Trích trong cuốn “Triết gia và đệ tử” của Nguyễn Văn Sâm
“Chí phải hào hoa, thú phải đạm bạc”
Thuật bình :
Chữ Chí do chữ sĩ ghép với chữ tâm, muốn nói, chỉ cần trong tâm muốn làm kẻ sĩ, thì gọi là chí. Chí hướng của người phải hào hoa thanh thoát, không thể co ro, rụt rè.
Chữ Thú do chữ tẩu ghép với chữ thủ, muốn nói, đi đường phải chọn lấy phương hướng đúng, hoặc là phải đi đến mục tiêu đã chọn. Thú của người phải đạm bạc, không thể phóng túng xa xỉ.
Chí như là con đường căn bản của nhân sinh, là cột sống chống giữ cho con người, suốt đời không biến đổi. Thú lại hình như là con đường nhỏ bên cạnh con đường lớn nhân sinh, là sự giúp đỡ cho người đó trên con đường nhân sinh. Cũng ví như nói khi tiến lên nhằm theo hướng mục tiêu nhân sinh, chúng ta có thể đi theo đường lớn, nhưng cũng có thể đi theo đường nhỏ, miễn sao không mất phương hướng đúng.
Nói đến chí, người ta thường dùng những từ ngữ như chí lớn ngút trời, ý chí kiên cường, người cùng chí không cùng, ba quân có thể đoạt soái, thất phu không thể đoạt chí, ngựa ký già nằm gục trong chuồng mà chí là ở nơi ngàn dặm, có chí không chờ lớn tuổi vv…tất cả muốn nhấn mạnh một điểm, chí là căn bản của nhân sinh.
Làm người không thể không có chí, không có chí thì không khác gì cầm thú. Người sở dĩ là người vì có chí.
Sĩ tức là người. Trong văn tự tượng hình, chữ sĩ được vẽ thành khí quan sinh dục của nam, sau được dùng để tượng trưng cho nam giới, cuối cùng chuyên để chỉ con người chân chính hoặc chỉ trượng phu nam tử. Những từ như dũng sĩ, chiến sĩ, đấu sĩ, tráng sĩ, liệt sĩ, nghĩa sĩ, sách sĩ, mưu sĩ, văn sĩ …đều chỉ những người dũng cảm có trí tuệ đáng được tôn sùng, là người chân chính.
Khi trong lòng có nguyện vọng, đạt mục tiêu trở thành một người chân chính thì gọi là lập chí. Làm người không sợ nghèo, chỉ sợ không có chí, hoặc chí thấp kém. Mà chí thì phải cao xa, phải mạnh mẽ, không nên chỉ chăm chăm vào lợi ích trước mắt.
Như vậy cũng tức là nói, trong thiên hạ có ngàn vạn con đường, then chốt là con đường nào. Chọn lấy con đường có thể đi xa, phải nhắm cái đích xa. Khi đã có cái chí đó rồi thì mọi phiền não đau khổ trở nên nhỏ bé không đáng kể, sẽ không còn nghĩa gì nữa.
Thú là bổ sung cho chí, trên con đường lớn nhân sinh, khi mỏi mệt, anh có thể nghỉ lại chốc lát bên đường, có thể lượn một tí vào nhà hàng, có thể vào chỗ chơi vui, thư giãn một tý để rồi đi tiếp.
Nhưng nếu chúng ta nấn ná, thậm chí đắm chìm trong hưởng thụ, không làm gì cả thì gọi là ham vui mà bỏ mất chí, làm mất đi ý nghĩa nhân sinh của con người chân chính, mà trở thành tầm thường, không hơn gì chó lợn !
Từ trên góc độ đó, có thể nói, chí là lý tưởng, thú là hiện thực; Chí là mục tiêu, thú là phương tiện, chí là nhân cách, thú là hứng thú, chí và thú tương phụ tương thành, không thể thiếu mặt nào. Nhưng, chí phải cao xa, hào hoa mà không dung tục tầm thường; Thú phải đạm bạc đơn giản mà không sa đọa mất tư cách.
Chỉ có chí cao thú nhạt thì mới có thể bảo đảm việc thực hiện mục tiêu nhân sinh. Nếu không, trong lòng chỉ biết tham lam hưởng thụ, chỉ có những dục vọng tầm thường thì làm sao thực hiện được ý nghĩa và giá trị nhân sinh? Những kẻ không có chí, bị dục vọng chinh phục sao tỉnh được là người?