Nói lái dân gian Việt Nam
Phan Lan Hoa
Nói lái là “đặc sản được chế biến” lâu đời và độc quyền từ ngôn ngữ tiếng Việt, nước Tàu tịnh không có. Là một trong các trò chơi chữ phổ biến trong dân gian Việt Nam bằng cách hoán đổi phụ âm đầu, vần và thanh điệu giữa hai ba chữ liền kề, làm cho lệch ý, lệch nghĩa câu nói, nhằm mục đích đùa vui, đánh đố, châm biếm đả kích, hoặc nhằm tránh né những từ thô tục khó thốt nên lời một cách tự nhiên.
Tôi chưa tìm được tư liệu nào nói về lịch sử ra đời của nói lái. Đành tạm căn cứ vào các tác giả có tên cụ thể gắn liền với một số câu nói lái để ước lượng thời gian, có lẽ xuất hiện cùng với sự ra đời của chữ Nôm, thịnh hành trong dân gian vào khoảng từ cuối thời Lê – Trịnh – Nguyễn. Cho đến thập niên 50 của thế kỷ XX, nói lái vẫn còn rất sôi nổi trong nhân dân cả ba miền Bắc – Trung - Nam.
Tư liệu dùng trong bài rút trích từ các cuốn sách: Nghệ thuật chơi chữ - Triều Nguyên / Việt Nam văn học sử yếu – Dương Quảng Hàm (sách giáo dục MN -1968) / Chơi chữ Lãng Nhân (ấn phẩm văn hóa SG -1961) / Văn thơ trào phúng VN – Vũ Ngọc Khánh / Ví Phường Vải Nam Đàn – Nguyễn Tất Thứ / Hát phường vải – Ninh Viết Giao/ Một số sách văn nghệ dân gian ba miền.
Đặc biệt cuốn của Triều Nguyên là một cuốn sách đầy đủ nhất cho tới hiện nay nói về nghệ thuật chơi chữ ở Việt Nam ta. Trong phạm vi chia sẻ một chủ đề nói lái, tôi chỉ muốn thiên về giới thiệu các phương pháp nói lái trong dân gian theo cách nhìn của tôi. Cho nên mỗi mục chỉ chọn lọc một vài ví dụ tiêu biểu để chứng minh.
Các nhân vật chơi nói lái thành giai thoại để đời phải nhắc đến Trạng Quỳnh, cụ Tam Nguyên Yên Đổ, cặp đôi Hồ Xuân Hương – Chiêu Hổ, Phan Điện, Nguyễn Kinh... Tuy nhiên do các nhân vật này quá nổi tiếng, giai thoại của họ đã hầu như gắn liền với các sách giáo khoa nên tôi sẽ không nhắc nhiều ở đây sẽ gây nhàm chán.
1. Tìm hiểu về quy tắc nói lái:
Hiện tại thì tôi thống kê được khoảng mười phép nói lái sau đây:
P1:Hoán đổi vị trí chữ và thanh điệu
Ví dụ: chày đứng - đừng cháy
P2:Hoán đổi vần
Ví dụ: sư hinh – sinh hư
P3:Hoán đổi vần và thanh điệu
Ví dụ: cột nhà – cà nhột
P4:Hoán đổi phụ âm đầu
Ví dụ: cột nhà – nhột cà
P5:Hoán đổi phụ âm đầu và thanh điệu
Ví dụ: cái bàn - bài cán
P6:Hoán đổi thanh điệu
Ví dụ: cái bàn - cài bán
P7: Lái 3 chữ
Ví dụ: chi chi dã – cha cha đĩ
(Tương truyền khi mụ Tư Hồng vốn nghề làm điếm đến xin chữ đại tự cụ Tam Nguyên Yên Đổ để treo cổng, cụ bèn cho ba chữ “chi chi dã”. Hỏi thì cụ giải thích là trích từ câu trong sách cổ “đại tiểu do chi xuất nhập khả dã” nghĩa là lớn nhỏ đều qua cửa này. Nhưng thực chất chi chi dã nói lái lại là cha cha đĩ).
Cũng có khi 3 chữ, nhưng thực chất chỉ có 2 chữ được lái
Ví dụ: mèo đuôi cụt – mút đuôi kèo ; chưa có đầu – đâu có chừa
P8:Lái 4 chữ nhưng thực chất chỉ lái nhảy cóc chữ thứ 2 và thứ tư
Ví dụ: làm sương cho sáo – làm sao cho sướng
P9:Lái 4 chữ nhưng chia thanh 2 bước, mỗi lần chỉ lái hai chữ, rồi hoán đổi vị trí hai chữ trước với hai chữ sau:
Ví dụ: Đồng lương vá giật, vật giá đương lồng, chổng bút đêm thâu, đâu thêm chút bổng (Tác giả:Phạm Xuân Phụng)
Lái lần 1: đồng lương – đương lồng,
Lái lần 2: vá giật – vật giá
Hoán đổi vị trí lái 1 cho lái 2: vật giá đương lồng
P10:Suy luận ngữ nghĩa chán chê rồi mới lái.
Ví dụ:
- Một viên quan phủ ở Quảng Bình có tên là Ty, vốn quen thói lộng quyền ức hiếp dân lành. Hôm nọ, y đi kinh lý địa phương, đến một làng nọ thấy ngoài cờ lọng, dân làng còn chưng cái biển to tướng, đề hai chữ “đại chí” để đón quan. Thấy lạ, quan phủ Ty bèn hỏi vì sao lại chưng biển như vậy? Thì có người trả lời là đại chí là chí lớn, ý muốn ca người quan là người có chí lớn. Nhưng quan chợt tái mặt, chí lớn là chí to, lái lại là chó Ty, nhờ cũng có chút học hành chữ nghĩa, quan phủ hiểu ra dân làng này đang ngầm chửi mình chứ không phải đón mình.
2. Các tình huống trong nói lái dân gian:
Nói lái để nói đểu
- Có một quan thái giám được Trạng Quỳnh tặng cho hai chữ “Thiện đức”. Vị này mừng lắm, cho đóng khung đại tự thật đẹp treo trong nhà. Nhưng rồi nhiều người ra vào cứ bụm miệng cười. Về sau có người mách cho, ông thái giám mới vỡ nhẽ thiện đức là đực thiến.
Lái vui hóm hỉnh
- Một ông muốn mở một quầy hàng bán chiếu, bèn nhờ ông nhà thơ đặt hộ cái tên cửa hiệu. Ông nhà thơ bèn đặt là “Chiều tím” (tìm chiếu).
Vui vui đểu đểu
- Một ông quan quê Hà Tĩnh ăn mừng sinh nhật 60 tuổi, được người bạn gửi quà chúc mừng bằng bức hoành phi đề bốn chữ: “Hồng Lam tú khí”. Xem qua thì người nhận quà cứ ngỡ được ca ngợi là anh tài đất Hồng Lam. Nhưng rồi người ra vào cứ bụm miệng cười, tìm hiểu thì té ra khí là hơi, tú là tốt còn Hồng Lam là hàm lông. Người tặng chữ muốn đùa ông quan là hàm lông hơi tốt vì ông này râu quai nón.
- Một ông tên Phúc nhờ vào nghề lái lợn mà trở nên giàu có. Khi đã khang trang điền viên rồi thì cũng muốn có bức đại tự treo cho sang nhà. Ông bèn tìm đến quan tỉnh vốn nổi tiếng hay chữ, xin quan cho mấy đại tự để khắc bức hoành. Quan bèn viết cho ba chữ “Phúc đại lai” nghĩa là phúc lớn lại. Nhưng sau rồi mới có người mách cho phúc lớn lại là Phúc lái lợn.
Nói lái đả kích thói xấu
- Gã thợ mộc nọ tuy tài hoa nhưng xấu tính, hay vòi tiền gia chủ, nếu không được thì anh ta để bụng thù hằn, dùng yểm bùa để hại người ta. Một hôm anh này tìm Nguyễn Minh Triết để xin câu đối treo bàn thờ tổ sư, Nguyễn Minh Triết bèn đề cho như sau:
Anh linh thiên tải hộ
Hiển hách vạn thu truyền
(Ngàn năm anh linh giúp đỡ
Muôn thuở hiển linh truyền đời)
Nghĩa đen thì là vậy, nhưng nói lái hai chữ tải hộ lại thành là tổ hại; còn thu truyền là thiên trù. Người bạc ác như anh ta thì chỉ có tổ hại và đáng bị thiên trù mà thôi.
Câu đố nói lái
Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn, đố là con gì? (cưa ngọn – con ngựa)
Bằng cha, bằng chả, bằng chà
Con nít nghe tới sợ đà thất kinh
Đố là ai? (bằng chà – bà chằng)
Miệng bà kí lớn, bà kí banh
Tai ông cai dài, ông cai khoanh
Đố món ăn gì? (kí banh – canh bí; cai khoanh – canh khoai)
Câu đối nói lái
Thày giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo.
Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, dùng lương hưu lưu hương
(Nguyễn Tài Đại – Trưởng ty giáo dục Nghệ An)
Chê số đời, chơi số đề, cầu giải số, cố giải sầu, càng cố càng sầu
Cầm cái đuốc, cuốc cái đầm, soi đầy ốc, xúc đầy oi (1), càng soi càng xúc
(1)Oi: cái giỏ hom trong tiếng Bắc
(Sưu tầm xứ Huế)
Đầu xuân,Thế Lữ sắm hai thứ lễ, một quả lê tây một quả lê ta
(Nguyễn Thế Lữ có hai bút danh là Thế Lữ và Lê Ta)
Lợi dụng âm ngữ địa phương để nói lái
Khoảng đầu thế kỷ XX, có một nhà hộ sinh tên là “Con Rồng” được Trần Bình nghịch ngợm tặng cho đôi câu đối:
Con tiên cháu rồng, lộn xuống cõi trần sung sướng nhỉ
Mông mềm bụng rắn, sai đâu bà mụ đỡ đần cho
Ở đây tác giả lợi dụng tiếng địa phương miền Bắc, viết thì rắn nhưng nói thì thành dắn, cho nên dắn sai lái lại là dái săn.
Một anh nông dân quê Long Tiên, Cai Lậy, trước do muốn đổi đời, anh đã đành lòng bán cả sản nghiệp tổ tiên ở quê lên Thánh thất, rồi theo đạo Cao Đài và lập nghiệp ở Tây Ninh. Vê già mới thấm nghĩa quê hương những muốn quay về quê cha đất tổ. Nhân tiện ngày anh ta trở về, ông Nghị Sảnh tặng cho anh này đôi câu đối:
Tích nhật bá nhàn đặng Thánh thất
Kim tiền vị ngãi phản Tiên hương
Xét về nghĩa đen thì ý là: ngày trước vì muốn nhàn nhã anh bán nhà lên Thánh thất / Nay vì nghĩa quê anh muốn trở về)
Nhưng nói lái lại thì bá nhà là bán nhà; còn vị ngãi phát âm theo tiếng miền Nam thì là dị ngãi, lái lại là dại nghĩ (trước vì dại nghĩ mà phản tổ tiên).
Thơ nói lái:
Ít li – y lít mới về
Chơi đề không sợ đời chê mới tài
Sai cháu mua tiếp sáu chai
Sai dày như thế say dài đương nhiên
(Quỳ Lê)
Bài thơ dưới đây không chỉ là một bài thơ nói lái, mà nói lái còn kết hợp các lối chơi chữ lộng hoàn (chữ cuối câu này làm chữ đầu câu tiếp theo), điệp liên hoàn.
MONG CHỒNG
Tác giả khuyết danh
Trên đắp chăn bông, dưới đệm bông
Bỗng đêm sực nhớ lại thương chồng
Trông thường thấy ảnh, người đâu vắng
Văng đấu đong sầu, gạt gió đông
Đống gio nhóm lạnh để mong chồng
Trông mòng suốt tháng lòng chưa chán
Chan chứa sầu tuôn một mảnh đồng
Chan chứa sầu tuôn một mảnh đồng
Động mành gió lọt chốn thâm phòng
Phong thầm giọt lệ nhờ thư gửi
Gợi thử tình xem có nhớ không?
Gợi thử tình xem có nhớ không?
Không nhơ nhuốc tiếng lúc xa chồng
Trông xà chặn cửa lòng ai quản
Quan ải người xa có thấu không?
Nói lái để nghịch ngợm nói tục được trơn tru
Tặng anh cái áo tôn là
Ban ngày mặc mát, tối giải ra câu đề
Ca dao Việt Nam
Già năm mươi tuổi chưa đeo kính
Thức suốt năm canh chỉ sợ gà
Năm 1933, vua Bảo Đại di lý qua vùng Đức Thọ (Hà Tĩnh). Quan sở tại những muốn tâng công nên tổ chức tiếp đón linh đình tiệc tùng ca múa. Dân hiếu kỳ chen lấn để xem diễn trò, khiến cho một bức tường sụp đổ làm mất mạng liền mấy thiếu niên. Khiến cho Phan Điện phải tức cảnh bằng bài đường luật để mô tả sự kiện:
TRÒ XIẾC
Phan Điện
Xiếc vùng Đức Thọ có hay không
Cóc nhái hôm nay được thấy rồng
Gái đạo nôn lòng cười tủm tỉm
Trai lương nắng cực chạy long tong
Mề đay xiết kể ơn hoàng thượng
Tường đổ thương thay lũ tiểu đồng
Đố biết vì ai nông nỗi ấy
Vì quan sở tại khéo tâng công
Nói lái trong hát ví phường vải Nghệ Tĩnh
Bóng ai thấp thoáng ngoài đường
Thì vô ẩn múi cho nường quay tơ
ẩn múi - ủi mấn. Mấn tiếng Nghệ là váy
Thương em chẳng quản chi ma
Tối trời chẳng quản chi nhà tỉ mô
Chi ma – cha mi; tỉ mô – tổ mi (tiếng Nghệ chẳng quản tỉ mô là chẳng quản chút nào, chẳng quản gì đâu)
Cá có đâu mà anh ngồi câu đó
Biết có không mà công khó anh ơi?
Anh ra đây em chỉ cho một nơi cá nhiều.
- Anh ngồi đây, ngày đôi ba lượt
Biết mất công, mong cất con cá giếc lên
Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng
Phan Bội Châu vốn rất mê môn hát đối đáp với phường vải. Nhưng vì lý do bận bịu nào đó bẵng đi cả tháng trời không tới. Đến khi vừa ló mặt, lại còn làm ra vẻ tình cờ:
Đi rông gặp hội đông ri
Đương thì bông vải thường đi cõi này
Các cô nhìn ra biết tỏng người quen bèn đáp lời bằng câu hỏi:
- Hay Nôm gặp bạn hôm nay
Thấy chàng dễ đến tháng chầy không đi?
Chơi nói lái cả tiếng Hán lẫn tiếng Tây
Đi vê lô bị vô lê
Vê lô: vélo, viết tắt của từ vélocipède = xe đạp
Vô lê: voler = ăn cắp
Học phi lô thành phô li
Phi lô: philosophie = triết học
Phô li: folie = điên
Cũng như bài “Mong chồng”, nói lái kết hợp với nhiều lối chơi chữ khác thú vị hơn ở “Đường lên Yên Thế” của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, tác giả vừa chơi nói lái bằng tiếng Hán vừa theo điệu lộng hoàn, lại thủ vĩ ngâm
Hà sự phân vân thuyết lộ ki
Kị lô tương cố một tương tùy
Tuy tường thiên nhận do ngu nạn
Nan ngụ cô sơn tác trụ trì
Trị trù thả học Y tiên giác
Dang tiết nan phù Hán cố ki
Kí cô thác tích canh sừ hạ
Hà sự phân vân thuyết lộ ki
(Việc gì mà lo việc lộ liễu
Cưỡi lừa, quay đầu lại không thấy người đi theo
Dẫu bay cao đến nghìn nhận vẫn phải lo đến quốc nạn
Khó lòng ở chốn núi non heo hút này làm nơi trụ trì được
Nay ta làm ruộng, học như ông Y Doãn ngày xưa cày đất ở Hữu Sằn
Dẫu đưa hết khí tiết, cũng khó phù được cơ nghiệp nhà Hán
Thôi ta tạm lấy việc cày bừa ẩn tích khi nhàn rỗi
Việc gì mà lo việc lộ liễu)
|