Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
ĐỊNH VỊ QUẬN NHẬT NAM
 
(07h: 15-05-2022)
ĐỊNH VỊ QUẬN NHẬT NAMBài viết của Phan Lan Hoa
***

 

 

ĐỊNH VỊ QUẬN NHẬT NAM

Phan Lan Hoa

⁕⁕⁕

Tôi thấy cổ sử chép khá rõ ràng, không hiểu sao các nhà nghiên cứu lại cãi nhau om sòm, rồi ông nào cũng thể hiện mình lắm chữ, mỗi ông phóng bút theo một kiểu, cuối cùng là Chính sử thành loạn sử!

Để sáng tỏ vấn đề, trước hết phải định vị được mấy địa danh sau đây, nó có thể khác nhau hoặc giống nhau về tên gọi, về quy mô quản hạt, nhưng nó “dây mơ rễ má” với nhau trong lịch sử.

1. Bách Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Việt Thường là 4 khái niệm khác nhau.

2. Giao Chỉ bộ, Giao Chỉ quận, Giao chỉ thành cũng là 3 đơn vị hành chính có tầm quy mô quản hạt khác nhau

3. Lĩnh Nam và cổ Việt không phải cùng một vùng địa danh.

4. Cột đồng Mã Viện có hay không? Có thì nó ở đâu?

5. Định vị địa danh Nhật Nam

6. Nước Hồ Tôn giáp biên giới phía nam nước cổ Việt như sử chép bây giờ nó đâu?

Ngoài các khái niệm trên cần được sáng tỏ, thì cần phải giác ngộ rằng đất đai trong một địa danh không hề nguyên si cái thủa ban đầu, mà luôn luôn bị biến động bởi nhà cầm quyền, bị cắt chia, sát nhập, thay tên, đổi chủ, vv…

Tôi lấy ví dụ:

Năm 192, Khu Liên đem quân đánh chiếm Tượng Lâm và lập ra nước Lâm Ấp. Nước ấy ban đầu chỉ nhỏ bằng một huyện với vài ngàn quân. Nhưng sau đó mở mang rộng đến 4 tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên vào thời Phạm Phạn Chí. Thế rồi sau một trận giao tranh với nhà Tùy, Phạm Phạn Chí thua và chạy vào Quảng Nam, lập vương quốc mới lấy tên Chăm-pa. Nhưng nhà Tùy vừa rút quân, Phạm Phạn Chí liền lấy lại đất cũ, nước ấy mở mang ngàn dặm bao trùm cả Côn Lôn, Chân Lạp.

Quay lại vấn đề định vị các đia danh.

I. CÁC KHÁI NIỆM VIỆT THƯỜNG, LẠC VIỆT, NAM VIỆT, BÁCH VIỆT:

VIỆT THƯỜNG, là địa danh cổ Việt lâu đời nhất theo ghi chép trong nhiều trang chính sử Ta – Tàu, đồng chép: “Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ”. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại phóng bút tuyên bố xanh rờn “Không có dân tộc nào tên Việt Thường”? Có hay không địa danh Việt Thường trong lịch sử, sẽ trình bày ở nội dung chính của chương viết này”.

LẠC VIỆT, bao gồm Cổ Việt Thường và Cổ Giao Chỉ gộp vào, tức nền tảng căn bản của 3 dân tộc lớn nhất Việt Nam: Việt – Mường – Giao Chỉ, chủ nhân của nền Văn minh Đông Sơn. Định danh Lạc Việt đã được các nhà khoa học khảo cổ quốc tế xác nhận và công bố. Đất đai từ bờ nam sông Bình Giang (tên khác là Như Nguyệt, Nguyệt Đức, nay là sông Cầu, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), đến bờ bắc sông Hà Hoàng (Lộc Hà, Hà Tĩnh ngày nay).

Có điều quan trọng đáng bàn ở đây: Lạc Việt và Việt Thường là một hay hai nước?

Từ các căn cứ lịch sử, tôi cho rằng Lạc Việt và Việt Thường thực chất là một dân tộc, cùng một dòng máu, cùng một nền văn hóa, mà nền văn hóa cổ đại ấy thiên hạ vẫn gọi là VĂN HÓA ẤN ĐỘ. Hay nói cách khác, Ấn Độ giáo là trí tuệ Việt Nam. Đến thời Pháp thuộc, Việt Nam vẫn còn được gọi với cái tên là “xứ Ấn Độ”. Còn vì sao bây giờ nó mất đi cái tên ấy, phải hỏi kẻ cai trị ở “thiên đình” tại thế kỷ 20 này?!

Sử chép “Thục An Dương vương lãnh đạo người Tây Âu chống Tần”, vậy thì tất yếu có cuộc chiến tranh giữa Tây Âu – Tần xảy ra trong lịch sử. Và Thục từng làm vương Tây Âu trước, rồi mới từ đất ấy đánh sang Việt Thường. Nhưng đất mà Thục chiếm được lại là vùng đất có tên là Lạc Việt trong ghi chép của cổ sử?

Thực chất ông vua này chỉ chiếm được ½ đất Lạc Việt chứ không chiếm được cả. Bằng cớ là khi chạy trốn Triệu Đà, đến Diễn Châu là cùng đường, vì nước Âu Lạc của ông chỉ đến đó, Thục bèn quay lại giết chết con gái mình, rồi lao mình xuống biển. Dấu tích lịch sử và đền thời vẫn còn nguyên sơ nơi này.

Vậy nên khi Tây Hán chiếm được Nam Việt, bèn viết vào Hán thư “Phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường…”. Viết vậy là vì biên giới Giao Chỉ bộ chỉ đến Hàm Hoan là cùng biên. Một nửa nước còn lại của người Việt Thường vẫn tồn tại.

Có lẽ tên nước theo ngôn ngữ cổ Việt là Nác Việt Thường, gọi tắt là Nác Việt, nhưng do phát âm “n” thành “l” mà thành Lạc Việt?

Tây Hán, đến đời Hán Vũ Đế mới thu phục được đất Nam Việt. Tuy trong sử sách nhà Hán, đất cổ Lạc Việt được chia làm 3 cõi: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Nhưng Nhật Nam thực ra là đất ki mi, nghĩa của nó là cai quản lỏng lẻo trong chính sách cai trị của nước Tàu. Trên thực tế người Tàu không thuần phục được dân Việt Thường. Trên phần đất phía nam Cổ Việt, nước Việt Thường, rồi lại nước Hồ Tôn và cuối cùng là  nước Lâm Ấp luôn là quốc gia dành chủ quyền độc lập trên vùng đất ấy. Đặc biệt các cuộc chiến tranh Lâm Ấp – Tàu, phía chủ động luôn luôn là người Lâm Ấp. Lý do họ chủ động chiến tranh là để đòi lại đất Lạc Việt của tổ tiên họ.

NAM VIỆT, là nước do Triệu Đà lập ra từ năm 207 TCN, đất đai gồm 3 quận: Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải của nhà Tần và Âu Lạc của người Việt. Nam Việt tồn tại đến năm 111 TCN, thì mất vào tay nhà Tây Hán.

BÁCH VIỆT, là tên gọi có từ khi nhà Tây Hán thu phục được đất Nam Việt của Triệu Đà. Tất cả những tộc người từ bờ nam sông Dương Tử cho đến Cửu Chân, được nhà Tây Hán gộp hết vào gọi là Bách Việt. Nếu Lạc Việt là 3 tộc người cùng huyết thống cội nguồn, thì Bách Việt rộng lớn và gồm rất nhiều sắc tộc khác nhau, không cùng huyết thống và dường như mỗi nhóm người trong Bách Việt đều có nền tảng văn hóa, sắc tộc và lịch sử riêng của mình, có lẽ nên gọi là CÁC NƯỚC TRONG NHÓM BÁCH VIỆT sẽ dễ hiểu hơn.

II. CÁC KHÁI NIỆM GIAO CHỈ

GIAO CHỈ BỘ: Khi nhà Tây Hán thu phục được Nam Việt, liền đổi gọi Nam Việt là Giao Chỉ Bộ, đất đai gồm Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải (Quảng Đông, Quảng Tây và Âu Lạc).

GIAO CHỈ QUẬN: Trong Giao Chỉ Bộ có Giao Chỉ quận, là đất nguyên thủy của tộc người Giao Chỉ, nên còn gọi là Cổ Giao Chỉ. Cổ Phi Hùng nói “Giao Chỉ là nước Tây Âu đời Chu Thành Vương”; Nhưng theo sách Hoàn Vũ Ký: “Vĩnh Gia là Đông Âu, Uất Lâm là Tây Âu, Giao Chỉ là Lạc Việt”. Đây là mấu chốt gây ra nhầm lẫn của các sử gia nước ta về sau, nhầm Giao Chỉ Bộ với Giao Chỉ Quận; nhầm Bách Việt, Nam Việt với Lạc Việt; Đánh đồng đất Giao Châu vào đất Lĩnh Nam (Ngũ Lĩnh); Cộng ba cái nhầm lại là một kết quả dở khóc dở cười: Triệu Đà là giặc cướp nước, lại đi chép thành vua dựng nước? Dư địa chí Nguyễn Trãi nói: “Sơn Nam là đất Giao Chỉ xưa”. Vậy đất đai cổ Giao Chỉ nằm vào khoảng từ Bắc Ninh đến Ninh Bình.

GIAO CHỈ THÀNH: Lị sở của Giao Chỉ Bộ đóng tại thành Liên Lâu, nguyên là thủ phủ của Cổ Giao Chỉ, nên thành Liên Lâu cũng được gọi là Thành Giao Chỉ. Vị trí thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Giang ngày nay, vẫn còn dấu tích thành xưa (cũ là đất Bắc Ninh).

III. VỊ TRÍ TƯỢNG QUẬN Ở ĐÂU?

Tư Mã Thiên sử ký, mục “Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, chép:

Năm thứ 33, Tần Thủy Hoàng đưa những người trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ…”

Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Tiền biên, chép:

Đến Hán Vũ đế bình định được Nam Hải mới tách Quế Lâm đời Tần làm hai là Uất Lâm và Thương Ngô; tách Tượng Quận làm ba là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lại xắn bớt đất Nam Hải và Tượng Quận đặt ra quận Hợp Phố…”.

Cách quãng giữa giai đoạn lịch sử Tần – Hán, có cuộc chiến tranh giữa Nam Việt – Âu Lạc, đó là căn cứ để chứng minh Tần chưa đụng được đến Âu Lạc. Nhưng rõ ràng sử Tàu chép Thục lãnh đạo dân Tây Âu chống Tần, có chiếm đất Tây Âu? Rồi lại chép Nhật Nam là đất Tượng Quận đời nhà Tần?

Phải dựa dẫm vào diễn biến tình hình để lý giải vấn đề:

Sử ta chép: “An Dương vương lãnh đạo người Tây Âu chống Tần”. Sau đó Thục viện cớ vua Hùng không chịu gả con gái nên đánh lấy và gộp 2 nước Tây Âu và Việt Thường thành nước Âu Lạc. Sử ta cũng chép: “Thục đóng đô trên đất Việt Thường và cắt đứt thông hiếu với nhà Chu”.

Sử chép như vậy thì cổ Giao Chỉ không phải Tây Âu?

Bởi vì ngoài Tây Âu còn có Đông Âu. Thực tế có một thị tộc tên là Âu Thị, đời Hán gộp vào nhóm Bách Việt, gọi là Âu Việt, đất đai tổ tiên của họ thuộc vùng Quế Lâm. “Tây Âu là đất Giao Chỉ” là sử chép đúng, nhưng đó là Giao Chỉ Bộ. Còn Giao Chỉ quận là cổ Giao Chỉ thuộc đất Lạc Việt.

Có lẽ trước thời Nam Việt Triệu Đà, nước Âu Lạc của An Dương Vương từng gồm cả Tây Âu, nhưng đã bị Tần chiếm mất phần đất Tây Âu, đặt làm quận Quế Lâm,  chỉ còn lại đất Lạc Việt mà thôi?

Chỉ có thể lý giải như vậy mới giải quyết ổn thỏa về địa danh Âu Lạc.

Để tiếp tục chứng minh, phải bàn sang những trang chép về sự kiện Triệu Đà lập nước Nam Việt. Bấy giờ ở Trung Nguyên. Lưu Bang và Hạng Tịch cầm đầu hai cánh quân của Sở Vương, quyết tâm diệt Tần. Tuy nhiên sau khi diệt được Tần, Lưu – Hạng quay qua tiêu diệt lẫn nhau. Hạng Vũ chết, Lưu Bang dành được Trung Nguyên, lập ra triều Tây Hán. Ngay tại thời điểm Sở diệt Tần (207 TCN). Triệu Đà nhanh tay đánh chiếm 3 quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, bấy giờ vốn do Tần chiếm đất Lục Lương lập ra. Đà bèn lập vương quốc riêng, đặt quốc hiệu là Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vương. Sau lại dùng tiền của mua chuộc dân Mân Việt, Dương Việt lệ vào Nam Việt.

Cần phải nhấn mạnh, đất Lục Lương không dính dáng máu mủ gì đến Lạc Việt.

Triệu Đà cũng không phải gốc gác người Lạc Việt, cho nên chuyện Âu Lạc bị mất vào tay Đà là nỗi nhục mất nước của người Lạc Việt, nghiên cứu lịch sử, không nên đánh đồng sử Nam Việt vào sử Lạc Việt. Cần xác định mốc Lạc Việt mất nước vào khoảng sau mốc Triệu Đà lập nước Nam Việt, tức khoảng sau năm 207 TCN đến năm 141 TCN là thời điểm Triệu Đà ở ngôi.

 Đà họ Triệu, người huyện Chân Định, thời Chiến quốc thuộc đất Triệu, nay thuộc Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Chú ý, lịch sử Việt Nam cũng có Nam Việt Đế (Lý Bôn), Nam Việt Vương (Đinh Liễn) và Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), rất dễ nhầm với 3 danh vị Nam Việt vương, Nam Việt Đế và Triệu Việt vương của Triệu Đà. Mà hình như đã có một giòng họ ở Việt Nam đang rục rịch nhận Đà làm tổ tông?!

Cuộc chiến tranh Nam Việt – Âu Lạc là mốc lịch sử để xác định biên giới ban đầu của Tượng Quận. Khâm định Việt sử chép, Đà và Thục đánh nhau ở Tiên Du, lấy sông Bình Giang làm biên giới chiến tuyến (có sách chép là sông Như Nguyệt), các tên này đều là tên cổ của sông Cầu ở đất Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay. Việc chia biên giới này đưa đến sự giao hảo thông gia giữa hai nước. Nhưng đó là mưu kế cướp nước của Đà, mà Thục An Dương vương không đề phòng, dẫn đến mất nước.

Tượng Quận là vùng Tần Thủy Hoàng nhốt tù binh, cho nên cũng có thể Thục vương có nguồn gốc vương tộc Ba Thục bị đưa đến đây? Nguồn gốc các dân tộc vùng Tây Bắc nước ta có nhiều sắc tộc có lẽ cũng từ lý do Tần Thủy Hoàng đưa tù binh của các thị tộc ở vùng Tứ Xuyên đến vậy?

Như vậy có thể định vị Tượng quận đời Tần có biên giới phía đông giáp quận Nam Hải, phía Nam giáp Âu Lạc, nói chính xác là giáp đất Lạc Việt.

Nam Việt không có ghi chép nào về việc phân chia quận huyện sau khi lập quốc, cho nên lịch sử bị hiểu Tượng Quận bao gồm cả Âu Lạc kể từ thời Nam Việt, biên giới đến Cửu Chân. Có lẽ nên chép Nhật Nam thuộc Tượng Quận đời Nam Việt Triệu Đà thì đã không xảy ra tranh cãi? Hay nói cách khác, thời Hán Vũ Đế (141TCN - 84 TCN), cái tên Tượng Quận bị thủ tiêu, phần đất Lục Lương trước được tách ra, hợp với một phần đất quận Nam Hải, lập thành quận Hợp Phố. Phần đất Lạc Việt được chia thành 3 quận. Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

Về số phận 2 quận Nam Hải và quận Quế Lâm, đời Đường (627) gộp đất 2 quận này đặt làm Lĩnh Nam đạo. Đời Tống (971) lại tách đôi, phần đất quận Nam Hải cũ đặt làm Quảng Nam Đông đạo (cũng gọi là Quảng Nam Đông lộ). Đời Nguyên (1279 – 1368) đặt Giang Tây Hành Trung Thư Tỉnh. Thời Minh, Thanh (1368 – 1911) gọi là Quảng Đông; Quận Quế Lâm cũ đặt làm Quảng Nam Tây đạo (cũng gọi là Quảng Nam Tây lộ), phủ lị là Quế châu, đời Nguyên gọi là Tĩnh Giang, ngày nay là Khu tự trị Choang, đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Tây.

Như vậy Lạc Việt không thuộc đất Lĩnh Nam.

Tại đây, xin bàn ngoài một chút về 4 địa danh đồng tên Quảng Nam của Ta và của Tàu.

Quảng Nam Đông Đạo và Quảng Nam Tây Đạo đã nói ở trên. Phụ độc sử phương kỷ yếu chép “Phủ Thăng Hoa cách phủ Giao Châu 1.001 dặm về phía tây bắc. Năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1403) đặt ra , lĩnh 4 châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa…”.

Ty Quảng Nam thừa chinh ở Nghệ An, đời Minh, năm Tuyên Đức (1426) đặt ra, lĩnh 3 phủ: Quảng Nam, Trà Lân, Ngọc Ma. Căn cứ vào Trà Lân đến nay vẫn còn tên, thì có thể định vị cho địa danh ty Quảng Nam này là vùng tây Nghệ An.

Tỉnh Quảng Nam, thành lập năm 1831, triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng. Trước đó thuộc đất Chiêm Thành.

Do có sự nhầm lẫn về địa danh, cho nên lịch sử 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam loạn xà ngầu.

Nhầm lẫn có lẽ bắt đầu từ việc Chế Mân cắt 2 Châu Ô, Rí làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt. Chỉ là 2 châu nhỏ phía bắc sông Gianh, chứ không to tới 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam như các sử gia nhầm nhọt gần đây?

Xin hỏi, vua kiểu gì lại dâng hết 2/3 đất Chiêm Thành của mình chỉ để cưới một thứ phi, thì có đáng mặt vua không?

Sử chép, nhà Trần sau khi gả công chúa Huyền Trân, thì 2 châu Ô, Rí được sáp nhập vào Hoan Châu, đặt là Hoan Châu Nam Giới. Cơ mà Hoan Châu trong lịch sử lại chưa khi nào to lớn đến tận tỉnh Quảng Nam cả?

Bằng chứng về biên giới, cứ lấy cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ 3 sẽ rõ. Sử chép, Toa Đô kéo quân từ Chiêm Thành ra bắc tiến đánh Đại Việt. Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải dàn quân chặn ở bờ bắc sông Gianh. Bị tên Trần Kiện làm phản, bỏ theo Toa Đô, nên Quang Khải và Nhật Duật bị thua, phải lui quân vào rừng. Trần Kiện dẫn một nhánh quân Toa Đô đi qua biển Nghệ An, đuổi bắt vua Trần tại Thanh Hóa. Vua Trần chạy ra Thiên Trường, Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi vòng trở lại Thanh Hóa và cuối cùng ẩn trốn tại núi Vũ Môn, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Hỏi,

Nếu biên giới Đại Việt bấy giờ tại Quảng Nam, thì chỉ huy quân đội nhà Trần từ Quảng Bình đến Quảng Nam là ai?

Sao không tổ chức chặn đánh tại đèo Hải Vân, mà lại đưa tướng Hoan Châu chặn tại bắc sông Gianh?

Xin thưa, biên giới Việt – Chăm bấy giờ là sông Gianh. Hai châu Ô, Rí tương đương với châu Bố Chính và châu Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình mà thôi. 

 

 

IV. CỘT ĐỒNG MÃ VIỆN Ở ĐÂU?

Sách An Tĩnh cổ lục, chép: “…Bây giờ chúng ta đã tới cửa ngõ của lịch sử. Giữa một địa hình bằng đầm phá, nổi lên những cù lao. ở trên đỉnh của những cù lao, hay bán đảo đó, những người thổ dân văn minh đầu tiên của xứ An-Tĩnh cổ đã định cư, chủ yếu là người Chăm. Sau đó là sự mở rộng bờ cõi của người An Nam về phương Nam. Một trong số những cù lao xưa ấy là núi Đồng Trụ mà trên đỉnh cao đó, viên tướng Tàu Mã Viện đã lập đồn vào thế kỷ thứ nhấtTài liệu của Trung Quốc xác định rằng lãnh đạo của người Khu Liên sống ở đồng bằng ven biển của Hà Tĩnh … và có nói đến một lãnh chúa của Tây Quyền (Hà Tĩnh ngày nay) đã xưng vương ở Nhật Nam. Nhưng lãnh chúa này đã bị đánh lùi về phía Nam sông Lam…

        Sử sách chép về cột đồng, mỗi sách một kiểu, sách này nói một cột, sách kia nói hai cột, rồi lại ba cột, thậm chí là 5 cột. Nhưng truy xét cả đất Việt Nam, chỉ có duy nhất ngọn núi ấy tên là Đồng Trụ Sơn. Đó là một ngọn núi ở phía Nam thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày nay. Trên mình nó đầy rẫy vết tích chiến tranh. Tên cổ của nó là Hùng Chưởng sơn (bàn chân gấu), dân trong vùng gọi tắt là rú Hùng, hoặc rú Thành. Năm 42 – 43, Mã Viện đem quân đánh hai bà Trưng. Sau thì tiến vào Cửu Chân truy đuổi tàn quân của hai Bà, tới tận bờ bắc sông Thanh Long (sông Lam), Viện bèn cho xây đồn trú và cắm cột đồng trên núi Hùng, rồi đề lên đó lời nguyền “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Núi ấy do vậy mà có tên là Đồng Trụ.

Các tướng Tàu đóng quân ở núi Đồng Trụ không chỉ có Mã Viện, mà còn có Cao Biền, Toa Đô, Trương Phụ và cuối cùng là Thái Phúc, lần lượt để dấu chân xâm lược đến đây. Mỗi lần đến, họ lại củng cố thành trì của người đi trước. Nhưng có điều nhiều người chưa biết về sự linh ứng ngược của lời nguyền. Người Tàu dường như không thể tiến được thêm tấc đất nào sang phía nam qua núi Đồng Trụ kể từ đấy. Mãi đến đời Đường, người Tàu mới dịch thêm được 30km đến núi Nam Giới. Nhưng đó cũng là thời điểm “Giao Chỉ diệt” vong và nước Đại Cồ Việt xuất thế vào năm 939, duy trì độc lập cho đến ngày nay, Việt – Chăm về lại một nhà.

Uy danh Cao Biền cũng bị ghi lại ở Hà Tĩnh một câu chuyện đầy tính phù phiếm. Tướng giặc này được đồn đại là thầy phù thủy bậc nhất Trung Hoa. Biền thường đi thăm dò long mạch nước Nam để trấn yểm. Một lần Biền dựng đàn trấn long mạch của núi Hồng Lĩnh. Đang làm lễ thì trâu rừng ở đâu xông ra hất đổ lễ đàn và đuổi Biền chạy trối chết, khiến cho Biền giác ngộ ra rằng, với sức Biền thì đất ấy không dễ gì làm càn. Biền cũng chỉ tiến được đến Đồng Trụ là thôi, cho nên không có chuyện mả của Biền lại ở đất phương Nam được?!

Thái Phúc, tướng nhà Minh cũng là một tay mê phong thủy. Chính Phúc trong thời gian đóng quân tại Đồng Trụ sơn, đã học theo sách “Tả Ao di thư chân truyền” của cụ Tả Ao người làng Tiên Điền, nhưng cũng giống chuyện trái vải, bị sử gia bịa ngược là cụ Tả Ao làm con nuôi người Tàu rồi học được phép coi phong thủy. Chán cho sử gia Việt Nam, đúng là thứ gì cũng bịa được?!

Quay lại tính lịch sử của Đồng Trụ sơn ở Nghệ An có các mốc khớp với ghi chép của lịch sử sau:

1. Tên núi thể hiện sự kiện lịch sử.

2. Núi chứa chấp thành quách và dày đặc dấu tích xâm lược của người Tàu.

3. Núi nằm ngay biên giới Giao Chỉ - Lâm Ấp, xuyên qua các triều đại Hán, Ngô, Tấn, Lưu Tống, Tùy của người Tàu. Đời Tùy, tuy từng đuổi Lâm Ấp qua khỏi đèo Ngang, nhưng sử chép, vừa rút quân liền bị Lâm Ấp chiếm lại, biên giới lại về chỗ núi Đồng Trụ.

4. Đường sử truyện nước Hoàn Vương chép: “Tây Đồ Di là những người theo Mã Viện ở lại, mà không về nước. Trước chỉ có 10 hộ, sau sinh sản nhiều đến 300 hộ, đều họ Mã, người gọi là Mã Lưu. Cùng với người Lâm Ấp chia cõi nam quận Nhật Nam…”.  Họ Mã Liềng nay vẫn còn tại Hương Khê, Hà Tĩnh, có lẽ không đến 300 hộ. Các nhà Văn hóa nói họ thuộc người Chứt, nhưng tôi thấy họ Mã giống người khác với người Chứt. Có lẽ nên kiểm định AND để kết luận.

 

5. Sách Hà Tĩnh đất Hồng Lam văn vật, chép chuyện người cưa cột đồng, tóm tắt ngắn gọn như sau: “Có hai vợ chồng ở làng Trung Ca, vốn vừa là tổ sư nghề hát, lại làm thêm nghề hái thuốc nam, nên ngày ngày họ thường leo lên những ngọn đồi trong vùng để tìm cây thuốc. Một hôm, khi lên núi Lam Thành, phát hiện ra nơi trồng cái cột đồng đáng nguyền rủa kia. Bèn về nhà sắm một cái cưa sắt, hôm sau hai vợ chồng lên núi và ra sức cưa cho kỳ đứt, rồi cho cột đồng vào quang gánh, quảy xuống sông Lam đem vứt. Nhân dân trong vùng nghe chuyện, vừa mừng vừa cảm phục hành động khí khái của vợ chồng họ. Sau này, người làng Trung Ca nhớ công lao người cưa đứt cột đồng Mã Viện, bèn lập đền thờ, tôn người chồng làm thành hoàng. Trong đền có thờ cả đôi quang gánh để nhắc đến nghề nghiệp cũ của thần thành hoàng. Cho đến sau cách mạng (1945), ở thôn Trung Ca (nay là thôn Trung Thịnh, xã Thịnh Lộc - huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), vẫn còn ngôi đền thờ một vị thần có hiệu "Dực bảo trung hưng Linh phù bản cảnh Thành hoàng Linh ứng Đôn ngung tôn thần" là tổ sư nghề hát, nghề thuốc, và là người cưa đứt cột đồng Mã Viện. Đền thờ sau 1954, bị người ta phá dỡ. Nhưng dân làng vẫn còn cất dấu lại được 3 đạo sắc phong thần, cùng bản thần tích do ông Cung Khắc Lược, cán bộ Viện nghiên cứu Hán nôm (Hà Nội) phát hiện từ kho sách của Viện, và dịch ra tiếng Việt gần đây. Sắc phong lần thứ nhất vào năm Thành Thái (1889); Sắc phong thứ hai vào năm Duy Tân thứ ba (1909); Sắc phong thứ ba vào năm Khải Định thứ 9 (1922). Theo các văn bản đó, tên của người cưa cột đồng Mã Viện là Hoàng Cơ Thạch.”

 

 

Toàn cảnh núi Đồng Trụ, nay là núi Lam Thành, thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

 

 

V. ĐỊNH VỊ ĐỊA DANH NHẬT NAM

Khi viết về đất Hà Tĩnh, tất cả các sách sử đều có chung một câu “đó là đất cõi Việt Thường xưa”. Vậy khỏi bàn cãi về Việt Thường, vì thực tế cho đến tận đời tiền Lê, trong quận Nhật Nam lúc này, lúc khác, luôn luôn có huyện/phủ/châu tên là Việt Thường. Chứng tỏ trung tâm Việt Thường là vùng núi Hồng Lĩnh. Địa danh cổ này kéo dài trong lịch sử từ trước đời Nghiêu Thuấn bên nước Tàu, đến đời Tiền Lê, khoảng ± 3.600 năm cả trước và sau Công nguyên. (Hà Tĩnh có lẽ nên đổi tên địa danh Thị xã Hồng Lĩnh thành Thị xã Việt Thường, vì nó rất quan trọng về mốc giới lịch sử cổ đại của Việt Nam, bao gồm cả Văn minh Đông Sơn – Sa Huỳnh và nguồn gốc Phật giáo).

        Cuối sông Hà Hoàng có núi Nam Giới. Bùi Dương Lịch chép trong Nghệ An ký: “Núi Nam Giới ở trên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà. Ngày trước phía Nam nước ta giáp giới nước Chiêm Thành, nên đặt là núi Nam Giới…”. Tên cổ xưa của Nam Giới là Quỳnh Viên. Theo truyền thuyết thì đây chính là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung, công chúa con vua Hùng đắc đạo. Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, khi dừng lại đây đã đề thơ tả cảnh núi này, có câu “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (Tên núi do truyền thuyết Quỳnh Viên cổ xưa mà đặt ra).

        Hà Tĩnh dày đặc những ngọn núi, tên sông trong các truyền thuyết của Phật Giáo. Mà tôi cho rằng văn nhân trí sĩ Hà Tĩnh còn chưa đặt tâm can thực sự vào quê hương khi nghiên cứu, nên đã để cội nguồn trôi qua trong quên lãng. Tôi sẽ quay lại nội dung này sau khi định vị xong địa danh Nhật Nam. Các sử gia dù có đến sáu cái đầu ngụy biện, thì cũng không chối cãi được những cái giếng Chăm, thành lũy chăm và cả di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh xuất hiện dày đặc trên đất Hà Tĩnh.

Nhật Nam không phải Quảng Nam, tất yếu nó phải quay về đúng chỗ định vị của các sách địa lý chí và các ghi chép của chính sử.

Tây Hán, đời Hán Vũ Đế (141–87 TCN), chia Giao Chỉ thành 7 quận,  trên đất Lạc Việt có 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lần theo mô tả của các sách địa chí, thì huyện Hàm Hoan là biên giới cuối cùng của quận Cửu Chân, tức huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bây giờ. Diễn Châu từng có lúc tách riêng khỏi Nghệ An thành một xứ. Vậy biên giới phía bắc quận Nhật Nam được định vị là giáp với Hàm Hoan (Diễn Châu).

Đặt tư duy vào đi, sẽ thấy sự vô lý của các nhà nghiên cứu mới đây cho rằng Nhật Nam là Quảng Nam?

- Nếu Nhật Nam có độ dài từ Hàm Hoan tới tận Quảng Nam, thì tức là quận Nhật Nam có độ dài gấp 5 lần hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân cộng lại, lại còn cách đèo, cách núi. Thiết nghĩ không có một nhà phân cấp địa lý nào lại phân chia địa hạt hành chính vô lý như vậy? Cho nên cần phủ quyết ngay và luôn, Nhật Nam không thể là Quảng Nam!

- Quận Nhật Nam có 5 huyện là Tây Quyển, Lư Dung, Chu Ngô, Tị Ảnh và Tượng Lâm. Suốt từ đời Hán Vũ Đế (141TCN), đến đời Tấn Vũ Đế (226 – 290) vẫn không thay đổi. Điều đáng nói là đời Tấn Vũ Đế, nước Lâm Âp đã tồn tại được 98 năm, mà Tượng Lâm vẫn còn trong đất Nhật Nam của Giao Chỉ Bộ. Đây cũng là một chứng minh khác Nhật Nam không thể là Quảng Nam.

- Bây giờ đi vào cụ thể ghi chép từ các sách địa lý chí:

+ Tiền Hán thư địa lý chí, chép: “Xưa là Tượng quận của nhà Tần, Hán Vũ Đế đổi tên, có 16 sông nhỏ, dài 38.010 dặm. Sư cổ nói, quận này ở phía nam mặt trời, nhà mở cửa bắc để hướng về mặt trời. Hộ: 15460; Khẩu 69.485”. 5 huyện: Tây Quyển, Lư Dung, Chu Ngô, Tị Ảnh và Tượng Lâm”.

Lời bàn: Độ dài 38.010 dặm là độ dài bất hợp lý vì Cả Trung Quốc nam bắc là 8.000 dặm, đông tây là 10.000 dặm. Nhà mở cửa phía bắc cũng là chuyện không có ở xứ của chúng ta. Hoặc dịch thuật sai, hoặc là sách in sai? Có người lý giải Nhật Nam này có lẽ bên Trung Quốc? Xin thưa tên 5 huyện của Nhật Nam là đất Hà Tĩnh. Cho nên lỗi chỉ có sách in sai, hoặc chép sai mà thôi.

+ Hậu Hán thư quận quốc chí, chép: “Có 5 thành (Tây Quyển, Lư Dung, Chu Ngô, Tị Ảnh và Tượng Lâm). 18.263 hộ. 100.676 khẩu”. Không chép về độ dài.

+ Tấn thư địa lý chí, chép: “Có 600 hộ, 5 huyện: Tây Quyển, Lư Dung, Chu Ngô, Tị Ảnh và Tượng Lâm

+ Lưu Tống châu quận chí, chép: “Nhật Nam thái thú, Hán Vũ Đế nhân đất Tượng quận nhà Tần mà đổi tên gọi là Nhật Nam. Thời Ngô đặt Cửu Đức bèn bỏ tên Nhật Nam. Thời Tấn năm Thái Khang thứ 3 (282), lại lập làm quận Nhật Nam. Hộ 402, có 7 huyện (5 lệnh, 2 trưởng). 5 lệnh: Tây Quyển, Lư dung, Tượng Lâm, Thọ Lãnh, Chu Ngô. 2 trưởng: Vô Lao, Tỵ Ảnh”.

+ Nam Tề châu quận chí, chép: “ Quận Cửu Đức: Cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Nam Lăng, Đô Hào, Việt Thường; Quận Nhật Nam: Tây Quyển, tượng Lâm, Thọ Lãnh, Chu Ngô, Lư Dung, Tỵ Ảnh, Vô Lao”.

+ Tùy địa lý chí, chép: “Quận Nhật Nam, đời Lương đặt làm Đức Châu, năm Khai Hoàng (581) đổi gọi Hoan Châu. Trước Ngô đặt Cửu Đức, bỏ bớt Nhật Nam, về sau lại đặt. Nhà Tùy lại để Nhật Nam, bỏ bớt Cửu Đức. 9.915 hộ, 8 huyện: Cửu Đức (lị sở Nhật Nam), Hàm Hoan, Phố Dương, Việt Thường, Kim Ninh, Giao Hợp, An Viễn, Quang Yên.

Quận Tỵ Ảnh: Năm Đại Nghiệp thứ 1 (605), nhà Tùy đánh Lâm Ấp, lấy đất ấy đặt làm Đãng Châu, rồi lại đổi làm quận Tỵ Ảnh. 1.815 hộ, 4 huyện: Tỵ Ảnh, Chu Ngô, Thọ Lãnh, Tây Quyển (cũng gọi là Tây Quyền).

Quận Hải Âm: Năm Đại Nghiệp thứ 1 (605), nhà Tùy đánh Lâm Ấp, lấy đất ấy đặt làm Nông Châu, liền đổi làm quận. Hộ 1.100, có 4 huyện.

Quận Lâm Ấp: Năm Đại Nghiệp thứ 1 (605), nhà Tùy đánh Lâm Ấp, lấy đất ấy đặt làm Sung Châu, liền đổi làm quận. 1.220 hộ, 4 huyện: Tượng Phố, Kim Sơn, Giao Giang, Nam Cực”.

+ Đường thư địa lý chí, chép:

An Nam đô hộ phủ: nguyên là quận Giao Chỉ, đời Vũ Đức (618-626) gọi là Giao Châu. Năm Điều Lộ thứ 1 (679) gọi là An Nam đô hộ phủ. Năm Chí Đức thứ 2 (757) đổi là Trấn Nam đô hộ phủ. Năm Đại Lịch thứ 3 (768) lại gọi là An Nam. 14.320 hộ, 8 huyện.

Cửu Chân Quận Ái Châu: 14.700 hộ, 6 huyện (Cửu Chân, An Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, NHẬT NAM, Trường Lâm (cũ là Vô Biên).

Nhật Nam quận Hoan Châu: là phủ đô đốc, trước là Nam Đức Châu. Năm Vũ Đức thứ 8 (625) gọi là Đức Châu. Năm Trinh Quán thứ 1 (627) đổi tên là quận Nhật Nam. Các thứ đồ cống là vàng, vàng lá, phấn vàng, ngà voi, sừng tê, trầm hương, trúc hoa. 9.619 hộ, 4 huyện (Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường, Hoài Nam)

Huyện Cửu Đức: Năm Vũ Đức thứ 9 đặt 3 huyện An Viễn, Đàm La, Quang Yên. Năm ấy đem Quang Yên đặt làm Nguyên Châu, lại đặt 4 huyện Thủy Nguyên, An Ngân, Hà Long, Trường Giang. Năm Trinh Quán thứ 8 (635) đổi tên là A Châu. Năm 13 bỏ châu, bỏ 3 huyện Thủy Nguyên, Hà Long Trường Giang. Lấy 2 huyện Quang Yên, An Ngân thuộc vào huyện Cửu Đức.Các huyện An Viễn, Quang Yên, Đàm La, An Ngân về sau đều bỏ cả.

Huyện Việt Thường:

Năm Vũ Đức thứ 5 (623) đặt làm Minh Châu, đặt làm 3 huyện: Vạn An, Minh Hoằng, Minh Định. Lại lấy 2 huyện Văn Cốc, Kim Ninh của quận Nhật Nam đặt làm Trí Châu và đặt 2 huyện Tân Trấn, Đồ Viên.

Năm Trinh Quán thứ 2 (628) đổi tên là Nam Trí Châu, bỏ huyện Tân Trấn, Đồ Viên. Năm 13 lại bỏ Minh Châu, dồn các huyện Vạn An, Minh Hoằng, Minh Định vào Việt Thường, thuộc vào Trí Châu. Sau lại bỏ Trí Châu, dồn 2 huyện Văn Cốc, Kim Ninh vào Việt Thường, thuộc vào quận Nhật Nam. (Trước lấy đất quận Lâm Ấp đời Tùy đặt làm Lâm Châu, đất quận Tỵ Ảnh làm Sơn Châu, lại đổi tên là Nam Ảnh Châu.

Năm Trinh Quán thứ 2 (628), chiều chuộng người Lâm Ấp, bèn đóng lị sở nhờ ở cõi Nam Hoan Châu, cai trị 2 huyện Tỵ Ảnh, Chu Ngô và cai trị cả huyện Do Văn.

Năm thứ 8 (635) đổi tên là Cảnh Châu. Năm thứ 9 (636) đặt là Lâm Châu, cũng đóng lị sở nhờ ở cõi Nam Hoan Châu, cai trị 3 huyện Lâm Ấp, Kim Long, Hải Giới. Lại đặt Sơn Châu cai trị hai huyện Long Trì, Bồn Sơn, có đồn lính thú ở Phố Dương, 3.320 hộ, sau đặt làm quận Long Trì, đến cuối năm Trinh Nguyên (805) thì bỏ)”.

Lời bàn: Đời Đường, có Nhật Nam quận Hoan Châu, lại có huyện Nhật Nam ở Cửu Chân. Có lẽ do chia tách đất Hoan Diễn.

+ Nguyên Hòa chí, chép:

An Nam Giao Châu đông sang tây 516 dặm, nam sang bắc 791 dặm. Phía tây nam đến Ái Châu. Cai quản lỏng lẻo là 32 châu, quản hạt 18 châu, 8 huyện: Giao Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Phong Châu, Diễn Châu, Lục Châu.

Hoan Châu đến biển 100 dặm, đến Diễn Châu 150 dặm. Phía nam đến cõi Lâm Ấp 190 dặm. Có 4 huyện thì Cửu Đức, Việt Thường, 2 huyện không có tên.

Cổ Hoan Châu: Nhà Ngô chia huyện Hàm Hoan ở Cửu Chân, đặt làm huyện Cửu Đức. Sách Tề nói nhà Ngô đặt quận Cửu Đức bớt quận Nhật Nam. Đời Lương lại đặt Đức Châu. Năm Khai Hoàng đổi gọi Hoan Châu, bỏ tên Cửu Đức. Năm Đại Nghiệp đổi làm quận Nhật Nam. Nhà Đường đặt phủ đô đốc ở đấy, cai quản lỏng lẻo 18 châu: Hoan, Diễn, Nguyên, MINH, TRÍ, LÂM, ẢNH, HẢI. Phía nam đến biển 150 dặm, tây nam đến nước Văn Đan (Chân Lạp) 15 ngày, ước 750 dặm. Đông nam đến nước Hoàn Vương 10 ngày, ước 500 dặm.

Nghệ An phủ lộ: Đời Hán là Nhật Nam, đời Tùy, Đường là Hoa Hoan Châu, có Bội Giang, Tây Giang, Kê Giang, Thượng Lộ Giang, Trương Xá xã.”.

+ Phụ độc sử phương kỷ yếu: “Chu Ngô: Thành ở cõi bắc Chiêm Thành, vốn là đất Việt Thường. Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 đặt làm quận Nhật Nam, đóng lị sở ở huyện Chu Ngô. Đời Tấn, đời Tống đều thuộc Nhật Nam, cũng gọi là thanh Chu Ngô. Năm Nguyên Gia 23 đời Tống, Đàn Hòa Chi đi đánh Lâm Ấp, đến Chu Ngô đặt đồn cho lính đóng giữ.

Lưu Hướng nói rằng từ Chu Ngô đi về phía nam hơn 400 dặm (200km) mới đến nước Lâm Ấp.

Tây Quyển ở phía đông bắc huyện Chu Ngô. Đời Tùy thuộc về quận Tỵ Ảnh. Huyện lị cũ của huyện Thọ Lãnh vốn là đất Tây Quyển. Đời Tấn chia đặt ra, đời Tống, đời Tề theo như thế. Sau bị nước Lâm Ấp chiếm, bỏ đi.”.

+ Phụ độc sử phương kỷ yếu – An Nam Bị lục:

Phủ Nghệ An ở phía nam phủ Giao Châu, cách 800 dặm. Năm Vĩnh Lạc thứ 2 đặt ra lĩnh 4 châu: Hoan Châu, Nam Tĩnh, Trà Lung, Ngọc Ma. 13 huyện: Nha Nghi, Chi La, Phi Lộc, Thổ Du, Kệ Giang, Chân Phúc, Cổ Xã, Thổ Hoàng, Đông Ngàn, Thạch Đường, Kỳ La, Bàn Thạch, Hà Hoa. Năm Tuyên Đức về sau lại đặt Ty Quảng Nam thừa chính ở Nghệ An, lĩnh 3 phủ: Quảng Nam, Trà Lân, Ngọc Ma.

Phủ Tân Bình. Năm Vĩnh Lạc thứ 3 đặt ra lĩnh 2 châu Bình Chính (theo sách Nghệ An Ký là huyện Bố Chính ở phía nam Đèo Ngang), Nam Linh và 3 huyện NHA NGHI (tên cũ của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Phúc Khang, Tả Bình. Năm Tuyên Đức về sau phủ này thuộc Ty thừa chính Nghệ An”.

LỜI BÀN:

Mô tả của đất Việt Thường trong cách ghi chép trên có thể tóm tắt như sau:

NHẬT NAM: Đời Ngô (229) bỏ Nhật Nam, đặt Đức Châu; đời Tấn, năm Thái Khang 3 đổi lại Nhật Nam; đời Lương đổi là Đức Châu; đời Tùy là Hoan Châu; đời Đường, năm 625 lại gọi là Đức Châu; năm 628 gọi là Trí Châu. Huyện Việt Thường luôn là huyện trực thuộc trong các địa danh Nhật Nam – Đức Châu – Hoan Châu – Trí Châu.

Sử mô tả các sách địa chí cho thấy sự biến đổi của Nhật Nam, có lúc chỉ là đất Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân. Rồi lại bao trùm hai châu Hoan – Diễn; Cuối cùng dịch về Nam, là toàn bộ tỉnh Hà Tĩnh và hai huyện Tuyên Hóa và Bố Chính, tỉnh Quảng Bình, lúc này đồng nghĩa Nhật Nam là đất Lâm Ấp.

VIỆT THƯỜNG: năm 623 đổi là Minh Châu; năm 635 là Cảnh Châu; năm 636 đổi là Lâm Châu, cai trị 3 huyện: Lâm Ấp, Kim Long, Hải Giới.

THÀNH TỴ ẢNH (Phụ độc sử phương kỷ yếu): “Phía bắc nước Chiêm Thành. Năm Trinh Quán thứ 2, chủ trương vỗ về Lâm Ấp, đặt làm Chủy Châu ở cõi nam Hoan Châu. Rồi lại dồn vào Cảnh Châu (tức Việt Thường), quận Nhật Nam”.

THÀNH TƯỢNG PHỐ (Phụ độc sử phương kỷ yếu): “Phía Tây Bắc nước Chiêm Thành, vốn là huyện Tượng Lâm đời Hán. Đời Tùy năm Đại Nghiệp đặt làm Sung Châu. Đời Tùy mất về nước Lâm Ấp. Đời Đường, năm Trinh Quán thứ 9 đặt làm Lâm Châu, đóng lị sở ở phía nam Hoan Châu, lĩnh 2 huyện là Kim Long và Hải Giới”.

Định vị: Phía tây bắc Chiêm Thành, lại là huyện rừng sâu lắm voi, thì chỉ có là xứ Hương Khê và nửa huyện phía tây của Thạch Hà, Hà Tĩnh ngày nay. Lâm Châu, đến nay vẫn còn xã tên là Châu Lâm, có lẽ là trung tâm ở đấy.

THÀNH CHU NGÔ (Phụ độc sử phương kỷ yếu):“Ở cõi bắc nước Chiêm Thành, vốn là đất Việt Thường… đời Đường cho thuộc về Cảnh Châu, sau lại bỏ”.

Định vị: Thành Chu Ngộ trong đất Việt Thường; Việt Thường là vùng núi Hồng Lĩnh, thuộc huyện Nghi Xuân và Can Lộc, Hà Tĩnh ngày nay. Vậy Chu Ngô là chỗ ấy.

THÀNH LƯ DUNG (Phụ độc sử phương kỷ yếu): “Thành này ở phía tây thành Chu Ngô. Đời Hán, đời Tấn đều thuộc Nhật Nam. Đời Tống, Tề mất về nước Lâm Ấp. Đời Tùy lấy lại được, đặt làm Nông Châu. Lư Dung đổi là Tân Dung. Năm Đại nghiệp thứ 3 đổi gọi là quận Hải Âm. Đến lúc nhà Tùy loạn, Lâm Ấp cướp được”.

Định vị: Phía tây núi Hồng Lĩnh, tức vùng núi Vụ Quang và  Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay.

THÀNH KHU LẬT (Phụ độc sử phương kỷ yếu): “Ở cõi bắc nước Chiêm Thành. Thủy kinh chú chép, sông Lư Dung ở phía nam thành Khu Lật huyện Lư Dung, quận Nhật Nam. Núi cao ở phía đông chạy qua phía bắc thành Khu Lật. Nước Lâm Ấp binh khí, chiến cụ đều để ở thành Khu Lật. Đời Tống, năm Nguyên Gia, Đàn Hòa Chi từ đồn Chu Ngô vây tướng Lâm Ấp là Phạm Phù Long ở thành này”.

Định vị: Thành Khu Lật ở trong huyện Lư Dung, lại có núi chắn phía bắc, vậy nó ở vào quãng thung lũng giữa Trà Sơn và Giăng Màn vậy.

Truy đến đây thì địa danh Việt Thường Lâm Châu, Lâm Bình,  được ghi chép trong Phổ chí làng Đà Sơn (Bình Định) rõ ràng là thuộc đất Hà Tĩnh cả. Quan trọng là huyện Lâm Ấp nằm trong Lâm Châu. Có thể xác định luôn địa gianh huyện Hải Giới. Sông Hà Hoàng đổ ra cửa biển Giới Hải (cửa Sót ngày nay). Núi ở cửa Giới Hải gọi là Nam Giới. Theo sách Nghệ An ký và sách An Tĩnh cổ lục, thì sông núi ấy là biên giới giữa Nhật Nam – Lâm Ấp vào thời Lê Hoàn (980).

Sách An Tĩnh cổ lục, chép:

“… Năm 802-803, quân Champa một lần nữa lại chiếm đóng Châu Hoan và Châu ái. Sáu năm sau họ lại tổ chức một cuộc chinh phạt mới. Nhưng "thái thú" Tàu là Trung Châu buộc người Champa phải rút quân và lui về sông Lam.

Năm 980, Lê Hoàn thành lập nhà Tiền Lê (980 - 1010) và chuyển biên giới Việt - Chăm đến Nam Giới Sơn tức là dãy núi ở biên giới phía Nam, dãy núi này đã được nói đến trong chương mục về "Xứ Hà Tĩnh".

Dưới đời Lý Thái Tổ, người sáng lập ra triều Hậu Lý (1010-1225), uy thế của dân tộc An Nam tiếp tục mở rộng cho đến tận Hoành Sơn.

Những ranh giới đã nói ở trên đều là những ranh giới có thực, chứ không phải là ranh giới ảo. Tôi chỉ kể đến những chiến thắng của người An Nam đã được các hòa ước thừa nhận chứ không phải là sự xâm nhập của một số thực dân người An Nam.

Từ những điều đã nói ở trên thì hình như con sông Lam là ranh giới giữa người Champa và người An Nam (dưới quyền hoặc không dưới quyền cai trị của người Tàu) từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên cho đến cuối thế kỷ thứ X và liên quan đến tình hình này nhất định trên tả ngạn sông.”

KẾT LUẬN:

Nhật Nam là toàn bộ tỉnh Hà Tĩnh và hai huyện Bố Chính và Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Biên giới phía bắc là núi Đồng Trụ và sông Thanh Long (song Lam); biên giới phía nam là sông Linh Giang (sông Gianh). Sử sách Trung Quốc gọi đó là loại châu ki mi, tức diện quản lý lỏng lẻo. Thực chất thì người Tàu chưa cai trị được Nhật Nam. Không riêng huyện Tượng Lâm, mà toàn bộ Nhật Nam đều là đất đai của quốc gia Lâm Ấp độc lập, không chịu thuần phục người Tàu.

Trong phần ghi chép về núi Đồng Trụ của sách An Tĩnh cổ lục, có sự mô tả khá chi tiết những cuộc chinh phạt Lâm Ấp không thành công của nước Tàu. Ngược lại cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan là một chiến thắng vang dội của cả 3 dân tộc Việt – Chăm – Chân Lạp.

Suốt từ đời Hán Vũ Đế (141-87 TCN) đến đời Đường, người Trung Quốc chỉ tiến sang đất Hà Tĩnh được 30km, tới Nam Giới sơn. Nhưng triều đại nhà Đường cũng là triều đại cuối cùng người Việt phải chịu nô lệ phương bắc. Năm 939, Ngô Quyền lập nước Đại Cồ Việt, giải phóng Bắc Việt khỏi ngàn năm nô lệ phương Bắc.

    Việt Thường là cái tên tồn tại từ trước đời Nghiêu Thuấn bên Tàu (2.652 TCN, theo Khâm định Việt Sử), kéo dài mãi đến ngàn năm sau Công Nguyên (năm 980 đời Tiền Lê) ở vùng núi Hồng Lĩnh. Mà cái tên Lâm Ấp được lồng vào Lịch sử Việt Thường. Quan trọng là ghi chép của lịch sử đã rất trùng khớp với di chỉ khảo cổ và những di tích bề nổi về Văn hóa Chăm trên đất Hà Tĩnh. Ai không chịu thừa nhận chẳng qua là dã tâm muốn ngụy sử?

Nhưng còn một vấn đề chưa bàn tới, đó là chính sử Việt Nam, phần tiền biên chép rằng biên giới phía nam Giao Châu giáp với nước Hồ Tôn. Vậy nước Hồ Tôn ở đâu, kỳ sau xin phân giải cùng với những suy luận về gốc tích Ấn Độ giáo.

Cửa Giới Hải, núi Quỳnh Viên (nay là cửa Sót, núi Nam Giới thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh)

 

***

Tài liệu tham khảo và sử dụng:

- Đại Việt Địa dư toàn biên – Phương Đình Nguyễn Văn Siêu

- An Tĩnh cổ lục - HIPPOLYTE BRETON

- Nghệ An ký – Bùi Dương Lịch

- Khâm định Việt sử - Tiền biên

- Đại Việt sử ký – Ngô Thì Sĩ

- Hà Tĩnh đất Hồng Lam văn vật – Thái Kim Đỉnh

 

 

 

 

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
  ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - Chương III - Mục III.6 và III.7 (10h: 12-11-2021)
 ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - Chương III - Mục III.5 (06h: 12-11-2021)
 ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - CHƯƠNG III - Mục III.4 (16h: 11-11-2021)
 ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - Chương III - Mục III.3 (13h: 11-11-2021)
 ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - Chương III, Mục III.2 (05h: 11-11-2021)
  ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - Chương III, Mục III.1 (04h: 11-11-2021)
 ĐỊNH HÌNH NÒI GIỐNG, ĐỊNH HÌNH DÂN TỘC - Chương I và chương II (16h: 10-11-2021)
 Lạm bàn cùng ông Hà Văn Thùy về bài viết: (17h: 19-02-2016)
 Dấu tích nhà nước Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam (08h: 24-12-2014)
 Phụ lục 8: Những di chỉ, di cốt trong các hố khai quật ở Nghệ Tĩnh nói lên điều gì? (18h: 12-04-2015)