Phlanhoa phản hồi bạn đọcLễ cầu an, cầu siêu, tạ, tảo mộ, động thổ di dời xây cất mồ mả ...
***
Bạn Trần Đình Đồng - phường Quang Tiến thị xã Thái Hòa-Nghệ An
Chị Phlanhoa kính mến!
Em đã truy cập vào trang thông tin mà chị đã chia sẻ và hướng dẫn về cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ. Em thấy nhiều bài viết rất hay và đúng với phong tục tập quán của người Việt. Qua đó em hiểu được rất nhiều thêm về ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên sao cho đúng. Em rất muốn hiểu thêm và nhờ chị bày giúp em một bài cúng ngoài mộ tổ tiên để rước tổ tiên về từ đường để tế họ hàng năm được không chị?
Bạn đọc Trần Hữu Kiều – Quảng Bình
Kính chào chị !
Tôi đã đọc rất nhiều về các bài viết của chị, thực tình tôi rất ngưỡng mộ ! Tôi nghĩ phải có những người như chị để khai mở sự hiểu biết về con người, xã hội và phong tục tập quán nhất là vùng đất miền Trung... Tôi viết mấy dòng này với mong muốn xin chị chỉ dạy cho cách tiến hành nghi lễ Tạ Mộ gia tiên (tạ cầu yên và tạ động) vì tôi thấy các thầy thực hiện nghi lễ này mỗi thầy một cách, không ai giống ai. Rất mong được chi bớt chút thời gian quan tâm giúp đỡ. Xin cảm ơn nhiều !
***
Phlanhoa phản hồi
A. Lễ cầu an và cầu siêu đầu năm mới
Lễ kỳ yên (cầu an): là cầu bình an may mắn cho người dương trần, tức cầu cho chính chúng ta; còn kỳ siêu độ (cầu siêu) mới là cầu cho linh hồn siêu thoát. Hai lễ này thường được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Lễ này khi xưa ở các làng xã đều có đình làng và các chức sắc trong làng chịu trách nhiệm tổ chức cho dân làng, tùy mỗi làng lại có những hủ tục riêng, nhiều lắm kể không hết, nhưng gom chung lại thì các thủ tục bao gồm:
- Lễ Thỉnh sắc và nghinh sắc (lễ nghênh và rước sắc phong thần hoàng làng)
- Lễ Túc yết (lễ hương chức ra ra mắt thần hoàng)
- Lễ tế tiền hiền, hậu hiền (lễ báo công và cầu siêu độ cho các công thần có công với làng xã, tổ quốc)
- Lễ cầu an (bao gồm cầu an lành cho bá tính, cầu cho đồng ruộng mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu, cầu cho súc vật nuôi mau lớn, không bệnh tật vv...)
- Lễ hát sắc bùa, hát tuồng, hát dặm, trò chơi dân gian (hội làng), cầu cho âm dương giao hòa phúc mãn.
Ngày nay chủ nghĩa CS vô thần cho nên chức sắc chính quyền không cần biết đến lễ hội này, phó mặc dân chúng bát nháo nơi cửa chùa, chỉ biết cúi đầu cúi cổ lạy ông Thích Ca, chứ chẳng hề nghe ai cầu lấy nửa câu báo công tiền hiền hậu hiền nào sất ?!
Do đó Phlanhoa đã có chia sẻ nội dung cầu an cầu siêu giản lược hơn áp dụng cho các họ tộc có thể tự tổ chức cầu nguyện trong nội tộc. Coi ở đây
B. Động mồ, động mả có hai trường hợp:
- Một là do mồ mả bị đặt trên tia đất xấu, khiến cho linh hồn không yên. Nghĩa là long mạch phía dưới mồ chảy hỗn loạn, mạch ngầm có chứa nhiều độc tố như thủy ngân chẳng hạn, phát ra tia đất xấu. Cũng có trường hợp huyệt đất khi mới chôn thì đẹp, nhưng sau hàng chục năm phong thủy cảnh vật thay đổi, mạch ngầm đổi dòng khiến cho huyệt đạo không còn tốt như xưa. Trường hợp này nhất thiết phải di dời, chí ít là phải dịch mộ hay xoay mộ để tránh tia đất. Cần phải có một thầy có khả năng cảm xạ học để đo tia đất mới làm được.
- Hai là huyệt đất tuy tốt, nhưng sau chôn một thời gian bị một vấn đề gì đó tác động như: bị gần nơi khai thác đá nổ mìn động đất, hoặc bị người ta trồng cột điện cao thế chạy vo vo trên mộ; người ta đào hầm hố gần kề khiến cho sụt lở, vv... trường hợp này muốn yên chỉ có ngừng tác động, hoặc không thể ngưng được các ngoại tác động, thì buộc phải di dời đến nơi yên tĩnh, chứ cúng bái không mang lại hiệu quả.
C. Tạ mộ, tảo mộ
- Lễ tạ mộ trước tết (từ 23 - 30 tháng chạp): Gia đình cử người mang một mâm lễ hương hoa ra mộ cẩn cáo mời gia tiên về ăn tết. Có gia đình cẩn trọng thì mang theo một cái võng, hoặc một kiệu giấy tựa hồ như để đón rước linh hồn, nhưng có lẽ không cần thiết vì linh hồn bay được, nên chỉ cần cẩn cáo thành tâm mời thì được rồi. Sau khi rước về thì mới cúng tất niên, làm cỗ xôi gà rượu thịt đầy đủ và đốt một ít vàng tiền để các cụ xài tết. Sau tết thường mùng 3 đến mùng 5 thì cúng hết tết và tiễn ông bà về trời, cũng một cỗ đầy đủ các món và thủ tục như cúng tất niên.
- Lễ tảo mộ trong tiết Thanh Minh (rằm tháng 3): Tục người Việt ta xưa nay rằm tháng ba là tiết được chọn để sửa sang tu chỉnh mồ mả. Mộ đắp cỏ thì trồng thêm cỏ mới, mộ xây gạch thì dọn vệ sinh xung quanh, lau tường thành sạch sẽ, sơn mới chữ trên bia mộ, vv... Đêm trước đó, chủ nhà sắm lễ lên án thờ cẩn cáo chư vị tôn thần và gia tiên xin phép. Hôm sau ngày rằm thì lại mang hương hoa ra mộ thắp xong một chầu thì tiến hành sửa sang.
Bài khấn mẫu
A. Phần cẩn cáo Việt Thần Tiên để xin bảo trợ
Cung duy!
Làng...xã...huyện....Nghệ An tỉnh, Việt Nam quốc, ngày.....tháng...năm... Con / chúng con là... hậu duệ của gia tộc họ.... nay giữa đất trời nước Nam nhất tâm cẩn cáo:
Kính lạy Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ quang linh
Kính lạy các chư vị Việt Thần Tiên anh minh nhân từ
Kính lạy Thổ công – Hà Bá cai quản đất đai long mạch phúc đức linh thần.
Kính lạy Thành hoàng bản cảnh cai quản an ninh trật tự.... (tên làng)... công liêm chính trực.
Nay chúng con có nguyện vọng đón rước linh hồn gia tiên về từ đường để báo hiếu. Cầu xin chư vị Việt Thần Tiên cho phép và cầu xin bảo hộ cho chúng con hành lễ được an lành, vẹn toàn như nguyện ước. Chúng con xin chân thành cảm ơn!
Quang linh Thần Tiên nước Việt ! (3 lạy)
***
B. Phần cẩn cáo gia tiên nhà mình: (sau khi cẩn cáo linh thần thì trình bày nguyện vọng chính với tổ tiên)
Kính lạy... Thủy tổ, Tiên tổ gia tộc....
Nay nhân dịp... (đầu xuân, rằm, tết...) Hậu duệ chúng con trên trần gian đứng đây với tâm thành tiết nghĩa, kính cẩn bày tỏ nguyện ước kết nối nguyên lý của đạo âm phù dương trợ. Kính mời chư vị Tiên Tổ gia tộc.... vui lòng cho phép chúng con nghênh rước linh hồn về từ đường để cháu con được cầu nguyện an lành, đặng mong cho linh hồn chư tiên ngày một cao siêu, đủ đầy năng lực phù trợ hậu thế duy trì và phát triển ngày một lớn mạnh về mọi mặt của gia tộc chúng ta. Kính mong Thủy tổ, Tiên tổ chấp thuận. Chúng con xin cảm ơn (3 lạy)
D. Lễ động thổ xây mộ
Công tác chuẩn bị:
1. Chọn ngày lành tháng tốt để khởi sự
2. Sắm lễ:
- Hương, đèn, hoa, quả, tiền vàng, gạo, muối, nước lã, 3 lá trầu, 3 quả cau, rượu trắng
- Đất có 12 lý, nên lễ sắm thường có 12, cụ thể: Xôi trắng một mâm (hoặc đĩa lớn), 1 con gà trống luộc hoặc thủ heo luộc chồng lên mâm xôi, 1 con cá chép rán, 1 con cua bể luộc, 12 con tôm luộc, 12 đọi chè, 12 chén rượu trắng, 12 bánh nếp rán hoặc bánh ngào, 12 điếu thuốc lá / hoặc thuốc lào, 12 bát + đũa
3. Bài khấn: Phần cẩn cáo linh thần tương tự như lễ tạ, lễ tảo ở trên, chỉ cần thay lý do là xin động thổ xây / di dời mộ vào nội dung bài khấn thì được.