Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Nguyễn Du với phường vải Trường Lưu - Phlanhoa
 
(17h: 10-08-2010)
Trường Lưu nằm ở mé Tây núi Hồng Lĩnh *(1). đó là một vùng quê nổi tiếng về phong cảnh hữu tình, lại lắm trai tài gái sắc, đã có câu ca :

"...Xôi nếp cái, gái Trường Lưu
Văn nhân tài tử dập dìu
Xăm xăm tìm nẻo Lam Kiều lần sang..."

Thời gian Nguyễn Du sinh sống tại quê ở Tiên Điền, ông thường hay sang đàn đúm văn chương ở Trường Lưu, bên đó có họ Nguyễn Huy Oánh vốn dĩ là thông gia với họ Nguyễn ở Tiên Điền.

 

Thăm chơi thông gia có lẽ chỉ là cái cớ. Con gái Trương Lưu chăm chỉ quay tơ dệt lụa, đẹp người đẹp nết nên không chỉ có Nguyễn Du, mà các nam thanh, nho sĩ trong vùng đều muốn tới đó,  trước là để thử tài, sau thì cân sắc. Dần dà, Trường Lưu trở thành một trong những tụ điểm hát phường vải có tiếng tăm của vùng văn hóa Xứ Nghệ.

 

Nguyễn Du sinh thời được gọi là cậu Chiêu Bảy. Đường đi từ Tiên Điền sang Trường Lưu phải qua đò Cài, nên cậu Chiêu Bảy mới có câu:

 

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.

 

Trường Lưu lúc bấy giờ có cô Tuyết và cô Cúc là hai cô gái từng nặng lòng thương thầm nhớ trộm cậu Chiêu Bảy. Khi nghe Nguyễn Du ra làm quan trong triều Nguyễn, có cô phường vải Trường lưu hát trách khéo:

 

Cái tình là cái chi chi

Anh làm tham tri

em cũng biết rồi…

 

Cô Cúc vốn xinh xắn nhưng cao kỳ. So với các cô khác trong làng lại đã hơn vài ba tuổi. Có lần Nguyễn Du vờ mượn chuyện hoa cúc để hát chòng ghẹo:

 

Trăm hoa đua nở về xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?

 

Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe cô đã hiểu ngay ý tứ của cậu  Chiêu Bảy muốn cợt đùa với mình, cô bình tĩnh cất tiếng hát đáp lại:

 

Vì chưng tham chút nhuỵ vàng
Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu

 

Duyên nợ của cậu Chiêu Bảy với làng Trường Lưu thì nhiều.  Có câu chuyện kể lại rằng, một đêm nọ sang chơi đến “tảng (sáng) mai”, rồi sau đó một thời gian khá dài, bỗng nhiên cậu Chiêu Bảy vì bận gì đó nên không sang nữa, khiến cô gái nọ ốm tương tư và bỏ bê cả khung cửi. Cô gửi cho Nguyễn Du một bài “Thác lời phường vải” *(2), mà lời lẽ sử dụng khá nhiều những từ tên gọi chuyên môn của nghề dệt vải như: xa quay, đường cửi, dây đạp, thoi chuyền, mối hồi…

 

Tảng mai Hầu trở ra về
Hồn tương tư vẫn còn mê giấc nồng.
Cơi trầu chưa kịp tạ lòng,
Tỉnh ra đã cách non sông mấy vời.
Trời làm chi cực bấy trời
Cơi trầu này để còn mời được ai ?
Tím gan đổ hắt ra ngoài,
Trông theo truông Hống, đò Cài thấy đâu.
Khi lên, đổ rối cho nhau,
Khi về, trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ bấy đến nay,
Nào ai mó đến xa quay, xin thề!
Ngại ngùng đường cửi đi về
Chân dừng dây đạp, tay e thoi chuyền.
Lắng tai nghe tiếng ác truyền,
Đường sầu cuốn khúc, tấm phiền đổ hoa.
Chẹ duyên dằng lại tháo ra,
Gần nhau cách quãng, lại xa mối hồi.
Liều bằng khổ một gò đôi
Coi như bóng đã bắn rồi bong bong

Nguyễn Du nhận được bài thơ, là bậc nho văn, Nguyễn Du dễ dàng nhận ra ý tứ của bài thơ ngoài cái tình tương tư, còn là nghệ thuật dụng chữ của Nguyễn Huy Quýnh. Nếu Trường Lưu là phường vải thì Tiên Điền lại có nghề nón. Nguyễn Du đã lấy những từ chuyên môn của nghề nón như lịp tơi, vọt, sườn, bẹ móc, nắm giang, để đáp lại bài thơ “Thác lời phường vải” bằng bài thơ “Thác lời trai phương nón”*

 

 

Tiếc thay duyên Tấn phận Tần:
Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa!
Chưa chi đông đã rạng ra,
Đến giờ chỉ giận con gà chết toi!
Tím gan cho cái sao mai,
Thủa nào vác búa chém trời cũng nên.
Về qua liếc mắt trông miền,
Lời quanh dặm dế, chửa yên dặm ngồi.
Giữa thềm tàn đuốc còn tươi,
Bã trầu chưa quét, nào người tình chung?
Hồng sơn cao ngất mấy trùng.
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu!
Làm chi cắc cớ lắm điều,
Mới đêm hôm trước lại chiều hôm ni.
Khi xa, xa hỡi như ri,
Tiếng xa nghe vẫn rù rì bên tai.
Quê nhà nắng sớm mưa mai
Đã buồn, giở đến lịp tơi càng buồn.
Thờ ơ đóng vọt bó sườn;
Đã nhàm bẹ móc, lại hờm nắm giang
Trăng tà chênh chếch bóng vàng,
Dừng chân thoạt nhớ đến đàng cửa truông.
Thẫn thờ gối chiếc màn suông,
Rối lòng như sợi ai guồng chưa xong
Phiên nào chợ Vịnh ra trông,
Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba
Càng trông, càng chẳng thấy ra,
Cơi trầu quệt đã để và lần ôi.
Tưởng rằng nói thế mà chơi,
Song le đã động lòng người lắm thay.
Trông trời, cách mấy từng mây,
Trông trăng, trăng hẹn đến ngày ba mươi.
Vô tình, trăng cũng như người
Một ta, ta lại gẫm cười chuyện ta…

 

 

==========

*(1): Trường Lưu này thuộc xã Trường Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh – Là một làng văn hóa nổi tiếng;

*(2) Bài thơ “Thác lời phương vải” là do cô gái nhờ ông nghè Nguyễn Huy Quýnh viết hộ, Nguyễn Huy Quýnh thuộc dòng họ Nguyễn Trường Lưu, có mối giao kết thông gia với họ Nguyễn Tiên Điền.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Nước chảy cho đá trôi nghiêng - Nguyễn Tất Thứ (15h: 04-08-2010)
 Nước chảy cho đá trôi nghiêng - Nguyễn Tất Thứ (15h: 04-08-2010)
 Giai thoại Phan Bội Châu - Lược trích trong cuốn "Hát phường vải" của Ninh Viết Giao (10h: 30-07-2010)