Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
“HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 1
 
(19h: 12-12-2020)
 “HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 1Bài viết của Phan Lan Hoa
Ảnh minh họa sưu tầm Internet
***
Kỳ 1: NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU QUA GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN DU VÀ VUA TỰ ĐỨC

 

 

 “HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU

                                                                                Bài viết của Phan Lan Hoa

Kỳ 1:  NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU QUA GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN DU VÀ VUA TỰ ĐỨC

٭٭٭

Cùng lý do với đề tài “Phản biện các nghiên cứu hiện nay về lịch sử cuộc đời Nguyễn Du”. Sự việc xảy ra bắt đầu từ lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du. Một nhóm tiến sĩ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã lấy một cuốn tiểu thuyết có tên là “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân” bằng chữ Hán, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội dịch sang tiếng Việt và tuyên bố đó là cuốn tiểu thuyết gốc mà Nguyễn Du đã sử dụng để phổ thơ. Việc này đã nhận phải phản ứng dữ dội từ nhóm Kiều học số 4 – Hội Kiều học Việt Nam ngay sau lễ kỷ niệm. Tranh luận xảy ra gay gắt trên nhiều diễn đàn mạng xã hội và cả trên các tờ báo chính thống của Việt Nam, khiến tôi phải quan tâm. Trải qua nghiên cứu, tôi thấy rõ một mưu đồ nói láo, nhằm vào việc hủy hoại danh dự một Danh nhân văn hóa thế giới người Việt Nam, đó là Nguyễn Du.

Vì sao tôi lại cho rằng sự nói láo có chủ đích?

- Bởi vì rằng ông Đổng Văn Thành, một giáo sư của Đại học Bắc Kinh đã cho rằng cuốn tiểu thuyết bằng chữ Hán của Trung Quốc là một tuyệt phẩm, Nguyễn Du không có khả năng sáng tạo nào, chỉ là người phổ thơ?

Đây là một nhận xét lạ kỳ? Nếu không kết luận là có chủ đích bôi nhọ, thì hóa ra danh vị giáo sư tiến sĩ chỉ là giấy thôi sao? Vì đó thực chất là một cuốn tiểu thuyết thị trường, văn chương thuộc loại xoàng xĩnh, tác giả tạc ra nó thể hiện không hiểu biết gì về Trung Hoa, vậy mà đang tâm gán cho một nhân tài lịch sử của Trung Quốc? Rất tiếc, sự nói láo này lại được lót tay từ các vị lãnh đạo của Hội Kiều học Việt Nam, để công bố trước một đại lễ long trọng tôn vinh danh tài Việt Nam. Đó là một sự sỉ nhục đối với niềm tự hào Dân tộc, cho nên tôi nghĩ khó có thể nhân nhượng, phải dùng hai chữ “nói láo” mới mô tả đúng sự việc.

Tôi sẽ bắt đầu từ những nhân vật quan trọng, có liên quan tới Truyện Kiều thơ Nôm, để lột mặt sự thật này:

THƠ KIỀU CỦA CỤ NGUYỄN DU NÓI GÌ VỀ LỊCH SỬ CÂU CHUYỆN?

...

Cảo thơm lần dở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng

Có nhà viên ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

Một trai con thứ rốt lòng

Vương Quan là chữ nối dòng nho gia

Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

(Câu 7 – 16)

Nếu không phải là do chủ đích, thế chẳng lẽ thi cử đạt tới bằng tiến sĩ rồi mà không hiểu chữ “truyện” và chữ “lục” khác nhau hay sao? “Lục” là ghi chép, ví dụ “Đại Nam thực lục”, “Công thần lục”, “Phủ biên tạp lục”, vv...

Vậy thì có chăng “Vương Thúy Kiều”, cần phải hiểu đó là cuốn ghi chép về nhân vật lịch sử. Và hơn ai hết, cụ Nguyễn Du đã nói rõ ràng: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, có nhà viên ngoại họ Vương....”. Với một cuốn truyện sẽ không có chuyện đặt thời điểm lịch sử cụ thể lên đầu trang sách? Huống hồ chi Nguyễn Du đã xác nhận “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”, thì sao lại còn cãi nhau là tiểu thuyết cho được? Tiểu thuyết thị trường mà tiến sĩ hiểu nhầm ra thành liệt truyện của lịch sử, thì quả là chuyện lạ?

Vậy là tôi đã có ngay chứng lý để phủ quyết cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân”  không phải là cuốn gốc để Đại thi hào Nguyễn Du phổ thơ Nôm. Thế mà tôi còn cả một chuỗi chứng lý khác để phủ quyết nữa đấy.

Bây giờ tôi xin bàn qua cái cụm từ “phong tình cổ lục” xem nó là gì đã rồi sẽ tiếp nối việc luận và đoạn này đặc biệt gửi tới ngài Giáo sư người Trung Quốc Đổng Văn Thành, ông đang tự làm nhục thanh danh giáo sư của chính mình, thưa ông.

Khi tôi còn nhỏ, ngoại tôi vốn là con gái một cụ đầu huyện (cụ thi đỗ đầu huyện nên nhân dân trong vùng thường gọi là cụ đầu huyện), lại là vợ một thầy đồ nho, nên ngoại tôi thuộc diện thông Nôm. Cứ khoảng chín mười giờ đêm, ngoại thường ngồi ở bậu cửa nhai trầu và ngâm Nôm. Nôm ở đây không phải chỉ có Truyện Kiều mà rất nhiều truyện khác nữa. Dân Ta bấy giờ gọi chung đó là “Phong tình lục”, tức chuyện tình của các nhân vật lịch sử. Phong tình lục mà ngoại tôi diễn ngâm là loại truyện bằng thơ Nôm, gồm có Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trìu, Xuân Hương (không phải Hồ Xuân Hương), vv... và tất nhiên Truyện Kiều thơ Nôm được ngoại ngâm nga nhiều nhất, chứng tỏ nó hay nhất.

Xướng vài cái tên lên, các vị sẽ thấy, sử Ta cũng diễn, sử Tàu cũng Nôm, mà liên đới giữa sử Ta với sử Tàu cũng thơ Quốc âm mà diễn (1). Ví dụ như Tống Trân - Cúc Hoa là câu chuyện kể về một ông trạng nguyên Việt Nam, vì không chịu lấy công chúa con vua nên bị đày đi sứ. Xin nhớ là đi sứ phương Bắc khi xưa đối với quan lại Việt Nam mà nói, đường dài nhọc nhằn, xem như đi đày. Chưa kể sang bên phương Bắc lại gặp nguy hiểm nhiều điều, không mất mạng thì cũng dễ bị làm nhục, chứ không phải là mong được đi như các tiến sĩ ghi chép cho cụ Nguyễn Du đâu. Bằng cớ là cụ đã không chịu uống thuốc để đón nhận cái chết, vì đâu? Nếu cụ háo hức đi phương Bắc, thì phải ráng uống thuốc cho lành, chứ sao một ông quan to của triều đình lại để chết vì thiếu thuốc chữa bệnh?

Quay lại chuyện Tống Trân, trạng nước Việt đi sứ bị vua Tàu thâm hiểm, thử tài bằng cách đào hố, chôn chông giữa đường, trải chiếu hoa lên, rồi tổ chức đón rước long trọng. Đoàn sứ của nước Ta nhiều người rớt xuống hầm chông mà chết. Riêng Tống Trân nghi ngờ trong bụng, tại sao bỗng dưng nước lớn lại đón tiếp long trọng đại sứ nước nhỏ, đã lấy cớ rằng nước nhỏ xin phép đi bên hành lang, nên nhờ đó mà thoát chết. Từ trong mọi ngóc ngách lịch sử cho thấy, người Tàu luôn có dã tâm triệt tiêu nhân tài Việt Nam.

Dù lúc ấy tôi mới mười tuổi, nhưng còn nhớ nhiều đoạn của các câu chuyện trên, vì ngoại tôi ngày nào cũng ngâm thành ra tôi làu đến khó quên. Các vị tiến sĩ cứ tự nhiên dở lịch sử nước ta xem Tống Trân ứng vào chuyện của vị trạng nguyên nào nhé. Tôi xin trích vài đoạn theo trí nhớ:

THƯ TỐNG TRÂN GỬI NÀNG CÚC HOA

Anh là Tống Trân

Ba mươi bảng Xuân

Tên anh đệ nhất

Nghĩ mừng gia thất

Bái tổ vinh quy

Lòng vua có nghì

Gả nàng công chúa

...

Công chúa lòng giận

Làm bảng tâu lên

Đày anh viễn biên

Hầu vua Tấn quốc

Vua người bày chước

Đào hồ giữa đường

Sâu mười trượng trường

Chiếu hoa rải khắp

Ba quân đón rước

Cờ khắp hai bên

Chánh sứ bước lên

Đều sa xuống hố

Mình anh nước nhỏ

Đi một bên đàng

Bước vào tòa vàng

Quỳ ngay công sự

...

Chuyện tình nàng Xuân Hương

Xuân Hương tuổi mới lên ba

Tay cầm gậy trúc dắt cha ăn mày

Mẹ thời sớm thác cõi tây

Cha thời mù quáng ăn mày nuôi cha

...

Diễn Nôm ở nước Ta, khởi xướng từ cụ Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên người xứ Hải Dương), mà tôi đã có dịp nhắc tại bài viết về “Phép chơi thơ Quốc âm”. Có vẻ như ngoài việc mê thơ, còn là cách truyền nhân chuyển tải chữ Nôm phổ cập tới toàn dân. Đâu chỉ thể loại phong tình lục mới diễn Nôm, mà cụ Hải Thượng Lãn Ông còn diễn các món ăn bài thuốc bằng Nôm để đời. Thậm chí cụ Hoa Đường Phạm Quý Thích và cụ Đặng Thái Phương còn diễn cả “Chu dịch quốc âm ca quyết” và “Chu dịch quốc âm ca”(2). Còn cụ Tả Ao thì “Tả ao chân truyền di thư (ca)”; cụ Trần Quốc Kiệt lại “Hình thế địa mạch ca”. Nguyễn Du cũng vậy, ngoài Truyện Kiều bằng Lục bát ca, cụ còn diễn cả Di-đà Kinh bằng thể Thất ngôn Lục bát ca trong bài “Văn tế thập loại chúng sinh”...

Nói thế để ông Đổng Văn Thành biết, ông làm giáo sư gì mà thậm chí không thuộc cả lịch sử cai trị của đất nước ông? Ở nước Việt Nam chúng tôi, kể cả lịch sử cũng được phổ cập bằng thơ. Đó cũng tại vì nhà Minh bên nước Tàu nhiều lần chủ trương đốt sách sử Đại Việt, phá hoại chùa chiền đình miếu Đại Việt. Dã tâm của nhà Minh là hủy diệt văn hiến Đại Việt. Nên các tiền nhân nước chúng tôi giữ gìn Văn hiến Đại Việt bằng Quốc âm ca truyền khẩu. Vũ khí bất diệt trước dã tâm phương Bắc là Thơ Nôm. Cho nên việc Nguyễn Du diễn Nôm một chuyện lịch sử Trung Quốc cũng chỉ là chuyện phổ cập một thời phát triển rự rỡ, huy hoàng của dòng thơ Quốc Âm Việt Nam. Khác chăng, thi tứ trong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du quá cao vời, khiến cho toàn dân Việt Nam, mọi tầng lớp từ nông dân đến trí thức và cả vua quan, đều say mê thơ Nôm Truyện Kiều của cụ. Sức thu hút công chúng này thuộc về thơ ca, về tài năng thi tứ của Nguyễn Du, tuyệt nhiên tiểu thuyết chữ Hán không hề có được giá trị đó. Vua Tự Đức của Việt Nam nói rõ rất ràng người Việt Nam mê gì:

Mê gì như mê tổ tôm,
Mê ngựa Thượng Tứ, mê
Nôm Thúy Kiều

Mong ông Đổng Văn Thành hẵng nhớ cho, Nguyễn Du là Đại thi hào, chứ không phải đại tiểu thuyết gia. Còn lý do diễn Nôm tôi đã nói ở trên. Dù chua chát, ông cũng nên thừa nhận, cái gọi là “quan hệ láng giềng” giữa Việt Nam – Trung Quốc là mối quan hệ bắt nạt, “cá lớn nuốt cá bé”. Nó diễn ra triền miên ngàn năm lịch sử. Thiết tưởng ông là giáo sư một trường đại học thì tư tưởng phải lớn lao hơn, nhân hậu hơn, mở rộng hơn? Té ra lại nhỏ mọn dùng lời lẽ chê bai hạ thấp một tượng đài bằng đá ngọc của Việt Nam, thời tự ông hạ thấp chính mình, thưa ông. Mời ông hẵng đi vào làn điệu Ví Giặm để thấy đầu thế kỷ 19, ở quê hương Nguyễn Du, một trong những tiêu chí đánh giá trình độ của đồ Nho là phải thuộc Truyện Kiều thơ Nôm (chứ không phải là thuộc tiểu thuyết Kim Vân Kiều bằng chữ Hán). Đồng thời để thấy con người Nguyễn Du còn có hai giá trị nhân văn khác cũng sánh tầm Đại thi hào, đó là Nguyễn Du nghệ sĩ và Nguyễn Du đạo sĩ.

Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

Đố anh tìm được một dòng bốn cho?

*

Truyện Kiều anh thuộc đã làu

Cô Kiều bị bắt năm nào thế anh?

          BÀI TỔNG TỪ CỦA VUA TỰ ĐỨC THỂ HIỆN ĐIỀU GÌ?

          Tôi xin trích một đoạn mở đầu trong bài “Dực tông anh Hoàng đế ngự chế tổng từ” của vua Tự Đức, cũng chính là tác giả của hai câu Lục bát mà người đời nay tưởng nhầm ca dao đã nhắc tới ở trên:


          Hương phố yên ba tam nguyệt thiên,
          Phần lô nhàn độc Thanh Tâm biên.
          Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước,
          Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền.
          Cận lại danh sơn phong vũ thực;
          Hoa Đường bình bản vô lưu truyền.
          Thích kim đài các thừa nhàn hạ,
          Bất nhẫn giai thoại không hàn yên.
          Ngẫu ư cố lộc đắc toàn giản,
          Truyền thần tả chiếu tương trùng thuyên

          Trích ba li thảo phân đề vịnh

          Nhị thập hồi trung mặc thái nghiên


          Dịch nghĩa:

          Phố bên sông Hương trời tháng ba sương khói.

          Đốt trầm nhàn đọc truyện Thanh Tâm.

          Biên soạn của người phương Bắc là Thánh Thán trước

          Dịch Quốc âm ca là Nguyễn Tiên Điền.

          Gần đây núi cao bị gió mưa bào mòn

          Bản Hoa Đường bình luận đã bị thất truyền

          Nay nhân nơi đài các nhà hạ

          Không nỡ để chuyện hay khói lạnh sương tàn

          Tình cờ tìm được bản sách cũ còn nguyên vẹn

          Chiếu theo nội dung mà vẽ hình và định in lại

          Chia ra từng phần mà đề vịnh

          Hai mươi hồi trong nét mực tươi.

          ...

LỜI BÀN

Nếu Truyện Kiều bắt đầu những dòng khẳng định của tác giả về xuất xứ câu chuyện là từ ghi chép của lịch sử, thì mười hai câu đầu của bài Tổng từ của vua Tự Đức lại chứa thông tin mang tính quyết định giả - thật của cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân” bằng chữ Hán mà tiến sĩ đang khẳng định rằng đó là cuốn mà Nguyễn Du đã sử dụng để phổ thơ.

Bàn ngược từ câu 11 và 12, dưới đây ai đọc cũng dễ dàng hiểu rằng người phân chia Truyện Kiều thành hai mươi hồi là vua Tự Đức.

“Tình cờ tìm được bản sách cũ còn nguyên vẹn

Chiếu theo nội dung mà vẽ hình và định in lại

Chia ra từng phần mà đề vịnh

Hai mươi hồi trong nét mực tươi.”

Vua nói rõ ràng thế còn dám bịa đặt được ư? Còn dám đưa luận điểm rằng “cuốn vua Tự Đức cầm là tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Trung Quốc được ư? Thú chơi ở Ta, nếu muốn vịnh thì phải là thơ mới vịnh được, không ai đem tiểu thuyết ra vịnh bao giờ? Cho nên trên tay vua Tự Đức là cuốn Truyện Kiều thơ Nôm, phải khẳng định thế.

          Quay trở lại những câu đầu

Phố bên sông Hương tháng ba sương khói.

Đốt trầm nhàn đọc chuyện Thanh Tâm.

Biên soạn của người phương Bắc trước Thánh Thán làm

Nguyễn Du Tiên Điền diễn Quốc âm tiếng Việt

Gần đây núi cao bị gió mưa bào mòn

Bản Hoa Đường bình luận đã bị thất truyền

          Những câu thơ này của vua Tự Đức tạo nên mâu thuẫn trái ngược với nhóm tiến sĩ có luận điểm Nguyễn Du phổ thơ từ cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân” chữ Hán. Bởi vì nhóm này cho rằng cuốn sách này là của Thanh Tâm Tài Nhân và Thánh Thán ngoại thư là người bình luận, Quán Hoa Đường là bút hiệu của Kim Thánh Thán?

          Tôi thấy rằng có sự nhầm lẫn từ cách đọc hiểu của các tiến sĩ? Các vị hiểu  “nhàn đọc truyện Thanh Tâm là đọc truyện của tác giả có bút danh là Thanh Tâm Tài Nhân? Bây giờ nếu tôi thay bằng “nhàn đọc Truyện Kiều” thì sao? Chả nhẽ tiến sĩ sẽ hiểu thành Truyện Kiều là tác giả? Chỉ cần một giả thuyết nhỏ, tự nhiên sẽ hiểu ra Thanh Tâm là tên cuốn truyện, hoặc tên nhân vật trong cuốn truyện nhà vua đang cầm trên tay, chứ không phải tác giả là Thanh Tâm? Bởi vì theo vua Tự Đức:

Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước,
Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền.

(Biên soạn của người phương Bắc là Thánh Thán trước

Diễn ra thơ Quốc âm nước Ta là Nguyễn Tiên Điền 

          Xem cho kỹ câu chữ nhé, “thị biên” chứ không phải bình luận. Vua Tự Đức khẳng định tác giả biên soạn là Thánh Thán, chứ không phải Thanh Tâm?

          Lại nữa, Thánh Thán biên soạn, Hoa Đường bình luận. Vậy thì rõ ràng Hoa Đường và Thánh Thán phải là hai người khác nhau? Chứ chẳng lẽ ông Thánh Thán viết xong, lại tự mình bình luận luôn tác phẩm của mình? Theo lẽ thì chả bao giờ như thế cả, mà người bình luận phải là người khác ngoài tác giả mới có thể công tâm được?

          Truy cứu trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, thì tôi không thấy có ghi chép nào rằng Quán Hoa Đường là hiệu của Thánh Thán như các vị nói? Vậy thì Hoa Đường ở đây rõ ràng là nhà vua nhắc tới Phạm Quý Thích, bởi trong Quốc sử Việt Nam, có chỗ chép rõ ràng nguyên câu từ “Hoa Đường Phạm Quý Thích”. Cho nên phải hiểu lời của vua Tự Đức rằng từng có một cuốn Truyện Kiều, mà trong cuốn đó có bút tích bình luận của Hoa Đường Phạm Quý Thích. Cuốn sách này đã bị mất do mưa bão tại Huế.

          Vậy là lần thứ hai tôi có thể phủ quyết một cách chắc chắn rằng, cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân” bằng chữ Hán không phải là cuốn gốc mà Nguyễn Du dựa vào để phổ thơ! Truy cứu trong lịch sử tác giả, tác phẩm Trung Hoa, Thánh Thán lại chưa hề viết tiểu thuyết bao giờ, chỉ có bình luận và ghi chép. Vậy thì kết luận được đưa ra:

          - Thanh Tâm, hoặc là tên truyện, hoặc là tên nhân vật trong truyện, cũng có thể là cả hai, sẽ luận bàn tiếp bên dưới.

          - Hai mươi hồi của cuốn Truyện Kiều thơ Nôm là do tự tay vua Tự Đức phân chia. Vua đã chép trong bài “Tổng vịnh” rõ ràng như thế rồi, miễn cãi! Vua nói rõ nguyên do, tự phân ra hai mươi hồi là để đề vịnh. Ở Việt Nam xưa nay chỉ vịnh thơ, chứ chưa ai lấy tiểu thuyết để vịnh bao giờ, nên cần khẳng định, cuốn trên tay nhà vua là cuốn Truyện Kiều thơ Nôm.

          Sự thật được hé lộ khi nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo sao chụp cuốn Truyện Kiều hoàng gia chép tay từ thư viện Anh quốc về. Cuốn sách có tên là “Kim Vân Kiều tân truyện”, không biết từ bao giờ, chỉ biết rằng sách có mặt trong Thư viện Quốc gia Anh từ 1894, bìa vải in hình rồng, bên trong có vẽ hình minh họa và đủ hai mươi hồi như nhà vua đã nói. Như vậy phải đặt dấu hỏi cho cuốn tiểu thuyết của nước Tàu tại sao lại có thể y hệt nội dung của nhà vua nước Việt cả hai mươi hồi? Trong khi vua nước Việt nói rằng nhà vua chia hồi là chia cuốn mà Nguyễn Du diễn Nôm, gốc gác của nó là một ghi chép của Thánh Thán.

     Tiến sĩ hai nước Việt Nam – Trung Quốc thời nay kể cũng lạ, truyện về nhân vật lịch sử có tên tuổi, địa danh xảy ra sự việc lại không giá trị hơn truyện hư cấu của tiểu thuyết ư? Sao lại lăm lăm bẻ cong từ “lục” sang “truyện”, chẳng phải là có chủ đích gì ư?

          THANH TÂM LÀ AI?

          Nhóm cổ súy cho tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân” chữ Hán cho rằng tác giả cuốn sách này là Thanh Tâm Tài Nhân, tên thật là Từ Văn Trường, tên khác là Từ Vị. Tôi cũng nghĩ Từ Văn Trường có lẽ đúng là Thanh Tâm. Nhưng đồng thời cũng phủ quyết Thanh Tâm là tác giả tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” chữ Hán. Tạp chí “Bách khoa thời đại” số 209 có đăng bài nghiên cứu của hai nhà Kiều học Lý Văn Hùng và Bùi Hữu Sủng (hai nhân sĩ Việt Nam nửa đầu thế kỷ hai mươi) nói về câu chuyện lịch sử được chép trong sách “Tiêu hạ nhàn ký”, thì Thanh Tâm chính là một trong những nhân vật chính sử của tích truyện Thúy Kiều. Có thể tóm tắt như sau:

          “Từ Văn Trường, các tên khác là Từ Vị, Thiên Trì, Thanh Đằng. Là một nho sinh có tài, nhưng đi thi mấy lần đều trượt. Quan tổng đốc Hồ Tôn Hiến nghe danh bèn mời làm mạc khách. Nhờ việc soạn tờ biểu dâng hươu trắng lên vua Minh mà được nổi tiếng. Ngoài tài văn chương, ông còn có tài binh lược, giúp Hồ Tôn Hiến nhiều việc. Mưu kế phỉnh dụ Thúy Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng, chính là một tay Từ Vị tham mưu cho Hồ Tôn Hiến. Nghĩa là Từ Vị gián tiếp giết chết Từ Hải. Tuy nhiên trong tích Từ Vị - Thúy Kiều có khác hơn so với Truyện Kiều diễn Nôm của Nguyễn Du (sẽ còn bàn tiếp ở kỳ sau). Đó là sau khi Từ Hải chết, Thúy Kiều tiếp tục làm thiếp của Hồ Tôn Hiến. Một lần, Hồ Tôn Hiến đi đánh giặc cướp, gửi  Thúy Kiều lại trong một ngôi chùa. Văn Trường có tình ý, giả vờ ăn mặc kiểu nhà sư lẻn vào chòng ghẹo. Hồ Tôn Hiến biết việc, cho tập hợp tất cả sư trong chùa yêu cầu Thúy Kiều chỉ mặt. May cho Văn Trường, vì Thúy Kiều đã chỉ vào một nhà sư khác cũng từng chòng ghẹo nàng. Văn Trường thoát chết, về nhà trong chếnh choáng, tâm thần bất định làm cho huyễn giác thấy vợ mình ngủ với nhà sư trên giường, bèn vung gươm giết chết. Đến khi tỉnh trí mới biết đã giết nhầm vợ mình. Từ bị bắt giam và kết án tử hình. Nhưng sau đó có người cứu mà thoát chết lần thứ hai. Nhưng cũng từ đó Từ Văn Trường thành ra kẻ nửa điên nửa tỉnh, nhiều lúc tự lấy búa gõ vào đầu mình đến chảy máu. 

          Tác phẩm để đời của Từ Văn Trường là bộ kịch “Tứ Thanh Viên” gồm bốn vở kịch được người đương thời rất tán thưởng, gồm: “Ngư dương lộng”, “Thúy hương mộng”, “Hoa mộc lan” và “Từ hoàng đắc phượng”. Trong cuốn “Trung Quốc, văn học sử họa”, hai ông Hoàng Càn và Thẩm Anh Danh cho rằng thanh điệu của “Tứ Thanh Viên” hay nhất trong 300 năm nhà Minh”

          Sách “Tiêu hạ nhàn ký” là sách ghi chép về câu chuyện xảy ra trong doanh trại của Hồ Tôn Hiến, mà nhân vật chính của truyện chính là Hồ Tôn Hiến, Từ Vị và Vương Thúy Kiều. Theo hai nhà Kiều học Lý Văn Hùng và Bùi Hữu luận rằng “... Văn Trường đã đổi Thanh Đằng ra Thanh Tâm hẳn có dụng ý. Hai chữ ấy hợp lại và đặt tâm trước Đằng hóa ra tình và Thanh Tâm tài nhân nghĩa là đa tình tài tử...”. Chỉ là lý luận thôi, nhưng có lý lẽ thì nên nghe, vì tôi thấy nó cũng logic với nội dung mà vua Tự Đức thể hiện tại bài “Tổng từ”.

          Hai cụ Lý Văn Hùng và Bùi Hữu Sủng tuy đã truy lùng tận nơi ý nghĩa bốn chữ “Thanh Tâm tài nhân”, hai cụ cũng thừa nhận tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” (chữ Hán) không có trong trong bộ tác phẩm của Từ Vị. Nhưng rồi lại sai lầm ở chỗ đưa ý kiến nghi ngờ rằng có thiếu sót trong việc sưu tập. Bởi vì hai cụ cũng nghĩ, Nguyễn Du dựa vào một cuốn tiểu thuyết văn học có tên là “Kim Vân Kiều truyện” của nước Tàu để phổ thơ. Sự thật thì không thể xác định được Thanh Tâm có sáng tác tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” hay không? Nhưng nếu đặt câu hỏi rằng tại sao một nhà văn nổi tiếng lại đẻ ra một tác phẩm hạng xoàng như tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” chữ Hán kia, thì rõ ràng là rất mâu thuẫn. Mà dù cho có đúng đó là sự thật, thì cụ Đại thi hào cũng đã trực tiếp phủ quyết rằng cụ không dựa vào tiểu thuyết. Còn vua Tự Đức lại dán tiếp phủ quyết lần thứ hai rằng phải là cuốn “thị biên” của Thánh Thán cơ mới đúng.

          Cũng xin nói thêm rằng, Từ Hải trong lịch sử Trung Quốc được xem là giặc. Liên quan đến sự kiện Uông Trực cấu kết với Oa Khấu nổi dậy chống Triều Đình vào thời vua Gia Tĩnh (Minh Thế Tông, 1521 - 1567). Từ Hải, Ma Diệp, Trần Đông đều là tướng dưới trướng của Uông Trực. Năm 1556, sau khi Hồ Tôn Hiến lập mưu giết được Từ Hải, thì Uông Trực bị mất tướng tài trở nên thất thế, bị quân triều đình bắt vào năm 1558. Oa Khấu nghĩa là giặc lùn, từ người Trung Quốc chỉ đội quân tàu biển người Nhật Bản. Vì liên quan đến người Nhật, cho nên Từ Hải - Vương Thúy Kiều đi vào lịch sử nước Nhật, có sách sử ghi chép là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, nếu vật lưu trữ là cuốn tiểu thuyết "Kim Vân Kiều truyện - Thanh Tâm Tài Nhân" bằng chữ Hán, thì tôi cho rằng người Nhật cũng đã bị lừa như người Việt Nam?

          NHƯ VẬY, TẠI KỲ NÀY KẾT LUẬN ĐƯỢC HAI VIỆC:

          - Thanh Tâm có thể là bút hiệu khác của Từ Văn Trường, nhưng không phải là tác giả tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc, mà là nhân vật chính truyện của một câu chuyện lịch sử được ghi chép bởi Thánh Thán.

          - Vậy thì suy ra tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân”của Trung Quốc có nội dung giống với hai mươi hồi thơ Nôm của cụ Nguyễn Du là một cuốn sách có lai lịch rất đáng ngờ?

          Tôi sẽ lấy chính nội dung của cuốn tiểu thuyết này chứng minh trong kỳ sau.

***

(1) Quốc âm: Thơ Nôm còn được gọi là thơ Quốc âm

(2) Phan Huy Chú chú giải: Trước Phạm Quý Thích có soạn “Chu dịch quốc âm ca quyết”, nhưng sau bị mất. Nhưng Phan Huy Chú cũng chua thêm rằng có người nói là của họ Phùng và ông nghi ngờ là của Phùng Khắc Khoan. Về sau có Đặng Thái Phong quê ở Nghi Xuân (cùng quê Nguyễn Du), thi Đình đỗ Hoành từ, nhưng không chịu ra làm quan, về nhà ngồi suốt mười tám năm để viết cuốn “Chu dịch Quốc âm ca”.

***

Tài liệu tham khảo và sử dụng:

- Tạp chí Báck khoa thời đại số 209

- So sánh dị bản Truyện Kiều – Lê Quế

- Bài Tổng từ của vua Tự Đức

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 4 (18h: 10-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 3 (12h: 08-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 2 (17h: 07-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 1 (17h: 07-12-2020)
 MUÔN THÚ CHƠI THƠ KIỀU CỦA DÂN VIỆT NAM (23h: 09-03-2013)
 TẬP KIỀU GỬI HAI VỊ “HẬU SINH KHẢ UÝ” ĐỖ MINH XUÂN VÀ VŨ KHIÊU (19h: 12-04-2014)