Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
CON TRÂU TRONG VĂN HÓA TÂM LINH NGƯỜI VIỆT
 
(03h: 30-12-2020)
CON TRÂU TRONG VĂN HÓA TÂM LINH NGƯỜI VIỆTBài viết của Phan Lan Hoa
ảnh minh họa sưu tầm Internet
***
CỔ TÍCH VỀ CON TRÂU VÀ LỄ RƯỚC THẦN NÔNG, LỄ TỊCH ĐIỀN TRONG QUỐC SỬ VIỆT NAM

 

 

CON TRÂU TRONG VĂN HÓA TÂM LINH NGƯỜI VIỆT

Phan Lan Hoa

٭٭٭

         CỔ TÍCH CON TRÂU VÀ THẦN NÔNG

         Thủa khai sơ, ban đầu đấng Tạo hóa lấy đất sét nặn ra muôn loài, thổi hồn vào và tạo nên sự sống trên thế gian, khi ấy chưa có con trâu. Sau khi thấy muôn loài sống hòa thuận với nhau, thì Ngọc hoàng lại nặn ra hình những hạt giống thực vật, rồi giao cho một vị thần bay xuống trần gian để vãi lên mặt đất, mục đích làm thức ăn cho muôn loài. Nhưng vị thần hạt giống do lười biếng, lấy một túi hạt giống và vãi bừa vào một vùng đất, chứ không vãi đều khắp mặt đất như Ngọc hoàng chỉ bảo. Không ngờ đó là túi hạt cỏ, một đồng cỏ mênh mông mọc lên um tùm. Vị thần biết mình nhầm lẫn, bèn chữa sai bằng cách vãi chồng túi hạt giống thứ hai lên bãi cỏ, thế là lúa và cỏ mọc lẫn với nhau. Nhưng loài cỏ sinh sôi mạnh hơn, nên lấn át cây lúa, thậm chí lấn át cả chỗ sinh sống của muôn loài. Con người bị đói khát bèn kêu lên Ngọc hoàng. Khi biết chuyện, Ngọc hoàng bèn phạt vị thần lười biếng này bằng cách biến thành loài vật chỉ biết ăn cỏ, đày xuống Trần gian để dọn sạch những đám cỏ. Từ đó vị thần này sống chung với con người ở dưới Trần gian, người đời gọi là con trâu.

         Thần Nông là Việt Thủy Tổ, húy là Đế Minh, sinh ra ở trên dãy núi Khai Trướng (dãy Trường Sơn), rất thân thiện với con trâu, thường cưỡi trâu đi lang thang khắp thế gian. Lúc lên rừng, lúc xuống đồng bằng không quản, cốt tìm ra những loài thực vật có thể dùng làm thức ăn và thuốc uống trị bệnh cho loài người và súc vật. Một ngày nọ, Thần Nông tìm ra trong đám cỏ dưới đầm lầy một loài cỏ có trái, cắn trái cỏ ra thì thấy có bột trắng như sữa, vị thơm ngọt. Biết là ăn được, Thần Nông bèn cắt lấy bông chín vàng, đem về giã ra lấy hạt, nấu lên thì thấy ăn rất ngon, ăn xong thì thấy cơ thể khỏe mạnh. Người đời rất biết ơn Thần Nông, gọi là cây lúa trời, chọn những đám đất màu mỡ, quanh năm có nước, dọn cỏ sạch sẽ và tra hạt lúa vào, do đó cây lúa trời còn được gọi là cây lúa nước. Cây lúa nước được người Việt đem vào thâm canh đầu tiên trên thế giới, nên dân tộc Việt còn được gọi là Dân tộc lúa nước. Cây lúa trời, cho đến ngày nay ở đồng bằng Sông Cửu Long và ở vùng Kẻ Gỗ của Hà Tĩnh vẫn còn. Theo truyền thuyết, đó là loại lúa tự nhiên cổ xưa từ thời Thần Nông.

         Tuy đã có lương thực để ăn, nhưng việc sản xuất đồng áng của tộc người Việt lúc ấy còn rất gian khổ. Thần Nông bèn chế ra cái lưỡi cày và sai khiến con trâu giúp dân cày bừa. Cái cày cũng từ kỷ nguyên ấy mà ra đời.

         Khi Thần Nông hết kiếp làm người, được bay về trời. Còn con trâu thì vẫn nhẫn nại đi cày dưới Trần gian, giúp con người có cơm no áo ấm. Người Việt tưởng nhớ công đức Thần Nông sâu đậm, hàng năm thờ cúng rất chu toàn. Từ đó trong phong tục nước Ta qua các triều đại đều đặt ra hai thứ lễ là: Lễ rước Thần Nông và Lễ tịch điền, hai lễ này đều được tổ chức long trọng trong dịp Tết nguyên đán.

         Trong lịch sử văn hoa Đông phương, không chỉ có hình tượng Thần Nông cưỡi trâu, mà truyền thuyết cũng chép rằng, Lão Tử cưỡi một con trâu ra khỏi kinh thành và đi về phương Nam. Sách sử nhà Phật cũng chép Đức Bụt Thích Ca đã bày ra Lễ tịch điền.

         Nhân dịp sắp vào xuân Tân Sửu, tôi xin kể lại tục lễ này, qua ghi chép của Quốc sử và qua ghi chép trong sách sử Bụt Đạo Việt Nam.

         ĐÁM RƯỚC THẦN NÔNG Ở THỜI LÊ – TRỊNH

         Theo sách “Lịch triều” của Phan Huy Chú, hàng năm vào ngày Đông chí, quan Chánh tòa Khâm thiên giám tâu lên để chúa Trịnh biết ngày nào là ngày Lập xuân. Sau thì Bộ công sai cho nặn một tượng trâu lớn và một tượng thần Câu Mang, 1300 con nghé, 1300 mục đồng, tất cả đều bằng đất sét. Trong cung có một chỗ gọi là Nha môn ngưu. Khi các tượng trâu và nghé vắt xong thì đem chứa trong nha này. Triều đình cho dựng một cái quán “tứ bề gió lọt” tại hướng Đông của kinh thành. Trước quán có Ngục đồng môn. Vào hôm tế lễ thì tượng trâu và tượng thần Câu Mang được rước đến để trong quán gió. 1300 con nghé và 1300 mục đồng thì để ở Ngục đồng môn, làm lễ tống tiễn mùa đông. Đến nửa đêm thì Quan phủ doãn và Quan đầu tỉnh Thăng Long cùng dân trong các phường buôn bán của kinh thành đến rước tượng trâu lớn và Mang Thần về đền Bạch Mã. Đến nơi thì trâu để ở ngoài, chỉ rước Mang Thần vào dựng ở giữa tiền đường. Quan phủ doãn đứng chủ tế. Dâng lễ xong thì nha môn quấn tượng Mang Thần vào một chiếc chiếu và đem chôn.

         Sáng hôm sau thì làm Lễ tiến xuân ngưu. Quan phủ doãn và hai người quan địa phương trong thành tay cầm roi dâu theo kiệu rước dẫn trâu vào trong sân rồng tấu trình nhà vua. Ở đây, văn võ bá quan khăn áo chỉnh tề chực sẵn để cùng nhà vua hành lễ. Lễ xong thì Ngục tốt rước trâu lớn  về Ngục đồng. Còn cái ngai rước trâu thì Quan tham tri Bộ lễ đem vào trong cung. Ngục tốt chặt một phần thủ, một mẩu chân, một khúc đuôi của con trâu to và lựa 300 con nghé; lấy 11 cái mâm để lên mỗi mâm 5 con nghé, đặt thêm 55 con dao, rồi phủ lụa điều lên, đem vào dâng vua. Vua đem những con nghé ấy ban phát cho các quan trong triều để tống tiễn mùa đông. 1000 con nghé còn lại được rước về Phủ Trịnh. Chúa truyền gọi Nha môn sáu hiệu, ban phát hết số nghé còn lại. Lễ tế xuân ngưu coi như kết thúc.

         ĐÁM RƯỚC THẦN NÔNG Ở TRIỀU NGUYỄN

         “Lễ rước Thần Nông” còn được gọi là “Lễ tế xuân”. Năm 1828, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ hàng năm sau tiết Đông chí, ngày Thìn, thì cử hành lễ tế. Trước đó, các quan ở Khâm thiên giám họp nhóm tại Võ khố để bàn về tổ chức Lễ rước Thần Nông. Trước tiên, tìm đất sạch, dùng đất nặn tượng  3 con trâu và 3 tượng Thần Nông. Dùng cành dâu làm  khung sườn, rồi chiếu theo ngũ hành của năm để phết màu sơn. Năm thổ đắp tượng vàng, năm hỏa đặp trượng đỏ, vv... Khi nào gần đến ngày Lập xuân, thì Khâm thiên giám và Bộ lễ phải báo cho vua biết trước ngày Tế xuân.

         Trước ngày tế lễ, quan tỉnh Thừa Thiên cho dựng một cái đài ở  cửa chính Đông của kinh thành. Đài này đồng thời cũng quay mặt về hướng đông. Cùng ngày, cho lính vào Võ khố gánh trâu và Thần Nông qua để tại một căn phòng trong phủ Thừa Thiên. Đến hôm sau, thì Thần Nông và trâu được rước từ phủ Thừa Thiên về cửa Chính Đông. Các quan văn, võ, cùng nhân viên tỉnh này mặc lễ phục. Quân lính mặc áo đấu, cầm gươm giáo, cờ quạt, tàn lọng dự vào đám rước. Khi đám rước về đến cửa Đông, thì cử hành một lễ tế đơn giản. Tế xong thì trâu và Thần Nông được gánh vào để ở Bộ lễ.

         Đúng vào ngày Thìn, từ tảng sáng, các quan viên Bộ lễ và quân dân tỉnh Thừa Thiên, rước trâu và Thần Nông qua cửa Tả Đoan Môn. Khi đến trước cửa Thiên Thọ thì dừng lại. Một viên thái giám vào tâu với nhà vua là đám rước đã đến. Vua chỉ biết thế thôi chứ không tham dự vào đám rước. Tấu trình nhà vua xong, thì đám rước lại trở ra và khi đến Bộ lễ, thì một viên quan được cử cầm cây roi tiến lại đánh vào mông trâu ba roi, tượng trưng cho việc thúc trâu chăm lo cày bừa. Kết thúc lễ tế,  thì trâu và Thần Nông lại được gánh về Võ khố. Qua năm sau, lại có chủ trương, hàng năm trâu và Thần Nông tế xong thì phải chọn chỗ để chôn. Các tỉnh địa phương cũng theo phép Triều đình ban ra, cứ đến ngày Thìn sau tiết Đông chí thì chuẩn bị Lễ tế Thần Nông. Nếu ngày tế lễ này trùng với một ngày kị nào đó tại đại Lăng, thì đội tế không được mặc áo đỏ và tía, ban nhạc tuy sắp hàng tề tựu, nhưng không tiến hành cử nhạc.

         Đến năm Khải Định thứ 3, các quan ở Khâm thiên giám và Bộ lễ có sớ trình lên đề nghị bãi bỏ việc đắp tượng trâu và Thần Nông bằng đất thủ tục rườm rà, tốn kém. Vua Khải Định chuẩn y cho thay trâu đất bằng một bức tranh lụa đóng khung vẽ hình chú mục đồng đứng trước con trâu. Bức tranh được đặt trên một cái bàn phủ lụa đỏ, phía trước để 2 ngọn nến và một lư trầm. Bốn người lính được cử gánh cái bàn đi trước đám rước.

         Khi vẽ bức tranh Thần Nông, quan ở Khâm thiên giám phải mở nông lịch ra xem xét, tính toán trước điềm lành hay gở đối với mùa màng mà vẽ hình cảnh báo trước toàn dân. Nếu năm nào bức vẽ Thần Nông đi hia đầy đủ hai chân, thì nhân dân biết đó là dự đoán thời tiết thuận lợi cho canh nông. Nếu Thần Nông đi hia một chiếc thì dự báo mất mùa, dịch bệnh cần phải thận trọng.

         LỄ TỊCH ĐIỀN

         Lễ tịch điền thì ở nước Ta cũng có mà nước Tàu cũng có. Theo sách “Bụt sử lược biên thiệt truyện”, thì nước Ta có Lễ tịch điền từ khi nào không rõ, chỉ xác định được từ trước khi Bụt Thích Ca giáng trần đã xảy ra hàng năm rồi, nên ruộng Tịch điền còn được gọi là ruộng Thạnh mậu Thích Ca”; còn sử Tàu thì chép, tục này có từ đời Chu.

         Tục lệ hai nước có chỗ giống, có chỗ khác nhau. Ví dụ tục ở Ta thì vua cày bằng trâu, còn ở Tàu vua cày bằng ngựa; Hạt giống ở Ta vãi vào ruộng Tịch điền là hạt lúa, hạt giống người Tàu vãi vào ruộng Tịch điền là ngũ cốc, gồm: ma, thử, tắc, mạch, thục (kê, đậu tương, đại mạch, vừng, hạt gai dầu).

         Để tiện việc so sánh giữa tục Ta với tục bên nước Tàu. Tôi xin kể về Lễ tịch điền của người Trung Quốc trước.

         LỄ TỊCH ĐIỀN Ở TRUNG QUỐC

         Có từ đời nhà Chu. Hàng năm, mồng một tháng giêng thì tế Trời để cầu trời giáng phúc cho mùa màng được tươi tốt. Sau đó chọn ngày Hợi để làm Lễ tịch điền. Lễ tế gồm có tam sinh: trâu, dê, heo. Nhà vua đội mũ miện giải đỏ đi trên một cỗ xe canh căn do 4 con ngựa kéo đến thẳng ruộng Tịch điền, văn võ bá quan đội mũ miện giải xanh theo hầu. Vua cày 3 đường, vương công chư hầu cày 5 đường, cô khanh đại phu 7 đường, sĩ 9 đường. Sau cùng dân chúng cày bừa, gieo hạt ngũ cốc, chăm lo ruộng Tịch điền đến ngày thu hoạch, lấy ngũ cốc từ ruộng Tịch điền dùng vào việc cúng tế. Đến đời Ung Hy nhà Tống (988), ngoài cửa Triêu Dương làm một cái đài sơn xanh cao 9 thước, chu vi 40 bộ, lối vào 60 thước tây, trên đài dựng 2 ngôi nhà gồm: Ngự canh vị, tức chỗ vua đứng để cày; Quan đài canh, tức chỗ vua ngồi xem văn võ bá quan cày. Hạt giống đựng trong một cái quả bằng mây không có nắp, bên trong chia làm 5 ngăn đựng 5 loại ngũ cốc, bên trên phủ khăn xanh. Có viên quan làm điển xướng mời nhà vua cầm cày.

         LỄ TỊCH ĐIỀN Ở VIỆT NAM

         Nước Ta, Quốc sử thì chép Lễ tịch điền có từ thời vua Lê Đại Hành (980 – 1005). Nhưng lịch sử Phật giáo lại mô tả khá tỉ mỉ Lễ tịch điền có từ thời Bụt Thích Ca Mâu Ni, được gọi là đất “Thạnh mậu Thích Ca”, hoặc là Ruộng cấm. Sách “ Bụt sử lược biên thiệt truyện” của Piere Rey – 1913, chép về “Lễ thân canh tịch điền” của vua Đồ-đầu-ra, cha đẻ của đức Bụt Như Lai Cồ Đàm như sau:

         “Thói này đã có bày từ thuở xưa lâu rồi, cho đến ngày con cháu dòng Oukakaritz trị vì thiên hạ. Mỗi năm, hễ đến rằm tháng 9 thì có rao cho bá tính vạn gia biết mà sắm sửa cuộc lễ ấy. Cách xa thành và đền vua thì có sắm hẳn một khoảnh đất đã quét tước, làm cỏ sạch sẽ, xung quanh có rào và cắm nhiều cờ xí.

         Khoảnh đất ấy có tên là “ruộng cấm”, nhân dân xứ Ca-duy-la-Việt Quốc ai ai cũng phải kiêng kính. Khoảnh đất ấy bề ngang 8.000 thước, bề dài 20.000 thước. Có sắp sẵn 800 cái cày sắp hàng chực đó rồi chờ đặng tới giờ cày đất Thạnh mậu Thích Ca. Cũng có 800 cặp bò, lựa bò tốt nhất hạng trong nước, đem đến gác cày.

         799 cái cày có chui bịt bằng bạc, sừng bò cũng được bịt bằng bạc. Còn lại cái  thứ 800 chui bịt bằng vàng, cặp bò này lông trắng phau như tuyết, trán cho bịt vàng chạm, cổ có đeo chuỗi trân châu. Sừng cũng bịt bằng vàng, tỏa sáng rực rỡ. Hai bên hông có thoa son đỏ và dấu màu nhiệm của các thiền sư. Cày này là Cày ngự để cho vua xứ Ca-duy-la-việt Quốc cầm.

         Hừng đông, kèn trong đền thổi lớn vang dậy, nghe lệnh thì bá tính rùng rùng tụ lại quanh ruộng cấm. Tam quân mang chinh y, cầm khí giới,  theo hầu vua rất tề chỉnh. Có chư thiền sư theo đó tụng kinh van vái, hoàng thân quốc thích, cung phi mỹ nữ, quan tướng cùng chư phu nhân trang phục đẹp đẽ, đã tụ lại theo hầu vua, đi dọc đàng đại lộ. Hai bên có trồng chuối tào to che im mát đến chốn cấm địa.

         Khi vua giá lâm rồi bèn bước vào cấm địa, cầm lấy chui cày mà cày một đường. Kế đó các ông hoàng và các quan thượng phủ lãnh cày mà cày, tiêu thiều nhạc vỏ, ca xang nhịp trổi và nhân dân cúi lạy van vái.

         Coi ra rất nghiêm chỉnh huy hoàng, lưỡi cày sáng giới, sừng bò có bịt vàng chói lòa rực rỡ, sắc phục các quan thêu rồng vẽ phụng, mang vàng đeo ngọc, cả thảy theo sau lưng vua mà cầm cày, xốc hơi đất nghi ngút lên tột trời xanh.

         Nhân năm nay, vua Đồ-đầu-ra có dạy đem thái tử Tất-đạt-đa (Shiddatha) dự lễ, khi ấy thái tử mới được vài tuổi, có nhờ dì là em bà May-a Tịnh Diệu săn sóc dưỡng nuôi, bà dì ấy tên là Ma-ha-ba-ra-đa-ba-ti (Maprajapati).

         Khi đến nơi, họ bèn đem cái nôi thái tử đến dưới gốc cây cấm đặng nhờ bóng cây che im mát.

         Kế cuộc lễ rầm rộ, thiên hạ lao xao, nên mấy bà mụ chương tòa theo hầu thái tử muốn áp lại một bên mà xem cho tường tận. Bởi ấy mớ bỏ thái tử năm một mình dưới cây cấm mộc.

         Bụt Như Lai khi ấy thấy họ bỏ đi coi lễ hết, bèn ngồi dậy, hai chân xếp bằng mà tư tưởng suy nghĩ một cách rất sốt sắng.

         Ngày một trưa, bóng ác ngã về tây, trong đám các bà mụ chương tòa ấy có một bà sực nhớ lại thái tử, bèn chạy lại chỗ cây cấm thọ, chỗ thái tự nằm, thì mụ ấy lấy làm sự lạ, sao bóng ác về tây, mà bóng cây lại y như cũ, không lay động, cứ ở một nơi ây mà che mát cho thái tử. Thấy phép lạ như vậy bèn chạy lại báo cho vua Đồ-đầu-ra hay biết. Vua bèn đến bên thái tử mà quỳ lạy và thốt rằng: “Ớ con! Hôm nay là lần thứ hai, cha là Đồ-đầu-ra vua xứ Ca-duy-la-việt Quốc và là cha của con, cúi đầu dưới tro bụi mà tung hô sự vinh hiển của con.”

         Đây cũng là một điềm tiền định số mệnh thái tử sau này thành Bụt.”

         LỄ TỊCH ĐIỀN TRONG QUỐC SỬ VIỆT NAM

         Quốc sử chép rằng, thời vua Lê Đại Hành, khi thân hành cày ruộng ở Đội Sơn, thì cày trúng một cái chum vàng; Khi cày ở Bàn Hải lại được một cái chum bạc, cho nên gọi ruộng ấy là “Kim ngân điền”.

         Đến đời Lý, vẫn theo lệ cũ tổ chức long trọng. Đời Trần và đời Lê thì lịch sử ghi chép có phần sơ sài. Triều Nguyễn cả Lễ rước Thần Nông và Lễ tịch điền đều được ghi chép khá chi tiết.

         Năm 1837, vua Minh Mạng ban hành một sắc dụ về Lễ tịch điền, nội dung tóm tắt đại ý như sau: “Ngày xưa các bậc đế vương thân cày 3 đường. Lễ này đã được ghi vào sử sách. Các vua từ Lý, Trần, Lê đều tổ chức trọng thể. Trẫm từ lên ngôi, lòng cũng muốn chăm lo hạnh phúc, no cơm ấm áo cho dân. Các quan tỉnh Thừa Thiên nên chọn đất ở hai phường Hòa Thái và Ngưỡng Trị, dùng làm Sở tịch điền. Bộ Công lo xây cất nhà cửa, bộ Lễ lo ấn định các nghi lễ rồi tấu trình  lên để trẫm duyệt lãm.”

         Sau khi khảo sát điền địa, do đất ở hai phường Hòa Thái và Ngưỡng Trị không tốt, nên đổi qua chọn đất tại hai phường Yên Trạch và Hậu Sanh để xây dựng Sở tịch điền. Triều đình cho dựng Đài quan canh là nơi vua đứng xem cày ruộng; nhà Cụ phục là nơi vua thay đồ; nhà Thần khố để chứa đồ thờ và kho chứa thóc gọi là nhà Thần thương.

         Lễ Tịch điền, còn được gọi là Lễ khai canh, thường tổ chức vào khoảng từ mồng 4 đến mồng 7 tết. Trước lễ một hôm, ban trị sự cho đặt sáu cái thể đình tại cửa Tả Đoan Môn, bên trên phủ lụa điều. Một viên quan tỉnh Thừa Thiên được cử vào Võ khố lấy cày bừa của vua và một thúng thóc đem để lên bàn thờ tại điện Cần Chánh, cày của quan để trên thể đình ở cửa Tả Đoan Môn. Một viên quan khác được cử đi rước nhà vua ra xem, kiểm tra dụng cụ cày bừa của mình. Khi vua xem xong thì viên quan này đem cày bừa của vua để lên Long đình và cho quân lính gánh ra Sở tịch điền. Theo sau gánh rước Long đình có một đoàn quân lính gươm đao cờ quạt tề chỉnh. Đến nơi, hạ Long đình vào Đế tịch, tức nơi nhà vua sẽ xuất phát để cày. Sau đó các Thể đình cũng được rước từ Tả đoan môn ra Sở tịch điền, để vào vị trí của các quan sẽ xuất phát cày.

         Hôm lễ, trống đánh vang rền từ tờ mờ sáng, quan quân đứng sắp hàng từ Điện Khánh Ninh ra đến Sở tịch điền. Cờ xí la liệt, ngựa voi đứng chầu hai bên đường. 30 người lính mặc áo đỏ, đầu chít khăn đỏ, chân đi hia đỏ, tay cầm cờ ngũ sắc đứng chầu. Đội nhạc công có 8 người, đội hát có 14 người hát bài Hòa từ, nội dung thuật lại cảnh vua đi cày khai canh.

         Đúng 6 giờ sáng thì một viên quan vào tấu trình với nhà vua mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nhà vua đội mũ Cửu long, mặc áo hoàng bào. Khi vua ra khỏi cung thì có bắn 7 phát hiệu lệnh. Đến Sở tịch điền, đầu tiên nhà vua làm lễ “nghệ quán tẩy sở” (rửa tay bằng nước thơm trước khi vào lễ tế). Sau đó nhà vua tham dự lễ tế. Tế xong 3 tuần rượu mới cử nhạc. Vua vào nhà Cụ phục để thay đồ, chít một cái khăn lên đầu gọi là Đường cân, mặc áo chẽn. Thay đồ xong, thì quan thượng thư Bộ hộ vào rước vua ra cày. Viên quan hầu bên phải đưa cho nhà vua cái cày sơn vàng, viên quan bên trái đưa cho nhà vua cái roi. Bốn bô lão trong phường dắt hai con bò phủ lụa vàng  ra cho nhà vua và giúp đỡ nhà vua cày xong 3 đường cày. Quan phủ thừa và một viên quan Bộ hộ theo sau  nhà vua, kẻ nách thúng, người vãi hạt giống. Cày xong, thì quan Phủ doãn đón cái cày từ tay nhà vua để lại vào Long đình. Còn nhà vua theo một cái thang leo lên Đài quan canh, ngồi xem các quan cày bừa. Hoàng thân quốc thích cày 10 đường, gồm 5 đường đi, 5 đường về; các quan văn võ cày 18 đường, 9 đường đi, 9 đường về. Các lão nông hỗ trợ hướng dẫn các quan cày tốt đường cày của mình. Xong lễ thì vua trở về Đại nội, khi đến điện Khánh Ninh, bắn 5 phát hiệu lệnh, nhà vua ngồi lên ngai vàng. Tất cả những người tham gia tham gia đại lễ đều được thưởng lụa. Cày và thúng đựng lúa được cất vào Võ khố. Bò thì giao cho dân hai phường tiếp tục chăn nuôi, cày cấy chăm lo ruộng Tịch điền. Đến ngày thu hoạch, quan Bộ hộ có nhiệm vụ phải lựa hạt giống cho Lễ tịch điền năm sau. Gạo và nếp ở ruộng Tịch điền dùng để phục vụ cho việc cúng tế giao đàn trong cung thành. Ở đời vua Tự Đức, thì vị vua này thường tự cưỡi ngựa đến Sở tịch điền; đến đời vua Duy Tân và vua Khải Định thì quan tỉnh đại diện nhà vua cầm cày. Ở các địa phương, mỗi tỉnh đều theo chỉ dụ nhà vua mà tổ chức như vậy.

        

          CON TRÂU TRONG THI CA VIỆT NAM

         “Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu”, đó là ba nhiệm vụ khó khăn phải thực hiện của người đàn ông trưởng thành thủa xưa. Khi mà cuộc sống chỉ dựa được vào nông nghiệp, khoa học kỹ thuật chưa có, thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Cày bừa, vận tải, trục lúa, kéo che, vv... đều cậy nhờ cả vào sức trâu. Ước mơ của người nông dân bấy giờ chỉ là

Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi

Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu

         Hạnh phúc đơn sơ bình dị, nết ăn nết ở nam thanh nữ tú thôn quê cũng chỉ đòi hỏi giản đơn

Trai thì cày ruộng, khiển trâu
Gái thì phải biết bổ cau
, têm trầu
***
Trăm năm còn có gì đâu
Miếng trầu liền với con trâu một vần

         Sáng mùng một tết ở nông thôn, chủ nhân của gia đình thường dậy sớm, lo cho súc vật, đặc biệt là trâu bò, phải được cho ăn no đủ trước đã rồi mới lo cho con người sau. Giữa người và trâu thân thiện một nhà.

Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia.
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công!
Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

***

Trời mưa trời gió đùng đùng
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu
Gánh về trồng bí trồng b
u
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà

         Ca dao về trâu rất nhiều, phải chép hết vài chục tờ giấy mới đủ. Nhưng  người Việt Nam mấy ai mà chưa từng đọc qua, nên tôi chỉ thêm vài dòng ca dao cho thi vị gọi là. Ở Miền Nam, có anh con trai nọ tán gái thế này

Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì ta lấy được nàng
Hà Nội, Nam Ðịnh sửa đàng rước dâu
Thanh Hóa cung đốn trầu cau
Nghệ An thì phải thui trâu mổ bò
Phú Thọ quạt nước hỏa lò
Hải Dương rọc lá giã giò gói nem
Tuyên Quang nấu bạc đúc tiền
Ninh Bình dao thớt Quảng Yên đúc nồi
An Giang gánh đá nung vôi
Thừ
a Thiên Đà nẵng thổi xôi nấu chè
Quảng Bình Hà Tĩnh thuyề
n ghe
Đồng Nai Gia
Định chẻ tre bắc cầu
Anh mời khắp nước chư hầu
Nước Tây nước Tàu anh gởi thư sang
Nam Tào Bắc đẩu dọn đàng
Thiên Lôi La Sát hai hàng hai bên

***

TƯ LIỆU THAM KHẢO VÀ SỬ DỤNG

- Lễ ký

- Yên giám loại hàm

- Đại Nam nhất thống chí

- Đại Nam thực lục

- Tạp chí Bách khoa

- Tập san sử địa

- Lĩnh Nam trích quái

- Bụt sử lược biên thiệt truyện

- Lịch triều hiến chương loại chú 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 CÚNG DÂNG SAO GIẢI HẠN - NÊN NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG? (08h: 21-02-2021)
 Thờ cúng trong nhà như thế nào cho đúng? (12h: 06-08-2012)
 Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm - Phần 1 (22h: 07-07-2012)
 Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ và nghi thức tổ chức tế lễ - Phần 2 (22h: 07-07-2012)
 Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm - Phần III & IV (17h: 30-04-2013)
 Thờ cúng Táo Quân ở Việt Nam nên như thế nào cho phù hợp với phong tục tập quán người Việt? (15h: 05-09-2010)
 Sứ mệnh của cây hương trầm và chữ Tâm trong đạo thờ cúng (19h: 02-03-2014)
 Linh hồn (17h: 31-07-2014)
 Bài đọc thêm: CỔ NHÂN VÀ CÁC TỤC LỆ NGÀY XUÂN (06h: 26-12-2020)
 Ý nghĩa những thức bày cỗ cúng truyền thống của người Việt (17h: 21-01-2015)