Bài viết của: Thái Kim Đỉnh, ảnh của Hằng Phương
"Thượng, Hạ là đất thanh nhàn…"
Thượng – xã Việt Yên Thượng ở bờ bắc sông La, đối diện với Hạ - xã Việt Yên Hạ ở bờ nam, đều thuộc tổng Việt Yên, huyện La Sơn. Làng Trường Xuân là một thôn biệt triện của Việt Yên Thượng, thường gọi là Kẻ Thượng, sau cách mạng là xã Đức Tân, hiện nay thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ.
Làng Trường Xuân chỉ là một dải đất hẹp ven sông, mạn dưới hai làng Vạn Phúc, làng Cửu Yên, và mạn trên làng Thọ Tượng, Thọ Ninh. Phía sau làng là các xóm nông dân ở kề cánh đồng, giáp với địa phận xã Thịnh Quả (Đức Tùng). Phía trước là các xóm của dân buôn bán, lao động, nhà cửa chen chúc hai bên con đường cái chạy dọc mé sông từ đầu đến cuối làng. Do ở quá chật chội khó đảm bảo điều kiện vệ sinh; hơn nữa hầu hết lại là nhà tranh vách nứa, nên thường bị hỏa tai. Sách "Đại Nam thực lục chính biên" còn chép về vụ cháy lớn năm Mậu Thân, Tự Đức năm đầu, (1848) Vạn Phúc Trung lan sang từ Vạn Phúc Đông, Cửu Yên, Trường Xuân… thiêu hủy trên 400 nóc nhà.
Chợ Thượng họp đầu làng, bên bờ sông, là một trong những chợ quê lớn nhất ở Nghệ Tĩnh thời trước; "là trung tâm quan trọng buôn bán gỗ, tơ lụa, và cả trâu bò…" (Tài liệu của chính quyền Pháp). Năm 1828, công sứ Pháp ở Hà Tĩnh đã cho trích ngân sách xây dựng đình chợ cao rộng, hàng hóa quý giá có nơi trình bày, tài nguyên do đó được phát đạt, trên bộ dưới thuyền, hành khách qua lại đông vui; của ngon vật lạ kẻ thương mại đưa đến chẳng thiếu thứ gì, thật là một nơi tấp nập vậy" (Hà Văn Lan – Đức Thọ phủ phong thổ ký). Thuế chợ Thượng là một nguồn thu khá quan trọng. Trong khi thuế môn bài của 2769 hộ buôn bán người Việt và 13 hộ ngoại kiều (Âu, Hoa) hàng năm là 9.000 đồng, (Đông Dương), thuế xe cộ của 440 chủ trong tỉnh là 2000 đồng, thì thuế chợ Thượng là 2.800 đồng (1940). Tên "Chợ Thượng" còn được đặt cho nhà ga xe lửa lớn ở địa phận làng Thọ Tường; và cầu sắt Thọ Tường cũng được gọ là "cầu Chợ Thượng".
Bên chợ Thượng là chùa Thượng, có gác chuông cao đẹp được xếp vào loại công trình kiến trúc – chạm trổ giá trị:
"Thứ nhất hương án Xa Lang,
Thứ hai gác chuông chùa Thượng, thứ ba tam quan Du Đồng"
(Ca dao)
Theo gia phả họ Lê, một họ lớn ở Trường Xuân, thì tổ họ này là Lê Mai, từng theo giúp Bình định vương Lê Lợi, làm thuốc trong nghĩa quân Lam Sơn. Ông đã vào rừng sâu, có khi sang tận xứ Lào (?) tìm hái thuốc về chữa bệnh. Về sau, ông ra Lam Sơn rồi mất ở đó vào ngày 18 tháng tư âm lịch. Theo một đạo sắc đề ngày 25 tháng bảy năm Khải Định thứ 9 (20-8-1924) thì Lê Mai được phong là Cao các Lam Sơn thần y, thành hoàng thôn Trường Xuân.
Thủy tổ họ Phạm, họ Thái, vv… ở đây đều quê gốc xứ Thanh Hoa, vào khoảng trước thời Lê – Mạc…
Như vậy làng Trường Xuân được thành lập chậm nhất cũng vào cuối đời Trần, đầu Lê (Thế kỷ XIV-XV).
***
"Thượng, Hạ là đất thanh nhàn.." Thật ra thì dân Thượng – Trường Xuân chẳng được thanh nhàn. Ngày trước, trừ một số rất ít người có ruộng đất, vốn liếng là khá giả, còn hầu hết dân làng đều vất vả quanh năm. Nông dân ít ruộng đất, năm được mùa, may lắm cũng chỉ đủ ăn. Còn lại, đàn bà lo chạy chợ, đàn ông thì làm thợ, làm thuê. Một bộ phận khá đông làm nghề cào hến hoặc làm thợ đóng thuyền. Sau cách mạng, người ta du nhập thêm nghề đan dè cót, thu hút được khá đông người thiếu việc làm. Có thời gian, trong làng còn có xưởng dệt thảm đay, có lò đốt vôi.
Nghề cào hến đã có từ lâu đời. Người Trường Xuân đến nay còn kể gốc tích nghề này như sau:
"Thuở trước, không rõ từ thời nào, một gia đình bên Thượng hiếm hoi, xin một bé trai bên Hạ về làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Chàng trai lớn lên rất thông minh, chăm chỉ, chẳng bao lâu đã học giỏi có tiếng. Đến khoa thi, chàng đỗ ông Cống (Hương cống). Nhưng ngày về quê, dân bên Thượng cho chàng là kẻ ngụ cư, không thèm đón rước. Bên Hạ lúc đầu cũng bỏ mặc vì chàng đã xuất tịch, song thấy bên Thượng thờ ơ, bèn mời chàng về mở tiệc ăn mừng để cầu may mắn. Ông Cống trẻ giận người bên Thượng, từ giã cha mẹ nuôi, bỏ về bên Hạ. Trước khi đi, ông viết một "văn án" nguyền thiên địa xin đừng bao giờ cho người bên Thượng có khoa danh, buộc vào đá, ném xuống sông La. Từ đó, năm nào bên Hạ cũng có người đỗ đạt. Còn học trò bên Thượng cũng có nhiều người giỏi giang, thế mà đi thi, đều hỏng bay. Dân trong làng chán nản, truyền nhau câu hát:
"Ba năm có một khoa thi,
Học trò Kẻ Thượng đừng đi tốn tiền".
Học trò bên Thượng quyết vớt cho được bản "văn án" tai hại ấy. Họ thuê người đưa thuyền ra sông, dùng chiếc cào dài cán, dưới có vỉ đan như cái nhủi, ngày đêm cào từ ngã ba Tuần cho đến lạch Trổ, ngã ba Phủ. Nhưng mấy tháng liền, người ta không vớt được hòn đá thề, mà lại bắt được rất nhiều hến. Thấy thế, dân trong làng lập thành phường, đóng thuyền đan cào đi vớt hến về nhà nấu bán, lâu ngày thành một nghề sinh nhai".
Truyền ngôn trên đây chỉ là lối giải thích dân gian gốc tích một nghề làm ăn mà thôi.
***
Lại còn một truyền thuyết về người nhũ mẫu của hoàng tử nhà Lê liên quan đến nghề cào hến:
"Ngày xưa, ở Kẻ Thượng có cô bé họ Lê, tên Thị Hạnh, nhà nghèo phải đi ở chăn trâu. Ngày ngày, cô cưỡi trâu bạc ra đồng cho ăn cỏ. Cô đi đến đâu thì trên bầu trời có đám mây ngũ sắc như tán lọng trôi theo, che đầu. Ai cũng cho là chuyện lạ. Lên mười, cô bé về nhà giúp cha mẹ làm nghề cào hến.
Sáng sớm, cô thường đội cái chảo mười nấu hến bằng đồng, ra sông chùi đánh. Hễ cô ra khỏi nhà thì đám mây ngũ sắc lại hiện lên che mát mái đầu. Điều lạ nữa là lên mười hai, người đã nở nang, và đến tuổi trưởng thành thì đôi vú cô gái có thể vắt qua vai …
Lúc này là đời Dương Đức (Lê Gia Tôn 1672 – 1673), hoàng hậu sinh con trai vừa được ba ngày thì mất. Hoàng tử khát sữa, khóc suốt ngày đêm, nhưng các bà vú trong cung không ai dỗ nín và cho bú được. Nhà vua lo nghĩ, triệu các cận thần hỏi kế, nhưng cũng không nghĩ ra cách gì. Đêm ấy vua mộng thấy thần nhân mách bảo: "Hãy sai người đi về phương nam, đến nơi nào trên không có đám mây ngũ sắc, gặp người con gái đội cái mũ đồng, vú vứt qua vai, thì mời về nuôi hoàng tử". Sứ giả đến gần núi Thiên Nhẫn mé bờ sông La, quả thấy có đám mây ngũ sắc và gặp đúng người như trong mộng.
Cô gái Kẻ Thượng được đưa về kinh Thăng Long. Khi cô vừa bước vào cửa cung thì hoàng tử đã nín khóc. Nhà vua mừng rỡ, giao cho cô làm nhũ mẫu.
Lúc hoàng tử lên 12 tuổi, bà Lê Thị Hạnh xin được về quê. Vua y cho và ban thưởng rất hậu. Không có gia đình, bà tậu ruộng đất cúng cho làng để nhờ việc hương hỏa về sau. Bà lại xuất tiền gạo đào hai con mương thông nước từ cánh đồng sau làng ra sông để giúp dân chống hạn, chống úng. Hiện nay con mương chảy ra cầu Phúc Đại vẫn còn, còn con mương kia đã bị bồi lấp. (1)
Bà được người làng kính trọng, gọi tôn là bà Hầu. Lúc bà mất, làng làm đám rất to, và xây lăng, dựng miếu thờ. Hàng năm, làng làm giỗ bà vào ngày 16 tháng sáu âm lịch. Ở Trường Xuân từ lâu không ai nuôi trâu bạch vì cho như vậy là đắc tội với bà. Miếu của bà Hầu, tương truyền dựng trên nền nhà cũ của bà, hiện đã mất, nhưng lăng của bà Hầu thì vẫn còn.
***
Cũng nhân việc Trường Xuân hiếm có người đỗ đạt, người ta kể lại gốc tích phường hát tuồng bội (bộ) ở đây:
“Thấy các nơi có nhiều người thi đỗ, làm quan, một số nho sĩ rất bực tức. Họ bàn với các bậc phụ lão lập phường tuồng bội, trước là để hát cho vui, sau là để có cơ hội mỉa mai thiên hạ: Các người có ông Nghè ông Cống, có quan nhỏ, quan to, ông này bà nọ, thì làng ta đây cũng kém gì, lại còn hơn các người là có cả vua nữa kia! Vua quan của các người thì chẳng qua cũng chỉ là đám phường tuồng như ta mà thôi!”.
Quả thật, Trường Xuân là một làng hát tuồng nổi tiếng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cho đến sau cách mạng vẫn còn thịnh. Ở đây không chỉ có đội tuồng với những nghệ nhân xuất sắc, mà hầu như cả làng, gái trai già trẻ đều mê tuồng và đều thuộc tích, thuộc điệu hát tuồng. Không phải ngày hội mới có trống tuồng, cũng nghe tiếng trống tuồng, mà ngày thường, đi đến lối xóm nào cũng nghe tiếng “ê a” tuồng bội.
Nhưng gốc tích hát bội thì không phải như người ta đã kể. Từ xa xưa, ít ra là cũng từ đời Nguyễn, ở đây đã có người đi học hát tuồng và những người hào trưởng thích hát, bỏ công, bỏ của ra lập phường tuồng, mời thầy về dạy.
Môt nghệ sĩ tuồng bộ xuất sắc của Trường Xuân gần đây là Lê Hanh. Vài nét về đời hoạt động nghệ thuật của ông cũng giúp ta hiểu thêm đôi chút về “làng tuồng bội” Trường Xuân. Lê Hanh (1907 – 1988) sinh ra trong một gia đình mà ông nội, ông thân sinh đều giỏi hát tuồng; trong họ, trong làng từ nhiều đời đã hát tuồng. Năm ông lên 16, cụ Trần Định đứng ra củng cố lại phường bội, mời thầy Dun là “con hát ngự” về dạy. Ông được vào phường và học rất nhanh, được thầy nhận xét:
- Cậu Hanh rồi sẽ là thầy của phường này.
Nhưng chưa được một năm sau thì thầy Dun về Huế. Ông phải ra Vinh học với một số nghệ sĩ (như Sáu Lập) của phường tuồng Huế đang lưu diễn ở đây … Vừa học vừa tự luyện; chẳng bao lâu ông trở thành một diễn viên xuất sắc, đủ sức làm thầy cho phường tuồng ở quê … Phường tuồng Trường Xuân có tiếng trong tỉnh, không chỉ diễn trong làng mà được mời đi diễn nhiều nơi, thường đi “hát hầu” ở tỉnh … Nhiều người sành tuồng như vợ chồng ông Tuần phủ Ưng Bình; bà vợ ông tri phủ Đức Thọ Đặng Văn Oánh, ông tri huyện Hương Khê Hoàng Mộng Kham … đều ngợi khen …
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, tuồng bộ Trường Xuân được phục hồi. Ngoài Lê Hanh, còn các diễn viên cũ như Lê Chưởng, Lê Viện … và một số người trẻ tuổi mới được đào tạo, nên đội tuồng ở đây vẫn là đội đàn anh trong tỉnh. Nhưng mấy năm sau thì đội tuồng không được chú ý, các diễn viên cao tuổi qua đời, “làng tuồng bội” Trường Xuân mất theo!
***
Trường Xuân còn là làng đóng thuyền nổi tiếng. Theo truyền ngôn và thần phả đền thờ tổ sư, thì nghề này có từ đời Lê.
“Phạm Đà, người Kẻ Thượng, là một thợ giỏi: Lúc trẻ ông có đi học, đi thi và có làm việc quan mấy lâu, rồi trở về mở trại xẻ gỗ, đóng thuyền, dạy lớp trai trẻ trong làng học nghề.
Giữa lúc ấy, ở vùng Đại ngàn có bọn giặc cướp do Triều Dương cầm đầu. Triều Dương là tay giỏi võ nghệ, lại có hai con gái giúp sức và nhiều thủ hạ tận tâm. Lão đem quân đi cướp bóc, đốt phá trong vùng, làm dân tình rất cơ cực. Quân phủ, quân trấn đều không đánh dẹp nổi, triều đình phải hạ chiếu cầu người tài ra trừ giặc cướp.
Ở Kẻ Thượng có nhà hào phú là Thái Phù, quê gốc xứ Thanh, vào đây nhập tịch và sinh được một con trai là Thái Bảo. Chàng lớn lên thông minh, mạnh khỏe, nhưng da hai bắp chân lại dính vào nhau. Chàng tức bực, dùng dao rạch da thịt, tách hai chân ra, chữa thuốc lành, và đi lại bình thường.
Thái Bảo đến tìm gặp Phạm Đà tỏ ý muốn ông cùng mình tìm kế trừ bọn giặc cướp Triều Dương … Phạm Đà vốn nhiệt tình và nhiều mưu kế, bèn cùng Thái Bảo lên sơn trại gia nhập đám giặc Đại ngàn. Chẳng bao lâu, họ được Triều Dương tin cậy, coi như chân tay.
Đến một hôm, sau trận đánh thắng quân trấn, cướp đoạt được rất nhiều của cải, trại giặc mở tiệc lớn ăn mừng. Hai người lập mưu, bục rượu cho Triều Dương say rồi chém chết. Nhưng Thái Bảo liền bị thủ hạ của Triều Dương đuổi giết (2) Phạm Đà trốn thoát, lại về Kẻ Thượng tiếp tục làm nghề đóng thuyền. Sau khi Triều Dương chết, đám giặc cũng tan.
Mấy năm sau, Phạm Đà tuổi đã cao, bèn dựng một ngôi nhà bên trại đóng thuyền, ngày ngày vẫn coi sóc công việc, dạy lớp thợ trẻ học nghề. Một hôm, có hai người đàn bà đặt đóng một chiếc thuyền lớn. Họ bảo là từ xa đến, xin ở lại chờ cho đến lúc xong việc mới về. Ông già Phạm Đà nhận lời, cho họ về ở một gian trong ngôi nhà của mình. Dần dần ông coi họ như con gái.
Họ cũng kính trọng hầu hạ ông như cha. Ngày thuyền hạ thủy, hai người đàn bà mở tiệc mừng mời ông già, thợ và thủy thủ ăn uống linh đình. Sáng sớm, mọi người không thấy ông già dậy như thường ngày, vội chạy đến, thì thấy giữa nhà, mối đùn lên thành ngôi mộ lớn. Hai người đàn bà và đám thủy thủ cũng đã đưa thuyền đi từ bao giờ rồi. Những người đến đặt đóng thuyền ấy chính là con gái Triều Dương đến tìm cách trả thù cho cha.(3)
Thợ đóng thuyền Trường Xuân dựng một ngôi miếu nhỏ lợp tranh bên mộ, thờ ông già Phạm Đà để tỏ lòng biết ơn ông. Ngôi miếu ấy rất linh thiêng. Ai có việc đến cầu xin đều được như nguyện. Có lần một vị tướng đưa quân ra phía Bắc đánh giặc Thanh qua đây, thì một con voi trắng trong đàn voi chiến bỏ đi mất. Theo lời khuyên của dân địa phương, vị tướng đến miếu, đốt hương cầu xin thần giúp đỡ. Khi ông trở về trại đóng quân, con voi cũng vừa về tới nơi.
Về sau dân làng Trường Xuân mới xây dựng nên ngôi đền lớn để thờ vị tổ sư nghề đóng thuyền Phạm Đà. Đây là ngôi đền to nhất trong các đền chùa trong làng (4). Dưới triều Nguyễn, từ Gia Long đến Khải Định, triều nào cũng ban sắc phong Phạm Đà làm thành hoàng bản thổ thượng đẳng thần.
Trước cách mạng, đến ngày 23 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày kỵ thành hoàng tổ sư, làng Trường Xuân mở hội lớn.
***
Lễ hội ở đây, ngoài việc tế thần như lệ thường, còn có đám rước sắc thật linh đình và diễn tuồng “Triệt giang”.
Về đám rước, một bài viết ở địa phương mô tả: “Ngày 23 tháng 2, hồi 10 giờ sáng dàn đám. Tiền đạo có mấy chục cây cờ, nào cờ đại, cờ ngũ hành, cờ xéo, đôi ngựa đứng trên bệ có người kéo, hai em bé hương đồ đứng lắc đạc ngựa. Hai người cầm lọng che trên lưng ngựa. Các tri giáp, tri thôn, tri điện mặc áo lính (áo nẹp) vác súng, gươm trường, long đao, mã đao, thẻ bài, cờ mao tuyết … Trung đạo là kiệu thần tổ họ Nguyễn, kiệu song loan của bà Hầu họ Lê … Hậu đạo là kiệu bát cống của đức Bản thổ thành hoành thượng đẳng thần (tức vị tổ sư nghề đóng thuyền họ Phạm). Trên kiệu là bài vị, lư hương và các hòm sắc thần … Đi theo sau là chức sắc, hào lão và dân chúng nam phụ lão ấu. Nghe tiếng trống gọi vang vang, trống chiêng, nhã nhạc nổi lên. Đám rước xuất hiện từ đền Thành Hoàng, hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm túc, đi dọc theo đường cái ngược lên chùa Thượng thì dừng lại. Ở đây, người cũng đông như kiến cỏ, không chỉ người làng mà cả dân Thượng, Hạ, dân tứ xứ về coi rước, coi hát, và chờ đi phiên chợ Thượng hôm sau. (5)
Một tác giả khuyết danh ở địa phương có bài thơ về cuộc rước thần ngày 23 tháng 2 năm Đinh Sửu (4-4-1937) như sau:
Xã làng đâu đó cũng vui vầy,
Ngày hâm ba là mồng bốn tây.
Trống đại, trống rùng, chen mấy lớp,
Cờ tiền, cờ hậu kéo hai dây.
Ngoài sân chùa Thượng người như nước,
Trước cửa bà Hầu án tựa mây.
Người đã vui lòng trời cũng thuận,
Không mưa không nắng, gió hây hây.”
Lúc đám rước dừng lại nghỉ thì trống tuồng nổi lên làm mọi người náo nức, đợi xem vở diễn “Triệt giang”. Nội dung vở tuồng diễn tả một đoạn ngắn trong truyện Tam Quốc: Nước Ngô sai tướng Châu Thiện sang đánh lừa đưa Ngô Quận chúa và A Đẩu (vợ, con Lưu Bị) về để ép Thục phải trả Kinh Châu; cuộc đấu tranh của hai tướng Triệu Tử Long và Trương Phi với Ngô Quận chúa, giành lại A Đẩu.
Đây là cuộc biểu diễn hiếm thấy. Tất cả đều ở ngoài trời; Phông là cảnh tự nhiên làng xóm, sông nước, đạo cụ đều là “đồ thật”; Khán giả cũng là diễn viên. Người ta dựng sẵn từ hôm trước một sân khấu lớn lộ thiên trước chùa. Ở bờ sông, ghép hai chiếc thuyền lớn, trên hai chiếc thuyền lớn, trên kết ngũ lâu, trang trí rực rỡ, cũng trở thành sàn diễn; hai chiếc thuyền rồng nhỏ, trên có hai lá cờ đề chữ “Ngô”, mỗi thuyền có tám tay bơi (bên nam, bên nữ) mặc áo màu ngũ hành; Hai tướng Triệu, Trương cưỡi ngựa (thật) đi tuần, trước ngựa có tên lính vác cây cờ đại, trên đề “Triệu”, “Trương”.
Lớp 1: diễn trên sân khấu trước chùa (Châu Thiện dâng thư cho Ngô Quận chúa báo mẹ ốm … ; Châu Thiện đưa Quận Chúa cùng A Đẩu xuống xe loan, ra thuyền lớn – Trong lúc đó, Triệu, Trương cưỡi ngựa đi tuần).
Lớp 2: diễn ra trên sông (Triệu Tử Long nghe tin đuổi kịp xuống thuyền, đánh nhau với Châu Thiện, đấu lý với Quận Chúa; Trương Phi đến tiếp ứng; đưa được A Đẩu về …). Các diễn viên không chỉ hát, diễn trên hai sân khấu mà cả dọc đường đi …
Lớp lớp khán giả say mê theo dõi vở diễn như là xem cảnh thật. Khi vở tuồng “hạ màn” thì trời đã về chiều. Đám rước lại tiếp tục, cờ, quạt nghi trượng lại nghiêm trang, trống chiêng rầm rộ theo đường cái trở về đền Thành hoàng cuối làng. Về tới nơi, hương hào chức sắc làm lễ tạ, rồi mọi người giải tán.
Buổi tối, nhiều năm còn diễn tuồng “Tam nữ đồ vương” hoặc tuồng “Đào phi phụng” ở sân khấu trước chùa và sau đêm hát ấy là bắt đầu chợ Thượng nhóm họp phiên lớn (vào ngày 24).
***
Từ sau cách mạng, thợ đóng thuyền Trường Xuân lập một xưởng đóng thuyền lớn lấy tên “Lý Chính Thắng” (một liệt sỹ, quê Hương Sơn, nguyên là cán bộ Công đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn, hy sinh trong trận đánh Pháp sau ngày 23-9-1945). Xưởng Lý Chính Thắng không chỉ tạo việc làm cho đông đảo thợ cưa, thợ đóng thuyền Trường Xuân, gây không khí làm ăn náo nhiệt trong làng, mà còn đóng hàng nghìn thuyền lớn nhỏ, với hàng nghìn tấn trọng tải, phục vụ cho dân đánh cả, vận tải trong hai cuộc kháng chiến.
Ngày nay, cả xã Trường Sơn (trong đó chủ yếu là làng Trường Xuân) có 170 hộ làm nghề đóng thuyền, xẻ gỗ; 120 hộ làm nghề cào hến; 50 hộ buôn bán; một số hộ mở lò đốt vôi, dựng trạm máy xay xát; 2 hộ mở xưởng mộc có khoảng 20 lao động; 357 hộ đang dè cót, mai thuyền, trong đó có cả nông dân làm nghề phụ. (6)
Công việc làm ăn ở Trường Xuân – Trường Sơn khá sôi động, chỉ thiếu … tiếng hát tuồng bộ …
-----
(1) Về việc này, có người giải thích là bà Hầu sợ trong làng có người cao hơn mình nên cho đào đứt long mạch!
(2) Theo truyền ngôn thì Thái Bảo bị chém đứt đầu ôm đầu chạy (một mô – típ quen thuộc của truyện dân gian). Về đến Kẻ Trảy (nay là xã Sơn Tiến) thì ngã xuống, hiển linh, dân địa phương lập miếu thờ, gần đây đang còn. Có tài liệu ghi Thái Bảo là Vinh quận công (?). Ở quê, họ Thái thờ ông ở nhà thờ họ.
(3) Hai người con gái về đến gần Đại Ngàn thì chết (có người kể là do chìm thuyền, có người lại kể là do họ tự tử). Dân địa phương lập ba ngôi miếu nhỏ thờ ba cha con Triều Dương, phía trên ghềnh, nên có tên là “ghềnh Ba miếu”.
(4) Đền này ở mé sông La, phía trên xưởng đóng thuyền ngày nay – Đền đã mất.
(5) Có tài liệu nói lễ hội vào ngày 22 (vị thần mất đêm 22); tài liệu khác lại nói ngày 23 – chắc ngày 23 mới đúng (như bài thơ nói) … Người đi xem hội ở lại dự phiên chợ Thượng ngày 24 – Đoạn này trích bài của Lê Hanh.
(6) Theo tài liệu của chính quyền xã Trường Sơn.

Hội đua thuyền của Xã Trường Sơn Tết 2009

Làng Trường Xuân