Ghi chú: Chưa biết tác giả bức tranh là của ai? Nhưng sự tương phản giữa chiến tranh và hòa bình hiện lên, khiến cho tôi nhớ về một sự thật tuổi thơ của mình…

Sự sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình chỉ gần nhau trong tấc gang. Tuổi thơ tôi lớn lên giữa những ngày chiến tranh ác liệt, trẻ con ngồi trên bom nổ chậm chơi đùa là chuyện không hiếm, cũng vô tư như những con chim câu kia vậy, chẳng hề biết đến tàn khốc của chiến tranh…
Tôi nhớ, những ngày đó, để tiết kiệm dầu đèn, chúng tôi thường lợi dụng ánh pháo sáng của Mỹ thả để làm đèn học. Lâu dần thành quen lệ, thỉnh thoảng tối rồi mà chưa thấy máy bay Mỹ thả bom, mẹ tôi lại lẩm bẩm đùa: “Thằng Mỹ! đằng nào mày cũng chẳng chừa thả bom, thôi thì mày thả sớm đi mà đi ngủ, để lại tao cái đèn pháo sáng cho bọn trẻ con học hành đỡ tốn dầu đèn!”.
Ngày đó, cơ quan mẹ tôi sơ tán tại Quang Lộc, cách Ngã ba Đồng Lộc chừng vài ba cây số. Đêm đến, để trút được bom xuống ngã ba Đồng Lộc, chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ bay qua thường là để thả pháo sáng. Mỗi ống thuốc pháo sáng dài chừng hơn ba mét, cháy được khoảng 3 giờ. Nó được treo lơ lửng trên trời bằng một chiếc dù màu trắng, và cháy sáng một vùng trời, trong vòng đường kínhmười ki lô mét, người ta có thể đem sách báo ra ngồi đọc như ngồi dưới đèn điện vậy. Chúng tôi thường đặt cái ghế đẩu nơi cửa hầm và ê a đánh vần dưới ánh pháo sáng ấy. Nhưng cũng chẳng đặng bao lâu, vì sau khoảng mười lăm đến hai mươi phút, thì bom Mỹ bắt đầu dội xuống. Hễ nghe tiếng động ầm ì của máy bay là chúng tôi lại phải bê sách vở chui tọt vào hầm trú ẩn để tránh bom. Đợi Mỹ thả hết loạt bom, tiếng máy bay đã bay xa, thì chúng tôi lại ôm sách ra ngoài cửa hầm tiếp tục ngồi học bài. Trong những loạt bom ấy, sáng hôm sau lũ chúng tôi đến lớp, thiếu vắng vài đứa. Đứa còn sống chưa hề biết khóc lóc thương xót đứa đã mất!
Nếu hôm nào mà nửa đêm máy bay Mỹ mới oanh tạc, thì coi như tối đó chúng tôi phải tốn một ít dầu đổ đèn để học bài. Riết rồi không hiểu vì sao cái đèn dầu của Việt Nam lại được ai đó đặt tên thành “đèn hoa kỳ”.
Bom Mỹ thả xuống ngã ba Đồng Lộc mỗi đêm cũng dăm ba chuyến là ít. Có hôm thì máy bay Mỹ quần suốt đêm không ngớt, hết bỏ bom lại bắn rốc két. Mẹ tôi bảo, mỗi lượt máy bay Mỹ thả là bốn mươi lăm quả bom. Những cô gái cắm tiêu bom trên ngã ba tuyến lửa này phải ngửa mặt lên nhìn bom rơi và lắng tai nghe để đếm tiếng nổ, để biết còn bao nhiêu quả chưa nổ, những quả chưa nổ rơi xuống đâu, chờ bom ngớt là phải cắm tiêu thông báo “có bom nổ chậm”.
Dưới ánh đèn pháo sáng đó, mỗi mười lăm đến hai mươi phút - khoảng cách giữa những loạt bom rền. Những cô gái mảnh mai phải dành dật từng phút, từng giây để thông đường cho xe đi tới. Con đường san lấp vội, ngoằn nghoèo bên miệng những chiếc hố bom, lối xe đi được lát bằng những tấm ván mỏng. Thỉnh thoảng có một vài chú lái xe bị chệnh bánh trượt khỏi tấm ván, sa lầy, tiếng hò dô kéo xe vang dậy cả vùng trời.
Những chú lái xe phải răm rắp nghe lệnh điều khiển của các cô thanh niên xung phong, hò đi là đi, hô dừng là dừng, không được cãi. Tiếng chào, tiếng hiệu lệnh, tiếng cười đùa, giọng hò đối đáp giữa bộ đội và thanh niên xung phong xen giữa những loạt bom rơi. Có cả tình yêu lứa đôi kịp chớm nở tại thời khắc đó.
“Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
…”
Phạm Tiến Duật
Người Mỹ biện minh rằng họ thả bom xuống Bắc Việt Nam là chỉ để đánh phá các tuyến đường giao thông chứ không để giết người? Bom bi rõ ràng là được Mỹ chế tạo để giết người, và là thứ vũ khí giết người thâm hiểm. Qủa bom chứa hàng ngàn viên bi, người bị trúng bom bi sẽ không chết ngay, mà chết dần mòn trong đau đớn. Có cô gái cùng làm với mẹ tôi, xinh đẹp là vậy, mà rốt cuộc đã phải mang trong người gầm trăm viên bi, phải đau đớn đến mười hai năm sau mới chết.
Một quả bom đã cướp đi cuộc đời của mười thiếu nữ trinh nguyên trên ngã ba Đồng Lộc. Nhưng rồi sau đó hàng ngàn quả bom khác lại không làm gì nổi một vầng trăng tròn. Có một cái chòi gác giữa ngã ba tuyến lửa, một cô gái 16 tuổi bé nhỏ phải thay thế những cô đã hy sinh, ngồi vắt vẻo giữa lưng chừng trời đất, mỗi ngày có người mang cơm và lá ngụy trang cho cô, vì cô không thể rời trận địa, cô phải vắt vẻo ở đó để đếm bom rơi. Bao nhiêu tấn bom Mỹ thì cũng vậy thôi, chẳng thể giết chết cô được. Như con bồ câu xinh xắn cô vẫn cất giọng hò trong trẻo “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La…” Cô ấy chính là anh hùng La Thị Tám mà “Ai về Hà Tĩnh quê tôi” muốn gặp là sẽ được gặp.
…
Ống pháo sáng được đem làm lược chải tóc cho các cô gái, làm vành xe đạp, làm nồi niêu soong chảo, bát ăn cơm vv…còn dù pháo sáng thì đem làm chăn đắp, làm khăn quàng cổ, hoặc dùng để dựng rạp đám cưới; xác bom được treo lên để làm kẻng báo động cho nhân dân biết có Mỹ tới ném bom để mà tránh. Các chú bộ đội đem vỏ bom ra sơn xanh đỏ trong ngoài để nuôi chim câu; làm ống lu để nuôi lươn; gác lên cây cao cho ong mật làm tổ…Chắc người Mỹ sẽ không thể ngờ được người VN dùng pháo sáng và bom Mỹ để làm gì? Cái thứ đắt tiền mà Mỹ phung phí ném xuống miền Bắc Việt Nam, đã được người Việt Nam “tiết kiệm” một cách triệt để, chế biến ra vô số món đồ dùng tầm thường trong sinh hoạt đời sống. Quả là chơi ngông không ai bằng người Việt Nam, có thể hóa giải vũ khí giết người thành những thứ bình dị nhất.
Và tôi nhớ, tôi và bạn bè đã chơi trò ú tim với pháo sáng và bom Mỹ một thời ấu thơ…