Trời cao đã nghe thấy được những lời nguyền đó và gieo xuống phía bên này cột mốc biên giới những hạt mộc miên. Những cây mộc miên có sức chịu đựng sương gió và thời tiết khắc nghiệt phi thường, nó cứ mọc và nở hoa đỏ rực rỡ dài suốt theo đuờng biên giới. Cũng không ở đâu có những bông hoa gạo nở to và rực rỡ như ở bản San Cha Chải, những bông hoa có đường kính như cái bát ăn cơm, năm cánh xoè rộng, xoay như chong chóng rơi lã chã như những đốm sao xẹt vào không gian. Điều kỳ lạ thay, loài hoa này chỉ mọc ở phần đất đường biên của người U Ni, còn bên kia biên giới tuyệt nhiên không bóng dáng một cây mộc miên nào. Mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ni, bông gạo lại rơi và cháy loá, khiến quân thù tưởng là linh hồn của những người lính U Ni hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ni thoát khỏi chiến tranh. Có lẽ từ đó mà có câu “Thần cây đa, ma cây gạo”.
Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thì vua Nam Việt là Triệu Đà đã tặng một cây cho vua của nhà Hán vào thế kỷ 2 TCN, từ đó Trung quốc mới có hoa gạo.
Hoa gạo, vùng biên giới phía Bắc gọi là Mộc miên, còn người Tây nguyên thì gọi là hoa Pơ - lang. Với người Tây Nguyên, hoa Pơ lang là biểu tượng của ngày hội chiến thắng, hiện thân những người con gái xinh đẹp của buôn làng. Ngoài ra hoa gạo còn có tên là Cổ bối, Ban chi hoa, anh hùng thụ, còn người Cà dong, H’rethì gọi là hoa T’liêng.
Ở các vùng đồng bằng miến Bắc nước ta, trong làng quê, lác đác có những cây gạo đầu làng. Vào độ cuối những ngày rét, cây gạo bắt đầu trút lá, khi chỉ còn trơ trọi những cành cây khẳng khiu thì những nụ hoa bắt đầu nhú. Hoa gạo rơi là cả một trời thơ mộng, có lẽ nhờ vậy mà với trẻ con thì bất chấp cả “ma cây gạo” vẫn cứ ham hố những trò chơi với hoa gạo. Thiếu nữ thả hoa gạo xuống dòng sông xanh để uớc mơ cho mình gặp được người anh hùng; vô tư hơn, đám trẻ con nhặt hoa gạo thổi tung lại lên trời đệ làm chong chóng…
Ông giáo già,
Chiều chiều chống gậy ra bờ sông ,
Kể chuyện ngày xưa ,
Có mối tình... màu hoa gạo ,
Bên Đình dạy học
Lúc thư nhàn ,đọc sách ngâm thơ ...
Lững thững dạo đồng , chiều tà nhạt nắng,
Bên chợ làng,
Có cô thiếu nữ,
Bán vải vạn hoa ,
Nghe thơ phải lòng ông giáo ,
E ấp...học...gieo vần...Và se sẽ... ngân nga.
Bên Đình làng
Có cây gạo già,
Già hơn tuổi ông giáo ,
Vào mùa lại ra hoa...
Màu hoa đỏ như màu xôi gấc,
Mưa giăng ...giăng nhẹ hạt theo gió bay...bay...
Đưa cô về làm dâu quê nhà,
Đám rước chân đất ,chân guốc, qua bao vạt đê,
Vượt bao lý trình,
Về đến đầu làng...
Pháo nổ ran...tung ra màu hoa gạo
Đỏ suốt ngõ đồng...
Đỏ dọc bờ sông...
Đỏ đến ngõ nhà...
Đỏ cả cuộc đời cô bán vải vạn hoa ...
Ông giáo già,
Vừa hay rượu, lại hay thơ,
Mỗi năm mùa hoa gạo nở...
Lại chống gậy mỉm cười...
Nhìn đàn con cháu, bên bếp lửa hồng...
Kể chuyện ngày xưa ,
Có mối tình
Ngày xưa...
Có một mối tình ... đỏ màu hoa ...
Bài thơ “Màu hoa Gạo” - Tuấn Quỳnh
