Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
 Phlanhoa viết
 Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
 Văn hay sưu tầm
 Thú chơi tập Kiều
 Sưu tầm để ngẫm
 Tìm hiểu về thể loại câu đối
 Láo nháo
 Thư pháp
 Tâm hồn người Việt
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
‘HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 2
 
(13h: 15-12-2020)
‘HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 2Bài viết của Phan Lan Hoa
Hình ảnh y phục nam giới đời nhà Minh sưu tầm Internet
***
Kỳ 2: NỘI DUNG KỲ LẠ CỦA TIỂU THUYẾT “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN – THANH TÂM TÀI NHÂN”

 

 

  

‘HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU

                                                                    Phan Lan Hoa

Kỳ 2: NỘI DUNG KỲ LẠ CỦA TIỂU THUYẾT “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN – THANH TÂM TÀI NHÂN”

                                                                    

٭٭٭

          Công nhận giáo sư tiến sĩ hai nước Việt – Trung của thế kỷ 21 có màn tung hứng hay ghê, hạ nhục cùng lúc hai danh tài văn chương hai nước là Từ Văn Trường và Nguyễn Du ngay trong ngày Hội thảo kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào! Một cuốn tiểu thuyết thị trường, nhiều chỗ ngôn từ khiêu dâm, nội dung mâu thuẫn về địa danh và lẫn lộn văn hóa hai nước Việt – Trung, mà cũng đang tâm gán tên một nhà biên kịch số một của Trung Quốc ở thời đại Minh triều vào được. Gán ghép xong, tiến sĩ hai nước kết luận Nguyễn Du khi đi sứ Trung Quốc, đã mê mẩn cuốn sách này nên quyết định dịch ra thơ chữ Nôm?!

Trăm năm trong cõi người ta

Làm cho khốc hại có ba bảy đường!

          Tôi nghe đồn ông Đổng Văn Thành – Giáo sư Đại học Bắc Kinh ca ngợi cuốn sách này hết lời? Ông ta cho rằng tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” tiểu thuyết Trung Quốc của Thanh Tâm Tài Nhân mới là kiệt tác, còn Nguyễn Du Việt Nam chỉ phổ thơ nguyên bản, chứ không có khả năng sáng tạo nào cả? Nghe chuyện lạ tai, nên phải kiếm cho ra sách để nhòm thử xem hư thực thế nào. Có sách rồi hăng hái đọc, được mươi trang thấy văn chương rất tầm thường, tính bỏ không đọc nữa, thì chợt gặp phải đoạn tả cảnh Thúy Kiều ngắm cảnh ở lầu Ngưng Bích sao mà ngộ nghĩnh. Bất đắc dĩ phải cố gắng đọc cho hết cuốn truyện, để có chứng cớ mà học chuyện với tiến sĩ vỗ ngực là “nhà Kiều học” của nước nhà.

          1. TÁC GIẢ THANH TÂM TÀI NHÂN CỦA TRUNG QUỐC RĂNG MÀ NỎ THUỘC ĐỊA DANH TRUNG QUỐC ?

          Ông nhà văn này tả cảnh Thúy Kiều đến Lâm Tri, ngồi ở lầu Ngưng Bích như sau:

           ”...Ngồi lầu này, từ phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên Kinh kì, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn...”; rồi lại khẳng định: “... Lâm Tri thuộc tỉnh Quảng Đông...”

          Quảng Đông này có lẽ ở “bên hông Chợ Lớn”?

          Tôi đồ rằng nếu ông Thanh Tâm Tài Nhân mà ngồi tại Tiên Điền để tả cảnh này, thì ít nhất cũng trúng được ba hướng, phía tây là Kỳ Sơn (Nghệ An), phía bắc là Kinh kỳ, phía đông là biển xanh. Còn như ông nhà văn tả cảnh Lâm Tri ở bên Trung Quốc thì Lâm Tri chả phải thuộc tỉnh Quảng Đông, mà ở Tây Tạng. Nghe “Lâm” thôi là biết rừng rồi. Từ Lâm Tri đi hết chiều ngang Trung Quốc mới tới biển xanh, vậy mà cô Kiều có thể phóng tầm mắt vạn dăm để ngắm biển xanh thì đúng là nữ thần tài ba cỡ “đời xưa mấy mặt” chứ chả chơi. Lại còn Kỳ Sơn nữa, mãi tận Thiểm Tây là một vùng núi khác, cách xa Lâm Tri đến độ nhờ bác Google đo hộ độ dài mà bác ấy bảo chịu không tính nổi, vậy mà cổ cũng có thể nhìn ngắm từ lầu Ngưng Bích, con mắt quả là tầm cỡ Google vệ tinh phải ngã mũ rồi nhé!

          2. ÔNG THANH TÂM TÀI NHÂN LÀM THỦ TỤC CẤP VISA CHO KIM TRỌNG VÀ VƯƠNG QUAN TỪ TRUNG QUỐC SANG VIỆT NAM THI HƯƠNG, MÀ THI HƯƠNG ĐẬU TIẾN SĨ CƠ Ạ?

          Ông nhà văn tả:

          “... Cũng năm ấy, Kim Trọng và Vương Quan đều trúng Hương bảng... qua ba khoa, Kim Trọng đỗ tiến sĩ...”

          Theo sử sách Trung Quốc ghi chép, thì xem ra từ đời Minh, khoa cử đã rất rõ ràng, thể lệ rất chặt chẽ. Trường học quốc tử giám mở tới tận huyện lị, thị trấn. Triều đình quy định chỉ có học sinh trong trường Quốc tử giám mới được ứng thi. Tháng sáu mùa hạ, học trò cả nước đều thi nhất lượt. Nghĩa là cuộc thi tương đương với học trò thi tốt nghiệp bây giờ, chứ không phân biệt thi Hương rồi đến thi Hội, thi Điện như Việt Nam. Nhưng mà nghĩ lại thì khóa thi Hương này cũng không phải ở Việt Nam, tại vì ở Việt Nam, Nguyễn Du qua ba khoa chỉ đậu có tam trường thôi, mần chi mà đậu tới tiến sĩ được? Tôi có hỏi bác Google xem chương trình thi Hương mà đỗ Tiến sĩ tổ chức tại đâu, bác ấy trả lời chắc là thi tại Đại học ĐĐ?

          3. ÔNG THANH TÂM TÀI NHÂN KHÔNG NHỚ NỔI THỜI ĐẠI CỦA MÌNH MẶC TRANG PHỤC GÌ, BÈN CHO NHÂN VẬT SỞ KHANH MẶC ĐẠI TRANG PHỤC NHO SINH VIỆT NAM.

          “Thúy Kiều nghe ngâm xong, ló đầu nhòm ra, thấy một gã thư sinh khăn lượt, áo hoa...”

          Xin gửi kèm theo bài viết một bức ảnh trang phục thời Minh triều của nước Trung Quốc. Quan thì áo thụng xanh may bằng vải thô, đội mũ xếp vuông, nho sinh thì búi tó trên đỉnh đầu, không mũ, tay thì thường cầm cái quạt, trên quạt có vẽ phong cảnh và đề một vài câu thơ. Còn cái thứ gọi là “khăn lượt” ý mà, nó là của nho sinh Việt Nam, chứ ngài bên nớ có đội khăn lượt hồi mô?

          4. ÔNG THANH TÂM TÀI NHÂN NÓI THÚY KIỀU LÀ Ả ĐÀO VIỆT NAM?

          “ ... Ta nghe Vương Thúy Kiều thạo hồ cầm, giỏi tân thanh...”

          Ở Việt Nam ông Phạm Đình Hổ cũng mô tả Ca trù Việt Nam trong “Vũ trung tùy bút” giống rứa:

          “...Những lối hát cổ nay ở Giáo phường còn truyền lại ít chút xoang điệu cũ, rồi đem hát chêm giọng tân thanh vào. Đời Cảnh Hưng đổ về trước, vẫn còn một số người biết hát lối hát cổ, đến cuối đời nhà Lê, thì chỉ có những ả đào già mới hát được...

          Một trong những tác giả viết ra lối hát “Tân thanh”, chính là Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, anh trai Nguyễn Du. Có câu rằng: “Án phách tân truyền lại bộ ca” (nghĩa là gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan lại bộ).

          Âm nhạc của Việt Nam từ thời Lý Thánh Tông đã bắt đầu có dấu hiệu độc lập, không còn rập khuôn theo nhạc Tàu. Khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đã mang về Thăng Long hai thành quả văn hóa của Chiêm Thành là “Vũ điệu Chiêm Thành” và dòng trí tuệ Phật giáo có tên là “Thảo Đường”.

          Đến đời Lê, tổ tiên của dòng Ca trù Việt Nam là vợ chồng Đinh Lễ. Vị này  quê ở làng Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh là người chế ra cây đàn “vô đề cầm” (đàn đáy). Vợ ông tên là Bạch Hoa, người ở châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hai vợ chồng sau khi mất, được triều đình phong hiệu thụy cho Đinh Lễ là  “Thanh Sà đại vương” và Bạch Hoa là “Mãn Đào Hoa công chúa”. “Ca trù biên khảo” là một cuốn sách tư liệu về lịch sử Ca trù khá đầy đủ, nhưng tôi vẫn có những chỗ không đồng ý về suy luận của tác giả. Đó là việc gán ghép một một số thể loại nhạc cung đình có nguồn gốc Trung Quốc vào dòng Ca trù Việt Nam ? Không cần phải sành âm nhạc chi cho lắm, người thường chỉ cần nghe qua vẫn thấy rất rõ Ca trù Việt Nam giai điệu không có chỗ nào giống với âm nhạc Trung Quốc? Hát bằng giọng cổ, giọng hạt là sự khác biệt nhất của âm nhạc Việt Nam so với kiểu hát giọng mũi của  người Tàu.

          Phải nhắc lại chuyện Nguyễn Du mô tả tiếng đàn của cô Cầm, nghệ nhân Ca Trù Việt Nam mà cụ đã nghe từ hai mươi năm trước khi đi sứ sang Tàu:

          Năm cung réo rắt theo ngón tay đàn mà đổi điệu

          Tiếng khoan như gió thổi qua rừng thông

          Tiếng trong như đôi chim hạc kêu lúc canh khuya

          Tiếng mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc

          Tiếng buồn như Trang Tích rên rỉ bằng tiếng Việt lúc ốm đau

          (Long Thành Cầm giả ca – bản dịch nghĩa Nguyễn Quảng Tuân)

          Vậy rồi khi phổ thơ Nôm Truyện Kiều, tiếng đàn của cô Cầm hóa thân vào thành tiếng đàn cô Kiều trong Truyện Kiều thơ Nôm của Nguyễn Du.

          Trong như tiếng hạc bay qua

          Đục như nước suối mới sa nửa vời

          Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

          Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

                                        (Truyện Kiều thơ Nôm)

          Xin hẵng nhớ cho rằng, tiếng đàn cô Cầm mà Nguyễn Du từng nghe là hai mươi năm trước khi đi sứ. Mà có đi sứ, thì khi ấy cô Kiều Trung Quốc cũng đã chết, há còn có cơ hội nghe được tiếng đàn Kiều? Vậy mà tiếng đàn trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lại giống Ca trù Việt Nam được mới gọi là lạ?

          “... Liền đưa mấy ngón tay thon nhỏ, khua động dây tơ, ban đầu nghe như hạc kêu, kế đến nghe như vượn hót, lúc khoan như gió thoảng, lúc gấp như mưa rào; âm điệu du dương, thanh vận ai oán, như hờn như tủi, như khóc như than...” (Trích Chương 4 – Tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện – Thanh Tâm Tài Nhân, sách chữ Hán).

          Ông Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc nghe nói văn hay chữ tốt, danh nhân tài ba lắm lắm. Nhưng qua tay giới thiệu của một số giáo sư tiến sĩ hai nước Tàu và Việt tại cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện”, thì không giống nhà văn, mà giống một tay chép truyện thị trường. Không chỉ văn chương khiêu dâm thô thiển, mà còn thể hiện rất là thiếu hiểu biết về Trung Quốc? Lại còn thể hiện là một tay thầy bói “đại tài” nhìn thấu tương lai, có thể bói ra kiếp sau sẽ có Nguyễn Du bên Đại Việt sẽ tả ngón đàn Ca trù Việt Nam như thế, nên đặt bút phỏng theo trước đi cho thiên hạ lác mắt? Chứ như ông Dư Hoài, cũng sinh vào cuối đời Minh mạt, sao lại thật thà chép Thúy Kiều chơi đàn tỳ bà và hát Ngô ca cơ chứ, lạ nhỉ?

          Sách viết về Vương Thúy Kiều có nguồn gốc Trung Quốc thực sự mà tôi được biết tới có ba cuốn kể tên dưới đây (còn cuốn của Thánh Thán có tên là Thanh Tâm, thì không được biết, chỉ nghe vua Tự Đức nói trong bài Tổng từ là nó đã thất truyền rồi):

          1 - Tiêu hạ nhàn ký (không rõ tác giả)

          2 - Vương Thúy Kiều truyện - Dư Hoài (1616 – 1696)

          3 - Ngu sơ tân chí - Trương Trào (1650 - 1707)

          Trong ba cuốn, thì “Tiêu hạ nhàn ký” là một cuốn lục, có nội dung ghi chép về câu chuyện trong doanh trại của quan Tổng đốc Minh triều Hồ Tôn Hiến. Sách này mô tả cái kết của Thúy Kiều là làm thiếp Hồ Tôn Hiến, được Hồ Tôn Hiến gửi trong một ngôi chùa khi ông này đi đánh giặc. Từ Vị (tức Thanh Tâm) chính là người bày mưu cho Hồ Tôn Hiến giết được Từ Hải. Rồi sau đó lại suýt mất mạng khi có dã tâm chòng ghẹo Thúy Kiều.

          “Ngu sơ tân chí” là bộ sách mà nội dung của nó có truyện “Vương Thúy Kiều truyện” của Dư Hoài. Cuốn này lại viết, sau khi Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến bướm lả ong lơi chán chường, thì đem thưởng cho một tên tù trưởng. Vương Thúy Kiều không cam lòng, nên khi thuyền đi ra đến giữa sông Tiền Đường, đã nhảy xuống sông tự vẫn, kết thúc cuộc đời. Như vậy, “Vương Thúy Kiều truyện” của Dư Hoài đã có hư cấu nhân vật Vương Thúy Kiều, cho nàng đẹp đẽ hơn về nhân cách. Nhưng nội dung vẫn không hoàn toàn giống với Truyện Kiều thơ Nôm của Nguyễn Du. Cụ thể, Kim Trọng, Thúy Vân là nhân vật của Nguyễn Du; tên sách “Kim Vân Kiều truyện” cũng của Nguyễn Du; để Kim – Kiều gặp gỡ ban đầu, đưa lời thề hẹn và vớt Kiều dưới sông Tiền Đường lên, cho tái hợp tình đầu, là hư cấu của Nguyễn Du!

          Còn cuốn tiểu thuyết "Kim Vân Kiều truyện" bằng chữ Hán, mà tiến sĩ kết luận tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, rồi lại gán bút danh Thanh Tâm Tài Nhân cho Từ Văn Trường, quả là oan uổng cho Từ Văn Trường lắm thay?

          Người chuyển Truyện Kiều thơ Nôm của Nguyễn Du sang tiểu thuyết, dụng tâm đưa thêm ngôn từ khiêu dâm, chẳng qua là để thu hút thị hiếu khách làng chơi, nhằm vào mục đích bán sách. Người này tầm hiểu biết kém và dường như chưa bao giờ đọc lịch sử, địa lý Trung Quốc, nên mới không nắm rõ các địa danh và văn hóa phong tục của Trung Quốc, những tưởng các mô tả trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là ở bên Trung Quốc hết cả, nên cứ vô tư sao y bản truyện.

            BÀN ĐẾN ĐÂY THỜI ĐÃ CÓ THỂ KẾT LUẬN NHƯ SAU:

          Nguyễn Du tuy mượn cốt truyện lịch sử của Tàu, nhưng khi phóng tác hình tượng nhân vật lại là người Việt Nam. Lạ là tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện - Thanh Tâm Tài Nhân” lại giống với nội dung phóng tác, thì cần phải đặt ngay câu hỏi nghi ngờ nguồn gốc?

          Nếu nội dung tiểu thuyết “ Kim Vân Kiều truyện - Thanh Tâm Tài Nhân” tả Vương Thúy Kiều đánh đàn tì bà, hát Ngô ca, thì không nói làm gì. Nhưng ở đây lại mô tả Thúy Kiều chơi đàn hồ cầm và hát tân thanh, thì gốc Tàu thế nào được? Việc cho nhân vật Vương Quan và Kim Trọng thi Hương, hay cho Sở Khanh đội khăn lượt cũng vậy, là những nhân vật mang hình hài Việt Nam, làm sao mà gốc Tàu được?

          - Như vậy, trước hết phải xác định cuốn tiểu thuyết "KVK truyện - Thanh Tâm Tài Nhân" có xuất xứ VN cái đã, vì nó mô tả nhân vật Việt Nam. Nếu vậy, thì việc đem cuốn sách này tuyên bố là bản gốc từ Trung Quốc cần được phủ quyết ngay và luôn!

          Tiếp theo, vua Tự Đức nói rằng vua tự tay chia Truyện Kiều thơ Nôm thành 20 hồi, mục đích là để tiện đề vịnh, phục vụ một thú chơi tao nhã của chính nhà vua. Chiếu theo lịch sử, Vua Tự Đức lên ngôi hoàng đế sau khi Nguyễn Du đã mất 27 năm (1847). Vậy tiểu thuyết có phân chia 20 hồi giống với nội dung của nhà vua, đương nhiên phải ra đời sau đó nữa, vì gốc xuất phát của 20 hồi là từ vua Tự Đức. Đã có thể kết luận vấn đề ngay và luôn như sau:

          - Tiểu thuyết "Kim Vân Kiều truyện - Thanh Tâm Tài Nhân" bằng chữ Hán có xuất xứ Việt Nam, ra đời sau Truyện Kiều thơ Nôm của Nguyễn Du khoảng trên dưới nửa thế kỷ. Từ đó suy ra, việc tôn vinh nó làm gốc xuất xứ của Truyện Kiều thơ Nôm là nói láo có ý đồ? Nếu không phải nói láo có ý đồ, thì chỉ còn có thể kết luận tất cả tiến sĩ tham gia vào việc kết luận này, đều là những người không thực sự tự mình nghiên cứu nghiêm túc? Thiếu nghiêm túc như vậy thì nên rút lui khỏi Hội Kiều học Việt Nam?!

Cho hay đừng lấy làm chơi

Trăm nghìn đổ một trận cười như không

          “Gậy ông lại đập lưng ông” là đây chứ đâu? Giã tâm làm nhục nhân tài Việt Nam, hóa ra lại đem nhân tài Trung Quốc ra làm trò cười. Nhắn với vị giáo sư nào đó ở Đại học Nhật Bản, nếu xem sách có nội dung như trên đây, nên bỏ ra khỏi thư viện, vì nó không phải sách chính thống của Trung Quốc, hay Việt Nam, không có giá trị lịch sử.

٭٭٭

 

          Ghi chép về câu chuyện Vương Thúy Kiều trong doanh trại của Hồ Tôn Hiến, tôi đã đưa vào nội dung kỳ 1. Nay xin sưu tầm và copy nguyên bản dịch “Vương Thúy Kiều truyện” của Dư Hoài như dưới đây để những ai quan tâm tiện bề so sánh nội dung.

 

VƯƠNG THÚY KIỀU TRUYỆN (1)

Tác giả: Dư Hoài (2)

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa

***

          Tôi đọc sách Ngô Việt Xuân Thu, xem tới đoạn Tây Thi nhấn chìm cả nước Ngô rồi đi theo Phạm Lãi quy ẩn nơi Ngũ Hồ, trộm nghĩ: Tây Thi nhận lấy sự ủy thác của nước Việt, dùng sắc đẹp để chiếm lấy ân sủng của Ngô Vương, từ đó đưa nước Ngô đi tới chỗ vong quốc, nhưng lại không tự vẫn chết theo, làm như vậy, dẫu không phụ lòng của nước Việt thì cũng là phụ ân của Ngô Vương. Nếu so với hành động của Vương Thúy Kiều đối với Từ Hải thì đủ thấy công, tư đều dốc tận, khác hẳn với Tây Thi năm xưa. Than ôi! Thúy Kiều xuất thân từ con nhà hát xướng nhưng lại có được hành động trung nghĩa đến nhường ấy, bọn tu mi nam tử không cảm thấy hổ thẹn lắm hay sao? Tôi vì cảm thương cho ý chí của nàng, bèn gom nhặt và sắp xếp lại những việc xảy ra lúc sinh tiền, viết nên thiên truyện này. Truyện rằng:

          Vương Thúy Kiều là người Lâm Tri. Từ nhỏ đã bị bán vào phường hát xướng, mạo xưng họ Mã, giả mẫu gọi là Kiều Nhi, dung mạo thì xinh đẹp bậc nhất, lại thêm thiên tính thông minh. Nàng được dẫn tới Giang Nam, dạy hát Ngô ca thì hát Ngô ca thông thạo, dạy gảy tỳ bà Hồ thì tinh thông gảy tỳ bà Hồ. Khi thổi tiêu thành khúc thì âm thanh trong trẻo, từng nhịp phách du dương vang lên theo giọng hát làm say đắm bao nhiêu vị khách ngồi. Kiều Nhi rất có danh tiếng ở trong chốn Bình Khang (3). Song Kiều Nhi tính tình nhã đạm, thường tỏ ra cách biệt, không tha thiết gì với son phấn điểm trang lẫn những môn thuật chiều chuộng khách. Gặp phải những khách buôn bụng phệ hay mấy lão thấp hèn ra giá đến ngàn vàng, nàng chỉ hững hờ liếc mắt rồi cười khinh, chứ chẳng thèm đếm xỉa hay trò chuyện lấy một lời. Do vậy giả mẫu thường nổi giận và đánh mắng. May thay có một chàng thiếu niên lén cho Kiều Nhi nhiều vàng, bày kế thoát khỏi giả mẫu, rồi nàng tự dọn đến sống ở Gia Hưng, đổi tên thành Vương Thúy Kiều.

          Lúc bấy giờ, có người ở huyện Thiệp tên là La Long Văn, tiền tài dư dả, là một tay hào hiệp kết giao nhiều tân khách, thường qua lại với Thúy Kiều, còn gần gũi với một kỹ nữ khác tên là Lục Châu. Từ Hải người đất Việt là một kẻ hung tợn trộm cắp, bần cùng vô lại, đang bị bọn cờ bạc bức bách đến túng quẫn nên một mình lẻn vào nhà Thúy Kiều ẩn náu, ban ngày không dám ra gặp ai. Long Văn làm quen với Từ Hải, khen Hải là một tráng sĩ nên nghiêng mình kết bạn, nắm tay nhau đi uống rượu đến say sưa thỏa thích, còn sai nàng Lục Châu thân cận bên mình ra hầu hạ. Hải cũng không từ chối. Đang lúc men rượu bừng lên nóng đến mang tai, Hải vén tay áo cầm chén rượu, ghé sát tai Long Văn nói rằng: Mảnh đất này không phải là nơi tôi thỏa chí, bậc trượng phu há có thể cam tâm chịu đứng sau người khác mãi mãi ư? Ngài nên nỗ lực, tôi cũng quyết dốc sức từ đây. Mai này phú quý, xin chớ quên nhau!. Hải khảng khái hát vang khúc bi ca, ở lại thêm mấy ngày nữa rồi từ biệt ra đi.

          Từ Hải này vốn là tăng trong chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, kẻ mà người ta vẫn gọi là Minh Sơn hòa thượng vậy. Không bao lâu, Hải nhập bọn với Oa Khấu (4), trở thành một chúa tàu, thống lĩnh hùng binh trên mặt biển, nhiều lần xâm phạm Giang Nam. Năm Gia Tĩnh thứ 35 (1556), Từ Hải bao vây quân của Tuần phủ Nguyễn Ngạc ở Đồng Hương, Thúy Kiều và Lục Châu đều bị bắt. Hải nhìn thấy thì kinh ngạc nhưng cũng rất vui mừng, sai Thúy Kiều gảy tỳ bà Hồ để góp vui cho tiệc rượu, rồi ngày càng sủng ái, gọi là phu nhân, bắt các tỳ thiếp ra vái chào. Thúy Kiều được thương yêu hết mực, dù là quân cơ đại sự hay kế hoạch bí mật, nàng đều được phép ngồi nghe. Thúy Kiều bề ngoài thì tỏ ra thân thiết, nhưng trong lòng thì hy vọng họ thua trận, vì nàng vẫn luôn mong mỏi được về nước, dòng lệ cứ rưng rưng, thường lau mặt bằng nước mắt.

          Gặp lúc Tổng đốc Hồ Tôn Hiến đang khai phủ ở Chiết Giang, người này giỏi dùng binh, nhiều kế sách, muốn thu nạp Từ Hải. Sau khi phá sạch quân Ma Diệp, Trần Đông và đánh tan bè đảng của Vương Trực, Tông Hiến sai Hoa lão nhân mang hịch đến chiêu hàng. Hải nổi giận, bắt trói Hoa lão nhân định chém đầu. Thúy Kiều nói với Hải: Chuyện ngày hôm nay, quyền sinh sát đều ở trong tay chàng, nhưng hàng hay không hàng thì có can dự gì tới sứ giả đâu? Hải bèn cởi trói, ban cho vàng bạc rồi đuổi đi. Lão nhân về báo với Tôn Hiến rằng: Thế giặc đang mạnh lắm, chưa thể bắt ngay được. Nhưng lão hủ liếc mắt nhìn tới Vương phu nhân mà Hải luôn sủng ái, thấy cô ta dường như có ngoại tâm, chắc có thể lợi dụng điểm này để tiêu diệt giặc.

La Long Văn nghe phong phanh được tin tức, tự mừng thầm vì có tình thân cố cựu với Thúy Kiều, bèn nhờ thượng khách trong mạc phủ là Từ Vị người Sơn Âm đưa tới diện kiến Tôn Hiến. Tông Hiến lấy tình nghĩa đồng hương bước xuống thềm nghênh tiếp, nói rằng: Ông cũng có ý muốn công danh phú quý hay sao? Vậy thì bây giờ là lúc cần đến ông đó, rồi cùng nhau bàn việc lớn. Long Văn nhận chỉ tới doanh của Từ Hải, mặc áo mão như thuở du hiệp khi xưa, đưa thiếp xin gặp mặt. Hải vội ra đón vào, cho ngồi ghế thượng tọa, bày rượu mời, rồi nắm tay Long Văn mà nói: Túc hạ không quản đường xá xa xôi tìm tới đây, có phải muốn làm thuyết khách cho Hồ công chăng? Long Văn cười nói rằng: Không phải làm thuyết khách cho Hồ công, chỉ là làm trung thần với cố nhân thôi. Vương Trực đã sai con nạp khoản cầu hòa rồi, cố nhân không thừa cơ hội lúc này mà giải giáp lui binh thì ngày sau tất sẽ bị bắt đó. Hải ngạc nhiên nói: Thôi gác chuyện đó sang một bên đi, ta cùng cố nhân uống rượu đã. Nay có tiếng nhạc êm ái, mọi thứ đều đầy đủ và xa hoa đến mức này, những tưởng đại trượng phu lúc đắc chí thì phải được như thế chứ. Rượu tiệc nửa chừng, Hải cho gọi Vương phu nhân và Lục Châu ra gặp Long Văn. Long Văn đổi sắc mặt ra chiều lễ nghĩa, chuyện trò vui vẻ lắm, nhưng không đả động gì đến việc riêng. Thúy Kiều vốn đã biết Long Văn là người hào hiệp, bèn khuyên Hải sai người cùng tới Đốc phủ thâu khoản, giải vây cho Đồng Hương.

          Tông Hiến vui mừng, làm theo kế của Long Văn, mang thêm nhiều vàng ngọc châu báu âm thầm đến biếu tặng cho Thúy Kiều. Thúy Kiều dần động lòng, đêm ngày thuyết phục Từ Hải đầu hàng. Hải nghe theo nàng, bèn định kế, trói Ma Diệp, bắt Trần Đông, ước hẹn quy hàng Tông Hiến. Đến ngày thì mặc giáp trụ bước vào thành Đồng Hương. Khi đó Triệu Văn Hoa, Nguyễn Ngạc và Tông Hiến phân ngôi thứ cùng ngồi rất đường hoàng. Hải khấu đầu tạ tội, lại tạ ơn Tông Hiến. Tông Hiến bước xuống bậc thềm xoa trán và nói rằng: Nay triều đình ân xá cho ngươi, ngươi chớ có làm phản nữa! y lạo mấy câu rồi cho ra. Hải vừa bước ra ngoài, thấy quan binh tụ tập đông đủ thì trong lòng đã sinh nghi. Tông Hiến có lòng thương tiếc cho Từ Hải, không muốn giết kẻ quy hàng, nhưng bị Văn Hoa bức bách, đành hạ lệnh, sai Tổng binh Du Đại Du cho toàn quân tiến lên. Gặp lúc trời nổi gió lớn, quân triều đình thừa cơ phóng hỏa, reo hò đánh trống và xông vào chém giết, quân Từ Hải thua to, tan chạy và bị tiêu diệt sạch. Hải vội vàng nhảy xuống nước nhưng bị bắt, chém lấy đầu, còn Thúy Kiều thì cho sống mà dẫn vào quân môn.

          Tông Hiến bày tiệc lớn khao thưởng các quan Tham tá, sai Thúy Kiều hát Ngô ca và mời rượu mọi người. Bọn Tham tá hoặc là quỳ trên chiếu, hoặc nhảy múa nâng chén, cùng chúc thọ Tông Hiến. Tông Hiến bị rượu làm cho say mèm hoa mắt, cũng vung tay múa giáo, đùa giỡn với Kiều Nhi. Đến khi tiệc loạn lên hết thì mới thôi. Sáng hôm sau, Tông Hiến hối hận vì đêm qua say khước, bèn đem Thúy Kiều ban thưởng cho tù trưởng Vĩnh Thuận mới về hàng. Thúy Kiều đã theo tù trưởng Vĩnh Thuận, đi tới giữa sông Tiền Đường, nàng ưu uất đập giường và than rằng: Minh Sơn hậu đãi ta như vậy, nhưng ta lại đem quốc sự đẩy chàng vào chỗ chết. Hại chết một tù trưởng rồi lại thuộc về một tù trưởng khác, vậy bảo ta còn mặt mũi nào để sống ở trên đời nữa đây?. Nói xong, nàng hướng về ngọn sóng gào lên một tràng dài đau khổ, rồi lao xuống dòng nước mà chết.

          Họ Ngoại Sử nói rằng: Than ôi! Thúy Kiều lấy cái chết để báo đáp Từ Hải, chí ấy đáng thương thay! La Long Văn được người đời gọi là Tiểu Hoa đạo nhân, một kẻ giỏi chế tạo nghiên mực (5). Ban đầu lấy thuật du thuyết âm thầm biếu tặng vàng ngọc cho Thúy Kiều, dụ được Từ Hải lui binh, có thể xem là bậc trí sĩ. Nhưng về sau lại nương cậy nơi quyền thế, đến cuối cùng bị chém chung với Nghiêm Thế Phiền ở chợ Tây (5), so với cái chết của Thúy Kiều thì giống như lấy hồng mao đem ví với Thái Sơn vậy. Làm người thì phải nên coi trọng cái chết của mình, Thúy Kiều là con nhà hát xướng mà còn biết điều đó, huống chi là hạng sĩ đại phu? Thế nhưng con nhà hát xướng biết mà hạng sĩ đại phu không chịu biết thì chẳng phải là bi đát lắm hay sao?.

          Trương Sơn Lai nói: Hồ công không đem Thúy Kiều tặng cho Tiểu Hoa mà lại ban cho tù trưởng, thực sự thì cần gì phải làm thế? Cứ nhìn Thúy Kiều sau khi bị bắt sống, không thể chết ngay, lại đi mời rượu trước mặt các Tham tá, đủ thấy đã có ý quy phục rồi. Còn như việc lao xuống nước tự vẫn kia, đâu có giống như để báo đáp Minh Sơn (6).

Chú thích:

(1) Vương Thúy Kiều là một danh kỹ ở Tần Hoài thời nhà Minh. Cô là vợ của Từ Hải và có liên quan đến sự kiện Vương Trực (Minh sử chép là Uông Trực) nổi dậy chống triều đình. Từ Hải, Ma Diệp, Trần Đông đều là tướng dưới quyền của Vương Trực. Sau khi Từ Hải đầu hàng và chết vào năm 1556 thì hai năm sau (1558), Vương Trực cũng bị bắt.

(2) Dư Hoài (1616 - 1696), tự Đạm Tâm, hiệu Hồ Sơn Ngoại Sử, người Bồ Điền, Phúc Kiến. Ông là một nhà văn nổi tiếng thời Minh mạt Thanh sơ.

Vương Thúy Kiều truyện của ông là một trong số các phiên bản về cuộc đời của Vương Thúy Kiều, bám khá sát vào sự thật lịch sử, về sau được một nhà văn khác đời Thanh là Trương Trào (1650 - 1707), tự Sơn Lai, sưu tầm và chép vào bộ Ngu sơ tân chí.

(3) Bình Khang là tên một phường ở ngoại thành Trường An vào thời Đường, nơi có kỹ nữ ở, sau trở thành danh từ chỉ chung các xóm yên hoa.

(4) Oa Khấu có nghĩa là giặc lùn, đây là từ chỉ quân cướp biển Nhật Bản thường xuyên quấy nhiễu, xâm phạm bờ biển của Triều Tiên và Trung Quốc.

(5) La Long Văn là người huyện Thiệp, tỉnh An Huy, địa phương này rất nổi tiếng về nghiên mực.

(6) Nghiêm Thế Phiền và La Long Văn bị xử chém giữa chợ vào năm 1565.

(7) Đây là lời bình của Trương Trào trong Ngu sơ tân chí. Trương Trào có vẻ không đồng tình với cách đánh giá của Dư Hoài, nhưng không phải là không có lý. Theo lời kể của Dư Hoài thì Thúy Kiều hoàn toàn không thật lòng với Từ Hải, chỉ muốn được về nước, nên mới trông cho Từ Hải thua trận. Đồng thời việc cô khuyên Từ Hải đầu hàng hoàn toàn là do nhận đút lót của Hồ Tông Hiến. Từ những chi tiết trên, nếu nói cô tự vẫn để báo đáp Từ Hải thì nghe không được thuyết phục cho lắm.

So sánh những nguyên bản trong văn học Trung Quốc với Truyện Kiều, ta thấy Nguyễn Du đã có một bước sáng tạo rất lớn. Truyện Kiều không những đạt đến đỉnh cao về phương diện nghệ thuật, mà câu chuyện cũng trở nên hoàn chỉnh, có lý, có tình, đủ sức rung động lòng người.

Người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa
ngotrantrungnghia@gmail.com

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
  “HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 1 (19h: 12-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 4 (18h: 10-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 3 (12h: 08-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 2 (17h: 07-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 1 (17h: 07-12-2020)
 MUÔN THÚ CHƠI THƠ KIỀU CỦA DÂN VIỆT NAM (23h: 09-03-2013)
 TẬP KIỀU GỬI HAI VỊ “HẬU SINH KHẢ UÝ” ĐỖ MINH XUÂN VÀ VŨ KHIÊU (19h: 12-04-2014)