Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
 Cội nguồn làn điệu Ví dặm
 Giai thoại làng ví
 Sưu tầm những bài hát ví lời cổ
 Ví dặm lời mới
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Thủ tục của một cuộc hát phường vải - Phần III: Hát mời, hát xe kết và hát tiễn
 
(13h: 11-07-2010)
Thủ tục của một cuộc hát phường vải - Phần III: Hát mời, hát xe kết và hát tiễnLược trích trong “Hát phương vải” của Ninh Viết Giao

a. Hát mời:

Sau khi đã qua cái cầu thử thách về tài năng, về sự hiểu biết và trí thông minh, thì bên nam không phải ngồi ngoài ngõ, ngoài đường nữa mà được bên nữ mời vào nhà. Nguyễn Du trong bài văn tế sống “Trường Lưu nhị nữ” đã cho ta rõ cái cảnh đàn hát khi bên nam được mời vào nhà như sau:

Ngồi trong nhà thì chị em chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, cũng có ả trao trầu tận miệng, mĩ nữ như hoa”.

“Leo trên giường thi quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông lấy áo trùm đầu *, cao bằng mãn tọa**”.

Hát mời là của bên nữ. Ví dụ:

Chén ngà sánh giọng quỳnh tương

Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào.

Qua được cái cầu hát đố đối, tức là bên nữ đã hiểu rõ bên nam, đã phục tài trí bên nam, bắt đầu gắn bó với bên nam, nên lời hát bước này dịu dàng hơn:

Trong nhà trải chiếu hai dòng,

Mời chàng nho sĩ vào trong mà ngồi.

Những lời mời khá chân thành, tình tứ:

Bạn ơi mời bạn vô nhà,

Đừng đứng ngoài ngõ sương sa lạnh lùng.

Nhiều khi lời mời cũng dí dỏm, bóng bẩy mà vẫn chơi chữ:

Mời vào nhấp chén quỳnh tương,

Kề cà nhút nhát ngoài đường làm chi?

Các cô hay lý tưởng hóa mình, lý tưởng hóa bên nam, lý tưởng hóa cả nơi hát để làm cho sinh hoạt của cuộc hát, không khí cuộc hát thêm đượm đà, huyền ảo:

Ra tay mở khóa động đào,

Thực tiên thì được bước vào chơi tiên.

-----

Mời chàng vào chốn ba cung,

Đèn dong ba ngọn, trống rung ba hồi.

Khi bên nam đã vào nhà rồi, thì bên nữ hát mời bên nam hút thuốc:

Mời chàng điếu lửa xin hầu,

Rượu đà rót chén, đèn dầu thắp dong.

Hát mời uống nước:

Chè ngon nước chát xin mời,

Nước non non nước, nghĩa người chớ quên.

Hát mời ăn trầu:

Trầu xanh, cau trắng, chay vàng,

Cơi thời bít bạc, thiếp mời chàng ăn chung.

Sau mỗi câu hát mời của bên nữ, bên nam thường hát lại một câu mang ý cám ơn:

- Cám ơn đào liễu có lòng,

Khoan thai rồi sẽ ung dung giải lời.

Đâu phải lần hát mời nào và ai được mời vào rồi cũng đều trót lọt. Một lần Đinh Viết Thận đi hát phường vải ở Nam Đàn, qua được cái cầu hát đố đối, ông được bên nữ mời vào nhà. Hôm ấy trời mưa lâm thâm. Vừa bước chân vào đến sân, thì ôi chao sân trơn, ông bị ngã uỵch một cái. Trong nhà một cô nhè nhẹ cất lời:

Đến đây đàn hát vui xuân,

Khấu đầu bái lạy trước sân làm gì?

Tiếng hát vừa dứt, một chuỗi cười dòn tan, Đinh Viết Thận đỏ mặt. Song vốn thông minh, vừa định thần lại ông đã đáp lời:

- Đất đâu đất có lạ lùng,

Đứng thì không được, nằm cùng lại cho.

b. Hát xe kết.

Đây là bước căn bản, bước dài nhất. Không có bước này không có hát phường vải cũng như các loại hát ví, hát giao duyên khác. Đến bước này hai bên nam nữ nói lên lòng keo sơn đính ước, nói lên sự gắn bó vợ chồng. Bao nhiêu nỗi niềm tâm sự, bao nhiêu hi vọng thầm kín…đến bước nay họ có thể thổ lộ cùng nhau. Bân khuâng lưu luyến, thiết tha là ở bước này. Nhớ nhung sầu muộn, than thân trách phận và trách móc lẫn nhau cũng là ở bước này.

Đến bước này, đêm đã khuya, không gian tứ bề im lặng. Địa điểm sinh hoạt hát phường vải không còn cách xa nhau, mà dười một mái nhà, trong một cái sân. Quay xa vè vè và tiếng thoi đưa lách cách (nếu như chủ nhà có con gái làm nghề dệt vải) và tiếng hát. Tiếng hát ân tình vẳng đưa, nghe mặn nồng như quyện lấy gió, làm ngưng hơi thở, làm chậm nhịp tim, lắng sâu vào đáy lòng. Nam nữ say sưa đắm chìm trong câu ca tiếng hát, trong nguồn ân ái mênh mông.

Nói hát xe kết là nói chung, trai gái không chỉ xe kết tình nghĩa sao cho thắt chặt, nghĩa là không chỉ hát thương mà có hát nhớ, hát cưới, hát than, hát trách…tất cả hòa quyện, đan xen…trong một lưới tình bền chặt, ken dày. (nỏ hiểu ken dày là chi cả?)

Dồi dào phong phú nhất vẫn là hát thương. Bằng tiếng hát, họ ướm hỏi lòng nhau:

Bây giờ ướm hỏi người ngoan,

Em về thưa với thầy mẹ anh muốn dan díu tình.

Họ muốn nói lên mối tình duyên hội ngộ của mình:

May mô may, khéo mô khéo,

Cơn cỏ héo gặp trộ mưa rào,

Mối tình duyên hội ngộ,

Liễu với đào ta kháp nhau.

Và ước mong:

Khi nào cho hợp hai hơi,

Nghiêng tai nói nhỏ những lời thủy chung.

Hai bên cùng xe, bên nam xe vào, bên nữ cững xe vào, tình càng cố kết, càng keo sơn gắn bó:

Đôi ta như chỉn xe tư,

Xe răng như rứa y như một lời,

Đôi ta đã quyết thì hành

Đã đan thì lận tròn vành thì thôi.

Và khi tình duyên đã bát bén, họ trao lời vàng đá:

Đã thương cắt tóc trao tay,

Tha hồ ém liệng nhạn bay mái ngoài.

Vì họ biết:

Thiếp mà làm bạn với chàng,

Như chuông có chế nước vàng kêu xa.

Lúc đó ái tình của họ hiện lên rất đẹp:

Duyên mình bắt bén duyên ta,

Cũng bằng tiến sĩ đi ba lọng vàng.

Và đôi lứa cũng hiện lên rất đẹp:

- Mình em như con phương mới tô,

Mình anh như nét bút vẽ họa đồ trong tranh.

- Đôi ta vừa lứa thanh niên,

Song song đối diện đẹp duyên hảo cầu.

Họ thề thốt:

Xin chàng đừng có nhị tâm,

Hồng sơn còn vững, sông Lam còn dài.

Nói lời cho hẳn như lời,

Nói năm năm hẳn, nói mười mười nên.

Đích cuối cùng của hát xe kết là hát cưới. Khi hai bên đã thuận tình xe kết, họ định cưới nhau. Bên nữ thách cưới bên nam:

- Anh về liệu đủ năm mâm,

Để cho hai họ tri âm một nhà,

- Anh về mua nứa làm giàn,

Để mời hai họ đưa hai ngàn nón sơn.

Có cô còn thách cưới to hơn nữa. Nhưng chàng trai đâu có sợ. cô ta thách một thì anh ta đi hai. Song cô nàng thử anh chằng đó thôi. Đã yêu nhau thì chẳng cưới xin gì to tát:

Nói thời nói rứa thôi mà,Dăm ba đọi gạo, con gà cũng xong.

Vì cô ta biết gánh nặng của lễ cưới đó, vợ chồng sau này phải chịu, nên cô ta dặn dò:

Lễ cưới anh coi đó mà đi,

Kẻo sau về đồng công trự nợ, tội thì nhọc ta.

Từ chỗ thổ lộ nỗi lòng với nhau đến chỗ xe kết rồi định lễ cưới, tình duyên của họ - về phía chủ quan – đâu có một mạch trôi chảy, mà có nhớ nhung khi xa nhau, có phân trần khi nghi ngờ nhau, có cả hờn dỗi khi bên này thấy bên kia cứ bắc bậc làm cao. Còn về phía khách quan, sống trong cái xã hội mà quyền sống của con người bị vùi dập, tình cảm lứa đôi của con người bị bóp ngẹt, nam nữ không được tự do luyến ái, hôn nhân do cha mẹ định đoạt; luật pháp, lễ giáo đạo lý phong kiến đều là những thế lực tỏa chiết (nỏ biết tỏa chiết là chi?), đàn áp tình cảm con người, thì nguyện vọng lứa đôi chính đáng, những mơ ước đẹp đẽ về cuộc sống bên nhau còn gặp nhiều trắc trở, khó mà trở thành hiện thực. qua hát xe kết, ta cũng thấy nỗi đau xót oán hờn của bao trai gái Nghệ Tĩnh trước cảnh tình duyên tan vỡ. Hãy nghe một cô thôn nữ nói lên tâm trạng của mình khi trái tim rung lên nhịp điệy yêu đương:

Đá có rêu bởi vì nước đứng,

Núi bạc đầu là tại sương sa,

Thấy anh em muốn nói ra,

Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời.

Thấy anh em muốn trao lời,

Sợ chòm mây bạc giữa trời tan mau.

Cô ta không làm chủ được mình, cô sợ tất cả. cô sợ cha mẹ ghê gớm, vì đã là con gái thì từ làn da, mái tóc đều là của cha mẹ kia mà. Cô lại sợ cả cái định mệnh lởn vởn trên đầu nữa. một bên thì trái tim thôi thúc muốn vùng lên. Một bên là các thế lực hữu hình và vô hình trong xã hội kìm hãm lại. Những thế lực ấy đã phá vỡ bao cuộc tình duyên đẹp đẽ và gây nên bao cảnh lỡ làng;

Tiếc thay cái đọi cơm vàng,

Đem xới cơm nguội lỡ làng duyên em.

----

Đau đớn thay cây quế giữa rừng,

Để quạ đen nó độ đau lòng quế thay,

Ước gì con ác nó bay,

Phượng hoàng nó độ, quế nay bằng lòng.

Khi còn thanh tân thì không gặp nhau:

Tay cầm nhành quế mà than,

Tuổi xuân xanh không gặp bạn, hội hoa tàn gặp nhau.

Không những than thở mà còn oán trách. Oán trách kẻ đã làm cho đôi lứa phải xa nhau:

Vì ai cho gióng xa triêng,

Vì ai em phải sầu riêng một mình.

Vì ai cho quế xa rừng,

Cho loan xa phượng, cho rồng xa mây!

Oán trách cha mẹ không thấu hiểu nỗi lòng của con cái:

Mẹ như ánh nắng mùa đông,

Soi không tận mặt tận lòng cho con.

Oán trách kẻ bạc tình đã bội lời nguyền ước:

Tưởng là mình thật một lòng,

Để ta xóc chĩnh ta hòng trời mưa,

Nỏ hay mình ở đong đưa,

Chĩnh xóc mặc chĩnh, trời mưa mặc trời.

Oán trách cả cái số phận hẩm hiu của mình nữa:

Trách duyên trách số lỡ làng,

Cầm duyên duyên tối, cầm vàng vàng phai.

Tóm lại trong bước xe kết, những câu hát yêu đương tình tứ cũng nhiều mà những câu mang nặng nỗi xót xa oán trách cũng lắm. Ngoài ra, trong bước này, đôi khi có những câu hát li tình. Ấy là khi bên nữ khám phá ra bên nam đã có vợ mà vẫn đeo đẳng:

Công đâu mà tát nước sông,

Công đâu mà bạn với chồng người ta.

Hoặc phát hiện ra bên nam hay hát nghịch ngược:

Thôi thôi cũng nỏ có màu,

Thuyên trình trở lại cho mau kẻo ghềnh.

Hay là khi bên nữ đã có chốn có nơi rồi:

Chàng về dạm vợ đẻ con,

Phượng hoàng đã ở lầu son mất rồi.

Hỏi anh còn đến chi đây,

Một be rượu lạt, một quả bánh gây (thiu) mất rồi.

Thực ra là các cô không ưa anh chàng. Song những trường hợp như vậy không nhiều.

c. Hát tiễn

Hát tiễn là hát lúc ra về. Nó là bước cuối cùng của mộc cuộc hát phường vải. Dùng dằng lưu luyến là lúc này. Nó về nhưng vẫn ở, ở rồi lại hát ra về, ra về nhưng đi không dứt. có phường đầu trống canh ba, bên nam định ra về, nhưng mãi trống canh năm, trời gần sáng mới quay gót được. thực ra đây là sự thể hiện cao độ của bước hát xe kết. Hai bên đã ý hợp tâm đầu rồi, tình nghĩa đã gắn bó rồi, ra về sao được, xốn xang bịn rịn lắm:

Ra về nhớ lắm em ơi,

Nhớ xa em kéo, nhớ lời em than.

Vì:

Yêu nhau chưa ráo mồ hôi,

Chưa ta buổi chợ đã chia đôi ngã đường.

Bên nam dứt đi sao được trước những lời đầy vần vương, quyến luyến:

Em nghe anh dóng dả ra về,

Cũng bằng lửa đốt bốn bề lưng em.

-----

Ra về răng được mà về,

Ở đây tay gối đầu kề nỏ hơn.

-----

Rau má là lá lan dây,

Đã trót dan díu ở đây đừng về.

Rau má là lá lan thề,

Đã trót dan díu đừng về, ở đây.

Họ chỉ muốn:

Ai lên nhắn với trăng già,

Nhủ trăng khoan lặn, nhủ gà khoan kêu.

Mặc dù đã biết:

Yêu nhau thì đứng cho xa,

Đừng có đứng cận, ngườ ita biết tình.

Ra về ai khảo đừng xưng,

Tình sâu nghĩa trước xin đừng lộ ngôn.

Nhưng đôi khi các cô giữ bên nam lại một cách liều lĩnh:

Hát đàn cho rạng đông ra,

Mai về quan bỏ nhà pha cũng đành.

Ra về ngoài những lời dặn dò giữ vẹn lòng chung thủy:

Ra về dặn bạn một hai,

Bóng mình mình tựa, bóng ai đừng kề.

-----

Ra về dặn nước với non,

Dặn rằng một chữ vuông tròn phu thê.

Trai gái còn dặn dò nhau làm tron nghĩa vụ đối với non sông:

Ra về dặn bạn thanh niên,

Chớ mê bạn gái mà quên đúc thù.

Trên đây là thủ tục một cuộc hát phường vải đã được trình bày một cách giản lược. rõ ràng bước đi của nó, trình tự diễn biến của nó rất tự nhiên hợp lý mà cũng dồi dào, tình ý thơ mộng. qua đó chúng ta càng thấy được tại sao người dân Nghệ Tĩnh lại thích hát phường vải và bước đầu thấy được tính cách của sinh hoạt hát phường vải. Những câu hát của nó phải thể hiện được cái sâu thẳm của lòng người, mang tính nhân văn cao cả mới có sức sống trường tồn và mới được nhiều người hâm mộ.

Ra về muôn nhớ ngàn thương,

Thắp đèn chẳng cháy, nước mắt vương đầm đìa.

Đèn thương ai đèn lại tắt đi,

Nước mắt thương ai, nước mắt nhỏ tư bi nước mắt sầu.

Ra về dặn bạn một lòng,

Dù mà trúc hóa ra long đừng kỳ.

Ra về dặn bạn tương tri,

Đừng có ăn xổi ở thì thêm lo.

Ra về dặn bến với đò,

Thư ai đón ngõ trao cho đừng cầm.

Ra về dặn bạn tri âm,

Đã tin hôm nọ ắt nhằm hôm mai.

Ra về dặn trúc với mai,

Dặn đào với liễu đừng sai tấc lòng.

Ra về dạn bướm với ong,

Say hoa mến nhụy một lòng tương tư.

Ra về dặn thủy với ngư,

Trầu ai đem đến cũng từ đừng ăn.

Ra về dặn hết nguồn cơn,

Của ngon vật lạ đừng nên bận lòng.

Ra về …anh nỏ ngó lui,

Để em ngó mãi, ngậm ngùi đắng cay.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Thủ tục của một cuộc hát phường vải - Lược trích trong “Hát phương vải” của Ninh Viết Giao (13h: 11-07-2010)
 Thủ tục của một cuộc hát phường vải - lược trích trong "Hát phường vải" của Ninh Viết Giao (13h: 11-07-2010)