vào bát nước lã đọng kết thành giọt tròn và mùi mật phả lên hương vị ngào ngạt là kẹo chín đúng lửa. “Lẫn” là không lẫn tỷ lệ khi pha chế, không dùng quá nhiều chất phụ gia. Một số lò kẹo ham lời, bỏ nhiều bột nở, kẹo không sáng, cứng, nhai không tan, ăn rát lưỡi. Nhiều nhà cũng dùng thêm mạch nha. Ông Minh Thư (Chủ lò kẹo ông bà Thư Viện) dùng mạch nha đến khoảng 10%. Còn bí quyết của anh Nguyễn Đăng Thanh chỉ dùng hai loại là gừng và tinh chanh. “ Nhưng tùy mùa. Mùa rét, tôi cho gừng nhiều hơn. Ăn kẹo cu đơ có nồng nàn vị gừng nóng râm ran cả người và chống cảm lạnh”. Còn “lòng” là tấm lòng. Sản xuất kẹo cu đơ là lấy công làm lời, không ăn to. 

         Sở dĩ, Hà Tĩnh là quê hương của cu đơ có nhiều lý do trong đó có lý do, người Hà Tinh chất phác, cần cù, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó. Họ nấu kẹo cu đơ để đãi khách, để làm quà, để buôn bán và để giao đãi với bạn bè, thể hiện tấm lòng hiếu khách. Họ để tâm vào nồi kẹo.

        Kẹo cu đơ, ngoài là tấm bánh xù xì, sần sùi, nhưng bên trong là béo bùi của lạc, ngọt ngào của mật, thanh thanh của tinh chanh và nồng nàn cay cay của gừng như tấm lòng hồn hậu, chất phác, tinh tế của người dân Hà Tĩnh không lẫn vào đâu được. Gửi cu đơ cho bà con thân thuộc, về quê mang cu đơ làm quà là để cho con cháu ăn cu đơ mà nhớ về quê cha đất tổ, nhớ về cội nguồn. Như vậy, kẹo cu đơ chứa đựng ý nghĩa tinh thần lớn lao. Còn “làng” có ý nghĩa nhắc nhở, gợi nhớ và “làng” chính là vùng nguyên liệu phải từ đất đai Hà Tĩnh.      

       Kẹo cu đơ không chấp nhận sự dối trá. Chẳng trách người Hà Tĩnh gọi kẹo cu đơ là tấm kẹo. Một tấm kẹo vành vạnh như trăng tròn. Tấm kẹo ấy, được làm ra từ mảnh đất gió Lào nắng lửa, được làm ra từ tấm lòng đôn hậu…Gói tấm kẹo như gói trọn tấm lòng quê thơm thảo

        Ngày xưa kẹo cu đơ được bày bán trong chợ hay ở những quán nấp dưới bóng tre xanh dọc đường. Thật tiếc, cả Hà Tĩnh bây giờ ít có những quán bán kẹo cu đơ với nước chè xanh!

        Ước tính, mỗi ngày chỉ riêng Làng cu đơ TP Hà Tĩnh đã sản xuất và tiêu thụ gần 14 tấn kẹo. Chủ lò kẹo ông bà Thư Viện bán mỗi tấm kẹo cu đơ 12.000 đồng.

Chúng tôi đã ngồi tại nhà ông Minh Thư (chủ lò kẹo Thư Viện) gần hai tiếng đồng hồ. Khách từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam đều dừng lại mua quà. Người mua mươi tấm. Có người mua 100 tấm trả đến 1,2 triệu đồng. Lợi thế, nhà nằm ngay mặt đường Hà Huy Tập nên khách vào ra, tiện đường .Theo ông Minh Thư, mỗi ngày ông sản xuất từ 3 đến 4 tạ nguyên liệu. Kẹo sản xuất ngày nào là tiêu thụ hết ngày đó.

Không có lợi thế ở mặt đường để bán lẻ, sản phẩm của anh Nguyễn Đăng Thanh có mặt ở các đại lý nhiều tỉnh trong cả nước và ra cả nước ngoài. Cu đơ Hà Tĩnh lên xe, lên tàu, lên máy bay và bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu. Nhưng rất nhiều vấn đề đặt ra đáng để chúng ta cùng suy ngẫm.

 

Chế biến kẹo cu đơ

 

Tính chuyện đi xa

       Trước hết các lò kẹo cu đơ Hà Tĩnh nhỏ lẻ. Chủ yếu là sản xuất thủ công nghiệp. Cu đơ Hà Tĩnh vẫn chưa thoát khỏi lũy tre tiểu nông. Cả làng cu đơ Hà Tĩnh chỉ mới có sản phẩm mang nhãn hiệu Thanh Hạnh của anh Nguyễn Đăng Thanh đã được Bộ khoa học và Công nghệ, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Số chất lượng: 75/2007YTHT-CNT. Số đăng ký B012064. Số mã vạch ghi trên bao bì: 8938505461914. Anh Thanh là một trong những người sản xuất kẹo cu đơ Hà Tĩnh biết lo xa, làm ăn bài bản, đàng hoàng và tạo thương hiệu cho kẹo Thanh Hạnh. Đó là điều gợi ý cho các chủ lò kẹo trên địa bàn Hà Tĩnh suy nghĩ.

       Mặt khác, các cơ sở sản xuất cu đơ manh mún, mạnh ai nấy làm. Tại sao tại Hà Tĩnh không ra đời Hội những người sản xuất kẹo cu đơ? Chúng ta thiếu người đề xướng, người tập hợp và liên kết chăng?  Năm 2010, Dự án dạy nghề cho nông dân đã giải ngân hàng tỷ đồng và phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã lột xác bao làng quê. Tại sao nghề nấu kẹo cu đơ với làng nghề truyền thống không được đầu tư và chú ý? Nếu tính sơ lược mỗi ngày tại Hà Tĩnh sản xuất, tiêu thụ khoảng 20 tấn kẹo. Nghề ngỡ như bé mọn ấy, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, mà còn bảo lưu, phát triển nghề truyền thống và chính nghề kẹo đã làm hồi sinh những cánh đồng mía dưới chân núi Vũ Quang hay ven bờ bãi sông ngàn Sâu, ngàn Trươi, ngàn Phố. Một thời mía nguyên liệu có mặt khắp nơi, cung ứng cho nhà máy đường Linh Cảm. Nhưng khi nhà máy đường Linh Cảm tan đàn, sẻ nghé, nhân dân chết đứng với những cánh đồng mía đành gạt nước mắt quay lưng. May mà nghề kẹo đã giữ lại giống mía trên những cánh đồng Hà Tĩnh. Nhưng mật mía Sơn Thọ (Vũ Quang ) không đủ cung cấp cho làng nghề. Thế là dân lò kẹo cu đơ phải nhập mật mía từ Nghĩa Đàn, Nghệ An. Nghề nấu kẹo cu đơ thủ công vô cùng vất vả.

      Dân làng nghề ước ao có một Mạnh thường quân quy hoạch vùng nguyên liệu (mía, lạc), đầu tư cho nguyên liệu đảm bảo chất lượng và ao ước trong số những người con Hà Tĩnh có ai thương người nông dân sáng chế máy móc để giải phóng sức người?

       Khi sản phẩm kẹo cu đơ thả nổi trên thị trường, làm nẩy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến thương hiệu kẹo Hà Tĩnh. Trong chuyến khảo sát dài ngày, chúng tôi phát hiện được một số cơ sở đại lý, một số nhà hàng, phân phối trên địa bàn Nghi Xuân tiêu thụ sản phẩm kẹo cu đơ Hồng Phú đã không chú ý cơ sở sản xuất này gian lận thương hiệu. Mặc dù cơ sở kẹo này sản xuất tại Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) nhưng nhãn mác ghi: “Đặc sản cu đơ Hà Tĩnh”. Kỳ lạ nhất là thông tin được in đậm bằng chữ đỏ: “ Đã được Hội đồng nhân dân tỉnh tặng danh hiệu nghề gia truyền”. Tỉnh nào? Tỉnh Hà Tĩnh chưa tặng ai danh hiệu này. Còn nếu là Nghệ An thì sao lại ghi trên bao bì “Đặc sản cu đơ Hà Tĩnh”? 

       Một số chủ sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh còn phản ảnh hiện tượng đánh tráo như cơ sở sản xuất Hồng Phú không phải là cá biệt!  Nhưng, buồn thay chưa thấy ai vào cuộc, chưa thấy ai đứng ra bảo vệ thương hiệu cu đơ Hà Tĩnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để cho đặc sản cu đơ Hà Tĩnh mang trọn tấm lòng quê đến với bè bạn bốn phương! Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ đến cu đơ Thịnh Xá, cầu Phủ sẽ lên máy bay đi khắp năm châu bốn biển, không chỉ đến các nước Á, Âu, mà còn đến với châu Mỹ, châu Phi. Tại sao không? Bằng chứng là cu đơ Thanh Hạnh đã lên máy bay xuất ngoại.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Tập huấn Dân ca ví dặm xứ Nghệ (10h: 05-04-2012)
 Tổ chức Festival dân ca, ví dặm xứ Nghệ (14h: 16-03-2012)
 Nước lụa Đức La (17h: 30-07-2011)
 Lịch sử tên gọi La Giang – Đức Thọ (22h: 07-07-2011)
 Ra đi nổi tiếng làng Quỳnh (17h: 30-10-2010)
 Làng Phúc Lộc (20h: 12-11-2010)
 LÀNG HƯNG NHÂN (19h: 17-11-2010)
 LÀNG GIA PHỔ (16h: 20-11-2010)
 Hội đồng hương Đức Thọ tại Vũng Tàu Đầu xuân (11h: 14-02-2011)
 Làng Nguyễn Xá (23h: 09-12-2010)