Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
 Phlanhoa viết
 Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
 Văn hay sưu tầm
 Thú chơi tập Kiều
 Sưu tầm để ngẫm
 Tìm hiểu về thể loại câu đối
 Láo nháo
 Thư pháp
 Tâm hồn người Việt
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
“HẠ MỤC” MÀ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ HỒ XUÂN HƯƠNG
 
(17h: 15-04-2023)
“HẠ MỤC” MÀ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ HỒ XUÂN HƯƠNGPhan Lan Hoa

Ô hô! Quan Phủ Vĩnh Tường ôi!
Nứt mả lên coi chuyện bán trời
Vợ lẽ Tri ông - ma cổ nguyệt
Nhân tình Hồ thị - chúa thiên lôi
Lộn sòng cha chú bi tình kiếp
Bát nháo sĩ phu lụy cảnh đời
Tuồng “khó” ra ri mà tạc giỏi
Đội mồ tôn thánh, Phủ ông ôi!

 

 

 

 

“HẠ MỤC” MÀ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ CHUYỆN TÌNH HỒ XUÂN HƯƠNG

Phan Lan Hoa

TƯ DUY LOGIC CỦA TIẾN SĨ CHỈ LÀ SỐ MO?

***

          Một bộ kỷ yếu gồm một tập thể giáo sư tiến sĩ trong và ngoài nước viết và biên tập. Cứ nhìn vào mục lục để biết, người có học hàm thấp nhất cũng thạc sĩ và có sự tham gia của chính quyền hẳn hòi, nhưng tư duy logic dường như không có, nên mâu thuẫn đầy rẫy. Cho dù, dường như họ đã có ai đó cung cấp cho những tình tiết lịch sử chính xác. Việc còn lại của người viết bài là logic nội dung lịch sử lại để tìm ra sự thực, nhưng họ đã không làm được. Nhầm hay cố ý nhầm đây? Nếu nhầm thì trình giáo sư nên tước; Nếu cố ý nhầm thì đạo đức không đáng đứng trên bục giảng?

          1- CHIẾU BAN VỀ VIỆC THÀNH LẬP PHỦ VĨNH TƯỜNG KHẲNG ĐỊNH BÀ HỒ PHI MAI KHÔNG PHẢI LÀ NỮ SĨ XUÂN HƯƠNG, TÁC GIẢ CỦA “XUÂN HƯƠNG THI TẬP”.

          Phủ Vĩnh Tường: Theo hai sách “Hoàng Việt địa dư chí” của Phan Huy Chú, thời Minh Mạng (1822) và sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên”, Hà Nội 1931, thì đời Gia Long, chưa có phủ Vĩnh Tường, phủ ấy gọi là phủ Tam Đới, lệ vào trấn Sơn Tây. Tri phủ Tam Đới bấy giờ là Trần Phúc Hiển. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822), tháng năm, Phan Huy Chú chép: “Phủ Tam Đới, nay đổi tên là phủ Vĩnh Tường”.

          Về Trần Phúc Hiển, theo sách “Đại Nam thực lục”, năm 1813, triều Gia Long, Trần Phúc Hiển được bổ làm Tham hiệp trấn Yên Quảng (tương đương tỉnh Quảng Ninh bây giờ). Năm 1818, Trần Phúc Hiển phạm tội ăn hối lộ, bị xử án tử.

          Không logic được lịch sử dẫn đến ý đồ sắp xếp nhân vật cũng sai bét nhòe?

        Theo vở kịch các tiến sĩ sắp xếp, thì Hồ Xuân Hương vào vai vợ lẽ ông Tham hiệp trấn Yên Quảng trước, rồi sau lại thành vợ lẽ ông phủ Vĩnh Tường. Nhưng theo “Hoàng Việt địa dư chí”, thì phủ Vĩnh Tường đến năm thứ 3, đời vua Minh Mạng mới thành lập. Tức là khi ấy các nhân vật chính là Trần Phúc Hiển (1818) và  Nguyễn Du (1820) đều đã qua đời. Bà Hồ Phi Mai cũng vậy, theo gia phả họ Hồ, ở thời điểm đổi tên phủ Vĩnh Tường (tháng 5.1822), cũng là năm bà Hồ Phi Mai mất. Chết rồi còn làm vợ lẽ ông Phủ Vĩnh Tường được ư?

          Bàn về đạo đức thời xã hội phong kiến. Đàn bà không dễ lấy chồng như các tiến sĩ tưởng tượng ra dâu? Làm gì có chuyện một người đàn bà cưới liên tục ba đời chồng? Các mệnh phụ phu nhân càng không thể làm điều ấy, vì xã hội phong kiến ràng buộc, họ phải giữ phẩm giá của mình. Vô số đàn bà ở giá thờ chồng được phong liệt nữ vì lòng trung trinh. Cũng xin nhớ cho khi ấy bà Hồ Phi Mai đã 51 tuổi. Cái tuổi ngoài ngũ tuần ở thời phong kiến, đã được gọi bằng bà, bằng mụ rồi, ông phủ còn ham cưới sao? Bằng chứng xác thực là bà Hồ Phi Mai đã già yếu và mất đúng năm phủ Vĩnh Tường được thành lập?

          Chính sử không có trang nào bàn về người vợ lẽ của Trần Phúc Hiển.  Nhưng sách “Quốc sử di biên”, của Phan Thúc Trực có chép: “…Người tiểu thiếp của quan Tham hiệp trấn Yên Quảng lúc ấy tên là Xuân Hương, vốn hay văn chương và chính sự, nên được người đương thời khen ngợi là kẻ “nữ tài tử”. Quan Tham hiệp thường sai Xuân Hương tham dự vào những việc bên ngoài, nên Thủ Dung vốn ghét”.

          2. MỐI TÌNH NGUYỄN DU – HỒ PHI MAI LÀ MỘT MỐI TÌNH SIÊU TƯỞNG TƯỢNG CỦA CÁC TIẾN SĨ?

          Năm 1813, đồng thời điểm Trần Phúc Hiển được phong chức Tham hiệp trấn Yên Quảng. Nguyễn Du Tiên Điền bấy giờ là Cai bạ Quảng Bình, cũng được triệu về Kinh thành Huế và phong chức Cần chánh điện học sĩ, rồi được cử đi sứ sang Thanh quốc. Bấy giờ Nguyễn Du đã 48 tuổi. Hai người, Xuân Hương và Nguyễn Du đều ngoại tứ tuần, gia đình đề huề, dám tư tình ư? Các tiến sĩ chắc quên mất chân lý của xã hội phong kiến "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng"? Chưa kể hai nhân vật chính lại ở cách xa nhau hơn ngàn cây số ở cái thời đi bộ, yêu nhau qua không gian ảo Facebook ư? Xin nhấn mạnh, trong kịch bản của các tiến sĩ, Nguyễn Du là người tình của Hồ Xuân Hương khi giữ chức vụ  Cần chánh điện học sĩ nhé?

          Mùa xuân năm 1815, sau khi đi sứ về, Đại thi hào Nguyễn Du được thăng chức Hữu tham tri Bộ Lễ. Như vậy, Nguyễn Du chỉ giữ chức Cần chánh điện học sĩ từ 1813 – 1814 và suốt thời gian này cụ dường như đang trên đường thiên lý vạn dặm Bắc phương. "Đại Nam thực lục" chép, tháng Giêng đầu xuân 1815, Nguyễn Du nhậm chức mới. Đáng nói nói ở đây, thời điểm ấy, nếu Xuân Hương thực sự là vợ quan Tham hiệp trấn Yên Quảng, thì việc gửi thư tình cho Nguyễn Du, chẳng hóa ra là ngoại tình ư? Tội này ở thời phong kiến là “cạo tóc bôi vôi đấy ạ”? Nên nhớ, tới năm 1818, Trần Phúc Hiển mới bị giáng tội tử?

          3. “MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN” KHÔNG PHẢI LÀ THƠ CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU VIẾT CHO BÀ HỒ PHI MAI?

          Tinh ý sẽ thấy, dù là thơ vẫn để lộ thời điểm lịch sử.

          Khẩn thúc giáp điệp quần (緊束蛺蝶裙)

Thái liên trạo tiểu đĩnh (採蓮棹小艇)

 

          Dịch nghĩa

Thít chặt quần cánh bướm

Chèo thuyền con hái sen

               Một chi tiết nữa cũng có thể khẳng định cô hái sen không hái sen hồ Tây ở Hà Nội? Bởi giống sen hồ Tây là loại sen hồng, bông hoa to, nhiều cánh, thơm hương, nhưng là giống sen chỉ có hoa mà không có gương, người Hà Nội chỉ dùng nhụy sen để pha trà thôi.

Thái thái tây hồ liên (採採西湖蓮)

Hoa thực câu thướng thuyền (花實俱上船)

 

          Dịch nghĩa 

Hái, hái sen tây hồ

Hoa và gương sen đều để trên thuyền

          Ca dao Việt Nam có câu:

“Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”

          Lịch sử nước Ta, đàn bà chỉ mặc loại “quần không đáy”. Cho đến thời Minh Mạng, vua ban chiếu cấm váy, phụ nữ bấy giờ trở đi mới lác đác người mặc quần đi chợ. Nhưng phụ nữ Bắc Bộ thì những tấm ảnh người Pháp để lại, cho thấy vẫn mặc váy. Đến thời chúng tôi lớn lên, ở quê vẫn còn các cụ bà mặc mấn (váy) ra đường. Vậy ở thời điểm bà Hồ Phi Mai còn là thiếu nữ, chưa có loại “điệp quần”. Đó là chưa nói, Nguyễn Du thời niên thiếu đó còn lo "Dắt chó về núi phía nam" ở Tiên Điền và tán gái ở Trường Lưu, có sống ở Đông Kinh đâu? 

          Nhớ hai ả xưa

          Tính khí dịu dàng

          Hình dung ẻo lả

          Rạng làu làu gương đan quế vừa tròn

          Non mơn mởn đóa hải đường chưa nở”

            (Văn tế nhị nữ Trường Lưu – Nguyễn Du)

          Hơn nữa bài thơ làm ở thời điểm Nguyễn Du làm quan ở Huế, vậy hồ sen trong thơ có vẻ là một hồ sen phía tây kinh thành Huế. Nguyễn Du hẹn một “cô xóm đông” nào đó là gái Huế chăng?  

          Về cuộc đời nguyễn Du, căn cứ vào chính sử, tôi đã chứng minh cụ Đại thi hào đã rời đất Đông Kinh từ năm lên 6. Long thành lại là tên cũ của thành phố Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An. Ở đây xin trích sao một đoạn trong sách “Đại Nam liệt truyện” để xác thực thêm phần lý lịch Nguyễn Du trong chính sử.

          “Nguyễn Du

          Người huyện Nghi Xuân, trấn Hà Tĩnh, là con Xuân quận công đời Lê Nguyễn Nghiễm, và là em Tham tụng Nguyễn Khản; Du là con nhà tướng, có văn tài sẵn khí tiết, không chịu theo giặc. Gia Long sơ, bổ làm Tri phủ Thường Tín, rồi vì ốm xin cáo từ; Năm thứ 5, triệu bổ Đông các học sĩ; Năm thứ 8, ra làm Cai bạ Quảng Bình, trị dân có chính tích; Năm thứ 12, thăng Cần chính điện học sĩ, sung Chánh sứ sang nước Thanh, đến khi về, thăng Hữu tham tri bộ Lễ.

          Minh Mạng năm thứ 1, lại có mệnh đi sứ, chưa đi thì chết. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế rất tiếc, cho 20 lạng bạc, hai cây gấm tàu, khi đưa tang về cho thêm 300 quan tiền. Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến có vẻ sợ hãi như không nói được. Vua thường bảo rằng: "Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt Nam Bắc, ngươi cùng với Ngô Vỵ đã được đối đãi hậu, làm quan đến Á khanh, nên biết thì phải nói để hết chức phận, khá nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì".

          Du rất giỏi về thơ, làm thơ quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về, có tập thơ "Bắc hành" và truyện "Thúy Kiều" lưu hành ở đời. Du trước vì gia thế làm quan nhà Lê, gặp loạn Tây Sơn không có chí lại ra giúp đời nữa, còn tự ý đi chơi săn bắn núi Hồng Sơn 99 ngọn, vết chân hầu khắp. Khi bị lệnh triệu không thể từ được mới ra làm quan, thường phải chịu khuất với cấp trên, lấy làm uất ức bất đắc chí. Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng: "Tốt", nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết. Du có hai em là Thảng và Sóc đều có tài nghệ hiển đạt; Thảng chữ viết chân phương, có tiếng viết tốt, lúc đầu sung vào viện Hàn lâm, khoảng năm Minh Mạng thăng Thị lang bộ Công; Sóc có tứ khéo, khoảng năm Gia Long làm Thiêm sự bộ Công, từng trông coi Võ khố.”

          Phải chăng đã có tới hai nữ sĩ Xuân Hương trong lịch sử? Nhưng văn thơ hai nàng Xuân Hương khác xa nhau. Nàng Xuân Hương vợ lẻ Trần Phúc Hiển phải mất rồi, nàng Xuân Hương vợ lẽ quan phủ Vĩnh Tường mới sinh ra trên đời, đó là sự thật lịch sử! Bà Hồ Phi Mai không thể là vợ lẽ quan phủ Vĩnh Tường được, cho nên không thể là tác giả của “Xuân Hương thi tập”, đó mới là logic của lịch sử!

          Có một tác giả xem chừng lẩm cẩm? Tôi muốn nói tới tác giả Nguyễn Khắc Bảo. Tại bài “Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long” tác giả này viết Nguyễn Trừ, bố đẻ của quan phủ Vĩnh Tường là Nguyễn Hầu Tiên Điền. Nhưng đến bài viết “Chuyện tình Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương” thì ông này lại biến Nguyễn hầu Tiên Điền thành Nguyễn Du, sao lại mâu thuẫn thế nhỉ?

          Xin dẫn chứng một trich đoạn của tác giả đã viết trong bài “Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long”:

          “…

          Năm 1779, Trừ đỗ Tứ trường, thời Chiêu Thống được bổ Tri phủ Tam Đới, thời Gia Long được bổ Tri huyện Siêu Loại, thăng Tri phủ Kinh Môn, đổi làm Tri phủ Nam Sách. Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông mắc bệnh và mất. Nguyễn Trừ có con trai Nguyễn Trù làm Tri phủ Vĩnh Tường; con gái Thị Uyên giỏi nghề thuốc được tuyển vào làm cung tần của vua Gia Long, rất được yêu quý".

          Như vậy cụ Nguyễn Trừ là Quốc trượng nhà Nguyễn (bố vợ vua) và Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long.

          …

          Ngôi mộ quan Tri phủ Nam Sách bố vợ vua Gia Long

          Chúng tôi cùng 2 cụ Thinh và cụ Bình ra viếng mộ cụ Tổ khai lập nên chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Tiêu Sơn (Tương Giang) thì được đọc tấm bia đá cổ kích thước khoảng 30x50cm.

Mặt trước khắc: Cố Nam Sách phủ tri phủ Nguyễn Hầu, Nghệ An trấn, Đức Thọ phủ, Tiên Điền xã nhân dã.

Mặt sau: Minh Mệnh thập nhất niên chính nguyệt cốc nhật phụng khắc ư Vĩnh Tường phủ công sở.

Những thông tin này kết hợp với ghi chép trong "Hoan Châu - Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả" thật phù hợp và đủ để kết luận: Đây là ngôi mộ cụ Nguyễn Trừ - cố Tri phủ Nam Sách quê ở xã Tiên Điền, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An do Tri phủ Vĩnh Tường (con trai Nguyễn Trù) khắc năm Minh Mệnh thập nhất (ngày lành tháng giêng năm 1830).

… “

          Theo như trên đây, thì quan phủ Vĩnh Tường ở giai đoạn lịch sử này chính là Nguyễn Trù, con trai Nguyễn Hầu Tiên Điền. Nhân vật đồng thời đại với Nguyễn Du và Trần Phúc Hiển. Đáng để ý ở đây là Nguyễn Hầu Tiên Điền (húy là Nguyễn Trừ, có nơi chép Nguyễn Trứ, sách “Khoa bảng Hà Tĩnh” chép là Nguyễn Trước) là anh trai cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du Tiên Điền. Nguyễn Trừ được phong tước hầu có lẽ do ông là bố vợ vua Gia Long? Chức và tước là hai thứ khác nhau. Chính sử không có chỗ nào chép Nguyễn Du được phong hầu cả? Quan hệ giữa Nguyễn Du, Nguyễn Hầu Tiên Điền và Tri phủ Vĩnh Tường là quan hệ cha con - anh em - chú cháu ruột. Vậy mà cứ theo kịch bản của các vị giáo sư tiến sĩ thì 3 vị ấy yêu cùng một nàng Hồ Phi Mai, sao lại lộn sòng làm vậy được nhỉ!?

          4. KHÔNG THUỘC LỊCH SỬ, KHÔNG LOGIC NỔI VẤN ĐỀ, LẠI ĐI ĐẼO CHÂN CHO VỪA GIÀY ĐỂ CHE DẤU SỰ VIỆC, CỐ ĐẠT CHO ĐƯỢC THAM VỌNG, QUẢ LÀ CHUYỆN ĐAU ĐỚN TRÙNG TRÙNG CHO TRI THỨC VIỆT NAM!?

          Theo ngài PGS.TS. Biện Minh Điền: “… Hồ Xuân Hương qua các thi tập đa dạng, độc đáo, tài hoa của bà: Thơ Nôm truyền tụng (mảng thơ viết bằng chữ Nôm, được truyền tụng phổ biến trong dân gian, khoảng trên 100 bài), Lưu hương ký (gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm), Hương đình cổ nguyệt thi tập (gồm 9 bài thơ chữ Hán), Đồ Sơn bát vịnh (gồm 8 bài thơ chữ Hán), Đề Vịnh Hạ Long (gồm 5 bài thơ chữ Hán),...

          Tôi xin được lạm bàn như sau:

          - Tập nhạc phủ từ “Lưu hương ký, ngoài bìa đề rõ ràng: “Nhạc phủ từ - Xuân Hương biên tập”. Nhạc phủ từ là nhóm các bài ca cổ miền sơn cước, có từ đời Tần – Hán – Việt. Từ khúc được cho là tiền thân của của thơ. Ở đây ghi rõ “Xuân Hương biên tập”, chứ không phải Xuân Hương sáng tác. Tôi thì tôi hiểu là Xuân Hương đã sưu tầm và biên tập lại. Việc cũng giống như khi xưa Khổng Tử từng làm vậy, sưu tập đến mấy trăm bài ca cổ gom lại thành “Kinh thi”. Ở đây Xuân Hương có vẻ là đã biên tập lời các ca khúc dân gian để phục vụ văn nghệ trong phủ quan của chồng?

          - Tập thơ “Hương đình cổ nguyệt”, giọng thơ cho thấy là của một nam giới từng trải phong trần và trong tập có lẫn bài thơ của Nguyễn Trãi từng xuất bản. Tôi xin lấy ví dụ thực tế vài bài để quý vị có thể thấy nam nhân phong trần trong thơ:

BÁN CHẨM THƯ HOÀI 半枕書懷

Dịch nghĩa (thivien .net)

NỖI NIỀM GỐI LẺ

Nửa trời mưa gió, nửa trời tạnh quang
Tình cảnh ở quán trọ thê lương mê rồi tỉnh
Khách ngâm thơ có thần đến dáng vẻ
Ma tình không sức rụt vũ khí buồn
Lúc ngủ (trong chăn) thì hao nửa thân mình phong nhã
Khi “thức” (trên giường) thì chia đều biển ái ân
Một cảnh không hứng thú không tả hết
Cõi trần thường thích cả đôi mắt xanh.

***

TÁI NGOẠI VĂN CHÂM 塞外聞砧

Dịch nghĩa (thivien .net)

NGOÀI ẢI NGHE TIẾNG CHÀY NỆN VẢI

Chợt nghe tiếng trống ở thành bên sông
Bất ngờ hợp với tiếng chày lạnh nhịp bên tai
Lúc vang lúc bặt trong màn sương khiến bầy nhạn kinh sợ
Phảng phất dưới chân tường dế kêu loạn xạ
Người lính muốn phá giấc mộng nơi khuê phòng
Khách dạo thuyền càng thêm nặng tình cố quốc
Mải mê suy nghĩ mà không hay có liều thuốc chữa khổ luỵ
Tiếng sáo hoà với tiếng đàn chen lẫn tiếng gà gáy bình minh.

          - Tập thơ “Đồ Sơn bát vịnh”, hiện tôi chưa có bản Hán Nôm, dựa vào tài liệu của ông Phạm Trọng Chánh thì không thể tin, vì nguyên cả bài viết của tác giả này, đọc rồi có cảm giác như sử nhà trời vậy, bởi sử Việt Nam không chép như vậy, nên tạm thời loại ra miễn bàn.

          - “Đề vịnh Hạ Long", có 5 bài đã bị chính các tiến sĩ loại một bài với lý do “không phải thơ Hồ Xuân Hương”. Nhưng tôi thấy cả 5 bài đều thể hiện thơ của nam giới. Với tập thơ này, chỉ một chi tiết lịch sử thôi là có thể phủ quyết ngay và luôn rằng “Đề vịnh Hạ Long” không thể là thơ Hồ Xuân Hương. Bởi cái tên “Hạ Long” do người Pháp đặt, tức thời pháp thuộc mới xuất hiện tên “Hạ Long”. Đoạn này xin cứ trích dẫn tại trang wikipedia, cũng là trang của tiến sĩ đời nay dựng lên, nếu wikipedia mà sai hóa ra “gậy ông đập lưng ông” ư?

          “Tên gọi Hạ Long đã thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Các thời Lý, Trần, Lê vịnh mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Tên Hạ Long (rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ XIX.

          Trên tờ Tin tức Hải Phòng xuất bản bằng tiếng Pháp có bài viết về sự xuất hiện của sinh vật giống rồng trên khu vực là vịnh Hạ Long ngày nay với nhan đề Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long, khi viên thiếu úy người Pháp Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence cùng các thủy thủ bắt gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần (vào các năm 1898, 1900 và 1902).[18] Có lẽ người châu Âu đã liên tưởng con vật này giống như con rồng châu Á, loài vật huyền thoại được tôn sùng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa các nước đồng văn châu Á nói chung. Bên cạnh những truyền thuyết của Việt Nam về Rồng Mẹ và Rồng Con đáp xuống khu vực vịnh đảo vùng Đông Bắc này, sự xuất hiện con vật lạ hiện hữu như rồng trong thực tại, có thể đã trở thành các lý do khiến vùng biển đảo Quảng Ninh được người Pháp gọi bằng cái tên vịnh Hạ Long từ đó và phổ biến đến ngày nay…”.

          Nếu đã dã tâm dựng kịch bản để lừa bịp dân chúng đến độ như vậy rồi, các tiến sĩ nên học mưu mô của tác giả “Ngọc phả Hùng Vương”, phải làm thế nào đó để Hồ Xuân Hương có thể sống “thần thánh” tới vài trăm năm mới khớp với kịch bản?!

          Một loạt các nhân vật “người tình” của Hồ Xuân Hương cũng sống rải rác trước khi Hồ Xuân Hương sinh và sau khi Hồ Xuân Hương mất:

          - Chiêu Bảy là ai? Sách Từ điển Hà Tĩnh chép: “Lê Hữu Trác (1720 – 1791). Có tên nữa là Lê Hữu Huân, thường gọi là Chiêu Bảy, biệt hiệu là Hải Thượng Lãn ông…”.

          - Mai Sơn là ai? Lại lấy trang wikipedia của tiến sĩ đời nay chứng minh vậy: “Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) tên tự: Đỉnh Nam, Đỉnh Thần, tên hiệu: Mai Sơn còn được gọi là Ông nghè Liên Bạt, sinh năm 1868 tại làng Liên Bạt, tỉnh Hà Đông. Ông là con Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên, và là con rể quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết…”.

          - Chiêu Hổ cũng không thể là Phạm Đình Hổ càng không thể là Nguyễn Du? Vì ba giọng văn chương và địa bàn hoạt động của ba nhân vật không trùng nhau. 

          - Xem trong lịch sử, ngoài 5 ông quan có đồng tên Nguyễn Du bị nhầm lẫn làm một, thì cũng còn có tới 3 ông Nguyễn Huệ, trong đó có một người là bác ruột của Nguyễn Du. Nhân tiện nói rõ, vì mới rồi có tiến sĩ ngộ nhận Nguyễn Huệ (Quang Trung) quê ở Sơn Tây?

          Còn nữ sĩ Xuân Hương rõ ràng ít nhất cũng 2 người với hai phong cách thi văn khác nhau một cách rất rõ rệt. “Xuân hương thi tập” và “Lưu hương ký” không thể là một tác giả. “Văn là người”, chẳng ai lồng vào ai được đâu?

          Còn để đánh giá có xứng tầm thánh thi, hay “bà chúa của một dòng thi ca, ngoài “Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ”, còn cần phải xét đến “ Quân – Thần – Dân – Sự - Vật”; “Thái cực – Âm Dương”. Di sản của cổ nhân để lại đã định ra cái ba rem như vậy. “Xuân hương thi tập”, trào lộng xuất sắc, “Dân – Sự - Vật” đã thấy tuyệt diệu, nhưng mới được rứa thôi, “vũ trụ thơ” đâu chửa thấy? Tư tưởng Quân – Thần có chăng? Xin đừng nói quá, tủi hờn những Hàn Thuyên, Nguyễn Khuyến, Lê Quý Đôn và nhiều tiền bối dòng thơ Nôm đáng mặt thánh thi trong lịch sử thi ca Việt Nam?

           “Đại Nam thực lục”, có chép rằng vào thời Gia Long, sau khi bố cáo  thiên hạ về tên nước Việt Nam, thì vua có chủ trương báo công cho gia tiên các giòng họ từ đời Lê trở về sau. Một số giòng họ đã làm hồ sơ giả để tâng công gia tiên dòng họ mình. Khi phát giác, vua cho chém tất cả từ người khai man hồ sơ, đến quan chủ trì việc báo công…

   

 

 

 

Ô hô! Quan Phủ Vĩnh Tường ôi!

Nứt mả lên coi chuyện bán trời

Vợ lẽ Tri ông - ma cổ nguyệt

Nhân tình Hồ thị - chúa thiên lôi

Lộn sòng cha chú bi tình kiếp

Bát nháo sĩ phu lụy cảnh đời

Tuồng “khó” ra ri mà tạc giỏi

Đội mồ tôn thánh, Phủ ông ôi!

         

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 “HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 3 (09h: 18-12-2020)
 ‘HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 2 (13h: 15-12-2020)
  “HẠ MỤC” ĐỂ XEM TIẾN SĨ NÓI LÁO VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU - Kỳ 1 (19h: 12-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 4 (18h: 10-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 3 (12h: 08-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 2 (17h: 07-12-2020)
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 1 (17h: 07-12-2020)
 MUÔN THÚ CHƠI THƠ KIỀU CỦA DÂN VIỆT NAM (23h: 09-03-2013)
 TẬP KIỀU GỬI HAI VỊ “HẬU SINH KHẢ UÝ” ĐỖ MINH XUÂN VÀ VŨ KHIÊU (19h: 12-04-2014)