Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
 Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
 Từ điển tiếng Nghệ An - Hà Tĩnh
 Giai thoại Đồ Nghệ
 Kho tàng truyện dân gian Nghệ An - Hà Tĩnh
 Đó đây quê mình Nghệ - Tĩnh
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Tộc người ngủ ngồi ở Nghệ An
 
(12h: 02-09-2014)
Tộc người ngủ ngồi ở Nghệ AnBài và ảnh, clip tổng hợp từ VTC NEWS và tác giả Đức Ngọc
Những tập tục như ngủ ngồi, đẻ ngồi; người chết ở trần, đóng khố không có áo quan... vẫn đang tồn tại ở tộc người Đan Lai giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.


   Lạ lùng tộc người ngủ ngồi, xác chết đóng khố ở Nghệ An

VTC NEWS

Những tập tục như ngủ ngồi, đẻ ngồi; người chết ở trần, đóng khố không có áo quan... vẫn đang tồn tại ở tộc người Đan Lai giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.
          1. Vừa nghe chúng tôi hỏi về nguồn gốc của tộc người Đan Lai, thầy giáo La Đình Thám, 67 tuổi, nguyên giáo viên Trường tiểu học Môn Sơn 3 (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An), kể lại truyền thuyết của dân tộc mình: Từ thời xa xưa lắm rồi, có một chàng trai nghèo họ La, bỏ làng Đan Nhiệm (huyện Nam Đàn) ngược lên miền Hoa Quân (huyện Thanh Chương) tìm vợ rồi ở luôn tại đó, sinh con đẻ cháu ngày một đông đúc.

Nhờ tính hay lam hay làm nên đã có của ăn của để. Sự giàu có của dòng họ này đã đẩy con cháu mình vào một bi kịch. Do ghen ăn, tức ở, bọn chức dịch trong làng đã dùng mưu gian, kế hiểm đẩy dòng họ La vào bước đường cùng. Khi dòng họ La đang sống yên bình, thì bỗng có chiếu vua ban xuống, quan sức về làng. Trong chiếu nhà vua bắt dòng họ La trong vòng 10 ngày phải nộp cho triều đình một chiếc thuyền liền mái chèo và 100 cây nứa vàng nếu không cả họ sẽ bị chém đầu.

Để tránh họa đầu rơi, máu chảy, cả dòng họ La, già trẻ, gái bằng được trai vội vã bủa vào rừng thiêng, nước độc tìm kiếm lễ vật ấy cho vua. Nhưng họ cứ đi, đi mãi, ngày đêm không nghỉ, lục tìm hết cả đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ mà vẫn không thể tìm ra được những sản vật quái gở ấy... Tay không trở về làng khi thời hạn đã gần hết, nhân một đêm tối trời cả dòng họ La bàn nhau bỏ trốn. 

 

Họ ngậm ngùi bồng bế, dắt nhau rời làng trốn vào rừng sâu, họ ngược dòng sông Giăng đi mãi, đi mãi đến tận nơi sơn cùng thuỷ tận đến khi tối mịt, cả đoàn người mệt mỏi mới dám tựa vào gốc cây, hang đá nghỉ lưng chờ trời sáng để đi tiếp. Điểm dừng chân cuối cùng của họ là một vùng núi non hiểm trở, cây cối hoang sơ, không có một dấu chân người, đó là vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát bên dòng sông Giăng đầy thác ghềnh hung dữ

Ngày đó nơi họ dừng chân chỉ có thú dữ và chim chóc, không có một bóng người lai vãng. Hy vọng sẽ không ai biết họ ở đây để báo cho vua chúa đem quân đến giết hại nữa, dòng họ La quyết định “đóng đô” lại đây.

Cuộc đào tẩu vào giữa đại ngàn Trường Sơn của tộc người Đan Lai đã được đưa vào bài cúng tổ tiên: “Theo dấu chân nai/ đi gieo hạt lúa/ theo dấu chân hổ/ đi trồng hạt ngô/ lang thang đầu suối/ bâng khuâng lưng đèo/ sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều...”

2. Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Vương, thì cuộc chạy trốn bất đắc dĩ và đầy bi thương này đã đẩy tộc người này cách ly với đời sống xã hội đương đại của dân tộc khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng, nước độc. Để tồn tại và duy trì nói giống của mình, những con người thậm khổ này bắt buộc phải quay trở lại kiếp sống hái lượm của thời hồng hoang và phải chấp nhận hôn nhân cận huyết. Hằng ngày họ phải vạt cây gỗ để làm dụng cụ săn bắt, hái lượm, lấy vỏ cây rừng làm khố, đào củ mài, tìm củ nâu trong rừng để sống qua ngày

          Cả chiều dài lịch sử đằng đẵng lánh nạn giữa nơi thâm sơn cùng cốc, dòng họ La dần dần giao tiếp được với một số dân tộc thiểu số bản địa như người Thái, người Thổ, họ chấp nhận lai tạp thêm vào tiếng mẹ đẻ của mình các từ ngữ của các dân tộc khác để che giấu thân phận và nguồn gốc của mình.

          Họ tự đặt tên tên cho dòng họ của mình là Đan Lai. Đan là ý muốn chỉ tộc người của mình xuất phát ở làng Đan Nhiệm, còn Lai ý nói là mọi thứ kể cả con người, tiếng nói, phong tục đều đã bị “lai tạp”. Đây là lý do giải thích vì sao tiếng nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường - Việt ngữ cổ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần dần họ quên cả tiếng nói mẹ đẻ, quên cả chữ viết, phương thức canh tác nông nghiệp và cả nét văn hoá của dân tộc mình... Đây là những nguyên nhân hình thành những phong tục, lối sống rất khác lạ với đời sống hiện đại.

          Thầy giáo La Đình Thám giải thích thêm: Cả tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu bằng hái lượm giống như thời hồng hoang nguyên sơ của loài người nên họ đã duy trì nhiều tập tục xa lạ với các dân tộc khác. Khi chết người Đan Lai không được mặc quần áo, chỉ đóng khố, không dùng hòm vỏ để chôn cất, ngủ ngồi, con cháu trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện quá bình thường…

Ông Thám kể câu chuyện về người bác ruột tên là La Văn Khằm. Năm 1960, khi đang làm cán bộ HĐND huyện Con Cuông, ngày nghỉ ông Khằm về thăm gia đình và bị ngã bệnh qua đời đột ngột. Dịp đó, lãnh đạo huyện đưa hòm gỗ về bản để làm thủ tục khâm liệm cho người quá cố, nhưng từ người nhà đến già làng, dân bản đều nhất quyết cự tuyệt. Họ quan niệm rằng chôn cất ông Khằm bằng hòm gỗ là sai lệ làng và khi xuống cõi âm người chết sẽ không được tổ tiên chấp nhận.

          Trước sức ép của chính quyền, ông Khằm đã được nhập quan, nhưng khi chôn cất xong, cán bộ huyện vừa ra khỏi bản thì dân bản đào huyệt đưa lên xác ông Khằm lên để làm thủ tục chôn trần theo phong tục của dân bản…

          Phụ nữ Đan Lai mới 13-14 tuổi đầu đã lấy chồng. Một mình vào rừng “vượt cạn” đẻ ngồi trong cái chòi dựng tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù là nắng hay mưa, dù cho rét căm căm đến ghê người vẫn mẹ đem xuống suối để tắm 3 lần. Đến khi da dẻ bị tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà nuôi.

Những đứa trẻ Đan Lai đứa nào cũng có đôi mắt rất đẹp, xanh trong như dòng nước sông Giăng nhưng hễ gặp người lạ là chúng đều cúi gằm mặt xuống. Dường như sự mặc cảm về thân phận của cả tộc người đã ăn sâu trong tâm hồn của bọn trẻ giữa chốn thâm sơn cùng cốc này.

3. Tộc người Đan Lai có tập tục lạ lùng là không bao giờ ngủ nằm. Tục ngủ ngồi ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con trở thành thói quen của tất cả mọi người. 
          Già làng La Văn Quyết giải thích, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc phải thường trực ý thức trốn chạy thật nhanh nếu bị quan quân chế độ phong kiến vây bắt. Đó cũng là cách để giúp họ hàng ngày chống chọi với muông thú hoang dã đang rình rập. "Nhờ tục ngủ ngồi mà người Đan Lai tồn tại được đến ngày hôm nay đấy", già Quyết nói.

Từ hơn 300 trăm năm nay tộc người Đan Lai luôn sống trong cảnh không có nhà, chỉ lấy cành cây dựng tạm thành cái lều ở tạm cho đến khi hỏng thì mới làm lại. Mỗi khi màn đêm buông xuống, trong túp lều tạm bợ ấy, cả gia đình họ chỉ dám ngồi quây quần bên đống lửa để canh chừng thú dữ tấn công. 

Lâu dần thành thói quen, ngồi thâu đêm như vậy ai cũng mệt nhoài, chỉ dám tranh thủ chợp mắt để khi có thú đến còn có đà chạy vào rừng sâu lẩn trốn. Cho đến tận bây giờ, ngủ ngồi đã thành một tập tục của tộc người Đan Lai. Trẻ con lớn lên chỉ cần biết ngồi vững là đã phải học cách ngủ ngồi!

Người Đan Lai không chỉ ngủ ngồi quanh bếp lửa, tộc người này còn có thể ngủ trên cây mỗi khi đi săn bắt, hái lượm không kịp về bản. Theo già Quyết, cứ mỗi chuyến đi săn ít nhất cũng tới vài ngày. Những lúc như vậy những người đi săn thường phải trèo lên cây cao để ngủ nhằm tránh thú dữ. Chỉ cần vài ba đoạn cây buộc vào nhau làm điểm tựa là họ ngủ ngồi suốt đêm trên cây

“Tục ngủ ngồi đã được truyền qua bao đời nay nên người dân trong bản không có thói quen nằm giường. Cả bản Cò Phạt có hơn 70 nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào mua sắm giường chiếu. Mới đây, do được tuyên truyền vận động, cũng có nhà trong bản sắm giường, nhưng khi ngả lưng nằm lại thấy rất khó chịu, đau lưng nên đã quay sang ngủ ngồi”, già Quyết nói.

Thượng tá, Nguyễn Văn Vượng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Môn Sơn (Đồn 555), cho biết: Hiện số người Đan Lai tại huyện Con Cuông có khoảng 708 hộ với 3.277 nhân khẩu. Trong đó riêng xã Môn Sơn có 217 hộ với 1.075 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc của xã Môn Sơn (217 hộ), số còn lại sống ở 2 xã Lục Dạ (55 hộ) và Yên Khê (36 hộ). Từ năm 2008 đến nay, tộc người Đan Lai được Nhà nước quan tâm giúp đỡ rất nhiều.

Do quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên người Đan Lai sống phóng khoáng như núi rừng, cỏ cây, mỗi cặp vợ chồng cưới nhau từ khi mới 13-14 tuổi nên bình quân họ từ 4 đến 6 người con, cá biệt có cặp vợ chồng sinh tới 13 đứa con.

Nghệ An: Tộc người ngủ ngồi vẫn sống giữa rừng

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Sau 8 năm đề án di dời người Đan Lai ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An ra khỏi rừng sâu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện phần lớn tộc người này vẫn chưa có nơi an cư.

Theo đề án di chuyển tộc người Đan Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng trăm hộ của tộc người này sống tại 2 bản Bùng và Khe Cồn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An được di dời đến các khu tái định cư (TĐC) ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2007-2009 nhưng đến năm 2014, chỉ 42 hộ được di dời. Trong khi trên150 hộ khác còn đang phải sống khốn khổ ở rừng sâu thì nhiều căn nhà tại khu TĐC lại bị bỏ hoang.

Chưa xây xong khu tái định cư

Khu TĐC số 2 ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn được khởi công vào tháng 1-2011 để đón nhận 35 hộ tộc người Đan Lai. Hiện nay, khu TĐC này không một bóng người. Hơn 30 căn nhà sàn 2 tầng được xây dựng kiên cố bị bỏ hoang. Các hạng mục khác như trường học, nhà văn hóa, trạm xá, công trình nước sạch, trạm điện… không ai quản lý nên cây cối, cỏ dại bao trùm.

Khu tái định cư số 2 của tộc người Đan Lai đang bị bỏ hoang

Từ bản Kẻ Tắt, đi sâu vào rừng khoảng 4 km thì đến bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn - nơi được quy hoạch khu TĐC số 3, bố trí cho 69 hộ dân Đan Lai ở. Sau nhiều năm triển khai, hiện khu TĐC này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Liên quan đến việc xây dựng khu TĐC cho tộc người Đan Lai ở xã Thạch Ngàn, theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông, đến tháng 8-2014, tổng số nguồn vốn đã được giải ngân là trên 72 tỉ đồng. Sau 8 năm thực hiện dự án, chỉ có khu TĐC số 1 ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Con Cuông, thừa nhận: “Dự án bị kéo dài do nhiều nguyên nhân, như thiếu vốn, quy hoạch ban đầu có nhiều điểm bất hợp lý... Ngoài ra, việc thi công kéo dài khiến chi phí của công trình đội lên nhiều so với phê duyệt ban đầu”.

Ông Tuấn cho biết khu TĐC số 2 đã dừng thi công do thiếu vốn. Trong khi đó, với khu TĐC số 3, do địa điểm quy hoạch xây dựng trước đây không phù hợp nên đang phải tìm địa điểm khác.

Lạc hậu, đói nghèo

Tộc người Đan Lai cư trú chủ yếu ở khu vực thượng nguồn Khe Khặng, xã Môn Sơn. Do họ sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (cách trung tâm huyện 40 km) nên muốn đến nơi này, người ta phải đi bộ cắt rừng rồi dùng thuyền nhỏ men khe suối mất rất nhiều thời gian.

Ở tách biệt với thế giới bên ngoài nên người Đan Lai có tập tục lạc hậu, sống đói nghèo quanh năm. Điều đáng báo động nhất là do họ ở biệt lập trong rừng nên xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết dẫn đến suy thoái về giống nòi.

Để cứu tộc người Đan Lai, tháng 12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280 phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Tổng kinh phí của dự án là 93,24 tỉ đồng.

Một trong những hợp phần quan trọng nhất của dự án là di chuyển 146 hộ dân tộc người thiểu số Đan Lai lúc đó ở thượng nguồn Khe Khặng đến nơi ở mới là xã Thạch Ngàn. “Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên đến nay, chúng tôi chỉ mới di chuyển được 42 hộ. 104 hộ khác vẫn chưa thể di chuyển đến khu TĐC mới” - ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết.

Ngoài 104 hộ dân chậm được di dời ra khỏi rừng thì từ năm 2006 đến tháng 8-2014, đã có thêm 66 hộ dân mới tách ra ở riêng. Đời sống của họ rất thiếu thốn, lạc hậu, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phức tạp.

“Khi người Đan Lai tập trung đông trong vùng lõi, họ sẽ săn bắt, hái lượm, khai thác gỗ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự bảo tồn của Vườn Quốc gia Pù Mát” - ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, lo ngại.

Chạy trốn bạo chúa

        Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo tương truyền, dòng họ này vốn ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Bạo chúa Hoa Quân lúc ấy buộc họ phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ thảm sát tất cả. Sợ bị giết hại, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, khi đến thượng nguồn sông Giăng, huyện Con Cuông, nơi không còn nghe thấy tiếng người, mới dám dừng chân định cư và hình thành tộc người Đan Lai ngày nay.

Người Đan Lai có tục ngủ ngồi để đề phòng thú dữ và bạo chúa truy đuổi. Theo một số tài liệu thì hiện tộc này có khoảng 3.000 người.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Những giá trị văn hóa nội sinh của cư dân Bãi Cọi (10h: 25-01-2013)
 Ký ức núi Nài (01h: 09-09-2012)
 Phục sức của người Xứ Nghệ xưa – Phục sức của người lao động (tiếp theo) (23h: 21-08-2012)
 Phục sức của người Xứ Nghệ xưa – Phục sức của người lao động (23h: 19-08-2012)
 Phục sức của người Xứ Nghệ xưa – Phục sức của Nam (08h: 23-07-2012)
 Phục sức của người Xứ Nghệ xưa – Khăn vấn, khăn trù, giày dép và trang sức (23h: 03-07-2012)
 Mây ngàn gió núi Ngàn Trươi (10h: 19-06-2012)
 Phục sức của người Nghệ Tĩnh xưa: - Váy (18h: 14-06-2012)
 Liên hoan CLB dân ca, ví giặm Xứ Nghệ toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2012 (16h: 14-06-2012)
 Phục sức của người Xứ Nghệ xưa: Áo cánh và áo dài (22h: 09-06-2012)