Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
 Phlanhoa viết
 Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
 Văn hay sưu tầm
 Thú chơi tập Kiều
 Sưu tầm để ngẫm
 Tìm hiểu về thể loại câu đối
 Láo nháo
 Thư pháp
 Tâm hồn người Việt
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN HÀNG RONG - Phlanhoa
 
(18h: 28-07-2010)
NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN HÀNG RONG - PhlanhoaChị ta bán bún thịt nướng và bánh khoai rán ở góc chợ xép bên đường. Tuy chị ta cũng có một cái tủ có bánh xe để lăn đi cho đỡ nặng vai, nhưng xem đi xét lại thì vẫn chỉ là người bán hàng rong mà thôi.

Dáng dấp nhỏ thó, những lúc đông khách trông chị ta cũng nhanh nhẹn xởi lởi. Chỉ đến khi khách vãn, khuôn mặt ấy mới trở nên sạm đen và choắt lại, sắc diện chuyển màu u tối, hằn rõ những đường chân chim cơ cực.

 

Được cái chị ta bán hàng thật thà, chất lượng không đến nỗi nào nên cũng đông khách. Duy chỉ một điều là chị ta mở hàng không đều đặn, bán bán, nghỉ nghỉ thất thường. Lối phố xung quanh nhiều khi muốn mua hàng ăn của chị ta lại tìm không thấy. Nếu có ai hỏi tới thì chị ta tưng tửng trả lời: “khỏe thì bán, mệt thì nghỉ chơi”…

 

Rồi một ngày nọ, cả chợ xôn xao vì một vụ ẩu đả giữa một đám thanh niên choai choai với một  người đàn ông trung niên. Tất nhiên là người đàn ông trung niên bị thua thiệt, toác đầu, máu chảy thành vũng. Lúc đó, bà con lối chợ nhìn thấy chị ta bỗng nhiên xuất hiện vái lấy vái để, miệng rối rít, lắp bắp xin lỗi đám thanh niên choai choai kia đừng đánh người đàn ông nữa. Cả lối chợ ngỡ ngàng, rồi chợt té ra, người đàn ông bị đánh là chồng của chị ta - một người mắc bệnh tâm thần !

 

Đã đến nước đó, chị ta làm sao mà dấu diếm nổi hoàn cảnh của mình được nữa, đành phải phủi bỏ cái vỏ bọc kiêu hãnh bấy lâu mà lộ diện cho bàn dân thiên hạ nhìn thấy một cuộc đời còn bi đát hơn cả chết chóc!

 

Choắt khuôn mặt lại, chị ta kể …

Chị lấy chồng sinh được ba mặt con thì chồng bắt đầu có triệu chứng tâm thần, dở dở ương ương, lúc điên lúc tỉnh.  Một mình làm lụng nuôi ba đứa con, chồng, mẹ chồng và hai đứa em chồng đang tuổi ăn học, vị chi là bảy  miệng ăn. Mẹ chồng thì già yếu lại thêm tính tình chua ngoa. Hai đứa em chồng thì xấc xược hỗn láo, đánh cả chị dâu để đòi tiền tiêu. Đứa con lớn mắc bệnh hiểm nghèo chạy chữa đã hết nước hết cái rồi cuối cùng nó cũng bỏ chị mà đi. Hai đứa còn lại quá nhỏ để có thể mà đỡ đần được chị, bọn chúng đứa lớn cũng chỉ mới 11 tuổi. Chồng chị bệnh tình càng ngày càng nặng. Chị đưa chồng đi nhà thương điên được chừng một tháng, hơi ổn ổn một chút thì bệnh viện trả về vì không đủ chỗ cho bệnh nhân ở lâu, lại phải đem về nhà tự điều trị. Về đến nhà chỉ chừng một tuần chồng chị ta lại trở bệnh, trốn nhà ngất ngưởng đi gây chuyện lung tung. Chị ta phải cho uống thuốc an thần vào ban ngày để anh chồng chịu ngủ yên, thì mới tranh thủ đi bán hàng được. Thành ra ban đêm chị ta phải vật vờ thức thức ngủ ngủ để canh chừng người điên. Các loại dao kéo trong nhà phải luôn luôn nhớ dấu thật kỹ, nếu không ông chồng mà rớ được là lập tức sử dụng để rượt đuổi chính mẹ con chị ta. Và lân hồi cứ vài ba tháng, người chồng điên của chị  ta lại vào, lại ra nhà thương điên.

 

Hóa ra bây giờ bà con lối chợ mới té ngửa chị ta nghỉ bán thất thường đâu phải vì “mệt thì nghỉ chơi” như chị ta vẫn nói. Chị ta bắt buộc phải nghỉ đấy chứ. Hôm nào nghỉ bán hàng là vì hôm đó chị ta không thể phỉnh được người chồng điên chịu uống thuốc, nên chị ta không dám ra khỏi nhà vì sợ ông chồng điên lại gây chuyện.

 

Để người ta không đánh đập chồng mình, chị phải trổ hết khả năng ứng xử, nào là  nói khéo, nhẹ nhàng, nào là năn nỉ ỉ ôi, xin lỗi… cả những đứa thanh niên choai choai ba trời ba trợn để cho người chồng được an toàn tính mạng. Đó là chị ta còn chưa màng chi tới bản thân mình cũng có thể đột quỵ bất cứ lúc nào! Theo như chị ta kể thì chị ta đã ba lần đi mổ trên bệnh viện Sài Gòn, mỗi lần đều tự đi tự về không ai đưa đón chăm sóc. Qua ba lần mổ đó, chị ta gần như kiệt sức, nhiều khi làm lụng quá sức ngất xỉu, mà cũng chẳng ma nào hay biết gì. Xỉu chán rồi tự tỉnh dậy mà bò đi kiếm ăn để còn nuôi mấy cái tàu há mồm đang chờ chị ta kiếm cơm cho ăn, kiếm thuốc cho uống, kiếm tiền cho tiêu xài…

 

Nhưng chị ta là một người có lòng tự trọng. Dù nai lưng kiếm ăn đến lả người, cũng không hề ngửa tay xin ai một đồng thì đã đành, khó mà ai có thể thuyết phục chị ta nhận của mình vài đồng bạc cứu trợ. Thôi thì đành mỗi khi đi làm về mà thấy chị ta có mở hàng, lại ghé vào giả vờ muốn ăn bún thịt nướng để mua ủng hộ, đó có lẽ là cách duy nhất để chia sẻ với chị ta. Hàng rong, ừ thì không được sạch sẽ cho lắm, nhưng chậc lưỡi mà xét cho cùng thì vài hạt bụi đường nhỡ có dính vào mấy miếng thịt nướng chị ta bán cho mình đi chăng nữa, có lẽ cũng không đến nỗi độc hại bằng tôm cá uống nước sông Thị Vải đâu mà…

 

Vậy mà nghĩ lại, chị ta cũng đang còn may mắn chán, vì cho đến bây giờ thành phố này chưa ban bố lệnh cấm người bán hàng rong …


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Tri âm cùng bạn đọc của vidamdodua.com (16h: 04-08-2012)
 Vợ chồng bà bạn cùng phố (19h: 15-06-2013)
 Nhút cà ơi bớt mặn ! (16h: 16-03-2011)
 Quà tết (01h: 29-01-2012)
 Thư giãn: Tiêu chuẩn của anh về phụ nữ (14h: 27-08-2013)
 Seri; Section; Seiso; Seketsu; Shetsuke - Truyện vui 5S ! (22h: 17-03-2011)
 Quốc hoa, Quốc tửu, thế Quốc trà, Quốc bánh thì sao nhỉ ? (23h: 05-02-2011)
 Thực hành theo bài giảng của giáo sư tâm lý học - Phlanhoa (21h: 18-08-2010)
 Ba gã độc thân – Phlanhoa (22h: 12-08-2010)
 Chào Tết, nghe mi về đầu phố! (15h: 27-01-2011)