Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm - Phần III & IV
 
(17h: 30-04-2013)
Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ  và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm - Phần III & IVBài viết của Phlanhoa
***

Ghi chú:
Từ những câu hỏi, những yêu cầu của khá nhiều vị tộc trưởng gửi tới vidamdodua.com. Nội dung này và những nội dung đã đăng tải trước đây về "Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm" là lòng thành của Phlanhoa đối với trăm họ, cầu mong phước lành cho nhân dân, do đó yêu cầu:
- Đề nghị không được tự ý copy nội dung này đăng tải sang các trang web khác. Không sử dụng nội dung để bán mua trên mạng, hay ngoài thị trường.
- Phlanhoa từ chối cung cấp bản đánh máy sẵn cho bất kỳ ai yêu cầu, các vị Tộc trưởng phải tự tay chép nội dung nếu cần để ghi nhớ được sâu sắc, chứng tỏ lòng thành với việc họ. Phlanhoa sẽ không trả lời những câu hỏi của các vị nếu câu hỏi đó thể hiện đọc nội dung qua loa lấy lệ.
Phlanhoa xin cám ơn!

  Phần III- Ý nghĩa của vái lạy

 

Vái lạy trong tập tục người việc được coi là cử chỉ hành lễ, không chỉ có trong cúng tế, mà trong cuộc sống đời thường, nhân dân ta cũng thường có hành động vái lạy để hành lễ. Ví dụ khi cháu con có người đỗ đạt vinh quy, quay về thăm lại cố hương thì phải hành lễ tạ ơn sinh thành bằng cách lạy ông, lạy bà, lạy cha, lạy mẹ; con gái trước lúc vu quy cũng cúi lạy từ biệt mẹ cha. Văn võ bá quan vào giờ tiến triều thì cúi đầu lạy vua…

Còn vái thực chất là cử chỉ chào xã giao giữa huynh đệ, tỉ muội; giữa những người tương đồng vai vế trong xã hội; giữa những người bình thường với nhau… ví dụ khi đang đi, gặp nhau giữa đường, hoặc đang ngồi nói chuyện với nhau, có người muốn đứng lên đi, người xưa thường chấp hai tay đưa cao ngang, ngực, ngang trán để chào nhau.

Từ cử chỉ hành lễ trong đời thường, dù khi vua chúa, người thân trong gia đình, hay bạn bè, thậm chí là hàng xóm láng giềng, có ai đó thành người tiên cổ, những người còn sống trên dương thế vẫn giữ nguyên tình cảm không thay đổi, đáng lạy thì lạy, đáng vái thì vái trước linh hồn.

Vái là cử chỉ chào theo phép tắc lịch sự, lạy là hành lễ tạ ơn, do đó trong cúng bái, nhân dân thường trước thì vái, sau thì khấn niệm và cuối cùng là lạy. Tất nhiên phải tùy theo trường hợp thực tế, trước hương án là ai, vai vế gì, có nhất thiết phải lạy hay không, nhưng vái chào trước khi hành lễ thì nhất thiết phải có.

Vậy vái và chào như thế nào thì đúng và đủ?

Nhiều người hỏi tôi sao thầy cúng với thầy chùa lúc thì bảo lạy một lạy, lúc thì ba, năm, bảy lạy ? Xin thưa, các kiểu lạy đó là của riêng Phật giáo, còn trong tiềm thức người Việt luôn luôn coi trọng con số 3 là số tam tài.

Ví dụ:

- Đền, chùa, hay nhà thờ họ đều có thượng điện, trung điện, hạ điện;

- Bàn thờ gia tiên cũng tam cấp gồm thần linh, gia tiên người lớn, và bà cô ông mãnh.

- Khi tế lễ, nhân dân cũng thường cử hành ba lần hiến lễ, lần thứ nhất gọi là hành sơ hiến lễ, lần thứ hai gọi là hành á hiến lễ, và lần thứ ba gọi là hành chung hiến lễ;

- Vái, lạy cũng thế, trước khi hành lễ vái đủ ba vái, và sau mỗi lần cúng tế xong luôn phải đủ ba lạy, ý nghĩa là : vái/lạy thứ nhất là vái/lạy Thiên, vái/lạy thứ hai là vái/lạy Địa, vái/lạy thứ ba là vái/lạy Nhân (nhân ở đây được hiểu là gia tiên);

- Nhưng khi cúng tế ngoài trời, thì có khác một chút, nếu là cúng Thiên thì vái tám phương tám vái, vái thứ chín vái trước hương án (vái Hoàng Thiên). Sau khi hành lễ xong thì ba lạy trước hương án. Đối với cúng Địa, thì vái bốn vái đông tây nam bắc và một vái trước hương án là 5 (vái Hậu Thổ), sau khi hành lễ xong cũng lạy ba lạy.

- Cúng Phật thì muôn vàn kiểu, không nói hết ở đây được, mỗi thiền phái đều có quy định riêng về vái lạy, thậm chí mỗi bài kinh có một quy định lạy vái riêng, cho nên bạn phải đọc kinh Phật để thấu hiểu.

Hình thức vái lạy như thế nào?

Vái có vái ngắn và vái dài. Vái chào để vào lễ là vái ngắn, vái đi kèm với phủ phục (lạy) là vái dài.

Vái ngắn (vái chào): tay trái tượng trưng cho dương, tay phải tượng trưng cho âm, hai lòng bàn tay úp khít vào nhau tượng trưng cho âm dương hòa hợp, dơ cao ngang trán rồi mới vái.

Lạy: lạy là hình thức kết hợp vái dài với phủ phục. Úp hai tay vào nhau dơ cao ngang trán, quỳ dần từng đầu gối trái trước, phải sau, rồi vái dài, mọp dần lưng xuống cho tới khi phũ phục hoàn toàn, trán chạm đất mới bỏ hai tay ra, từ từ đứng lên nghiêm trang, tiếp tục lặp lại lạy cái thứ hai, thứ ba giống như lần thứ nhất.

Phần IV –  Nghi thức tế lễ

Để một buổi tế lễ nghiêm trang và hoàn chỉnh. Mỗi họ tộc nên thành lập “Ban trị sự hành lễ” cho họ mình để luyện tập thao tác cho thành thạo, để không thụ động và lúng túng khi vào cuộc.

Chú ý! có vị tộc trưởng hỏi tôi rằng nếu ông ta không thành thạo việc chấp lễ, thì có thể thuê đội cúng tế nữ đến làm thay?

Xin thưa rằng xét về đạo lý hay quan niệm tập tục đều không ổn. Buổi tế lễ trong từ đường nhà thờ họ xưa nay do nam giới chủ trì. Chủ tế luôn luôn phải là trưởng tộc, hoặc người có uy tín nhất do họ tộc bình chọn, tiến cử. Xét về đạo nghĩa, có mỗi việc đọc chúc văn và lạy vài cái mà tộc trưởng bảo không quen, thì cái tâm chưa được coi là thành cho được, giả sử bạn có người con làm quan, nó bảo lính nó lạy dùm mấy cái bạn có bằng lòng không? Từ đó mà suy ra nên hay không nên…

Nội dung chuẩn bị và các bước tiến hành như sau:

Thành phần Ban trị sự hành lễ gồm các chức danh sau:

1. Chủ tế: Tộc trưởng, trường hợp tộc trưởng đã quá già không còn đủ sức hành lễ, thì bá cáo tổ tiên ủy thác người kế nghiệp (tộc trưởng tương lai) phải luyện tập để thay thế. Trường hợp tộc trưởng tương lai quá bé chưa biết hành lễ, thì họp họ tộc đề nghị tiến cử bậc cha chú có uy tín thay thế.

2. Bồi tế: hai bậc lão thành có uy tín, có phúc đức nhất của họ tộc

3. Điển xướng: Người điều khiển chương trình

4. Tả chúc văn: người viết chúc văn (có thể do tộc trưởng, hay một người trong họ văn hay chữ tốt lãnh trách nhiệm).

5. Nội tán: là hai người trợ lý đi hai bên khi chủ tế bước vào chiếu tế.

6. Đồng văn: hai người đánh chiêng, đánh trống

7. Chấp sự: Bên trong từ đường cần hai người đứng hầu hai bên tả hữu, để sẵn sàng phục vụ việc dâng rượu, dâng hương, phúng và đốt văn tế. Bên ngoài cần vài ba người giữ gìn trật tự, yêu cầu không ai nói chuyện riêng, hay đi lại lộn xộn trong quá trình xảy ra tế lễ, và để tiếp nhận nhiệm vụ từ chấp sự bên trong chuyền ra như thắp hương bên ngoài, thiêu hoá kim ngân…

Ghi chú: Điển xướng và người đánh trống có thể gộp vào một vai vừa đánh trống vừa làm điển xướng hô hiệu lệnh; nội tán và chấp sự cũng có thể gộp thành một nhiệm vụ cho khỏi vướng víu nhau khi chấp sự, bởi phía sau chủ tế đã có hai bồi tế đứng hai bên.

    Bài trí quang cảnh buổi tế lễ

Việc bài trí trên linh điện, thượng, trung, hạ điện và vong điện tôi đã nói ở bài trước rồi, nay phụ thêm các công việc bài trí khi chuẩn bị vào tế lễ.

·  Để chấp sự có thể dâng hương, dâng rượu, hai bên bái đường tả hữu đều phải có lối đi dễ dàng để dâng hương lên đến linh điện, thượng điện, trung điện, hạ điện

·  Phía trước hương án bày bốn chiếc chiếu, hoặc bốn tấm thảm thành một hàng dọc: Chiếu gần hương án là chiếu thần vị, chiếu kế đó gọi là chiếu thụ tộ (nhận lộc) *, chiếu thứ ba là chiếu chủ tế; chiếu thứ tư là chiếu bồi tế.

·  Bên ngoài cửa ra vào đặt một cái kệ có ba thau nước sạch và thơm, ba chiếc khăn sạch để cho chủ tế và bồi tế rửa tay, rửa mặt trước khi chấp lễ.

·  Từ đường còn cần phải thiết kế đủ rộng rãi để đội nhạc có vị trí phục vụ, và điển xướng có vị trí thuận lợi điều khiển buổi tế lễ, người chụp ảnh, quay phim đi lại (khi họ tộc có nhu cầu)

·  Giữa sân, nơi quang đãng không có cây che, để một bàn tròn bày hương – đăng – hoa – quả - nước lã và một bát hương (hoặc xây dựng một lư hương lớn ngoài trời), để cho cháu con mỗi người có thể thắp một nén hương và cầu nguyện ngay lúc bên trong chủ tế hành lễ trước hương án. Và còn dùng để cầu an, cầu siêu vào buổi tối.

·  Chuẩn bị sẵn một khay gồm 9 cái chén và một bình nước lã; một khay khác gồm một đài rượu và 4 cái chén; 18 cây hương (3 cây linh điện, 9 cây thượng trung hạ điện, 3 cây vong điện, 3 cây còn lại cắm vào lư hương ngoài trời).

·  Đồ lộc ban: gồm rượu, thuốc lá, trầu cau, hoa trái sản vật quê nhà, bánh kẹo, chuẩn bị làm sao mà mỗi người, mỗi nhà đều nhận được lộc của Tiên tổ mang về nhà mình sau khi buổi lễ hoàn tất. Mọi thứ phải sạch sẽ và bày trước hương án trước khi hành lễ. 

Tất cả phải kiểm tra cẩn thận trước giờ hành lễ.

Điển xướng điều khiển trình tự buổi lễ

Đội nhạc và Điển xướng đứng vào vị trí cánh gà bên trái, ngoài vùng phạm vi 4 chiếc chiếu lễ. Điển xướng dùng hai cái dùi trống gõ vào nhau 3 cái ra hiệu mọi người im lặng giữ trật tự, sau đó dõng dạc hô hiệu lệnh:

Khởi chính cổ, các tam nghiêm! nghĩa là nổi ba hồi chiêng trống. Dứt ba hồi chiêng trống, cứ mỗi lần điển xướng hô xong hiệu lệnh thì đánh một tiếng trống báo hiệu hành động.

-  Chủ tế, bồi tế nghệ quán tẩy sở! nghĩa là chủ tế và bồi tế bước đến bên ba thau nước, rửa tay, rửa mặt, dùng khăn thơm lau khô sạch sẽ, chỉnh trang áo xống chuẩn bị hành lễ.

-  Củ soát lễ vật! nghĩa là kiểm tra lại đồ lễ, nghi thức sắp bày, chủ tế sau khi rửa tay, rửa mặt sạch sẽ thì đi một vòng kiểm tra đồ lễ cẩn thận trước khi tế lễ.

-  Bồi tế tựu vị! hai bồi tế bước vào vị trí (chiếu bồi tế)

-  Chủ tế tựu vị! chủ tế bước vào chiếu chủ tế

-  Hành sơ hiến lễ! dâng lễ lần thứ nhất

-  Nghệ hương án tiền! chủ tế tiến lên chiếu thần vị

-  Thượng hương! Chấp sự đưa đến một cái khay có 18 cây hương và một đèn dầu, chủ tế thắp sáng 18 cây hương, dơ cao ngang trán vái ba vái theo nhịp trống, tất cả con trai, cháu trai trong họ mạc lúc này đứng nghiêm trang phía sau bồi tế, đàn bà con gái trải chiếu trước lư hương giữa sân, quay mặt về cửa từ đường chuẩn bị cầu nguyện. Xong ba vái, chủ tế đưa hương cho chấp sự, cắm 3 nén lên linh điện, thượng – trung – hạ điện mỗi nơi ba nén, 3 nén tại vong điện, 3 nén cuối cùng cắm vào lư hương giữa sân nhà thờ.

-  Chủ tế, bồi tế nghênh thần cúc cung bái! Chủ tế và bồi tế lạy hai lạy theo tiếng trống hiệu lệnh.

-  Giai quyến nghênh thần cung cúc bái! Toàn thể nam giới trong gia quyến lạy một lạy (con gái không bắt buộc phải đứng ở chỗ chấp lễ, ai muốn đứng thì phải đứng sau nam giới và ăn mặc phải chỉnh tề, sạch sẽ, không được lem nhem, hôi hám, người đang trong ngày kỵ không được hành lễ)

-   Bình thân phục vị! trở lại chiếu chủ tế, đứng nghiêm

(Đồng văn nổi một hồi chiêng trống ngắn kết thúc phân cảnh)

***

-   Hành á hiến lễ! Dâng lễ lần thứ hai

-   Nghệ hương án tiền! chủ tế tiến lên chiếu thần vị

-  Điểm trà! Rót nước mời trà, chấp sự đưa tới một khay nước gồm có 9 cái chén và một ấm nước lã, chủ tế rót ra 9 chén, chấp sự để 5 chén lên linh điện, 3 chén tại thượng – trung – hạ điện, chén thứ 9 chủ tế cầm hai tay dâng cao lên ngang trán, vái ba vái, rồi đưa chén nước từ trái sang phải như cử cử chỉ mời trà, rồi đưa cho chấp sự đem tưới vào gốc cây cổ thụ trước nhà thờ với ý nghĩa vun trồng nguồn cội.

-  Chủ tế, bồi tế cúc cung bái! Chủ tế và bồi tế lạy hai lạy theo tiếng trống hiệu lệnh.

-   Gia quyến cung cúc bái! Toàn thể nam giới trong gia quyến lạy một lạy (con gái không bắt buộc phải đứng ở chỗ chấp lễ, ai muốn đứng thì phải đứng sau nam giới và ăn mặc phải chỉnh tề, sạch sẽ, không được lem nhem)

-   Bình thân phục vị! trở lại chiếu chủ tế, đứng nghiêm

(Đồng văn nổi một hồi chiêng trống ngắn kết thúc phân cảnh)

***

-   Hành chung hiến lễ! hành lễ lần thứ 3

-   Chước tửu! rót rượu

-  Nghệ hương án tiền! Chủ tế bước lên chiếu thần vị, chấp sự đưa tới trước mặt một khay gồm 4 chén và một đài rượu, chủ tế rót rượu, chấp sự đặt ba chén vào Thượng – trung – hạ điện (chú ý rượu không dâng lên linh điện), chén còn lại, chủ tế dâng lên vái ba vái rồi cử chỉ mời như mời trà, sau đó rưới chén rượu lên nền nhà trước mặt.

-  Độc chúc! Chuẩn bị đọc chúc văn

-  Giai quỹ! Tất cả nam giới đều quỳ xuống, chỉ có chủ tế và bồi tế được đứng.

-  Chuyển chúc! Chấp sự đưa chúc văn cho chủ tế, trong trường hợp chủ tế không biết chữ, thì bắt buộc phải bố trí nội tán để đọc thế, trong trường hợp này, nội tán được phép đứng (sau chủ tế nửa bước).

-  Tuyên đọc! Chủ tế (hoặc người đọc thế) bắt đầu đọc sớ khấn (nội dung như mẫu ở “phần II”), sau khi chủ tế đọc xong phân văn hiệu triệu, đến phần ca chầu văn nhớ ơn công đức, thì đàn bà con gái ở ngoài sân mỗi người nên tranh thủ cầu nguyện an lành cho gia đình mình, ai có nguyện vọng gì cần tâm sự thì nói lên trong lời tự khấn.

-  Phần chúc! đốt chúc văn, sau khi đọc hết các chúc văn, chấp sự đưa hoả lò tới, chủ tế đưa tờ chúc văn lên ngọn đèn đốt cháy rồi thả vào lò thiếu hoá kim ngân, chấp sự mang lò lửa ra góc vườn cùng với vàng mã trên các điện ra thiêu cùng, thiêu hoá phải đảm bảo cháy hết thành tro, tro đó đem vun bón vào cây cổ thụ trong sân nhà thờ.

-  Chủ tế, bồi tế cúc cung bái! Chủ tế và bồi tế lạy hai lạy theo tiếng trống hiệu lệnh.

-  Giai quyến cúc cung bái! Toàn thể nam giới trong gia quyến lạy một lạy (con gái không bắt buộc phải đứng ở chỗ chấp lễ, ai muốn đứng thì phải đứng sau nam giới và ăn mặc phải chỉnh tề, sạch sẽ, không được lem nhem)

-   Bình thân phục vị! trở lại chiếu chủ tế, đứng nghiêm

(Đồng văn nổi một hồi chiêng trống ngắn kết thúc phân cảnh)

 ***

-  Quân hiến ẩm phước! lễ ban lộc của gia tiên cho mọi người trong gia quyến, chú ý, lộc ban phải là thứ đã được để trước hương án mời gia tiên hương thụ, do đó khi chuẩn bị lễ lộc phải tính đủ.

-  Nghệ ẩm phước vị! chủ tế và bồi tế bước lên chiếu thụ tộ đại diện nhận lộc tổ tiên ban tặng.

-  Ẩm phước! nhận lộc uống, chấp sự lấy đài rượu trên hương án rót ba chén đưa đến cho chủ tế và bồi tế, ba vị quỳ xuống nhận rượu, vái ba vái và uống hết lý rượu.

-  Thụ tộ! nhận lộc ăn, chấp sự lấy ba miếng thịt (nhỏ vừa đủ một miếng ăn gọi là), hoặc ba miếng bánh, ba miếng trầu cũng được, ra ba cái đĩa con, đưa cho ba vị chủ tế và bồi tế ăn lấy lộc. Phần lộc cúng còn lại, đem chia đều cho tất cả cháu con trong họ tộc, đảm bảo ai cũng có phần

-  Tạ lễ!

-  Chủ tế, bồi tế cúc cung bái! Chủ tế và bồi tế lạy hai lạy theo tiếng trống hiệu lệnh.

-  Giai quyến cúc cung bái! Toàn thể nam giới trong gia quyến lạy một lạy (con gái không bắt buộc phải đứng ở chỗ chấp lễ, ai muốn đứng thì phải đứng sau nam giới và ăn mặc phải chỉnh tề, sạch sẽ, không được lem nhem)

-   Bình thân phục vị! trở lại chiếu chủ tế, đứng nghiêm

-   Lễ tất! hết lễ

(Đồng văn nổi một hồi chiêng trống dài kết thúc buổi tế lễ, mọi người được quyền phá cỗ liên hoan)

Ý kiến bạn đọc:
Nguyễn Đình Hòa

Lâu nay vì đi công tác liên tục,có nhiều việc linh tinh nên không có đ/k ghé thăm O Ví.Chúc O mạnh giỏi và tiếp tục có những bài viết hay trên trang báo này.Nhân đây tôi muốn hỏi O với bài xướng lễ tế tổ sau có phần nào nên thêm bớt không?vì O thông cảm tôi mới sưu tầm từ 1 dòng họ ở Thạch Đồng về.Mong O chịu khó đọc :

BÀI XƯỚNG LỄ TẾ TỔ ĐẠI TÔN

(Ngày 15/7/2018)

I.Khởi chính cổ,các tam nghiêm(chiêng trống cùng nổi 3 hồi) -Nhạc sinh khí nhạc(nổi nhạc 1 hồi) -Khai môn(mở sáo hoặc mở cửa nhà thờ) -Ế mao huyết (hoặc tẩy uế) - Chấp sự dạ lễ -Các tư kì sự-Trực hương án tiền(Chấp sự chỉnh đốn trang phục chỉnh tề vào vị trí) -Nghệ quán tẩy sở - Quán tẩy thuế cân:Tế chủ,chấp sự…rữa tay,lau khô) -Củ soát tế phẩm(chấp sự cầm nến cùng tế chủ lên thượng điện kiểm tra lễ vật tế Tổ) -Xuất chủ giáng thần vị tiền(chấp sự lên mở bài vị thần tổ hoặc mục chủ nếu có) -Chính tế tựu vị (chính tế giòng giữa bước vào chiếu) -Bồi tế tựu vị (hai bên tả hữu bước vào chiếu). II.Nghệ thượng hương vị tiền (cả 3 dòng tế bước lên 1 bước). -Quỳ(giòng giữa quỳ). -Tả hữu giai quỳ(hai bên tả hữu quỳ). -Thượng hương(Chấp sự châm hương đưa xuống cho tế chủ chấp tay cầm hương). -Tế hương (Tế chủ chấp hương 4 vái). -Chấp sự dạ lệ bồng hương (Chấp sự bồng hương ngang trước mặt mình). -Nghệ hương án tiền (chấp sự bước từ từ lên thượng điện). -Điện hương (Cắm hương vào bát hương,quay trở về vị trí) -Phủ phục(cả 3 dòng phục xuống đất). -Hưng(đứng dậy). -Bình thân phục vị(chủ tế ,bồi tế lùi về 1 bước -Nghinh lễ cúc cúng bái(cả 3 dòng cúng). -Hưng-bái-hưng-bái-hưng –bái-Hưng -Bình thân phục vị(chủ tế,bồi tế lùi về 1 bước). III.Hành sơ hiến lễ,nghệ gia tiên,viện lịch đại thị,tiên,cao,tằng,tổ khảo,tỷ,tổ cô thần vị tiền(Chính tế dòng giữa bước lên 1 bước,hai bên đứng nghiêm). -Quỳ(dòng giữa quỳ). -Chánh hiến chước tửu(chấp sự lên thượng điện rót rượu dòng giữa). -Phủ phục(dòng giữa phục).Hưng(đứng dậy). -Bình thân phục vị(dòng giữa lùi về 1 bước). -Tả chiêu hữu mục-đường bá-đường thúc-đường tổ cô nương liệt vị vị tiền. -Hai bên bồi tế bước lên 1 bước,dòng giữa đứng nghiêm). -Tả hữu giai quỳ(2 bên tả hữu quỳ) -Tả hữu quân hiến chước tữu (chấp sự lên rót rượu 2 bên). -Phủ phục( 2 bên phục)-Hưng (đứng dậy). -Bình thân phục vị(2 bên tả hữu lùi về 1 bước). -Nghinh lễ cúc cúng bái (cả 3 dòng phục cúng). -Hưng-bái-hưng-bái-hưng-bái – hưng -Bình thân phục vị(cả 3 dòng lùi về 1 bước). IV.Nghệ đọc chúc vị tiền(cả 3 dòng bước lên 1 bước). -Quỳ(dòng giữa quỳ). -Tả hữu giai quỳ (hai bên tả hữu quỳ). -Chuyển chúc(chấp sự lên phúng chúc văn xuống trao chủ tế dòng giữa ). -Tế chúc(Tế chủ nâng chúc văn lạy 4 lạy). -Đọc chúc(người đọc chúc tuyên đọc). -Phủ phục(cả 3 dòng phục)-Hưng (đứng dậy). -Bình thân phục vị(cả 3 dòng lùi về 1 bước). -Nghinh lễ cúc cúng bái (cả 3 dòng phục cúng). -Hưng-bái-hưng-bái-hưng-bái-hưng -Bình thân phục vị(cả 3 dòng lùi về 1 bước). V.Hành Á hiến lễ ,nghệ gia tiên,viên lịch,đại thỉ,tiên cao tằng tổ khảo,tỷ,tổ cô thần vị tiền(chính tế dòng giữa bước lên 1 bước,2 bên đứng nghiêm). -Quỳ (dòng giữa quỳ). -Chánh hiến chước tữu(chấp sự lên rót rượu dòng giữa). -Phủ phục(dòng giữa phục).Hưng(đứng dậy). -Bình thân phục vị(dòng giữa lùi về 1 bước). -Tả chiêu hữu mục-Đường bá-Đường thúc-Đường tổ cô nương liệt vị vị tiền(2 bên tả hữu bước lên 1 bước). -Tả hữu giai quỳ(2 bên tả hữu quỳ). -Tả hữu quân hiến chước tửu(chấp sự lên rót rượu 2 bên). -Phủ phục(2 bên tả hữu phục).Hưng (đứng dậy). -Bình thân phục vị (2 bên tả hữu lùi về 1 bước). -Nghinh lễ cúc cúng bái (cả 3 dòng phục cúng). -Hưng-bái-hưng-bái-hưng-bái-hưng -Bình thân phục vị(cả 3 dòng lùi về 1 bước). VI.hành chung hiến lễ.Gia tiên,Viện lịch đại thỉ,tiên.cao.tằng tổ khảo,tỷ.Tổ cô thần.Cập đường bá,đường thúc,đường tổ cô nương liệt vị vị tiền(cả 3 dòng bước lên 1 bước). -Quỳ (cả 3 dòng đều quỳ). -Chung hiến chước tửu(chấp sự lên rót rượu dòng giữa trước,tiếp đến rót 2 bên). -Phủ phục(cả 3 dòng phục xuống).Hưng(cả 3 dòng đứng lên). -Nghinh lễ cúc cúng bái(cả 3 dòng phục cúng). -Hưng-bái-hưng-bái-hưng-bái-hưng -Bình thân phục vị(cả 3 dòng lùi về 1 bước). VII.Hựu thực(chấp sự lên thượng điện cắm giáo mở nồi xôi). -Hạp môn(chấp sự lên đóng môn nhà thờ).(do Từ đường này chưa kéo sáo nên chỉ hô tượng trưng và có thể thay bằng cách đóng khép cửa lại). -Tế chủ dị hạ giai xuất(tế chủ 3 dòng quay mặt sang 1 bên). -Chúc ì âm(chấp sự vào thượng điện để tay lên trán nói to chúc ì ầm)(mời ăn)-(Để khoảng 5 phút.) -Tế chủ dị hạ các phục vị(tế chủ quay trở lại nhìn vào thượng điện). -Khai môn(mở sáo nhà thờ).(do Từ đường này chưa lắp sáo nên chỉ hô tương trưng và mở cửa Từ đường ra) VIII.Nghệ phúc tổ vị tiền(cả 3 dòng bước lên 1 bước). -Quỳ(cả 3 dòng quỳ). -Thụ tộ(chấp sự lên xin lộc tổ xuống cho 3 dòng tế 1 miếng thịt sống nhỏ,hoặc 3 miếng trầu cho tế chủ vái 4 vái rồi đặt giữa chiếu). -Nghệ ẩm phước vị tiền(Chấp sự lên dâng 3 chén rượu tổ tiên ban cho ,chủ tế và bồi tế uống nữa chén ,còn nữa chén rót ra giữa chiếu). -Phủ phục(cả 3 dòng phục).Hưng(đứng dậy). -Bình thân phục vị (cả 3 dòng lùi về 1 bước). IX.Nghệ tiến soạn vị tiền(cả 3 dòng bước lên 1 bước). -Quỳ(cả 3 dòng quỳ). -Điểm trà (chấp sự lên rót trà 3 dòng). -Phần chúc(chấp sự lên thượng điện dâng chúc hóa chúc). -Triệt soạn(chấp sự lên thượng điện hạ giáo,đậy nồi). -Cáo lễ thiềng(chấp sự vào thượng điện quay mặt ngang chấp tay ngang trán đọc:Cáo lễ thành). -Tạ lễ cúc cúng bái(cả 3 dòng phục cúng). -Hưng – bái-hưng-bái-hưng-bái-hưng -Bình thân phục vị (cả 3 dòng lùi về 1 bước) -Nạp chủ(chấp sự lên thượng điện nạp đóng bài vị thần Tổ). -Lễ tất(Chủ tế,bồi tế đứng nghiêm 4 vái). -Tế chủ dị hạ giai xuất ,Tử tôn đồng tộc cúc cúng bái. (Tế chủ ra ngoài toàn thể con cháu vào cúng tổ). -Lế hữu kim ngân hóa hạng(hóa vàng mã). -Hạp môn.

Phlanhoa phản hồi 

Chào anh Hòa

Muốn biết cần thêm bớt chỗ nào, trước hết ta phải hiểu đúng ý nghĩa các câu lệnh Nôm trong tế lễ (xem dưới nội dung trả lời). Ở đây nội dung chính vẫn như bài của Phlanhoa trình bày trên kia. Chỉ rắm rối chữ nghĩa hơn thôi. Đồng htời họ tách việc chủ tế làm lễ với cháu con vào cúng tổ xem ra không đúng. Ở Đức Thọ, khi chủ tế bồi tế đứng trước thì toàn thể giai quyến (con trai trong họ tộc) cùng chấp lễ phía sau chủ tế bồi tế, cho nên ở màn "Tạ lễ cúc ung bái" sẽ có chủ tế, bồi tế lạy hai cái, toàn giai quyến lạy một cái thì coi như đã tất lễ rồi. 

1. Khởi chinh cổ (Nổi trống chiêng)

 2. Nhạc sinh tựu vị (ban nhạc vào vị trí)
 3. Củ soát tế vật (kiểm tra lễ vật cúng)
 4. Ế mao huyết (nghi thức chôn lông heo và huyết heo, nay đã bỏ)
 5. Chấp sự giả các tư kỳ sự (Ban trị sự tế lễ vào vị trí của mình)
 6. Tế chủ dữ chấp sự giả các nghệ quán tẩy sở (Chủ tế và mọi người phụ trách cúng vào chỗ rửa tay)
7. Quán tẩy (rửa tay)
8. Thuế cân (lau tay)
9. Bồi tế viên tựu vị (bồi tế vào vị trí)
10. Chủ tế viên tại vị (chủ tế vào vị trí)
11. Thượng hương (dâng hương)
12. Nghinh thần cúc cung bái (chủ tế và bồi tế lạy sụp cả xuống)
13. Bái (lạy)
14. Hưng (đứng dậy) (hưng – bái – hưng = đứng dậy – bái – đứng dậy)
15. Bình thân (đứng ngay thẳng)
16. Hành sơ hiến lễ (dâng lễ lần thứ nhất, thường là dâng hương)

17. Hành á hiến lễ (dâng lễ lần 2, thường là dâng trà, trầu cau)

18. Hành chung hiến lễ (dâng lễ lần 3, thường là dâng rượu, cỗ mặn)
19. Nghệ tửu tôn sở, tư tôn giá cử mịch (chủ tế đi ra chỗ án để rượu, người chấp sự mở cái miếng phủ trên mâm đài ra)
20. Chước tửu (rót rượu)
21. Nghệ đại vương thần vị tiền (hai người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu nhất)
22. Quỵ (chủ tế và bồi tế quỳ cả xuống)
23. Tiến tửu (một người chấp sự dâng đài rượu đưa cho tế chủ vái một vái rồi giao trả người chấp sự)
24. Hiến tửu (các người chấp sự dâng rượu đi hai bên, hai tay nâng cao đài rượu đi vào nội điện, xong trở ra)
25. Độc chúc (hai người chấp sự vào bàn trong kính cẩn bưng văn tế ra)
26. Nghệ độc chúc vị (người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu trên)
27. Giai quỵ (toàn thể nam giới đều quỳ cả xuống)
28. Độc chúc (chuẩn bị đọc văn tế)
29. Chuyển chúc (chấp sự chuyển sớ văn cho chủ tế. Chủ tế đón sớ văn, vai một vái rồi mở sớ văn ra)

30. Tuyên độc (đọc sớ văn. Thường thì chủ tế đọc, nếu chủ tế già cả không đọc lớn được thì cử người đọc thế. Đọc xong trả lại chủ tế để tiếp tục hành lễ).

31. Phần chúc: thiêu hóa sớ văn

31. Quân hiến ẩm phước (lễ ban lộc cho cháu con dương trần)

32. Nghệ ẩm phước vị (chủ tế, bồi tế đại diện gia tộc nhận lộc trầu, rượu)

33. Ẩm phước (lộc trà rượu)

34. Thụ tộ (lộc mặn xôi thịt)

35. Tạ lễ cúc cung bái (bái tạ hết lễ)

35a. Chủ tế, bồi tế cúc cung bái (Hưng – bái 2 lần)

35b. Giai quyến cúc cung bái (Hưng – bái 1 lần)

 

lê văn bằng

Trong bài xướng lễ của chị sao không thấy mục: Xuất chủ, nạp chủ? nếu có thì nằm ở vị trí nào?

Phlanhoa phản hồi

Nạp chủ là lễ nạp thần vào thẻ bài, còn tế lễ là khi thẻ bài đã định vị trên từ đường, yên chủ rồi nên không có nạp hay xuất gì nữa.

Nguyễn doãn sơn

Chào bậc tiên sinh . Tôi là Sơn họ nguyễn doãn . Do chiến tranh loạn lac nên các gia phả văn tế cúng tổ tiên bị thất lac. Các ông các bác các chú không được hiểu biết nhiều .nên kính mong bậc tiên sinh giúp đỡ

Phlanhoa phản hồi

Cảm ơn, nhưng tôi là "hậu sinh" chứ không phải "tiên sinh".

Nếu bạn chịu đọc hết cả Topic "Việt Thường phong tục". Khỏi cần hỏi thêm cũng thành thạo việc họ.

Chúc họ ta nhiều phúc phước

Nguyễn Sơn

Kính gửi chị Phlanhoa!

Tôi có vài băn khoăn nữa xin chỉ giải thích rõ (mặc dù biết là đã làm mất thì giờ của chị), tôi xin chân thành cảm ơn! - Một là: trong bài “Một số mẫu sớ khấn và văn triệu thỉnh” trong “Sớ khấn lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Thổ công hà bá và Thành hoàng làng” có đoạn: “Lòng thành lễ mọn, hương đăng hoa quả, trà rượu, thanh tước chi nghi …”. Tuy nhiên trong phần IV (nghi thức tế lễ trong nhà thờ họ) thì lại thấy nói “chú ý rượu không dâng lên linh điện”. Mong chị giải thích rõ. - Hai là: xin hỏi chị trên linh điện có được đặt vàng mã lên thờ cúng không?

Phlanhoa phản hồi

Xin lỗi, chỗ ấy là thiếu sót của tôi chưa sửa chữa. Trong quá trình đọc sách nghiên cứu, ban đầu có chút nhầm lẫn với sách nhà Phật và sách của đạo Cao Đài. Sau bình tĩnh suy xét lại thì thấy linh điện có thờ cả Thổ công Hà Bá và Thần hoàng làng nên không hẳn là cỗ chay. Hỏi một số các cụ cao niên thì được trả lời là có cúng cả sản vật bốn mùa của vùng miền và tiền vàng, trà, rượu. Tôi đăng đàn thỉnh chư vị Việt Thần Tiên hỏi ý kiến thì các vị chấp thuận cúng sản vật như các cụ cao niên dạy bảo. Tôi sẽ viết bài để hiệu đính rõ hơn.

Cảm ơn bạn đã hỏi kịp thời.

Phạm Việt Thắng

Chị cho em hỏi.Từ đường có 3 gian. Gian giữa thờ thủy tổ. Hai gian hai bên thì thờ những ai? Có phải để thờ bà cô, ông mãnh hay không? Em cứ băn khoăn mãi việc này, hỏi một số chuyên gia hán nôm nhưng không ưng ý lắm ạ.

Phlanhoa phản hồi:

Bạn đọc phần 1 ở Đây

Từ đường có thể xếp ngang, hay xếp dọc:

- Nếu xếp ngang thì tính từ bên trái sang (trái ở đây nghĩa là khi ta đứng đối diện để chắp tay vái thì thượng điện ở bên tay phải ta nhé. Chú ý rất rất nhiều gi đình, họ tộc nhầm lẫn trái phải này) đụợc gọi là thượng điện, trung điện và hạ điện;

Nếu xếp dọc thì tính từ gian sâu nhất sau cùng là thượng điện, rồi đến trung điện, hạ điện là thấp nhất ở trước. Bạn vào các chùa Phật sẽ thấy rõ hơn cái "tam phân" này. Số 3 là số tam tài "Thiên - Địa - Nhân".

Phần còn lại, thượng, trung, hạ thờ ai ra sao tôi đã nói rất rõ trong phần 1. Bạn cần phải đọc hết cả loạt bài nói về cấu trúc thờ cúng trong từ đường nhà thơ họ thì mới thông tỏ được vấn đề.

Chúc may mắn đầu năm.

Nguyễn Đình Sinh

Kính gửi Chị:PhlanHoa

Tôi là người con trai thứ 3 trong một gia đình,mặt khác về Dòng Họ thì gia đình tôi thuộc chi 3 (Dòng Họ có 3 chi).Do đó tôi cũng chẳng có vai vế gì trong Dòng họ.Nhưng với tinh thần tự giác và luôn quan tâm về những công việc Họ để góp ý cho Hội Đồng Dòng Tộc. Tôi đã được đọc nhiều lần trên trang báo này của chị và thấy nhiều nội dung rất bổ ích,đặc biệt những người ham muốn tìm hiểu như tôi thì thật là giá trị. Tôi chưa có website riêng nên tôi nhờ địa chỉ này của đồng nghiệp xin làm phiền Chị ít phút.Mong chị thông cảm nhiều cho tôi.

Quê tôi thuộc xã Đức Nhân,huyện Đức Thọ và nhà thờ Dòng Họ tôi nằm sát sông(lạch con) ,hàng năm lụt lút sâu lắm. Hiện nay,dòng Họ tôi ý định nâng cấp nhà Thờ lên để tránh lụt bằng 2 cách:

-Bao móng và kê nền lên khoảng 3,5-4m

-Làm theo kiểu 2 gác:Đổ sàn và đưa nhà thờ lên trên tầng 2(nhà thờ cũ bằng gỗ).

Tuy nhiên,nhiều người trong họ lo lắng và đặt ra câu hỏi tôi xin ý kiến tư vấn của chị luôn:

1.Làm theo kiểu 2 tầng thì có “liền mach” âm dương không? Và có ảnh hưởng gì về mặt tâm linh không?

2.Về kích thước nhà thờ(dài,rộng) trước đây cha ông để lại nhà thờ chật hẹp nay muốn nới rộng ra thì có ảnh hưởng gì không?

3.Vừa qua,dòng Họ có sáng tác ra cái biểu trưng(loogoo) thì khi làm nhà thờ nên gắn nó vào chổ nào cho thích hợp?Người thì bảo gắn ở tecmoon;người thì bảo gắn trên nóc nhà thờ?

4.Nội dung tiếp theo là hiện nay người con trai cả của ông Chi Trưởng chi 3 mất chưa đầy năm (mất tháng 01/2013).Hội đồng Dòng Tộc ý định năm sau(tức là người này được 1 năm) thì xin làm nhà thờ không biết có ảnh hưởng gì không?

Những nội dung này nghe ra thì ai cũng cảm thấy là bình thường nhưng thực chất khi đưa ra bàn trước Dòng họ thì rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẩn biết công việc của Chị rất bận rộn nhưng tôi cũng mạnh dạn gửi ý kiến mong chị quan tâm tư vấn giúp.

Kính thư!

Nguyễn Đình Sinh

Phlanhoa phản hồi:

Chào anh N.Đ.Sinh. Phlanhoa đã trả lời anh bằng một bài viết.  Mời anh coi ở đây


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Thờ cúng Táo Quân ở Việt Nam nên như thế nào cho phù hợp với phong tục tập quán người Việt? (15h: 05-09-2010)
 Sứ mệnh của cây hương trầm và chữ Tâm trong đạo thờ cúng (19h: 02-03-2014)
 Linh hồn (17h: 31-07-2014)
 Bài đọc thêm: CỔ NHÂN VÀ CÁC TỤC LỆ NGÀY XUÂN (06h: 26-12-2020)
 Ý nghĩa những thức bày cỗ cúng truyền thống của người Việt (17h: 21-01-2015)
 Lễ cầu an, cầu siêu, tạ, tảo mộ, động thổ di dời xây cất mồ mả ... (16h: 22-03-2016)
 Có nên bỏ viên thạch anh vào bát hương? (23h: 02-04-2016)
 Tết Đoan Dương có lẽ là ngày khai quốc của tộc người Việt Thường? (11h: 09-06-2015)
 Trùng tang – phép tính và phép giải (20h: 16-11-2012)
 Giải oan cho cô hồn (17h: 28-08-2015)