PHÉP CHƠI THƠ QUỐC ÂM VIỆT NAM
(Còn gọi là Thơ Hàn Luật)
Phan Lan Hoa
***
Nếu gọi là thơ đời Đường thì tôi đồng ý. Vì khi ấy Giao Châu lệ vào nhà Đường, nên mọi thứ văn hóa lịch sử của Giao Châu bị chép vào sử Đường. Nhưng gọi là thơ Trung Quốc thì nhất định là không đúng, vì Trung Quốc mới chỉ có hơn 50 lần kỷ niệm ngày quốc khánh thôi.
Có các đặc điểm để nhận biết điều này:
1. Dòng thơ Ngũ ngôn/Thất ngôn tứ tuyệt và Ngũ ngôn/Thất ngôn bát cú xuất hiện trong Nghĩa Túc Kinh từ năm 198 ở nước Ta, lâu hơn thơ Đường trên dưới bảy trăm năm. Đó là chưa nói dòng thơ ngũ ngôn trường thiên vốn dĩ đã được dụng hát dặm, hát vè trong dân gian Việt Nam không biết từ đời nào?
2. Toàn bộ tuyển tập thơ Đường không hề thể hiện có phép họa thơ. Tất cả lối chơi thơ, ngoài Thi luật, thì chỉ có cách gieo vần và phân kỳ như tôi đã trình bày ở bài “Muôn kiểu gieo vần trong cổ thi”. Theo dõi thi ca Trung Quốc đời sau cũng chỉ có phép đề thơ lên tranh, lên gốm sứ mà thôi. Tức là Luật thi đời Đường thực chất chỉ có xướng, mà không hề có họa. Cho nên toàn bộ các phép họa thơ, bao gồm cả họa thơ của Thi luật đều là của Việt Nam.
3. Xét về lịch sử, thời Hán – Tùy – Đường, trung tâm văn hóa Đông Phương chính là Giao Châu, thi phú, Bụt Đạo đều thịnh ở Giao Châu hơn ở nơi khác. Con đường lánh nạn của Văn nhân chí sĩ phương Bắc chủ yếu là đổ về thành Luy Lâu (Bắc Ninh).
Lời kết của bài “Bàn về phép đối thơ”, cũng chính là lời giới thiệu cho nội dung bài viết tiếp theo này của tôi. Sử chép rằng: Mùa thu tháng 8 năm 1282, thời vua Trần Thái Tôn, ở sông Nhị Hà (Phú Lương) có con cá sấu từ đâu đến. Có người họ Nguyễn quê ở phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, làm tới chức hình bộ thượng thư trong triều bấy giờ được vua sai làm bài văn tế thả xuống sông, cá sấu tự bỏ đi. Vua cho việc ấy giống Hàn Dũ bên Tàu, nên đổi là họ Hàn. Từ đó người đời gọi ông là Hàn Thuyên... Sử cũng chép rằng, Hàn Thuyên có tài làm ra nhiều phép chơi thơ phú chữ Nôm. Nhiều người thấy hay bắt chước làm theo. Cho nên Thơ Quốc âm thời bấy giờ cũng được gọi là Thơ Hàn luật. Dương Quảng Hàm cho rằng dòng thơ Quốc âm của ta có nhiều sáng tạo nghệ thuật khiến cho đa dạng và phong phú về hình thức hơn nhiều so với Thi luật của Tàu. (Nguồn: Việt Nam văn học sử yếu – Dương Quảng Hàm).
Như vậy là đã rõ, phải gọi các lối chơi thơ hiện nay là Phép chơi Thơ Quốc âm; hoặc là Phép chơi thơ Hàn luật, thì mới đúng. Bởi nó là thú ăn chơi của cổ nhân người Việt ta, không phải của Tàu. Cẩm nang số một về tư liệu thơ Quốc âm Việt Nam, theo tôi thuộc về “Nghệ thuật chơi chữ” của Triều Nguyên và số hai là “Hát phường vải” của Ninh Viết Giao, vì hai cuốn này chứa đựng nhiều giai thoại dân gian nhất. Các cuốn khác chỉ mang tính liệt kê luật chơi, nhưng lại thiếu đầy đủ, nên ít thú vị hơn.
Tất nhiên tôi dứt khoát không phải là kẻ học vẹt. Khi đã bạo tay viết bài, thì bản thân tôi cũng có những phát hiện riêng của mình mới mất công viết. Các bài trước chắc là quý vị đã thấy rõ điều đó. Bài này cũng vậy, tôi sẽ cố gắng chia sẻ được những nội dung tốt nhất về di sản thơ của cha ông Ta tới mọi người.
CÁC PHÉP CHƠI THƠ HÀN LUẬT (THƠ QUỐC ÂM VIỆT NAM)
Phép chơi thơ Hàn luật, không hạn định trong khuôn khổ tám câu Thi luật, mà có thể họa cả thơ tứ tuyệt và thơ trường thiên, lục bát, thất ngôn lục bát. Cho đến ngày nay, ở nước Ta có vẻ đã lên đến vài ba chục kiểu chơi thơ đầy thú vị. Có thể tôi chưa tổng kết hết được, coi như biết đến đâu chia sẻ đến đó vậy.
1. Lối thơ hạn vần: Chính là phép họa thơ Thi Luật. Nhưng như tôi đã nói ở trên, tuyển tập Đường thi chỉ thể hiện phần xướng của Thi luật, không hề nhìn thấy phép họa. Cho nên cần phải hiệu đính lại, gọi phép họa hạn vần là phép chơi thơ Hàn luật của Việt Nam.
Cần phân biệt sự khác nhau. Thi luật quy định 5 chữ cuối của câu: 1,2,4,6,8 phải vần, nhưng vần của bài xướng do tác giả tự lựa chọn. Còn thơ hạn vần là người xướng treo lên một bộ vần 5 chữ, bắt buộc người chơi phải theo đúng 5 chữ đã treo. Cách chơi thứ hai trong lối thơ hạn vần chính là họa một bài thi luật.
Giai thoại: Chuyện rằng có một gia tộc nọ có quy định, ngày giỗ tổ, tất cả mọi người đều phải tự tay làm một món cỗ cúng để thể hiện thành tâm với tổ tiên. Tuyệt đối không được ai nhờ vả ai làm hộ. Cậu út được giao việc thổi xôi. Thấy cậu ta luýnh quýnh, chị dâu bảo cứ nhận rồi hễ thấy xì hơi thì gọi chị tới chị xem cho. Nhưng vì chưa quen việc, khi thấy hơi phì ra thì la hoảng lên: Chị ơi! Sôi rồi nồi xôi! Tiếng la thất thanh của cậu ta khiến cho các ông anh phát giác ra cậu út phạm luật, bèn phạt phải ứng khẩu ngay một bài thơ, hạn vần là ơi, sôi, rồi, nồi, xôi. Cậu ta bèn ứng khẩu:
Ới hỡi anh em chú bác ơi,
Nồi xôi tôi thấy nó vừa sôi
Trông chừng mấy mặt hơi lên cả
Có lẽ bên trong gạo chín rồi
Chẳng những bừng bừng trên miệng chõ
Lại còn sùng sục dưới trôn nồi
Nãy giờ dễ muốn sôi lâu quá
Tôi bắc ra này kẻo hỏng xôi
(Vô danh)
2. Lối thơ hạn tên: Trong bài phải sử dụng ít nhất 5 tên gọi khác nhau của một loài động vật, một loài cây, hay một loài đồ vật, vv...
Ví dụ: Con mèo còn gọi là mạo, miu, tam thể, mun...; chó còn được gọi là vàng, đốm, cầy, mộc tồn...; đồ vật như thúng, mủng, rổ, rá...
Hai bài “Thác lời phường vải Trường Lưu” liệt kê các thành phần của khung dệt vải và đáp lễ của Nguyễn Du “Thác lời trai phường Nón” là các dụng cụ của nghề làm nón.
Bài thơ “Rắn đầu” của Lê Quý Đôn dưới đây mỗi câu đều có tên một loài rắn:
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học, chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng dối trá
Lằn lưng cam chịu vọt dăm ba
Từ rày Châu, Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
3. Lối thơ ngôn tại ý ngoại: Là lối chơi dùng từ ẩn dụ. Nghĩa đen là bài thơ mô tả về một vấn đề thực tế, nhưng thực ra nó ẩn chứa một nghĩa bóng khác. Bài “Rắn đầu” của Lê Quý Đôn ở trên chính là bài có ba lối chơi lồng vào một: Thi luật + Hạn tên + Ngôn tại ý ngoại. Tuy nội dung nói về chuyện rắn đầu biếng học, nhưng mỗi câu thơ lại mô tả tên một vài loài rắn. Ngôn tại ý ngoại gặp nhiều trong thơ thiền. Là một bài thơ tả cảnh, nhưng đạo và đời ngầm ẩn chứa trong lời thơ. Thơ của các bậc thánh thi cũng thường hay vì ở dạng này.
4. Lối thơ hạn cả chủ đề, lẫn hạn vần, hạn chữ: Đây là một lối chơi rất khó. Người xướng không treo một bài thi luật, mà treo một lượng chữ và vần. Đồng thời treo một chủ đề làm tên bài thơ. Người tham gia bị bắt buộc phải dụng cả chữ và vần được treo sẵn để mô tả một chủ đề định sẵn. Có khi cả tháng trời không họa nổi, mà họa rồi xem ra ý tứ của thơ bay đi đâu mất, bài thơ chỉ còn lại chữ thôi.
Ví dụ mẫu:
Chủ đề: XUÂN KHUÊ
Hạn vần: Chờ - Hờ - Thưa - Tơ - Thơ
Hạn chữ: phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, cặp, đôi, nửa, trượng, thước, tấc.
Và dưới đây là bài họa của Phan Mạnh Danh
XUÂN KHUÊ
MỘT mong HAI đợi BỐN BA CHỜ
MƯỜI hẹn đêm trăng TÁM hững HỜ
NỬA gối NĂM canh gà gáy giục
TẤC mây SÁU cánh nhạn tin THƯA
TRĂM lần CẶP mắt ĐÔI hàng lệ
CHÍN khúc bên lòng VẠN mối TƠ
NGÀN TRƯỢNG thành sầu đo THƯỚC khó
Biếng đem BẢY vẻ dệt nên THƠ
5. Lối thơ sách họa: Sách họa là một lối vấn nạn các nhà thơ, nhiều khi phải dùng mưu mẹo mới họa được. Vì quy định vần phải theo, nhưng chữ thứ 6 đứng trước vần trong câu xướng, tuyệt đối không được dùng lại.
Ví dụ:
Lượng xin ông cả chớ hẹp hòi
Xuân Hương đã gieo vần “hòi”, nhưng luật cấm người họa dùng lại chữ thứ 6 là chữ “hẹp” đứng trước vần “hòi” trong câu. Chữ “hòi” thuộc dạng tử vận, người họa không tìm được chữ để ghép, đã phải dùng tới mẹo nói lái để thoát hiểm:
Sẽ lại gần đây tớ thẩm hòi
6. Thơ tách bài: Là kiểu chơi thơ một bài bát cú có thể tách ra ba bài tứ tuyệt.
Bài tứ tuyệt 1: Tách 4 câu đầu làm bài
Bài tứ tuyệt 2: Tách 4 câu cuối làm bài
Bài tứ tuyệt 3: Tách hai câu đầu và hai câu cuối làm bài
Đây là một lối chơi khó, mang tính chuyên môn chính của thơ. Kiểu chân lý “một bài có Đề thực luận kết của bài / Một câu có đề thực luận kết của câu”. Cho nên nó nằm trong tiêu chí đánh giá thơ của các thánh thơ. Không chỉ thử thách trình chữ nghĩa của người làm thơ, mà còn đòi hỏi cả người đánh giá thơ cũng phải tinh tế. Vì mỗi khi câu thơ gánh tới hai, ba vai trò kết hợp, thì đòi hỏi câu, từ, ý và tứ thơ cũng phải lồng nhiêu vai vế trong một. Cả bài bát cú chỉ có câu thủ là giữ nguyên vai trò, còn các câu khác đóng thêm vai trò mới khi tách bài:
Câu 1: Phá đề của bài bát cú, đồng thời Phá đề của bài tứ tuyệt 1 và 3
Câu 2: Đề của bài bát cú, nhưng là Thực của bài tứ tuyệt 1 và 3
Câu 3: Thực của bát cú, nhưng là Luận của hai bài tứ tuyệt 1
Câu 4: Thực của bát cú, nhưng là Kết của bài tứ tuyệt 1
Câu 5: Luận của bát cú, nhưng Đề của bài tứ tuyệt 2
Câu 6: Luận của bát cú, nhưng Thực của tứ tuyệt 2
Câu 7: Kết của bát cú, nhưng Luận của tứ tuyệt 1 và 3
Câu 8: Kết của bát cú và Kết của tứ tuyệt 2 và 3
Thử lấy bài THU ĐIẾU của cụ Nguyễn Khuyến để tách bài xem sao:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Tách bài tứ tuyệt 1 (bốn câu đầu)
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tách bài tứ tuyệt 2 (bốn câu cuối)
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Tách bài tứ tuyệt 3 (hai câu đầu và hai câu cuối)
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Một bài thơ độ hay khỏi phải bàn vì vốn dĩ đã tiếng tăm lưu truyền. Chuẩn y một bài Thi luật, vậy mà vẫn còn có thêm được cái hay khác của thú chơi thơ đầy khó khăn lồng vào, đó là có thể tách một bài thành ba bài, vẫn đầy đủ nội dung, vẫn rất hay. Đem bàn để thấy trình độ dụng chữ của cổ nhân tài tình cỡ nào. Vì sao hậu thế phải kính nể gọi là thánh thi.
7. Thi thơ: Là kiểu người xướng chỉ treo lên mỗi một câu thủ làm đề tài, tất cả bài họa đều phải có cùng câu thủ giống nhau. Câu chuyện sau đây sưu tầm từ “Lãng Nhân chơi chữ”:
Báo Trung Bắc năm 1921 đề xướng cuộc thi thơ vịnh văn miếu Hà Nội, treo câu đầu là:
“Nghìn năm văn vật đất Thăng Long”
Từ khi khởi xướng, mỗi ngày báo đăng lên đến mười mấy bài, ròng rã trong ba bốn tháng, tựu trung các bài đều ná na như nhau, đại khái:
Nghìn năm văn vật đất Thăng Long
Khổng miếu là đây có phải không?
Cứ ra rả như thế mãi, sau có người không chịu nổi, gửi tới một bài thủ vĩ ngâm lời lẽ có phần cáu kỉnh:
Nghìn năm văn vật đất Thăng Long
Văn vật ngày nay mới lạ lùng
Tham biện, tham buôn, tham cán sự
Đốc người, đốc chó, đốc canh nông
Du côn, mật thám đầy sông Nhị
Giăng há ma cô chật núi Nùng
Còn nữa, xin ngưng không giám kể
Nghìn năm văn vật đất Thăng Long
Chả là trước đó trong hàng công chức cao cấp chỉ có một ngạch tham biện xuất thân ở trường cao đẳng ra gọi tắt là ông tham, sau những người tốt nghiệp trường thương mại và trường lục lộ, tuy xếp vào hàng cao đẳng nhưng không có bằng trung học, cũng được gọi là ông tham, khác nào lúc đầu chỉ có ông y sĩ được tôn ông đốc, về sau thêm ra các ông đốc thú y và đốc canh nông, cho nên mới nảy ra các câu 3, 4 trên
8. Thủ vĩ ngâm: Thủ là đầu, vĩ là đuôi. Câu đuôi (thứ tám) lặp lại nguyên si câu đầu bài thơ, thì gọi là thu vĩ ngâm.
TIỀN
Thế kỷ hai mươi thế kỷ tiền,
Có tiền con cú cũng thành tiên.
Tiểu nhân lắm bạc, đời khen giỏi,
Quân tử không xìn, nó bảo điên.
Ông xuất vốn kia mua sự nghiệp,
Bà chìa của nọ đổi nhân duyên.
Than ôi, nghĩa cả ngồi trong két,
Thế kỷ hai mươi, thế kỷ tiền
(Lãng Nhân)
9. Lối thơ liên hoàn: Lấy nguyên câu cuối khổ thơ trước, hoặc bài thơ trước làm câu đầu của khổ / bài kế tiếp
Nhàn rỗi sinh ra thói chán đời
Hết ăn rồi ngủ, ngủ rồi chơi
Chót ba mươi tuổi mà chưa vợ
Tuy có nhiều cô vẫn đón mời.
Tuy có nhiều cô vẫn đón mời
Nhân tình nhân nghĩa mới quen hơi
Cứ nghe cửa miệng thề non nước
E có ngày kia khổ thấy trời
Nếu còn tiếp tục, câu đầu của bài/ khổ thứ ba sẽ là
E có ngày kia khổ thấy trời
...
10. Thuận nghịch độc: Là có thể đọc xuôi hay đọc ngược đều thành thơ. Một bài thơ mà khi đọc từ chữ cuối cùng của câu thứ 8 đọc ngược lên sẽ ra một bài thơ thứ hai. Hiện bài thơ “Cảnh xuân” đang là bài chưa có địch thủ với 8 cách đọc. Chỉ tiếc là không rõ tác giả, nhiều người cho rằng văn phong của vua Tự Đức. Trước đây, tôi từng có họa chủ đề “sầu đêm” của Quốc Hùng bằng lối chơi thơ này, vậy xin chia sẻ vào đây làm ví dụ.
DẠ TRƯỜNG
Phan Lan Hoa
***
Chuông vọng nguyệt lơi áng đoạn trường
Giá đêm nhàu xé đóa lan hương
Chùng dây tơ khoắt khuya loan phím
Ruổi dặm mây ngàn giăng nhớ thương
Suông ánh nghiêng trăng lay lắt bóng
Quế hòe say dạ rối tơ vương
Buông sầu giọt lệ tràn khuya lạnh
Quốc quốc kêu thương tan xé sương
DẠ TRƯỜNG (đọc ngược từ chữ thứ 56 cuối bài lên)
Sương xé tan thương kêu quốc quốc
Lạnh khuya tràn lệ giọt sầu buông
Vương tơ rối dạ say hòe quế
Bóng lắt lay trăng nghiêng ánh suông
Thương nhớ giăng ngàn mây dặm ruổi
Phím loan khuya khoắt tơ dây chùng
Hương lan đóa xé nhàu đêm giá
Trường đoạn áng lơi nguyệt vọng chuông
11. Thơ hồi văn: Đây là lối viết thơ tình bí mật đầy thú vị của các cụ ta xưa. Kết hợp thuận nghịch động với cách dùng hình vẽ để mà trình bày thơ.
Thơ hồi văn hình chữ thập: Nàng Tô Huệ xưa dệt bức gấm hồi văn để xin cho chồng giải ngũ. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cũng làm hồi văn gửi cho người tình, nhưng xếp đặt một điều bí hiểm, để chỉ riêng nàng đọc được mà thôi:
Đây
lại
gởi
Thiếp nhớ chàng thơ bỏ nghĩa này
đặng
em
hay
Nàng Tô Huệ đã hội được ý chồng mà ngâm rằng:
Đây lại gởi thơ đặng em hay
Hay em đặng thơ bỏ Nghĩa này
Này Nghĩa bỏ thơ chàng nhớ thiếp
Thiếp nhớ chàng thơ gởi lại đây
Thơ hồi văn hình tròn, hình tam giác:

Thơ hồi văn hình bức vẽ: Lối thơ này là lối đố thơ xem khách chơi có thuộc thơ hay không. Từ một bài tứ tuyệt có sẵn, người xướng bỏ bớt một số chữ của bài thơ, treo một số chữ còn lại theo một hình thù đặc biệt, bí mật và khách chơi thơ phải tự suy đoán xem là bài thơ nào, để điền vào cho thành bài thơ tứ tuyệt (xem hình).

12. Thơ hình thoi: Nếu thơ hồi văn là sự phá cách để chuyển tải điều bí mật, thì lối chơi thơ hình thoi này lại phá cách rất lạ, không vào thể loại nào của thi ca từ trước tới nay. Câu thơ có lượng chữ tăng dần từ một chữ đến bảy chữ. Sau đó lại giảm dần từ 7 chữ xuống một chữ và kết thúc dòng cuối cùng trở về một chữ. Tuy vậy xét cả bài vẫn có hạn vần, chứ không phải thơ tự do (xem hình).

13. Lối thơ triệt hạ thượng vĩ: Vĩ là cái đuôi. “Triệt hạ thượng vĩ” là triệt đi cái chót đuôi. Là lối chơi thơ theo kiểu “ăn nói nửa vời”. Chữ thứ bảy trong câu thường lấp lửng không đủ ý, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu.
Phan Lan Hoa có giai thoại của chính bản thân mình. Cũng là vì mớ lý thuyết học làm thơ này đây. Dạo nọ có một thày thơ Đường luật vì nhầm lẫn tất cả các bài thơ Ngũ ngôn bát cú và Thất ngôn bát cú là Đường Luật, nên thày ấy bạo tay đem cả dạng thơ lưu truyền của cổ nhân ra chặt chém, cho rằng “thánh thi mà để thất luật”. Tôi thì khi ấy mới tập tọe, lại giám cả gan góp ý phần lý thuyết, nên bị thày ấy làm thơ Triệt hạ để chửi. Bài thơ ấy như sau:
TIỆT HẠ THƯỢNG VỸ
(Vì lý do tế nhị xin được dấu tên tác giả)
***
Sách vở đầy nhà ước giá chi
Tồn kho chật cứng vậy thôi thì
Nghiên son bút sắc sao mà chẳng
Nét dọc khuyên tròn cũng có khi
Lung linh dáng suối là do bởi
Xám xịt màu trăng ấy tại vì
Giấy má dư thừa đành cứ phải
Tô trùn vẽ rắn ngoáy chân đi
Và tôi tuy là học trò thơ, thì cũng đã có đáp lễ bằng bài thơ dưới đây:
NGÃ BÀN QUÂN TỬ ĐÁNG MÀ CHI…
Phan Lan Hoa
***
Ngã bàn quân tử đáng mà chi…
Thù vặt chị em thôi rứa thì…
Bữa nọ, chỉ vì khen miệng chẳng…
Ngày kia, cũng tại nỏ mồm khi…
Nghĩ rằng gió lặng thời cây sẽ…
Tưởng đã mây im nên bóng vì…
Bán cá tôm xưa giờ gọi ả…
Độ rày vai vế lại thay đi…
14. Song thanh điệp vận: Là cách chơi hai chữ cùng vần đi đều nhịp đôi
Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Đói đói no no lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại ngoẻo xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi
15. Vĩ tam thanh: Là lối láy điệp ba âm cuối của mỗi câu thơ
NGỦ TRƯA
Tôn Thất Mỹ
***
Tiếng gà bên gác tẻ tè te
Bóng ác trông ra hé hẻ hè
Núi một tòa cao chon chót vót
Hoa năm sắc nở tóe tòe loe
Chim tình bằng hữu kia kìa kịa
Ong nghĩa quân thần nhé nhẻ nhe
Danh lợi chưa hề ti tí tị
Ngủ trưa chửa dậy khỏe khòe khoe
16. Tung hoành trục khoán: Lấy bảy chữ dọc đầu mỗi câu, kết hợp với bảy chữ ở câu thứ 8 sẽ ra một cặp câu đối thơ. Dưới đây là bài chúc xuân của Phan Lan Hoa (xin gửi lời mời họa tới Nghệ Nhân):
LỜI CHÚC PHÚC MÙA XUÂN
Bài họa: Phan Lan Hoa
***
NGÀY cũ trôi qua giữa bộn bề
XUÂN sang mai thắm, én say mê
HẠNH, Công khao khát tròn tâm nguyện
PHÚC, Đức thầm mong vẹn ý thề
BÌNH lặng tông đường ngoan cháu chắt
AN khang gia đạo, thuận phu thê
ĐẾN bên hương án cầu sung túc
NĂM MỚI VUI MAY LỘC PHƯỚC VỀ.
Câu đối rút ra từ bài thơ:
Ngày xuân hạnh phúc bình an đến
Năm mới vui may lộc phước về
17. Ngũ độ thanh: Đây là một lối chơi thơ người Tàu không thể chơi, vì mỗi câu đều phải đủ các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, không dấu. Hai chữ liền kề không được cùng dấu.
NGUYỆN CẦU ĐÊM TRĂNG
Phan Lan Hoa
***
Bụi cúc đầu hiên đã trổ vồng
Trăng tròn lấp lửng giữa vòm không
Vầng sao Phụ Mẫu lòe tia đỏ
Đạo vũ càn khôn ửng sắc hồng
Ngũ án đèn hương cầu thịnh Tổ
Đàn thiên quả nước nguyện hưng Rồng
Dâng trào sóng cuộn hồn binh sĩ
Cứu độ dân lành khỏi bão giông
(xin gửi lời mời họa đến các bạn thơ)
18. Thơ yết hậu: Yết hậu là câu cuối cùng bị bớt chữ chỉ còn lại một đến hai chữ làm kết.
Giai thoại Nguyễn Công Trứ: Một buổi tối ngày rằm nọ, vì say quá chén Trứ đi nhầm vào miếu Long Thần. Thấy rượu thịt người ta bày cúng, bèn sà vào lấy rượu ghé vào môi long thần mời uống. Vì tượng thần không nhúc nhích, bực mình Trứ vật ngửa bức tượng đổ rượu vào miệng, rồi lại còn bạt tai cho mấy cái nữa mới khật khưỡng ra về. Sớm mai tỉnh rượu mới biết mình phạm lỗi. Nhưng với tính cách ngất ngưởng của Trứ thì không có chuyện cúi lạy van xin tha thứ, mà hành động tạ lỗi là dán ở miếu bốn câu thơ.
Hôm qua trời tối tới chơi đây
Đánh phải long thần mấy cẳng tay
Khi tỉnh thì nào ai có dám
Say…
Lại kể một năm hạn hán kéo dài. Viên tri phủ nọ lập đàn cầu đảo. Cầu mấy ngày liền mà chẳng thấy mưa. Có anh học trò thấy dân phủ phải tốn công tốn của về việc này, nên làm một bài thơ yết hậu.
Cầu mưa
Tri phủ cầu mưa rơi
Nhân dân sướng mê tơi
Nửa đêm mở cửa ngó
Trăng soi !
Bài thơ lọt vào tai Tri phủ, Tri phủ giận quá đòi anh học trò tới công đường bắt làm một bài khác sửa lại ý bài trên, nếu không làm được sẽ bị đòn. Viên tri phủ vốn có biệt hiệu Tây Pha, nên ra hai chữ ấy làm đầu đề cho bài thơ mới, anh học trò liền đọc:
Người xưa hiệu Đông Pha
Người nay hiệu Tây Pha
Hai người so sánh lại
Khác xa!
Viên Tri phủ càng giận hơn, sai đánh 18 roi. Anh học trò chịu đòn xong, vừa xuýt xoa vừa đọc:
Làm thơ mười bảy chữ
Bị đánh mười tám roi
Nếu làm thơ muôn chữ
Chết toi!
19. Lối thơ liên ngâm: Là lối chơi thơ tập thể, một nhóm người chung sức cùng làm nên một bài thơ. Mỗi người làm một hoặc hai câu. Phạm Đình Trọng khi dẹp xong loạn Nguyễn Hữu Cầu, được bổ vào trấn nhậm Nghệ An, thừa lúc nhàn hạ nói với vợ:
- Bấy lâu trong nước lắm việc, tôi ít khi được cùng phu nhân đàm đạo, nay rỗi rãi ta thử liên ngâm với nhau cho vui. Và Phạm đọc trước:
Năm chờ tháng đợi trải bao niên
Vợ Phạm tiếp lễ:
Kim cải đôi ta có túc duyên
Sơn Hải xui nên liền mối nghĩa,
Phạm:
Đỉnh chung may được vẹn lời nguyền.
“Thề non nước” của Tản Đà theo kể lại thì ý tứ trong thơ không hoàn toàn là của Tản Đà mà ra đời trong hoàn cảnh Tản Đà đàm đạo tranh thủy mặc vẽ cảnh non nước cùng một cô hàng nước có chữ nghĩa, cho nên khi đọc ta nghe như có lời đối thoại của hai người…
20. Lộng hoàn: Dùng một số chữ cuối câu trên bắt xuống làm chữ đầu câu dưới. ví dụ bài thơ “Lúc say sưa” dưới đây của Tam Nguyên Yên Đổ, lấy hai chữ cuối câu trên làm hai chữ đầu câu dưới
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa,
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được thì ông cũng chẳng chừa
Hoặc lấy cả bốn chữ của câu trên đặt xuống câu dưới
Hạ gặp sen thơm hoa lẫn lá,
Thơm hoa lẫn lá mùi đưa sạ,
Sạ đưa mùi lá lẫn hoa thơm,
Lá lẫn hoa thơm sen gặp hạ.
21. Thơ dùng toàn tử âm
Ví dụ bài “Trách nguời đa tình” toàn tử âm ch:
Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa.
Chín chiều chua chát, chán chê chưa
Cha chài chú chóp chơi chung chạ,
Chẳng chính chuyên chi, chớ chực chờ!
Hay một giai nhân than phiền cảnh cô đơn bằng một bài lục bát:
Nỗi niềm non-nuớc não nùng
Lỡ làng lạc lối lạnh lùng lẻ loi
Tâm tình tan tác tả tơi
Ngổn ngang nghĩ ngợi ngậm ngùi ngẩn ngơ
Du dương, déo dắt, dật dờ:
Điệu đàn đòi đoạn đẫn đờ đêm đông.
(Réo rắt phát âm theo tiếng Bắc thành déo dắt)
Lời cảm:
Nếu nói về thói xấu của người Việt Nam cần sửa, thì thói cả đám học sinh, sinh viên cứ cun cút nghe không dám cãi điều mấy thày Nho nói là đáng bàn nhất. Tôi thấy sử sách còn rõ ràng lắm, mà sao khi tôi nói, ai cũng chưa tin, ai cũng ngờ vực, ai cũng thắc mắc tại sao thày Nho nói của Tàu, dì lại nói của Ta? Biết làm sao được. Tôi đang dẫn chứng có sử có sách hẳn hòi. Cho nên thói xấu cần lên án nhất là thói nói phét không chừa thứ nào, kể cả văn hiến nước nhà mà các thày Nho cũng vô tâm bịa đặt cho được? Cả một trời thi ca hay bất tận, là trí tuệ của cha ông người Việt để lại. Sử chép rất rõ ràng, sao lại đem múa bút chuyển hết sang thành của nước Tàu, chả phải bất hiếu lắm hay sao? Bất hiếu thì làm gì có chuyện “con hơn cha” được?!
***
Tư liệu tham khảo và sử dụng:
- Việt Nam văn học sử yếu – Dương Quảng Hàm
- Nghệ thuật chơi chữ - Triều Nguyên
- Phép làm thơ – Diên Hương (1963)
- Khảo luận luật thơ - Lam Giang (1967)
- Việt thi – Trần Trọng Kim (1949)
- Lãng nhân chơi chữ - Phùng Tất Đắc (1961)