Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
 Video Clip
 Du lịch Hà Tĩnh
 Du lịch Bà Rịa Vũng Tàu
 Du lịch Nghệ An
 Du lịch trong nước
 Du lịch nước ngoài
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Quảng Trị - Du ký miền tâm linh
 
(21h: 16-11-2014)
Quảng Trị - Du ký miền tâm linhBài và ảnh của Phlanhoa
***
Tạm biệt Quảng Bình, chúng tôi di chuyển sang miền đất Quảng Trị. Trên đường đi, người hướng dẫn viên với giọng trầm buồn: “Các chị à. Quảng Trị là giới tuyến của trận chiến giữa hai phe Việt Nam Cộng Sản và Việt Nam Cộng Hoà cho nên nơi đây nhiều người chết nhất trong cả nước…”. Thế rồi lịch sử buồn đau ấy dường như hiện ngay ra trước mắt chúng tôi: Tỉnh Quảng Trị chiếm hai trên bốn nghĩa trang quốc gia trong cả nước là, nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Ngoài hai nghĩa trang đó, thì lòng sông Thạch Hãn được ví như là một “nghĩa trang không nấm mồ”; còn thành cổ Quảng Trị lại là nghĩa trang chỉ có duy nhất một ngôi mộ chung cho những người chiến sĩ ngã xuống nơi này…

 

Những loài côn trùng  của rừng núi

Xe chúng tôi theo giao lộ 15 vào rừng để đến nghĩa trang Trường Sơn (thuộc địa phận xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh). Với tổng diện tích 140.000 mét vuông, quy tụ 10.333 mộ phần các liệt sĩ Cộng Sản. Liệt sĩ được quy tụ từng khu theo quê quán. Tôi bần thần, chẳng biết nên tự hào hay nên buồn đau khi mà những nơi như thế này luôn có sự hiện diện đông nhất người  ba tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh! Sử sách thì ngợi ca “không tiếc tuổi xuân để giải phóng dân tộc”. Vậy nhưng… giải phóng dân tộc rồi thì đồng đội của các cô chú đang để cho một số doanh nhân sau khi no nê hưởng thụ ưu đãi làm giàu, thì rửng mỡ treo biển tẩy chay !?

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…

Tan chợ chiều xuôi đò có vội

Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong

(thơ Lê Bá Dương)

Nếu nghĩa Trường Sơn là khu nghĩa trang có nhiều nấm mộ nhất cả nước, thì sông Thạch Hãn là một “ nghĩa trang không mồ”! Chẳng ai đếm được bao nhiêu xác chết dưới đáy con sông này, nên chẳng ai so sánh nổi nơi đây cư ngụ nhiều hơn, hay nghĩa trang Trường Sơn cư ngụ nhiều hơn linh hồn những người lính tữ vì trận mạc !?

Và nếu nghĩa trang Trường Sơn được tôn vinh là “nghĩa trang liệt sĩ” của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Sản; thì dưới đáy sâu của dòng sông Thạch Hãn chứa chất cả những linh hồn những người lính Việt Nam Cộng Hoà. Nhìn con sông trong xanh trong nắng vàng, tôi thầm hỏi liệu ở thế giới bên kia, các chú các cô đã ngộ ra rằng cuộc chiến mà cả hai bên đều gọi là “chống quân xâm lược” thực ra là người Việt tự đánh nhau chưa? Liệu các cô các chú hai phe đã hoà bình nhau chưa mà hôm nay sông lặng lờ ngăn ngắt đến thế?

Hướng mặt về phía dòng sông, tôi chắp tay khấn nguyện:

Con kính thưa các cô các chú là đồng đội của Ba, của Dì, của Cậu và của các Anh con; Con đồng kính thưa các cô các chú từng là kẻ thù của Ba và Dì con.

Tham gia vào cuộc chiến tranh này, gia đình con có 5 người và trong 5 người đó ba người đã không con cơ hội trở về ¹. Rốt cuộc thân nhân của kẻ chiến thắng cũng mất mát có thua gì thân nhân của người thua cuộc đâu ?! Con từng nghe, trong chiến tranh, sau khi hai phía không đồng nhất tư tưởng được với nhau, tướng Nguyễn Cao Kỳ của phía Việt Nam Cộng Hoà từng tuyên bố: “Ai thắng thì thống nhất đất nước, kẻ thua không hận thù!”.

Vậy cũng rõ, giá mà khi đó hai phe Việt Nam Cộng Sản và Việt Nam Cộng Hoà có sự đồng thuận về một chế độ quân chủ đa đảng, thì cuộc chiến tranh đẫm máu đã không xảy ra. Tuy nhiên con cũng hiểu rằng, để đi đến một nền thể chế độc lập thống nhất dân tộc là rất cần thiết, nên cuộc chiến tranh này phải xảy ra là tất yếu. Há chẳng phải mục đích đấu tranh của cả hai đảng ngay từ đầu cũng đều như nhau, là vì sự thống nhất đất nước hay sao?

Bây giờ mấy chục năm qua rồi, dưới lòng sông này linh hồn các chiến sĩ của cả hai phía muốn hay không muốn cũng đã hoà huyết, cũng đã chồng xương cốt lên nhau, lòng sông như một ngôi nhà chung của các cô chú. Vậy con muốn thưa một lời: Nếu các cô chú linh thiêng thì hãy âm bình dương hoà, âm phù dương trợ, đoàn kết với nhau ở nơi âm phần để con cháu trên dương trần theo đó mà hoà thuận. Con mong người chiến thắng thôi đừng lên mặt to lời và người thua cuộc hãy vì nền độc lập lâu bên của dân tộc, xin chớ giữ hoài trong lòng hận thù nữa mà chi. Dân tộc mình đã đau thương vì chiến tranh nhiều lắm rồi, mà nay nhân dân vẫn còn chưa thực sự hạnh phúc, vẫn còn đó những vấn nạn phải trăn trở trong công cuộc xây dựng đất nước. Cầu xin hãy phù hộ cho Quốc thái Dân an!

Đi qua hết “nghĩa trang nhiều mồ nhất”, lại “nghĩa trang không mồ”, rồi chúng tôi đến nơi “nghĩa trang chỉ có một nấm mồ” duy nhất – Thành cổ Quảng Trị.

Nhìn từ ngoài đường cái quan, thông thống qua cổng thành đã nhìn thấy rõ mồn một hình hài của ngôi mộ chung. Lại giống Vũng Chùa, tôi có chút phân vân về tầm mắt phong thuỷ của ai đó:

-  Điều cấm kỵ thứ thất chính là cái sự thông thống từ ngoài cổng vào?

-  Điều cấm kỵ thứ hai là lư hương nằm trên đỉnh mộ, ngôi mộ to cao như trái núi, đương nhiên muốn thắp hương thì đoàn người phải lũ lượt trèo lên trên đỉnh mộ, nghĩa là phải dẫm trên thân xác các liệt sĩ, trong đó bao gồm cả phụ nữ mặc “quần một ống”. Vậy là từ lễ phép hoá thành thất lễ? Ta hãy nghe đồng đội của người nằm dưới mộ cầu xin:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.

(thơ Phạm Đình Lân)

- Điều chướng thứ ba là phép xây mộ thì phải kín thì phân âm mới tụ khí, đàng đây cửa hình dấu cộng thông thống bốn phía, lại còn thẳng tưng ra cổng chính. Phong thuỷ kiểu gì mà lạ đời? Đó là chưa nói hình ngôi mộ cứ như kiếm chĩa lên trời nhọn hoắt trông sao mà dữ dằn…

-  Ngôi mộ và ngôi nhà truyền thống chẳng ăn rơ gì với bề ngoài thành cổ khiến cho kiến trúc lởm khởm. Trong phong thuỷ, kiến trúc hài hoà cũng là một phép?

Lịch sử thành cổ Quảng Trị

Theo sử sách ghi chép, thì thành cổ Quảng Trị được xây dựng vào năm 1809, ở thời đầu vua Gia Long. Ban đầu thành được đáp bằng đất,Tới đời vua Minh Mạng (1827) mới được xây lại theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn, kết dính bằng vôi và mật mía. Diện tích thành là 2.000m2, trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc. Chân móng thành dày 12m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài.

Vẫn còn lại nét chạm khắc mang tâm hồn người việt...

81 ngày đêm đẫm máu giữa hai lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Sản và Việt Nam Cộng Hoà

Hai lý do chính dẫn đến cuộc chiến khốc liệt này là:

- Bên phía Việt Nam Cộng Sản đã tính toán được thời điểm nước rút của một cuộc tiến công thống nhất đất nước;

- Thời điểm xảy ra là trước thềm hội nghị Paris (13.7.1972). Cả hai phe VNCS và VNCH đều muốn chứng minh tại hội nghị này, Quảng Trị là vùng cứ chiếm của mình. Từ đó mà khiến cho 2000 mét vuông thành cổ đã trở thành nơi mà các chiến sĩ quân đội VNCS ví von rằng “một mét vuông đất là một mét vuông máu”. Hai phía đều quyết tâm bằng mọi giá cắm cho được cờ của mình lên thành cổ.

Trước đó, ngày 30.3.1972 , quân đội Việt Nam Cộng Sản gồm hai sư đoàn 304 và 308 đã tiến đánh vào các vị trí phòng thủ của sư đoàn 3 - Việt Nam Cộng Hoà. Ngày 28.4, Việt Nam Cộng Sản chiếm được thị xã Quảng Trị. Quân đội VNCH phải rút về trấn thủ tại sông Mỹ Chánh.

Để dành lại vùng đất đã mất, phía Việt Nam Cộng Hoà quyết định mở một cuộc phản kích với tên gọi “Lam Sơn 72” (tướng của sư đoàn 3 - VNCH là hậu duệ nhà Lê chăng?). Với 328.000 tấn bom Mỹ trút xuống thị xã Quảng Trị, báo chí phương Tây bình luận sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosima năm 1945.

Hàng ngàn chiến sĩ VNCS hy sinh trong thành cổ vẫn quyết tâm cố thủ thành bằng mọi giá. Còn phía VNCH, dù đã cận ngày diễn ra hội nghị Paris, nhưng vẫn chưa thể chiếm được thành cổ. Họ bèn nghĩ ra một trò mới, cho xây giả một thành cổ Quảng Trị khác tại làng Trâm Lý, cách thành cổ thật 2km, rồi cho cắm cờ, quay phim chụp ảnh và công bố đánh lừa báo giới quốc tế là đã chiếm được thành. Rốt cuộc, với một mưu mẹo nhỏ, phía VNCH đã chuyển thua thành thắng. Sự kiện này khiến cho phía VNCS phải quyết định lui quân về bờ bắc sông Thạch Hãn, dù cái giá phải trả là vô cùng xương máu!

Khi tôi đang nghe thuyết minh trong hầm mộ, thì tình cờ nghe loa giới thiệu đoàn Quỳnh Lưu - Nghệ An. Nhìn ra thì thấy đoàn không có thợ ảnh, nên đem máy ra nháy mấy cái, nhắn với mợi người rằng sau một tuần mời lên vidamdodua.com nhận ảnh, rồi vội chạy theo đoàn của mình...

Tôi vẫn khẽ chân đấy chứ! Nhưng không thể biết chắc được mình nên đặt chân chỗ nào để không bị vô tình dẫm lên xương cốt máu thịt của các liệt sĩ !? Lần khân mãi ngoài bờ thành rồi cũng đành cáo lỗi đi vào để hành lễ bái tạ, dù không chắc là mình tâm lễ hay thất lễ khi phong thuỷ bài trí trớ trêu làm vậy ?! Kính mong các liệt sĩ xá tội!

Rời xa chốn đau thương của thế kỷ XX, chúng tôi đi về phía cô đô - Huế buồn Huế thơ…

Kỳ sau: Non nước Thần Kinh


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Quảng Bình du ký - Kỳ II: Hang Thiên Đường - Sự tạo tác kỳ diệu của tạo hóa (12h: 12-11-2014)
 Quảng Bình du ký - Kỳ 1: Đất và người Quảng Bình (11h: 11-11-2014)
 Lênh đênh sông nước (00h: 17-10-2010)