Phần I: Hát dạo, hát chào mừng, hát hỏi Chúng ta đã biết, hát phường vải là một loại hát ví “đặc biệt nhất” ở vùng Nghệ Tĩnh. Cần phải nắm được cụ thể diễn biến của một cuộc hát phường vải như thế nào mới thấy rõ tính chất đặc biệt của một cuộc mà không ai gọi là một đêm, vì nếu gọi là một đêm hát phường vải thì trong đêm đó phải có mọi chặng, mọi bước mà hát hường vải trải qua. Gọi là môt cuộc hát phường vải vì hát phường vải thường kéo dài hai, ba, bốn, có khi năm, sáu đêm mới đủ mọi chặng, mọi bước.
Thông thường một cuộc hát phường vải phải qua ba chặng.
- Chặng thứ nhất gồm hát dạo, hát chào mừng và hát hỏi. Chặng này chưa quan trọng lắm. Nội dung câu hát chưa thật phong phú và sâu sắc.
- Chặng thứ hai chỉ có hát đố, hát đối. Đương nhiên, ở chặng này trai gái chỉ thử th1ch trí thông minh của nhau, chỉ tìm hiểu vốn kiến thức của nhau, nhưng đây là chặng quan trọng, vì hát phường vải là nơi gặp gỡ của “trai tài gái sắc”.
- Chặng thứ ba gồm hát mời, hát xe kết (hay còn gọi là hát tình nghĩa) và hát tiễn tức là những câu hát lúc ra về, trái gái thổ lộ tình cảm với nhau chủ yếu là ở chặng này. Những câu hát có nhiều gúa trị về nội dung và nghệ thuật đều xuất hiện ở chặng này.
Để thấy rõ các bước đi của một cuộc hát, đặng qua đó hiểu thêm về quy cách, tính cách của hát phường vải, xin mời các bạn đi sâu từng chặng một.
1. Chặng thứ nhất
a. Hát dạo
Mở đầu cho một cuộc hat phường vải, bao giờ người ta cũng phải hát dạo vài câu. Tối đến, tại một gia đình nào đó, chị em đã tập trung mươi hai người để kéo sợi. Một lúc sau bên nam kéo đến. Để cho bên nữ biết là mình đến hát, từ ngoài đường, ngoài ngõ, bên nam phải hát lên vài câu gọi là hát dạo:
Dừng xa khoan kẹo ơi phường
Hình như có khách viễn phương tới nhà.
Trong câu hát, bên nam thường tỏ vẻ kiêu kỳ, khi thì tỏ ra ngẫu nhiên mình đến hát:
Đi ngang trước cửa nàn Kiều,
Dừng chân đứng lại dặt dìu đôi câu.
Khi thì tỏ ra mình đã nghe tiếng tăm bên nữ, hôm nay đến hát:
Đồn đây có gái hát tài,
Để ta đối địch một vài trống canh…
Đôi khi họ cũng tỏ ra khiêm nhường:
Đi qua nghe tiếng em đàn,
Lá vàng xanh lại, sen tàn trổ hoa.
Nhưng các chàng trai thường hay mĩ hóa, khách quan hóa cuộc đi hát của mình:
Đi ngang thấy cảnh tưng bừng,
Tay gò cương ngựa, chân dừng bánh xe.
Cũng có khi bên nữ hát dạo trước. Thấy chàng trai bàn tán chộn rộn ngoài đường, các cô không ngại ngùng e lệ, thánh thót cất lên tiếng hát:
Bóng ai thấp thoáng vường hoa,
Hình như Kim Trọng đến nhà Kiều, Vân.
Đôi khi các cô cũng mĩ hóa cái lúc chàng trai đến hát, để thể hiện thái độ hồn nhiên, nhưng phấn khỏi, hồ hởi, trân trọng của mình:
Khoan khoan dóng trống mở cờ,
Hình như nho sĩ tới bờ đào nguyên.
Sau khi đã nghe bên nam hát dạo rồi, nếu là người cũ, các cô tỏ rõ tâm trạng của mình ngay:
Mấy lâu anh mắc (bận) chi nhà,
Để em dệt gấn thêu hoa chịu sầu.
Còn nếu là người mới, chị em cũng đắn đo đôi chút:
Đến đây muốn hát muốn đàn,
Sợ lòng con cậu cháu quan khó chiều.
Những lúc như vậy bên nam phải đả thông để tỏ rằng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn mà rất dân chủ, bình đẳng trong khi hát:
Ở nhà con cậu cháu quan
Đi ra phường vải hát đàn nghe chung.
Nhưng đâu phải tất ả các chàng trai đến hát đều được các cô đón tiếp nhiệt tình. Nhiều chàng trai đã phải bỏ ra về ngay từ phút đầu. Ở Nam Đàn có một chàng trai thường hát những câu nghịch ngược, tất cả các phường vải trong vùng đều chán mặt anh ta. Tại một phường, đêm nào anh ta cũng tới hát lài nhài, một đêm, một cô lên tiếng:
Coi chừng cũng nỏ có màu,
Thuyền tình trở lại cho mau kẻo ghềnh.
Biết có hát nữa cũng vô vị và có thể mua nhục vào mình, cháng trai lẳng lặng bỏ đi sang phường khác. Còn nhiều chàng trai nữa đã mang xấu hổ vào mình, nếu không tỉnh mà cứ cố đấm ăn xôi.
Lại có một số cháng trai đến chỉ để thăm dò trình độ của các cô bên nữ, xem trong đó có thầy gà nào ra trò không, im hơi lặng tiếng để đoán định, khả năng của đối phương. Đối phương biết được lên tiếng chỉ trích:
Đến đây không hát thì hò,
Đâu phải con cò chỉ ngẳng cổ nghe.
Hoặc có chàng đến hát, chỉ qua vài bước dạo thôi đã gặp hát đối rồi, không đối được, không hát được, đứng mãi cũng bị các cô khiêu khích:
Sao mà chuột chạy cùng sào,
Anh đà hết chuyện xuống ao mà rờ.
Ngay cái bước hát dạo cũng đã lôi thôi rồi, đâu phải dễ trót lọt như mọi người tưởng.
Cũng nên nói thêm không phải chỉ trai gái đang thời kỳ thanh xuân mới đi hát, mà đàn ông có vợ, đàn bà có chồng cũng hay đi hát. Để cho các bà vợ, các ông chồng ở nhà được yên tâm, trước khi hát, người ta thường hay xác định thái độ:
Ai có chồng thì nói chồng đừng sợ,
Ai có vợ thì nói vợ đừng ghen,
Đến đây hò hát cho quen,
Rạng ngày ai về nhà nấy,
Há dễ ngọn đèn hai tim.
Trên đây là vài nét về hát dạo, nó có tính chất như phần giáo đầu của một đêm hát chèo, hát tuồng. Hạt dạo xong bên nữ bước qua hát chào mừng.
b. Hát chào hát mừng
Các loại hát ví khác không có hoặc ít khí thấy bước này. Hát chào hát mừng tăng tính cách lịch sự của người hát phường vải, tăng vẻ lịch sự cho ngưới hát, ca nam lẫn nữ. Khi bên trai đến hát, bên nữ thường chào mừng bằng những câu khá niềm nở, khá cung kính. Các câu hát chào mừng đó, khi thì e dè bóng gió:
Mấy khi khách tới vườn đào,
Trăm hoa mủm mỉm đón chào đông quân.
Khi thì mạnh dạn tha thiết:
Cau non tiệm chũm lòng đào,
Trầu têm cánh phượng ra chào bạn quen.
Khi thì trang trọng kiểu cách:
Chào chàng bước tới vườn đào,
Sấm ra dưới biển, gió trào trên cây.
Nhưng tất cả đều ngụ tình, đều nói lên lòng mừng rỡ, sung sướng vì được gặp nhau:
Vừa ra gặp bạn giữa đường,
Cũng bằng tiến sĩ trong trường bước ra.
Và đều có tính chất ca ngợi buổi gặp gỡ đó:
Bữa nay ta lại gặp ta,
Giá như lụa hạ thêu hoa vẽ rồng.
Khi bên nữ hát chào mừng rồi thì bên nam cũng phải hát chào mừng lại. Nội dung và tính cách lời chào mừng của bên nam cũng như bên nữ, tức là phải trang nhã, khiêm tốn:
Đến đây mừng cảnh mừng hoa,
Trước mừng lân lý sau ra mừng nường.
----
Mừng nàng áo vải hồ tơ,
Cửi canh lão luyện, tay đưa mỏng mềm.
Sau nay người ta thấy bước hát dạo không được tự nhiên cho lắm, thì hát chào mừng thay cho hát dạo.
c. Hát hỏi
Khách đến nhà, chào mừng xong rồi thì phải hỏi quê quán, tên tuổi của khách. Ở đây cũng vậy, bằng câu hát, bên nữ hỏi bên nam quê quán ở đâu:
Bữa ni chàng mới tới nhà,
Hỏi chàng coi thử ở xa hay gần?
Cha mẹ thế nào:
Chữ rằng hải hoác sơn cao,
Xuân thu nay đã bước vào tuần mô?
Anh em được mấy người:
Ơn trên phụ mẫu tại đường,
Hòe dình, Đậu quế phân phương mấy nghành?*
Tại sao biết đây mà đến:
Hỏi chàng khách lạ bóng trăng,
Bỗng đâu mà biết Kim Lăng có chùa?
Tên họ là gì:
Hỏi anh tên họ là chi
Nói cho em biết, mai đi em chào?
Còn bên nam hỏi bên nữ, thường hỏi tuổi bao nhiêu:
Trăng lên khỏi núi trăng tròn,
Xuân xanh em mấy mà dòn rứa em?
Đã có chồng chưa:
Ngó lên trời bạc mây hồng,
Thương em hỏi thật có chồng hay chưa?
Sau mỗi câu hát hỏi thì bên nam hoặ bên nữ lựa ý, lựa lời mà đáp lại. Hát hỏi có tác dụng làm cho hai bên hiểu biết nhau. Bên nữ hỏi bên nam lý lịch từ xa đến gần, ít hỏi có vợ con chưa, vì mặc nhiên coi chàng trai đến hát là đến hỏi vợ rồi. Bên nam chủ động hơn, hỏi bên nữ tuổi tác, chồng con ngay từ câu hát hỏi đầu tiên.
Thời hát phường vải còn mang nhiều tính chất dân gian, bên nam trả lời thế nào không rõ, chứ từ ngày hát đố, hát đối mang nhiều tính chất chữ nghĩa, bên nam ít khi trả lời thật thà tên họ của mình lắm. Chỉ một số người nổi tiếng trong làng hát phường vải mới nói rõ tên họ và quê quán của mình. Như Lê Nguyên Khái ở Trung Cần, đậu cử nhân, một tay “trỗi” về đặt câu hát hay và đối đáp tài tình đã trả lời:
Anh đây cử Khái, Trung Cần,
Con ông quan lớn ở gần bàu Sen.
Còn nói chung ít người nói rõ tên họ và quê quán của mình. Vì nói thật tên họ mà không đối, khống đáp được những câu hát đố, hát đố chặng sau sẽ xâu hổ, xấu hổ không chỉ hôm đó mà còn mang tiếng mãi về sau. Nên các chàng trai thường tìm cách trả lời loanh quanh, chung chung:
Tên anh tên bưởi tên bòng,
Tên cam tên quýt em hòng hỏi chi.
Hoặc trả lời một cách kiêu kỳ mà mơ hồ:
Quê anh vốn ở Hoan Châu,
Họ hoàng, tên giáp xuân thu đôi mười.
Hoan Châu là tên cũ của đất Nghệ Tĩnh. Còn hoàng giáp là những người đậu nhị giáp tiến sĩ (học vị cao hơn tiến sĩ). Có người trả lời một cách nghịch ngược:
Quê anh vốn ở Nam Đàn,
Họ anh là Nguyễn, tên rằng “Lý Mây”.
Nam Đàn có biết bao nhiêu là làng xã, biết anh ta ở làng xã nào. Còn cái tên “Lý Mây” nói lái lại là “lấy mi”.
Sau hát hỏi thường có hát phong cảnh. Các câu hát phong cảnh thường ca ngợi cảnh đẹp nơi mình đến hát, hoặc cảnh đẹp quê hương mình, như những câu:
Nam Đàn gió thổi phi phòng
Vân Sơn mây bá, Phù Long rồng chầu.
-----
Vui thay Gia Lạc, Kim Liên,
Mâu Tài của tốt, bàu Sen hoa nhiều.
-----
Đất yên quả có cảnh Hà,
Nước Hà tĩnh túc, sen Hà thanh tao.
-----
Vui thanh cảnh đẹp vui thay,
Bồng lai có phải chốn này hay không?
Sau này đến chặng hát đố, hát đối, người ta hay lấy cảnh của địa phương mình (tức làng mình hay làng chung quanh) để bẻ câu hát, do đó hát phong cảnh không còn là một bước riêng nữa. Ngay ba trong bốn câu ví dụ trên đã mang tính chất hát đối rồi. Như câu đầu đã mang tính chất chơi chữ: Phi phong là gió thổi, vân là mây, long là rồng.
Ba bước trên trong chặng đầu của một cuộc hát phương vải thời gian không hết bao nhiêu mà dùng trí cũng chưa nhiều. Nó mới là chặng mào đầu đưa chuyện mà thôi, nên giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của câu hát có bị hạn chế phần nào.
=============
* Hòe đình, Đậu quế hay môn quế: lấy tích trong câu “Vương thị tam hòe, Đậu yên ngũ quế”, trước sân nhà họ Vương có trồng ba cây hòe sau sinh ba con trai, trước cửa nhà họ Đậu (ở Yên Sơn) có trồng năm cây quế, sau sinh ngũ quý tử. Các con của hai nhà này đều học hành giỏi giang, đỗ đạt, làm nên danh giá.
Phần II: Chặng thứ hai (hát đố, hát đối).