Phật giáo có nguồn gốc việt nam
Kỳ 6: Đạo và Đức, linh hồn và nghiệp chướng
Phan Lan Hoa
***
Đạo thường hằng và Đức của Tiên Tổ Việt Thường.
Đạo là quy luật vận động của vũ trụ, còn Đức là phép tắc ứng xử của vạn vật để duy trì Đạo. Vũ trụ chuyển động không ngừng bởi 5 yếu tố: Thủy – Khí – Hỏa – Thổ - Kim và đây mới chính là Ngũ hành thường hằng của Đạo!
Là 5 nguồn năng lượng luôn luôn hiện diện trong vũ trụ, hòa quyện và tác hợp với nhau tạo nên sự vận động trong cơ thể con người nói riêng và vạn vật nói chung, cho nên nó cũng là 5 nguồn năng lượng sinh học của cuộc sống. Ngũ hành tạo nên cả thể chất lẫn khí chất của vạn vật. Trong đó con người là một tiểu hành tinh có cấu trúc đầy đủ nhất 5 yếu tố sự sống (vũ trụ có chất hóa học nào, cơ thể con người ít nhiều có chất đó), cho nên con người là tiểu hành tinh thông minh nhất vũ trụ, điều khiển vũ trụ. Nếu có chăng khái niệm thượng đế, thì trung tâm điều khiển thế giới của thượng đế ở trong bộ não của con người. Vậy thì chỉ cần biết cách vận động mình theo quy luật ngũ hành sao cho nhuần nhuyễn, sao cho hòa quyện được hơi thở của mình với hơi thở của vũ trụ nghĩa là bạn đã giác ngộ vậy. Khi tôi đến Nha Trang, ở trong khách sạn mà tôi có cảm giác mình đứng trên một con thuyền dập dềnh sóng nước và tôi nghĩ, dưới lòng đất Nha Trang vẫn là đại dương? Nếu cứ gắng sức làm những ngôi nhà quá cao có thể làm gãy mạch đất chìm xuống biển. Điều này có lẽ phải nhờ các nhà địa chất trả lời hộ mới biết được?
Và tôi xin trịnh trọng thưa rằng thuyết Ngũ hành có hành mộc của người Trung Hoa là một lý thuyết sai!
Mộc không thể là một hành. Bởi mộc cũng như con người chỉ là những sinh linh trong muôn vàn sinh linh của tạo hóa, chịu sự tác động của ngũ hành. Người phương Đông đang mù quáng trong mớ sắc màu của Ngũ hành Trung Hoa. Cần phải khai mở trí tuệ để thoát ra khỏi nó mới tiến bộ được.
Ngũ hành vận động và tác hợp với nhau, tạo nên những dòng năng lượng siêu nhiên kết nối các hành tinh trong vũ trụ và thúc đẩy quỹ đạo vận động không ngừng. Con người và vạn vật cũng là những tiểu hành tinh của vũ trụ, đều tiếp nhận được sóng siêu nhiên, chịu sự điều khiển của nó, nên máu huyết, kinh mạch và các tế bào trong cơ thể ta đều trong tình trạng vận động không ngừng, kể cả lúc ta ngủ. Từ đó có thể hiểu rằng, ý thức con người được điều khiển bởi một năng lực siêu nhiên. Trí tuệ của ta dường như không ở trong ta, mà ở trong những đám mây trên trời cao. Mỗi một ngày ta sống, nhờ vào năng lực siêu nhiên kết nối trí tuệ cho ta, ghi nhớ và lưu trữ những thông tin về cuộc đời ta.
Khi vợ chồng giao hợp chẳng qua là một hiện tượng dao sóng siêu nhiên, cơn cực khoái là sự va chập. Sự va chập có thể tạo nên một sóng siêu nhiên mới kết nối vào vũ trụ, và một mầm sống ra đời.
Khi thể xác ta bị va đập mạnh trong một tai nạn bất ngờ nào đó dẫn đến mất trí nhớ, đó là do não bộ bị mất kết nối với siêu sóng trí tuệ của chính mình. Có người tìm lại được sau đó, nên đã nhớ lại mọi điều; có người vĩnh hằng không tìm lại được nữa và trở thành người đứt đoạn với quá khứ. Cũng có thể một ai đó cũng trong một trường hợp đột biến trong đời, mất đi trí nhớ của họ mà lại tiếp được siêu sóng trí tuệ của một người khác và bỗng nhiên trở thành một người khác, khiến cho người đời nghĩ rằng có kiếp luân hồi.
Năng lượng sinh học đến từ hai nguồn: Năng lượng vận động bên ngoài vũ trụ và năng lượng tự phát sinh trong vạn vật. Năng lượng của đất trời các cụ ta xưa gọi là “thần khí”; năng lượng của vạn vật các cụ ta xưa gọi là “tinh khí”. Thần khí đi vào cơ thể con người thông qua hệ thống kinh lạc, mạch lạc, kết nối với tinh khí và đem sự sống đến từng tế bào.
Nguyên nhân của chết chóc là do con người đã không biết cách tự điều tiết được năng lượng ngũ hành vận động trong cơ thể, khiến cho hệ thống kinh lạc mạch lạc bế tắc, tế bào không tiếp nhận được dưỡng khí và chết dần. Cho đến một ngày thần khí và tinh khí không thể kết nối được với nhau, ý thức loạn xạ, tự thoát khỏi thể xác mang theo tiểu sử cuộc đời ta bay vào không gian và tồn tại ở dạng sóng, đó chính là thứ mà xưa nay người đời vẫn gọi là linh hồn. Vậy đã hiểu ra, linh hồn chính là sóng sinh học siêu nhiên, hiện diện ngay khi ta còn sống, cho nên nếu bạn biết tu luyện đúng cách, bạn có thể sử dụng linh hồn của mình ngay khi còn sống. Có những hành động trong phong tục tập quán người Việt, mà ngày nay con em người Việt cứ dài mỏ chê bai là mê tín dị đoan, song tôi lại thấy tổ tiên ta có lý. Ví dụ như hành động “hú ba hồn chín vía”, thực ra là để quy tụ thần khí và tinh khí của người chết tác hợp lại với nhau thành siêu sóng vững bền, tiếp tục sống ngoài thể xác, hiện tượng mà các cụ ta xưa gọi là “siêu thoát”. Như vậy có thể kết luận linh hồn là bất diệt. Chỉ có sinh chứ không có diệt bao giờ.
Quy luật “âm phù dương trợ” là gì?
Linh hồn tồn tại ở dạng sóng siêu nhiên. Linh hồn siêu thoát là linh hồn đã cân bằng được ngũ năng, khiến cho năng lượng sinh học tăng cao. Cho nên chỉ cần bạn nghĩ nhiều đến người đã khuất, thời có thể tiếp sóng. Nếu bạn hướng tới linh hồn bằng tình yêu thương, sóng linh hồn sẽ được nạp một nguồn năng lượng tích cực, sự siêu thoát đến dễ dàng hơn; nếu bạn nghĩ về người đã khuất bằng lòng hận thù, linh hồn sẽ tiếp phận phải một nguồn năng lượng tiêu cực. Nghĩa là một người gây ra nhiều oan gia, gây hận thù cho nhiều người, thì linh hồn khó siêu thoát.
Thực ra là dương trợ phải có trước, tức là người dương trần phải làm cho linh hồn thực sự siêu thoát rồi linh hồn mới có năng lực để phù trợ lại cho ta. Cách làm cho linh hồn siêu thoát không khó khăn gì, mỗi ngày chỉ cần ta thương nhớ mẹ cha một chút, đồng nghĩa ta đang chia sẻ cho linh hồn một nguồn năng lượng tích cực, chỉ cần vậy thôi, linh hồn sẽ sớm siêu thoát. Những đứa con tội lỗi, cần được năng hương khói với tấm lòng tha thứ của cả dòng họ, đó là cách sớm chấm dứt nghiệp chướng cho chính dòng họ mình.
Có một cách giải thích dễ hiểu và thực tế hơn: Một mẹ già nằm ốm liệt giường, đứa con xa vội về thăm, vừa chợt nhìn thấy mặt con, mẹ già bỗng nhiên khỏe lên mau chóng. Đó là do tình yêu thương tạo nên nguồn năng lượng tích cực từ con truyền sang mẹ dưới dạng sóng siêu nhiên.
Đức hành xử của vạn vật nên như thế nào?
Nếu đạo là quy luật vận động của ngũ hành, thì đức là phép tắc hành xử của vạn vật để tiếp nhận năng lượng ngũ hành sao cho phù hợp với quy luật của đạo. Trong lý thuyết của Bụt Đạo Việt Nam nguyên chất, không có chỗ nào kêu gọi bài trừ hoàn toàn một thứ gì? Cũng không có chỗ nào kêu gọi không sát sinh thứ gì? Bởi sinh, khắc là nguyên tắc cân bằng cuộc sống. Nếu chỉ có sinh không có khắc thì vạn vật phát triển vô độ; ngược lại chỉ có khắc, không có sinh thì thế giới sẽ bị hủy diệt. Cho nên sinh, khắc là hai quả cân đo lường cuộc sống. Các cụ ta xưa phân chia năng lượng siêu nhiên của trời đất thành hai nguồn: Tà và chính.
- Năng lượng của chính đạo (năng lượng tích cực), tạo nên những cảm xúc tích cực như vui, khỏe, cởi mở, yêu thương, tha thứ, chân thành, trung thực...
- Năng lượng tà đạo (năng lượng tiêu cực) tạo nên những cảm xúc tiêu cực như buồn, đau, ích kỷ, tham lam, căm ghét, độc ác, gian xảo...
Nói như vậy không có nghĩa tà đạo là hoàn toàn xấu. Chí ít thì năng lượng tà đạo là thước đo của năng lượng chính đạo và ngược lại. Ví dụ bạn phải trải qua đau buồn, mới thấy hết giá trị của hạnh phúc; Nếu không có năng lượng tà đạo, bạn chẳng thế nào có nổi khí phách để cầm súng bắn chết quân cướp nước. Tà chính cân bằng thì ngũ hành trở về nguyên khí. Các thầy tăng ngày nay đưa ra điều luật cấm nói dối đối với phật tử tu tại gia? Tôi xin đưa ra ví dụ phản bác: Một bà cụ đau tim rất nặng, có cậu con trai bị tai nạn ngoài đường, người bạn của cậu con chỉ vì ngoan đạo, không dám nói dối, nên đã thật thà khai báo là con cụ chết rồi. Người mẹ lập tức té xỉu, dẫn đến đột tử. Cậu ta vô tình giết chết luôn cả mẹ bạn, vậy thì thật thà ở đây chả phải thông minh trí tuệ gì cả, mà là sự ngu xuẩn, có còn là chính đạo? Sự ngu dốt thiếu hiểu biết có thể biến năng lương tích cực của mình thành năng lượng tiêu cực từ những hành động thiếu chín chắn.
Cho nên Đức của vạn vật là phải biết cách tiết chế tà, chính sao cho cả hai nguồn năng lượng đều trở nên tích cực, hữu ích trong cuộc sống và phù hợp với quy luật của đạo. Mọi nguồn năng lượng dư thừa đều có thể trở nên độc hại. Bạn ăn uống quá nhiều dưỡng chất sẽ gây nên căn bệnh rối loạn tiêu hóa; bạn có quá nhiều của cải, cuộc sống luôn bị nhiều người rình rập, khiến cho thiếu đi sự tự do; bạn giết quá nhiều người sẽ bị ám ảnh về đêm; khi chùa chiền mà tập trung một lượng người có tham vọng quá lớn về tài lộc thì chùa sẽ không còn là chốn an lành được nữa vì tập trung quá nhiều năng lượng tiêu cực, vv...
Cũng là một hành động từ thiện, nhưng bạn chia sẻ với người nghèo bằng tấm lòng chân thành, thì năng lượng tích cực ở trong tâm; còn như đội lốt từ thiện để thu lợi từ những tấm lòng hảo tâm, thì năng lượng tiêu cực xuất phát từ trong tâm.
Nghiệp chướng là gì? Đến từ đâu?
Vấn đề là năng lượng ngũ hành dẫu tà, dẫu chính thì bản chất là siêu nhiên, cho nên chỉ cần trong ta thoáng nghĩ điều gì, lập tức ta đã thu hồi được năng lượng phục vụ cho suy nghĩ của mình. Có những hành động rất đơn giản có thể thu hồi được năng lượng tích cực cho bản thân mà ta không ngờ tới. Ví dụ sáng ra khỏi ngõ, bạn gặp ngay người ăn xin đứng chắn lối. Nếu bạn là người duy tâm, thì sẽ nghĩ đó là điềm báo xúi quẩy, nên sẽ thấy khó chịu, cáu bẳn. Sự cáu bẳn khiến bạn nạp vào người một nguồn năng lượng tiêu cực trong ngày; Ngược lại, bạn là người cởi mở, nhân từ, sẽ rút ra mấy đồng tặng cho người ăn xin, ngay khi ấy trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm, đó là do bạn vừa tự nạp cho mình một nguồn năng lượng tích cực. Mỗi một ngày bạn càng có nhiều những hành động tích cực thì càng tích lũy được nhiều hơn năng lượng tích cực; còn như ngày nào cũng gây ra điều ác, thì chỉ tích lũy được năng lượng tiêu cực mà thôi. Nên nhớ năng lượng tiêu cực có thể làm cho bạn mệt mỏi, u sầu, chán nản, dẫn đến tâm bệnh lúc nào không hay. Cho nên quy luật tất yếu việc thiện xuất phát từ trong tâm thì tích phúc; việc ác xuất phát từ tâm thì tích tà độc là nghĩa làm vậy.
Nghiệp chướng luân hồi ra sao?
Như đã nói ở trên, linh hồn là một dạng siêu sóng và linh hồn có ngay khi chúng ta còn sống. Những linh hồn cùng máu mủ dòng tộc thì cùng tần số, cho nên có thể kết nối với nhau. Do đó mới thường xảy ra những giấc mơ kỳ lạ về người đã khuất. Hoặc đôi khi bạn có cảm giác như có tiên linh mách bảo được tai qua nạn khỏi. Hiện tượng ấy khoa học mới gọi là “giác quan thứ sáu”. Thực tế đó là sự giao sóng giữa các linh hồn. Do bạn đi đường tâm tâm niệm niệm nghĩ đến gia tiên, cầu xin phù trợ nên linh hồn bạn tiếp sóng được với linh hồn gia tiên.
Khi hai hay nhiều sóng linh hồn cùng tần số hội tụ, thì năng lượng sinh học tự nhiên tăng lên, phủ trùm xung quanh cơ thể bạn. Nếu sóng sinh học là của linh hồn siêu thoát, thì ở dạng nguyên khí, khiến cho bạn tự nhiên thông minh, tỉnh táo hơn trong xử lý mọi việc, dẫn đến kết quả tốt đẹp. Thậm chí năng lượng sinh học lớn bao phủ quanh bạn thì đi đường tránh được va chạm giao thông. Nhưng nếu sóng linh hồn là dạng năng lượng tiêu cực thì tai họa có thể đến với bạn tức thì. Cho nên trong lúc đi đường, bạn không nên toan tính những điều thất đức. Để tâm cầu nguyện an lành là một cách tránh cho mình nghĩ đến những điều tiêu cực trên lộ trình.
Hiềm nỗi, cha mẹ làm ra nhiều điều ác, thì khi chết đi, linh hồn tồn tại ở dạng siêu sóng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Đứa con cho dù thương nhớ cha mẹ là hành động hiếu nghĩa đấy, cơ mà ngay tại thời điểm tưởng nhớ, sóng sinh học của con cái có thể kết nối với sóng linh hồn của cha mẹ. Tự nhiên lãnh đủ siêu sóng tiêu cực từ linh hồn cha mẹ vận vào mình. Thế là xảy ra sự nối đời con lại giống cha, vận vào nghiệp chướng lúc nào không hay. Dòng họ có nhiều người làm điều ác đức thì sóng linh hồn gia tiên tà khí nhiều hơn chính khí, không thể siêu thoát. Lâu đời con cháu mạt dần. Nghiệp chướng luân hồi chính là ở chỗ đó. Xin đừng nói người xưa không có khoa học; Xin đừng chê bai người xưa duy tâm. Chỉ là do chiến tranh, sách vở và lịch sử để lại thứ mất thứ còn, nên hậu duệ thấm nhuần đạo đức thứ được thứ chăng mà thôi. Bằng chứng là Tiên Tổ người Việt ta đã biết cách tu thiền để giao lưu năng lượng với thiên địa từ trên dưới ngàn năm trước công nguyên.
Từ quan niệm linh hồn là bất diệt, tộc người Việt sinh ra tập quán thờ phụng theo máu mủ dòng tộc. Từ đường dòng họ là nơi tập trung các siêu sóng linh hồn có cùng tần số. Con cháu năng đến từ đường sẽ năng nhận được năng lượng sinh học của gia tiên phù trợ cho mình. Những đứa con lớn lên thường có những năng khiếu giống cha ông mình, cho dù cha ông không trực tiếp dạy nghề cho chúng. Thậm chí có đứa có cả năng khiếu không phải của cha, mà của ông chú, ông bác nào đó trong họ tộc. Khoa học thì giải thích đó là do gen di truyền, còn tôi thì thấy đó là do đứa con đã tiếp được sóng linh hồn của gia tiên, nên có được trí tuệ của họ truyền sang.
Nghĩ về nghiệp chướng hôm nay.
Đồng ý là có những dòng họ mà thủy tổ của các vị đúng là từ phương Bắc tới Việt Nam trong chiến tranh, rồi ở lại lập nghiệp. Nhưng như vậy thì sao chứ? Một người đến một vùng đất mới, lấy vợ bản địa thì ngay từ đời con đầu tiên đã pha trộn tới một nửa dòng máu bản địa; tới đời cháu thì dòng máu bản địa lên tới ba phần tư. Như vậy chỉ cần qua dăm bảy đời thôi, dòng máu phương Bắc chỉ còn là sự mơ hồ, dòng máu bản địa mới là chủ đạo. Khi duy trì văn hóa dòng họ, chúng ta có thể theo phong tục tập quán (phụ hệ, hay mẫu hệ); nhưng khi duy trì máu mủ huyết thống của dòng họ, người ta phải căn cứ theo khoa học, phải xem xét ở yếu tố hòa huyết, chủng tộc, tức là cần phải có một kết quả khảo nghiệm DNA (Deoxyribonucleic acid) cẩn thận để xác định. Nếu sắc chủng là Mongoloid thì quý vị mới là người phương Bắc; còn nếu là sự pha trộn Australoid – Mongoloid, thì chắc chắn quý vị mất gốc, không còn là người phương Bắc được nữa, mà là người Việt Nam. Tôi thì tôi có đủ dữ liệu để nói chắc rằng, nếu có một cuộc khảo nghiệm toàn diện DNA ở Việt Nam, sẽ không có bất kỳ một ai mang dòng máu hoàn toàn Mongoloid trên đất Việt Nam!
Đó là chưa nói đến nguồn cơn tạo nên khí chất con người, có yếu tố thần khí núi sông của vùng đất mình sinh sống tạo nên trong huyết quản. Cũng cùng là chủng người Indonesien, nhưng khí chất con người sống ở ba miền Bắc, Trung, Nam đã khác. Huống hồ chi thủy tổ các vị sang Việt Nam dễ đến trên dưới vài ngàn thế kỷ rồi. Khí chất con người ngàn năm lĩnh hội từ thần khí núi sông Việt Nam, làm sao còn gọi là gốc phương Bắc được nữa đây? Cứ cái lý thuyết trẻ con, thủy tổ của các vị từ phương Bắc, cho nên phải hướng về phương Bắc, mà đang tâm phản bội mảnh đất Việt Nam đang duy trì sự sống, chết, luân hồi nghiệp chướng của một dòng tộc không chút ăn năn hối hận? Vậy suy rộng ra thì thủy tổ loài người từ Châu Phi, chả nhẽ người phương Bắc sẽ phải phản bội Trung Quốc để xây đắp cho châu Phi? Kính mong các tộc trưởng mau chóng tỉnh ngộ, đừng để bị lừa phỉnh bởi những kẻ hám quyền lực, dã tâm bán nước!
Gia nhập họ tộc trong cả nước theo kiểu họ Nguyễn kết nối họ Nguyễn; họ Trần kết nối họ trần; họ Phạm kết nối họ Phạm, vv... cũng là chuyện đáng ngẫm? Việc làm này bề ngoài tưởng là đạo nghĩa, nhưng chịu khó đào sâu một chú sẽ thấy mức độ nguy hiểm. Trong chiến tranh loạn lạc, đặc biệt trong lịch sử các triều đại vua chúa, nhiều khi người ta chạy trốn sự truy sát mà phải thay tên đổi họ. Đời sau lại đánh mất gia phả nên họ Hoàng chắc gì đã là họ Hoàng, họ Nguyễn chắc chi đã là họ Nguyễn. Ví dụ như vua Trần Cảo được Lê Lợi dựng ngôi ở cuối triều Trần, sử Nghệ An chép nguồn gốc là con cháu họ Hồ? Điều đáng nói là không cùng huyết thống thì không cùng tần số siêu sóng. Khi sóng linh hồn không cùng tần số, thì không thể hòa nhập hay hội tụ cùng nhau được, nên nguyên khí trong từ đường không lớn mạnh lên được. Nguy hiểm hơn các siêu sóng đối nghịch có thể tự hủy diệt nhau, dẫn đến nguyên khí dòng họ theo đó mà diệt vong, càng khói hương càng tạo nghiệp chướng.
Cớ làm sao tôi đang bàn về lịch sử Phật giáo, lại phải chuyển tông sang nói về dòng họ và linh hồn? Ấy là vì chữ “Đạo”. Bụt dạy muôn dân sống phải có đạo đức, cho nên muôn dân phải tường tận đạo đức xem nó là cái gì? Bụt cũng dạy muôn dân “nghiệp chướng”, nên muôn dân phải tường tận xem nghiệp chướng nó từ đâu đến và sẽ đi về đâu trong sự vận động của đạo...