TS Khải Ozon bóc mẽ sáng chế của GS “Bằng tia đất”
Nam Phong
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng chiếc máy đo địa bức xạ của ông Vũ Văn Bằng chỉ là một thứ lừa bịp và đã chuẩn bị sẵn từ lý lẽ cho đến phương pháp thực tiễn để bóc mẽ điều này.
Giáo sư Bằng chưa học vật lý lớp 9
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, được mệnh danh là ông già Ozon, người đã có 2 bằng sáng chế trong ứng dụng vật lý vào thực tiễn và rất nhiều công trình nghiên cứu phục vụ đời sống người dân, đặc biệt là bà con nông dân đã thẳng thắn chỉ trích giáo sư Vũ Văn Bằng thuộc viện nghiên cứu nước và công nghệ môi trường là “bịp bợm”.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, những giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học tự nhiên, nếu được nghe về chiếc máy đo tia đất của ông Bằng mà không lên tiếng, không nói thẳng thì quả thực đã quá hèn kém, chỉ muốn an phận thủ thường.
“Tôi đã chờ đợi tiếng nói công bằng nào đó quá lâu, vì thế, tôi đành phải xin vạch ra chân tướng của sự việc này” – Ông Khải cho biết.
Tiến sĩ Khải phân tích: “Theo lời ông Bằng nói, chiếc máy của ông có thể đo từ trường của người chết, thậm chí từ trường đó lưu lại trên mặt đất và có thể ghi nhận được qua chiếc máy kỳ diệu độc nhất vô nhị thế giới. Từ chương trình vật lý lớp 9, cho đến hết chương trình vật lý đại cương của đại học, với từ trường, vật chất được chia ra làm hai loại, vật chất nhiễm từ và vật chất không nhiễm từ. Và bất kỳ một loại xương nào, dù là xương người, xương động vật… đều là những vật chất không nhiễm từ. Do đó làm gì có bức xạ để cho ông Bằng đo?”

“Nếu muốn kiểm nghiệm, chỉ cần dùng một máy đo từ trường đơn giản, thậm chí trường học phổ thông cũng có trong phòng thí nghiệm chứ chưa cần nói đến các viện vật lý, rồi ta tiến hành thử nghiệm. Với sắt non, cường độ từ trường và cảm ứng từ sẽ tăng lên rất nhiều, với đồng, nhôm thì từ trường không đổi. Và để những mẩu xương vào thì cũng chắc chắn không thể có hiện tường gì với từ trường” – đó là cách thử nghiệm xem xương người có phát ra từ trường hay không của ông Nguyễn Văn Khải. (Ảnh trái: TS Vũ Bằng)
Chút mẹo vặt và trò lắc cổ tay
Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Khải, chiếc máy của ông Bằng thực chất chỉ là một thứ bịp bợm ngớ ngẩn với một vài mẹo vặt và trò lắc cổ tay mà trước đây, sinh viên nước ngoài thường chơi.
Tiến sỹ Khải tiếp tục bóc mẽ những “chiêu trò” của giáo sư Bằng với chiếc máy đo tia đất bằng kiến thức vật lý cơ bản:
“Nên nhớ rằng Trái Đất tạo ra từ trường, và con người cũng tạo ra từ trường. Do các ion chảy trong máu tạo thành dòng điện, và dòng điện sinh ra từ trường. Con người chỉ mất từ trường khi máu không còn chảy, đồng nghĩa với việc đã chết.
Tôi cứ ví dụ chiếc máy của ông Bằng là máy đo từ trường thật, và mấy khúc xương hay thi thể của ông ấy phát ra từ trường thật. Thì khi để gần người của ông Bằng, từ trường do ông này tạo ra phải lớn hơn gấp hàng triệu lần với những cái xác hay mẩu xương nằm dưới đáy sông. Chiếc máy đơn giản ấy làm sao đủ thông minh để xử lý xem từ trường nào là của người sống, cái nào của người chết?” 
Tiến sỹ Khải tiếp tục chỉ rõ: “Từ trường có đường sức là những đường khép kín. Cường độ của từ trường cũng như cảm ứng từ sẽ tỉ lệ nghịch bình phương khoảng cách giữa nguồn sinh ra từ trường tới điểm đo. Ví dụ như một thanh nam châm đo ở khoảng cách 1cm so với khoảng cách là 2cm thì cường độ từ trường sẽ giảm đi 4 lần, tương tự đo ở khoảng cách 3cm sẽ giảm đi 9 lần. Đấy là kiến thức vật lý vô cùng cơ bản. (ảnh TS Khải)
Như vậy, chỉ riêng việc đặt máy (nếu là chiếc máy đo từ trường thật) gần người hoặc xa người ông Bằng, hoặc tư thế tay để gập, để thẳng, thì mỗi khoảng cách đó đều đã có thể cho một kết quả đo khác nhau, góp phần lừa mị thiên hạ.”
Đó là trong giả thiết chiếc máy trên tay ông Vũ Văn Bằng là một chiếc máy đo từ trường thật, thì kết quả đã hoàn toàn phi lý. Còn theo quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải, chiếc máy đó chỉ là một mánh khóe đơn giản.
Ông Khải kể lại: “Những năm 1980, tôi có dịp đến Krakow của Ba Lan, và cũng là nơi mà ông Bằng làm nghiên cứu sinh thời điểm đó. Thời kỳ này, trong các quán bar, quán rượu, sinh viên họ hay chơi trò cầm chiếc cốc, bên trong có cái thìa và họ lắc cổ tay một cách điệu nghệ cho chiếc thìa quay tít trong cốc mà chiếc cốc bằng mắt thường gần như không thấy di chuyển.
“Nhìn chiếc máy của ông Bằng, chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng đến trò chơi này.” – Tiến sĩ Khải cười hóm hỉnh.
Ông Nguyễn Văn Khải nói thêm: “Cũng may nhờ có chị Huyền, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng không có ngoại cảm trong cuộc sống này, cũng không có gọi hồn, áp vong, giao duyên, báo mộng…”
“Nếu dùng nỗi đau của gia đình nạn nhân để trục lợi, mong tìm kiếm tên tuổi hay sự tự quảng cáo cho bản thân, thì có lẽ, những người này không khác gì con kền kền canh xác chết” – Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải nhận định.
Nam Phong
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/ts-khai-ozon-boc-me-sang-che-cua-gs-bang-tia-dat-3001452/