Lược trích trong cuốn: “Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử - Đoàn Tử Huyến chủ biên – NXB Nghệ An”
***
Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Quý Tân tuy hơn thua nhau đến 36 tuổi, nhưng do phục tài đức của nhau mà thành bạn tâm giao, tri kỷ.
Nguyễn Quý Tân là con một nhà nho dòng dõi thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi, được bổ làm tri phủ Quốc Oai, nhưng ông chẳng lấy làm thích thú. Chán cảnh quan trường tù túng, Nghè Tân bèn bày một bữa đánh bạc thật to, sau đó bỏ cả ấn tín, bỏ cả quan tước, rời công đường đi ngao du, và tất nhiên như vậy là thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Một lần thương bạn, Nguyễn Công Trứ xin cho Nghè Tân được bổ đi làm Giáo thụ ở Bình Giang. Có lẽ vì quá nể quan Tổng đốc, nên Nghè Tân miễn cưỡng nhận lời, tuy nhiên vẫn tìm cách “gây sự”: ông sai con trai đem một bức thư cùng mũ áo, cờ biển Tiến sĩ sangdinh cụ Trứ xin cầm cố lấy chút tiền làm lộ phí. Nguyễn Công Trứ mở thư ra xem thì thấy đó là một bài thơ đường luật, mỗi câu thơ có tên một con vật:
Có nghề mà lại cậy chi nghề,
Nghề thế ai ngờ lại hoá nghê!
Vạn sự bất như, thân cũng hổ
Nhất văn vô hữu, nợ còn be
Công danh chỉ tổ đồ khoe mã
Cờ biển còn hơn của ướt sề
Bôn tẩu làm chi cho rách gấu
Thà rằng ngồi đó vuốt râu dê.
Tổng đốc Trứ biết tính nết Nghè Tân nên sai người lấy tiền, trả lại mũ áo cờ biển cho con trai Nghè Tân mang về, không quên kèm theo bài thơ hoạ nguyên vận, mà số từ chỉ thú vật còn tăng thêm 3 con so với bài của Nghè Tân.
Tám vạn nghìn tư thứ ngỗng nghề
Thứ nghề áo mũ thứ nghề nghê!
Mày râu ngẫm lại lòng thêm hổ,
Thư kiếm sao đành dạ bỏ bê.
Xanh đỏ rẻ cùi khoe tốt mã
Phong lưu khỉ gió hót đầy sề
Xin đừng dở thói văn chương nữa
Bán chó sao ngoài lại thủ dê?