Tác giả: Lê Văn Tùng
Nguồn & Tiểu sử tác giả: levantunght.blogtiengviet.net
***
Thạch Hà là miền quê hương của ba vua: Hắc đế Mai Thúc Loan, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền). Có thể có bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên khi đọc đến những dòng này. Song mọi điều sẽ rõ hơn khi chúng ta lần về những năm lịch sử từ thế kỷ thứ X trở về trước.
Mai Thúc Loan quê ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thì sử sách đều đã chép rõ. Mai Phụ là một trong ba làng nhỏ dưới chân núi Quỳnh Viên- Nam Giới, bên cửa Sót. Đến thế kỷ XV ba làng đó vẫn gọi là Kim Đôi, Vĩnh Tuy và Mai Phụ. Sau khi sông Hà Hoàng đổi dòng từ cửa Dương Luật chuyển sang cửa Sót thì hai làng Vĩnh Tuy, Mai Phụ phải dời dọn đi nơi ở mới và nơi đó là vùng Mai Phụ, Hộ Độ thuộc huyện Lộc Hà hiện nay. Dân gian còn truyền kể xưa dưới núi Quỳnh Viên có cồn đất gọi là Cồn Mơ (chữ Hán viết là Mai Phụ). Cũng theo lời truyền thì mẹ Thúc Loan làm nghề nấu muối và sinh Thúc Loan ra ở đó, sau ông theo mẹ lên ở làng Ngọc Trừng, huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày nay. Thúc Loan lớn lên trở thành một chàng trai mạnh khỏe, thông minh, hăng hái và có chí lớn, được dân trong vùng tín phục.
Khoảng năm Quý sửu (713), được dân các châu Hoan, ái hưởng ứng, Thúc Loan tập hợp được 30 vạn người, lại liên kết với các nước Chăm Pa, Chân Lạp, Mai Thúc Loan đứng lên khởi nghĩa chống quân đô hộ nhà Đường. Ông đưa quân ra thẳng phủ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), đánh đuổi viên đô hộ Quang Sở Khách về nước. Mai Thúc Loan xưng là Hắc Đế, đóng đô ở thành Vạn An, dưới Rú Đụn (Nam Đàn)…
Còn Phùng Hưng và Ngô Quyền thì các tài liệu đều ghi quê ở Đường Lâm, Phong Châu. Đó là làng Đường Lâm ở Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) và Đường Lâm thường được gọi là đất hai vua, ở đó có cả đền thờ của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và lăng mộ Ngô Quyền. Tuy nhiên lần ngược dòng lịch sử thì thời cha ông của Phùng Hưng và Ngô Quyền chưa tìm thấy trong sử sách có làng (hoặc xã, huyện) Đường Lâm ở Hà Tây, mà chỉ có châu (có khi là huyện) Đường Lâm Phúc Lộc ở phía nam Hà Tĩnh.
Sách Đường thư địa lý chí chép về quận Phúc Lộc- Đường Lâm: "Trước là quận Phúc Lộc, năm Tống Chương thứ hai (669), Trí châu Thứ sử là Tạ Pháp Thành chiêu dụ sinh lạo các nơi… hơn 70 bộ lạc đến ở vào đất Đường Lâm cũ. Năm Đại Định thứ nhất (701) đổi gọi là châu An Vũ. Năm Chí Đức thứ hai (757) đổi gọi là quận Đường Lâm. Năm Càn Nguyên thứ nhất (758) lại gọi tên châu cũ…. Hộ: 317, có ba huyện: Nhu Viễn (trước là An Viễn), Đường Lâm, Phúc Lộc".
Sách Đại Việt địa dư toàn biên (Q1), phần Phụ lục phương dư kỷ yếu khi viết về thành Phúc Lộc cũng có những chi tiết tương tự: "Thành này ở phía đông nam phủ Giao châu, tức là châu Đường Lâm trong thời Vũ Đức (618- 627), nhà Đường đặt là châu ki mi (châu ràng buộc lỏng lẻo). Đầu năm Trinh quán (627) bỏ đi. Năm Tống chương thứ 2 (669), thứ sử Trí châu là Tạ Pháp Thành, chiêu dụ hơn 70 bộ lạc man lạo… lấy đất châu Đường Lâm cũ đặt làm châu Phúc Lộc. Năm Đại túc (tức Đại định) thứ nhất (701), đổi tên là châu An Vũ. Đầu năm Thần long (705) lại gọi tên cũ. Đầu năm Thiên Bảo (742) gọi là quận Phúc Lộc. Năm Chí Đức thứ 2 (757), lại đổi là quận Đường Lâm. Đầu năm Càn nguyên (758) lại gọi là châu Phúc Lộc, rồi lại bỏ. Huyện lị cũ của huyện Nhu Viễn tức là lỵ sở của châu Phúc Lộc, vốn gọi là huyện An Viễn. Năm Chí đức thứ 2 (757) đổi là huyện Nhu Viễn, lại đặt hai huyện Phúc (và) Lộc ở châu Đường Lâm."
Sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh, khi viết về Phúc Lộc châu, Đường Lâm quận (Tr 102), lại cũng nêu những chi tiết tương tự. Nhưng vị trí châu (hoặc quận) Đường Lâm thời ấy là ở đâu thì Đường thư địa lý chí chép: "Từ Hoan châu đi về phía đông hai ngày đến huyện Ninh Viễn (tức Nhu Viễn), châu Đường Lâm, đi về phía nam qua sông Cổ La hai ngày đến nước Hoàn Vương (Chiêm Thành)…"
"Thành Hoan Châu" ở phía tây nam phủ Giao Châu, đời Đường, năm Trinh quán gọi là Hoan châu, rồi kiêm đặt phủ đô đốc. Theo các tài liệu về phong thổ địa phương các nhà nghiên cứu cho rằng thành Hoan Châu có thể ở vào vùng Nam Đàn, Nghệ An ngày nay. Từ đây đi về phía nam qua sông Cổ La (tức sông La Đức Thọ, Hà Tĩnh) là theo đường núi vào Quảng Bình ngày nay, đến Hoàn Vương (tức Chiêm Thành). Đi về hướng đông là theo dọc bờ biển vào nam Hà Tĩnh bây giờ, tức là vào Đường Lâm Phúc Lộc xưa.
Đào Duy Anh (trong sách đã dẫn) có trích Thái bình hoàn vũ ký nói từ Hoan châu đi về phía đông theo dọc biển đến châu Phúc Lộc là 120 dặm, và ông cho rằng đó là vùng nam Hà Tĩnh…
Nguyên hòa chí chép: Châu Đường Lâm đến phủ (tức An Nam đô hộ phủ đặt ở Phong Châu) ước 1000 dặm.
Vậy là đã rõ: Châu quận Đường Lâm- Phúc Lộc chỉ là một, được thiết lập từ thời thuộc Đường và ở về phía nam Hà Tĩnh, cách Phong Châu ngàn dặm. Các sách trên cũng đều chép: Họ Phùng đời đời làm châu mục châu Đường Lâm, hoặc Phùng Hạp Khanh, bố Phùng Hưng làm châu mục Đường Lâm và đã tham gia khởi nghĩa Mai Hắc Đế. Ngô Nhật Đại là hào trưởng và cháu đời thứ tư Ngô Mân (tức bố Ngô Quyền) làm châu mục Đường Lâm. Tộc phả chi họ Ngô Thanh Hoa do Hán Quốc công Ngô Lan soạn năm Đinh dậu 1477 cũng ghi phả hệ như sau: Vị khởi tổ là Ngô Nhật Đại, hào trưởng châu Phúc Lộc, từng tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Cháu ông là Ngô Đình Thực và chắt là Ngô Mân (bố Ngô Quyền) đều làm châu mục châu Đường Lâm. Vậy là cái châu Đường Lâm mà họ Phùng, họ Ngô đời đời làm châu mục rồi tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chính là vùng đất Thạch Hà hoặc châu Thạch Hà cũ. Còn tên làng, xã, hoặc huyện (không phải châu) Đường Lâm, Phúc Lộc, ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thời thuộc Đường chưa thấy xuất hiện. Không rõ Kẻ Mía hay Làng Mía tên Hán Việt là Cam Giá, sau này là Cam Lâm, chính là nơi đặt Phong Châu đô đốc phủ thời thuộc Đường (Tân tỵ 621, Đinh mão 907) và cách Hoan châu hàng ngàn dặm, đến thời nào mới được gọi là làng hoặc xã Đường Lâm, chỉ thấy sử sách chép năm Bính tuất (1886), kị húy vua Đồng Khánh mới đổi Đường Lâm thành Cam Lâm. Còn tên huyện Phúc Lộc ở đây thì mới xuất hiện thời Lê, sau đổi thành Phú Lộc (có người nói đời Tây Sơn đổi). Đến Gia Long lại lấy tên Phúc Lộc. Năm Minh Mệnh thứ ba lại gọi là Phúc Thọ và tên Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội) dùng cho đến ngày nay.
Nhưng điều khá rõ ràng là làng (hoặc xã) Đường Lâm, Ba Vì, Hà Tây, nơi có lăng mộ và đền thờ hai vị vua Phùng Hưng, Ngô Quyền là quê mới của Phùng Hưng và Ngô Quyền. Ta có thể cho rằng Phùng Hưng, Ngô Quyền đều có quê gốc ở châu Đường Lâm, nhưng rồi khi ra làm vua ở Làng Mía (Phong Châu) đã lập ra quê mới ở đây, còn cố hương của hai vị, nơi tổ tiên của các vị "đời đời làm châu mục" thì ở châu Đường Lâm vùng Thạch Hà, hoặc rộng hơn là vùng nam Hà Tĩnh hiện nay. Thời đó ở vùng Hà Tây chưa tìm thấy có Đường Lâm, Phúc Lộc. Hai đơn vị cách nhau hàng ngàn dặm, có sự trùng tên, nhưng khác về quy mô đơn vị hành chính và sự xuất hiện cũng có thể cách nhau hàng trăm năm, rồi có thể ngẫu nhiên mà trùng tên, hay như nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy trong địa chí huyện Can Lộc (1998), có nêu một ý kiến: Có thể các vị Phùng Hưng (hoặc Ngô Quyền) đã lấy tên châu quê cũ đặt cho làng quê mới (?), chuyện này cũng không hiếm trong lịch sử.
Một số nhà địa phương học ở Hà Tĩnh, khi nghiên cứu các địa danh cũ còn gọi đến sau này như Chỉ Châu (Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh), Thu Chỉ (Thạch Lạc, Thạch Hà) và một số gia phả các dòng họ, đặc biệt là gia phả các chi họ Ngô - Thanh Hoa do Hán Quốc công Ngô Lan soạn năm Đinh dậu, đời Lê Thánh Tông (1477), chi họ Ngô --Trảo Nha do tiến sĩ Ngô Phúc Lâm soạn năm Mậu thìn 1784, gia phả chi họ Ngô - Chỉ Châu (Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Lạc) và một số họ khác…thì có thể đoán định khá chắc chắn rằng Đường Lâm huyện hay Đường Lâm châu đều bao gồm vùng Cửa Sót, vùng duyên hải Thạch Hà, và có thể đây chính là vùng lỵ sở của châu (huyện) Đường Lâm - Phúc Lộc, một miền quê cũ của ba vị vua: Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền và tổ tiên họ, những người đồng hương họ Phùng, họ Ngô xưa đã từng tham gia từ đầu cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
