Bài và ảnh: Nhà báo Cao Thâm
***
Vì sao Than Cọc Sáu đưa “quân” vào Thạch Khê?
Trước hết, chúng tôi giới thiệu đôi nét về Mỏ quặng sắt Thạch Khê: Mỏ quặng sắt Thạch Khê nằm trên địa phận 3 xã Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Hải thuộc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 8km về phía Đông; trung tâm của mỏ cách bờ biển Đông khoảng 1,6 km. Mỏ có trữ lượng quặng sắt khoảng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á và chiếm gần 60 % trữ lượng quặng sắt ở nước ta.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1963, nhưng do gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về công nghệ nên hơn 40 năm qua, nguồn tài nguyên rất lớn này chưa được “đánh thức”. Đến nỗi, trước đây, nhiều con em Hà Tĩnh theo học nghề mỏ với hi vọng học xong về làm việc ở Mỏ quặng sắt Thạch Khê, nhưng ra trường, phiêu bạt khắp nơi, lúc nghỉ hưu, Mỏ quặng sắt Thạch Khê vẫn chưa khởi động!
Ngày 2/04/ 2007, Công ty CP Sắt Thạch Khê (gọi tắt làTIC) ra đời. TIC được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lí, khai thác Mỏ qặng sắt Thạch Khê với công suất thiết kế 10 triệu tấn/năm, tuổi thọ của mỏ 47 năm, độ sâu đáy mỏ âm 550m so với mực nước biển, diện tích khai trường 4000 ha, tổng mức đầu tư 650 triệu USD.
Sau khi thành lập, một trong những vấn đề hàng đầu mà TIC phải giải quyết đó là công nghệ. Bởi, đây là mỏ lộ thiên lớn, ngay từ đầu phải khai thác dưới mức thoát nước tự chảy; mỏ sát bờ biển, điều kiện địa kỹ thuật phức tạp, khó khăn trong việc xử lý ổn định bờ mỏ, thoát nước tháo khô đáy mỏ, hang động cactơ, môi trường sinh thái… Để có cơ sở cho việc thiết kế kỹ thuật thi công, TIC đã chọn Công ty CP than Cọc Sáu bóc đất thử nghiệm công nghệ (giai đoạn I) nhằm đánh giá lựa chọn các thông số kỹ thuật khai thác đồng bộ, thiết bị hợp lý.
Theo ông Hồ Đức Bình, Tổng Giám đốc TIC, sở dĩ TIC chọn Công ty CP. than Cọc Sáu bóc đất thử nghiệm bởi, Than Cọc Sáu là đơn vị có truyền thống lâu năm về khai thác mỏ lộ thiên, với đội ngũ CBCN năng động, giỏi về chuyên môn; thiết bị khai thác hùng hậu, hiện đại, nguồn lực tài chính dồi dào… Than Cọc Sáu đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lí bờ mỏ, bơm nước, hút bùn moong sâu và đã chinh phục độ sâu đáy mỏ than Cọc Sáu tới tới âm 150 mét v.v.Thành tích đặc biệt xuất sắc của Than Cọc Sáu trong sản xuất và chiến đấu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Khối lượng bóc đất thử nghiệm giai đoạn I Than Cọc Sáu thực hiện bao gồm: Bốc xúc 1,5 triệu m3 đất cát ngậm nước đạt độ sâu 10 mét; đào hố bơm sâu tới âm 10 mét; làm 5,4 km đường lên bãi thải trên nền cát; xây dựng hệ thống đê bao, thoát nước khai trường với khối lượng 20 ngàn m3…
Để hoàn thành khối lượng trên, Than Cọc Sáu đã huy động 55 người (sau đó tuyển dụng và đào tạo 73 công nhân là con em địa phương), gồm các cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm, những công nhân kỹ thuật lành nghề và dàn thiết bị bốc xúc, vận tải hiện đại từ Công ty đưa vào Thạch Khê; thành lập một công trường tổng hợp với đầy đủ các ngành nghề như lái xe, lái xúc, lái gạt, thợ cơ khí, thợ vận hành bơm nước, thợ điện…
Tại Thạch Khê, từ tháng 3/ 2008 đến tháng 6 / 2009, thợ mỏ Cọc Sáu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bóc đất thử nghiệm công nghệ với khối lượng vượt kế hoạch nêu trên. Kết quả này là cơ sở để TIC lựa chọn được đồng bộ thiết bị khai thác phù hợp với điều kiện kỹ thuật của Mỏ Thạch Khê, đồng thời đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành an toàn hệ thống cung cấp điện và các công trình hạ tầng kỹ thuật của mỏ. Kết quả khai thác thử nghiệm giai đoạn I của Than Cọc Sáu còn khẳng định: các thiết bị mỏ như máy xúc thủy lực, ô tô trọng tải đến 40 tấn v.v phù hợp với điều kiện khai thác ở Mỏ sắt Thạch Khê. So với phương án khai thác do tư vấn nước ngoài lập trước đây, kết cấu vận tải trong mỏ đơn giản hơn, giá thành hạ hơn…
Từ kết quả bóc đất thử nghiệm giai đoạn I, TIC lựa chọn thêm các nhà thầu, gồm: Công ty CP. than Hà Tu, Công ty CP. than Núi Béo, Tổng Công ty Khoáng sản – Viancomin; Xí nghiệp khai thác của TIC và Xí nghiệp khai thác thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, do Công ty CP. than Cọc Sáu làm làm tổng thầu để bóc đất thử nghiệm giai đoạn II. Khối lượng bốc xúc đất, cát, đá thử nghiệm giai đoạn II do liên danh các nhà thầu thực hiện trên 10 triệu m3, tới âm 26m và sâu 30m so với mặt đất, trên phạm vi khoảng 80 ha.
Gặp lại thợ mỏ Cọc Sáu ở Thạch Khê
Cuối thu, trời vẫn nắng nóng dữ dội. Trên công trường mỏ sắt Thạch Khê ầm ầm tiếng máy. Những chiếc xe trọng tải lớn chạy rầm rập trong nắng lóa. Đó là lực lượng xe máy hùng hậu của liên danh nhà thầu, do Công ty CP. Than Cọc Sáu làm tổng thầu đang khai thác thử nghiệm giai đoạn II. Trong lực lượng đông đảo ấy, chúng tôi vẫn nhận ra những người quen, cách đây gần một năm, khi chúng tôi vào đây tác nghiệp. Đó là những người đầu tiên mang kinh nghiệm sản xuất, mang thiết bị hiện đại của Cọc Sáu vào chinh phục lòng đất Thạch Khê. Sau gần 2 năm, trong điều kiện thi công trên nền cát, sét khó khăn, thiếu điện lưới v.v nhưng những người thợ mỏ Than Cọc Sáu nơi đây đã bốc xúc, vận chuyển trên 1,5 triệu m3 đất, cát phủ, tạo lòng moong xuống âm 10 mét và hoàn thành nhiều công trình khác. Kết quả này đã khẳng định sự thành công to lớn trong việc thử nghiệm công nghệ thi công trên nền cát, sét, tạo điền đề cho sự ra quân ồ ạt hôm nay.
Trong cái nắng gay gắt của miền Trung, nom các anh dường như đen hơn. Anh Hoàng Quốc Cường, Quản đốc, to cao lừng lững, da đen cháy như thủ lĩnh da đen. Nói chuyện với chúng tôi, giọng anh oang oang. Anh nói về công việc, về ăn ở, về sự thương yêu nhau trong cảnh sống xa nhà của anh em trong công trường Thạch Khê; anh nói về đội bóng chuyền nam của đơn vị, đã đoạt giải nhất Giải Bóng chuyền Công ty mới tổ chức; anh nói về sự quan tâm của lãnh đạo Công ty Than Cọc Sáu với anh em ở Thạch Khê, rằng, Giám đốc Công ty có chế độ khuyến khích lương nên thu nhập của anh em ở đây khá cao so với thu nhập của anh em cùng nghề đang làm việc ở Cọc Sáu; rằng, Đảng ủy, Công đoàn Công ty quan tâm tặng đồ dùng sinh hoạt như ti vi, bình đựng nước v.v. cho anh em…
Chúng tôi gặp ông Phạm Hồng Tài, Giám đốc Công ty CP than Cọc Sáu tại Thạch Khê. Ông cho biết, đối với quản đốc Công trường Thạch Khê, không giống như quản đốc khác, vì ngoài điều hành sản xuất ông quản đốc này còn phải chăm lo ăn ở, sinh hoạt cho công nhân; lo quan hệ với địa phương…nên lạnh đạo Công ty đã chọn lựa, cân nhắc kỹ lưỡng. Anh Cường là người được lãnh đạo Công ty tin tưởng, giao phó vì anh ấy có nhiều phẩm chất, năng lực đã được khẳng định sau gần 20 năm làm quản đốc ở Cọc Sáu và 22 năm liên tục là CSTĐ các cấp.
Anh em công nhân ở đây thì kể nhiều sáng kiến của anh Cường được áp dụng ở Thạch Khê, mang lợi ích kinh tế cao. Chẳng hạn, trước đây, đơn vị phải mua đất rải đường (100 nghìn đồng/m3). Bằng kinh nghiệm của mình, anh Cường đã đưa ra sáng kiến phun nước, cải tạo đường, hạn chế lượng đất rải đường, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Anh Cường còn thiết kế hệ thống bơm phun nước tren mái nhà, làm mát cho công nhân khi phải sống trong những phòng lợp tôn, nóng bức,…
Trên ca bin xe “ lúc lắc”, anh Đặng Văn Bình - một trong những người đầu tiên mở moong Thạch Khê cho biết, khi mới mở moong, xe thường bị sa lầy trên nền cát. Gặp tình huống đó, các anh phải huy động xe gạt hoặc máy xúc để cứu hộ. Sau đó không lâu, các anh đã có sáng kiến cải tiến hệ thống vận tải, khắc phục tình trạng xe sa lầy trên cát và làm chủ được công nghệ khai thác đối với mỏ sắt Thạch Khê.
Ngày 23/3/ 2010, một tin vui làm nức lòng nhân dân Hà Tĩnh và lan tỏa khắp cả nước, đó là những thợ mỏ khai thác thử nghiệm Mỏ sắt Thạch Khê đã tiếp cận được thân vỉa quặng sắt ở độ sâu âm 8 mét. Chiều 22/4, tại vị trí sản xuất của Xí nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê thuộc TIC và Công ty CP Than Cọc Sáu phát lộ thêm vỉa quặng sắt thứ 2 với trữ lượng vỉa quặng từ 700.000 - 800.000 tấn, hàm lượng sắt đạt khoảng 62%. Vỉa quặng sắt phát lộ lần này được phân bố dàn đều trên phạm vi gần 1 ha trong khu vực khai trường cách mặt đất 22m và âm18m so với mực nước biển.

Vượt qua thử thách
Tháng 10/2010.
Trong khi liên danh các nhà thầu đang huy động hàng trăm đầu thiết bị, tập trung bóc đất cát và triển khai nhiều hạng mục công trình khác thì bất ngờ hai trận lũ liên tiếp ập đến.
Theo thống kê của UBPCBL Trung ương, lũ chồng lên lũ ở miền Trung đã làm 155 người chết, 29 người mất tích; giá trị thiệt hại khoảng 11 nghìn 600 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là Hà Tĩnh.
Mỏ sắt Thạch Khê thuộc địa bàn Hà Tĩnh - trung tâm tàn phá của mưa lũ. Nhưng do có nhiều kinh nghiệm phòng chống mưa lũ đối với các mỏ lộ thiên nên công trường Mỏ sắt Thạch Khê không thiệt hại về người và thiết bị.
Chúng tôi đến Hà Tĩnh khi lũ qua. Ven đường từ TP. Hà Tĩnh xuống Mỏ sắt Thạch Khê chừng 12 cây số còn mang nhiều thương tích của trận “đại hồng thủy”. Cây cối nhà cửa xác xơ. Kỹ sư Trần Hoài Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật-ĐT-An toàn Công ty (TIC) cho biết, trong đợt lũ vừa rồi, con đường này ngập sâu, Mỏ sắt Thạch Khê bị cô lập trong nước.
Cách đây hơn một tuần, nghe đài báo đưa tin lũ lụt tàn phá miền Trung, tôi nghĩ dại, không khéo moong sắt Thạch Khê sẽ là túi nước khổng lồ! Bởi, trung tâm vùng mỏ chỉ cách mặt nước biển hơn cây số; độ chênh lệch mặt bằng mỏ so với mực nước hồ Kẻ Gỗ chừng 18 m. Thời gian qua, Than Cọc Sáu và các nhà thầu đã bóc đất cát, tạo ra lòng moong rộng hơn 80 ha; sâu tới âm 26 mét so với mặt nước biển. Với lưu lượng mưa chưa từng có ở Hà Tĩnh (300mm – 850 mm) như vừa qua; Hồ Kẻ Gỗ lại xả lũ thì moong Thạch Khê có nguy cơ bị chìm trong nước
Nhưng tôi đã nhầm! Trên bờ moong, tôi gặp lại Kỹ sư Hoàng Quốc Cường, Quản đốc Công trường Cọc Sáu- người được lãnh đạo Công ty than Cọc Sáu giao nhiệm vụ quản lí hơn 55 công nhân có nhiều kinh nghiệm và hàng chục đầu thiết bị bốc xúc, vận tải hiện vào chinh phục lòng đất Thạch Khê từ ngày đầu mở mỏ như đã kể trên.
Vẫn giọng nói oang oang, dáng vẻ phong trần như thủ lĩnh da đen, ông Hoàng Quang Cường chỉ tay về bờ đê bao lòng moong mà rằng:
- Trong mấy ngày mưa lũ, TIC và các đơn vị thi công tốn rất nhiều công sức để giữ con đê này đấy. Toàn lực lượng dày dạn kinh nghiệm chống mưa lũ moong than. Moong ở đây chưa là gì so với moong Cọc Sáu. Tuy nhiên, do nạn khai thác cát ven bờ moong, tạo những hố sâu, nước tụ về, làm vỡ một số vị trí đê bao. Để khắc phục hậu quả của nó phải mất khoảng 1 tháng bơm nước, sau nó nạo vét bùn đất, gia cố lại đê bao v.v…
Qua hai giai đoạn khai thác thử nghiệm, với khối lượng bốc xúc trên 11,5 triệu m3 đất, cát và đã qua trận lũ lụt lịch sử, thợ mỏ Than Cọc Sáu và các đơn vị trong liên danh nhà thầu đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ khai thác Mỏ quặng sắt Thạch Khê. Đây là cơ sở quan trọng cho giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật thi công đối với mỏ sắt Thạch Khê - mỏ có điều kiện địa chất hết sức phức tạp.