Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
 Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Linh hồn
 
(17h: 31-07-2014)
Linh hồn Bài viết của Phlanhoa
***
Linh hồn là chủ đề mà sự bàn tán khó có hồi kết nhất trên thế giới...


  

LINH HỒN

Phan Lan Hoa

٭٭٭

         Linh hồn là chủ đề mà sự bàn tán khó có hồi kết nhất trên thế giới. Đa số con người sống trong cõi trần gian thì tin là có linh hồn, nhưng cũng không ít người không tin linh hồn là có thật. Trong bài này, tôi không tranh cãi về chuyện có hay không có linh hồn, mà bàn về quan niệm và phương pháp thờ cúng linh hồn của người Việt Nam.

Tôi mong quý vị, nếu ai đã quan tâm, thì hãy đọc cẩn thận và suy nghĩ kỹ càng bài viết. Bởi nó sẽ đưa bạn tới một ngã rẽ mà bạn cần chọn hoặc lối này, hoặc lối kia, để ứng xử với người thân mới mất, cũng như với sự thờ phụng linh hồn tiên tổ, chứ không thể chọn cả hai, vì nó mâu thuẫn với nhau trong quan niệm.

Ấy là tôi đang muốn so sánh cách nhìn nhận về linh hồn và thế giới bên kia của Phật Giáo Đại Thừa ngày nay khác với tập tục thờ cúng của nhân dân Việt Nam trong các thôn quê.

QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

         Con người sau khi chết 49 ngày, linh hồn sẽ siêu thoát vào trong không gian bao la. Kể từ đó, linh hồn giống như cánh chim tự do, lạc loài, không còn tưởng nhớ gì đến cội nguồn quê hương làng xóm; trên trần gian dù có đang là vợ chồng, cha con, thì sau khi chết, quan hệ huyết thống cũng sẽ không còn. Linh hồn đến một thời điểm nào đó sẽ được đầu thai trở lại kiếp người, nhưng sự đầu thai hoàn toàn ngẫu nhiên nhờ vào thể xác của một người đàn bà xa lạ không cùng huyết thống với kiếp trước.

Từ quan niệm đó, Đại Thừa cho rằng ăn chay để giảm tội lỗi và hoả thiêu thể xác là cách giúp linh hồn siêu thoát được mau chóng nhất. Cũng từ quan niệm đó, nhà chùa đẻ ra dịch vụ kinh doanh bảo quản tro cốt cho các gia đình. Giỗ chạp cho người chết cũng do nhà chùa quản, tất nhiên ma sẽ ăn cỗ chay, cho dù khi còn sống làm người chưa ăn chay bao giờ?

Ghi chú: Chủ pháp dòng Phật giáo hiện nay ở Việt Nam không còn là Phật giáo nguyên thủy của Lạc Việt xưa kia, mà là dòng Đại Thừa từ Trung Quốc tràn sang. Bây giờ khi nhân dân lên án quá nhiều, phía TW Hội Phật giáo có sự lên tiếng phủ quyết nhiều điều. Nhưng vẫn làm ngơ, để các chùa tự nhiên kinh doanh  nhiều trò dị đoan, dối gạt dân chúng, nên tôi cứ căn cứ việc nhà chùa đang làm để nói. Chỉ khi các nhà chùa đồng loạt triệt để chấm dứt hành động mị dân, tôi sẽ bàn lại.

TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG VÀ QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN TRONG TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI VIỆT

         Yếu tố khác biệt nhất trong quan niệm về linh hồn trong tập quán thờ cúng ở Việt Nam, đó là linh hồn mang tính huyết thống, “Sống mang họ nhà ai, chết làm ma dòng họ đó”. 

         Trời - Đất là hai đại năng lực của Thực tại tối hậu (Đạo). Trời là năng lực dương, đất là năng lực âm. Âm và dương có sức hút lẫn nhau kết thành vũ trụ, phối ngẫu với nhau sinh ra muôn loài. Con người cho dù là chế tạo đặc biệt nhất trong số muôn loài ấy, thì quy luật sản sinh giống nòi, quy luật tồn tại sự sống, cũng căn bản nhờ vào quy luật thu hút và phối ngẫu âm dương giống như trời đất vậy.

         Cấu thành sự sống của muôn loài bởi hồn, phách (vía) và thể xác. Hồn phách ở thể khí, vô hình, phụ trách các giác quan và hệ thần kinh, kiểm soát ý thức và hành động. Hồn - Phách có mối liên hệ mật thiết với trời đất, nên trường thọ; Thể xác ở thể vật chất, hữu hình, được nuôi lớn bằng cách ăn thịt lẫn nhau giữa muôn loài và uống nước. Theo thời gian có thể bị thay đổi, hao hụt, tàn lụi, bị môi trường hủy hoại, chuyển thể từ dạng này sang dạng khác. Trong triết lý của Bụt Đạo nguyên thủy có câu “hữu hình hữu diệt, vô hình bất diệt” là bởi từ suy luận trên. Thực tế khoa học ngày nay cho rằng “hữu hình” không “hữu diệt”. Thể xác sau sự chết sẽ tan dần thành đất, đông cứng hóa thành đá, chỉ là sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác của vật chất mà thôi. Đồng thời “vô hình” cũng không hẳn là “bất diệt”. Cho dù linh hồn là một khối nguyên khí thì khi vận động trong bầu khí quyển cũng có thể bị va chạm bởi giông, bão, sấm sét; hoặc va chạm với các linh hồn khác khiến cho hao hụt, phân tản. Vậy thì về bản chất, vô hình chỉ khác hữu hình ở chỗ trong suốt nên không nhìn thấy bằng mắt thường mà thôi.

         Hồn - Phách là hai trường khí năng lượng Âm - Dương có lực hút lẫn nhau. Hồn là Thần khí, thuộc dương, bay bổng, có nguồn gốc từ đất trời; Vía (phách) là Tinh khí thuộc âm, lắng đọng, tiềm ẩn nội lực, nguồn gốc sinh ra từ bên trong cơ thể của vạn vật. Phách thu hút hồn, hồn liên kết với Đạo, Đạo chuyển động ăn sâu vào trong từng phân tử tế bào, duy trì quy luật vận hành của Thực tại tối hậu ngay trong từng phân tử tế bào của cơ thể. Con người gọi quy luật vận hành ấy là Sự sống. 

         Người Việt cho rằng đàn ông thì có 3 hồn 7 vía, còn đàn bà thì có 3 hồn 9 vía. Trong đó:

         -  3 hồn là 3 trường năng lượng khí sinh học gồm: khí trời, khí đất và khí do vạn vật sinh ra. Cây cối, đá núi đều có linh hồn, cho nên ở nơi đầu núi cao cây cối hoa lá xanh tươi, nếu có thêm cái hang núi thì thể nào cũng được các đạo sĩ lựa chọn để làm nơi tu luyện khí công.

         -  9 vía là 9 tầng giao thức của hệ tam tài Thiên - Địa - Nhân: Vía (phách) cũng vô hình như thần hồn, 7 phách vía là 7 tầng tinh thức của hệ điều khiển trong cơ thể con người, gồm: Trung ương não bộ và 6 giác quan (xúc giác, thị giác, thính giác, vị giác, khướu giác, khứu giác). Giống cái có thêm hai tầng tinh thức là phôi thai và khả năng tự chiết tinh dưỡng chất (sữa) nuôi con, vị chi là 9 vía. Nhiều người do thiếu hiểu biết, nghĩ rằng đàn bà 9 vía thì nặng nề hơn đàn ông, nên cho rằng ra ngõ mà gặp phải đàn bà thì xui xẻo. Trên thực tế hai vía mà đàn bà hơn đàn ông, là hai tầng thức tinh diệu nhất của sự sống, mà đàn ông xui xẻo không được tạo hóa ban tặng, nên đáng nhẽ gặp đàn bà may mắn hơn đàn ông mới đúng.

         7 phách tinh thức của con người có liên hệ với 7 vì tinh tú trong hệ Thái Ất là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ, Thái Âm và Thái Dương. Dân ta quan niệm, khi con người trút hơi thở cuối cùng, là khi hai dòng âm dương cách biệt, hồn lìa phách lạc. Hồn vía bấy giờ tạm thời không kết nối được với nhau. Hồn vốn được vía thu hút và điều khiển, nay thoát ra tự do lang thang không phương hướng, nên dễ bị ngạ quỷ bắt và sai khiến làm những điều tồi tệ, đặc biệt là người chết ra đi trong những giờ được cho là hắc đạo. Từ quan niệm này, trước giờ nhập liệm, nhân dân thường cho người nhà là nam giới ra đầu ngõ, hoặc trèo lên nóc nhà, tay cầm cái áo, hay cái khăn của người chết và nắm hương huơ tứ phía hú gọi hồn về nhập vía. Khi hồn vía nhập lại với nhau rồi mà không lưu trú trong thể xác nữa, thì được gọi là linh hồn. Như vậy thì có lẽ linh hồn khi ra đi, sẽ mang theo hết thảy sự sống gồm 3 thần hồn, 7 và 9 tinh phách, với bao nhiêu là yếu tố đặc biệt quan trọng như chỉ số IQ (thông minh), chỉ số EQ (cảm xúc), zen, vv… Tóm lại là các yếu tố thuộc về linh diệu nhất của sự sống. Điều này rất quan trọng, phải hiểu biết để thờ phụng. Tôi sẽ tiếp tục phân tích và bình luận.

         Sự sống muôn loài khởi động đều nhờ Thuỷ và Khí. Trong đất trời, thuỷ là máu huyết của muôn loài, khí là thần tinh của muôn loài. Hệ thống mạch máu trong cơ thể con người cũng có cấu tạo giống như hệ thống sông ngòi trên mặt đất, đổ về muôn ngả. Khí lưu thông theo dòng chảy của huyết mạch, đưa thần tinh nuôi dưỡng đến từng tế bào trong cơ thể. Kinh mạch dẫn huyết chảy lưu thông thì khí điều hòa, kinh mạch tắc nghẽn thì gây nên hiện tượng uất khí. Huyết chủ về tâm, nuôi dưỡng thể xác; Khí chủ về tinh thần (hồn phách), điều khiển hệ thần kinh giác quan, tạo nên thần thái tính cách. Mỗi người có một mức độ âm dương mạnh yếu riêng, nên mỗi người sở hữu một trí tuệ, mạch tường, dung diện, tinh ranh... khác nhau. Nói như vậy, nghĩa là từ trước Công nguyên, người Lạc Việt đã biết: Âm Dương - Hồn Phách - Thần Tinh, một nửa hấp thụ từ trong trời đất, một nửa sinh ra từ đặc chủng riêng biệt của muôn loài, linh hồn của loài nào có chứa đựng tố chất zen của loài đó, cho nên con người mới có sự tổ chức chôn cất người chết và thờ phụng linh hồn theo quan hệ máu mủ dòng họ.

         Lại nói về năng lượng khí, trong trời đất và trong cơ thể muôn loài không phải lúc nào khí cũng tinh khiết, có nguyên khí và cả sa khí. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, khi mới sinh ra, linh hồn là một khối nguyên khí lành mạnh. Sa khí là loại khí bị nhiễm độc mà hồn phách hấp thụ phải do con người ăn uống, hay do hít thở phải từ ô nhiễm môi trường. Sự nhiễm độc sa khí khiến cho cơ thể lâm bệnh, đau ốm dật dờ, tinh thần trở nên thiếu lành mạnh, không giữ được “bản thiện” như lúc mới sinh. Mê tín trong nhân dân cho rằng sa khí mang yếu tố hắc ám, là nơi lẩn trốn của ngạ quỷ, nếu con người ta mắc phải sa khí, dễ bị quỷ sai khiến làm điều tội lỗi và càng làm điều tội lỗi thì càng tích tụ nhiều sa khí trong mình, ngày càng dấn sâu vào sai trái. Lão Tử Kinh dạy rằng người quân tử đứng đầu thiên hạ, không nên dạy cho dân điều mưu chước, mà nên dạy cho dân ý thức lành mạnh, sống hồn nhiên. Bởi thiên hạ càng nhiều mưu chước thì xã hội càng bất an, con người càng chuốc lấy nhiều tội lỗi, như thế là không thuận theo tự nhiên.

         Quan niệm của Đông y, tâm chủ về máu huyết, não chủ về thần khí, thận chủ về tinh khí. Đặc biệt đối với nam giới thận rất quan trọng, thận mạnh khỏe thì trai tráng cường lực, thận yếu thì tinh khí suy nhược, chuyện chăn gối không mạnh mẽ, rất khó có con. Cơ thể được ăn uống tốt và năng luyện rèn thì khỏe mạnh, khỏe mạnh thì máu huyết đủ đầy và lưu thông. Huyết sinh tinh khí, nên huyết đủ đầy thì tinh khí mạnh mẽ, tinh khí mạnh mẽ thì có sức thu hút và điều khiển thần khí mạnh mẽ, khả năng liên kết, dẫn dụ thần khí của trời đất thâm nhập vào thể xác cao hơn, thần tinh con người nhờ đó mà thông thái tinh ranh hơn. Lão Tử  Kinh viết ra phép dưỡng sinh gọi là khí công:

        “Tải doanh phách bão nhất, năng vô ly hồ?

         Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ?

         Dịch trừ huyền lảm, năng vô tỳ hồ?...”

      (Khiến cho hồn phách con người luôn được hợp nhất thành một khối và liên kết với khí trời, có thể không lìa chăng? Chăm chú cho hơi thở điều hòa, có thể được như trẻ thơ chăng? Gột bỏ đam mê hão huyền, có thể không bệnh hoạn chăng?).

         Phép tu dưỡng bản thân để đạt được sống lâu của đức Bụt Thích Ca rất dễ hiểu và khoa học, đó là phương pháp điều hòa dòng khí lưu thông trong cơ thể con người một cách sao cho đều đặn nhịp nhàng như hơi thở trẻ thơ, các huyệt đạo có thể đóng mở nhịp nhàng được “như con mái”Thực tế cho thấy, con người ta sống được nhờ bằng ăn, uống và thở. Vậy nhưng xét về mức độ cần thiết thì có thể không ăn cả tuần mà vẫn sống, nhịn uống vài ngày mà chưa chết, song chỉ cần thiếu dưỡng khí vài phút thôi là kết thúc cuộc đời, từ đó để thấy khí rất quan trong cho sự sống nhường nào.

QUAN NIỆM VỀ TAM PHỦ

         Là Thiên phủ - Địa phủ - Trần gian. Từ triết lý trên, quan niệm của người Việt Nam cho rằng Địa phủ cũng có 7 tầng vía để kết nối thường hằng với 7 tinh phách của Tạng phủ con người và với 7 vì tinh tú của Thiên phủ.  Sau sự dứt lìa khỏi thể xác, linh hồn không phải cứ thế là xuống địa ngục được ngay. Mà phải trải qua một cuộc sát hạch Đức – Tội của Diêm Vương. Có 7 cửa Ngục thất, mỗi cửa là 7 ngày, chung thất là 49 ngày. Do đó, trong 49 ngày này, vì linh hồn còn chưa chính thức được hóa kiếp để sống cuộc sống mới ở cõi âm ti. Nên mới có tục mời cơm linh hồn ngày hai bữa đủ đầy, bởi người trần gian cho rằng nếu không cúng cơm, linh hồn sẽ bị đói khát vật vờ trước các cửa ngục rất đau khổ xót xa. Linh hồn của người bình thường, sau khi vượt qua kỳ sát hạch 49 ngày, sẽ được bổ nhiệm để có danh phận kiếp thứ 2 trong thế giới Địa phủ. Linh hồn có đức độ cao dày có thể được tiếp tục thăng chức cao hơn ở trần gian và được sắp xếp cuộc sống vương giả; Ngược lại, với linh hồn phạm trọng tội ở trần gian thì có thể bị giam cầm ở tầng địa ngục. Thậm chí khi ở trong địa ngục rồi mà không chịu khó tu luyện, tiếp tục phạm tội, thì linh hồn càng bị nhiễm đầy sa khí khiến cho 7 tầng tinh thức càng ngày càng thiếu hụt độ tinh anh, ngu si dần thành linh hồn súc vật. Linh hồn của trẻ sơ sinh thì sẽ được siêu thoát sớm nhất vì không có tội lỗi. Do đó mới có quan niệm rằng bà cô ông mãnh linh thiêng hơn là vì như vậy (bên Thiên Chúa giáo cũng thường làm đám tang trẻ sơ sinh long trọng hơn người già).

         Quan niệm thế giới Địa phủ của trong tập tục dân chúng ở Việt Nam chỉ có ngục thất. Trong khi quan niệm của Phật giáo Đại Thừa người ta vẽ ra bức tranh “Thập điện Diêm Vương” với những hình thức tra tấn linh hồn man rợ? Chẳng biết Đại Thừa căn cứ vào đâu mà có tới 18 tầng địa ngục, rồi lại 123 cửa âm ty? Thuyết này khiến cho phật tử hoang mang lo sợ cho linh hồn sẽ bị đày đọa khổ ải ở kiếp sau, suốt ngày nguyện cầu cúng bái và đem tiền cúng thầy chùa một cách mê muội. Thiết nghĩ, xét về đạo đức, Đất được mệnh danh là mẹ của muôn loài, lẽ nào mẹ lại đang tâm để cho Diêm Vương dựng nên “thập điện” để đọa đày con mình, cho dù là đứa con tội lỗi? Tôi cho rằng lý thuyết nào cũng phải quy về Đạo, phù hợp với quy luật tự nhiên của Đạo mới nên tin tưởng. 

         Quan niệm tập tục trong nhân dân Ta, con người có “nợ ba sinh”, đó là ba kiếp sống: Trần gian → Địa phủ → Thiên đường.

Trình tự của sự siêu thoát là, sau khi kết thúc kiếp trần gian, con người sẽ tiếp tục kiếp thứ hai ở cõi âm ti. Sau kiếp sống ở âm ti thì linh hồn sẽ được siêu thoát lên thiên đàng sống kiếp thứ ba. Tôi không biết bà ngoại tôi khi xưa căn cứ vào đâu, chỉ nghe bà thường nói: một năm ở Thiên đường bằng 36 năm Trần gian; còn 1 năm trần gian thì lại bằng 36 năm Địa phủ. Khi xuống Địa phủ, linh hồn được gọi là ma, đây là giai đoạn “Dương trợ”, tức linh hồn ma cần tới sự cầu nguyện của người thân nơi Dương trần để siêu thoát khỏi kiếp ma. Chưa siêu thoát thì năng lực siêu độ không cao. Khi được siêu thoát thì ma được lên thiên đàng thành tiên, có năng lực phù trì mạnh mẽ. Có 3 yếu tố tạo nên năng lực phù độ của linh hồn:

         - Tùy theo mức độ công đức tích lũy được của linh hồn khi sống kiếp trần gian

         - Tùy vào thời điểm quy tiên là thời khắc hoàng đạo, hay hắc đạo của trời đất, linh hồn có năng lực khác nhau.

         - Tùy vào sự thành tâm nguyện cầu của người thân trong giai đoạn linh hồn còn là ma ở Địa phủ. Đây có lẽ là lý do chính của việc chuyên cần hương khói trong tập quán người Việt.

        Sau vòng luân hồi 1080 năm của 3 kiếp Thiên – Địa – Nhân, nếu linh hồn không phạm lỗi đạo, thì sẽ trở thành linh hồn bất tử ngụ trên 9 tầng mây. Nghĩa là linh hồn khi sang thế giới bên kia, vẫn phải không ngừng tu luyện, mới có thể trở thành linh hồn bất tử.

Tập tục thờ cúng ở Ta cũng cho thấy sự phân hạng của linh hồn. Những linh hồn từng có chức vị là quân vương ở kiếp Trần gian, nếu khi sống có công truyền bá Bụt Đạo (Thích-ca, A-di-đà, Như La Cù-đàm), thì khi chết hóa Bụt, có thể phù hộ độ trì được cho dân lành. Sự độ trì của Bụt bao trùm nhân loại. Những linh hồn có chức vị tướng lĩnh trên trần gian, khi sống có đức độ và có công dạy dỗ dân chúng mộ đạo, khi chết sẽ hiển thánh, có năng lực điều khiển một vùng rộng lớn (Đức Thánh Trần); Những linh hồn của người bình thường, khi sống đức độ, hành đạo tốt sẽ thành tiên, có năng lực phù trợ cho gia đình, dòng tộc. Bằng mà linh hồn của những kẻ bất đạo, cướp của, giết người, khi chết sẽ thành quỷ, sẽ bị lưu đày ở tầng thứ 9 của địa ngục. Khi linh hồn siêu thoát thành tiên rồi, mộ phần không còn cần đến, có thể dùng để chôn người mới chết. Cho nên tập tục ở Ta khi xưa, cải táng một lần rồi thôi, từ sau cải tảng thì không đụng đến nữa, mặc kệ năm tháng thể xác tự thành đất, đá không còn quan tâm. Triết lý ấy gọi là “trở về cát bụi”.

 GIÁC NGỘ CỦA PHAN LAN HOA

         Tôi thì tôi cho rằng, sở dĩ chúng ta không biết tí gì về “kiếp trước” bởi vì chúng ta chẳng có kiếp trước nào cả. Linh hồn được phôi thai lần đầu tiên ở kiếp trần gian. Tôi cũng tin trong đất trời có 9 phách giao thức giữa Thiên ↔ Địa ↔ Nhân và muôn loài. Mỗi phách là một kho lưu trữ dữ liệu về vũ trụ mà, người nào năng rèn luyện sẽ thu nạp được để biến thành năng lượng cuộc sống của mình!

         Mâu thuẫn ở chỗ là con người được giáo huấn, kiếp Trần gian là kiếp đọa đày. Nhưng sao lại không tìm cách kết thúc kiếp người sớm hơn để thoát khổ, mà vẫn tỏ ra rất yêu kiếp người của mình, những cố gắng bằng mọi cách để được trường thọ? Trộm nghĩ, biết đâu linh hồn khi sang kiếp sau ở âm ti, cũng lại giống như con người trong kiếp trần gian, dù biết là khổ nàn vẫn muốn tìm cách kéo dài? Nếu quả thực như vậy thì sự cầu nguyện để linh hồn được mau siêu thoát là vô ích? Thậm chí, chắc gì kiếp thứ 3 ở thiên đường đã là vô tư sung sướng hơn? Bằng chứng là trong lý thuyết của các trường phái đạo giáo đều cho là trên thiên đường vẫn có thiên ngục đó thôi? Ngày nay, ngành công nghiệp phát triển rực rỡ, bao nhiêu là ống khói tỏa đen ngòm bầu trời thế kia, xem ra chẳng ai đảm bảo được tầng khí quyển ở nơi thiên đường trong lành tuyệt đối, không có sa khí? Mà mỗi khi đã có sa khí ắt có sự nhiễm độc để khiến cho linh hồn trở nên tội lỗi. Có lẽ thuyết của Lão Tử, “con người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước tự nhiên” là sự đúng đắn khó bàn cãi?

         Khi xác định con người ta có 3 kiếp sống, thì đồng nghĩa cần phải xác định, tổ chức dòng họ cùng huyết thống cũng có 3 thế giới tương tự: Trần gian ↔ Địa phủ ↔ Thiên đường. Sự tổ chức chôn cất theo nghĩa trang gia đình, dòng họ, là đồng nghĩa với quần tụ tập trung linh hồn cùng huyết thống được sum vầy bên nhau trong kiếp thứ 2 ở âm ti; Tổ chức thờ phụng tập trung theo họ tộc, đồng nghĩa với tổ chức kết nối 7 trường tinh thức cùng huyết thống của Thiên đường - Địa phủ - Nhân gian. Đó chính là nguyên lý “âm phù dương trợ” mà con người sống trên trần gian cần phải hiểu biết để hành đạo cho đúng cách. Như tôi đã phân tích, linh hồn ở cõi thiên đàng chưa chắc đã hết khổ nàn. Có thể gặp sấm sét giông bão khiến cho bị phá vỡ. Thờ phụng theo dòng họ là để kêu gọi, tập hợp trường khí cùng huyết thống thành khối lớn hơn, đoàn kết vững bền hơn, khả năng chống lại thiên tai và ngăn ngừa sa khí cao hơn, cũng như sự phù hộ độ trì được linh nghiệm hơn.

SUY NGHĨ VỀ CÂU CHUYỆN HỢP HỌ HIỆN NAY Ở VIỆT NAM

         Trong tập II – La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn, có câu chuyện về vua Trần Cảo. Vào khoảng năm 1426, Lê Lợi đem một người con của một ông già họ Hồ sống ở vùng miền núi Nghệ An lên làm vua, với lời giải thích đó là hậu duệ nhà Trần chạy loạn, phải đổi tên họ, nay tìm về để lập ngôi. Trong thời gian ở ngôi, Trần Cảo nhiều lần chạy trốn không thoát. Lê Lợi hỏi vì sao cho làm vua mà còn bỏ trốn? Trần Cảo bèn trả lời rằng biết trước sau cũng bị giết hại nên trốn. Quả nhiên sau đó Trần Cảo bị bức uống thuốc độc mà chết. Hoàng Xuân Hãn nghi ngờ có thể Trần Cảo không phải hậu duệ họ Trần, chẳng qua Lê Lợi muốn dựng người giả lên để có cớ đàm phán với nhà Minh mà thôi.

         Câu chuyện trên đây nói lên rằng, trong loạn lạc, họ Trần chưa chắc là họ Trần, mà chưa chừng họ Nguyễn là hậu duệ họ Trần và họ Trần lại là hậu duệ của một họ nào đó. Ở đất Hồng Lam, những trường hợp hậu duệ của các triều đại phải thay tên đổi họ trong loạn lạc, rồi tìm về đất này trú ẩn nhiều lắm. Do vậy, muốn nhận họ phải căn cứ vào gia phả. Nếu gia phả không còn, hoặc ghi chép không chắc chắn thì phải thử AND, chứ đừng nhận bừa, bởi linh hồn không cùng huyết thống khó hợp chung với nhau được, thậm chí có thể xảy ra trường hợp thiếu tương tác giữa các linh hồn khiến cho xảy ra chiến tranh ngay trong dòng tộc không chừng?

 BÙA YỂM CÓ NĂNG LỰC ĐƯỢC BAO NHIÊU?

         Kỳ trước tôi đã nhắc đến sự tích dân gian về chuyện Cao Biền yểm bùa bị bà hỏa và trâu rừng đuổi chạy bán sống bán chết; Chuyện Mã Viện dựng cột đồng thệ de dọa người Giao Chỉ, bị người Việt chẳng những không sợ, mà còn cưa đứt phăng ném xuống sông Lam.

         Bây giờ tôi muốn nói thêm. Mỗi khi linh hồn ở dạng trường khí siêu sóng, có khả năng di chuyển bằng với vận tốc ánh sáng, biết nghe, nhìn, thì không có cớ chi mà không dõi theo để bảo vệ an toàn cho hậu duệ con cháu của mình tránh khỏi các thế lực ma quỷ ám hại? đó là chưa nói, con người chúng ta đang sống, đâu chỉ nhận mỗi sự phù hộ của linh hồn gia tiên? Giống như trên Trần gian, trò ngoan thì được thầy truyền bí quyết nghề nghiệp; lính có đạo tín thì được tướng tin dùng nâng đỡ; người cởi mở thì hay được bạn bè quan tâm; thậm chí, người hành xử đức độ, tương thân tương ái với người nghèo khó, thì ra đường lắm người kính cẩn cúi chào... Những linh hồn ấy khi sang thế giới thứ hai, thứ ba, thì ngoài chuyện linh hồn gia tiên phù hộ cháu con, còn có các sự phù trì khác như: linh hồn vua và các dũng tướng bảo vệ dân lành; linh hồn thầy phù hộ cho trò ngoan để duy trì nghiệp thầy; cô hồn phù hộ cho người đã và đang giúp đỡ ban phát cơm ăn áo mặc cho mình, vv… Cho nên chuyện thầy phù thủy cúng yểm bùa ngải hại người là chuyện tào lao nực cười. Không những khó đạt được, mà có thể còn bị các linh hồn người thân của bị hại trừng phạt ngược lại. Quý vị có thể nhìn vào gia đình thầy phù thủy xem có phúc phần gì hơn ai không thì sẽ rõ. Đặc biệt hậu duệ của các dòng họ nhiều đời có người hiền tài, thì thầy phù thủy dù có 36 phép ma chước, cũng không thể nào vượt qua hàng rào bảo vệ vô hình của các vị tiên linh đó. Chưa nói tới, ma quỷ là lực lượng bị giam cầm trong địa ngục, dễ gì thoát ra ngoài để làm điều xằng bậy? Tôi mong mọi người đừng tin và đừng bao giờ có tư tưởng hại người bằng trò cúng yểm, sẽ lãnh hậu quả tốn tiền hại mình.

 QUAN NIỆM “THOÁT KHỔ” CỦA PHẬT CÓ VÀI ĐIỀU ĐÁNG BÀN

         Với quan niệm của người Việt Nam: Thiên – Địa – Nhân là 3 yếu tố cấu thành của Đạo, cho nên số 3 được xem là số “tam tài”. Cho nên thiết nghĩ, việc tu hành với mục đích bỏ qua kiếp sống thứ hai của nhà Phật, nghĩa là muốn bỏ qua yếu tố liên quan đến Địa, chỉ có Nhân và Thiên, liệu có thành được Đạo, hay là phá vỡ quy luật của Đạo? Nếu phá vỡ quy luật của Đạo thì có được coi là Đạo chăng? 

         Nếu nói ăn chay là không sát sinh sẽ tránh được tội lỗi thì cũng cần phải xem lại?

         Sự sống đâu chỉ có ở động vật? Muôn loài cỏ hoa, muông thú đều được ban tặng sự sống, nên muôn loài đều bình đẳng như nhau, cho dù là thực vật, hay động vật. Nên chỉ có không ăn gì mới không phạm tội, còn đã ăn thì dù một ngọn rau cũng mang tội sát sinh. Như vậy, quan niệm ăn chay thì giải được tội sát sinh tôi cho là chẳng đúng? Mà không giải được tội thì linh hồn không thể có sự siêu thoát ngay sau khi chết 49 ngày?

         Với quan niệm trên, thì Điều phân vân trong việc chôn và hỏa thiêu dẫn đến hai kết quả khác nhau?

         Quan niệm kiếp “nợ ba sinh” của con người phải được duy trì một cách tự nhiên theo quy luật của Thực tại tối hậu. Nên khi sống trên trần gian, con người thường có sự chuẩn bị cho kiếp sống thứ hai một cách cẩn thận, tâm thành, với hy vọng bớt khổ ở kiếp sau. Sự chuẩn bị ấy gồm hai nội dung rất cụ thể: Một là tu nhân tích đức, năng làm điều thiện để “lấy công chuộc tội”, tu dưỡng sự thanh cao cho linh hồn được ban xét ở kiếp thứ 2 và sớm được siêu thoát sang kiếp thứ 3; hai là chuẩn bị cơ sở vật chất để "gửi thân vào đất" làm sao cho kiếp thứ 2 đỡ khổ, như chuẩn bị sẵn một dằm đất, nhờ thầy coi hướng coi huyệt, sắm trước quan tài, thậm chí xây trước lăng mộ, để người thân trên trần gian khấn vái linh hồn khi cúng đơm, vv…Nếu quả thực có chuyện linh hồn, biết đâu có thể ở kiếp thứ hai dưới Địa phủ, linh hồn cũng sẽ có sự chuẩn bị tiếp theo cho kiếp thứ 3 tương tự như thế? Chỉ tiếc là chúng ta đang ở kiếp thứ nhất không đủ tinh tường để biết được kiếp thứ hai chúng ta chuẩn bị gì cho kiếp thứ 3 mà thôi. Tóm lại, tư tưởng của tập tục Việt Nam là chấp nhận kiếp sống thứ 2 một cách bình thản, không chối bỏ, xem đó là quy luật tự nhiên.

         Ở trên, tôi đã có nói đến 9 vía là 9 tầng tinh thức chứa yếu tố giác quan, đồng thời chứa yếu tố huyết thống giống nòi. Bởi vía là khí, nên tôi đặt ra một thắc mắc rằng (mà có lẽ chỉ có các nhà khoa học mới trả lời được), liệu vía có thể tồn tại nổi trên ngọn lửa dữ dội như khi hỏa thiêu thể xác? Và nếu như vía bị phân hủy, thì sự siêu thoát của hồn là trở nên vô thức, sẽ không còn nhận biết ra máu mủ ruột rà. Lý thuyết của Phật Giáo Đại Thừa cũng đã thể hiện là linh hồn sẽ vô thức sau khi siêu thoát?  

         Nếu quả như vậy thì sự thờ phụng của dòng họ trở nên vô nghĩa?

         Nói dại mồm, nếu là một linh hồn tội lỗi, thì có lẽ nên hỏa thiêu để cho hồn trở nên vô thức với quá khứ, đó là một cách giải thoát. Nhưng nếu linh hồn là một bậc hiền tài thì hỏa thiêu là sự phá vỡ nguyên khí, làm cho mất đi tính linh thiêng, sự “âm phù dương trợ” e là không còn?!

         Chôn là hình thức để cho thể xác tan hòa dần vào trong đất một cách tự nhiên, linh hồn được trải qua kiếp tu luyện trong đất, các tầng phách vốn âm tính, sẽ có cơ hội hấp thụ tinh túy của đất, lực âm được nuôi dưỡng mạnh lên, từ đó năng lực hút hồn càng lớn. Linh hồn khỏe khoắn sẽ trở nên siêu phàm khi sang kiếp sống thiên đàng. Nhưng điều quan trọng là chôn thì cơ hội bảo toàn được IQ, EQ và zen của linh hồn một cách chắc chắn hơn, từ đó mà khả năng phù trợ cao hơn cho người thân trong gia quyến?

         Khi tôi đem vấn đề ra bàn luận, có người thắc mắc, nếu không hỏa thiêu mà cứ chôn dài dài thì lấy đất đâu cho con người sống trên trần gian?

         Đó là vì người thắc mắc hiểu chưa tới ngọn ngành mà thôi. Hủ tục dân ta cho rằng khi linh hồn đã tu luyện đủ 3 kiếp, đã thực sự siêu thoát sang kiếp thứ 3 là kiếp không cần nương nhờ vào vật chất, thì thể xác hay lăng mộ không còn cần thiết, có thể sử dụng để chôn cất người mới chết khác. Tập tục thờ cúng tại gia đình người Việt Nam, chỉ thờ đến tằng tổ, còn từ cao tổ thì chỉ thờ ở nhà thờ tộc, mỗi năm vài lần hương khói chung cùng những tiên linh khác, không làm giỗ riêng nữa.

         Tôi thì tôi cho rằng không có sự đầu thai nào cả, mà sự phôi thai của muôn loài là do sự va chạm phá vỡ cấu trúc tế bào phân tử trong quá trình vận động của Đạo ở cường độ cao khi âm dương phối ngẫu gây nên phấn khích. Sự phôi thai ở kiếp Trần gian là đầu tiên và duy nhất. Kiếp thứ 2, 3 không gọi là phôi thai nữa, mà chỉ là sự tinh luyện nguyên khí của Trời Đất mà thôi. Tôi đang nghĩ, nếu các nhà khoa học mà chế tạo ra được một loại thiết bị có thể đo được 9 tầng phách con người, thì có thể sẽ biết được linh hồn có thực hay không? Và nếu có thực thì sau khi thoát ra ngoài thể xác, sẽ sinh hoạt ra sao? Hy vọng trong tương lai sớm, các nhà khoa học sẽ trả lời chúng ta điều đó.

         Sự phù trợ, thực chất là khi con người đứng giữa luồng nguyên khí âm dương có sự tương đồng về huyết thống, hoặc về một vài yếu tố tương tác được lẫn nhau của từng nhóm hồn phách, thì sẽ dễ dàng lĩnh hội được, thâu nạp được luồng nguyên khí phù hợp với cơ địa của mình, từ đó mà làm cho hồn phách mạnh mẽ lên, tinh ranh hơn. Và trường nguyên khí ấy mạnh nhất khi có sự thờ phụng tập trung.

         Sự so sánh giữa chôn và hoả thiêu, dù sao cũng chỉ mới là ý kiến cá nhân của tôi, nhưng không phải là không có căn cứ. Bởi thế, trong khi chờ các nhà khoa học giải thích được vấn đề linh hồn một cách rõ ràng, tôi xin đưa ra một giải pháp tạm thời để xử lý, mà tôi cho là có thể dung hoà được mâu thuẫn, đó là: Hãy cứ chôn như tập tục của người Việt với thời gian tương đương với kiếp sống của linh hồn ở Địa phủ (khoảng từ trên 36 năm, đến tối đa là 50 năm). Chờ khi đó linh hồn đã siêu thoát lên Thiên đường, thực sự không còn cần tới thể xác, thì ta hẵng xem lại mồ mả, nếu tự nhiên tan hoà thành đất được rồi thì tốt. Còn nếu vẫn có ít nhiều chưa tan, thì hãy thiêu hoá cho tan cũng chưa muộn. 

         Đồng thời ở đây tôi cũng muốn nhắn gửi tới các gia đình liệt sĩ chưa tìm được mồ mả người thân. Sau 36 năm rồi thì thôi không cần tìm nữa, bởi linh hồn dù khổ nàn bao nhiêu, thì hết kiếp cũng sẽ siêu thoát. Vậy chỉ cần gia đình thờ cúng đủ đầy, linh hồn sẽ được hưởng thụ. Thiết nghĩ như vậy cũng là sự bù đắp, cũng là đúng đạo nghĩa rồi.

========

Tài liệu tham khảo:

-     Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn

-     Tục thờ cúng tổ tiên – Toan Ánh

-     Thuần phong mỹ tục Việt Nam – Sơn Nam

-     Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính

-     Thọ mai gia lễ - Hồ Sĩ Tân

-     Bụt sử lược – Pierre Rey

-     Vân đài loại ngữ - Lê quý Đôn

-     Phật giáo Việt Nam – Trần Văn Giáp

-     Phật giáo Nam tông kinh – Thiên Hậu

-     Phật giáo Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục

-     Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang

-     Cốt tủy của Đạo Phật – Daisetz Tettaro Suzuki

 

 

 

Ý kiến bạn đọc:
NGUYỄN NGỌC CHÂU

Cảm ơn PLH cho nhiều thông tin vượt trội và đáng để nghiên cứu . Trong thời đại nhà Lý có một cô công chúa xuất gia tu hành đác đạo chính quả và thường xuyên giảng đạo cho các Vua cha rằng chỉ có trí tuệ con người là vô biên, siêu lực và không bao giờ ràng buộc nó, vô biên hơn cả vũ trụ ...Tất cả tôn giáo đều do trí tuệ con người mà ra .

Phan Lan Hoa hồi đáp:

Xin cảm ơn đã đọc. Với năng lực của PLH hiện tại, có thể tiếp thu được năng lượng của Trời - Đất - Vạn vật và truyền cho người khác khi họ cần sự giúp đỡ về sức khỏe. Trong quá trình tu luyện, PLH thấy rằng, trí tuệ con người không ở trong não mình, mà ở trong không gian. Có những thứ PLH thấy nó tự nhiên vào trong đầu mình lúc nào chẳng rõ, trước cả khi mình mua được cuốn sách viết về nó.

Nguyễn châm

Cháu chào cô, năm mới cháu chúc cô và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Nhân đọc bài viết này cháu đồng ý với cô về quan điểm Đạo và Đức là không tách rời nhau. Nhưng theo những gì cháu tiếp thu được từ lời dạy của Trưởng lão Thích Thông Lạc về Phật giáo thì không giống như cô nói đâu.Cô có thể tham khảo thêm ở đây nhé. http://thuvienthaythonglac.net/index.php/kinh-sach/item/110-nhung-loi-goc-phat-day-tap1

Phlanhoa phản hồi.

Chào cháu.

Trong bài cô phân tích rất rõ về những mâu thuẫn trong quan điểm của Phật giáo và Đạo gia phong cổ truyền của người VN (Đạo giáo). Cháu cần đọc kỹ trước khi có ý kiến. Trên thế giới có nhiều dòng giáo lý chứ không riêng gì Phật giáo. Cho nên với cô, giáo lý Phật giáo chỉ là một thứ tài liệu tham khảo, chứ không phải chân lý hay lẽ sống của mình gì cả. Cô không u mê dưới chân ông Thích Ca đâu cháu nhé. Nhưng nói thật, nhìn cái tiêu đề "Những lời gốc ? Phật dạy" , chữ "gốc" thôi đã khiến cô nghi ngờ rồi ? Gốc ấy ở đâu thế, từ xưa đến nay giáo lý của Phật vốn "tam sao thất bản" làm gì có gốc?

Song thiết nghĩ, khi cháu "Nam mô a di đà Phật", cháu cần biết cội nguồn sinh ra dòng giáo lý ấy từ đâu, mục đích tu hành của Thích Ca là gì? Cháu coi thêm cô viết ở đây nhé

Chúc cháu năm mới mọi điều như mơ ước

TRẦN VĂN THUYÊN

     OVI ơi thế thì BÁC HỒ họ nào là đúng ,họ HỒ hay họ NGUYỄN. Con người ta cũng từ những nguyên tố hóa học hợp nên (vật chất-cát bụi) Tinh thần, ý thức là một dạng vật chất của não bộ con người. Con người chết đi chỉ là sự chuyển đổi vật từ dạng này sang dạng khác thôi.Mấy lời thỉnh giáo OVI

Phlanhoa phản hồi

     Họ Nguyễn thì là con nuôi nhân dân biết rồi, còn họ Hồ thì chẳng có cơ sở nào anh à.

===============================

Trần Sương Mai

Chị đã chuẩn bị sẵn cho mình một ngôi nhà xinh xắn khi về với tổ tiên theo con đường hỏa thiêu , vì chị nghĩ sẽ sạch sẽ hơn khi an táng theo truyền thống , vì khi bốc mộ cho anh chị thấy thật sự là không sach sẽ Dì HOA à Theo như bài viết của em thì phải làm sao bây giờ hả Dì???

 

Phlanhoa hồi đáp 

Chị kính quý.

Chỉ miền Bắc mới có tục cải táng chị a. Còn từ Nam miền Trung đổ vào chỉ chôn một lần.
Thường nhân dân miền Nam chèn trà xanh và cánh hoa nhài khô (loại dùng để ướp trà) cho đầy quan tài ngay khi liệm. Sau đó chèn đầy cát trắng vào huyệt mộ ngay sau khi hạ huyệt. Nếu không phải là người chết bị trùng tang, thì sau 3 ngày là xây lăng mộ cố định luôn. Sau thì chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ như bị giải tỏa, hay bị sụp, bị động gì đó mới cải táng.

So sánh sự chôn và hỏa thiêu chỉ là thắc mắc cá nhân của O Ví thôi. Thắc mắc vì nhân dân ta xưa nay vẫn nói : "Sống mang họ nhà ai, chết làm ma nhà đó", cho nên con dâu cũng chôn theo bên nhà chồng; còn bên Phật giáo thì lại bảo linh hồn sau khi siêu thoát thì không còn biết đến cội nguồn, sẽ tự do lang thang một cuộc đời vui sướng.

Lại bàn về "sạch sẽ". Như thế nào thì được gọi là sạch sẽ? Ai dám bảo linh hồn bay trên trời cao thì không bị nhiễm sa khí? Mỗi khi mà ông khói ở trần gian ngày càng nhiều. Chẳng qua chỉ là thứ hữu hình ta nhìn được thì cho là không sạch sẽ, còn thứ vô hình thì ta chẳng biết được sạch sẽ hay không mà thôi...

Một thực tế trước mắt, linh hồn các liệt sĩ tìm về gia đình là rất nhiều. Mà tìm về khi chiến tranh đã qua mấy chục năm, điều đó có thể suy đoán rằng linh hồn các chiến sĩ đã siêu thoát hết kiếp thứ 2 ở Địa phủ, có khả năng đi lại tự do hơn nên có khả năng tìm về.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Bài đọc thêm: CỔ NHÂN VÀ CÁC TỤC LỆ NGÀY XUÂN (06h: 26-12-2020)
 Ý nghĩa những thức bày cỗ cúng truyền thống của người Việt (17h: 21-01-2015)
 Lễ cầu an, cầu siêu, tạ, tảo mộ, động thổ di dời xây cất mồ mả ... (16h: 22-03-2016)
 Có nên bỏ viên thạch anh vào bát hương? (23h: 02-04-2016)
 Tết Đoan Dương có lẽ là ngày khai quốc của tộc người Việt Thường? (11h: 09-06-2015)
 Trùng tang – phép tính và phép giải (20h: 16-11-2012)
 Giải oan cho cô hồn (17h: 28-08-2015)
 BÀ CÔ ÔNG MÃNH LÀ AI ? (15h: 15-04-2013)
 Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính: TANG MA, CHÔN CẤT, KỴ NHẬT (17h: 03-12-2014)
 Một số câu hỏi xung quanh việc tu bổ, cải tạo, xây mới nhà thờ họ (17h: 28-12-2013)