Bài và ảnh của Phlanhoa
***
Chúng tôi đến Đồng Hới khi trời đã ngả về chiều. Đầu đông rồi mà nắng còn chang chang. Mây trắng xếp thành mái bằng che phủ suốt một vùng trời rộng lớn. Nhìn từ trên không trung, ánh nắng xuyên qua làn mây phản chiếu xuống mặt sông Nhật Lệ, làm nổi bật lên những đường cong điệu đà ngời sáng ánh bạc.




Những ngôi nhà ở Quảng Bình thường có nhiều cột thu lôi trên nóc, bởi vùng này khi xảy ra mưa giông thường hay có sét đánh. Xuống máy bay, nơi chúng tôi đến đầu tiên không phải là nhận phòng khách sạnđể nghỉ ngơi, mà tới cuộc hẹn hò giao lưu với chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xã Lộc Ninh. Lúc này cũng đã vào tầm 5h chiều, những chú trâu lấm lem bùn đất sau một ngày trên đồng ruộng, giờ đã chịu xuống ao tắm rửa để trở về ràn. Cánh đồng mới gặt xong trơ gốc rạ, loáng thoáng vài chú cò nhẫn nại mò mẫm, in bóng hao gầy trên mặt bơ mương. Và những người phụ nữ của Lộc Ninh cũng mảnh dẻ thân cò thân vạc…



Bờ sông Nhật Lệ về đêm vắng lặng thanh bình, tiếc là chúng tôi không tìm thấy cái quán nước mía nào để ngồi, có lẽ đây là một trong những điểm yếu của các tỉnh miền Trung, thường kêu nghèo nhưng cơ hội kiếm tiền thì không tận dụng hết. Chúng tôi phải về KS với ly soda chanh giá 40.000đ thay cho ly nước mía 5.000 Việt Nam ngon bổ rẻ mà ở Sài Gòn, Vũng Tàu thì ra ngõ là có liền...


Quảng Bình khi xưa là đất đai của người Chăm Pa, còn ngày nay trên 60% dân số theo đạo Thiên Chúa, nên bạn sẽ khó kiếm hơn trong tâm mắt những ngôi chùa Phật ở vùng này. Dấu tích còn lại của Tam Tòa nói rằng nơi đây khi xưa là một nhà thờ lớn của đạo Thiên Chúa đã bị chiến tranh làm cho tan hoang, chỉ còn lại một góc tường. Những tưởng Sai Gòn mới “chợt mưa chợt nắng”, hoá ra Quảng Bình cũng rứa, khác chi mô. Xe chạy từ khách sạn tới Tam Tòa thì mưa to, nhưng nhích thêm chút đỉnh tới tượng đài mẹ Suốt thì trời tạnh, ánh bình minh le lói yếu ớt trên sông, đủ cho những con thuyền nan ngược xuôi soi bóng...


Vũng Chùa – Đảo Yến
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến vũng Chùa để viếng Đại Tướng khi cơn mưa vừa mới tạnh, ánh mặt trời le lói yếu ớt, nước còn đọng trên là thông xanh. Chụp với đoàn vài bức ảnh rồi trong lúc chờ đoàn chuẩn bị vòng hoa, tôi tranh thủ ngắm phong cảnh bốn xung quanh nơi yên nghỉ của Đại Tướng.



Tôi đã nghe và đọc nhiều bài viết về “long hồi khí tụ” đất Vũng Chùa, cho nên cũng có ý nhìn xem thế nào. Có đúng là Linh hồn Đại Tướng đã tìm được nơi an nghỉ tốt lành hay chưa?

Nhưng xin nói rõ nội dung dưới đây chỉ là nhận xét cá nhân theo con mắt phong thủy của tôi: Về quang cảnh chung của Vũng Chùa đã được các nhà cảm xạ học do đạc là lên tới 20.000 bovis, một trong hai nơi cao nhất Việt Nam, tôi không bàn cãi. Chỉ lăn tăn ở ví trị Đại Tướng yên nghỉ có những điểm bất hợp lý sau:

Theo Phlanhoa, nguồn sinh khí vào Vụng Chùa sẽ tỏa ra bốn luồng (1,2,3,4). Vị trí Phlanhoa đề nghị là số 3.
- Bạch hổ cao hơn Thanh long. Phía bạch hổ núi lại cao tốt tươi, phía thanh long cây cối lởm khởm, xấu xí, đồi choài sệ hẳn xuống bên trái, đang mùa mưa mà cậy cối cháy khô phía tây chứng tỏ đất cằn. Chưa nói, bên phải con đường đi lên mới làm tự nhiên tạo nên khe nước mà khi trời mưa sẻ thành dòng chảy từ trên núi xuống về phía bạch hổ, khiến cho long hổ bị đảo lộn. Theo phép phong thủy, khi hổ cao hơn long thì phát về nữ, long xấu thì hệ lụy đến con trai.
- Núi Thọ Sơn được ví là một con rồng, mũi rồng phục xuống mép biển, nhìn từ lăng mộ Đại Tướng sẽ không thấy được, nhưng chụp bằng google maps sẽ thấy vị trí Đại Tướng an nghỉ chẹn ngay cổ họng con rồng. Trong khi đảo Yến hình thù như một con cá mập mà bờ vách đứng gồ ghề nhìn thấy trực diện chính là cái hàm cá, từ hướng đông nam chọc mõm thẳng vào hướng lăng mộ, tựa hồ như chuẩn bị tấn công cắn ngang vòm họng con rồng. Theo phép phong thủy thì đó là điềm hung. Cần có một bức ngự án chặn hướng tấn công của con cá lại. Trên đầu cá có một mũi đá ngầm ngăn dòng thủy lưu đến từ hướng nam, chia dòng làm hai, một nửa quanh quẩn trên eo lưng con cá, nửa còn lại chảy vào vụng phía đuôi con rồng.
- Nhìn dòng chảy của nước để thấy hướng đi của khí từ Đông Nam và Nam vào Vũng Chùa, nước vỗ vào bờ ắt thoát khí lên tỏa ở vùng đuôi, lưng rồng và đầu rồng. Còn phần cổ họng con rồng trông qua thì ngỡ là nơi tụ khí, thực chất đã bị lưng con rồng cao hơn che chắn mất luồng sinh khí.
Nếu được phép đưa ra lời đề nghị, tôi cho rằng nên cải táng lăng mộ Đại Tướng sang ngọn núi bên phải mới hợp lý. Ngoài ý nghĩa cưỡi lên lưng rồng, thì đồng thời tránh được mõm con cá lao thẳng vào. Dòng nước mưa sẽ chảy sang bên trái, long hổ cao thấp được điều hòa, đón nhận luồng khí không tốc thẳng vào mà tỏa nhẹ thăng thiên từ biển lên trời men theo sườn núi. Như thế mới hợp phép phong thủy. Linh hồn Đại tướng là Nguyên khí quốc gia, có tầm ảnh hưởng cả dân tộc, nên chăng cần tính toán kỹ về phong thủy để khỏi ảnh hưởng về lâu dài…
Có một chút chuyện, không biết là có phải điềm linh thiêng hay không nữa, tôi chỉ kể lại sự thật thôi. Khi tôi đang ghi hình ảnh phong cảnh Vũng chùa thì chợt trên trời có bóng bay qua, tôi tưởng là con chim nên vội chốc ngược máy ảnh lên bấm đại một nhát. Bấm máy rồi mới phát hiện ra đó là một chú bướm đen với đốm trắng ở phần cánh phụ (hình 1). Khi lên viếng Đại Tướng, bướm xuất hiện trở lại dưới chân lăng cuối những vòng hoa (hình 2). Như thế cũng chưa có gì lạ. Khi tới hang tám cô, chú bướm hình dáng màu sắc giống y hệt như thế tiếp tục xuất hiện, bay một cách nặng nề trong mưa, quẩn quanh chân từng người trong đoàn (hình 3). Ngày hôm sau, chúng tôi viếng nghĩa trang Trường Sơn, chú bướm lại tiếp tục xuất hiện (hình 4). Tôi sẽ không có lời bình luận, chỉ xác nhận bằng hình ảnh bốn lần xuất hiện, hình thù của bướm giống nhau y hệt tựa hồ như là một.




Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây
Rời Vũng Chùa, xe đưa chúng tôi đến với dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tôi biết chắc mình sẽ phải thức cùng rừng núi, nên trước đó đã tắt tiếng động của máy ảnh, lấy một ít giấy ăn lau bụi khung kính nơi tôi ngồi để chuẩn bị cho cuộc săn ảnh sắp tới. Cậu lái xe thấy thế bèn cười cười bảo:
- Chị khỏi lau, chút nữa vào đường Trường Sơn sẽ có mưa rừng lau dùm.
Quả là như thế. Xe lượn vòng vèo hết Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Tôi được tận mắt chứng kiến cảnh xe chạy xuyên qua những cơn nắng, cơn mưa của “Trường Sơn khi nắng khi mưa rừng”, lọt vào giữa một khung trời đẹp đến nao lòng, đẹp từ hình dáng ngọn núi, đẹp từ đường cong uốn lượn điệu đà của dòng suối xanh.

Tôi nhìn ra xa tắp nơi những ngọn núi có tên “Kim” chập chùng lô nhô, thầm hỏi đỉnh nào là đỉnh U Bò, nơi người Dì thân yêu của tôi đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình? Ngày nay, du khách đi qua nhìn thấy sự tươi tốt của rừng, mấy ai đã hiểu nơi đây khi xưa là một chiến trường khốc liệt. Gia đình tôi có hai người con gái xinh đẹp đã từng trải qua những ngày gian lao chốn này. Dì tôi, có mái tóc dài đến khoeo chân, mắt đen huyền, làn da trắng hồng và hàm răng đều hạt bắp từng làm xiêu lòng biết bao trai làng khi nở nụ cười. Nhưng vì chiến tranh tàn khốc, dì đã hy sinh khi mới 19 tuổi trên đỉnh U Bò, trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Trong khi đó, tại một địa đạo trong lòng núi của đất Vĩnh Linh, mợ tôi cũng là một người còn gái thuộc hàng sắc nước hương trời của đất Lệ Thủy. Cậu tôi đi B vào tới Quảng Bình thì gặp mợ và hai người đã kết duyên cùng nhau bằng một đám cưới dưới cái rạp trang hoàng bằng dù pháo sáng. Tôi nhớ ngày ấy mẹ tôi đã đi nhờ xe bộ đội vượt hàng trăm cây số từ Hà Tĩnh vào Lệ Thủy (Quảng Bình) để làm người đại diện nhà trai cho cậu. Mợ tôi làm y tá trong bệnh viện B (một bệnh viện dã chiến được thành lập trong thời chiến tại Quảng Bình), hai đứa em con cậu tôi đều được sinh ra trong địa đạo.



Nếu sông Nhật Lệ sóng cồn lịch sử, thì sông Gianh cũng là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Sông Gianh còn có tên là sông Thanh Hà, nghĩa là dòng sông xanh. Tên cổ của sông Gianh là Đại Linh Giang. Sở dĩ sông có tên Đại Linh Giang bởi còn có Tiểu Linh Giang, là dòng suối đầu nguồn, hay nói cách khác, sông Gianh được kiến tạo bởi ba dòng suối khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ. Rào Nậy, khởi nguồn từ núi Thanh Lãng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nguồn thứ hai là suối Kim Linh (hay còn gọi là sông Tiểu Linh Giang), khởi nguồn từ núi Kim Linh. Chữ “Linh” trong Kim Linh theo mô tả trong sử sách, thì hình dáng núi non ở vùng này chóp nhọn và thường mọc đơn lẻ một đến ba ngọn, còn chữ “Linh” có nghĩa là đơn lẻ, nên có hàng loạt ngọn núi được đính với chữ “Kim” như Kim Đỉnh, Kim Sơn, Kim Linh…. Nhánh thứ ba có tên là Rào Son, chính là dòng sông khởi nguồn từ trong động Phong Nha – của vùng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng.



Một nhành lưu ly mọc hoang bên bờ Rào Son của Phong Nha Kẻ Bàng khiến cho tôi chợt nghĩ. Nếu Quảng Bình nhìn xa tầm hơn một chút ra ngoài khu du lịch, ươm những giống hoa rừng như sim, mua, xuyến chi, dã quỳ, bươm bướm, lưu ly, để chúng được khoe sắc đón chào du khách suốt hai bên đường Trường Sơn, thì Quảng Bình đâu chỉ có mỗi 31,5 km hang động mới là thiên đường, mà cả cánh rừng Trường sơn chạy qua đất Quảng Bình đều trở thành thiên đường mê hoặc du khách. Hoặc nên chăng, dạy cho dân vùng cao trồng xuyến chi, dã quỳ thành ruộng để lôi cuốn lớp trẻ tìm đến với núi rừng...
Hang tám cô
Chúng tôi đến Km16 của đường 20 dưới một cơn mưa rừng xối xả, núi non cây cối mờ chìm trong mưa. Phong cảnh buồn ảm đạm, dường như gửi gắm nỗi niềm của một câu chuyện thương tâm...



Chuyện kể rằng, trên cung đường 20, tại km16, có một hang núi, có một tiểu đội nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn dùng hang làm hầm trú ẩn tránh bom trong những ngày Trường Sơn chiến tranh ác liệt. Các chiến sĩ đi qua đây quen gọi là “hang Tám Cô”
Chiều 14-11-1972, Mỹ đem máy bay B.52 ném bom rải thảm tuyến đường 20 từ Km16. Khi ấy, đội thanh niên xung phong 163 của ban 67 đang làm nhiệm vụ mở đường, vội vã chạy vào hang đá đế tránh bom. Cả quãng đường qua Km16 bị bom cày nát, một loạt bom đã khiến năm chiến sĩ pháo binh hy sinh phía ngoài cửa hang. Một tiếng ầm khủng khiếp vang lên. Tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. 8 thanh niên xung phong gồm bốn nam bốn nữ đã bị mắc kẹt lại trong hang. Tất cả đều đều đang tuổi 19-20 và cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Họ là Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương và Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ.
Sau trận oanh tạc, đồng đội của họ nghe tiếng kêu cứu, đã tập trung trước cửa hang để tìm cách phá đá cứu người nhưng rồi các đồng đội của họ đã không thể. Đơn vị pháo binh dùng những chiếc xe xích choàng xích để kéo, song tảng đá quá lớn đã không nhúc nhích. Có ý kiến đề nghị đánh thuốc nổ phá đá nhưng sợ sức ép làm chết mọi người trong hang. Đồng đội bên ngoài phải khoan đá, luồn ống tuy-dô vào, rồi nấu cháo rót qua đường ống để tiếp tế cho anh em cầm cự, nhằm kéo dài thời gian để tìm cách cứu họ. Nhưng rồi tất cả đành bất lực. Chỉ cách nhau một tảng đá, nghe tiếng gọi của nhau mà đành đoạn nhìn cái chết cướp dần từng đồng đội. Tiếng kêu yếu dần, đến ngày thứ chín, tiếng kêu cuối cùng đồng đội của họ nghe được là tiếng gọi “Mẹ ơi!” của một cô gái. Ngày 23.11.12 được lấy làm ngày giỗ chung cho tất cả 8 thanh niên xung phong. Hang Tám Cô bây giờ trở thành chốn linh thiêng giữa núi rừng, được đồng đội và những du khách gần xa tìm đến hương khói thường xuyên.
Kỳ 2: Hang Thiên Đường - sự tạo tác kỳ diệu của tạo hóa.