Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
TƯ DUY LÀ GÌ?
 
(16h: 16-12-2022)
TƯ DUY LÀ GÌ?Bài viết của Phan Lan Hoa
***
Tế bào trứng hình cầu; tế bào hồng cầu hình đĩa; tế bào biểu bì hình khối; tế bào võng mạc hình nón, hình que; tế bào cơ hình thoi; nơ-ron thần kinh hình sao… thì đã rõ, nhưng có hay không các tế bào tạo nên Artman của loài người, nó hình gì, chưa có ai biết cả? Cho nên hiểu biết của con người, mọi lý thuyết đều là tương đối.

 

 

TƯ DUY LÀ GÌ?

Phan Lan Hoa

c“d

      

Phần I. KHÁI NIỆM TƯ DUY

       Bàn về Nhìn Nghĩ, con người ta có ba kiểu:

       - Nhìn không cảm xúc nghĩ ngợi gì, gọi là kiểu nhìn vô cảm.

       - Nhìn tuy có cảm xúc, nhưng chỉ là cảm xúc thoáng qua, không nghĩ ngợi gì, đó là kiểu nhìn vô nghĩ.

       - Nhìn sự vật/sự việc vừa bằng mắt, vừa bằng trí não, đó gọi là Tư duy.

       Định nghĩa tư duy theo từ điển Hán – Việt: Duy () là mưu nghĩ; Tư duy (思惟) là suy xét.

       Tư duy theo thuyết học của Bụt Thích-ca-mâu-ni: 8 chân tu của Bát chính đạo, thì chân tu thứ nhất là Chính kiến; chân tu thứ hai là Chính tư duy; chân tu thứ ba là Chính ngữ. Tương ứng với chuỗi hành vi của Tư duy thời hiện đại là: Quan sát (kiến)– Suy luận (suy nghĩ, xét thấu) – Giải quyết vấn đề (Hành). Như vậy, Tư duy trong giáo nghĩa của Bụt Thích-ca phải được hiểu là tầm nhìn chiều sâu của trí tuệ, là mưu nghĩ và xét thấu quy luật chuyển động của sự vật/sự việc, từ đó có thể đặt ra phép ứng xử phù hợp để duy trì sự vận động của Đạo.

       Tư duy logic hệ thống trong Quản lý chất lượng ISO-9001: Là sự liên kết chặt chẽ chuỗi hành vi: Quan sát – An Toàn – Tiếp cận – Phân tích – Suy luận – Phán đoán diễn biến – Phản biện – Logic hệ thống – Phương án kế hoạch hành động – Ý tưởng sáng tạo – Tầm nhìn tương lai.

       Vậy nội dung bàn về chủ đề tư duy của tôi sẽ phân chia thành hai nội dung cơ bản:

       - Tư duy tầm nhìn trong thuyết học Bụt Đạo nguyên thủy

       - Tư duy thời hiện đại

³³³

 

Phần II

TƯ DUY TẦM NHÌN TRONG BỤT ĐẠO NGUYÊN THỦY

       Rõ ràng từ 600 năm trước Công nguyên, tại Việt Nam, Bụt Thích-ca-mâu-ni đã khai sáng nền tảng triết học về Tư duy tầm nhìn. Bát chính đạo là 8 chân tu trí tuệ của một đạo sĩ, mà trong đó 3 chân tu đầu là những hiểu biết đầu tiên của trò để học làm người. Các chân tu còn lại là để trở thành đạo sĩ chuyên nghiệp, chân tu thứ 8 là chân tu giải thoát.

       Tôi sẽ chỉ bàn về 3 chân tu đầu của cấp độ học trò là: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ. Ba thuyết học này cho đến ngày nay vẫn nguyên giá trị ứng dụng, không hề lạc hậu, ứng dụng để kích hoạt não tốt hơn bất kỳ bài toán trắc nghiệm nào.

       1- CHÍNH KIẾN (Samyag-drsti): Kiến () là gặp, thấy. Chính kiến là nói sự thấy của chính bản ngã, không phải là nói cái thấy của thiên hạ. Kiến mà Bụt Thích-ca giảng cho học trò gồm: Sắc (hình dáng) – Thụ (tri giác, cảm giác) - Tưởng (suy nghĩ) – Thức (nhận thức, ý thức) – Hành (đặt phép ứng xử). Tương ứng với các tiêu chí Quan sát – Phân tích – Suy luận – Phản biện - Giải quyết vấn đề, trong chuỗi hành vi của khái niệm Tư duy thời hiện đại.

       Không nên máy móc rằng phải tận mắt sự việc xảy ra mới gọi là Chính kiến. Sự gặp, thấy có thể là từ những trang sách, từ bài giảng của thầy, hay từ câu chuyện người khác kể. Có nhiều khi từ một sự việc này, thấy ra sự việc khác. Cho dù thế nào, thì nhận định vấn đề phải do tự mình vọng, văn, vấn, thiết, để đi đến kết luận mới gọi là Chính kiến. Cũng không phải là không có quyền sử dụng Chính kiến của người khác, nhưng sử dụng Chính kiến không phải do mình, trình bày phải để cho người đọc, người nghe biết tác giả là ai.

       2- CHÍNH TƯ DUY (Samkalpa): Không phải kiểu nhìn quan sát gặp, thấy của Kiến, mà là sự động não sau khi gặp, thấy, để xét thấu chân tính ẩn dấu bên trong hình tướng sự vật/sự việc. Hay nói cách khác là đi tìm nguồn gốc sinh ra sự vật/sự việc, gọi là Uẩn. Nghĩa của từ Uẩn (Skadha - ), là bao hàm, tích chứa, là yếu tố che giấu chân tính. Vậy Tư duy ở đây hiểu ra là tầm nhìn chiều sâu của trí tuệ, sự nhìn không chỉ từ mắt, mà còn từ não bộ.

Bụt Thích-ca định nghĩa rằng: “Uẩn là thuộc tính của Vật có tri thức”. Tức là chúng ta hiểu được rằng, trong Vũ trụ có Vạn vật, trong Vạn vật lại có hai chủng loại: Vật vô tri giácVật có tri thức. Phàm là Vật có tri thức thì 5 yếu tố quan sát thuộc Kiến đều có Uẩn của nó, mà Tư duy tức là phải kích hoạt não để nhìn thấy Uẩn thực sự bên trong của sự việc, sự vật.

Sắc uẩn (Rupa - Skadha): Hết thảy cái gì có hình tướng đều gọi là Sắc, Sắc uẩn (色蘊) là chân tính bị che dấu đằng sau hình tướng.

Ví dụ: Nhà nhiếp ảnh chia sẻ một bức hình một loài hoa cỏ dại, ai xem cũng tấm tắc khen “có hồn”, vậy không chỉ con người mà sinh vật, hoa cỏ, cây lá cũng có tâm hồn, và tâm hồn là yếu tố để hoa lung linh khoe sắc. Ngược lại một cô người mẫu khoác bộ cánh không phù hợp với phong cách trang điểm, người xem cho rằng “bình hoa di động” ý nói không có hồn. Vậy tâm hồn là cái chân tính che dấu đằng sau hình tướng vậy, cần phải làm cho nó có cơ hội tỏa ra. Phàm là Vật có tri giác, thì đều có tâm hồn. Cũng là một sự vật/sự việc, nhưng tùy vào tầm nhìn trí tuệ của mỗi người, sẽ có những kết quả khác nhau từ góc nhìn của mình.

Thụ uẩn (Vèdàna- Skadha): Thụ là tri giác, cảm giác. Thụ uẩn (受蘊) là cảm nhận cái chân tướng sự vật bị che giấu thông qua tri giác. Con người có Ngũ căn là: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, cơ thể), để cảm thụ Ngũ trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nhãn của người bình thường thì thấy nắng, mưa; nhãn của đạo sĩ tu luyện lâu năm thì thấy được cả những làn hơi mỏng bốc lên trong nắng, mưa. Có người nhạc sĩ khi chèo thuyền qua sông La, nghe nước vỗ vào mạn thuyền và ông viết ra một tiết tấu, rồi quả quyết đó là tiết tấu riêng của dòng sông này. Người không có cơ hội học hành về thi ca nhạc họa sẽ bị khiếm khuyết cảm xúc của mình. Thậm chí khi cảm xúc của mình bị khiếm khuyết, lại nghĩ xấu cho người khác là bịa chuyện. Nghiệp do mình tạo nên từ những mê lầm.

Tưởng uẩn (Sanjnà- Skadha): Tưởng là suy tưởng, nghĩ ngợi. Tưởng uẩn (想蘊) là sự nhìn không bằng mắt, mà bằng não, dự đoán về điều ẩn giấu phía sau hình tướng của sự vật sẽ biến thiên ra sao về sau?

Một cái lá vàng rơi xuống đất, bao nhiêu người bước qua một cách vô cảm. Thậm chí có người khó chịu cho là nó rác rưởi. Chỉ có người họa sĩ thấy bức tranh mùa thu uẩn trong hình dáng của lá; chỉ có nhạc sĩ và thi sĩ thấy âm thanh uẩn trong dáng rơi nghiêng của lá. Trong khi một nhà khoa học thấy lá rơi lại tìm cái uẩn về đời sống của cây, có thể do lá thay mùa tự nhiên, hoặc cây đang bị sâu đục. Người thấy Uẩn của lá là biểu tượng mùa thu, thì sẽ tạc nên bức tranh mùa thu; người nghe được âm thanh lá rơi, thì sáng tác ra bài ca mùa thu; Riêng nhà khoa học thì một chuỗi hành vi nghiên cứu sẽ tiếp diễn. Hoặc là làm gì để mùa thu vàng rực thêm; hoặc là làm gì để trả lại màu xanh cho cây. Vậy là cùng một sự vật/sự việc, nhưng mỗi góc nhìn tạo nên cách ứng xử khác nhau. Cách ứng xử khác nhau đem lại  kết quả khác nhau, giá trị ứng dụng vào đời sống do đó cũng khác nhau.

Cuộc sống không dừng lại mà tiếp diễn, sự biến thiên của Đạo do đó mà chuyển động một chu kỳ mới nảy sinh nhiều điều. Trong thành phố ngày càng có nhiều người nghe tiếng lá rơi, và nhóm nhạc sĩ hình thành. Mỗi người đều sáng tác bài ca về mùa thu. Nhưng cảm xúc thu của mỗi người một khác, nên tiết tấu dành cho mùa thu trở nên trừu tượng; Tương tự, nhóm hội họa cũng hình thành, nhưng cảm xúc thu cũng mỗi người một khác, mùa thu trở nên trừu tượng về màu sắc. Nhà du lịch thì mong muốn có một thành phố vàng rực trong mùa thu để đón du khách. Nhà khoa học, vì nhu cầu du lịch, sẽ nghiên cứu để làm sao lá cây đồng loạt vàng vào cùng một thời điểm, sắc thu sẽ rực rỡ hơn nhờ kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhưng trong thành phố luôn có cả những người thích mùa thu, cùng những người không thích mùa thu và nhà quản lý thành phố phải đảm bảo ổn thỏa cuộc sống cho tất cả dân chúng, cho nên họ cần tới Tư duy ở tầm quản lý hệ thống. Sẽ bàn tiếp ở mục III.

Thức uẩn (Virnâna- Skadha): Thức là nhận thức, ý thức. Thức uẩn (識蘊) là tích chứa nhận thức về sự vật/sự việc. Sự nhìn của mắt và sự nhìn của não kết hợp lại, cộng với năng khiếu bẩm sinh của bản ngã, đưa đến một giác ngộ nào đó cho chính mình.

       Nhận thức sự vật/sự việc sau chuỗi hành vi gọi là nhìn: Sắc - Thụ - Tưởng, sẽ đưa đến một tầm kiến thức tổng hợp về sự vật/sự việc. Phần kiến thức tổng hợp ấy sẽ khởi mào cho một chuỗi hành vi giải quyết vấn đề: Logic - Phản biện - Sáng tạo – Ý tưởng cho tương lai (sự vật/sự việc sẽ vận hành và phát triển thế nào?).

Hành uẩn (Vijnàna- Skadha): Hành là hành động, là phép ứng xử. Hành uẩn (行蘊) là bao hàm chuỗi hành vi ứng xử trước sự vật/sự việc.

       Từ hình tướng (Sắc) hiện hữu của sự vật/sự việc, cần phải dùng tri giác (Thụ) và suy tưởng (Tưởng) của mình để xét thấu nguyên lý vận động của Vạn hữu. Định hình sự vật tròn méo qua không gian, suy luận xem vì sao thứ này tròn, thứ kia vuông, tổng hợp nhận thức, từ đó đặt phép ứng xử (Hành) sao cho phù hợp với biến thiên của sự vật/sự việc. Nếu không đủ tri thức để mà xét thấu, hành động đem lại kết quả thiện, ác thất thường. Cho nên Ngũ uẩn là tâm pháp để khai mở chiều sâu trí tuệ con người.

Đừng có hiểu nhầm là tôi không chịu nhìn nhận tiến bộ của ngày nay. Ở đây đang bàn về thuyết học Tư duy của cổ nhân, mà tôi cho rằng là một phương pháp tư duy tầm nhìn chưa hề lạc hậu, vẫn còn giá trị ứng dụng, kích hoạt não tốt hơn nhiều so với mấy bài trắc nghiệm đang phổ biến hiện tại, bởi nó mở cửa triết học về vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người.

       3- CHÍNH NGỮ (Samyag-vàca): Là nói năng ngay thẳng, nói điều của mình, do mình suy nghĩ thấu đạt. “Bệnh do khẩu nhập, họa do khẩu xuất”. Tư duy là để xét thấu, xét thấu là để biết điều gì nên nói và nên nói thời điểm nào, nói thế nào để mang lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho nhân loại.

       Chân lý chung của xã hội, đức Phật đã chỉ ra. Chân lý riêng của mỗi cuộc đời, người này khác người kia, tự mình phải đúc rút. Ví như các dòng sông tuy đều chảy, nhưng mỗi nhánh sông vẫn có hình hài riêng của mỗi nhánh, đó là do dòng chảy phải qua những địa hình khác nhau. Mỗi dòng chảy khác nhau cần tới phép ứng xử khác nhau, cho dù mục đích hướng tới đều là để duy trì dòng chảy. Phép duy trì Đạo cũng giống như phép duy trì dòng chảy kia vậy, tùy cơ ứng biến trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng xã hội. Triết lý đúng thì chân tu thấu đạt; triết lý sai thì phép ứng xử sai, dễ gây hệ quả. Một quốc gia có nền tảng chính trị sáng suốt thì thịnh vượng lâu dài. Chế độ độc tài thường dẫn đến phản loạn nội bộ. Kẻ ngu làm kiến trúc sư trưởng gây ra hệ quả dân cả một thành phố phải lội trong dòng nước độc hại khi mùa mưa tới.

³³³

 

Phần III

TƯ DUY THỜI HIỆN ĐẠI

       Ở kỳ 3 của chủ đề “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, tôi có đưa ra đề nghị đưa chương trình CEO vào đại học đại cương của cấp Đại học. Rồi lại đề nghị đưa chương trình quản lý hành chính Nhà nước vào chương trình CEO. Bây giờ đề nghị thêm, đưa nội dung Tư duy vào CEO. Hay nói cách khác Lý thuyết CEO ↔ Lý thuyết Đại học đại cương ↔ Lý thuyết Tư duy hệ thống, là ba trong một, nên được đào tạo ngay tại trường học. Nên tập thành thói quen nhìn sự vật/sự việc bằng não cho học sinh, sinh viên, sẽ có rất nhiều ích lợi. Muốn trở thành nhà quản lý giỏi, rõ ràng bạn phải có kinh nghiệm quản lý trước khi tiếp nhận chức danh, mà đầu tiên là bạn phải được sớm đào tạo lý thuyết căn bản về Tư duy quản lý.

       III.1 – TƯ DUY LOGIC HỆ THỐNG

       Hoạt động của một phân tử gồm một tập hợp nguyên tử cấu thành; hoạt động của một cơ thể con người gồm một tập hợp tế bào cấu thành.

       Nhưng một phân tử chỉ đơn thuần gồm những nguyên tử có tính chất và cấu trúc cùng thể loại; còn cơ thể con người là một hệ thống cấu trúc phức tạp, gồm khoảng 30 nghìn tỉ đến 70 nghìn tỉ tế bào, được chia thành khoảng 200 nhóm với nhiều hình thù khác nhau (tế bào trứng hình cầu, tế bào hồng cầu hình đĩa, tế bào biểu bì hình khối, tế bào võng mạc hình nón, hình que, tế bào cơ hình thoi, nơ-ron thần kinh hình sao…). Cỗ máy tự động mang tên con người thực sự vi diệu nhất, nhưng đồng thời cũng phức tạp nhất. Chỉ tiếc cho đến nay, con người không biết năng lực trí tuệ thiết kế ra mình ở đâu trong vũ trụ? Những nguyên tử, phân tử nào cấu thành Atman và cách thức kết nối của nó vào Bràhman như thế nào chưa có một nhà khoa học nào chứng minh được?

       Thật ra với khả năng của tôi, thì cuốn Being Logical (Tư duy logic) của D.Q.MCINERNY vẫn có những chỗ tôi có thể phản biện. Ví dụ “Nguyên tắc bài trung” chẳng hạn. Tác giả đứng ở góc độ duy vật, nên cái cốc trên bàn hoặc có hoặc không, không thể vừa không vừa có. Nhưng ở góc độ duy tâm, thì “Kìa xem bóng nguyệt lòng sông / Ai hay không có có không là gì?” (Đạo Hạnh thiền sư). Nếu cái bàn có mặt kính thì trên bàn là hai cái cốc, một hư một thực. Ở góc độ người sử dụng thì chỉ có một cái có thể sử dụng, nhưng ở góc độ nhiếp ảnh gia thì cả hai hình ảnh hư và thực đều trở thành thực có trong bức hình của họ. Vậy thì thứ tưởng là hư vẫn có giá trị sử dụng thực tế vậy?

       Thực tế trải nghiệm cuộc sống, có hàng triệu vấn đề bị lơ lửng giữa có và không, cho nên tư tưởng trung dung không thể loại trừ. Thậm chí trung dung là phép ứng xử đặc biệt thuộc dạng cẩm nang của nhà quản lý. Ngôn ngữ để viết quy trình mà không sử dụng ngôn ngữ trung dung, hệ thống vận hành sẽ liên tục trục trặc vì lỗi không phù hợp. Trong quản lý kinh doanh trung dung là phép có thể xóa thế độc quyền. Trong soạn thảo hợp đồng trung dung là phép đôi bên cùng có lợi. Vậy đặt ra “Nguyên tắc bài trung” thật ra là sự không phù hợp trong tư duy?

       Tất nhiên cũng không thể hoàn toàn phủ quyết “nguyên tắc bài trung” là vô giá trị. Để tìm một điểm khởi hành chính xác, cũng là điều rất cần thiết. Ví dụ trong một cuộc đua, vận động viên không thể đặt mũi chân bất kỳ chỗ nào khác ngoài vạch xuất phát. Một quá trình xử lý công việc, luôn phải bắt đầu từ bút phê giao việc của lãnh đạo. Chân lý rốt cuộc là mọi nguyên lý sinh ra đều có giá trị riêng của nó, cần phải thận trọng với những phát ngôn mang tính bài trừ.

       Cho nên tôi sẽ đưa ra định nghĩa đơn giản hơn:

       - Logic tức là không có mâu thuẫn. Tư duy logic tức là phải suy xét, tính toán để đảm bảo diễn biến của vấn đề / sự việc xảy ra an toàn, không có mâu thuẫn nào.

       Ngôn ngữ trong tiêu chuẩn chất lượng ISO-9001 gọi điểm vận hành quy trình bị thiếu logic là điểm “Không phù hợp”. Phản biện sẽ xảy ra khi có điểm không phù hợp trong trình tự diễn biến vấn đề, mục đích là để tìm giải pháp phù hợp, cập nhật sửa đỗi chỗ vấn đề bị thiếu logic. Thành công hoàn hảo hay không công việc mình giải quyết nhờ vào tính logic của của nó.

       Trong cuộc sống, khi thiếu đi sự logic của vấn đề/ sự việc, tức là đã có mặt trái nào đó bất ổn cần xem xét.

       Hệ thống là một guồng máy vận hành trong một quy trình khép kín. Một bầu vũ trụ, hay một cơ thể con người, một nhà máy, một tổ chức cơ quan… Hệ thống, trong sự vận hành của nó được chia thành nhiều phân khúc. Mỗi phân khúc mang đặc tính chuyên môn riêng:

       - Hệ thống vũ trụ có các tinh tú và vạn vật. Các tinh tú đều có quy trình vận hành riêng của tinh tú; Vạn vật có cuộc sống riêng của chủng loài.

       - Hệ thống con người có đầu, thân và tứ chi. Trong đầu, thân, tứ chi lại có những phân khúc nhỏ hơn. Ví dụ trong thân có ngũ tạng (tim, phổi, gan, thận, vv…), mỗi tạng có chức năng riêng của tạng.

       - Hệ thống tổ chức cơ quan thường có các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

       - Hệ thống nhà máy thì tùy theo sản phẩm là gì, phân khúc từng công đoạn sản xuất cụ thể. 

       Logic là con thoi một chiều của guồng máy vận hành hệ thống. Tầm nhìn cần đặt ở chế độ mở. Bản chất sách lược của cái gọi là quản lý chất lượng, dù chuẩn bị tốt đến đâu, thì sau một thời gian vận hành sẽ phải cập nhật bởi nhiều yếu tố làm cho nó trở nên không phù hợp. Điều không phù hợp, có thứ nhà lãnh đạo tiên lượng trước được, nhưng có những tai biến khó tiên lường.

       Ví dụ nạn Covid 19 vừa rồi chẳng hạn, các nhà lãnh đạo lẫy lừng của thế giới đều rơi vào tình trạng bị động, khoảng gần 1 tỉ người nhiễm bệnh, trên dưới 15 triệu người mất mạng và họ đã không đủ năng lực cứu chữa kịp thời. Liên hiệp quốc, NATO, hay G20, đều không đủ năng lực ngăn cản Putin xâm lược Ukraina.

       Tế bào trứng hình cầu; tế bào hồng cầu hình đĩa; tế bào biểu bì hình khối; tế bào võng mạc hình nón, hình que; tế bào cơ hình thoi; nơ-ron thần kinh hình sao… thì đã rõ, nhưng có hay không các tế bào tạo nên Artman của loài người, nó hình gì, chưa có ai biết cả? Cho nên hiểu biết của con người, mọi lý thuyết đều là tương đối. 

       Tư duy hệ thống là kiểu Tư duy tầm nhìn xuyên suốt từ Vi vô đến Vĩ mô, mà trong đó logic phải là con thoi xuyên suốt. Không chỉ là tầm nhìn ước đoán bằng mắt, mà phải bao gồm sách lược và chiến lược hành động. Sách lược đi trước chiến lược, luôn là đường lối giúp cho nhà quản lý tránh thiểu sai sót.

       III.2 – PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

       Một đúc kết ngắn gọn từ cha ông người Việt: “Uốn lưỡi ba lần trước khi phát ngôn; Suy xét ba lần trước khi hành động”, đó là kinh nghiệm dẫn dắt trí não buộc phải Tư duy.

       Bạn cần một thói quen đặt câu hỏi để xác định bản thân mình có nhất thiết phải tiếp cận khi đứng trước một vấn đề / sự việc:

       Bước 1: Xác định sự việc: Chủ đề là gì? Trọng tâm nhấn mạnh điều gì? Tác giả là ai? Nơi diễn biến sự việc ở đâu? Khi nào thì sự kiện xảy ra?

       Bước 2: Xác định mức độ liên quan: Mình sẽ là nhân vật chính nếu tiếp cận? Mình chỉ là nhân vật liên can? Mình không liên can, nhưng người thân, đồng nghiệp của mình có liên can? Chỉ là vấn đề thuộc xã hội mình đang sống cần đến nghĩa vụ công dân? vv…

       Bước 3: Xác định chuyên môn liên quan: Là môn học của mình? Thuộc chuyên môn mình cần quan tâm? Thuộc sở thích, sở trường của mình? Có phải vấn đề ngoài luồng, nhưng mình đang quan tâm? Có phải vấn đề nóng trong dư luận xã hội mình nên quan tâm? Tác giả nổi tiếng mình yêu thích nên mình cần quan tâm? Vv…

       Bước 4: Xác định địa điểm xảy ra sự kiện: Ở đâu? Tại thôn xóm mình? Tại tỉnh nhà? Trong trường mình? Trong nước mình? Nước ngoài? Vv…

       Bước 5: Xác định thời điểm xảy ra sự kiện: Đã xảy ra trong quá khứ? Hiện tại đang xảy ra? Tương lai mới xảy ra? Đã xảy ra trong quá khứ, đang tiếp diễn ở hiện tại dẫn đến tương lai? Vv…

       Bước 6: Xác định vai trò bản thân: Có kịp tham gia sự kiện? Có đủ tư cách tham gia sự kiện? Nếu tham gia, vị trí của mình sẽ đứng ở đâu trong chuỗi sự kiện? Vai trò thế nào? Làm cách nào để mình có sức ảnh hưởng trong sự kiện? Là cơ hội cần tham gia?

       Bước 7: Lên kế hoạch tiếp cận: Bạn phải xác định được vai trò của mình trước mỗi một sự kiện / vấn đề, mới có được phương án kế hoạch tiếp cận an toàn.

       Bước 8: Giải quyết sự việc / vấn đề: Phân tích, suy luận, phán đoán diễn biến, đánh dấu điểm không phù hợp, chuẩn bị nội dung phản biện / hoặc trả lời phản biện. Logic vấn đề và giải quyết vấn đề theo logic đặt ra.

       Tôi sẽ đưa vào một ví dụ cụ thể:       

       Trong các biểu mẫu của quy trình quản lý thông tin nội bộ, thường có một biểu mẫu tên là “Scope of Work” (Phạm vi công việc). Khi một nhân viên được giao việc, người này trước tiên phải tự lập một Scope of Work để xử lý công việc được giao. Nội dung thực chất là bản kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm đánh giá thuận lợi, khó khăn của công việc. Kinh phí, các bước tiến hành, thời gian khởi động và thời gian dự kiến sẽ kết thúc cụ thể. Cuối nội dung Scop of Work luôn là cam kết hoàn thành đúng kế hoạch. Để đạt được kết quả tốt, phương án kế hoạch hành động của bạn phải được chuẩn bị hoàn hảo, 8 bước trên là khuôn mẫu.

       III.3– LỐI VÀO PHẢN BIỆN

       7 tiêu chí giúp bạn chuẩn bị tốt nội dung phản biện:

       1. Trọng tâm vấn đề của đối phương thể hiện là gì? Bạn cần phải xem xét kỹ nội dung để biết rõ mục đích của đối phương, xác định chính xác nội dung cần phản biện?

       2. Mục đích phản biện của bạn là gì? Vì sao bạn cần phải phản biện? (Vì họ trình bày lệch trọng tâm? Họ trình bày không đúng sự thật? Thiếu sự rõ ràng, thiếu sự đúng đắn, thiếu chính xác, nội dung lộn xộn, mâu thuẫn, thiếu  tính logic, vv…?)

       3. Xác định phạm vi các điểm mục cần thiết phản biện? Phản biện một phần nội dung, hay phản biện tất cả?

       4. Bạn đứng ở góc độ nào, tư cách nào, nghĩa vụ nào để phản biện?

       5. Ý nghĩa của việc phản biện? Nên dùng văn ngữ nào thì phù hợp?

       6. Nguồn thông tin nào dùng để phản biện?

       7. Ý kiến đa chiều xoay quanh vấn đề ra sao?

       Đến đây, tôi cần nhắc trở lại phần nội dung của “Bát chính đạo” ở mục I, đó là: Chính kiến, Chính tư duy và Chính ngữ. Phản biện cần phải là Tư duy độc lập, công tâm và tư liệu chuẩn xác. Trước khi phản biện cần phải xác định điểm dừng, để tránh sa đà vào tranh cãi vô bổ. Phản biện hết nội dung của mình thì dừng. Cần thiết phải lắng nghe ý kiến phản hồi, phân tích, suy luận và tiếp tục xác định xem có cần phải chuẩn bị nội dung tranh luận tiếp theo?

       Một xã hội không có phản biện sôi nổi, xã hội ấy sẽ chìm vào yếu tố truyền thống, sẽ không có tiến bộ mới được. Ngược lại, một xã hội mà con người có tư tưởng cập nhật, mọi việc sẽ được xử lý hoàn hảo hơn, xã hội nhờ đó mà tri thức nâng cao. Phản biện, làm thế nào cho bản thân mình và cho những người theo dõi mình tranh luận thấy được “chỗ dùng của Đạo” là thành công. Cuối cùng ai đúng, cũng đều đem đến ít nhiều giác ngộ cho cả hai bên. Cho nên đừng đặt tham vọng chiến thắng một cách thái quá, vì sẽ không có thứ thành công hoàn mỹ mọi mặt. Bậc anh hùng vĩ đại trên chiến trường của dân tộc này là kẻ thù muốn phanh thây của dân tộc kia.

       III.4 – TƯ DUY NGỤY BIỆN

       Thật ra loài người đa phần đang sống hai mặt. Lời nói và vẻ ngoài lịch lãm, đạo lý. Nhưng loài người đang tạo ra vô vàn sự bất hợp lý, khiến cho xã hội rối loạn không vào trật tự nào cả. Văn hóa tiếp thu ý kiến phê bình đang rất trầm trọng thiếu.

       Một bà nọ, khi còn làm tổ phó tổ dân phố. Trong khu chỉ cần một nhà nào đó mở tivi to tiếng một chút, lập tức bị bà ta ca thán. Rồi một ngày bà ấy bị thôi chức tổ phó, ngày nào tiếng karaoke từ nhà bà ấy vọng ra cũng đinh tai nhức óc. Lối phố góp ý không được, tổ trưởng dân phố nhắc nhở cũng như nước đổ là khoai. Chỉ đến khi có người hết chịu nổi, làm om sòm trước dân phố, tiếng karaoke mới được giảm âm.

       Lại một khu chung cư nọ, rất cũ. Tầng trệt là hai cụ già U80, một người tim mạch, một người huyết áp, tiểu đường, họ rất sợ tiếng ồn. Nhưng tầng trên ba nhà liền kề có tới 5 đứa trẻ từ 2 tuổi đến tiểu học, nô đùa nhảy nhót ầm ầm suốt mỗi tối. Cha mẹ chúng cho đó là chuyện hiển nhiên, vô cảm chỉ thích cắm đầu vào điện thoại. Hai cụ già nhắc nhiều cũng vô ích. Cuối cùng xảy ra một cuộc cãi nhau to. Tổ trưởng, tổ phó phải can thiệp. Nhiều người lớn trong lối phố cũng can thiệp, họ nói: “tụi bay ứng xử với người già như vậy, 10 năm nữa đến lượt tui bay nhận quả báo”. Thật ra những người nói vào cũng là nói cho họ, vì họ cũng không thích ồn ào.

       Một đứa con luôn làm ra những sai lầm, nhưng đứng trước sai lầm thường tìm một lý do để đổ lỗi, vì cha mẹ thiếu quan tâm, vì gia đình không hạnh phúc, vì không ai hiểu mình, vv… Cha mẹ chúng và nhiều người khác vẫn trưởng thành trong cuộc sống thiếu thốn mọi mặt đấy thôi?

       Từ tổ dân phố ra thế giới. Trung Quốc năm ngoái rầm rộ khoe nền kinh tế thứ hai của thế giới. Nhưng năm nay họ đang dùng chiêu bài “Nước đang phát triển” để ngụy biện cho sự ô nhiễm môi trường của nước họ.

       Cho đến năm 1974, Hoàng Sa vẫn thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa và đó là một thuộc quyền lãnh thổ chính thống, có quản hạt rõ ràng, kéo dài suốt mấy trăm năm, từ đời vua Gia Long. Sự xâm lược thấy rất rõ, nhưng Liên hiệp quốc đã không thể hiện được vai trò gì?

       Nước Nga khi biết có thể thua ở một số vùng vốn dĩ đất đai của Ukraina do Nga chiếm đóng từ 2014. Ông Putin bèn dùng chiêu bài “Trưng cầu dân ý” để cứu vãn tình hình. Ai cũng biết đó là ngụy biện, nhưng đến cả Liên hiệp quốc cũng không giải quyết thỏa đáng được sự ngụy biện đó.

       Chuẩn bị đưa con người lên sao Hỏa để làm gì? Để thỏa mãn tài chinh phục vũ trụ của một số người? Hay để chuẩn bị một cuộc chiến tranh xuyên hành tinh?

       Tất cả đều chỉ là Tư duy ngụy biện.

       Ông Madsen Pirie từng xuất bản cuốn sách “How To Win Every Argument” (Cãi gì cũng thắng), mà nội dung của nó chỉ ra cách logic vấn đề và lập luận sắc bén nhằm mục đích bằng mọi giá phải đoạt được sự chiến thắng trước đối phương. Trong khi Richard Paul & Linda Elder, sau xuất bản cuốn “The Thinker’s Guide To Analytic Thinking” (Cẩm nang tư duy phân tích), lại tiếp tục soạn ra cuốn “The Thinker’s Guide To Fallacies” (Tư duy ngụy biện), chỉ ra tới “44 thuật lừa để thắng tranh biện”.

       Rốt cuộc vì cơn cớ chi con người lại phải dạy nhau thuật lừa? Tư duy ngụy biện thực sự đang thái quá và làm đảo lộn đạo đức xã hội.

       Đối với người bình thường, Tư duy ngụy biện là điều lạ lẫm, nhưng thật ra con người đang sống bằng duy lý nhiều hơn chúng ta tưởng. Nghề cần đến duy lý nhiều nhất là chính trị gia, luật gia, thương gia, nhưng họ cũng là nhóm người luôn miệng nói đạo lý nhiều nhất trong xã hội.

       III.5 - TƯ DUY TƯƠNG LAI 

       Những suy nghĩ, những hoạch định tính toán, sự chuẩn bị nền tảng tri thức căn bản, được lập thành kế hoạch hành động, để chuẩn bị làm hành trang bước ra xã hội, đi vào tương lai, đó là Tư duy tương lai.

       Tấm bản đồ thế giới của các thủy thủ thời Trung đại khác xa so với tấm bản đồ vệ tinh hôm nay. Đó có thể vì tầm nhìn ước đoán từ mặt đất không thật sự chính xác, hoặc do đất đai sông núi đã đổi dời khác đi. Tương lai, bản đồ có thể là video hình ảnh từ không gian đa chiều, giúp cho nhà thám hiểm nhìn thấy trước những cơn địa chấn tại vùng đất mình sắp đi tới.

       Bạn có gì ở hiện tại để nối tiếp tới tương lai?

       - Nền tảng tri thức: Sở trường, kiến thức được đào tạo qua trường lớp, sự va chạm kinh nghiệm thực tế, vv…

       - Nền tảng kinh tế: Tài sản cá nhân, tài sản cha mẹ để lại, thu nhập bền vững, cơ sở làm ăn, vv…

       - Nền tảng tinh thần: Giá trị của bạn như thế nào trong mắt gia đình, bạn bè, vai trò, vị trí của bạn trong xã hội

       - Nền tảng đạo đức: Kiến thức văn hóa lịch sử, sự tu hành, thế giới quan, nhân sinh quan.

       - Chất liệu cấu thành bộ não: IQ và EQ của bạn thế nào, khả năng thâu nhận và lãng quên? Ngôn ngữ lập trình (ngôn ngữ thị giác, ngôn ngữ thính giác, ngôn ngữ xúc giác, tâm giác…). Logic và kết cấu của ngôn ngữ lập trình, tìm ra tiếng nói chung giữa các ngôn ngữ. Tìm ra giác quan bạn sử dụng nhiều nhất, tìm kiếm năng lực của bạn trong đó. Từ đó có cơ sở vạch quan điểm và đặt niềm tin vào năng lực của chính bạn.

       Ở đây tôi cũng mốn nói một chút về IQ (Intelligence Quotient) và EQ (Emotional Quotient). Nếu bạn chỉ chú tâm tới IQ, thì bạn đã quên rằng, chỉ số cảm xúc (EQ) rất quan trọng đối với một nhà quản lý, một chính trị gia, một doanh nghiệp, bởi vì phải có cảm xúc, bạn mới nắm bắt được những gì xảy ra xung quanh mình một cách nhạy bén nhất. Nếu chỉ trau chuốt chỉ số thông minh (IQ), mà không có tầm nhìn thực tế, bạn chỉ là một người máy chịu sự điều khiển của người khác mà thôi.

       - Tiên lượng rủi ro, để chấp nhận rủi ro trong tư thế sẵn sàng, là tiêu chí để hành trình của bạn an toàn và thành công. (Trong những tập đoàn kinh tế lớn,họ thường có hai loại quỹ : Quỹ phòng hộ và Quỹ đầu tư mạo hiểm. Quỹ phòng hộ là do nhà nước quy định phải nộp một khoản phần trăm lợi nhuận hàng năm, là một dạng quỹ bảo hiểm, nhằm mục đích xử lý rủi ro. Còn Quỹ đầu tư mạo hiểm thường dùng vào các dự án mà họ đánh giá rủi ro tuy cao, nhưng nếu thành công thì lãi rất lớn. Một dạng tư duy mạo hiểm để vươn tới tương lai. Quỹ đầu tư mạo hiểm bao gồm cả đầu tư nhân tài).

       Trước hết bạn hãy vẽ cho mình một bản đồ hành trình cuộc sống: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Nêu ra những ước mơ của mình và bắt đầu từ các tiêu chí trên để đặt câu hỏi và tự trả lời câu hỏi. Viết kết quả tự trả lời câu hỏi của bạn ra thành văn bản. Mỗi câu hỏi được trả lời,  chính là những đầu mục quản lý trong cuộc đời, mà bạn cần đặt tư duy vào để giải quyết. Bạn dò tìm chỗ mâu thuẫn, chỗ không phù hợp giữa các câu hỏi mà bạn đã tự trả lời, suy nghĩ và hiệu chỉnh nó cho phù hợp. Cuối cùng là tự bản thân bạn phải có ý thức kỷ luật để tự giám sát bản thân quá trình thực hiện hoài bão. Cha mẹ, thầy cô và bạn bè sẽ là những người trợ lý đắc lực cho bạn thành công. 

Tư liệu tham khảo:

·       The Thinker’s Guide to Analytic Thinking Richard Paul & Linda Elder - Nhóm dịch thuật NXB tổng hợp HCMC- Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính.

·       The Thinker’s Guide to Fallacies Richard Paul & Linda Elder – Hoàng Nguyễn Đăng Sơn chuyển ngữ - Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính- NXB tổng hợp HCMC.

·       Critical Thinking-Concepts & ToolRichard Paul & Linda Elder – Nhóm dịch thuật NXB tổng hợp HCMC- Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính.

·       Tư duy logic (Being Logical) - D. Q. Mcinerny – NXB Thanh niên.

·       How to win every argumentMadsen Perie – NXB Lao động xã hội.

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Tâm tình của cây và đá (14h: 20-09-2015)
 Nhút và niềm tin thoát Trung (23h: 19-10-2014)
 Có một "Miền khát vọng" (01h: 01-12-2012)
 Người đẹp và nhành Phong Lan dưới mưa (16h: 15-12-2012)
 Bức thư tháng mười (2) (00h: 21-10-2012)
 Em xin làm lẽ Nguyễn Công Trứ (16h: 07-05-2012)
 Câu chuyện đấu tranh dành quyền bình đẳng của vung và nồi (23h: 20-10-2011)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ 2: Chợ Cầu trên bến dưới thuyền (13h: 24-03-2012)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa (17h: 13-07-2010)
 Các nhà khoa học học sẽ nhân bản ra giống người không có trái tim trong tương lai... (20h: 03-04-2011)