ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC
Độc giả đọc sử Phan Lan Hoa
***
Cảm thán:
Nếu tôi là Bộ trưởng giáo dục đào tạo, không bao giờ tôi để sinh viên khoa sử lại chỉ thi khối C (văn, sử, địa)? Bởi vì để xác định nguồn gốc một dân tộc, một đất nước, người viết sử bắt buộc phải gồm nhiều kiến thức:
- Nhân chủng học
- Khảo cổ học
- Quốc sử diễn biến triều đại
- Lịch sử bao gồm: Chính sử; Địa phương sử; Lịch sử các nước lân bang
- Dư địa chí từ làng xã trở lên qua các triều đại
- Văn hóa phong tục
- Chính trị học
- Kinh tế học
- Xã hội học
- Truyền thuyết
Theo lời giới thiệu của cuốn ĐVSKTT – Ngô Sĩ Liên, vào triều vua Trần Thánh Tông, quan Hàn lâm học sĩ Lê Văn Hưu biên soạn bộ Đại Việt sử ký, chép từ Triệu Võ Vương đến triều Lý Chiêu Hoàng.
Hai trăm năm mươi năm sau, vào triều vua Lê Thánh Tông, quan lễ bộ tả thị lang Ngô Sĩ Liên soạn lại bộ Đại Việt Sử ký, thêm thắt họ Hồng Bàng, chép từ kỷ Hồng Bàng đến đời Lê Thái Tổ. Những nhầm lẫn của lịch sử nước Ta xảy ra bắt đầu từ đó.
Bộ lịch sử mới đây nhất xuất bản năm 2017. Phủ đầu bằng một chương khoa học khảo cổ. Nhưng xem đi xét lại, thời thấy chủ biên dường như không nhắc đến hai mối nối quan trọng từ Văn hóa Hòa Bình sang Văn hóa Đông Sơn, đó là hang Đồng Trương ở Nghệ An và mối nối Đông Sơn – Sa Huỳnh tại khu di chỉ bãi Cọi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh? Bộ lịch sử này cũng không nhắc tới cuộc chiến đẫm máu ở biên giới phía Bắc năm 1979?
Tôi chỉ là người ham đọc sử, không có danh xưng “nhà” theo nghĩa chuyên môn. Qua trình độ đọc hiểu của mình, mạnh dạn đưa ra đây những nhận định về những mâu thuẫn trong Lịch sử Việt Nam. Đặc biệt là lịch sử Liên bang các dân tộc Chămpa và mối liên kết máu mủ ruột ra giữa hai nên Văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh. Bởi tôi thấy có vô số chứng cứ về cội nguồn xuất xứ Phật giáo Thế giới từ hai dòng văn hóa này.
Tôi xin gửi kiến thức của mình lại với đời. Vô cùng mong muốn các nhà nghiên cứu Việt Nam và Thế giới để ý, quan tâm, nghiên cứu đầy đủ, làm sáng tỏ mọi nghi vấn, trả lại sự trong sạch cho Lịch sử Việt Nam.
Chương I:
ĐỊNH HÌNH NGUỒN GỐC NÒI GIỐNG VIỆT TỘC
- Ở kỷ Cánh Tân, cách nay khoảng 401.000 ± 51BP, người Vượn (Homo Erectus) đã xuất hiện trên dãy Trường Sơn và Hoàng Liên Sơn của Việt Nam. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy răng người đứng thẳng tại hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên ở Lạng Sơn. Răng hóa thạch người đứng thẳng giai đoạn muộn cách nay khoảng ± 80.000BP cũng tìm thấy tại hang Thẩm Ôm ở Nghệ An.
- Văn hóa Sơn Vi, có niên đại khoảng 18.000 – 20.000BP, thuộc kỷ nguyên của Người hiện đại (Homo Sapiens). Kỷ nguyên này, loài người đã biết dùng lửa.
- Văn hóa Hòa Bình trải rộng khắp đất nước Việt Nam, gọi là kỷ nguyên của Người Tiền Sử. Dụng cụ sinh sống chủ yếu bằng đá. Người Tiền sử đã biết làm hầm chông săn thú rừng và truyền thống dùng ống bương nấu đồ ăn đã xuất hiện cùng thế hệ người Tiền sử này.
- Hậu Hòa Bình, tại di chỉ Quỳnh Văn (Nghệ An), cách nay ±5000BP, xuất hiện dụng cụ dụng cụ làm bằng xương động vật mài rất sắc, đánh dấu kỹ thuật mài tiến bộ. Kỹ thuật đồ gốm phủ một lớp đất mịn đạt độ bóng đẹp. Tìm thấy loại bếp kê bằng 3 hòn đá. Di cốt thuộc “chủng Australoid, có nét Mongoloid”.
- Văn hóa Hòa Bình kết nối vào Văn hóa Đông Sơn trong cùng một hố khai quật, có niên đại lên tới ±12.000 – 14.000BP tại hang Đồng Trương (Nghệ An) là một sự kiện đặc biệt. Hố khai quật này lại kề cận bên cạnh làng Vạc, một vùng Văn hóa Đông Sơn của thời kỳ rực rỡ nhất. Do vậy, lưu vực sông Lam chứng tỏ là nôi sinh Việt Tộc.
- Văn hóa Hòa Bình kết nối vào hai nền Văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh trong cùng một vùng di chỉ:
+ Di chỉ bãi Cọi (Hà Tĩnh) với một tập hợp di chỉ phong phú gồm đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, sắt, chỉ, kẽm, mã não, thủy tinh, dọi se chỉ, lượi cuốc, lưỡi cày, chõ đồ xôi. Thể hiện một cuộc sống lâu dài và tập trung, có tổ chức xã hội.
+ Di chỉ Thạch Lạc (Hà Tĩnh), tương đồng niên đại Quỳnh Văn. gốm hoa văn khắc vạch, tô màu, chứng tỏ kỹ thuật đạt đỉnh cao. Kỹ thuật đánh bắt hải sản đóng mảng bè xuất hiện. Di chỉ Thạch Lạc còn tìm thấy dọi xe chỉ bằng đất nung, chứng tỏ cư dân Thạch Lạc đã biết dệt vải, biết canh tác nông nghiệp.
+ Di chỉ Bàu Tró (Quảng Bình), niên đại khoảng 3500-4000BP, cuộc sống vẫn dựa vào săn bắt, nhưng đã biết dệt vải. Kỹ thuật chế tác đá cao. Đồ trang sức bằng đá xuất hiện, kỹ thuật cắt, khoan, mài và đánh bóng điêu luyện. Gốm được sơn thổ hoàng ánh đỏ, hoặc đen ánh chì ở ngoài cổ miệng.
Các thông tin trên đủ để kết luận, giống người Việt Nam được tiến hóa tại bản địa, chứ không hề di cư từ nơi khác đến. Nghệ An – Hà Tĩnh có vùng những di chỉ đặc biệt không có ở vùng khác. Đó là các hố khai quật thể hiện một cuộc tiến hóa của loài người, sống tập trung, lâu dài và liên tục không dán đoạn. Suốt từ kỷ Cánh Tân muộn diễn biến liên tục đến ngày nay. Văn hóa Hòa Bình kết nối trực tiếp vào Văn hóa Việt - Chăm. Chứng minh chắc chắn rằng vùng đất này là thủy tổ của hai nền văn hóa rất được các nhà khoa học khảo cổ quốc tế quan tâm, đó là Đông Sơn và Sa Huỳnh. Xem xét các báo cáo về Nhân chủng học ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các hố khai quật từ Thanh Hóa đổ vào cho hết miền Nam đều thuộc chủng người Australoid, hoặc Australoid có nét Mongoloid.
Sách Nhân chủng học Đông Nam Á (Nguyễn Đình Khoa), thể hiện chỉ có các dân tộc vùng Tây Bắc như Thái, Tày, Nùng thuộc chủng người Mongoloid phương Nam. Các dân tộc còn lại từ miền Trung đổ vào đến hết miền Nam, đều thuộc hai nhóm người Vedoid và Indonesien, có nguồn gốc nguyên Đông Dương Proto-Indochinoise. Đây cũng là một chứng minh sự ghi chép đúng của Hậu Hán thư về một quốc gia có tên Việt Thường thời cổ đại ở miền Trung Việt Nam, chưa từng là chư hầu Phương Bắc cho đến trước thời Âu Lạc.
Vậy là đã nhìn thấy rất rõ ràng cái nôi sinh trưởng của người Việt rồi. Phải từ cái nôi Việt Thường phát tín hiệu đi, thì mới biết được có hay không các vị Thần Nông, Kinh Dương Vương, Hùng Vương…
***
Chương II
ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC VIỆT NAM
II.1. ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC VIỆT THƯỜNG
Hậu Hán thư chép:
“Phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường. Năm nhiếp chính thứ sáu của Chu Công, đặt ra lễ, sáng tác nhạc, thiên hạ thái bình, Việt Thường qua ba lần dịch thuật đến hiến bạch trĩ, nói rằng: “Đường xá xa xôi, sông núi cách ngăn, không hiểu lời sứ giả, cho nên chúng tôi phải dùng nhiều lần phiên dịch đến triều kiến.” Thành Vương nhìn sang Chu Công. Chu Công nói: “Nếu không tích đức, người quân tử có được hưởng phước lộc như thế này không? Luật pháp không thực thi, người quân tử có được những kẻ ở xa đến xưng thần không? Tôi đồng ý nhận lễ vật này.” Sứ giả kính cẩn trả lời: “Tôi thụ mệnh chuyển lời của già làng nước mình: Bao lâu nay, trời không giáng sấm chớp bão tố, ý rằng ở Trung Quốc có thánh nhân chăng? Sao không đến đó mà chầu kiến?” Chu Công bèn quay qua Thành vương, ca tụng tiên vương có thần trí, rồi đem đồ cống dâng cúng tông miếu. Sau này đức nhà Chu suy, Việt Thường không còn đến nữa. Đến thời Sở xưng bá, họ triều cống thay cho Bách Việt.”.
Như vậy tạm thời xác định mốc lịch sử Việt Thường là “năm nhiếp chính thứ 6 đời Chu Công”, nhà Chu, tương đương năm ±1018 TCN. Sẽ tiếp tục truy cứu trong lịch sử Trung Quốc, Đại Việt dư địa chí toàn biên chép:
“Sách Thuật di ký của Lương Nhâm Phỏng chép rằng, Đời Đế Nghiêu, Việt Thường dâng con rùa to, Tống Trịnh Tiều chép thêm vào rằng lưng rùa ấy đều khắc chữ khoa đẩu. Vua Nghiêu nhân thế làm sách Quy lịch…”.
Khâm định Việt sử tiền biên của nước ta quy đổi thời gian lịch sử của đời Đế Nghiêu là vào khoảng ±2357 TCN.
Như vậy, không phải truyền thuyết, hay dạng trích quái như ở Ta, mà chính sử Trung Hoa ghi chép rõ ràng từ đời Đế Nghiêu (±2357 TCN), ở phía nam Giao Chỉ đã có quốc gia Việt Thường sang giao lưu với phương Bắc. Lần thứ hai vào đời Chu Công (±1018 TCN). Mãi cho đến triều đại Sở xưng bá (±606 TCN), sử Trung Hoa vẫn chép, “cả Bách Việt chỉ có Việt Thường đến triều cống”. Đem đối chiếu với kết quả khảo cổ, thì cần phải xác thực đây là một ghi chép đúng với sự thật lịch sử.
Vị trí của nước Việt Thường là “phía nam Giao Chỉ”, tức là từ Thanh Hóa đổ vào. Vị trí và sự di biến của tộc Giao Chỉ, tôi sẽ phản biện sau kỳ này, vì tôi cho rằng đã có một cuộc thông hiếu giữa Việt Thường – Giao Chỉ và sáp nhập Giao Chỉ vào Nác Việt (Lạc Việt).
Sử chép, năm 257 TCN, Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu chống lại nhà Tần, sau đó đánh Việt Thường, nhập hai nước Âu – Việt thành Âu Lạc. Sử cũng chép: “Thục đóng đô ở Việt Thường và cắt đứt thông hiếu với nhà Chu”. Như vậy sử Tàu và sử Ta chép thống nhất như nhau. Vào thời nhà Chu suy yếu, Việt Thường không còn sang cống phẩm nhà Chu nữa. Thật ra, lúc này Việt Thường mất nước, rơi vào tay Thục Phán và bị nhập lại với Tây Ấu thành Nác Âu (Âu Lạc).
Một sự thật lịch sử khác phô diễn trên đất Nghệ An, đó là di chỉ làng Vạc cách đền Cuông thờ An Dương Vương chỉ khoảng 15km. Một quãng đường đủ để hai cha con An Dương Vương cưỡi chung một con ngựa và đủ lông ngỗng để rải đường. Lịch sử là phải logic mới đủ độ tin cậy. Di chỉ làng vạc được xác định thời đại vào khoảng thế kỷ thứ nhất TCN, tức vào thời An Dương Vương. Còn dân làng Vạc thì nói rằng những mô đất trên cánh đồng làng Vạc có hình tròn xoáy trôn ốc. Đền Cuông ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cạnh vùng biển mà sử sách ghi nhận là nơi An Dương Vương trẫm mình xuống biển. Trong đền có giếng Ngọc đi cùng sự tích Mỵ Châu. So với ở Phú Thọ, thì tính logic lịch sử cao hơn, giếng này cạnh biển, phù hợp với câu chuyện An Dương Vương chém chết Mỵ Châu rồi theo rùa vàng xuống biển.
Lại một sự thật lịch sử nữa cần phải xác định, đó là Thục An Dương Vương khi đem quân đánh chiếm Việt Thường, chỉ chiếm được một nửa, từ Thanh Hóa đến Diễn Châu. Cho nên mới có chuyện lúc chạy trốn sự truy đuổi của Triệu Đà, chạy đến Diễn Châu thì cùng đường, biên giới chỉ đến đó là hết rồi không chạy được nữa. Nửa nước Việt Thường còn lại, hậu duệ người Việt dựng lên quốc gia mới, đó là nước Hồ Tôn Tinh, bao gồm Nghệ An – Hà Tĩnh ngày nay. Sau này Âu Lạc bị Triệu Đà chiếm đoạt sáp nhập vào Nam Việt, cũng chỉ đến Diễn Châu. Rồi người Hán quy phục Nam Việt vào năm 110 TCN, biên giới cũng chỗ cũ đó, cho nên Diễn Châu được đổi là Nhật Nam.
Đời Mã Viện (14TCN - 49), Hán thư chép, Man Di ngoài biên ải Nhật Nam quậy phá, Mã Viện được cử đi đánh, có cắm cột đồng trên núi, từ đó núi này đổi tên là núi Đồng Trụ. Núi này thuộc thành phố Vinh ngày nay. Tên cổ xưa là gọi là Hùng Sơn. Hiện tại xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh có một ngôi đền có sắc phong, thờ một vị tên là Hoàng Cơ Thạch. Vị này theo truyền thuyết trong đền là người đã cưa cột đồng Mã Viện rồi lăn xuống sông Lam.
Kể từ Mã Viện cắm cột đồng trên núi Đồng Trụ ở bờ bắc sông Ngàn Cả, thì vùng bờ nam con sông này (vùng bắc Hà Tĩnh là vùng được thiên hạ đồn thổi “Nghệ cậy thần” từ đó. Người Tàu dường như không vượt được sông Lam vào vùng đất này. Có chăng vượt qua được, cũng chỉ ba bảy hăm mốt ngày là bị người Lâm Ấp chiếm lại, hoặc do chính người Việt vùng dậy tự độc lập.
± 1000 năm lịch sử đầu Tây lịch, cơ bản là Lâm Ấp làm chủ vùng đất Hà Tĩnh, chứ không phải người Hán. Các vùng di chỉ bãi Cọi – Phôi Phối, Thạch Lạc – Phái Nam đều có chung đặc điểm, đó là sự hòa trộn Văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh. Đó là chứng cứ chắc chắn của lịch sử.
Nói về sông Hà Hoàng. Theo ghi chép từ các thư tịch cổ của nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh, thì sông Hà Hoàng khi xưa bao quanh núi Hồng Lĩnh. Sau biển rút ra xa, sông cạn dần, bị chia thành nhiều khúc sông hồ khác nhau. Đoạn đầu chảy qua Đức Thọ - Nghi Xuân gọi là sông Ngàn Cả. Sông Lam khi xưa không chảy như bây giờ, mà đến Hưng Nguyên thì đổ ra một cửa biển khác. Trời đất vần vũ dịch dời. Sông Lam đổi dòng, nhập vào Ngàn Cả, cho nên khúc đầu của Hà Hoàng, nay thành khúc cuối sông Lam. Dân Hà Tĩnh vẫn gọi theo tên xưa là Ngàn Cả. Hà Hoàng khúc chảy qua Can Lộc gọi là sông Nghèn. Khúc chảy qua Thạch Hà gọi là sông Hộ Độ. Chỉ đến khúc cuối đổ ra cửa Sót vẫn giữ tên cũ xưa của nó là Hà Hoàng. Làng xã ở bờ nam sông Hà Hoàng cũng được gọi là Hà Hoàng. Cuối dòng sông này, bộ tộc Bà La Môn (Bồ Lô) cổ xưa vẫn sinh sống đời vạn chài, lấy thuyền làm nhà như mấy ngàn năm trước. Sông Hà Hoàng là biên giới Việt – Chăm. Từ bờ bắc sông Hà Hoàng đến bờ nam sông Ngàn Cả, đất Việt Thường vẫn duy trì tên gọi cho đến đời Tiền Lê (980-1009) mới đổi là Hoan Châu, tổng cộng khoảng ±3.357 năm.
Lâm Ấp không phải là một quốc gia hèn yếu, mà là một quốc gia hùng cường. Suốt ±1000 năm sau Công nguyên, vẫn giữ gìn truyền thống vẻ vang của người Việt Thường, nên dường như người Trung Hoa không cai trị nổi. Từ đầu Công Nguyên, Văn hóa Phật giáo từ dân tộc Chàm đã được truyền bá rộng rãi khắp các nước Đông Nam Á và vào Trung Quốc.
Năm 543, vua Lâm Ấp RudravarmanI đánh Nhật Nam. Lý Nam Đế bây giờ đang chinh phạt ở biên giới phía bắc, bèn sai Phạm Tu cầm quân vào nam đánh, đuổi được Lâm Ấp qua khỏi đèo Ngang và ấn định biên giới phía nam nước Vạn Xuân ở đó.
Năm 1069, Lý Thường Kiệt bèn quay vào nam để dẹp Lâm Ấp. Trận này bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ. Để đổi lấy tự do bản thân, vị vua này liền dâng tặng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Về sau lại bị Chiêm Thành cướp lại. Biên giới trở về chỗ cũ là đèo Ngang.
Đời Trần, năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả cho quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Người Chàm rất tự hào về vị vua này trong lịch sử của họ. Cuộc lương duyên này, Chế Mân đã cắt hai châu Ô, Rí tặng cho Đại Việt. Ngược lại, nhà Trần cắt một vùng đất nhỏ ở huyện Nghi Xuân làm của hồi môn cho Công chúa Huyền Trân theo chồng. Chỗ này là nơi Huyền Trân lên thuyền theo chồng về nam, từ đó làng này có tên là làng Chế. Nhiều sử gia nhầm Ô, Rí vào tận Quảng Trị, thật ra chỉ là hai châu nhỏ phía bắc Quảng Bình. Kể từ đó, biên giới nước Đại Việt kéo dài tới bờ bắc sông Gianh.
Mỗi lần như vậy, người Chàm lại lùi dần vào phương Nam. Trên con đường vừa truyền bá Văn hóa Phật giáo, vừa thu phục hàng chục nước nhỏ sáp nhập vào quốc gia của mình. Người Chàm giỏi về buôn bán thương mãi, từ thế kỷ XIV, người châu Âu đã biết đến sự giàu có ở vùng đất miền Nam Trung Bộ (vàng, trầm hương, yến sào, lụa tơ tằm, sừng tê giác… ).
Năm 1470, Lê Thánh Tông đánh vào Đồ Bàn, bắt được vua Chàm là Bàn Trà Toàn đem về Nghệ An. Trung Quốc không bằng lòng, đem chiếu ban vương cho vị vua đang bị nhốt trong ngục thất Đại Việt này. Nhà Lê phản ứng lại, nói rằng Bàn Trà Toàn đã mất tại Nghệ An và đất ấy đã thành châu Giao Nam của Đại Việt rồi.
Năm 1559, nhà Lê giao cho chúa Nguyễn cai trị các tỉnh Thuận Hóa, Quảng Nam. Dân tộc Chàm suy yếu dần.
Từ 1653 – 1822, Trung Quốc vẫn cố cứu vớt, tiếp tục tấn phong vương vị cho người Chàm. Nhưng từ khi thành Đồ Bàn mất, người Chàm tiếp tục bị chúa Nguyễn lấn chiếm. địa bàn Champa thu hẹp ở vùng Bình Thuận, sau rốt chỉ còn ở Phan Rí.
Năm 1674, chúa Nguyễn thống lĩnh vùng đất Nam Bộ, mở rộng bờ cõi vào đất Champa và Cam-Bốt. Cuộc nổi loạn của quân Tây Sơn là nguyên nhân gián tiếp để sau đó toàn thể lãnh thổ đất đai người Chàm sáp nhập vào Đại Việt, thành nước Việt Nam.
Chiến tranh luôn luôn là nỗi đau thương của mỗi dân tộc. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đó là sự thống nhất và mở rộng bờ cõi người Việt Thường từ gần 5000 năm trước dưới cái tên mới: Việt Nam! Giải đất miền Trung chỉ có một chủng người duy nhất là Indonesien.
II.2. ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC GIAO CHỈ:
Sách LỄ KÝ nhà Hán viết: “Phương nam gọi là Man, người Giao Chỉ thích chữ lên trán. Trong tập tục ở nơi ấy, nam và nữ có thể cùng tắm trên một dòng sông, người xưa gọi là xứ Giao Chỉ”. Đỗ Hựu nói: “Giao Chỉ là người Nam Di, ngón chân cái choạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì hai ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân, tay).”.
Có 4 khái niệm Giao Chỉ cần phải phân biệt, đó là: bộ Giao Chỉ, quận Giao Chỉ, thành Giao Chỉ, huyện Giao Chỉ.
GIAO CHỈ BỘ
Theo TƯ MÃ THIÊN SỬ KÝ, bấy giờ nhà Tần chiếm được cả thiên hạ, cướp đất Dương Việt chia làm 3 quận: Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Đưa tù binh các bộ tộc mà Tần chinh phạt đến ở lẫn với người Dương Việt. Đó chính là lý do sau này vùng biên giới phía Bắc nước Ta có nhiều dân tộc thiểu số thuộc chủng người Mongoloid phương Nam (1).
Cuối đời nhà Tần, Triệu Đà làm huyện lệnh Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải, nghe theo lời xúi dục của Nhâm Ngao, nhân lúc Tần suy yếu, lập mưu đánh cướp Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương. Như vậy cần xác định rõ ràng, Triệu Đà không phải vua mà là giặc cướp nước Ta.
Sau khi thôn tính được đất Dương Việt, Triệu Đà mới đem dã tâm đánh cướp Âu Lạc. ĐVSK chép Thục với Đà đánh nhau ở núi Tiên Du, lấy sông Tiểu Giang làm chiến tuyến. Như vậy vùng đất biên giới phía bắc nước Âu Lạc bấy giờ đến Tiên Du (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay).
Khi nhà Hán diệt nhà Triệu, đổi Nam Việt gọi là bộ Giao Chỉ. Trong bộ Giao Chỉ lại có quận Giao Chỉ và thành Giao Chỉ. Lị sở bộ Giao Chỉ đóng tại thành Liên Lâu (Thuận Thành, Bắc Giang ngày nay), thành này cũng được gọi là thành Giao Chỉ.
GIAO CHỈ THÀNH: An Nam bị lục chép: “Lưu Hướng nói rằng: Đời Hán, huyện lị Giao Chỉ đóng ở Liên Lâu, tức là chỗ ấy. Đời Hậu Hán gọi là huyện Liên Lâu, thuộc quận Giao Chỉ. Đời Tấn, đời Tống cứ theo như thế. Đời Tùy đổi đặt Giao Chỉ thuộc Giao Châu. Đời Đường, năm Vũ Đức thứ tư, lại đặt Giao Châu ở đấy. Lại chia đặt 3 huyện là Từ Liêm, Ô Diên, Vũ Lập. Lấy sông Từ Liêm đặt tên gọi là Từ Châu. Đầu năm Trinh Quán bỏ châu, 3 huyện lại thuộc Giao Chỉ. Năm thứ hai, dời huyện lị đến chỗ thành Giao Chỉ cũ nhà Hán. Vẫn là quận lị Giao Chỉ. Năm Bảo Lịch thứ 1, dời huyện lị đến huyện Tống Bình (Long Biên). Nhan Sư Cổ nói rằng: chữ Liên Lâu cũng đọc là Lũy Lũ.
GIAO CHÂU: Lưu Tống châu quận chí chép: “Hán Vũ Đế khai thác cả Bách Việt, Thứ sử Giao Chỉ đóng lị sở ở Luy Lâu. Hiến Đế đổi gọi là Giao Châu, lị sở ở huyện Quảng Tín. Lại dời lị sở đến Phiên Ngung. Đến lúc chia Quảng Châu, thì Giao Châu lại đóng lị sở ở Long Uyên. Đường, Nhan Sư Cổ nói rằng: Chương Hoài thái tử tên là Uyên, cho nên sách Hán Chí đổi chữ Uyên làm chữ Biên, thành ra Long Biên.”.
Nguyên Hòa chí chép: “Cổ Giao Châu: là đất Việt cũ, đời Hán là quận Giao Chỉ. Đời Tùy năm Khai Hoàng thứ 10 đổi gọi là Ngọc Châu. Năm Vĩnh Huy đổi làm Đô hộ phủ. Huyện Tống Bình là chỗ Quách Hạ, có thành Liên Lũ cũ ở phía tây huyện 75 dặm (35km). Đời Hậu Hán, Giao Châu thứ sử đóng ở đấy.”
GIAO CHỈ QUẬN: Dư địa chí của Cổ Phi Hùng chép: “Giao Chỉ về đời Chu là Lạc Việt, đời Tần là Tây Âu”. Nguyễn Trãi dư địa chí lại chép: “Giao Chỉ sau này là Sơn Nam”, tức là vào khoảng từ Bắc Ninh đến Ninh Bình.
Theo Khâm định Việt sử – Tiền biên, quyển II: “Quận Giao Chỉ thống trị 10 huyện: Liên Thụ, An Định, Cẩu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên”.
LỜI BÀN:
Sử gia nước Ta, bắt đầu từ quan lễ bộ tả thị lang Ngô Sĩ Liên, có lẽ do nhầm lẫn giữa hai khái niệm bộ Giao Chỉ với quận Giao Chỉ, nên mới đem nước Văn Lang vào quốc sử Đại Việt. Sự nhầm lẫn ấy kéo dài triền miên qua các triều đại, cho đến bộ sử mới nhất xuất bản năm 2017, sau một hồi lý sự loanh quanh, thời vẫn đưa nước Văn Lang vào sử?
Không một sử gia nào đủ dũng khí lên tiếng về một nước Văn Lang hoang đường. Cho dù Hán thư, Hậu Hán thư ghi chép khá rõ ràng biên giới các dân tộc Bách Việt. Mà soi vào đấy ta thấy rằng, Đại Việt chỉ có phần đất Lạc Việt mà thôi, chứ không có cả Bách Việt. Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Quốc tế cũng đã công bố vùng lõi Văn hóa Đông Sơn chỉ từ hạ lưu sông Hồng, sông Mã, sông Lam, tức từ Bắc Ninh đến Hà Tĩnh, chứ không có ở cả Bách Việt. Nhân chủng học cũng cho thấy các dân tộc ở biên giới phía Bắc nước ta khác chủng với Văn minh Đông Sơn.
Sử gia cố vẽ cho được 14, rồi 15 bộ của nước Văn Lang. Song không ai thống nhất được với ai, tên bộ lung tung cả, vì thực ra các bộ mà Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Trãi lập nên, ngoài ba cái tên thực sử cổ là Việt Thường, Cửu Chân, Giao Chỉ, thì mười mấy bộ còn lại là của sử mới của các triều vua phương Bắc, mà ta bị lệ vào. Việt Nam cho tới thời kỳ Âu Lạc, chưa hề lập quận huyện. Hán thư chép chỉ có lạc hầu, lạc tướng, lạc vương, chứ chưa có sự phân bổ làng xã.
Mà thực tế thì không có nước nào là nước Văn Lang cả. Nước giáp biên giới Ba Thục và hồ Động Đình của Trung Quốc là nước Dạ Lang. Thủ đô nước Dạ Lang là Văn Lang. Nhưng Dạ Lang hay Văn Lang lại cũng không có vua Hùng nào, chứ đừng nói có tới 18 đời? Dạ Lang là một quốc gia cổ bị nhà Triệu xâm lấn. Vì hận thù nhà Triệu, người Dạ Lang bắt tay với nhà Hán, giúp cho nhà Hán diệt nhà Triệu. Nhưng khi nhà Triệu diệt vong rồi, Dạ Lang cũng không phục quốc được mà trở thành quận Tang Kha của nhà Hán.
Hậu Hán thư chép: (bản dịch của Trương Thái Du)
“Người Man Di vùng tây nam, ở về phía ngoài Thục quận. Có nước Dạ Lang, phía đông giáp Giao Chỉ, phía tây có nước Điền, phía bắc có nước Cung Đô, mỗi xứ đều lập quân trưởng (tù trưởng). Người ở đây búi tóc, vạt áo hướng về bên trái, tụ họp cư ngụ thành làng, chăm chỉ làm ruộng. Phía ngoài còn có bộ tộc Tây, thuộc về các bộ tộc Côn Minh, cực tây có Đồng Sư, đông bắc đến Diệp Du, đất vuông vài ngàn dặm. Những nơi ấy không có tù trưởng, người ta tết bím tóc, du cư theo đàn gia súc. Đông bắc nước Tây có nước Tạc Đô, đông bắc Tạc Đô là nước Nhiễm Mang, nửa định cư, nửa du cư theo đàn gia súc. Đông bắc Nhiễm Mang có nước Bạch Mã của chủng người Để. Ba nước vừa kể không có tù trưởng.
Nước Dạ Lang, xưa kia có một nữ nhân đứng giặt bên sông Độn, bỗng một đoạn tre lớn ba đốt trôi vào giữa hai chân, nghe thấy trong thân tre tiếng khóc, cô gái liền bổ tre làm đôi, được một hài nhi nam, bèn đem về nuôi dưỡng. Khi đứa bé trưởng thành, vừa trí tuệ vừa mạnh mẽ, tự lập làm Dạ Lang hầu, lấy chữ Trúc làm họ. Thời Vũ đế, năm Nguyên đỉnh thứ 6 (111 BC), bình định nam Di, đặt làm Tang Kha quận, Dạ Lang hầu đầu hàng, vua cấp cho vương ấn đeo cổ. Sau này cuối cùng Dạ Lang vương cũng bị giết. Các bô lão đều biết Trúc vương không được sinh ra bởi khí huyết thường nhân, nên rất kính trọng, cầu xin lập thừa tự. Tang Kha thái thú là Bá nghe được về bẩm báo, triều đình bèn phong đứa con thứ ba của Trúc vương tước hầu. Sau khi vị hầu này chết, cùng cha được cúng tế như thần thánh. Ngày nay trong huyện Dạ Lang vẫn tồn tại tục thờ Trúc vương tam lang thần.
… Sơ khởi, thời Sở khoảnh tương vương (298 BC – 263 BC), sai tướng Trang Hào đi theo sông Nguyên chinh phạt Dạ Lang, khi quân đến vùng Thả Lan, buộc thuyền vào bờ rồi lên bộ đánh nhau. Dạ Lang bị diệt, Dạ Lang vương lưu vong đến Điền Trì. Bởi xứ Thả Lan là nơi có cọc buộc thuyền (tiếng Hán là Tang Kha), bèn đổi địa danh đất này thành Tang Kha. Đất Tang Kha nhiều mưa, phong tục chuộng đồng cốt quỷ thần, nhiều điều cấm kỵ, không biết chăn nuôi, cũng không trồng dâu dưỡng tằm, do đó người ở đây rất nghèo. Huyện Cú Đinh có loài cây Quang lang, trong lõi có phấn vàng có thể dùng làm trang sức, sinh kế của trăm họ là khai thác Quang lang...”
II.3. THỦY TỔ LẠC VIỆT LÀ AI?
Phân vùng dư địa chí trong lịch sử, luôn luôn tuân theo phong tục tập quán của từng bộ lạc. Cho dù lịch sử đổi dời, thì cái lõi văn hóa vùng miền vẫn tồn tại. Nếu vùng lõi Việt Thường ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, thì vùng lõi Giao Chỉ ở dưới chân núi Tiên Du. Thành Luy Lâu là thành lũy cổ nhất ở đất Bắc Bộ. Hơn thế nữa, nó từng là Trung tâm văn hóa Đông Phương ở thời Sĩ Nhiếp. Nếu có chăng sự dời đô, thì vùng đô thị mới của người Việt là Liên Lâu, chứ không phải ở đâu khác? Tức là nơi có cụm đền thờ và lăng mộ của Kinh Dương Vương ở tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang (2) bây giờ. Đây cũng là nôi sinh Phật giáo nguyên thủy (Ấn Độ giáo), mà tôi đang kêu cứu trong đề tài “Phật giáo có nguồn gốc Việt Nam”. Lão Tử và Thích Ca mâu ni chắc chắn là một người. Sau khi định hình xong Dân tộc Lạc Việt, tôi sẽ quay lại đề tài Phật giáo để nói về vùng đất đắc đạo của đức Phật Thích Ca.
Luận về vùng đất Phú Thọ, Sử Trung quốc đời Tống chép “Phong Châu xưa là đất Dạ Lang”. Hậu Hán thư chép: “Dạ Lang, phía đông giáp Giao Chỉ”. Mà Trung tâm Giao Chỉ lại được xác định là thành Liên Lâu. Sử nước Ta lại chép: “Triệu Đà và Thục An Dương Vương đánh nhau ở núi Tiên Du, lấy sông Tiểu Giang làm chiến tuyến”. Như vậy, lịch sử vùng đất Phú Thọ đời cổ xưa là đất Dạ Lang, bị nhà Tần chiếm đặt là Tượng Quận. Nghĩa là mãi đến đời Nam Việt Triệu Đà, Tượng Quận có 95 năm cùng quốc gia với Giao Chỉ. Đến đời Hán, Tượng Quận, Quế Lâm, Hải Nam thuộc về Quảng Châu, Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc về Giao Châu.
Xin hỏi, chẳng lẽ vua Hùng dời đô vào đất quốc gia khác mà được chăng?
Nếu lấy lý do ở đất ấy có đền Hùng, thì xin thưa, núi Hồng Lĩnh và thành Liên Lâu cũng có đền Hùng vậy, mà đền ở hai nơi này xưa hơn rất nhiều so với Phú Thọ? Nếu nói đất ấy có núi Hùng, thì xin thưa ở Nghệ An cũng có núi Hùng đấy thôi? Chính ngọn núi mà Mã Viện cắm cột đồng lên, nên đời sau gọi là núi Đồng Trụ, trước đó tên là Hùng Sơn. Ngọn núi ấy rất linh thiêng, người Tàu đến đó là hết đường tiến lui. Mã Viện, Toa Đô, Trương Phụ đều phải dừng bước tại đó.
Thật ra đã có hai miền đất cùng tên. Đất ở nơi có đền thờ Kinh Dương Vương cũng từng có tên gọi là Châu Phong. Nhưng nó khác với Phong Châu (Phú Thọ) ở chỗ, nó nằm trong biên giới đất đai người Lạc Việt cổ, không như Phong Châu (Phú Thọ) là đất Dạ Lang. Trước khu đền của Kinh Dương Vương, có tấm ngự tiền khắc in rõ ràng “Kinh Dương Vương lập quốc năm 2879 TCN, lấy tên nước là Xích Quỷ, đóng đô tại núi Hồng Lĩnh…”. Ở nơi này có nhóm người sống nghề sông nước, mà họ cho rằng tổ tiên của họ người Hà Tĩnh. Đất này thờ phụng tổ tiên người Lạc Việt cũng đã truyền thống rất lâu đời, chứ không ồn ào phô trương.
Như vậy là tôi đã phân định xong ranh giới Giao Chỉ. Từ đây truy vết các nhân vật liên quan đến chính sử nước Ta, gồm: Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương xem xem ai có ai không?
ĐẾ MINH - THẦN NÔNG
Dù sao thì sử sách đã ghi chép trùng khớp với di chỉ khảo cổ, để có thể thừa nhận lưu vực sông Lam là nơi xuất phát của tộc người Việt. Cho dù sử không xác minh được Thần Nông sinh ra năm nào? Nhưng thành tựu để lại cho loài người khiến ta bắt buộc phải nghĩ đó là nhân vật lịch sử có thật, chứ không phải nhân vật truyền thuyết. Là vị tổ nghề của nền nông nghiệp lúa nước, tác giả của cái lưỡi cày, của văn hóa chè xanh và là tổ của nền Đông y học. Do đó Thần Nông phải là Thủy tổ Lạc Việt, chứ không phải người Trung Quốc. Lý do vì sao, tôi xin trình bày dưới đây:
Năm 2014, giữa tôi với ông Hà Văn Thùy có một cuộc tranh luận khá to. Ông HVT nói rằng trên núi Ngũ Lĩnh ở Quảng Châu có đền thờ Kinh Dương Vương. May thay, tôi đã từng đến nơi này và khẳng định rằng không có đền thờ Kinh Dương Vương ở đó. Ngũ Lĩnh ở Quảng Châu là 5 ngọn núi nhỏ, cỡ như Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng. Trên núi có đền thờ Ngũ Cốc Tiên Đế, 5 vị tiên đế ấy gồm: Viêm Đế, Hiên Viên Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Theo truyền thuyết Trung Hoa, năm vị tiên đế hóa thành 5 con dê, mang theo 5 túi hạt ngũ cốc bay xuống trần gian, phát cho thiên hạ và hướng dẫn gieo trồng. Nhưng ngũ cốc của Trung Hoa không có hạt lúa, mà là: Ma (hạt gai dầu), thử (kê), tắc (ngô), mạch (lúa mì), thục (đâu tương). Nghĩa là ngũ cốc của người Trung Quốc không có hạt lúa. Kinh Lễ cũng chép chỉ có 5 loại ngũ cốc trên.
Hậu Hán thư chép: “Đời Hán Anh Đế, người Cửu Chân đã biết trồng lúa hai mùa”, rồi lại chép: “Đời Hán Anh Đế (123), lúa ở Cửu Chân rất tốt, 150 gốc lúa được những 768 bông”. Cùng với lưỡi cày, lưỡi cuốc, chõ đồ xôi bằng gốm trong hố khai quật Bãi Cọi và làng Vạc, chứng tỏ nguồn gốc nền nông nghiệp lúa nước lâu đời ở Việt Nam.
Bàn về cây chè xanh, các nhà khoa học Nga đã từng có báo cáo kết quả nghiên cứu về nguồn gốc cây trà thế giới và kết luận nguồn gốc cây trà ở Việt Nam và tôi từng có một bài viết “Luận về chữ Đạo trong văn hóa uống trà ở Việt Nam và nguồn gốc cây trà thế giới”. Bài viết này của tôi rất được độc giả ủng hộ.
Cuối cùng là bàn về câu chuyện Tổ của Đông y học. Trung Quốc muôn đời nay là Bắc phương trên bản đồ địa lý châu Á. Huống hồ chi trong nội dung Đông y học, luôn nói đến những cây thuốc của xứ Ấn Độ. Mà xứ Ấn Độ tôi đã chứng minh là Việt Nam trước rồi. Xứ Ta mất một ngàn năm thuộc Bắc, văn hóa mất đi nhiều lắm. Mất đến độ hầu hết người Việt Nam ngày nay cứ tưởng Thần Nông là vị thần Trung Quốc. Thật là đau lòng thay!
Đan Nhai là một làng người Việt cổ ngay cửa Hội Thống, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có đền thờ Thần Nông không biết từ bao giờ. Trước đền có một khoảnh ruộng gọi là ruộng Nậy. Lễ khai canh hàng năm được tổ chức tại đây. Trước thì tế lễ Thần Nông, rồi chọn những nhà nông năm trước được mùa nhất làng cùng với quan chức làng xã cùng xuống cày cấy ruộng Nậy. Sau đó các gia đình mới tỏa về ruộng nhà mình để khai canh ruộng của gia đình. Một làng khác ở Đức Thọ, làm lễ cúng Thần Nông tương tự như cúng đồ chay, tất cả thức ăn trên mâm cỗ cúng đều được làm từ bột gạo và bột nếp, kể cả cá chép rán cũng bằng bột gạo.
Bà ngoại tôi là con gái và em gái hai vị lương y khá tiếng tăm ở làng Chợ Cồ, có sử sách Hà Tĩnh ghi chép về hai cụ. Ngoại nói rằng Thần Nông mất giờ Ngọ ngày Đoan Dương. Mất trong lúc đi hái thuốc lội qua một con suối, bỗng một cơn lũ kéo đến cuốn đi, không ai tìm thấy di cốt. Từ đó, vào giờ Ngọ ngày 5 tháng năm hàng năm, người dân Hà Tĩnh thường đi hái lá thuốc nam về phơi khô, cất trữ, nuốt hoa vừng và gặt lúa trần mễ về làm thuốc. Nhưng với vùng đất của người Chàm như Quảng Nam, Đà Nẵng, thì ngày Đoan Ngọ là ngày giỗ tổ Việt Thường, họ ăn tết rất to, ngang ngửa với tết Nguyên Đán. Tiếc là khi ấy quá nhỏ, chưa quan tâm đến mấy chuyện người lớn kể, tôi chỉ nhớ được chút đỉnh bấy nhiêu.
II.4. BÀN VỀ BỘ SÁCH: LĨNH NAM TRÍCH QUÁI
Cũng giống như bộ Đai Việt sử ký, sau khi bộ sử của Ngô Sĩ Liên ra đời, thì hai bộ sử cũ của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, người Việt Nam không ai còn có cơ hội nhìn thấy nữa? Lĩnh Nam trích quái cũng vậy, bản truyền đời là do Vũ Quỳnh biên soạn lại năm 1492 và cũng không ai còn cơ hội nhìn thấy bản gốc cũ của Trần Thế Pháp ở đâu?
Nhưng xét về tên gọi, tên sách là LĨNH NAM TRÍCH QUÁI, chứ không phải Lạc Việt trích quái, hay Đại Việt trích quái? Ngay lời tựa của cuốn sách Vũ Quỳnh đã viết:
“Quế Dương, tuy ở đất Lĩnh Ngoại, nhưng núi sông kỳ, đất đai linh… Ngu đình này xin xét lại đầu đuôi, cứ từ truyện mà trình bày, để suy minh thêm ý của tác giả. Như truyện họ Hồng Bàng nói rõ lý do khai sang ra nước Hoàng Việt, truyện Dạ Xoa Vương bày bỏ sự tiệm tiến của nước Chiêm Thành… Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, Lý Ông Trọng uy hiếp Hung Nô…”
LỜI BÀN:
- Quế Dương, nay là tỉnh Hồ Nam, cách Việt Nam một tỉnh Quảng Tây rộng lớn, đâu có phải đất Lạc Việt của Ta?
- Hung Nô, nay là khu tự trị Nội Mông và tỉnh Cam Túc, thuộc miền biên giới phía Bắc Trung Quốc, sao mà người Lạc Việt có thể sang đó uy hiếp được?
- Vũ Quỳnh cũng nói: “Họ Hồng Bàng khai sáng nước Hoàng Việt”, chứ đâu có nói là khai sang nước Lạc Việt? Đối chiếu sử sách Trung quốc các đời chép về Ta, chỉ có Giao Chỉ, Việt Thường, Lạc Việt, không có sách nào nói về họ Hồng Bàng ở nước Ta cả? Văn Lang cũng không xác định được giai đoạn lịch sử nào?
Vậy xem ra sử gia đã không để ý lời tựa của tác giả, cho nên nhầm lẫn chăng? Ôm hết trích truyện của cả Bách Việt chép thành chính sử Lạc Việt, cho nên nó mới xảy ra mâu thuẫn lung tung. Thật là một sự nhầm lẫn ngớ ngẩn kéo dài năm sáu trăm năm trời, không sử gia nào phát hiện ra được là cái làm sao?
Ở đây cũng xin xét lại khái niệm Bách Việt, định hình lại nó để mà tỏ tường gốc tích. BÁCH KHOA THƯ VĂN HÓA CỔ ĐIỂN TRUNG QUỐC chép:
“Việt: Tên gọi chung các tộc người Việt phương nam thời cổ. Thời Chiến Quốc gọi là Bách Việt. Phân bổ rất rộng, chủ yếu ở các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, An Huy, Hồ Nam ngày nay và Bắc Bộ Việt Nam… cuối đời Chiến Quốc, tộc Việt ở vùng Dương Châu lại tự xưng là Dương Việt. Đời Tần – Hán, người Việt hình thành mấy bộ phận khá mạnh tức Đông Âu, Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu. Đông Âu ở vùng Ôn châu nam bộ tỉnh Chiết Giang ngày nay. Mân Việt ở vùng Phúc châu, tỉnh Phúc Kiến ngay nay. Nam Việt ở tỉnh Quảng Đông và nam bộ khu tự trị tỉnh Quảng Tây ngày nay. Tây Âu đại khái phân bổ ở tây bộ tỉnh Quảng Đông ngày nay. Lạc Việt chủ yếu phân bổ ở Bắc Bộ Việt Nam”.
Như vậy, Bách Việt và Nam Việt là hai khái niệm khác nhau. Nam Việt chỉ là một quốc gia trong Bách Việt rộng lớn, vị trí địa lý của Nam Việt thuộc vùng Lĩnh Nam, tức Quảng Đông và một phần Quảng Tây. Còn Bách Việt gồm cả thảy 9 tỉnh của Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam ngày nay .
Tuy mang tên LĨNH NAM TRÍCH QUÁI, nhưng thực chất sách này không chỉ chép trích quái của vùng Lĩnh Nam thuộc đất Nam Việt, mà là trích quái của cả Bách Việt. Đáng nhẽ tên của nó phải là Bách Việt trích quái thì mới đúng?
Đem bấy nhiêu câu chuyện của trăm họ tộc ngoài Lạc Việt vào sử sách Lạc Việt, thì không rối ren sao được?
An Nam chí nguyện của Cao Hùng Trưng chép:
"Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh.
Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ, truyền được mười tám đời…".
Hết nhầm quốc gia, đến nhầm ngữ pháp. Do chữ Hán xưa không có dấu chấm phẩy. Kiểu chép không ngừng nghỉ này Nam Man liệt truyện cũng thế. Một đoạn văn ngắn chép cùng hai nước Giao Chỉ và Văn Lang, nhưng sử gia ta lại hiểu thành Giao Chỉ là Văn Lang? Đã thế lại còn bịa thêm 14, 15 bộ, trong khi mãi cho tới đời Hán cai trị, cả Nam Việt mới đặt một bộ duy nhất là bộ Giao Chỉ.
Cho nên, để định hình, cần phải căn cứ vào những ghi chép có mốc lịch sử rõ ràng và nội dung trích quái đã có xuất hiện trong nhân gian, thuộc phạm vi đất đai Lạc Việt thì mới nên xem xét, truy cứu.
Trình tự ghi chép của lịch sử như sau:
- GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ TỪ ± 2879TCN: Là nước Xích Quỷ, đó là ghi chép trên ngự tiền của lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh – Bắc Giang. Phải có như thế nào thì dân mới chép vào như vậy, bất chấp LĨNH NAM TRÍCH QUÁI chép nơi lập quốc là Ngũ Lĩnh, thì trước lăng mộ Kinh Dương Vương, dân chép nơi lập quốc là Hồng Lĩnh? Phải có lý do như thế nào dân mới chép vậy?
Sách chép “… họ Thần Nông tên là Đế Minh”. Thần Nông không phải họ, mà là hiệu bụt của dân phong tước cho người đã khuất. Cần hiệu đính là Đế Minh, hiệu thụy là Thần Nông.
- GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ ±2357 TCN: Tên nước là nước Việt Thường (đã trình bày tại mục II.1).
- GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ ±1018 – 257TCN: Giai đoạn này xuất hiện ba cái tên: Lạc Việt, Tây Âu và Việt Thường. Như vậy có thể suy đoán, nếu có thế hệ 18 đời vua Hùng (khoảng ±761 năm), thì đây là mốc lịch sử được xác định. Sự chia đôi đất nước cũng được xác định ở giai đoạn lịch sử này. Cho nên đây là giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của của sử nước Ta (sẽ bàn tiếp khi đi cụ thể vào nhân vật Kinh Dương Vương).
- GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ ±257-207TCN: Là nước Âu Lạc, sự sáp nhập trở lại của ba tộc người Việt – Mường – Giao Chỉ
- GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ ±207-110 TCN: Triệu Đà chiếm, thuộc Nam Việt
- GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ ±110TCN-85: thuộc Hán.
Xin hỏi sử gia, triều đại Hồng Bàng nằm vào giai đoạn nào của lịch sử? Lại còn Hoàng Việt như ông Vũ Quỳnh nói nữa?
Luận về tên chữ,
Hồng Bàng ( 鴻龐), chữ hồng chỉ tên một loài chim hồng hạc. Loài chim này ở Ta không có?
Lạc Việt (雒越), có nhiều chữ lạc trong từ điển tiếng Hán, nhưng các sách sử Trung Quốc đồng nhất chép chữ lạc có bộ chuy trong những ghi chép về Lạc Việt. Bộ chuy này chỉ giống chim. Nhiều nhân sĩ cho rằng Trung Quốc có ý khinh miệt Lạc Việt? Tôi không nghĩ vậy. Theo sử sách Trung Quốc mô tả, thì Việt Thường khi xưa chim thấy người không bay, sống với nhau tự nhiên như đồng loại. Ngoài ra, cư dân Lạc Việt đội lông chim trên đầu, xăm hình con giao long trên tay, mà theo truyền thuyết là do Lạc Long Quân dạy cho dân làm vậy để tồn tại với cộng đồng muông thú, không bị chúng ăn thịt. Vậy thì lạc có bộ chuy là mô tả hình dáng dân ta, nước ta thời cổ xưa đấy chứ?
Nhưng tôi vẫn nghĩ, lạc là nác. Nác Việt phát âm theo giọng bắc âm n thành âm l mà ra Lạc Việt.
II.5. BIÊN GIỚI BA DÂN TỘC VIỆT – MƯỜNG – GIAO CHỈ
Tôi cho rằng, sở dĩ người Việt Nam ngày nay nghĩ rằng tổ tiên của mình ở bờ sông Dương Tử là do các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã bị nhầm lẫn địa danh núi Động Đình, Hồ Động Đình của nước Đại Việt với Động Đình Hồ của Trung Quốc?
LĨNH NAM TRÍCH QUÁI chép:
“Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ cưới con gái Động Đình quân là Long Nữ…”
Sách Đại Nam nhất thống chí chép:
“Núi Động Đình ở sách Quy Lai, huyện Yên Thành là núi lớn ở xứ Diễn Châu, phía tây núi có thành, trong thành có những viên đá chồng chất, hình như viên đạn…”.
Núi Động Đình ở Nghệ An có thành quách cổ xưa, dưới núi Động Đình có hồ nước tự nhiên và hồ này cũng được gọi là hồ Động Đình. Cũng chính là nơi Hoàng Phúc (Hoàng Chiêm), một tên tướng nhà Minh do mê nghiên cứu phong thủy đã từ cuốn “Tả Ao chân truyền di thư” bằng chữ Nôm, phát triển ra cuốn “Tả Ao địa lý luận – Hoàng Chiêm”. Cũng chính vì nhầm lẫn địa danh Động Đình, nên nhân sĩ nước Ta cũng đã vô tư bán cái kiến thức của cụ Tả Ao sang Trung Quốc ?!
Từ đây có thể truy ra, Kinh Dương Vương lập quốc ở núi Hồng Lĩnh, đến núi Động Đình hỏi vợ là Long Nữ con vua xứ Động Đình. Hiểu nôm na là trai Nghệ An cưới vợ Thanh Hóa.
Cửu Chân (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ học đã xác nhận đó là nôi sinh của dân tộc Mường. Dựa vào diễn biến tình tiết, có lẽ khi Việt Mường thông hiếu thì sáp nhập hai bộ tộc thành một là Việt Mường. Tên nước Việt Thường có lẽ là trại âm từ Việt Mường mà ra?
So với hai tộc Việt và Giao Chỉ, thì Mường ở giữa nên ít biến động về chiến tranh do loài người gây nên. Nhưng Khảo cổ học cho thấy cư dân Mường phải di dời lên vùng cao bởi một cuộc xâm lấn của biển cả vào khoảng ± 4500BP. Thời gian biển lấn đất liền là khoảng 1000 năm. Khi biển rút, cư dân Mường lại trở về lại đồng bằng và bắt đầu cuộc chinh phục biển. Nhà khảo cổ học Bùi Vinh viết:
“Cư dân Đa Bút sau quá trình chuyển cư đi các miền ngoài đã bắt đầu trở lại với đồng bằng Thanh Hóa. Việc phát hiện ra di chỉ Gò Trũng thuộc Văn hóa Đa Bút và sau đó là di chỉ Hoa Lộc trong các cồn cát thuộc xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) dã mình chứng cho sử trở về và tiếp tục phát triển cuộc sống của những người Đa Bút trên vùng đất đầy biến động này, để đã sang tạo nên nền văn minh vùng sông Mã sau này.”
Đó cũng là lý do, tuy Thanh Hóa có hai vùng văn hóa khảo cổ nổi tiếng là Đa Bút và Đông Sơn, nhưng lại không có địa điểm kết nối liên tục cuộc sống từ Tiền Sử sang Văn minh Đông Sơn như ở Nghệ An - Hà Tĩnh.
Nguồn gốc Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh có lẽ là từ sự kiện cơn đại hồng thủy của biển này. Chuyện 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển cũng là từ sự kiện này? Không chỉ có ở Bắc Bộ, truyền thuyết Hà Tĩnh cũng có chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh vậy.
Sự suy diễn này chỉ có thể là, do biển dâng đại hồng thủy tới tận chân dãy Trường Sơn, nên dân phải chạy lụt, thành ra chia lìa nhau. Trong cuộc lánh nạn này, 50 người con theo mẹ lên rừng và hình thành hai dân tộc Mường và Giao Chỉ. Bằng cớ là hai dân tộc này gọi mẹ là u, ngu (âu). 50 người con theo cha ở lại núi Hồng Lĩnh và thành dân vạn lạc. ±1000 năm biển lấn, dân vạn lạc vẫn duy trì lịch sử Việt Thường Thị, lập nên kỳ tích về độ dài tiến hóa của loài người suốt từ kỷ Cánh Tân muộn đến ngày nay.
Khâm định Việt sử chép:
" Năm Giáp Dần (114). Hán, An Đế, Năm nguyên sơ thứ 1. Tháng hai, mùa xuân. Quận Nhật Nam đất nứt xé ra.
Sách Cương mục Trung Quốc chép rằng ở quận Nhật Nam đất nứt xé ra dài hơn trăm dặm.".
Đây có lẽ là sự hình thành của sông Lam ở Nghệ An? Một minh chứng khác cho nghi vấn nội dung mâu thuẫn của Ngọc phả Hùng Vương, chỉ là loại sách mới biên soạn của đời sau? Bởi vì đoạn sông mà bây giờ người Nghệ An nói rằng "sông Lam rọi núi Hồng" thực ra không phải sông Lam, cũng không phải núi Hồng? Nó là sông Hà Hoàng và núi Ngũ Lĩnh, lĩnh là đỉnh núi. Núi này có 5 ngọn hình yên ngựa, cho nên còn gọi là Ngũ Mã, cũng có tên khác là Nghĩa Lĩnh. Núi Hồng Lĩnh và núi Nghĩa Lĩnh được tách nhau bởi một cái truông, đó là đất Nghĩa Xuân (Nghi Xuân), di chỉ Bãi Cọi mà tôi đã chia sẻ nằm ở đất Nghĩa Xuân ấy. Vậy sông Lam mãi tới năm 114 sau CN mới hình thành. Cớ làm sao An Dương Vương và Hùng Vương có thể đánh nhau ở đó được?
Dư địa chí của Cổ Hi Phùng chép:
“Giao Chỉ về đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu”.
Có thể xác định việc chia tách thành ba nước: Giao Chỉ, Mường và Việt được xảy ra khoảng ± 2500TCN trong cơn đại hồng thủy. Sớm hơn so với lần đi sứ sang Trung Quốc vào đời Đường Nghiêu (±2357TCN). Đến đời Tần, Giao Chỉ đổi tên là Tây Âu. Hoặc bị Tần nhập vào nước Âu, rồi sau đó lại chia ra hai nước Đông Âu và Tây Âu? Chính là vùng đất Bắc Bộ từ Ninh Bình đến Bắc Ninh ngày nay.
±257 – 207TCN, Thục Phán lãnh đạo quân Tây Âu đánh nhau với Tần. Sau lấy cớ vua Hùng không đồng ý gả con gái cho cha mình, Thục đánh nhau với vua Hùng 18. Đây cũng là căn cứ quan trọng để phủ quyết trò lừa đảo của sử gia về việc vua Hùng dời đô về Phú Thọ, thuộc đất Tượng Quận.
Xin hỏi, nếu Thục đã đánh chiếm được đến Giao Chỉ, thì coi như vượt qua được đất Tượng Quận rồi, sao phải còn đánh ngược trở lại?
Còn nếu nói vua Hùng là vua Tây Âu thì cũng không đúng luôn, vì khi ấy Thục Phán đã là thủ lĩnh Tây Âu rồi sao còn phải đánh vua Hùng?
Sử chép Thục Phán đánh vua Hùng, rồi chiếm nước của vua Hùng và đóng đô trên đất Việt Thường, cắt đứt thông hiếu với nhà Chu. Xin hỏi, nếu vua Hùng không phải vua Việt Thường, thì cớ nào Thục Phán đóng đô trên đất Việt Thường được? Cho nên, nếu sử gia cứ khăng khăng vua Hùng là Quốc tổ, thời có ba vấn đề lịch sử phải xác định lại:
1 - Kinh đô của vua Hùng không ở đất Phú Thọ
2 - Kinh đô Âu Lạc đóng trên đất Việt Thường
3 - Vua Hùng 18 là vua Việt Thường
Đó là nói về ba dân tộc xương sống của Lạc Việt. Nhưng còn một vấn đề liên quan đến văn hóa và đời sống Lạc Việt cần phải bàn khác, đó là Lạc Việt có hai đạo lộ từ đời thượng cổ, hai con đường muối Thượng Đạo và Hạ Đạo. Thượng Đạo là con đường có cả công sức trời đất và con người cùng mở mang đi suốt dọc dãy Trường Sơn. Hạ Đạo là con đường của dân vạn lạc ven biển. Chính là con đường mà người Việt Thường đi ngoại giao sang nhà Chu. Dọc hai con đường Thượng Đạo và Hạ Đạo này, chủng người Indonesien chia thành nhiều nhóm nhỏ, sinh sống và trưởng thành. Họ có lẽ là người Lạc Việt trong quá trình chạy lũ, lạc mẹ cha đã tự mưu sinh, lập nên bộ tộc riêng của mình. Cơ bản các bộ tộc này về sau đã gia nhập vào Liên bang các dân tộc Champa.
Về 18 đời vua Hùng. Hiện ở Hà Tĩnh có dấu vết 3 vị:
- Sự tích vua Hùng thứ 3, sử địa phương chép thường đi du ngoạn ở biển Thiên Cầm. Gần bên bờ biển có một ngọn núi, trong núi có hang thông ra phía biển. Khi gió nổi lên, tiếng gió thổi vào hang núi nghe như tiếng đàn, nên vua Hùng đặt tên núi ấy là Thiên Cầm. Đồng thời gian là sự tích công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ ba, đã gặp gỡ Chử Đồng Tử là người ở làng Chử Xá, làm nghề bốc dỡ hàng hóa cho các thuyền buôn cập cảng chợ Hà. Sau hai người lên núi Quỳnh Viên, theo học đạo với thiền sư Ngưỡng Quang. Vua Lê Thánh Tông khi tuần du qua núi Nam Giới đã đề thơ rằng “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên”, nghĩa là ngọn núi nổi tiếng này cổ xưa gọi là Quýnh Viên. Hoàng giáp tiến sĩ Bùi Dương Lịch, trong đoạn mô tả về nguồn nước giai phẩm trên núi Quỳnh Viên, từng chép: “... suối này ở cõi nam phục núi Nam Giới (tên cổ là Quỳnh Viên), huyện Thạch Hà. Đời sau tương truyền thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung đắc đạo ở đây…”. Đây là câu chuyện về Phật giáo cổ nhất thế giới. Địa danh cổ này đến nay vẫn còn tên núi, tên làng, tên chợ như vậy. Trên núi vẫn còn có miếu Quỳnh Viên. Chỉ cách vài cây số đường chim bay so với đỉnh Hương Tích trên dãy Hồng Lĩnh, là nơi gốc tích ra đời truyền thuyết Phật Bà Trăm Tay Nghìn Mắt và Kinh Dược Sư. Đều là những tích sử cổ nhất của Phật giáo.
- Sự tích vua Hùng thứ 15, gắn liền với sự tích trầu cau. Hiện ở Nam Đàn và Thanh Chương, Nghệ An có miếu Trầu Cau, từng được sắc phong qua ba đời: Trần, Lê, Nguyễn. Ở Hà Tĩnh cũng có làng Phù Lưu trong truyền thuyết, chính là xã Phù Lưu quê hương của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ngày nay.
- Sự tích vua Hùng 18, gắn liền với cuộc chiến giữa Thục Phán và Vua Hùng tại cửa biển Đan Nhai, gần với khu di chỉ Bãi Cọi mà tôi đã giới thiệu.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Từ kỷ Lạc Long Quân – U Cơ đến kỷ 18 vị vua Hùng cách nhau ±1000 năm biển lấn, nên nói Lạc Long Quân là vua Hùng đời thứ nhất cần phải xem lại? Vị trí vua Hùng dựng nước lại ở trên đất Hồ Tôn, tức là đất thủy tổ của người Chàm. Đó là chưa nói, khi người Chàm dựng nước, đời vua thứ hai lấy hiệu là Phạm Hùng, liệu rằng có phải người Chàm muốn tiếp nối tryền thống vua Hùng? Sùng Lãm đồng âm với Hùng Phạm có gì đáng bàn?
Chỉ biết rằng theo lịch sử ghi chép, thủy tổ của người Chàm là người Việt. Đất người Chàm dựng nước cũng là đất thủy tổ của người Việt. Người Chàm và người Việt đồng chủng Indonesien. Điều này khác hẳn với cộng đồng Bách Việt, gồm nhiều chủng người khác nhau. Lịch sử Việt Thường Thị lâu đời hơn bất kỳ thị tộc nào trong cả Bách Việt.
Năm 2014, một Hội thảo quốc tế về Văn hóa Đông Sơn được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, các nhà khảo cổ học công bố kết quả nghiên cứu rằng: Hạ lưu sông Hồng – sông Mã – sông Lam là vùng lõi Đông Sơn, tức gốc gác cội nguồn Lạc Việt gồm Việt – Mường – Giao Chỉ. Tôi dự đoán, một ngày không xa, các nhà khảo cổ sẽ phải tổ chức một hội thảo quốc tế về Văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh.
Đây là nội dung phản biện về cổ sử Lạc Việt. Còn như bàn về cả nước Việt Nam ta, di chỉ khảo cổ ở An Khê còn chấn động hơn cả những gì tôi viết. Năm 2015, tại thị xã An Khê, Gia Lai Kon Tum, có khoảng 30 đoàn khảo cổ khắp thế giới về dự một cuộc hội thảo, mà di chỉ, di cốt đem ra giới thiệu trong hội thảo, là sự phát hiện về loài người Nguyên thủy sớm nhất thế giới, khoảng trên dưới tám mươi vạn năm trước CN…
CHƯƠNG III. ĐỊNH HÌNH VỊ TRÍ XỨ ẤN ĐỘ - THIÊN TRÚC VÀ NGUỒN GỐC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI - MỤC III.1: XỨ ẤN ĐỘ LÀ XỨ NÀO?
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ SỬ DỤNG:
- Tổng tập Văn học Phật giáo – TS Lê Mạnh Thát
- Dân tộc Chàm lược sử - Dohamide-Dorohiem
- Đông Dương ngày xưa và ngày nay - Henri-Cucherousset
- Lược sử phật giáo Ấn Độ - Thiền sư Thích Thanh Kiểm
- Tâm lý dân tộc An Nam – Paul Giran
- Hồi ký Đông Dương – Paul Dourmer
- Khảo cổ học Bà Rịa Vũng Tàu
- Tâm lý dân tộc An Nam – Paul Giran
- Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Hoa – Nguyễn Tôn Nhan
- Bụt sử lược biên thiệt truyện – Pierre RE
- Phật giáo Việt Nam – Trần Văn Giáp (bản tiếng Pháp – Tuệ Sĩ dịch)
- Phật giáo Nam kinh tông – Thiện Hậu
- Phật giáo – Trần Trọng Kim
- Truyền đăng lục
- Tục cao tăng truyện
- Thiền uyển tập anh
- Luận biện chính
- A Dục vương truyện
- A Dục vương kinh
- Phật giáo Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục
- ĐVSK toàn thư
- Khâm định Việt sử triều Nguyễn
- Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim
- Trung Quốc sử lược – Phan Khoang
- Nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam – Bình Nguyên Lộc
- Hậu Hán thư - Bản dịch của Trương Thái Du
- Lĩnh Nam trích quái
- Tư Mã Thiên sử ký
- Văn hóa Sa Huỳnh – Viện Đông Nam Á – 1991
- Văn hóa Tiền sử Việt Nam – Bùi Vinh
- Nhân chủng học Đông Nam Á – Nguyễn Đình Khoa
- Đại Việt địa dư toàn biên – Phương Đình Nguyễn Văn Siêu
- Hà Nội (Những kinh thành có trước Hà Nội) – Nguyễn Quang Lục
- Việt Nam Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang
- Thủy kinh chú sớ - Lịch Đạo Nguyên chú
- Vương quốc Champa – Lịch sử 33 năm cuối cùng – PGS.TS.Po Dharma
- Sử liệu Phù Nam – Lê Hương