Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
 Phlanhoa viết
 Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
 Văn hay sưu tầm
 Thú chơi tập Kiều
 Sưu tầm để ngẫm
 Tìm hiểu về thể loại câu đối
 Láo nháo
 Thư pháp
 Tâm hồn người Việt
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 1
 
(17h: 07-12-2020)
PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 1Bài viết của Phan Lan Hoa
***
Kỳ 1: SỰ NHẦM LẪN LAI LỊCH NĂM NHÂN VẬT LỊCH SỬ CÙNG TÊN LÀ NGUYỄN DU

  

 

ĐỀ TÀI

PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ NGUYỄN DU VÀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU THƠ NÔM CỦA ĐẠI THI HÀO

                                                                                 Phan Lan Hoa

Kỳ 1: SỰ NHẦM LẪN LAI LỊCH NĂM NHÂN VẬT LỊCH SỬ CÙNG TÊN LÀ NGUYỄN DU

***

          LỜI NÓI ĐẦU

          Tôi nghĩ rằng tôi là một độc giả đọc sách rất nghiêm túc và kỹ càng. Đây có lẽ là do thói quen ngành nghề, tôi thường phải nhận một khối tài liệu bung xung, lộn xộn, rồi phải ngồi đọc và phân loại thành từng nội dung cụ thể. Cho nên khi đọc sách, chỉ cần lướt qua một lượt, nếu trong cốt truyện có những mâu thuẫn tôi dễ dàng phát hiện được ngay.

          “Quá tam ba bận”, hai lần trước tôi sắm vai kẻ ngược lường trong hai đề tài: “Đi tìm dấu tích Nhà nước Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử dân tộc”; “Phật giáo có nguồn gốc Việt Nam”. Tôi phải sắm vai độc giả phản biện tác giả, vì tôi thấy các nghiên cứu của tiến sĩ nước nhà nội dung lủng củng và rất mâu thuẫn với ghi chép của lịch sử. Lần thứ ba này cũng không ngoài lý do trên. Cuộc bàn cãi khá gay gắt giữa các nhóm Kiều học khiến tôi quan tâm. Từ chỗ quan tâm, tôi nhanh chóng sưu tập tư liệu để xem xét. Kết quả tôi vẫn chưa thôi sắm vai kẻ ngược lường được. Nội dung nghiên cứu của tôi sẽ có nhiều phủ quyết đối với nghiên cứu của nhiều nhà Kiều học hiện nay.

          Cụ thể ở đây, nếu như tiến sĩ cho rằng Nguyễn Du tuy gốc Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên và trưởng thành tại đất Thăng Long, rồi lên Thái Nguyên làm quan và trải qua những năm tháng lưu lạc bụi đời tận bên Quảng Châu, Trung Quốc? Thậm chí có tiến sĩ còn bạo tay ghép cho Nguyễn Du tội làm giặc? Thì tôi lại thấy không phải thế. Tôi thấy tiến sĩ nhầm lẫn ít nhất là năm nhân vật lịch sử đồng tên Nguyễn Du thành một người? Tôi thấy, chỉ có quãng từ khi sinh ra đến lúc Nguyễn Du năm tuổi có lẽ là sinh ở Thăng Long. Còn sau đó chủ yếu sống tại Tiên Điền cho đến lớn. Tôi nghĩ tôi có dư  tư liệu lịch sử chứng minh điều tôi nói.

          Nếu đòi hỏi phải là chính sử mới đáng tin, thì chính sử đối với cuộc đời Nguyễn Du phải gồm những tư liệu nào?

          Tôi thì tôi tin nhất vào ba tư liệu chính dưới đây:

          1- Tư liệu tất yếu phải tin đó là Quốc sử. Các nhân vật của dòng họ Nguyễn Tiên Điền dường như được chép dày đặc suốt từ triều Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn Minh Mạng. Ngoài trang ghi chép của nhân vật chính, cần phải liên kết giai đoạn lịch sử của gia quyến và người thân cùng thời cũng là nhân vật trong Quốc sử, từ đó có cơ sở sắp xếp thời gian phù hợp;

          2 - Tư liệu không thể bỏ qua, vì nó cũng chính sử, đó là dã sử địa phương (dã sử chứ không phải giả sử). Đối với Nguyễn Du mà nói, lịch sử Nghệ An ghi chép về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi nhiệt huyết của Nguyễn Du tại Phường vải Trường Lưu có giá trị rất lớn lao;

          3 - Tư liệu cuối cùng nên coi là chính sử của riêng cuộc đời Nguyễn Du, đó là những tập thơ dưới dạng nhật ký, được viết lên tựa như là bản tiểu sử tự khai của tác giả.

          Trên là ba loại tư liệu chính, còn tư liệu bên lề có thể sử dụng dưới dạng phụ trợ khi xét thấy nội dung logic với chính sử:

          1 – Phong tình lục, tức là những cuốn sách ghi chép bên lề chính sử của những tác giả cùng thời với nhân vật. Cụ thể ở đây “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ là một cuốn phong tình lục, cung cấp khá nhiều tư liệu về âm nhạc cổ điển Việt Nam và giai thoại của gia đình Nguyễn Du; “Cầm ca Việt Nam” của Toan Ánh cũng là một cuốn như vậy;

          2 – Gia phả, với điều kiện đó là gia phả cổ đồng thời gian với sinh tử cuộc đời tác giả. Còn như loại gia phả mới viết ở thế kỷ 20, nếu xét thấy có mâu thuẫn với lịch sử, cáo lỗi là tôi bắt buộc phải thận trọng khi đưa vào nội dung.

          Quán triệt tư tưởng như trên, nên phản biện của tôi sẽ luôn bám sát nội dung của những loại tư liệu đã kể trong suốt đề tài khảo cứu. Cụ thể sẽ có 4 kỳ nội dung sau:

          Kỳ 1 – Sự nhầm lẫn lai lịch giữa bốn nhân vật lịch sử cùng tên là Nguyễn Du

          Kỳ 2 – Hành trạng Nguyễn Du qua chính sử và qua những dòng thơ chữ Hán

          Kỳ 3 - Sự nhầm lẫn địa danh một cách ngây thơ trong bài "Long Thành cầm giả ca"

          Kỳ 4 – Hành trạng Nguyễn Du qua những dòng thơ chữ Nôm

***

Kỳ 1: SỰ NHẦM LẪN LAI LỊCH GIỮA NĂM NHÂN VẬT LỊCH SỬ CÙNG TÊN LÀ NGUYỄN DU

          Tôi đúng, hay không đúng chưa xét đến. Nhưng điều biết ngay trước mắt, là nghiên cứu của các tiến sĩ không logic với sự thật lịch sử. Hai lỗi lớn trong cái không đúng này là:

          - Lấy wikipedia làm phao. Có nhiều bài viết chỉ là thêm dòng, thêm câu cho gọi là có nghiên cứu, còn nội dung thì giống y chang. Đây thực sự là trò nói leo, chẳng may những thứ tư liệu này sai so với chính sử, thì bài viết của tiến sĩ sai theo cũng không hề biết sai?!

          - Vì không thực tế đọc sách lịch sử loại có kiểm duyệt, nguồn gốc xuất bản rõ ràng, nên các tình tiết đưa ra đều không có ghi chép cụ thể là đính kèm căn cứ xem sách nào, dòng nào của lịch sử? Đây là thái độ mà một tiến sĩ chân chính không bao giờ hành xử như vậy.

          Có tiến sĩ khi bị tôi chất vấn, nói như đúng rồi, rằng thì là “Khâm Định Việt Sử” và “Hoàng Lê nhất thống chí” chép không giống nhau. Khiến tôi giật mình, cứ đọc đi đọc lại hoài sao vẫn thấy giống nhau, không có gì mâu thuẫn? Hóa ra tiến sĩ hình như không đọc sử, viết sai bị chất vấn thì nói càn!

          Hài nhất là vụ việc Nguyễn Du được tập ấm tại Thái Nguyên. Lúc đầu tiến sĩ  chép làm con nuôi ông Nguyễn Đăng Tiến? Tôi nói không có nhân vật lịch sử này trong Quốc sử, thì tiến sĩ lại đổi sang con nuôi quan Vũ Hầu. Tôi đề nghị cho tôi tên của ông quan Vũ Hầu, thì không nói được. Xin thưa, vũ hầu (võ hầu) là chức tước, không phải là tên họ và quan Vũ hầu bấy giờ trong triều Lê không phải ai khác xa lạ, mà là anh trai của Nguyễn Du, Hồng Lĩnh võ hầu Nguyễn Khản. Trong khi Văn nghệ Thái Nguyên lại có bài viết nói rằng Nguyễn Du là con nuôi họ Hà. Xin thưa các tiến sĩ, cả họ Hà, họ Nguyễn các vị nêu tên đều không có dòng ghi chép nào trong Quốc sử ?

          CHUYỆN NGUYỄN DU THEO HỘ GIÁ VUA LÊ?

           “Lê quý dật sự” do Bùi Dương Lịch biên soạn, mô tả chi tiết cuộc chạy trốn Tây Sơn của vua Lê Chiêu Thống. Tuy là một dạng thực lục do một cá nhân viết ra, nhưng Hoàng giáp Bùi Dương Lịch là người trong cuộc, nên tư liệu lịch sử được xem là đáng tin cậy. Theo sách này thì những người cuối cùng bên cạnh nhà vua chỉ có Bùi Dương Lịch (tác giả cuốn sách), Vũ Trinh, Nguyễn Du, Hồ bôn Đạt quận hầu (Duy Đạt), Nguyễn Khải, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Khải Đức, Đinh Nhạ Hành, Phạm Trần Thiện, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Phạm Như Tùng, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Văn Trương. Nhưng sách chép rõ ràng “Nguyễn Du người làng Văn Xá”. Người che chở nhà vua trước khi qua biên giới nước Thanh là một tay thổ hào tên là Lệnh Tuấn, người này khi vua đương triều, nhiều lần được làm ăn suôn sẻ cho nên biết ơn nhà vua mà ra tay đại nghĩa. Tuy nhiên trong cuộc truy sát gắt gao của Tây Sơn, quân thần tản mác, thất lạc nhau hết, qua được bên kia biên giới cùng vua Lê chỉ còn Phan Khải Đức, Đinh Nhạ Hành, Phạm Trần Thiện, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Phạm Như Tùng, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Văn Trương (câu chuyện xảy ra từ 1876 – 1793, sách “Lê quý dật sự” - Bùi Dương Lịch, từ trang 50 – 71).

          Năm 1788, sau những trận truy đuổi của Tây Sơn, quân hộ giá vua Lê tản mát, thất lạc nhau, Vũ Trinh (anh rể của Nguyễn Du) là một trong bốn người còn lại ý định ngự giá vua đi Gia Định kết nối với chúa Nguyễn, nhưng không thành. Sau này sử nhà Nguyễn (Đại Nam thực lục) có chép, khi Tây Sơn suy bại, vua Gia Long cho truy tìm thân thích của vua Lê lẩn trốn ở miền biên giới về, ban tiền bạc, ruộng đất, miễn thuế và giao nhiệm vụ trông coi thờ cúng tông miếu Lê triều (một hành động nghĩa cử cao đẹp của vị vua này!). Năm 1804, nhà vua cho đón rước thi hài vua Lê và bốn vị lãnh tướng mất ở nước Thanh về Việt Nam. Vũ Trinh vì nghĩa quân thần xưa, bèn dâng sớ xin về Bắc để đón rước linh cữu. Vua Gia Long cho là có nghĩa tình chung thủy, nên chuẩn tấu cho Vũ Trinh về Bắc Hà như mong muốn.

Nguyễn Du người Văn Xá, huyện Thanh Oai - Sách "Lê quý dật sự"

          NGUYỄN DU LÀM QUAN Ở THÁI NGUYÊN?

          Tôi đọc kỹ hết lượt “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Đại Nam liệt truyện”, Đại Nam thực lục”, “Khâm định Việt sử”, “Lê quý dật sự”. Tịnh không có một dòng nào viết rằng Nguyễn Du Tiên Điền làm quan ở Lê triều? “Đại Nam thực lục” ghi chép khá tỉ mỉ các nhân vật từ chức quan rất nhỏ. Ghi chép về Nguyễn Du khá nhiều (cụ thể, Tập 1 gồm các trang 632, 650, 754, 858, 902, 918; Tập 2 tại trang 81 và 82 chép tin Nguyễn Du mất).

          “Đại Nam thực lục” tập 3 có chép về quan ngự sử Nguyễn Du được cử làm Án sát Thái Nguyên. Nhưng đây là một vị quan quê ở Chương Đức (nay là Chương Mỹ, Hà Nội), giai đoạn lịch sử là 1833, tức là khi Nguyễn Du Tiên Điền đã qua đời được 13 năm. Có vẻ như tiến sĩ đã sơ suất, quên không xem xét giai đoạn lịch sử, cứ thấy tên Nguyễn Du thì chép vào? Nhầm năm vị Nguyễn Du thành một vị? Thực tế cho thấy các vị đã chép hành trạng cụ Nguyễn Du theo hộ giá vua Lê và làm quan tại Thái Nguyên là chép nhầm lai lịch của hai vị trên.

          Xin đặt một câu hỏi tại đây: Nếu Nguyễn Du làm quan tại Thái Nguyên 5 năm như các tiến sĩ chép, tức là từ 1784 – 1789, tại sao sử không chép dòng nào về việc hộ giá vua Lê của Nguyễn Du, trong khi Nguyễn Du (Văn Xá) và anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh được ghi tên rõ ràng?     

          Chỉ có một câu trả lời duy nhất là suốt triều Lê, Đại thi hào Nguyễn Du không làm quan ngày nào?

Nguyễn Du người Chương Đức - Quan Án sát Thái Nguyên sách "Đại Nam thực lục"

          NGUYỄN DU LÀM CON NUÔI? 

          Đây cũng là tình tiết tôi cho là các vị đã chép nhầm chuyện của Tiến sĩ Phạm Vĩ Khiêm? Vị này ứng thi cùng một khóa thi với Phạm Quý Thích, cùng nhập triều làm quan một lượt, chức vụ khi ở trong triều cũng từng là quan đông các đại học sĩ như Nguyễn Du Tiên Điền, sau đổi làm quan Đốc đồng Nghệ An. Cũng đồng có trong danh sách từ chối không làm quan triều Tây Sơn. Cho nên bạn thân với Phạm Quý Thích chính là vị này. Quan đông các đại học sĩ Phạm Vĩ Khiêm còn có tên là Phạm Nguyễn Du, trong Quốc sử có chỗ chỉ chép là Nguyễn Du. Lý do họ Phạm đổi thành họ Nguyễn là do ông được Quận công Nguyễn Hiền (có sách chép Nguyễn Hoàng) yêu quý văn chương, nhận làm con nuôi, nên đổi tên họ là Nguyễn Du. Chuyện tập ấm cũng là của vị quan Đốc đồng này.

          Tôi đồ rằng thậm chí có tiến sĩ xem ra còn chưa hiểu “tập ấm” là gì, nên cứ phang vô tư chức quyền cho Nguyễn Du vì ông được tập ấm?

          Ở triều Lê, có lệ cha truyền con nối cho cả con quan, chứ không riêng con vua, gọi là “tập ấm”. Nếu để tập ấm cho Nguyễn Du thì Xuân quận công Nguyễn Nghiễm là quan nhất phẩm triều đình, tương đương với Thủ tướng chính phủ bây giờ, hà cớ lại đi nhận tập ấm của một ông quan địa phương chức tước chỉ ở hàng ngũ phẩm? Nữa là trong chính sách “tập ấm” của Lê triều, con quan cũng phải thi đỗ đạt mới được kế nhiệm cha anh mình. Ví dụ Nguyễn Khản trước làm Trấn thủ Sơn Tây, khi được thăng chức làm quan tham tụng trong phủ chúa, Nguyễn Điều được kế nhiệm chức này của anh mình. Cậu ấm, nếu không đỗ đạt, thì cũng không được kế nhiệm chức quan, mà chỉ được hưởng bổng lộc để sinh sống (một dạng tiền tuất như ngày nay).

Nguyễn Du người Chân Lộc, Nghệ An - Sách "Lê quý dật sự"

          NỘI DUNG NÀY TIẾN SĨ NÓI CĂN CỨ GIA PHẢ?

          Xin hỏi tiến sĩ căn cứ gia phả nào thế? Tôi xin gửi kèm theo bài viết này trang chụp từ sách “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” của học giả Trần Văn Giáp. Tập 2, trang 148, nói về Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền như sau :

          “...Trên mặt quyển gia phả này (V.H.V.369) không đề rõ tên người biên soạn, hay tên người sao chép, tra cứu trong sách, thấy rõ người viết bản phả là con Tốn Trai công. Tốn Trai công là con Nguyễn Nhưng, tiểu húy là Toàn, tự Vân Nham, hiệu Tốn Trai. Nguyễn Nhưng là con thứ 11 của Nguyễn Nghiễm và là em Nguyễn Du. Vậy người biên quyển phả này là cháu gọi Nguyễn Du bằng bác ruột. Đó là một cơ sở để tin điều ghi chép trong quyển phả này là chính xác.

          Thứ đến, ở cuốn sách có ba bốn dòng chưa rõ: “Tiên khảo Tốn Trai công” (cha tôi là Tốn Trai công), sinh ngày 24 tháng chín, năm Cảnh Hưng thứ 24 (30/10/1763), mất ngày 28 tháng 6, năm Minh Mạng Giáp Thân (23/7/1824) và cải thố ngày mồng 2 tháng tám năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (12.9.1852). Vậy có thể khẳng định quyển phả này do một người cháu gọi Nguyễn Du là bác ruột, biên  chép vào khoảng trước sau ngày 15 tháng 9 năm 1852...

          ... Trong sách, ngoài tập niên phả của Nguyễn Nghiễm tuy chưa đầy đủ, nhưng có một số điểm mới lạ, còn các chuyện khác, tác giả ghi chép rất sơ lược, gọn gàng nhưng chính xác. Riêng về tiểu truyện Nguyễn Du chỉ vẻn vẹn có năm sáu dòng (tờ thứ 20), nhưng ghi rõ năm, tháng, ngày sinh của Nguyễn Du: Ất Dậu niên sinh, thập nhất nguyệt, nhị thập tam nhật (23/11/1765 âm lịch)...”.

          Quyển phả mà ông Trần Văn Giáp giới thiệu này xem ra viết sau khi Nguyễn Du mất không lâu, tất yếu có độ chính xác cao và điều căn bản là nó khớp với ghi chép của Quốc sử. Thiết nghĩ, Nguyễn Du bây giờ là Đại thi hào của Dân tộc; là Danh nhân văn hóa thế giới. Thiên hạ kính trọng Nguyễn Du vì thi tứ, chứ không vì Nguyễn Du là nhà chính trị? Kính yêu cụ là phải tôn trọng lịch sử cuộc đời cụ. Không nên vì một chút đánh bóng tên tuổi tiến sĩ mà viết xằng bậy vào lai lịch cụ như thế?!

 

Nguyễn Du người Vĩnh Lại, Hải Dương - sách "Đại Nam liệt truyện"

Kỳ 2: HÀNH TRẠNG NGUYỄN DU QUA CHÍNH SỬ VÀ NHỮNG DÒNG THƠ CHỮ HÁN

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 MUÔN THÚ CHƠI THƠ KIỀU CỦA DÂN VIỆT NAM (23h: 09-03-2013)
 TẬP KIỀU GỬI HAI VỊ “HẬU SINH KHẢ UÝ” ĐỖ MINH XUÂN VÀ VŨ KHIÊU (19h: 12-04-2014)