
Ghi chú: Để bài trừ sự mê muội quá đà đẫn đến bị các thầy cúng lợi dụng, khiến cho nhiều nhà chỉ vì tang gia mà tán gia bại sản. Bài này Phlanhoa chắt lọc nội dung từ Mật tông kinh Phật pháp và một số học hỏi đúc rút kinh nghiệm trong dân gian của bản thân mình. Nay xin công khai để bà con ai ai đọc rồi cũng biết, cũng hiểu xem có nên tin, và tin thì phương pháp tự xử lý ra làm sao... Kính mong bà con sáng suốt!
***
Chú ý: Phan Lan Hoa không phải thầy cúng. Không có ý định làm nghề thầy cúng ăn tiền thiên hạ.
Quý vị bạn đọc tự nghiên cứu và áp dụng cho thân quyến của mình. Chỗ nào không hiểu mới hỏi. Tôi không trả lời các trường hợp nhờ coi dùm. Mong quý bạn đọc thông cảm.
Trùng tang – phép tính và phép giải
Xưa nay trong dân gian, thường có những cảnh tai ương trong các gia đình, dòng họ, có những dòng họ cứ mỗi năm lại chết một người; nhanh hơn mỗi tháng chết một người; thậm chí có khi ba ngày, hoặc bảy ngày sau đã có người ra đi tiếp theo. Hiện tượng này được gọi là Trùng tang.
Khi xảy ra hiện tượng trùng tang, các gia đình thường lo sợ hoảng loạn, vái lạy tứ phương, các thầy pháp sư nhân dịp này để bày trò lừa gạt nhân dân, nhiều khi vì tin lời thầy cúng dẫn đến sạt nghiệp gia cư, mà tai họa vẫn hoàn tai họa.
Để giúp nhân dân lấy lại bình tĩnh. Tôi xin tập hợp lại những nghiên cứu sách vở của mình, tổng kết lại thành một nội dung bao gồm cách tính trùng tang, phương pháp xem ngày giờ nhập liệm, giờ chôn cất, kiêng cữ trong gia đình và đặc biệt là bài thuốc giải trùng tang. Từ đó, mà khi trong nhà có người chết, lập tức bà con có thể biết được ngay cái chết của thân nhân nhà mình có gặp trùng tang hay không để mà kịp thời xử lý…
A. Phép tính trùng tang:
Tị
Trùng tang
|
Ngọ
Thiên di
|
Mùi
Nhập mộ
|
Thân
Trùng tang
Nữ khởi tính tại Thân theo chiều nghịch
←
|
Thìn
Nhập mộ
|
|
Dậu
Thiên di
|
|
Tuất
Nhập mộ
|
Dần
Trùng tang
Nam khởi tính tại Dần theo chiều thuận ↑
|
Sửu
Nhập mộ
|
Tý
Thiên di
|
Hợi
Trùng tang
|
1. Ý nghĩa của Trùng tang, Nhập mộ và Thiên di:
- Nhập mộ: nghĩa là lý do chết bởi đến đó hết số rồi nên phải chuyển kiếp. Người ra đi được nằm xuống vĩnh viễn, không còn vương vấn trần ai. Thể hiện sự an lành, yên nghỉ. Người chết mà được cả năm, tháng, ngày, giờ đều nhập mộ thì được coi là cái chết phúc đức để đời cho con cháu. Nhưng chỉ cần khi tính trùng tang mà gặp năm tuổi là nhập mộ, nghĩa là người chết đã hết số. Ngày giờ dù có trung tang cũng không còn quan trọng. Trong họ tộc đang gặp trùng tang mà có người chết vào tuổi nhập mộ thì trùng tang coi như đã được hóa giải, không còn phải lo lắng nữa.
- Thiên di: là dấu hiệu ra đi số do “Trời định”, người mất lúc đó được trời đưa đi. Sự ra đi này nằm ngoài mong muốn của người mất, nhưng cũng là hợp với lẽ trời. Số này thường được giải thích theo hai lý do là do kiếp trước hoặc là tiên, hoặc là quỷ sứ bị đầu thai dáng làm kiếp người, hết thời gian tu luyện, bị Trời bắt đem về lại.
- Trùng tang (kiếp sát): là dấu hiệu ra đi không hợp số phận, chưa tới số mà phải chết oan uổng, có sự oán thán nào đó của cõi âm, gây ảnh hưởng tới người ở lại. Theo quan niệm xưa, nếu gặp phải trùng tang mà không có “Nhập mộ” nào thì cần phải làm lễ “trấn trùng tang”.
2. Phép tính để nhận biết trùng tang:
Theo sách “ Tam Giáo Chính Hội”:
Nam nhất thập khởi Dần thuận liên tiến,
Nữ nhất Thập khởi Thân, nghịch liên tiến,
Niên hạ sinh Nguyệt,
Nguyệt hạ sinh Nhật,
Nhật hạ sinh Thời. Ngộ :
- Tý - Ngọ - Mão - Dậu: Thiên di.
- Dần - Thân - Tỵ - Hợi: Trùng tang.
- Thìn - Tuất - Sửu – Mùi: Nhập mộ cát dã”.
Người chết dưới 10 tuổi không tính trùng tang. Trường hợp còn lại, cứ theo thứ tự bắt đầu từ năm mất như sau:
- Nam khởi tính trùng tang tại cung Dần và đi thuận theo chiều kim đồng hồ; Nữ khởi tính tại cung Thân và đi ngược chiều kim đồng hồ.
Tính tuổi mất: Số năm chẵn, cứ 10 năm thì nhảy một cung (10,20,30..), hết năm chẵn thì số tuổi lẻ mỗi năm nhảy một cung, tính đến tuổi mất thì dừng, dừng tại cung nào thì xem cung đó coi thử tuổi mất là nhập mộ, thiên di, hay trùng tang;
Tính tháng mất: Hết phần tính tuổi thì đến tính tháng mất. bắt đầu từ cung kế tiếp, mỗi tháng nhảy một cung, bắt đầu từ giêng, hai, ba..., tính cho đến tháng mất thì dừng;
Tính ngày mất: Hết phần tính tháng thì đến tính ngày mất ở cung kế tiếp bắt đầu từ ngày mùng một, mỗi ngày nhảy một cung, tính cho đến ngày mất thì dừng;
Tính giờ mất: Hết phần tính ngày mất thì bắt đầu tính giờ mất ở cung kế tiếp, mỗi giờ nhảy một cung bắt đầu từ giờ Tý, tính cho đến giờ mất thì dừng;
Tính giờ liệm: Hết phần tính giờ mất, tính giờ liệm từ cung tiếp theo bắt đầu từ giờ mất, chọn giờ liệm tại các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Khi vào cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi rồi muốn tốt hơn nữa, nên đối chiếu xem đó là giờ nào trong ngày, hoàng đạo hay hắc đạo? Giờ liệm tốt nhất khi cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi rơi vào sao Kim Quỹ là sao chủ về phúc đức, hoặc sao Tư Mệnh (Phương Liên) là giờ hành đạo của Phật.
Giờ liệm rất quan trọng, bởi quan niệm của người Việt, sau khi bó người chết nằm vào quan tài, sẽ làm phép hú 3 hồn 7 (9) vía về nhập xác. Sau khi đóng nắp quan tài là coi như thủ tục chuyển kiếp cho người chết đã hoàn tất, tựa hồ như trên trần gian đã xong việc khai sinh, nhập khẩu, chôn chỉ là việc tất yếu.
Kiêng kị khi nhập liệm:
- Đối với người thân trong nội tộc, khi có trùng tang không được tham gia nhập liệm, mà cần phải nhờ người ngoài hoặc họ xa bên ngoại thực hiện.
- Nhưng nhờ người ngoài vẫn phải: “Long - Hổ - Kê - Xà tứ kị sinh nhân ngoại”, nghĩa là người không ruột thịt có tuổi Thìn, tuổi Dần, tuổi Dậu, tuổi Tị không bao giờ được đứng nhìn nhập liệm, kế cả trường hợp không trùng tang. Ngoài ra kị người có cung phi bát trạch xung khắc với vong mệnh;
- Không hành lễ người chết trùng tang trong nhà, mà phải liệm tại nhà táng công cộng. Gia quyến không được khóc thành tiếng khi nhập liệm;
Tính giờ hạ huyệt (giờ chôn): Hết phần tính giờ liệm, tính tiếp giờ chôn ở cung tiếp theo và giờ tiếp theo sau giờ liệm, chọn giờ chôn tại các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Sau khi vào cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi rồi, muốn tốt nữa, nên đối chiếu xem các cung ấy có rơi vào ngày, giờ hoàng đạo hay không? Nhị thập bát tú thuộc sao gì? Nếu chưa vào giờ, ngày hoàng đạo; hoặc cần lui thời gian đưa tang để tổ chức lễ viếng, thì có thể bỏ qua vòng tính đầu, tiếp tục tính thêm nhiều vòng nữa cho đến ngày, giờ như ý thì chọn.
Nhiều bạn đọc hỏi, khi tính được cung Tuất, Sửu, Mùi rồi mà rơi vào giờ kị, ngày kị thuộc long, hổ, kê, xà thì có chọn được không?
Xin thưa: Sách chỉ nói là khi nhập liệm thì kị người ngoại tộc có tuổi Long, Hổ, Kê, Xà nhòm vào, bởi Tứ kị là đại diện cho năng lực dương, nhòm vào dễ làm cho người chết lúc đó chỉ còn năng lực âm dễ húr điện mà dựng lên, còn như khi đã đậy nắp quan tài rồi, thì không còn phải kị nữa. Cho nên quý vị phải tự sáng suốt mà định liệu, không nên để gia đình rơi vào tình trạng một người chết hàng bao nhiêu người sống hoảng loạn. “Long - Hổ - Kê - Xà tứ kị sinh nhân ngoại”, nghĩa là kị những người nogại tộc có tuổi trong Tứ kị trên, chứ không phải là kị năm, tháng, ngày, giờ Long - Hổ - Kê – Xà. Trên thực tế khi tính toán, nếu kị cả năm, tháng, ngày, giờ có Long - Hổ - Kê – Xà, sẽ có những trường hợp không thể tránh được.
Ví dụ:
Một người nam 38 tuổi, mất vào giờ sửu, ngày 19/8/2014 (tức 24.7 âm lịch)
Như đã nói trên, “ nam nhất thập khởi Dần thuận liên tiến ”, sẽ có 10 tuổi tại Dần, 20 tại Mão, 30 tại Tị, 31 tại Ngọ,…--> 38 tại Tý, nhằm cung Thiên di. Bấy giờ tiếp tục tính tháng mất ở cung kế tiếp tháng 1 tại sửu, tháng 2 tại Dần,…, tháng 7 rơi vào cung mùi là nhập mộ; Tính ngày mùng 01 từ cung tiếp theo là Thân, mùng 2 là Dậu,…, 24 vào cung Mùi là nhập mộ; Tính giờ tý từ cung tiếp theo là Thân, tới giờ Sửu nhằm cung Dậu là Thiên Di. Như vậy ngày giờ mất hợp đạo rồi.
Bây giờ tính sang giờ liệm. Khởi ở cung tiếp theo, giờ Dần ở cung Tuất, giờ Mão ở cung Hợi… rốt cuộc cung nhập mộ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi đều rơi vào giờ Dần, Thân, Tị, Hợi, biết tránh làm sao đây? Và rất logic, mỗi ngày có 12 cung giờ như nhau, nên dù có đếm tiếp tục, thì những ngày sau, sau nữa các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi vẫn rơi vào các giờ Dần, Thân, tị, Hợi, nghĩa là trùng vào 3 trong tứ kị (Long, hổ, Xà). Do đó không nên kiêng kị giờ, hãy tính cung thôi, rồi đối chiếu sang giờ hoàng đạo để chọn giờ trong các cung đã tính được. Nếu nhằm vào sao Kim Quỹ (phúc đức); hay Tư Mệnh (giờ hành đạo của Phật) thì tốt nhất, nếu không các giờ hoàng đạo khác cũng tốt.
Cụ thể trong trường hợp này: mất giờ Sửu ngày 24.7 âm lịch, nên tìm giờ liệm ở cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi sẽ rơi vào giờ Dần, Thân, Tị, Hợi như đã nói trên. Chiếu qua Hoàng Đạo, sẽ thấy: giờ Dần có sao Tư Mệnh; giờ Thân có sao Kim Quỹ; giờ Tị gặp sao Minh Đường, giờ Hợi có sao Ngọc Đường. Chết giờ Sửu thì giờ Dần chắc chắn phải bỏ qua vì cận kề quá không kịp trở tay, mà biết đâu người chết còn có thể sống lại? Vậy chọn giờ Thân có sao Kim Quỹ là hợp lý nhất.
Tìm được giờ liệm rồi, tính tiếp giờ hạ huyệt. Ngày 25 là ngày hắc đạo; đồng thời tháng 7, ngày 25 là ngày kị chôn cất. Ngoài các kiêng kị đó ra ra gia đình còn phải có thời gian phát tang và tổ chức lễ viếng nên không thể chọn. Vậy thì phải tính tiếp vòng nữa, vị chi sang ngày 26: tuy là ngày hoàng đạo, nhưng các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi đều rơi vào giờ hắc đạo, chỉ có giờ Thân là hoàng đạo có thể chọn đưa tang, nhưng Nhị thập bát tú rơi vào sao Giác là kị mai táng; Vậy là đánh phải dấn thêm vòng nữa, vị chi sang ngày 27: giờ Dần - Kim quỹ hoàng đạo (tức 3 – 5 giờ sáng); hoặc giờ Thân - Tư Mệnh hoàng đạo (tức 15 – 17 giờ chiều)…
4. Mức độ nặng nhẹ của trùng tang:
- Nếu cả 4 lần tính trùng tang (năm, tháng, ngày, giờ) thì gọi là Trùng tang thất xa, có thể có tới 3 - 7 người chết theo. Đây là loại trùng tang nặng nhất;
- Nếu có ¾ lần tính trùng tang, trong đó có năm trùng tang, thì gọi là trùng tang tam xa, có thể có tới 2 - 3 người chết theo;
- Nếu có 2/4 lần tính trùng tang, trong đó có năm trung tang, thì gọi là trùng tang nhị xa, có thể có tới 1 - 2 người chết theo;
- Nhẹ nhất là một lần trùng tang năm, một người chết theo;
- Người chết có năm nhập mộ thì dù tháng, ngày, giờ trùng tang cũng được hóa giải, không coi là trùng tang nữa.
5. Các loại Trùng tang khác:
a. Trùng tang do tính sai ngày chôn:
- Tháng giêng kị ngày 7-19
- Tháng 2, tháng ba kị ngày 6-18-30
- Tháng tư kị ngày 4-16-28
- Tháng năm, tháng sáu kị ngày 3-15-27
- Tháng bảy kị ngày 1-12-25
- Tháng tám, tháng chín kị ngày 12-24
- Tháng mười kị ngày 10-22
- Tháng 11- tháng chạp kị ngày 9-21
Nếu người chết mà chôn vào các ngày trên thì trong vòng ba tháng hoặc là ba năm sẽ có người chết theo. Cái khó ở đây là đã chôn rồi, việc trấn trùng tang rất khó, gia chủ không tự lo liệu được nữa mà phải nhờ thầy chùa. Đặc biệt là khu vực từ Nam miền Trung đổ vào thường có tục trong vòng 3 ngày là xây mộ luôn không cải táng nữa, thì càng sinh to chuyện.
b. Trùng tang liên táng:
- Tuổi Thân Tý Thìn chết năm tháng ngày giờ Tỵ
- Tuổi Dần Ngọ Tuất chết năm tháng ngày giờ Hợi
- Tuổi Tỵ Dậu Sửu chết năm tháng ngày giờ Dần
- Tuổi Hợi Mão Vị chết năm tháng ngày giờ Thân
Chết vào ngày giờ trên gọi là ngày gọi là Cướp Sát (hay Kiếp sát). Nếu người bị vào trường hợp trên rất là nguy hiểm cho gia quyến, họ tộc, nhanh có thể là 3 giờ, 3 ngày, 3 tháng, đã có người chết theo. (Trường hợp này rất hiếm gặp).
3. Chết nhằm ngày thần trùng:
- Tháng 1,2,6,9,12: Chết nhằm ngày Canh Dần, Canh Thân là phạm "Lục Canh Thiên Hình Thầ trùng". Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 3: Chết nhằm ngày Tân Tị, Tân Hợi là phạm " Lục Tân Thiên Đình Thần trùng". Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 4: Chết nhằm ngày Nhâm Dần, Nhâm Thân là phạm "Lục Nhâm Thiên Lao Thần Trùng ". Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 5: Chết nhằm ngày Quý Tị, Quý Hợi là phạm "Lục Quý Thiên Ngục Thần Trùng". Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 7: Chết nhằm ngày Giáp Dần, Giáp Thân là phạm "Lục Giáp Thiên Phúc Thần Trùng", Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 8: Chết nhằm ngày Ất Tị, Ất Hợi là phạm "Lục Ất Thiên Đức Thần Trùng ". Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 10: Chết nhằm ngày Bính Dần, Bính Thân là phạm "Lục Bính Thiên Uy Thần Trùng". Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng;
- Tháng 11: Chết nhằm ngày Đinh Tị, Đinh Hợi là phạm "Lục Đinh Thiên Âm Thần Trùng", Nếu gặp thêm năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng.
B. Làm gì khi phát hiện trùng tang?
a. Bài thuốc trấn trùng:
- Thần sa : 3 đồng cân
- Chu sa : 2 đồng cân
- Hồng hoàng : 5 đồng cân
- Sương chuột : 5 đồng cân
- Địa liền : 5 đồng cân
- A ngùy : 3 đồng cân
- Huyết giác : 3 đồng cân
- Đại hồi : 5 đồng cân
- Quế chi : 5 đồng cân
Bài thuốc trên đây có giá trị đuổi quỷ dữ tránh xa không đến được gần linh hồn, tạm thời trấn giữ linh hồn không lìa khỏi xác, bay đi lang thang có thể gặp phải quỷ dữ sai khiến làm điều bậy bạ với người thân của mình, chờ cho linh hồn đến kỳ hạn được siêu độ (lâu nhất là hết kỳ mãn tang). Các vị thuốc có thể đến bất kỳ tiệm thuốc đông y nào để mua một cách dễ dàng. Sau khi mua về, để thuốc vào một tờ giấy trang kim (giấy tráng kẽm) màu vàng. Dùng chỉ ngũ sắc (trắng - đen – xanh – đỏ - vàng) kết phù tứ tung ngũ hoành để trên mặt thuốc.
b. Cách kết hình Tứ tung ngũ hoành:
- Dùng chỉ với năm sắc màu trên xe lại với nhau rồi kết thành hình như hình vẽ dưới đây phủ lên trên các vị thuốc;
- Hoặc dùng nhũ kim tuyến ngũ sắc (trắng - đen – xanh – đỏ - vàng) vẽ hình Tứ tung ngũ hoành lên một tờ giấy vàng rồi phủ tờ giấy linh phù lên trên bài thuốc.

Hình vẽ: Tứ tung ngũ hoành linh phù
c. Bài niệm chú trấn trùng lên bài thuốc:
Bày lễ : Hương, hoa, quả, trà, rượu, âm binh và bài thuốc lên bàn ngoài trời. Châm ba cây hương, vái bốn vái tứ phương, rồi khấn:
Phần khấn Chư Thiên, Chư Thần, Chư Phật, Chư Thánh
- Nam vô Chư Thiên, Chư Thần, Chư Phật, Chư Thánh (3 vái)
- Nam vô ơn trên Tam Bảo (một vái)
- Nam vô thập phương Chư Phật cứu khổ cứu nạn (một vái)
- Nam vô A-di-đà Phật Như Lai (một vái)
- Chư vị Thổ Địa Long Thần (một vái)
Đoạn chú dưới đây của người theo Phật giáo, có thể đọc có thể không đọc:
(Om a mô ga vai ro cha na
Ma ha musđơra ma ni pas me ro la bra
Vat ddada hùm hơ rít brum)
Đọc đoạn trong ngoặc kép 3 lần, mỗi lần đọc xong lạy 3 lạy
Phần niệm chú Tứ tung ngũ hoành:
Sau khi khấn xong Trời – Phật – Thần – Thánh, thì mới tới niệm chú trấn trùng. Khi đọc niệm chú, tay trái để trước ngực trong tư thế lạy, tay phải cầm ba cây hương đang cháy, huơ theo đường vẽ kết chỉ hình Tứ tung ngũ hoành và xướng:
Nhất tung khai Thiên môn
Nhị tung bế Địa hộ
Tam tung lưu Nhân ngôn
Tứ tung sát Quỷ lộ
- Nhất hoành trừ Nạn khổ
- Nhị hoành độ Nhân thân
- Tam hoành trừ Ác tặc
- Tứ hoành trừ Sát nhân
- Ngũ hoành trừ Hung thần
Cấp cấp y như Cửu Thiên Huyền Nữ luật lệnh !
Đọc bảy lần bài niệm chú, thì ngậm một ngụm rượu phun lên bài thuốc, gói tờ giấy trang kim lại vuông vắn, để vào một túi vải buộc túm miệng lại, đem vào để lên rốn người chết, và đậy nắp quan tài. Coi như đã xong việc trấn trùng, có thể khởi hành việc chôn cất.
d. Một số kiêng kị sau khi đã trấn trùng:
- Người chết trùng tang sau khi chôn thì không được lập bàn thờ tại gia, cũng như không được tổ chức cúng giỗ trong nhà. Bát hương tạm thời để lại trên mộ. Việc cúng thất tuần (49 ngày) phải nhờ người bà con họ xa bên ngoại, hoặc người ngoài thân tộc đem cơm nước ra cúng tại mộ. Chỉ khi mãn tang rồi, mà gia quyến, nội tộc không gặp trùng tang nào nữa, thì khi đó mới được lập bàn thờ để hương khói.
- Trong suốt thời kỳ chưa mãn tang, gia quyến khi hương khói gia tiên, tuyệt đối không gọi hồn, nhắc tên người chết, linh hồn có thể nghe được tiếng gọi để lần theo khói hương mà về bắt người thân đem đi, dù không có thờ phụng người chết trùng tang trong nhà.
- Người chết trùng tang gia quyến không nên tổ chức xây mộ tròn, hay hỏa táng ngay, bởi còn phải chờ giải trùng tang sau khi mãn tang. Nếu hết khó mà trong gia quyến, nội tộc không có người chết trùng tang tiếp theo, thì nghĩa là việc trấn trùng đã thành công. Khi đó mới rước bát hương về thờ phụng bình thường như các gia tiên khác. Về sau, giải trấn trùng cho người chết bằng cách khi cải táng, thì đem đốt bỏ bài thuốc trấn trùng đi rửa di cốt bằng nước thơm ngũ vị hương khi sang tiểu là được.
- Nếu trong thời gian trấn trùng, mà trong gia quyến nội tộc có một người chết hội đủ năm, tháng, ngày, giờ nhập mộ, thì cũng coi như trùng tang đã được hóa giải, gia đình, nội tộc không cần lo lắng nữa.
- Đối với trường hợp đã chôn cất xong rồi mới phát hiện trùng tang. Liền đem nguyên bàn thờ người chết ra sân làm thủ tục trấn trùng như trên, sau đó khênh nguyên cả bàn thờ ra mộ để gói thuốc trấn trùng lên mộ, đặt bát hương lên, các thứ khác đốt bỏ tại mộ. Sau này hết trùng tang, lập mới lại bàn khác rồi đem bát hương về thờ phụng.
=============================================================