Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Thờ cúng Táo Quân ở Việt Nam nên như thế nào cho phù hợp với phong tục tập quán người Việt?
 
(15h: 05-09-2010)
Thờ cúng Táo Quân ở Việt Nam nên như thế nào cho phù hợp với  phong tục tập quán người Việt?Bài viết của Phan Lan Hoa
Hình ảnh Táo quân - tranh Đông Hồ


 

 

 

 

CÁC LỄ CÚNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Kỳ 1: TÁO QUÂN LÀ AI?

                                                           Phan Lan Hoa

٭٭٭

         SỰ TÍCH TÁO QUÂN TRONG TRUYỀN THUYẾT VIỆT NAM

       Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao do giận quá mất khôn mà nhẫn tâm đánh vợ mạnh tay. Thị Nhi do sợ hãi và cảm thấy tủi nhục nên bỏ nhà ra đi không quay về nữa. Sau đó, Thị Nhi gặp Phạm Lang và bằng lòng làm vợ Phạm Lang, hai người sống với nhau cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Trong khi đó, sau khi vợ bỏ đi không về, Trọng Cao mới thấy ân hận khôn nguôi, nên khăn gói đi đi tìm vợ, tiền bạc đem theo đều đã tiêu hết, nhưng với quyết tâm phải tìm cho bằng được Thị Nhi, nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Không ngờ khi lang thang xin ăn, Trọng Cao vô tình đã đến nhà Thị Nhi. Hai bên nhận ra nhau. Hiểu rõ tình cảnh, Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà cho ăn uống và nghe Trọng Cao hàn huyên về nỗi gian nan của mình, Thị Nhi đâm ra ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang. Trong lúc hai người đang tâm sự thì Phạm Lang đột ngột từ ngoài đồng trở về nhà để lấy tro bếp bón ruộng, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Vì nhà hết tro, nên Phạm Lang phải ra đốt rơm để lấy tro bón ruộng mà không hay biết có Trọng Cao trốn trong đống rơm. Trọng Cao lại sợ ảnh hưởng đến Thi Nhi, nên không dám chui ra, đành chấp nhận chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao vì mình mà chấp nhận chết thiêu, nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang không hiểu sự tình, gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba người do trong sạch nên được siêu thoát về trời để làm thần thánh. Nhưng Ngọc Hoàng cho rằng từ xưa đến nay chỉ có đàn ông nhiều vợ, chứ chứa có lệ đàn bà nhiều chồng, nên chỉ ban cho chức cai quản việc cơm no áo ấm, sức khỏe và tài lộc, phúc đức của mỗi gia đình. Mỗi người lại chỉ ban cho một cái áo dài thụng đen, chứ không có quần như các vị thần khác. Từ đó trong mỗi gia đình Việt Nam đều có ba vị thần tài phù độ, đó là:

         - Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp lửa, bát cơm manh áo, danh hiệu là: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân (東廚司命灶府神君), còn gọi là Táo Quân.

         -  Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc long mạch đất đai nhà cửa, danh hiệu là: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần (土地龍脈尊神).

         -  Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc tiền bạc, chợ búa, danh hiệu là: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần (五方五土福德正神), còn gọi là Thần Tài.

         LÝ GIẢI HIỆN TƯỢNG

         Táo (灶)là bếp, Quân (君)là vua, Táo Quân (灶君)là vua bếp.

         Tên đầy đủ khi khấn vái là “Đình Phúc Táo Quân - 庭福灶君, nghĩa là tam vị thần phước của mỗi gia đình.

         Sự khác biệt giữa phong tục cúng táo quân ở Việt Nam và Trung Quốc:

         Khác về số vị thần chủ quản:

         - Táo quân Trung Quốc: thờ 2 vị một nam một nữ, chỉ chủ trì việc bếp núc, thần tài và thổ địa thờ riêng. Án thờ táo quân lập tại bếp; án thờ Thần Tài – Thổ địa lập dưới đất;

         - Táo quân Việt Nam: thờ 3 vị hai nam một nữ (hai ông một bà), 3 vị thần Táo việt Nam đồng thời là 3 vị thần tài trong gia đình. Bát hương để ở vị trí cao nhất, trên án thờ gia tiên.

         Khác về ngày cúng:

         - Trung Quốc: từ 23 – 30 tiễn ngày nào cũng được; đón ông Táo về ngày mùng 4 tết;

         - Việt Nam: Tiễn ông Táo về trời từ giờ Ngọ đến giờ Tý ngày 23 tháng Chạp và rước ông Táo về từ giờ Ngọ đến giờ Tý ngày 30 tháng Chạp, trước giờ Giao thừa

         Khác về quan niệm tâm linh:

         - Trung Quốc: Trong những ngày ông Táo về trời, người Trung Quốc lấy cành đào cắm trước cửa; lấy gỗ đào vẽ hình “tứ tung ngũ hoành” và gắn trước cửa để trừ tà ma nhân lúc ông Táo vắng nhà có thể vào gia đình quậy phá;

         - Việt Nam: Từ sau lễ tiễn ông Táo về trời báo cáo công tác năm cũ. Chủ nhà luôn đốt đèn trên án thờ 24/24 không tắt. Hương vòng cũng được thắp từ đó đến ngày 30. Dựng nêu để xua tà quỷ không cho vào nhà. Ý nghĩa của việc hương đăng không tắt là để Táo quân từ trên trời nhìn ngọn lửa và làn khói có thể biết được an nguy của gia đình để bảo vệ.

         Khác về lễ cúng:

       - Trung Quốc: Chỉ cúng đồ ngọt như oẳn, kẹo thèo lèo, hoa trái. Thậm chí ở Quảng Đông còn có chuyện đem mật bôi vào miệng ông Táo. Quan niệm của họ là để năm mới nói toàn điều ngọt ngào;

        - Việt Nam: Cúng cỗ đầy đủ mặn ngọt xôi thịt, hoa trái, rượu chè. Vàng tiền gồm 3 bộ áo thụng đen, mũ cánh chuồn đỏ và 3 đôi hia đỏ, tiền, vàng mã và tranh cá chép.

         Khác phương tiện về trời của Táo quân:

         - Trung Quốc: Táo quân cưỡi ngựa, nên người Trung Quốc cúng nước và cỏ khô làm thức ăn cho ngựa

         - Việt Nam: Táo quân cưỡi cá chép. Ở miền Bắc có tục cúng cá chép sống. Sau khi cúng xong thì đem cá chép ra nơi có sông ngòi, ao hồ và một bụi cây. Chủ nhà lao con cá chép bay qua bụi cây rơi xuống nước, tượng trưng cho việc cá bay lên trời. Ở Hà Tĩnh cúng cá chép giấy đốt cùng vàng mã. Ở miền Nam phong tục bị nhiễu giữa Việt Nam – Trung Quốc, lễ cúng bị pha trộn giữa Ta – Tàu, không nhất quán bên nào.

          THỜ CÚNG TÁO QUÂN NHƯ THẾ NÀO?

         Theo tục lệ cổ truyền của người Việt hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình hạ giới với Ngọc Hoàng Thượng đế. Và đến ngày 30 tháng chạp, Táo Quân quay trở lại trần gian, để tiếp tục công việc trông coi cuộc sống gia đình của con người trong năm mới.

         Vị trí của Đình Phúc Táo Quân trong tâm linh người Việt không giống người Trung Quốc. Táo Quân là thần linh tối cao nhất trong thờ phụng của một gia đình. Người Việt Nam có tục lệ thờ phụng rất trật tự trên dưới. Nếu là Phật sẽ lập chùa nơi yên tĩnh để thờ phụng, nếu là Thánh nhân sẽ lập đền thờ ở nơi trung tâm, nếu là Thành hoàng sẽ thờ phụng ở Đình làng, còn Đình Phúc Táo Quân là tam vị tài thần gia đình, được mỗi nhà chăm lo quanh năm ngay trong nhà mình.      

         Theo phong tục tập quán của người Việt, khi trong nhà có đại sự, cưới xin, giỗ chạp, vv... thường trước một hôm tổ chức sự kiện thi gia chủ bày “hương đăng hoa quả thanh chước chi nghi” lên trước hương án gia đình, rồi khấn niệm cẩn cáo “Thổ Công - Hà Bá” để xin phép ba vị “Táo Quân” trông coi gia đạo nhà mình cho phép Tổ tiên được về thụ lộc của con cháu. Ngày 23 tháng chạp chỉ là ngày chính thức cúng ông Táo, chứ không phải ngày duy nhất cúng ông Táo trong năm.

     Vậy ngày 23 tháng chạp thực chất có ý nghĩa gì?

     Hai ông hai bên một bà ở giữa, tức hai dương bên ngoài và một âm bên trong, đó là tượng của quẻ Ly, còn là  tượng của phương Nam trong Hậu thiên bát quái và phương Đông trong Tiên thiên bát quái. Ngày 23 tháng Chạp ở phương Đông và phương Nam, chính là ngày kết thúc chu kỳ của 24 tiết khí. Đồng nghĩa với thời gian năm cũ đến đây là hết. Ngày lập xuân thường đến, trong khoảng từ 23 tháng chạp đến mồng 5 tháng giêng lịch Ta. Ví dụ năm 2021, ngày lập xuân rơi vào ngày 22 tháng chạp (mồng 4 tháng 2 Tây lịch). Như vậy cúng ông Táo thực ra là cúng hết chu kỳ tiết khí theo lịch Ta.

         Lập bài vị và bát hương thờ Đình Phúc Táo Quân như thế nào:

       Vị trí của “Đình Phúc Táo Quân” theo phong tục Việt Nam, cần đặt ở nơi cao nhất của bàn thờ chính trong gia đình. Trên một bàn thờ, cao hơn phía sau đặt bài vị thờ ba vị tam tài Thổ Công, Thổ Địa, Thổ kỳ. Vị trí thấp hơn phía trước đặt bài vị thờ gia tiên; hoặc gia đình khá giả có thể tách riêng rường thờ thành hai phần. Bên trái rường thờ (cao hơn) thờ Ngũ vị tài thần của người Việt gồm Hoàng Thiên (là vua cai quản vùng trời của một Quốc gia) – Hậu Thổ (là vua cai quản vùng đất lãnh thổ của một quốc gia) và ba vị Định phúc táo quân là thần bản gia.  

         Bài vị Táo Quân: Gồm một bức tranh Táo quân (như hình đi kèm), các chữ Nôm trên bài vị:

庭福灶君

東廚司命灶府神君

土地龍脈尊神

五方五土福德正神 

(Đình Phúc Táo Quân

Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân

Thổ địa long mạch tôn thần

Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần)

         Đối liễn hai bên:

有德能司火 (Hữu đức năng tư hỏa)

無思可達天 (Vô tư khả đạt thiên)

(Có đức trông coi việc lửa

Vô tư có thể lên trời)

         Bát hương Táo Quân: Đứng trong nhà nhìn ra sân, trong khuôn viên đất nhà mình, thì bên trái là Thanh Long (long mạch chủ của khuôn đất). Tốt nhất là đào sâu xuống đến khi đụng phải nước mạch, lấy một chút đất lẫn nước ở đó, cùng với một chút tro giữa lòng bếp hợp lại trộn với thần sa, chu sa rồi cũng gói vào tờ giấy trang kim với tiền âm dương, tua rua ngũ sắc mà để xuống đáy bát hương trước khi đổ tro lên cho đầy. Trong trường hợp nhà phố mua sẵn không thể đào sâu xuống tới mạch ngầm thì đành chịu, chỉ dùng tro bếp hoặc cát sạch, thờ lâu cũng sẽ linh nghiệm.

         Đồ thờ khác: Hai hũ gạo và muối, 3 chén đựng nước, đĩa đựng hoa trái, đèn, hương, lọ hoa

         Lễ vật cúng trong ngày 23 tháng chạp thì cần thêm:

         - Ba cái mũ đỏ, ba đôi hia đỏ, ba bộ áo dài thụng đen;

        - Cá chép và vàng mã, gạo, muối, xôi, chè, thức mặn tùy tâm gia chủ có gì cúng nấy. Có thể cúng tranh cá chép hoặc cá chép sống đều được. Nếu cúng tranh cá chép thì sẽ đốt cùng áo mũ, tiền vàng; Nếu cúng cá chép sống thì phải đến thả một nơi có dòng nước chảy để cá chép có thể bơi được theo dòng.

         Văn Nôm khấn Táo Quân ngày 23 tháng chạp:

         Duy,

         Việt Nam Cộng sản hoàng triều, Canh tý niên, chạp nguyệt, nhị thập tam nhật

         Kim thần tín chủ...(tên gia chủ)... toàn gia cư trú tại...(địa chỉ cư trú)...

         Cẩn dĩ phù lưu thanh chước, kim ngân, hương đăng, hoa quả,mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu

         Cung thỉnh

         Bản gia Thổ Công Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân vị tiền

         Bản địa Thổ thần kỳ vị tiền

         Ngũ phương ngũ thồ phúc đức chinh thần vị tiền

         Lai lâm chứng giám

         Ủng hộ gia chủ từ lão chí ấu bình an hạnh phúc vô bệnh vô tật (quý vị có thể nói thêm nguyện vọng khác)

         Thượng hưởng!

         Một câu hỏi nhiều người thắc mắc, tại sao Trung Quốc cúng ngựa, còn Ta lại cúng cá chép? Tại sao chỉ có cá chép mới hóa rồng được, còn các loại cá khác thì không?

         Khác với nội dung ở phần trên là tôi tổng hợp từ các sách vở về phong tục tập quán ở nước Ta, tức là soạn lại theo sách hướng dẫn của người xưa để lại. Còn từ dòng này cho đến cuối bài viết, là sự lý giải theo nghiên cứu cá nhân, bởi vì tôi không có cách lý giải nào khác phù hợp hơn ngoài sự kiện lịch sử liên quan đến suối Vũ Môn và dòng sông Tiêm được nhắc đến trong cổ tích Việt Nam về sự tích “Cá gáy hóa rồng”, nên phải đưa nó vào bài viết. Quý vị có thể tùy vào đức tâm của mình để tin hay không tin.

SỰ TÍCH “CÁ GÁY HÓA RỒNG” Ở THÁC VŨ MÔN LIÊN QUAN ĐẾN LỊCH SỬ HAI LẦN KHỞI ĐÁNH QUÂN NGUYÊN MÔNG CỦA NHÀ TRẦN.

         Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” tại chương viết về Nghệ An lại chép: “Suối Vũ Môn: ở núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn, thuộc huyện Hương Sơn. Trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh. Tương truyền hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 4, cá chép vượt được suối này thì hóa rồng, phường chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới, đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc không ai dám đến gần…”.

         Tìm về với suối Vũ Môn, hương Khê, Hà Tĩnh, dân gian còn lưu câu hát:

Tháng ba cá đi ăn thề

Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn

          Rồi lại:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn

          Lần theo câu ca, tôi đã có ý lục tìm nguyên nhân. Tại sao cả dân tộc cúng cá chép vào ngày hai ba tháng chạp, còn Hà Tĩnh thì nhân dân lại đem cá sang hát ở tháng ba, tháng tư? Sau khi lục lọi các tư liệu về văn hóa, lịch sử mà tôi có, thì tôi đi đến kết luận, sự tích “Cá gáy hóa rồng” và “Cá gỗ đi thi” đều có xuất xứ từ sự kiện lịch sử của dân tộc Đại Việt ba lần đánh tan quân Nguyên Mông ở đời nhà Trần, trong đó hai lần với mười vạn quân Hoan, Diễn đã đổ quân từ thác Vũ Môn đánh úp quân Nguyên Mông, dành thắng lợi vĩ đại.

         Tôi sẽ ôn lại một vài mốc lịch sử các trận chiến giữa quân đội nhà Trần và quân Nguyên Mông:

          Khoảng cuối tháng 12 năm 1284, Toa Đô lúc này đang chiếm giữ ở đất Chiêm Thành, phía Nam nước Đại Việt, đã viết tấu thư gửi vua Nguyên rằng: "Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý, Triều Châu, Tỳ Lan, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc".

         Từ tấu thư của Toa Đô, lấy cớ mượn đường, Hốt Tất Liệt sai sứ đòi nhà Trần phải cho quân Nguyên mượn đường và cung cấp lương thảo để chinh phạt Chiêm Thành. Biết đây chỉ là kế "Mượn đường diệt Quắc", nên vua Trần từ chối.  Giặc Nguyên liền chia làm 3 đạo tiến đánh Đại Việt.

         -  Đạo chủ lực do Thoát Hoan và Ariq Qaya chỉ huy từ Ninh Minh tiến vào Lộc Châu (nay là Lộc Bình, Lạng Sơn);

         - Đạo thứ hai chỉ gồm hơn 1 nghìn quân Mông Cổ và Vân Nam do Nasirud Din từ Vân Nam vào Đại Việt qua vùng Tuyên Quang tiến theo sông Chảy;

         - Đạo thứ ba do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành tiến vào Đại Việt.

         Ngày 21 tháng 7 năm 1284, Hốt Tất Liệt phong con trai thứ 9 của mình là Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương, sai Tangutai đến Chiêm Thành để truyền lệnh của hốt Tất Liệt điều đạo quân 20 vạn binh của Toa Đô đang chinh phạt ở Chiêm Thành quay sang chinh phạt Đại Việt.

         Tại phía Bắc, sau 5 ngày xảy ra đại chiến, quân nhà Trần bị tổn thất nặng nề, tướng Đoàn Thai của Đại Việt bị bắt. Trần Quốc Tuấn phải thu quân về Vạn Kiếp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quân nhà Trần lúc này đã gần như tan vỡ; Trần Quốc Tuấn thoát được là nhờ có Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng.

         Ngày 11 tháng 2, thủy quân của giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp và các trại quân Trần ở Chí Linh (Hải Dương). Đại kịch chiến đã xảy ra. Tuy giết được tướng Nguyên là Nghê Nhuận, nhưng quân Trần cũng thương vong nặng nề, Trần Quốc Tuấn tâu trình với nhà vua cho lui quân để tránh thế giặc mạnh. Thấy bề tôi lo lắng, vua Trần cho khắc hai câu thơ cuối thuyền ngự:

Cối Kê việc cũ khanh nên nhớ

Hoan, Diễn (1) vẫn còn mười vạn quân

         Ngày 14 tháng 2, Ô Mã Nhi đem quân vây đánh Trần Hưng Đạo. Một trận thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần Nhân Tông phải đích thân đem quân đến trợ chiến cho Trần Quốc Tuấn rút lui khỏi Vạn Kiếp. Quân Nguyên từ Vạn Kiếp đi theo đường qua Vũ Ninh, Đông Ngạn. Đến sông Đuống, quân Nguyên và quân Trần giáp chiến. Trận này, quân Trần bị thiệt hại nặng, nhiều thuyền chiến bị lọt vào tay quân Nguyên.

         Chủ trương sơ tán khỏi thành Thăng Long của vua Trần được ban ra. Để có thời gian chuẩn bị, vua Trần sai Đỗ Khắc Chung giả đò đưa thư cầu hòa dù biết thế nào cũng bị cự tuyệt. Ngày 17.2 quân Nguyên vào thành Thăng Long thì thành đã trở nên trống không. Giặc liền chia làm 2 mũi thủy, bộ đuổi theo quân nhà Trần tới tận Thiên Trường (Nam Định). Phát hiện quân Nguyên không đóng ở Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn đem quân trở lại Vạn Kiếp chờ cơ hội phục thù.

         Đầu tháng 3 năm 1285, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra tới vùng Bố Chính (Bố Chính bấy giờ thuộc Châu Hoan Nam Giới, vùng đất còn lại từ bờ nam sông Gianh của tỉnh Quảng Bình thuộc đất Chiêm Thành). Trần Nhật Duật và Trịnh Đình Toản chỉ huy quân Trần ngăn địch, nhưng thất bại, phải rút lui. Trần Kiện đem một vạn binh của nhà Trần hàng giặc tại Bố Chính và báo cho Toa Đô biết Trần Nhân Tông đang ở Thanh Hóa. Có sự hỗ trợ của Trần Kiện, Toa Đô chia quân làm hai mũi. Một theo sự dẫn đường của Trần Kiện đi đường biển cấp tốc đánh ra Thanh Hóa hòng truy bắt Trân Nhân Tông. Mũi do Toa Đô trực tiếp chỉ huy tiến ra Hoan, Diễn. Trần Quang Khải, lúc này là thượng tướng, thống lĩnh mười vạn quân Hoan, Diễn, đóng tại Chi La tổ chức ngăn địch, nhưng do thế giặc lúc này còn mạnh, nên phải rút lui vào núi Vũ Môn. Toán quân của Toa Đô theo Trần Kiện tiến ra Vệ Bố (Quảng Xương, Thanh Hóa) đánh úp quân Trần tại đây, tướng Đinh Xa và Nguyễn Tất Thống của nhà Trần hy sinh trong trận này. Mặt trận tại Thanh Hóa thất thủ. Vậy “Tháng ba cá đi ăn thề” chính là sự kiện quân của Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật quyết tử với Toa Đô tại Hoan Châu. Ở đây xin có một lời bình luận: Theo các nhà sử học thì tổng số quân Nguyên khoảng 30 vạn; tổng số quân nhà Trần khoảng 20 vạn. Vậy thì “Hoan Diễn vẫn còn mười vạn quân” vị chi chiếm hết một nửa rồi? Trên thực tế, chính Trần Quang Khải là người thắng trận lẫy lừng ở Chương Dương và kéo quân vào giải phóng thành Thăng Long, vị chi đấy cũng là đạo quân ở Hoan, Diễn.

         Tình hình nguy biến, khiến Trần Quốc Tuấn phải bỏ Vạn Kiếp, đem quân về cứu vua Trần ở Thanh Hóa, rồi theo đường biển rút về Hải Phòng, giặc lại truy đuổi ra Hải Phòng, nhà Trần phải rời tới vùng bờ biển ở Quảng Ninh. Khi thấy đạo quân của Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến về Trường Yên (Ninh Bình), Trần Quốc Tuấn vội vàng hộ giá vua Trần Nhân Tông vượt biển, quay lại Thanh Hóa. Từ đây, tắt rừng theo con đường thượng đạo tới Hương Khê và ẩn nấp tại núi Vũ Môn trong dãy Màn Trướng (chính là nơi có thác Vũ Môn).  Do địa hình hiểm trở, rừng núi âm u, nên khi quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi truy đuổi từ Thanh Hóa đến Hoan Châu thì mất dấu, lại gặp quân cảm tử của Trần Quang Khải đánh trả quyết liệt, nên không thể vượt qua sông Lam, đành phải cắm chốt lại tại núi Lam Thành (TP Vinh) để chờ cơ hội. Như vậy cũng giống như trước đó, cuộc chiến giữa vua Hùng với Thục Phán; rồi cuộc chiến Việt – Chăm; và sau này là cuộc chiến tranh giữa Lê Lợi với quân Minh, sông Lam nhiều lần là ranh giới chiến tuyến. Với trận quyết chiến cùng giặc Nguyên Mông (1285-1287), quân của nhà Trần do Trần Quốc Tuấn cầm cờ đại tướng; Hai vì lãnh tướng nhà Trần khác là Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, lúc bấy giờ thống lãnh mười vạn quân Hoan Diễn (và có lẽ là cả vua Trần Nhân Tông) trực tiếp chỉ huy, lấy đất Chi La (2) thuộc bờ Nam sông Lam là căn cứ địa. Quân của Toa Đô đóng tại núi Lam Thành ở bờ Bắc sông Lam. Tháng 5, mùa hạ, khi thám quân về báo, quân của Toa Đô vì nóng nực mà đổ bệnh, mệt mỏi, đang có ý rút quân ra Bắc. Trần Quang Khải cho rằng thời cơ tấn công quân địch đã đến, bèn tấu trình xin được xuất quân.

         Sách An Tĩnh cổ lục- HIPPOLYTE BRETON, (tr.296) chép: “… Cuối thế kỷ XIII, nước Đại Việt hai lần bị quân Mông Cổ xâm lấn dưới đời Thái Tôn (1225-1258) và đời Nhân Tôn (1279-1293) (triều đại nhà Trần). Thời kỳ gay go nhất kéo dài trong những năm 1285 đến 1287. Quân Nguyên (tước hiệu triều đại Mông Cổ) đã đến tận An-Tĩnh và dò hỏi địa điểm của Đồng Trụ. Vua Thánh Tôn (1258-1278) và con trai là Nhân Tôn, người đã được phụ vương nhường ngôi, chạy trốn đến miền Trung, châu Thanh Hóa. Một phần lớn các đội quân của hai Ngài ẩn náu ở Chi La (Hà Tĩnh) và "con đường thượng đạo". Từ xứ này và từ con đường này, người An Nam đã đổ xuống để đánh úp quân Mông Cổ. Tướng Tàu là Toa Đô lúc đó đang chiếm giữ Lam Thành (núi Lam Thành – TP Vinh) phải rút lui. Như vậy Chi La là nơi phát xuất cuộc tấn công giải phóng cho đất nước thoát khỏi một cuộc xâm lăng ghê gớm làm cho nền độc lập của Đại Việt có lúc suýt bị diệt vong.”

         Theo các sách Quốc sử Việt Nam ghi chép thì quân Trần từ Quảng Ninh về đến Thanh Hóa là ngày 7.4.1285.  Suy ra, “Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn”, hay “Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn” đều là nhắc đến sự kiện trên. Từ Thanh Hóa vào Hoan Châu nếu đi tắt bằng con đường thượng đạo trên dãy Giăng Màn, thì chỉ một ngày đường là tới. Vị chi mùng 8.4.1285 chính là ngày Trần Hưng Đạo hộ tống vua Trần Nhân Tông “vượt Vũ Môn” vào đến địa phận Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây nhà Trần được nhân dân Hoan, Diễn quyết một lòng tử thủ bảo vệ vua. Quân Trần nhờ đó, đã mau chóng phục hồi lấy lại sức mạnh đúng như lời ghi nhớ vua Trần Nhân Tông đã khắc lên ngự thuyền “Hoan, Diễn vẫn còn mười vạn quân”.

         Tại trận Cao Lạng, đạo quân chủ lực do Thoát Hoan cùng Trần Ích Tắc (khi ấy đã được nhà Minh phong là An Nam quốc vương) cầm đầu, cùng con trai mới 9 tuổi là Trần Dục kéo theo sau đội quân Nguyên Mông, ý đồ tiến vào Thăng Long. Nhưng Thoát Hoan và Trần Ích Tắc đã gặp phải đạo quân của một vị tướng người Tày là Nguyễn Thế Lộc đánh cho tơi bời tại cửa ải Nội Bàng, chạy bán sống bán chết, về tới đất Tư Minh, Trung Quốc thì chỉ còn không quá 100 người. Hôm ấy đúng dịp tết Nguyên Đán năm Mậu tý (1288).

         Tại sao lại “Cá gáy hóa rồng” mà không phải là loài cá khác?

       Họ Trần ở Thái Bình có xuất xứ từ người Vạn Lạc. Vạn là vạn chài. Là một cộng đồng cư dân Lạc Việt chuyên nghề sông nước. Người Vạn Lạc khi xưa không có địa phận mà chỉ có thủy phận. Vạn quản lý hộ dân của mình theo nóc thuyền thay cho nóc nhà, người chết được thủy táng. Dù vậy cư dân Vạn Lạc vẫn có phân chia thủy giới đàng hoàng, có tổ chức đơn vị hành chính quản lý vạn tương tự như một xã. Vạn có chức lý trưởng, phó lý và ngũ hương và được quản lý bởi triều đình như cư dân trên bờ. Cư dân Vạn Lạc sống rải rác ven biển và các cửa sông đổ ra biển từ Hà Tĩnh tới Quảng Ninh.

         Do nguồn gốc xuất thân chài lưới của họ Trần, nên khi sinh con đẻ cái, thường lấy tên các loài cá để đặt. Tổ họ Trần vốn tên là Chép, tiếng Hán cá chép gọi là lý ngư (). Con của cá Chép là cá Dưa (Trần Thừa). Hai con trai của cá Dưa là cá Leo (Trần Liễu) và cá Lành Canh (Trần Cảnh). Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), chỉ khi là hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung. Nhưng ở Thái Bình nhân dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".

         Vũ Môn là một suối nước chảy ra từ núi Vũ Môn, ở độ cao trên 1000m, thuộc dãy núi Màn Trướng (tên khác là Giăng Màn, Trường Sơn). Không khí ở đây quanh năm mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa, hoa cỏ, muông thú đa dạng. Do tiết khí thường xuyên có mây phủ bồng bềnh lưng núi như buông màn, nên mới đặt là Màn Trướng. Suối có ba bậc thác, mỗi bậc cao trên dưới 50 mét. Ở bậc thác thứ hai, cảnh sắc kỳ thú bởi cầu vồng bảy sắc luôn thường trực ở lưng chừng dòng suối. Dưới cầu vồng là một hồ nước trong suốt, có đáy bằng đá, thật sự là nơi bồng lai tiên cảnh. Cuối chân thác cũng là đầu nguồn sông Tiêm trong truyện cổ tích “Cá gáy hóa rồng” (Hà Tĩnh gọi cá chép là cá gáy). Thắng cảnh ở đây tuyệt đẹp, hùng vĩ, cho đến nay vẫn còn hoang sơ nguyên thủy. Có điều, cả suối Vũ Môn và sông Tiêm đều không có cá gáy, mà đặc sản của dòng sông này là cá mát. Vậy hình ảnh cá gáy vượt Vũ Môn hóa rồng ở đây chỉ có thể là sự ví von của nhân dân An Tĩnh về Lý Ngư, đấng tối cao nhất của dòng dõi nhà Cá (họ Trần) mà thôi!

         Tìm tới được đầu ngọn suối Vũ Môn cao chạm trời này, là họ hàng nhà Chép đã tìm tới nơi thần khí hùng thiêng của đất thủy tổ Lạc Việt. Đã lĩnh hội được nguồn sức mạnh của Rồng Tiên truyền xuống, để giúp dẫn dắt quân và dân một quốc gia nhỏ bé, đánh tan cả đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Lý giải cho sự tích “Cá gáy hóa rồng” chỉ có thể là như vậy mới thấu đáo về ý nghĩa tâm linh của dân tộc!

         Tại sao nho sinh Nghệ Tĩnh thường đem cá gỗ đi thi?

         Tôi khẳng định chắc chắn không phải vì nghèo!

         Sự lý giải sự tích cá gỗ xuất phát từ ông trạng họ Hồ tôi cũng đánh giá là sự ngộ nhận vì nội dung câu chuyện thể hiện không nắm rõ lịch sử. Đất Kẻ Chợ (Hà Nội) xưa còn lưu câu ca: “Cơm cầu Giáp, táp cầu Giền, chè quán Tiên, tiền Thanh Nghệ”. Nói thẳng tuột, đất An Tĩnh chỉ nghèo đi từ nửa thế kỷ XX. Có lẽ là do đập phá chùa đền mà mạt vận. Còn như ở thế kỷ XIX đổ về trước, Thanh Nghệ là đất vương giả. Vì là biên giới phía Nam của Đại Việt, nên thời gian vua đi tuần thú, ngụ ở Hồng Lam thường xuyên. Là nơi chủ lực về cung cấp lương thảo, quân binh trong các cuộc chiến giữa đại Việt và Chăm Pa. Tính cả đất Hồng Lam qua các triều Lý, Trần, Lê thì có trên dưới hai mươi phi tần, hoàng hậu, đó là chưa nói đến vô số quan quân tướng lĩnh, không lý gì để quê nghèo đói. Sách cổ ghi chép về xứ này, lễ hội chùa đền miếu mạo đông vui bốn mùa, làng nào cũng có tới vài ba đền, chùa, thậm chí như ở Nghi Xuân sự thờ phụng có đến từng xóm nhỏ, các sách cổ đều chép đầy đủ cả, tôi không nói ngoa. Cho nên xin đừng lấy cái nghèo ngày nay mà bịa đặt cho sự tích ngày xưa.

         Cá chép là biểu tượng vượt ải gian nan đi đến thành công của nhà Trần. Hình tượng cá trong triều đại này, không chỉ là câu chuyện “họ hàng nhà Cá” đem Vũ thác hủy diệt Nguyên Mông. Mà trước đó còn có chủ trương cải cách thất học trong dòng họ nhà Trần do Trần Thủ Độ đề xướng. Nhà Trần từ khi dời lên kinh thành Thăng Long, đã áp đặt một chế độ quyết liệt và bắt buộc gắt gao về sự nghiệp học hành trong hàng ngũ con cháu, nhằm mục đích chuẩn bị nền tảng trí thức cho một cuộc cách mạng chính trị “vượt ải long môn” đem cá Chép ngự lên bệ rồng.

         Mang theo con cá chép gỗ trong hành trang ứng thí của nho sinh Nghệ An, có hai ý nghĩa: vừa để cầu may phù hộ, vừa là mang theo hình tượng kiểu mẫu về vượt khó đổi đời của dòng dõi nhà Trần để noi gương phấn đấu. Tử sĩ nhìn vào cá gỗ để tự nhắc nhủ mình phải quyết tâm thi đỗ. Bởi đỗ đạt là đồng nghĩa với đổi đời, từ áo thâm đổi sang áo gấm, từ tầng lớp nông dân thấp hèn lên quyền quý cao sang. Cá vượt long môn hóa rồng là nghĩa làm vậy.

                                 ***

Tài liệu tham khảo:

- An Tĩnh cổ lục - Hippolyte Breton 

- Việt Nam Sử lược - Trần Trọng Kim

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục triều Nguyễn

- La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn

- Đại Nam nhất thống chí - Lê Quý Đôn

-  Đại Việt sử ký toàn thư

- Hồng Lam văn vật – Thái Kim Đỉnh

- Làng cổ Hà Tĩnh

- Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình - Toan Ánh

 

***

Chú thích:

(1) Hoan, Diễn: Châu Hoan, Châu Diễn. Ở thời nhà Trần từ Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu thuộc châu Diễn; từ Thanh Chương (Nghệ An), đến Can Lộc (Hà Tĩnh) là Châu Hoan; Ba huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh gọi là Châu Hoan Nam Giới.

(2) Chi La: Gồm Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Thanh Chương thuộc đất Chi La. Đến đời nhà Lê đổi là La Giang

Sông Tiêm trong sử tích "Cá gáy hóa rồng"

 

 

Ý kiến bạn đọc:
Phạm Thị Lam

Chào chị Phanlanhoa e rất tâm đắc bài viết của chị. Chị ơi cho e hỏi. Nhà e ở chung trong khuôn viên nhà thờ họ cùng chung ngõ vào ở trong sân nhà thờ họ có nhà thờ thần đất. Từ trước đến nay nhà e chưa lập bàn thờ ngũ vị tài thần riêng mà cứ ngày lễ là thắp hương chung ở nhà thờ thần đất của họ e cảm thấy ko ổn nên e muốn lập bàn thờ ngũ vị tài thần riêng trong nhà e có đc ko? Nếu lập riêng thì tốt hơn hay jo làm lễ nhập chung vào bàn thờ gia tiên đã có sẵn mong chị jup e với. Mà nếu lập riêng thì phải cao hơn bàn thờ gia tiên 1 tý đúng ko ạ?

Phlanhoa phản hồi

1. Xin lỗi, tôi không trả lời vấn đề này của bạn được, vì bài tôi viết thể hiện "Ngũ vị tài thần VN" là tam vị Định phúc Táo Quân và Việt Nam Hoàng Thiên, Việt Nam Hậu Thổ. Ngũ vị này không giống ngũ vị của người Tàu như mọi người thờ phụng hiện nay.

2. Tập quán thờ cúng của người Việt xưa nay là : Tiên - Sư - Cha (Tiên là thần tiên nước Việt; Sư là tổ nghề; Cha là gia tiên) và mỗi nhà chỉ có một án thờ duy nhất chứ không tùm lum án thờ trong nhà như hậu duệ ngày nay.

 

Lưu Tuyết Lan

Cháu chào cô planhoa. Trước tiên cháu xin chúc cô và gia đình luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Thưa cô! đọc được bài viết này của cô cháu mới rõ ràng và hiểu biết ra nhiều điều đúng theo phong tục nước ta. Thưa cô! trong có đọc trên mạng thì thấy người ta viết là mũ, quần áo cúng Táo Quân thì năm nào tùy theo ngũ hành của năm để chọn mua màu cho đúng. Chẳng hạn năm hành hỏa thì mua màu đỏ... Nay đọc bài viết này của cô thấy trong phần soạn lễ cúng thì theo cháu hiểu là năm nào cũng mua 3 cái Mũ màu đỏ và bộ quần áo thụng đen? cháu hiểu như vậy có đúng không ạ? hay là tùy theo năm như người ta viết. Mong cô chỉ dẫn để cháu được biết và làm cho đúng. Cháu chân thành cảm ơn cô.

Phlanhoa phản hồi

Theo tập tục là chỉ có áo thụng đen và mũ đỏ, chứ không theo ngũ hành. Đỏ là biểu tượng của lửa và may mắn.

nguyễn van hoàng

T Chào Chị Hoa Tôi xin hỏi Chị khi tôi đọc bài viết của Chị về táo quân chị đã giới thiệu 3 vị Táo nhưng trong văn khấn cổ truyền Việt nam do Hòa Thương Thích Thanh Duệ và Nguyễn thị Bích Hằng biên soan nhà xuất bản văn hòa thông tin ấn hành thì viết ngài Bản xứ Thổ địa ,Bản gia Táo quân cung các vị tôn thần thì có nghĩa thổ điah là vị thần ngoài táo quân từ trước đến nay tôi tương vậy nhưng giò chị giải thích có lý nhưng mong chị giải thích vì sao họ viết vậy

Phlanhoa phản hồi

Thì bạn cứ gặp cô Bích Hằng và vị hòa thượng nọ và nói với họ rằng Phlanhoa nói là phong tục tập quán không phải là thứ để bịa, cứ có danh hiệu "thích" thì muốn nói thế nào thì nói sao? Văn khấn cổ truyền nào vậy? Văn khấn mà tôi đem làm mẫu vidamdodua.com là tôi lấy từ một số gia phả các dong họ ở Nghệ Tĩnh đấy. Sự tích về Táo Quân tôi cũng lấy từ trong kho tàng văn hóa VN. Các sách tham khảo có ghi tên ở trên đầu bài.

Muốn kiểm chứng nhan nhất ai đúng, ai sai, bạn có thể nhìn hai loại tranh Táo quân: Tranh thờ Táo quân ở Huế và tranh Đông Hồ vẽ Táo quân, hai làng tranh này là cổ xưa, đều có hai ông một bà, bên dưới có chữ Nôm ghi rõ hiệu và thụy của từng vị. Tranh trong bài là tranh Đông Hồ.

Còn đây là tranh in từ mộc bản ở Huế 

 

 

NGUYỄN THỊ MAI

CÔ ƠI CHÁU .CÓ NGƯỜI BẠN NÓI LÀ CỨ ĐẾN CUỐI NĂM THÌ NÊN BỐC LẠI BÁT NHANG ÔNG THỔ CÔNG.THEO CÔ BẠN ẤY NÓI CÓ PHẢI KHÔNG CÔ. CÁM ƠN CÔ.

Phlanhoa phản hồi:

Bát hương chỉ bốc một lần. Chỉ trường hợp bốc không đúng thủ tục mới phải bốc lại. Còn bốc đúng rồi thì không phải bốc lại nữa, vì bát hương thờ phụng càng nhiều năm càng linh.

Trần xuân thành

Cháu chào cô! trước hết cháu xin chúc cô và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và hanh thông trong mọi việc. Cháu rất thích và đọc tất cả các bài của cô, nay qua loạt ý kiến cháu thấy có đặt hũ muối và gạo lên ban thờ. Vậy cô cho cháu hỏi nhà cháu thờ thổ công và gia tiên, bà cô... trên cùng một ban thờ, thì cháu có thể đặt hũ gạo,muối lên được không ạ? có phạm kỵ gì không? Cháu xin cảm ơn cô rất nhiều.

Phlanhoa phản hồi

Gạo - muối - nước lã luôn luôn nên có trên án thờ cháu à. Nước là khởi đầu sự sống. Gạo tương trưng cho nền văn minh lúa nước. Muối theo truyền thuyết là vật phẩm quý giá nhất của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương. Ngoài ra muối còn có công năng liễm tà khí nữa đấy, nên 3 thứ ấy không chỉ có giá trị thờ gia tiên, mà còn có giá trị dâng thần linh nữa.

lêhhuythông

Ở bv TrưngVương Tp HCM có bố trí tượng Hai Bà Trưng và rất nhiều bệnh nhân và thân nhân khấn lạy cầu an cho tai qua nạn khỏi (hết bệnh). Việt Nam còn nhiều danh nhân danh tướng để kính thờ như vậy ; cứ gì phải chọn ngoại lai mà trang trọng... nhưng để thoát ra không hề dễ; một phần vì tín ngưỡng không có người định hướng về chân thiện mỹ của dân tộc, phần vì đó đều thuộc duy tâm không có cơ sở cụ thể để thấy mà tin mà chuộng ! Bài viết trên rất có ý nghĩa .... mong được đọc thêm các ý tưởng phân tích mới có hồn Quốc gia Dân tộc...

Phlanhoa phản hồi

Xin cảm ơn quý khách đã để lại lời cảm đầy tâm tư cùng dân tộc. Ngoài bài viết này, Phan Lan Hoa có thêm bài viết suy luận về lịch sử, mới quý khách bớt chút thời gian Coi ở đây

Kính chúc năm mới an khang thịnh vượng.

Nguyễn Ngọc Nguyên

Nhà tôi sắp xếp bàn thờ theo nguyên tắc "Tiền Phật Hậu Linh", nhưng vì nhà tôi không theo đạo Phật mà chỉ thờ cúng ông bà nên đã có biến tấu. Hiện tại, bàn thờ Táo quân nằm trước bàn thờ tổ tiên. Theo thứ tự từ ngoài cửa vào là Bàn thờ Táo Quân, bộ bàn chữ nhật 6 ghế và cuối cùng là bàn thờ tổ tiên. Xin hỏi cách sắp đặt này có ổn không? Điều cuối cùng, hiện trên bàn thờ Táo Quân trước đây ba tôi nghe theo Thầy đặt thêm 3 hũ tiền, muối, gạo bên cạnh các đồ thờ cần thiết. Xin hỏi điều này đúng hay sai?

Phlanhoa phản hồi

Hầy zà! người theo đạo Phật mà thờ Phật ở nhà đã là không đúng quy tắc thờ phụng, bởi Phật ăn chay trường, trong gia đình ngửi khỏi nấu nướng đồ mặn đã không hợp lý. Nay gia đình bạn không theo Phật giáo cớ chi thờ Phật?

Về ba hũ gạo tiền muối thì đúng rồi. Tôi cũng thường xuyên để gạo và muối trên án thờ, còn tiền thì khi có thưởng để lên đó mấy đồng thay cho vàng tiền giả. Tích cóp cả năm lại, đến 23 tháng chạp đem tiền đó đi sắm đồ lễ tiễn ông Táo về trời.

Về trình bày án thờ, không sai, chỉ về hình thức thì thiếu gọn gàng, nhiều án thờ sẽ khiến cho gia chủ mệt nhọc thời gian lau chùi quét dọn. Chỉ cân một tủ thờ có tam cấp thì có thể thờ được cả Định phúc Táo quân, Gia tiên và bà cô ông mãnh mà...

Bùi Xuân Toàn

Kính gửi tác giả phlanhoa :

Toi ở Hà Tinh nhung gio định cư ở trong nam ở đây hầu hết các gia đình đều lập bàn thờ Táo quân ở trên bếp (ngay trên bếp ga) Theo tac gia thi khg đúng roi. vậy thi giờ làm sao cho hợp lễ? nhà tôi có thờ bà cô ông mãnh, cùng con cái sa sẩy của tôi,   và tôi để bát nhang trên cùng một bàn thờ ((bát nhỏ và thấp hơn). Vậy có phạm gì không?   Tôi sinh năm 1963,nhà tôi ở mặt đường (huong Tây) nên phạm hướng tuyệt mệnh(đã xây kiên cố) có cách gì sữa đc lỗi này khg? tôi xoay bàn thờ sang hướng khác đc khg? Xin sự tư vấn và trân trọng cám ơn tác gia.

Phlanhoa phản hồi.

1. Con cái sa sảy cũng là bà cô ông mãnh. Vị trí thấp hơn là phải phép rồi.

2. Việc sửa chữa bàn thờ, lập bát hương mới vv... đều có thể được. Tuy nhiên cần phải xem xét các yếu tố sau: Nếu gia đạo làm ăn và sinh hoạt đang ổn thì chớ nên thay đổi. Phải coi ngày giờ cẩn thận khi thỉnh mới thứ gì đó đưa lên rường thờ. hoặc thay đổi vào thời gian từ 23 - 30 tháng chạp.

3. Sửa chữa hướng phạm như sau: Nhà nếu có cổng, thì làm lệch hai cột cổng vài tấc cho hướng gió không xộc thẳng vào nhà; mở cửa số ở hướng sinh khí; pha kim tuyến ngũ sắc để sơn cửa, cổng; dùng rèm hoa ngũ sắc để che hướng gió.

Các thủ tục khác trong loạt bài viết về cúng bái tôi đã nói rõ, chỉ cần đọc là có thể làm được.

nguyen cong tung

     Cháu muốn hỏi trước đây cháu làm bàn thờ nhưng khi mua bát hương mới về cú để như vậy cúng chứ không làm lễ. Cháu nghe nói cần làm lễ bốc bát hương. Vây bây giờ cháu muốn làm lễ bốc bát hương thi cần thay bat hương hay cú để bát hương cũ rồi làm lễ. Xin chân thành cảm ơn.

Phlanhoa phản hồi:

     Nếu bát hương cũ còn tốt muốn sử dụng lại vẫn tốt, không sao. Bạn đổ hết cốt tro cũ ra ngoài, rồi đem rửa sạch bát hương với loại rượu ngâm với quế chi và hồi hương, sau đó phơi khô thì có thể bốc cốt mới bỏ vào.

     Nếu bạn muốn thay bát hương mới cho hoành tráng hơn, thì thủ tục thay thế đã có trong bài hướng dẫn. Đúp vô đây để đọc

dinhtaylam

Cô ơi! Cháu đi xem nhiều nơi, họ nói là hiện nay cháu có anh trai và chị gái chết tre đi theo! Nhà cháu đúng là có anh trai, chị gái chét trẻ thật. Cháu muốn lập bàn thờ. Mong cô chỉ bảo cho cháu với có được không cô?

Phlanhoa hồi đáp:

(Trả lời bạn Vũ Thị Thắng và bạn dinhtaylam1974)

Cô đảm bảo với cháu, hễ đi xem bói, kiểu gì thầy bói cũng nói có bà cô theo. Gần như cả trăm người đến thì cả trăm đều được nghe câu đó. Trên thực tế theo cô nghiên cứu, chỉ khi lá số tử vi của người nào có ngôi sao "Cô Thần" đóng tại cung Mệnh, cung Thân, hoặc cung Phúc Đức, thì mới có diễm phúc bà cô ông mãnh phù hộ độ trì cháu à.

Việc lập bát hương thờ cúng cô nói cả trong mục "Phong tục tập quán" rồi,.

Mong cháu bình tĩnh và an tâm. Nếu không an tâm, thì chỉ cần mỗi năm về thăm anh trai một vài lần, hương khói, nếu không về được thì ngày kỵ, ngày rằm tháng bảy lập mâm cơm cúng vọng trước giờ cúng chính thứccủa anh trai ở nhà thì được rồi.

 

 

dinh tay lam

Cháu cám ơn cô rất nhiều! Khi đọc bài viết của cô cháu mở mang ra nhiều điều! Xin cô hướng dẫn cháu cách bốc bát nhang cho anh trai( chét rất tre, khi mẹ cháu mang tahi anh cháu được 6 tháng thì đẻ non, mấy tiếng sau thi chết)chi gái thì có tên(chết sau khi mẹ cháu đe chị mấy ngày). Cô giúp cháu với cô nhé!?

Phlanhoa hồi đáp

Cháu đọc tại bài này nhé vidamdodua.com/index.php

 

Hoàng Long

Trước đây khi về nhà mới, tôi chưa biết nên tự lập ban thờ gia tiên.Nay đọc lại bài viết của cô, thấy nhiều chỗ chưa đúng phong tục. Vậy nếu phải lập lại ban thờ thì cần theo các bước như thế nào, xin cô chỉ giúp.Tôi xin chân thành cảm ơn!

Phlanhoa trả lời:

  • Bước 1: làm lễ xin phép tôn tạo, sửa chữa, thay mới vv...
  • Bước 2: chọn ngày lành tháng tốt (tốt nhất là thay đổi vào dịp sau 23 - 30 tháng chạp)
  • Bước 3: lập bát hương, bài vị, các thứ khác theo hướng dẫn trong bài viết
  • Bước 4: những thứ cũ không dùng nữa thì đem chôn sâu xuống đất, hoặc thả xuống sông sâu.
khổng Vũ Thành

     Cháu thấy những bài viết về phong tục bản sắc văn hóa của dân tộc ta rất hay và mong có nhiều bài viết hay hơn nữa, nhiều người biết hơn nữa để những giá trị của người Việt không bị lai tạp biến dạng quá nhiều.Nhưng cháu cũng có vài điều thắc mắc về thờ cúng Táo Quân. Trong dân gian vẫn có câu:"Đất có Thổ Công sông có hà mã" vậy thì Thổ Công ở đây phải là thần cai quản đất đai long mạch,còn theo Định Phúc Táo Quân thì Thổ Công lại là thần bếp;phải chăng chúng ta đã nhầm lẫn và hợp nhất giữa Thổ Công và ba vị Táo Quân vào là một. Và một điều cháu thắc mắc nữa là trong các bài văn khấn lại chỉ lạy ngài "Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân" mà không nhắc đến hai vị còn lại và coi ngài là đứng đầu trong ngũ tự gia thần,vậy ngũ tự gia thần ở đây là những ai? (Mong cô Phlanhoa giải đáp giúp cháu!)

 

Phlanhoa hồi đáp:

     Nghe cháu hỏi là biết cháu đọc bài chưa hết ?

      Tìm hiểu về thờ cúng là phải kỹ càng cháu à. Định phúc táo quân có ba vị là  Thổ công - Thổ địa - Thổ Kỳ (xem lại bài viết). Khi khấn là phải nguyên câu " Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân - Thổ địa long mạch tôn thần - Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần".

     Câu trong dân gian là "Đất có Thổ Công sông có Hà Bá", chứ không phải "hà mã" cháu à. Dân gian đôi khi gọi gộp chung ba vị Định phúc lại thành "Thổ Công - Hà Bá". Còn một vị nữa cũng được coi ngang với Thổ Công Hà Bá đó là Thành hoàng làng. Các bài khấn cổ của các cụ đều nhất nhất như nhau, có các vị này, cháu đọc bài khấn tại phần hai của "cấu trúc từ đường" để biết nhé.

     Thân.

 

Nguyễn Thị Nguyệt

Cháu cảm ơn bác rất nhiều khi nhận được hồi âm của bác. Thay mặt gia đình cháu kính chúc Bác cùng toàn thể gia đình một năm mới an khang thịnh vượng!

 

Nguyễn Thị Nguyệt

Cháu rất tâm đắc về bài viết của Bác về phong tục thờ phụng của người Việt ta. Cháu có 1 chút thắc mắc muốn nhờ Bác giải đáp giúp. Hiện nay bố cháu đã mất nên nhà chỉ có 2 mẹ con, ông bà không ở với mẹ con cháu(hiện nay ông bà đã mất). Khi mẹ cháu xây lại nhà(ông bà chưa mất) mẹ cháu có nhờ 1 thầy cúng tới xem đất và lập bát nhang. Thầy nói nhà cháu chỉ cần lập 1 bát nhang. Đến nay nhà cháu vẫn chỉ có 1 bát nhang thờ thần linh. Tới 23 tháng chạp mẹ cháu sửa soạn cỗ cúng dưới bếp tiễn Táo quân lên trời mặc dù ở dưới bếp nhà cháu không có bàn thờ. Nay cháu muốn lập thêm bát hương trên ban thờ gia tiên. Bác cho cháu hỏi nếu cháu lập thêm bát hương cần phải làm những gì ạ? có cần phải mời thầy cúng không ạ? mong bác sớm giải thích giúp cháu nghen. Cháu cảm ơn bác rất nhiều.

Hồi đáp của Phlanhoa:

     Cách thức, nghi lễ lập bát hương, đề nghị bạn đọc kỹ loạt bài Phlanhoa giới thiệu trong mục "Phong tục tập quán", Phlanhoa đã nói rất kỹ tất thảy mọi điều bạn hỏi và hơn thế nữa.

      Chỉ xin bạn nhớ kỹ bài của Phlanhoa giới thiệu là nhằm phản bác lại chính các thầy cúng hiện nay bốc bài vị cho các gia chủ không có cội nguồn căn nguyên văn hoá dân tộc. Do đó bạn hoặc là theo thầy cúng, hoặc là tự bốc bát hương theo hướng dẫn trong các bài ở mục "Phong tục tập quán" của vidamdodua.com, hai chỉ chọn một thôi, chọn cả hai là mâu thuẫn đấy.

     Cơ bản là cốt tro trong bát hương, mỗi khi dã tự bốc được bát hương thì cứ thắp hương lên mà khấn, há cớ phải mời thầy cúng? cách bốc bát hương cũng như sớ khấn mẫu có hết cả trong "Phong tục tập quán".

     Trong nhà dù trai hay gái đều phải có bát hương thờ gia tiên. Con trai trưởng thì thờ chính thức cha mẹ ông bà, con trai thứ, hoặc dâu con cháu chắt ở xa quê thì lập bàn thờ vọng, trong phạm vi sắp bày của lễ giáo quy định (đã có trong bài viết) ai cũng có quyền thờ phụng cha mẹ ông bà nhà mình. Bàn thờ vọng nghi thức cũng như bàn thờ chính. Duy chỉ có khi cúng giỗ, cần phải liên hệ với con trưởng để thắp hương trước giờ cúng chính thức của con trưởng từ 12 - 24 giờ.

Thân ái

Trần Thị Bích Loan

     Dạ chào bác, cháu là người miền trung gia đình chưa phải thờ cúng tổ tiên vì còn cha mẹ. Nay trong gia đình có làm bàn thờ thổ công vậy cho cháu được hỏi bác : hàng năm tết đến có phải thay bát hương mới và bài vị thổ công không, nói chung là bác cho cháu và mọi người rõ hơn về việc thờ cúng vị nhất gia chi chủ này cho đúng khỏi bị thiếu sót. Cháu cảm ơn bác.

 

Hồi đáp của Phlanhoa

     Chào bạn Bích Loan

     Tôi đã có nói rất kỹ trong một loạt bài về thờ cúng, việc thờ cúng phải cẩn trọng bạn nên đọc cho kỹ, chớ có đọc lướt mà làm sai đấy, bởi ai cũng hỏi thì Phlanhoa sẽ không có nhiều thời gian trả lời đâu.

     Bát hương chỉ lập một lần và thờ mãi luôn năm này qua năm khác. 

     Bát hương sau khi thỉnh xong phải để cố định không được xê dịch cho đến 23 tháng chạp, sau khi cúng ông táo xong mới được đem lau chùi, rút hết chân hương cũ, chỉ chừa lại 3 cái, hớt bớt phần tro tàn bên trên do hương cháy rụng xuống, còn phần cốt tro do mình thỉnh phải giữ nguyên không được đổ đi, lau chùi sạch sẽ bên ngoài và dể bát hương lại vị trí cũ.

 

Trần Văn Hải

Chào Bác Phlanhoa. Cháu rất vui khi nhận được những hồi âm quý báu của bác. Thay mặt gia đình, cháu xin chúc bác cùng toàn thể gia quyến đón 1 năm mới khang thái, thành đạt, bình an.

 

Trần Văn Hải

     Kính gửi Bác Planhoa.

     Cháu là một người xứ Quảng. Cháu rất tâm đắc khi đọc các bài viết của Bác về phong tục thờ cúng. cháu cũng đã có nhà riêng, cha mẹ 2 bên đều còn sống. Cháu có một số thắc mắc muốn nhờ Bác giải đáp giúp. 1. bàn thờ ngũ vị tài thần nhà cháu thì bố trí như thế nào, dùng bài vị gì. 2. nhà cháu dùng bếp gas thì làm sao lấy tro giữa bếp để bỏ vào bát hương. 3. khi cúng ngoài sân thì có vái Hoàng thiên, Hậu thổ và 3 vị Táo quân nữa không. vì cúng trong nhà đã vái 5 vị này rồi. 4. nhà cháu lỡ làm 1 bàn thờ Táo quân tại bếp thì làm sao xin để chuyển lên bàn thờ ở tầng trên. Tết sắp đến, mong Bác sớm giúp giải thích giùm cháu nghen. Cháu vô cùng biết ơn.


Phlanhoa hồi đáp:

     Chào bạn Trần Văn Hải.

     Câu hỏi của Bạn thật thú vị ở chỗ con cháu đời sau như chúng ta phát huy truyền thống như thế nào cho phù hợp. Bếp gas rõ ràng ngày xưa các cụ không có nên tất nhiên sách vở cũng không có để mà di truyền lại. Vậy thì chỉ còn cách chúng ta tự suy nghĩ để đưa ra một hướng giải quyết hợp tình hợp lý thôi. Tôi đề nghị thế này:

      Bạn in một tờ tranh Đông Hồ vẽ Định phúc Táo quân này :


     rồi mua vàng mã, áo mũ ông Táo, đến ngày 23 tháng chạp, sau khi lau chùi, thay bát hương như ý mình xong, cứ cúng tiễn ông táo về trời bình thường tại bếp nhà mình như trước nay vẫn cúng, nhớ khấn thêm phần cầu xin di chuyển bát hương. Sau đó lấy một cái chảo cho vàng mã, áo mũ, hình vẽ Táo quân vào trong chảo, đặt lên bếp bật lửa đốt cho cháy thành tro, lấy tro đó thả vào bát hương.

     Việc di chuyển thì như sau: bạn bật bếp gas lên, lấy lửa từ ngọn lửa của bếp thắp sang đèn dầu, đem đèn dầu và bát hương để lên bàn thờ mới, thắp hương từ lửa của ngọn đèn dầu cắm vào bát hương, gọi là tiếp lửa. như vậy việc di chuyển đã hoàn thành. (chú ý ngọn lửa phải được bảo quản lúc di chuyển không được làm tắt, hương và đèn phải cháy sáng suốt 24/24 giờ trong suốt thời gian ông Táo về trời (từ 23 - 30 tết))

Bài vị: bức tranh Đông Hồ trên đây đã có đủ thông tin về Định Phúc Táo Quân, về Hoàng Thiên Hậu Thổ là đại diện âm dương, trời đất nên không có hình hài con người cụ thể. Bạn vẽ một vòng tròn âm dương hai màu trắng - đen như dưới đây, cắt hình âm dương đó dán lên phần trên bức tranh Táo Quân, đem đóng khung là có thể thành bài vị để thờ Việt Nam Ngũ vị tài thần rồi.


Lời khấn vái:

     Như tôi đã giải thích, Việt Nam Hòang Thiên Hậu Thổ chính là vua Trời vua Đất nước Việt đương nhiên luôn luôn phải là câu khấn mở đầu, dù bất kỳ ở đâu trên lãnh thổ nước Việt. (Thiết nghĩ dù là Phật hay Thánh gì đi chăng nữa cũng không ngoài vòm bao bọc của Trời Đất cả mà thôi, nên khấn "nam mô a di dà Phật" trước Hoàng Thiên Hậu Thổ như hiện này e là chưa phải Đạo Trời?)

     Riêng Định Phúc Táo Quân, như tôi đã giới thiệu, ngoài quản bếp núc ra, ĐPTQ còn là thần tài, thần long mạch thổ địa nhà mình, nên trong khuôn viên gia đình, ĐPTQ là vị thần cai quản, luôn luôn phải khấn xin mới được. Chỉ khi đi lễ đền chùa mới thôi khấn ĐPTQ.

      Sớ cúng các kiểu bạn nên coi ở bài Cấu trúc thờ cúng Từ đường... phần 2

     Chúc bạn và gia đình sáng suốt, tâm niệm, an lành!

 

 

dinh trong sang

     Hiện tại tôi mới làm nhà xong, tôi có lập một bàn thờ tại giữa vị trí giữa của bức tường phòng khách để thờ Bố, phía bên dưới lối đi từ phòng khách xuống phòng ngủ và bếp tôi có đặt một bàn thờ ông địa cùng ông thần tài, bây giờ tôi muốn làm thêm một bàn thờ ông táo quân dưới bếp như vậy có được không, nếu không được thì bây giờ tôi phải bố trí lại như thế nào cho đúng. Rất mong nhận được sự đóng góp. Trân trọng

Hồi đáp của Phlanhoa

Xin chào bạn Đinh Trọng Sang.

Cám ơn bạn đã đền với vidamđòdưa.com. Vấn đề của bạn Phlanhoa có ý kiến hư sau:

     1. Trong các sách phong tục tín ngưỡng của VN nói chung mà Phlanhoa có dịp nghiên cứu tìm hiểu qua, kể cả các sách của các chùa Phật giáo, không có chỗ nào hướng dẫn thờ riêng ông Địa, ông Thần tài và ông Táo quân trong nhà cả.

     2. Tại khu vực Miền Nam, cũng chỉ có đạo Cao Đài là thờ riêng ông địa. Việc thêm ông thần tài là đã bị pha tạp văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa. Tuy nhiên sự pha tạp này cũng không đúng với tín ngưỡng của người Tàu, bởi Phlanhoa từng đi hết 8 thành phố của TQ, người Trung Hoa chỉ đặt ông Địa và ông Thần tài trong phòng khách, sảnh khách sạn, văn phòng làm việc vv... như một vật trang trí phong thủy chứ không hề lập bàn thờ hương khói như Miền Nam VN;

     3. Tam tài thần cùa người Việt Nam bắt nguồn từ mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân trong vũ trụ, (thần là Thần khí) và Táo quân bao gồm ba vị thần đại diện cho ba giềng mối đó, nếu tách rời nghĩa là tự mình xóa bỏ Tam tài nhà mình. Trong bài Phlanhoa cũng nói rõ, vị trí thờ của Táo quân phải là nơi trang trọng và cao nhất trên bàn thờ trong nhà mình, chứ không có nghĩa ông Táo thì thờ trên ngọn khói, ông Địa thì thờ dưới đất, họ là những vị thần thì đi mây về gió, hà cớ phải chui rúc ở nơi bẩn thỉu? Việc thờ cúng của các gia đình từ Huế đổ ra, từ thập niên 90 đổ về trước không ai thờ ông Táo ở dưới bếp cả; từ thập niên 2000 đổ về đây, có một số bị ảnh hưởng từ các thầy cúng miền Nam ra, một số gia đình trong các thành phố cũng đã theo phong trào thờ ông Địa riêng , ông Táo riêng, nhưng ở nông thôn thì không hề có.

     Ý kiến của Phlanhoa là như vậy, tuy nhiên Phlanhoa cũng biết việc phá bỏ một luồng mê tín đã thành nếp trong nhà, (dù biết rằng đi ngược với tín ngưỡng dân tộc) thì cũng sẽ rất khó khăn, chỉ biết nếu ý kiến của mình và mong bạn sáng suốt. Thiết nghĩ, dân ta phải biết thờ phụng Bầu trời, mặt đất, thần khí sông núi, tổ tiên giống nòi, phong tục tín ngưỡng dân tộc ta mới vững bền cội nguồn được. Sự bền vững Giang sơn gấm vóc VN, phụ thuộc từ tấm lòng gìn giữ bản sắc Chân - Thiện - Mỹ của mỗi cá nhân, gia đình.

     Trong nhà Phlanhoa, chỉ có một bàn thờ duy nhất với ba bát hương, thứ tự cao thấp Thần - Thánh - Gia tiên, cụ thể như sau:

Thần:

  • Việt Nam Hoàng Thiên, Hậu Thổ (Vua trời, vua đất cai quản lãnh thổ VN)
  • Định phúc Táo quân

Thánh:

  • Việt Thủy Tổ Kinh Dương vương Lộc Tục
  • Việt Tiên Tổ khảo Lạc Long quân
  • Việt tiên tổ Mẫu Âu cơ
  • Các Chư vị Việt Nam tiên tổ
  • Các chư vị Việt Nam Thánh Quốc
  • Các Chư vị anh hùng Việt Nam dân Tộc
  • Thành hoàng làng

Gia tiên:

  • Cao - Tằng - Tổ - Khảo - (Bậc thấp hơn chưa có)

Thân ái!

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Sứ mệnh của cây hương trầm và chữ Tâm trong đạo thờ cúng (19h: 02-03-2014)
 Linh hồn (17h: 31-07-2014)
 Bài đọc thêm: CỔ NHÂN VÀ CÁC TỤC LỆ NGÀY XUÂN (06h: 26-12-2020)
 Ý nghĩa những thức bày cỗ cúng truyền thống của người Việt (17h: 21-01-2015)
 Lễ cầu an, cầu siêu, tạ, tảo mộ, động thổ di dời xây cất mồ mả ... (16h: 22-03-2016)
 Có nên bỏ viên thạch anh vào bát hương? (23h: 02-04-2016)
 Tết Đoan Dương có lẽ là ngày khai quốc của tộc người Việt Thường? (11h: 09-06-2015)
 Trùng tang – phép tính và phép giải (20h: 16-11-2012)
 Giải oan cho cô hồn (17h: 28-08-2015)
 BÀ CÔ ÔNG MÃNH LÀ AI ? (15h: 15-04-2013)