Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Nhạc sỹ Thanh Lưu với các làn điệu cải biên
 
(16h: 04-12-2014)
Nhạc sỹ Thanh Lưu với các làn điệu cải biênNguồn sưu tầm: dancaxunghe.vn
***
Cũng như mọi loại hình dân ca khác, dân ca Nghệ tĩnh chủ yếu hát trong lao động, và sau đó là trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, dần dà có thêm hát lề lối, hát có tổ chức. Các làn điệu chính thống như hò, ví, dặm thì chỉ có hát mà không có nhạc cụ gì cả, ngoại trừ những làn điệu chưa thật chính thống, nghĩa là có ở Nghệ Tĩnh nhưng cũng có ở nơi khác, những làn điệu dùng trong lễ hội, tế lễ, giỗ chạp, tết nhất, ma chay, hát xẩm thì mới thấy có một số nhạc cụ truyền thống như: đàn đáy, sáo tiêu, đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt và các nhạc cụ gõ đơn giản như: trống, mõ, cồng chiêng, phách, sinh tiền v.v…nhưng biên chế cho từng bộ môn cũng rất đơn giản, chỉ một hai nhạc cụ chứ không phải là hoà tấu đầy đủ.

Một số đặc điểm của Dân ca Nghệ Tĩnh

Có thể nói dân ca Nghệ tĩnh là loại hình dân ca có điệu thức đơn giản nhất.

Điệu thức 3 âm là khá phổ biến.

- Ví sông Phố: là điệu thức có 3 âm: Mi – La – Do

- Ví mục đồng: cũng là điệu thức 3 âm: Mi – La – Do

- Sắc bùa Kỳ Anh điệu thức 3 âm: Rê – Sol – La

- Sắc bùa Đức Thọ: Sol – Do – Ré

- Dặm ru: Mi – La – Do

- Đồng giao: Sol – Sib – Do

- Ví trèo non: Sol – Do – Ré v.v..

Điệu thức 4 âm là chủ yếu.

- Hò dô: điệu thức Sol – La – Do – Ré

- Hò khoan đi đường: Độ - Rê – Sol – Si

- Hò xeo gỗ: Độ - Rê – Mi – Sol

- Hò đầm đất đắp đê: Sol – La – Do – Ré

- Hò trên sông: Sol – La – Si – Ré

- Hò tiếp vận: Sol – La – Do – Ré

- Ví đò đưa sông La: Độ - Rê – Sol – Sib

- Ví đò đưa chuyển phường vải: La – Do – Ré – Mí

- Ví phường vải Thạch Hà: Mi – La – Do – Ré

- Dặm kể: Độ - Rề - Sol – Si

- Dặm nối – dặm xẩm: La – Do – Ré – Mí

- Dặm Đức Sơn: Mi – La – Si – Do# v.v…

Điệu thức 5 âm ít hơn, thường ở những điệu lai hoặc ở điệu chính thống bị thêm nốt phụ vào.

- Ví đò đưa sông  Lam: Sol – La – Do – Ré – Mí

- Ví đò đưa nước ngược: Sol - La – Do – Ré – Mí                   

- Dặm của quyền: Sol  - La – Do – Ré – Mí

- Dặm Nghệ: Rề - Mi – Sol – La – Si

- Buông áo em ra (chèo Kiều): Độ - Rề - Fa – Sol – La

- Hoạn thư theo chồng (chèo Kiều): La – Si – Do# – Ré – Fá#

- Trông chồng (chèo Kiều): Sol - La – Do – Ré – Mí

- Hát ru: Rề-mi-sol- la- Si

- Hò kéo lưới: Rề -Fa –Sol-La- Si v.v…

Điệu thức có 6 âm. Không phổ biến lắm. Tuyệt đại đa số là những điệu lai,  ảnh hưởng từ chèo trở thành chèo Kiều, hoặc ca khúc tế lễ.

- Ai thả lạc (chèo kiều) có điệu thức: Sol-La-Si-Do-Ré-Mí

- Làn rầu (bèo dạt mây trôi): Sol-La-Sib-Do-Ré-Mí

- Ca xá: Độ#-Mi-Sol#-La-Si

- Văn ai: Sol-La-Si-Do#-Rế-Mi.

- Quạt màn (chèo Kiều): Fa- Sol-La-Sib-Đố-Ré.

Ở dân ca Nghệ Tĩnh không thấy những làn điệu có điệu thức 7 âm. Phổ biến nhất là các điệu thức 3 âm và 4 âm và một ít làn điệu có điệu thức 5 âm, còn phần lớn những làn điệu nhiều âm (5, 6 âm) đều là những điệu bị pha trộn, lai tạp, ảnh hưởng từ những điệu dân ca khác, du nhập vào nghệ Tĩnh.

Giản: đơn giản cả về cơ cấu điệu thức, số lượng âm trong một quãng 8, và tầm cữ của từng điệu thức: Điều này dân ca Nghệ Tĩnh khác hẳn với dân ca Quan họ Bắc Ninh. Dân ca Quan họ phức tạp, đa dạng hơn dân ca Nghệ Tĩnh cả về cách diễn tiến giai điệu, cả về tiết tấu, tầm cữ, luyến láy, cả về khúc thức của từng làn điệu đã rất hoàn chỉnh. Chính cái tố chất rất đơn giản này đã tạo cho dân ca nghệ Tĩnh một lợi thế còn có chỗ để thêm vào, để biến đổi, để cải biên. Cái gì mả đơn giản thì dễ chế tác, dễ gia công. Chúng tôi đã có lần ví von rằng, dân ca Nghệ Tĩnh như gỗ tròn còn nguyên sơ nên có thể cưa xẻ, đục bào, muốn chế tác thành công cụ gì cũng được, muốn làm nhà, làm cầu, cống, hay đóng đồ cao cấp, tủ giường, xa lông… tuỳ ý; còn dân ca quan họ như những thành phẩm đã hoàn chỉnh, đã chạm trổ tinh vi, đã sơn mài, đánh bóng. Để thế thì đẹp, thì tốt, nhưng tháo dỡ ra để làm cái khác thì rất khó khăn, mà nếu không khéo thì chỉ thành củi đun bếp. Vì vậy, chúng ta dễ nhận thấy rằng, tuy dân ca Quan họ Bắc Ninh nhạc hay lời đẹp là thế mà các ca khúc mới phát triển từ dân ca Quan họ là rất ít so với các ca khúc phát triển từ dân ca Nghệ Tĩnh.

Còn về mặt sân khấu hoá thì có thể nói Đoàn Quan họ Bắc Ninh chủ trương chuyển tải các vở diễn bằng dân ca Quan họ sớm hơn Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh xây dựng kịch chủng kịch hát Nghệ Tĩnh. Nhưng cho đến nay sân khấu kích hát Nghệ Tĩnh đã có trên 50 vở diễn, trong đó có những vở gây dấu ấn rõ rệt như Đốm lửa núi Hồng, Cô gái sông Lam, Mai Thúc Loan, Ông vua hoá hổ, Hoa đất, Báo táp cửa kì hoa, Linh hồn của đá, Nàng Mai tế chồng, Hoa khôi dạy chồng, Người trong kì vọng, Biển cồn cào v.v… thành công người làm sân khấu ở Nghệ Tĩnh có tài hơn ở Bắc Ninh mà vì tố chất làn điệu của dân ca Nghệ Tĩnh có đất để cải biên, để phóng tác, để phát triển, để gia giảm, để tạo nên được tâm trạng, tính cách nhân vật, để tạo nên những điệu hát mới, bài hát mới có kịch tính, gây xung đột, mâu thuẫn, đẩy được cao trào. Đó là những đặc tính quý báu của dân ca Nghệ Tĩnh, làm tiền đề cho sân khấu hoá mà dân ca nhiều nơi khác không có được. Tuy nhiên, khi đưa nó lên sân khấu,  thành kịch hát, dân ca Nghệ Tĩnh cũng có những bất lợi. Đó là:

1. Dân ca Nghệ Tĩnh được hình thành và sử dụng trong sinh hoạt lao động như chèo chống đò (ví đò đưa, ví đò đưa nước ngược), leo núi, bứt cỏ, bứt củi (ví trèo non, hò leo núi) đi cấy, đi cày, gặt hái (ví phường cây, ví đồng ruộng), quay xa kéo sợi, dệt vải (ví phường vải), đi đường, đắp đê (hò khoan đi đường, hò đầm đất, hồ tiếp vân), hoặc ru con, kể lể (các điệu giặm kể, giặm ru) v.v… Tính chất sâu lắng, mênh mang, trì tục, lặp đi lặp lại chỉ có thể diễn tả tâm trạng buồn rầu, nhớ nhung, giãi bày, trách móc, nói chung là tương đối bình ổn, khó thể hiện những xung đột kịch liệt, mâu thuẫn gay gắt, tâm trạng phức tạp, tính cách đa dạng… là những tâm trạng, tình huống thường xảy ra trên sân khấu “kịch”.

2. Dân ca Nghệ Tĩnh chỉ dùng trong đối đáp, giao duyên, giãi bày, tỏ tình kín đáo, nhớ nhung hờn giận cũng nhẹ nhàng, không nhanh, mạnh, tiết tấu không dữ dội, dồn dập, gay cấn cũng không quyết liệt, chỉ đọ tài, đọ trí chứ không bạo liệt, một mất một còn như ở sân khấu (kịch).

3. Dân ca Nghệ Tĩnh cũng có những điệu mạnh khoẻ, có khí thế như hò lao động, hò dô, hò khoan đi đường để kêu gọi hợp lực, nhưng không có không khí rầm rộ, quyết liệt, không ứng dụng cho một sự hợp quần đấu tranh kịch liệt như sân khấu kịch đòi hỏi, hát giặm tuy có tiết tấu, thậm chí có tiết tấu phức tạp, nhưng cũng đều đều, kể lể đơn phương, ít có đối đáp mãnh liệt.

Nói tóm lại, dân ca Nghệ Tĩnh nặng về trữ tình ssâu lắng, thầm kín, khoan thai, thuận cho giao duyên đối đáp khi đi vào sân khấu, gặp những tình huống gay cấn, những mâu thuẫn gay gắt, những xung đột mãnh liệt thì không chuyển tải nổi, đòi hỏi phải có những làn điệu mới thì mới có thể thể hiện tâm trạng, tính cách của nhân vật kịch đòi hỏi. Từ thực tế đó, qua 30 năm thể nghiệm dàn dựng từ vở ngắn như Không phải tôi của nguyễn Trung Giáp, “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong đến các vở dài hơn như “Đầu bến sông” của Trần Hữu Thung, “Cô gái sông Lam” của Nguyễn Trung Phong, “Đốm lửa núi Hồng” của Thế Kỷ, “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan” của Phan Lương Hảo, “Ông vua hoá hổ”, “Linh hồn của đá”, “Quyền được hạnh phúc” của Lưu Quang Vũ v.v… Qua gần trăm vở ngắn dài, mỗi vở sáng tác thêm một vài làn điệu mới, đến nay đã có trên 150 bài bản làn điệu phát triển dân ca Nghệ Tĩnh để cung cấp cho sân khấu Nghệ Tĩnh.

Công việc này chỉ do anh em nhạc sĩ, nghệ sĩ trong tỉnh sáng tác, đó là các nhạc sĩ: Thanh Lưu. Vi Phong, Văn Thế, Lê Hàm, Mai Hồng, Hồ Hữu Thới …; là Nghệ sĩ Ưu tú Song Thao, Đình Bảo, Tiến Dũng, nhạc công Khắc Chín v.v… Tên tuổi, công lao của các nhạc sĩ, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đó sẽ còn sống mãi với kịch hát Nghệ Tĩnh.

Phương châm sáng tác làn điệu mới

Như trên đã nói, qua từng vở diễn, do yêu cầu của tình huống tâm trạng, do những lớp kịch cụ thể đòi hỏi mà các làn điệu mới được ra đời, những sáng tác mới được thể nghiệm. Tuy rằng không ai đặt ra tiêu chí cụ thể, nhưng mặc nhiên bằng tự giác mà các nhạc sĩ đi vào những tiêu chuẩn tự nhiên hình thành. Đầu tiên là hợp với tình huống, tâm trạng, tính cách của nhân vật, của lớp kịch. Sau đó, nhưng quan trọng nhất là khi hát lên người nghe cảm nhận được làn điệu đó như là ví, giặm, như là đang nghe dân ca Nghệ Tĩnh, chứ không phải là đang nghe dân ca vùng khác. Dĩ nhiên các lần điệu bài bản sáng tác phải hợp, phải hay, phải Nghệ Tĩnh. Trong hơn 150 làn điệu bài bản mới đã có những bài hợp, hay, đọng lại với thời gian, đi vào lòng quần chúng, trở thành những bài dân ca mà người ta quên đi hoặc không biết đến tác giả nữa. Đó là những bài “Giận mà thương” của Nguyễn Trung Phong, “Hát khuyên” của Thanh Lưu, “Ai có thương ai” của Vi Phong, “Tứ Hoa” của Đình Bảo, “Giữ lời nguyền” của Văn Thế, “Hò bơi thuyền” của Lê Hàm – Vi Phong v.v… Hai phương châm cơ bản: Hợp với kịch, hợp nhân vật và đậm đà chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh đi liền với hai phương châm kèm theo.

Đó là chỉ sáng tác khi các làn điệu chính thống không đủ khả năng biểu hiện tính cách nhân vật. Trong từng  lớp cụ thể và trong toàn vở diễn thì ưu tiên dành tỉ lệ thích đáng cho các làn điệu gốc, đưa làn điệu mới vào vở diễn với liều lượng từ ít đến nhiều, từ gần đến xa để công chúng tiếp cận có giai đoạn, có quá trình theo quy luật tiệm tiến, không đốt cháy giai đoạn, nhưng cũng không rụt rè, không cầu toàn, liên tục bổ sung qua từng vở diễn với mục tiêu sáng tác 10 bài để đọng lại 01 bài cũng là quý rồi.

Nguyên tắc sáng tác làn điệu mới

a. Dựa theo những làn điệu đã có, gần gũi với những làn điệu đã có, mạng âm hưởng của những làn điệu đã có để người nghe có cảm giác đang nghe dân ca Nghệ Tĩnh.

b. Cấu trúc, khúc thức theo kiểu dân gian, không câu nệ khúc thức, đoạn lạc.

c. Lời ca bình dị như ca dao dân ca, giàu hình ảnh, giàu chất thơ.

d. Cuối cùng và quyết định là phù hợp với tình huống kịch, tính cách tâm trạng nhân vật.

Thủ pháp sáng tác làn điệu mới

- Để nguyên làn điệu đã có, ghép vào khuôn nhịp để tạo điệu kiện phối âm phối khí (nhiều làn điệu).

- Ghép lại từ 2 -3 làn điệu để thành một làn điệu mới dài hơi hơn để đủ độ chuyển tải tình huống kịch. Dĩ nhiên ghép là phải trở thành chỉnh thể, không chắp vá, manh mún để bài hát có chiều sâu không thành “hát vặt” (ví ghép – Giận mà thương).

- Thêm âm vào làn điệu đã có thể mở rộng điệu thức từ đó mở rộng tính năng làn điệu (Đi rao – Chập chờn giấc điệp).

- Lồng tiết tấu của dân ca khác vào dân ca Nghệ Tĩnh ( Chồng chềnh, Con cóc v.v…)

- Thay đổi tiết tấu của làn điệu gốc (Giặm nối).

- Thêm lưu không, xuyên tâm để tạo điều kiện cho đối đáp.

- Lấy quãng cơ bản, âm hình cơ bản để phát triển, dùng thủ pháp mô phỏng, mô tiến, dịch giọng cho hai nhân vật đối đáp như kiểu trống quân Đức Bắc Vĩnh Phú.

- Dùng các điệu khác đem Nghệ hoá như Hát xẩm, hát chèo Kiều v.v…

- Kết hợp ví giặm với cải lương (Tứ hoa) v.v…

Cùng với những làn điệu sưu tầm được, các làn điệu mới đã thể hiện được tính cách tâm trạng của nhân vật trong nhiều vở diễn. Qua 30 năm thể nghiệm, chúng ta đã có được những loại làn điệu như sau:

1. Loại trữ tình thể hiện tâm trạng: Giận mà Thương, Hát khuyên, Một nắng hai sương, Đại thạch, Xẩm thương, Con chim lạc bầy, Nghĩa nặng tình sâu, Em ươm dâu xanh, Có một gánh trầu, Cây có một cành, Chí vững gan bền, Tứ hoa, Ai có thương ai v.v….

2. Loại hài hước: Con cóc, Xoay xở, Lập lờ, Ngang ngược, Nóng, Con ốc v.v…

3. Loại ghen tuông, uất ức: Lòng vả, lòng sung, Chồng chềnh, Ba mụ ghen chồng v.v…

4. Loại lơi lả, đĩ thoả: Đèo bòng, Bướm say hoa, Thượng đồng lên tiên, Say đi chàng ơi v.v…

5. Loại đau xót: Tiếng vọng của cha, Nàng Mai tế chồng v.v…

6. Loại gây không khí: Thanh niên xích vệ, Bài ca công, nông, biinh, Không gì quý hơn độc lập tự do v.v…

Nhiều làn điệu mới đã có những thành công đáng kể, một số bài có sức truyền cảm tốt, nhìn chung là hợp với tình huống kịch, thể hiện được tâm trạng, tính cách của nhân vật, nhiều bài được quần chúng yêu thích, được dùng riêng như một ca khúc độc lập, được sử dụng trên đài phát thanh truyền hình, được sân khấu không chuyên sử dụng và vinh hạnh nhất là được coi như dân ca gốc Nghệ Tĩnh.

Những nhược điểm của các làn điệu mới:

Cấu trúc đơn giản: Phần lớn là cải biên một câu ví rồi vào hát giặm, ví vào đại thạch, ví vào hát xẩm v.v… giống như hát vỉa của chèo rồi mới vào trổ, có thay đổi các nhịp điệu 2/4, 3/4, 3/8, 5/8, 6/8 v.v… Cấu trúc này có lợi thế tạo quá trình vào hát nhưng nhiều bài thì dễ nhàm chán.

Đã có nhưng chưa có nhiều bài hát nói phong phú chưa thật đọng, thật hay.

Chưa có nhiều bài hát tâm trạng đặc sắc. Thười gian cho một bài hát thường quá ngắn, nhiều khi còn hát vặt, ít tìm tòi còn hời hợt.

Tuy thế nhưng các làn điệu mới đã có đóng góp xứng đáng trong quá trình sân khấu hoá dân ca Nghệ Tĩnh. Nhìn lại một số bộ môn sân khấu truyền thống, chúng ta thấy những con đường ghập ghềnh để đi đến định hình, đến nay cũng chưa thể nói được rằng đã hoàn chỉnh. Chèo, tuồng đã vậy; cải lương cũng vây; ca kịch Huế – Trị Thiên, ca kịch bài chòi Khu V cũng đang tìm hướng đi, đang tìm cách đi, có loại hình dân ca rất phong phú như Quan họ Bắc Ninh nhưng khi đưa lên thành kịch chủng thì lại chịu số phận chết yểu. Kịch hát Nghệ Tĩnh cũng chưa thể gọi là thể nghiệm xong. Việc bổ sung làn điệu là yêu cầu luôn luôn có để kho tàng làn điệu càng đầy đủ, phong phú hơn. Con đường trước mắt đòi hỏi nhiều tâm huyết của giới nhạc sĩ và nghệ sĩ trong ngoài tỉnh để đưa kịch chủng này vào vị trí ổn định trong đại gia đình Việt Nam./.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Ví, Giặm - hành trình từ thổ sản vùng miền đến di sản văn hóa nhân loại (01h: 30-11-2014)
 Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO xem xét vinh danh (10h: 25-11-2014)
 Ví đò đưa (16h: 19-11-2014)
 Hội thảo quốc tế về dân ca ví giặm trong xã hội đương đại (10h: 28-05-2014)
 Ví Giặm không đơn thuần là một làn điệu dân ca (00h: 06-08-2013)
 Ví dặm lung linh hồn quê (10h: 04-07-2012)
 Đôi điều về Dân ca Nghệ Tĩnh (16h: 20-06-2012)
 Ví Dặm Hương Nao (10h: 11-04-2012)
 Một vùng ví giặm - Thái Kim Đỉnh (23h: 09-04-2012)
 Hương lửa tình yêu trong hát ví phường vải (16h: 12-10-2011)