MUÔN KIỂU GIEO VẦN TRONG CỔ THI
Phan Lan Hoa
***
Thật ra khi xướng đồ rê mi fa son la si, thì đa số mọi người đều lắc đầu vì không từng được học ba thứ đó; nhưng nếu một ai đó không đọc nốt nhạc mà hát lên một bài hát, mọi người đều có thể họa đồng. Những làn điệu dân ca vốn dĩ có xuất xứ trong đời sống nhân dân. Còn thơ lại xuất xứ từ dân ca, là giai điệu cuộc sống. Thứ mà trong tâm hồn mỗi người khi sinh ra đều đã có sẵn rồi, nên khi nghe là thấy mình phần nào đã họa đồng được rồi. Sự họa đồng là duyên cớ để chúng ta cũng có thể gieo vần thơ. Nhưng xin đừng tưởng nhầm gieo được vần đã là thơ. Khó của thơ là ngôn từ hàm súc, nhưng vẫn phải có đầu có đuôi. Còn như vần êm, đối ngẫu, mà không kết được vấn đề, thì giá trị tâm hồn cũng không đọng lại.
· Biết chữ + Lý thuyết học làm thơ = Học trò thơ
· Học trò thơ + Năng khiếu = Nhà thơ
· Nhà thơ + Vũ trụ nhân sinh = Thánh thơ
Các “người tình của nàng thơ” xin hãy tự đánh giá mình xem mình xứng đáng loại người tình nào trên đây? Xong rồi tự hỏi lòng xem có đủ dũng khí thôi vỗ ngực mình là nhà thơ hay không?
CỔ PHONG ĐƯỜNG THI
Bài trước tôi đã nói, Thi luật chỉ là một thể loại trong khái niệm tổng thể của tên gọi “Đường Thi”. Không phải ứng thí, hà cớ cứ phải lao vào Thi luật cho nó cùng quẫn, những sinh ra xét nét trắc bằng của nhau trên chiếu thơ? Còn muôn kiểu gieo vần khác của cổ nhân để lại cho hậu duệ đời sau có thể rộng đường yêu thương nàng thơ cơ mà.
Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm - Trang 110: “Thơ cổ-phong và Thơ Đường-luật – Theo cách làm, chia làm hai thể:
1. Cổ phong hoặc Cổ thể là thể thơ có trước thời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định;
2. Đường luật hoặc cận thể là thể thơ đặt ra tự đời nhà Đường (618-907) phải theo niêm luật nhất định...”.
Mục 2.a. Luật thi – Trang 195, cuốn Thi pháp thơ đường của Nguyễn Thị Bích Hải ghi: “Luật thi là thuật ngữ dùng để chỉ thơ bát cú đời Đường gồm “Ngũ ngôn bát cú luật thi” (Ngũ luật) và “Thất ngôn bát cú luật thi” (Thất luật)”;
Mục 2. Sự phát triển các thể thơ – trang 59, bộ Đường thi tuyển dịch của Lê Nguyễn Lưu viết: “… Như vậy, thơ xuất phát từ ca vũ, âm nhạc, nhưng dần tách riêng và phát triển độc lập, ấy cũng nhờ nền móng do Thẩm Thuyên Kỳ và Tống Chi Vấn xây đắp nên từ đầu. Thẩm và Tống kế tục lý luận văn học của Chung Vinh, Thẩm Ước, Lưu Hiệp, hoàn chỉnh thể thơ luật, và khi triều đình đem dùng nó vào ứng chế, khoa cử, lại gia thêm một tầng quy định nghiêm ngặt … Từ đó, hai thể loại thơ hình thành: Một sáng tác theo lối mới, gọi là Cận thể hay Luật thi; một loại sáng tác theo lối cũ, gọi là Cổ thể hay Cổ phong. Thơ cận thể gồm những bài có số câu nhất định (tứ tuyệt, bát cú), số tiếng trong các câu thống nhất (ngũ ngôn, thất ngôn), phép gieo vần (vận luật) và tiết tấu (thanh luật) đều được quy định rõ ràng chặt chẽ…”
Như vậy, loại hình thơ Cổ phong (Cổ thể) trên thực tế cùng tồn tại song song với thơ Cận thể (Thi luật) ở đời Đường, thậm chí Cổ phong vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay ở Việt Nam. Thơ Cổ phong tuy không có những quy định ngặt nghèo như Thi luật, nhưng không phải là không có phép tắc gieo vần. Trước khi đưa ra dẫn chứng chứng minh, tôi xin được sơ qua lịch sử thơ Đường, được chia thành 3 giai đoạn:
Sơ Đường - Thời kỳ thành lập (618-712), thời kỳ này có Trần Tử Ngang được cho là người dương cao ngọn cờ phục cổ. Vương Tích, Vương Bột được tôn là thánh thi (Vương Bột người Việt Nam và làm quan ở Nghệ An, mất tại Nghệ An).
Thịnh Đường - Thời kỳ thịnh đạt (713-846), với ba dòng tư tưởng nổi tiếng:
· Dòng lãng mạn với đỉnh cao là Lý Bạch
· Dòng hiện thực trữ tình với đỉnh cao là Đỗ Phủ
· Dòng hiện thực phê phán với đỉnh cao là Bạch Cư Dị
Vãn Đường - Thời kỳ chuyển biến (846-907), ba nhà thơ nổi tiếng nhất thời kỳ này là Đỗ Mục, Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân
MUÔN KIỂU GIEO VẦN TRONG THƠ CỔ PHONG
Bàn về phép gieo thanh, vận, điệu, trong thơ cổ phong khá phong phú và đã có bóng dáng của Thi luật, nhưng không nghiêm ngặt một thể loại cứng nhắc như Thi luật. Nội dung dưới đây là tổng hợp các phương pháp gieo vần trong thơ Cổ phong.
Gieo vần cách dòng ở câu chẵn (2,4,6,8,...):
DÃ VỌNG
(Ngắm cảnh đồng quê)
Tác giả: Vương Tích (sơ Đường,618 – 712)
***
Đông cao bạc mộ vọng,
Tỷ ỷ dục hà y.
Thụ thụ giai thu sắc,
Sơn sơn duy lạc huy.
Mục nhân khu độc phản,
Liệp mã đới cầm quy.
Tương cố vô tương thức,
Trường ca hoài thái vi
***
XUÂN NHẬT ỨC LÝ BẠCH
(Ngày xuân nhớ Lý Bạch)
Thơ Đỗ Phủ (thịnh Đường,713-846)
***
Bạch dã thi vô địch,
Phiêu nhiên tứ bất quần.
Thanh tân Dữu khai phủ,
Tuấn dật Bão tham quân.
Vị bắc xuân thiên thụ,
Giang đông nhật mộ vân.
Hà thời nhất tôn tửu,
Trùng dừ tế luân văn.
Bóng dáng gieo vần của lối thơ Thi luật, nhưng trắc bằng không tuân thủ luật:
TÒNG QUÂN HÀNH
(bài hát theo quân)
Tác giả: Dương Quýnh (sơ Đường, 618-712)
***
Phong hỏa chiếu Tây Kinh
Tâm trung tự bất bình
Nha chương từ Phụng khuyết
Thiết kị nhiễu Long thành
Tuyết ám điêu kỳ họa
Phong đa tạp cổ thanh
Ninh vi bách phu trưởng
Thắng tác nhất thư sinh
Thơ trường thiên: thanh, vận được gieo theo từng khổ thơ, nhưng phương pháp gieo vận suốt bài không nhất quán theo một quy luật. (trích đoạn thôi kẻo dài dòng quá nhé).
XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ
(Đêm hoa trăng trên sông xuân)
Tác giả: Trương Nhược Hư (Thời kỳ cổ thể 618 – 712)
***
Xuân giang triều thuỷ liên hải bình
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh
Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện
Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tiển
Không lý lưu sương bất giác phi
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ
Giang nguyệt niên niên chỉ tương tự
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân
Đãn kiến trường giang tống lưu thuỷ
Bạch vân nhất phiến khứ du du
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu
Thuỳ gia kim dạ thiên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu
...
Thất ngôn bát cú: thanh, điệu, vận gieo theo kỳ
ĐẰNG VƯƠNG CÁC
(Gác đằng vương)
Tác giả: Vương Bột (Sơ Đường, 618-712)
***
Kỳ nhất
Đằng vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh toan bãi ca vũ
Họa đống triêu tri Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Kỳ nhị
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu
Tiếng khóc than của nàng thơ: Cách gieo vần theo kỳ cũng có trong “Văn thúc phụ lễ bộ tham tri phó âm cảm tác” - Bài khóc chú ruột Nguyễn Du của Nguyễn Hành, đã kéo theo một hội đồng các tiến sĩ tranh luận là thơ hay văn? Là một bài thất ngôn bát cú, hay hai bài tứ tuyệt? Là thơ có luật hay thất luật?
VĂN THÚC PHỤ LỄ BỘ THAM TRI PHÓ ÂM CẢM TÁC
Nguyễn Hành
***
Kỳ nhất
Thập cứu niên tiền Tổ Như từ
Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ
Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn
Dịch lề hà năng tốc công tử
Kỳ nhị
Tam thu luân lạc tử thành trung
Nam vọng phù vân mỗi ức công
Qui khứ gia sơn văn dạ liệp
Tinh linh hoảng dữ năng thời đồng
Cho đến thời Thịnh Đường (713-846), thể thơ Cổ phong vẫn tồn tại và duy trì song song với thể thơ Thi luật. Hơn thế nữa, thơ Cổ phong còn được duy trì bởi các thánh thi tiếng tăm như Lý Bạch với bài Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, Anh Vũ châu, Thôi Hiệu với bài Hoàng Hạc lâu, Vương Duy với bài Chước tửu dữ Bùi Địch.
Đỗ Phủ được cho là người vận dụng Thi luật rất nhuần nhuyễn, để đời như các bài Vịnh hoài cổ tích, Thu hứng (Thu hứng gồm 8 kỳ, mỗi kỳ đều là một bài thi luật trọn vẹn)... nhưng vẫn có những bài được sáng tác ở dạng Cổ phong như bài Ngày xuân nhớ Lý Bạch đã đưa làm ví dụ ở trên.
Bàn về chữ “kỳ”: Phần tuyển tập các bài thơ Đường thể hiện kỳ phổ biến nhiều ở hai loại hình:
· Mỗi kỳ 4 câu và mỗi kỳ 8 câu. Nhưng cũng có những kỳ dài tới 12, 14, thậm chí là 30 câu. Điển hình như bài “Nguyệt hạ độc chước” của Lý Bạch, dài tới 4 kỳ, trong đó có 3 kỳ 14 câu và một kỳ 12 câu.
· Giữa các kỳ có thể đồng vận hoặc không đồng vận, đồng thanh hoặc không đồng thanh. “Đằng vương các” của Vương Bột ở trên là ví dụ cho loại kỳ 4 câu, đồng vận, nhưng không đồng trắc bằng (kỳ nhất thanh trắc, kỳ nhị thanh bằng).
· Xin đưa thêm ví dụ cho loại mỗi kỳ 8 câu, đồng thanh (hai kỳ đều thanh bằng), nhưng không đồng vận (kỳ nhất vận uân, ân; kỳ nhị vận y, i):
KHÚC GIANG
(Sông Khúc)
Tác giả: Đỗ Phủ (thịnh Đường 712-846)
***
Kỳ nhất.
Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân,
Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân.
Thả khan dục tận hoa kinh nhãn,
Mạc yếm thương đa tửu nhập thần.
Giang thượng tiểu đường sào phí thuý,
Uyển biên cao trủng ngoạ kỳ lân.
Tế suy vật lý tu hành lạc,
Hà dụng phù danh bạn thử thân.
Kì nhị.
Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương thưởng mạc tương vy
Có lẽ nên hiểu “kỳ” là một phân khúc, hay một trường đoạn. Xem những bài thơ được phân kỳ của các cổ nhân, tôi thấy nội dung của mỗi kỳ, tuy chưa tìm thấy tài liệu nào quy định cụ thể về kỳ, nhưng dường như mỗi kỳ đều hội đủ đề, thực, luận, kết. Nghĩa là nếu tách ra, kỳ tự nhiên biến thành một bài thơ (tứ tuyệt, bát cú, trường thiên). Do đặc điểm này của kỳ, khiến cho thành viên các chiếu thơ Đường Luật đã có sự nhầm lẫn, một bài ngỡ là hai bài chăng?
CÓ HAY LÀ KHÔNG GIEO VẦN TRONG THƠ TỰ DO?
Dưới đây là một bài trường thi ở thể tự do, có xuất xứ ở thời Thịnh Đường. Một dẫn chứng nói lên nhiều điều. Trước hết xin mời quý vị cùng đọc xem thơ có suôn tai không đã, rồi sẽ bàn xem vị cổ nhân được người đời phong là thánh thi đem đến chân lý gì trong việc đàm đạo về thơ hôm nay.
MỘNG DU THIÊN MỤ NGÂM LƯU BIỆT
Lý Bạch
***
Hải khách đàm Doanh Châu,
Yên đào vi mang tín nan cầu.
Việt nhân ngữ Thiên Mụ,
Vân hà minh diệt hoặc khả đổ.
Thiên Mụ liên thiên hướng thiên hoành,
Thế bạt Ngũ Nhạc, yểm Xích Thành.
Thiên Thai tứ vạn bát thiên trượng,
Đối thử dục đảo đông nam khuynh.
Ngã dục nhân chi mộng Ngô Việt,
Nhất dạ phi đô kính hồ nguyệt.
Hồ nguyệt chiếu ngã ảnh,
Tống ngã chí Diễm Khê.
Tạ công túc xứ kim thượng tại,
Lục thuỷ đãng dạng thanh viên đề.
Cước trước Tạ công lý,
Thân đăng thanh vân thê.
Bán bích kiến hải nhật,
Không trung văn thiên kê.
Thiên nham vạn hác lộ bất định,
Mê hoa ỷ thạch hốt dĩ mính.
Hùng bào long ngâm âm nham tuyền,
Lật thâm lâm hề kinh tằng điên.
Vân thanh thanh hề dục vũ,
Thuỷ đạm đạm hề sinh yên.
Liệt khuyết tích lịch,
Khâu loan băng tồi.
Động thiên thạch phi,
Hoanh nhiên trung khai.
Thanh minh hạo đãng bất kiến để,
Nhật nguyệt chiếu diệu kim ngân đài.
Nghê vi y hề phong vi mã,
Vân chi quân hề, phân phân nhi lai hạ.
Hổ cổ sắt hề loan hồi xa,
Tiên chi nhân hề liệt như ma.
Hốt hồn quý dĩ phách động,
Hoảng kinh khởi nhi trường ta.
Duy giác thì chi chẩm tịch,
Thất hướng lai chi yên hà.
Thế gian hành lạc diệc như thử.
Cổ lai vạn sự đông lưu thuỷ,
Biệt quân khứ hề hà thì hoàn?
Thả phóng bạch lộc thanh nhai gian.
Tu hành tức kỵ phỏng danh sơn.
An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý,
Sử ngã bất đắc khai tâm nhan!
Có nhiều điều đáng bàn sau khi đọc bài thơ này:
· Thơ tự do không hề là thơ mới, ít nhất đã có từ đời Đường (có thể xưa hơn nữa).
· Thơ tự do tuy số lượng chữ trong câu không vào quy luật, nhưng vẫn có vần điệu. Vận gieo tùy thuộc vào giai điệu âm nhạc trong thơ. Có lúc vận gieo ở hai câu liền nhau; rồi lại gieo cách nhật; thậm chí ba bốn câu mới thấy vần; rồi lại gieo vần liên tục ở ba bốn câu liền nhau. Nghĩa là giai điệu dù có phá cách cỡ nào, rốt cuộc vẫn phải quay về quy luật chung là Thanh – Vận – Điệu, bởi vì Thanh – Vận – Điệu là cốt cách của thơ, giúp cho thơ không bị nhầm lẫn với văn xuôi.
· Nhịp phách của thơ tự do khác chăng so với thơ hạn chữ, hạn vận là không bị gò bó bởi trắc bằng, mà sinh động, phóng khoáng, chuyển vận điệu liên tục, gần với một bản nhạc hơn là sự mặc định của một làn điệu dân ca cổ truyền.
· Đã gọi là nhạc, thì không cứ hai ba chữ có cùng dấu (huyền sắc nặng hỏi ngã) là phạm lỗi ? Không có quy định nào trong Đường thi như thế, kể cả Thi luật.
Thân đăng thanh vân thê. (cả câu không dấu)
Bán bích kiến hải nhật, (cả câu tiếp sau thanh trắc)
Thế bạt Ngũ Nhạc, yểm Xích Thành. (6/7chữ vần trắc)
Không phải nhà thơ, nhưng không có nghĩa tôi không làm được thơ Thi luật. Cũng từng thử thách cả thể loại khó như Đường luật ngũ độ thanh, Thuận nghịch độc. Nhưng hai bài trước tôi lại chọn những bài thơ của tôi từng bị chê là thất luật để đính kèm vào bài viết của mình. Mục đích chính là để phản bác thứ luật không mang tính nhạc của các thi sĩ Đường luật thời nay mà tôi đã trình bày trong nội dung bài viết này. Cũng như phép đối thơ theo kiểu chặt chữ một cách máy móc ở kỳ viết tiếp theo: “Bàn về phép đối thơ”.
Người xưa không chỉ làm thơ, mà còn thơ hay lưu truyền hàng ngàn thế kỷ. Vậy hà cớ ngày nay chúng ta không dám gò luật vì khó? Xin cứ hẵng làm thơ bình thường mà không sợ gì cả. Miễn là trước khi gieo vần, trong lòng xin chớ gieo tham vọng là thánh thi vội. Thơ là tiếng lòng. Cho dù chỉ là làm thơ cho vui, thì cũng nên có trách nhiệm với thơ. Khi xưa Xuân Diệu gọi là “lao động thơ”. Còn bây giờ nhiều người đang dùng thơ như một công cụ để leo thang danh tiếng. Câu lạc bộ thơ tổ dân phố; CLB thơ phường; CLB thơ cựu chiến binh, CLB thơ tổ hưu, vv... Thời nay, muốn thành nhà thơ rất dễ. Chỉ cần biết chữ và chỉ cần tham gia một câu lạc bộ thơ. Ở CLB thơ, mỗi thành viên chỉ cần tạc ra dăm ba câu ngắt dòng lên giấy, sẽ có một ai đó sửa dùm thành một bài có vần. Rồi chủ nhiệm sẽ tập hợp bài của các thành viên lại, thông báo nộp ít “tiền quỹ”. Chủ nhiệm CLB sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với “bề trên” ngành văn hóa, xin giấy phép xuất bản, thế là nghiễm nhiên có thơ in sách. Tung một ít tiền mua lại sách của CLB để đem khoe bạn bè, họ hàng “tớ là nhà thơ”, thế là đã có danh hiệu nhà thơ ?!
DẾ DUỔI BÊN ĐÈN
Tú Quỳ
***
Kiến chẳng phải kiến, voi chẳng voi
Trời sinh dế duổi cũng choi choi
Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
Co tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa sa nước chảy lên cao ở
Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi
Quân tử có thương xin chớ phụ
Lăm lăm bay nhảy để mà coi
====
Tài liệu tham khảo:
· Việt Nam văn học sử yếu – Dương Quảng Hàm
· Đường thi tuyển dịch – Lê Nguyễn Lưu
· Việt thi – Trần Trọng Kim
· Khảo luận luật thơ – Lam Giang
· Phép làm thơ – Diên Hương
· Thi pháp thơ Đường - Nguyễn Thị Bích Hải
· Thi pháp thơ Đường – Quách Tấn