Bài viết, thơ và ảnh của Phlanhoa
*****
Nếu như kỳ 1, với những bức ảnh sáng sủa với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thì kỳ 2, tôi xin giới thiệu về một Côn Đảo hoàn toàn khác – Côn Đảo của tâm linh, và câu chuyện của tôi kể sau đây sẽ là điều đáng suy ngẫm cho những ai vốn sợ ma.
Bởi ở nơi nghĩa trang Hàng Dương này, việc đi viếng mộ thường xảy ra vào lúc nửa đêm. Đây cũng là một nét văn hóa riêng của Côn Đảo. Người dân nơi đây quan niệm rằng phải tới giờ Tý mới linh. Đặc biệt là ngày rằm, mùng một, nghĩa trang Hàng Dương tấp nập người ra vào. Ngôi mộ của Liệt nữ Võ Thị Sáu có muốn vái một vái cũng không dễ mà chen chân vào bên trong cho được.
Bạn hãy mở Clip này để vừa nghe vừa xem bài viết, sẽ lĩnh hội được nhiều hơn cảm xúc linh thiêng về Côn Đảo...

Quang cảnh nghĩa trang Hàng Dương lúc nửa đêm, với hệ thống đèn năng lương mặt trời và hệ thống loa phát ra những bản nhạc ca ngợi anh hùng liệt sĩ, mở rất nhỏ nghe như thì thầm trong gió thoảng...
Cứ thế, cứ thế, những người đến với nghĩa trang này, bất kể là người địa phương, hay du khách, đều bình thản len lỏi đi giữa các dãy mộ trong bóng tối nhập nhòa, hầu như không ai có cảm giác sơ ma quỷ là gì. Có lẽ lòng thành giúp cho mọi người quên đi nỗi sợ hãi thường ngày. Và nữa, sau những đêm như thế này, khi về đất liền, những du khách từng trải qua đêm nguyện cầu nơi đây, có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi phải đi qua những bãi tha ma về đêm…
Mộ chị Sáu (Tại khu B) vào lúc 12:00 đêm rằm dòng người vẫn lớp trong lớp ngoài. Tôi quay lại đây 3 lượt vẫn không thể len vào trong được, đành len lên phía sau vòm đá đem lễ qua nhờ người bên trong đặt dùm, rồi đứng vái từ vòng ngoài và đi thắp hương sang các khu khác.
Tôi nói với vài người trong đoàn trước khi đi rằng: Trong đất trời có hai dòng khí là sa khí (hay tà khí) và nguyên khí (hay linh khí). Linh hồn tội lỗi và ác quỷ chỉ ở được nơi có tà khí. Chỉ có những linh hồn thánh thiện và thần linh mới được ở nơi linh khí thơm tho, do đó khi cầm nắm hương trên tay, mọi người không lo bị quỷ nhập. Hơn nữa, nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của những người quên thân mình vì Tổ Quốc, muốn cho lời cầu linh nghiệm, bạn phải thể hiện tinh thần yêu nước, phải cầu cho “Quốc thái Dân An” trước đã rồi hãy cầu cho bản thân mình…
Chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương lúc 22:30, trên trời trăng rằm tròn vạnh giữa một bầu trời xanh trong không gợn mây. Dưới chân chúng tôi bước, tiếng nhạc phát ra rất nhỏ những bài hát ru hồn tử sĩ, ánh đèn sáng xanh mờ ảo.
Hành lễ tại đài tưởng niệm
Hàng Dương không hẳn là nghĩa trang liệt sĩ, bởi nơi đây chôn cất cả những người tù không phải là Cộng Sản. Cho nên cột tượng đài không có dòng “Tổ Quốc ghi công” như những nghĩa trang liệt sĩ thường có. * (coi thêm thông tin của BQL di tích Côn Đảo về nghĩa trang Hàng Dương ở phần dưới cùng bài viết).
Tôi được cử lên phía trước, cầm cây hương lớn đứng hàng trước để hành lễ. Giữa trời đất linh thiêng, trong tiếng nhạc âm vang của bài “hồn tử sĩ”, tôi lầm rầm khấn nguyện (lời khấn nguyện của tôi cơ bản như nội dung bài thơ phía dưới). Chợt trên đầu ngọn dương tiếng gió nổi lên ràn rạt, ràn rạt tựa hồ tiếng chân duyệt binh. Tôi giật mình, vội ngẩng đầu lên, một quầng mây màu tím hồng, rộng lớn bao quanh mặt trăng, kết thành một bông hoa với những cánh hình bâu dục màu tím hồng, bên dưới là những làn mây trắng bay thẳng thành những hàng dọc song song, trông rất đẹp và lạ kỳ. Tiếc cái là đến lúc hành lễ xong, thì chỉ còn bốn cánh tỏ rõ, còn bốn cánh đã hơi mờ mờ. Và tiếc nữa là máy ảnh của tôi chỉ là máy ảnh mini du lịch, nên bị hạn chế chụp xa.
Dưới đây là chùm ảnh Phlanhoa ghi lại sự biến đổi kỳ ảo của tán mây bao quanh mặt trăng
(giờ Tý ngày rằm tháng hai năm Giáp Ngọ)
Bức ảnh này chụp sau khi làm lễ tại đài tưởng niệm ở NT Hàng Dương, bông hoa tám cánh đã bị mờ bớt đi 4 cánh, nhưng vẫn còn nhìn thấy
Có khi quầng mây kết thành ngôi sao
Và khi gió nổi lên ràn rạt, mây theo gió xếp thành hàng thẳng song song
Khi cuộn lại như đóa mẫu đơn
Khi kết thành đôi chim phượng hoàng
Khi lại như phật ngồi trong hang mây
Và tựa hồ như hàng ngàn người ngồi thiền vây quanh vầng hào quang...
Tôi không thể biết được có là linh thiêng hay không nữa, chỉ biết rằng hình ảnh vầng mây tôi ghi lại được là của đêm rằm sau lời cầu nguyện trên nghĩa trang Hàng Dương nơi Côn Đảo xa xôi.
Sau đó, chúng tôi mỗi người tay cầm một bó hương, chia nhau đi khắp ngả, dặn nhau thấy ngôi mộ nào chưa có hương cháy thì cắm vào. Len lỏi đến tận cùng các góc nghĩa trang. Các cháu thanh niên thực sự rất linh động, đem cài kinh phật vào điện thoại và cứ thế mở ra, vừa cắm hương vừa lầm rầm theo lời cầu kinh. Chợt điện thoại của ai đó trong nhóm nổi lên tiếng hát: “Kìa xa xa nơi Côn Đảo, sóng nước muôn trùng Chim trời bạc trắng bay qua qua từng đàn về phương Đông Hỡi chim ta nhắn cùng…”. Tôi như khựng lại, lòng nghẹn ngào, ngỡ như có con tàu vượt trùng khơi ngay trước mặt mình. Vội ngồi sụp xuống bên một ngôi mộ to, có ánh sáng lờ mờ, mở Asus (điện thoại kiêm máy tính bảng) và gõ thật nhanh những dòng cảm xúc đang hiện trong đầu, tôi sợ ý thơ có thể biến mất nếu không nhanh tay, chỉ khoảng 10 phút đã xong. Khi đó mới chú ý xung quanh, hóa ra mình đang ngồi bên ngôi mộ cụ Nguyễn An Ninh…
“Kìa xa xa nơi Côn Đảo,
sóng nước muôn trùng
Chim trời bạc trắng
bay qua qua từng đàn về phương Đông
Hỡi chim ta nhắn cùng…”(1)
***
Bước chân ta dò dẫm trong trời đêm
Lần theo tiếng hát vọng xa buồn tênh
Khói hương nghi ngút tỏa về nơi mông mênh
Ràn rạt! gió trên đầu ngọn dương lướt nhanh
Ngỡ như anh linh người chiến tử quân hành
Quầng mây tán tụ, ngũ sắc kết thành
Khe khẽ bước chân thôi!
Để người tử tù được yên giấc lành
Quên đi nỗi đau thể xác bị nhục hình
Một đời người chiến sĩ
Vì dân vì nước quên thân mình
Cho dân tộc hôm nay hòa bình…
Linh sa linh sa trăng rằm nở hoa
Lời nguyện cầu dường như được thấu tỏ cao xa
Hỡi các linh hồn tử sĩ nghe hề, nghe hề…
Hãy tụ hợp nguyên khí về đây
Hãy tạo nên sức mạnh thần kỳ
Trấn yên biển đảo nước Nam
được lặng sóng bốn bề
Hậu duệ xin cúi lạy,
công ơn xin khắc ghi…
Đêm nay trăng tỏ như lòng
Biển trời Côn Đảo mênh mông muôn trùng
Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương
“Âm phù dương trợ” chín phương nguyện cầu!
VẦNG TRĂNG CÔN ĐẢO - Thơ Phlanhoa
NT Hàng Dương - 23:52, ngày rằm tháng hai năm Giáp Ngọ
(1) Lời của bài hát “Côn Đảo” – Đỗ Nhuận

Mộ cụ Nguyễn An Ninh tại khu A - NTHD
Mộ TBT Lê Hồng Phong - tại khu A - NTHD
* (1) Thông tin về nghĩa trang Hàng Dương (trích từ banquanlyditichcondao.vn)
“ Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2 . Theo số liệu ước định, có khoảng 2 vạn tù nhân yên nghỉ tại Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò (Di tích bãi sọ người), sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mới mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù.
Hiện nay NTHD được chia làm 4 khu: A-B-C và D ( Riêng khu B được chia ra làm 2 phần B1 và B2).
Khu A Nghĩa trang Hàng Dương, là nơi chôn những ngôi mộ đầu tiên (Khoảng năm 1934), ở đó có phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ), chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh.
Đến cuối năm 1944, khu A đã chôn chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có các phần mộ của nữ AHLLVTNDVN Võ Thị Sáu, Anh hùng Cao Văn Ngọc, Anh hùng Lưu Chí Hiếu.
Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn vào phần còn lại của khu B (Còn gọi là khu B2) .
Đến khoảng năm 1960 chôn tiếp qua khu C. Ở đây có phần mộ của anh hùng LLVTND VN Lê Văn Việt, Anh hùng Nguyễn Thị Thanh (Trần Thị Hoa), Anh hùng Hùynh Tấn Lợi.
Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19/12/1992. Ngoài 3 khu mộ được phân định trên, công trình tôn tạo còn lập thêm khu D, đây là nơi quy tập 162 bộ hài cốt từ nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau và 1 số nơi khác trên Côn Đảo về. Có phần mộ AHLLVTNDVN Trần Văn Thời.”