Nguồn tư liệu:
- Văn hóa Xứ Nghệ
- Nhân tài đất Việt
- Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh
- Trang web Wikipedia
- Và một số tư liệu khác viết về vua Quang Trung.
Bài viết tổng hợp của Phlanhoa
=========
Nguyễn Thiếp có khá nhiều tên hiệu, có tên hiệu là do chính ông tự đặt cho mình, nhưng cũng có tên hiệu do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn: Lam Hồng Dị Nhân, Khải Xuyên, Lạp Phong cư sĩ, Hạnh am, Hầu lục niên, Lục niên Tiên sinh… Chữ “Phu tử” trong tên hiệu “La Sơn phu tử” nghĩa là “nhà hiền triết”, theo sử sách thì Việt Nam chỉ có hai người được nhân dân phong cho danh hiệu này, đó là Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm và Nguyễn Thiếp
Nguyễn Thiếp sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi vọng tộc, là con cháu Lưu Quận công, Cao tổ của Nguyễn Thiếp là Nguyễn Bật Lạng, đã từng đậu Bảng nhãn dưới triều Lê Thịnh Đức (năm 1633).
Năm 20 tuổi (1743), Nguyễn Thiếp đi thi và đỗ khoa Hương. Nhưng sau đó ông cho rằng lối học từ chương, khoa cử không đạt được ích quốc lợi dân nên không có ý đồ đi thi nữa. Thời bấy giờ, hầu hết các nho sĩ học theo lối từ chương khoa cử. Nhưng Nguyễn Thiếp thì trước học từ chương, sau đó ông chuyển sang nghiên cứu về nghĩa lý (một dạng lý luận chính trị và tâm lý học).
Sau khi thi đỗ khoa hương, Nguyễn Thiếp được bổ làm huấn đạo (1756), rồi thăng làm quan tri huyện Thanh Giang năm 1762 (Thanh Chương ngày nay). Nhưng sau đó, ông từ chối quan trường, lui về ở ẩn tại núi Tam Thái – ba đỉnh núi cao nhất của dãy Thiên Nhận. (Cũng xin nói rõ, trong thời kỳ lịch sử cuối Lê – Trịnh – Nguyễn, có khá nhiều Đồ Nghệ học hành giỏi, đỗ đạt cao, nhưng thường chọn cuộc sống ẩn dật, từ chối quan trường, chính Nguyễn Du cũng hai lần xin từ quan).
Có sự tình cờ là khi ông gửi thư cho Nguyễn Huệ bày tỏ tư tưởng đường lối trị dân lập Quốc của mình, thì trước đó ba bốn năm, Nguyễn Huệ cũng đã có một bản sơ thảo về đường lối của mình giống như thế, nghĩa là hai tư tưởng lớn gặp nhau. Đường lối của hai người đều có ba điều căn bản, đó là:
- Quân đức: xin lấy đạo thánh hiền mà trị nước
- Dân tâm: nên dùng nhân chính để phủ dụ dân
- Học pháp: giữ gìn nhân tâm thế đạo bằng học hiệu
Câu chuyện giữa vua Quang Trung và Nguyễn Thiếp được các sách ghi chép về lịch sử kể lại rằng:
Năm 1788, Bắc bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi, đã mời Nguyễn Thiếp ra làm quan, ba lần gửi thư đều bị ông từ chối. Nhưng Nguyễn Huệ biết La Sơn Phu Tử là bậc hiền tài hiếm có, nên vẫn cố kiên trì thuyết phục. Cuối năm 1787, trên đường kéo quân ra Bắc Hà để trị tội Vũ Văn Nhậm cậy thế lộng quyền, Nguyễn Huệ dừng chân tại Nghệ An, cho người đưa kiệu rước và thư mời La Sơn Phu Tử tới. Sau lần gặp gỡ đó, Nguyễn Thiếp đã cảm nhận được đức độ và tài năng của Nguyễn Huệ, ông nhận định rằng chính nghĩa thuộc về nghĩa quân Tây Sơn. Đến cuối năm 1788, Nguyễn Thiếp chính thức nhận lời và trở thành quân sư cho Nguyễn Huệ.
Ngay lập tức sau đó, vai trò quân sư của Nguyễn Thiếp đã được khẳng định uy thế. Trước lúc kéo quân ra Bắc, Quang Trung đã hỏi La Sơn Phu Tử : “ - Quân Thanh sang đánh, nay ta đem quân chống cự, về kế công thủ và số được thua, tiên sinh cho biết thế nào?" . Nguyễn Thiếp đáp: " - Nay trong nước trống không, lòng người li tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua mươi ngày là giặc Thanh sẽ tan". Quả nhiên, nhận định của Nguyễn Thiếp giống như một lời tiên tri. Ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789), đạo quân Tây Sơn đã đánh tan 30 vạn quân Mãn Thanh, tiến vào chiếm thủ thành Thăng Long.
Sau ngày đại thắng, Quang Trung ban chiếu cấp cho Nguyễn Thiếp thuế xã Nguyệt Ao để làm tuế bổng và ban lộc dưỡng lão cho ông.
Tháng 10 năm 1790, vua Quang Trung lại ban chiếu lập Viện Sùng Chính và phong Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Với cương vị này, Nguyễn Thiếp đã đề ra được những cải cách đáng kể về văn hóa, giáo dục của nước nhà ở cuối thế kỷ thứ XVIII.
Đối với cải cách văn hóa, công lao đáng ghi nhận nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Tại Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã cùng với các đồng sự dịch nhiều bộ sách quan trọng từ Hán sang Nôm, như các bộ: Tiểu Học, Tứ Thư (gồm 42 tập) và các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch…
Đối với giáo dục, Nguyễn Thiếp được coi trọng như một nhà giáo nhân dân. Tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung (tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789), Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Hơn thế nữa, La Sơn Phu Tử còn được vua Quang Trung tin tưởng giao cho một công việc đầy hệ trọng đối với Triều đình là thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn.
Chưa hết, ý đồ xây dựng kinh đô mới cho triều đại Tây Sơn, Quang Trung cũng đặt tin tưởng giao phó việc lựa chọn địa điểm cho Nguyễn Thiếp. Chỉ tiếc rằng, vua Quang Trung bỗng đột ngột băng hà khi còn quá trẻ, khiến nghiệp đồ của Nguyễn Thiếp trở nên dở dang theo (địa điểm kinh đô mới của nhà Tây sơn được lựa chọn tại khu vực giữa núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng của tỉnh Nghệ An với tên gọi là “Phượng Hoàng Trung Đô” hiện nay vẫn còn dấu vết của sự dở dang xây dựng).Thời gian sau đó, triều đình nhà Tây Sơn trở nên rối ren, mọi quyền lực rơi vào tay Bùi Đắc Tuyên. Nguyễn Thiếp lại cáo quan, trả bỗng lộc triều đình lại và trở về núi chốn cũ là núi Tam Thái.
Sau này, khi đã tiêu diệt được nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, đã cho vời Nguyễn Thiếp đến hỏi: " - Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, vậy chớ Tiên sinh dạy nó ra sao?". Ông già Lạp Phong bình thản đáp: " - Có tám điều trong sách Đại Học, có chín điều trong sách Trung Dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được".
Cuối cuộc đời còn lại, Nguyễn Thiếp sống ẩn sĩ trên núi Lạp Phong, bên cạnh thành Lục Niên. Ngày ngày trồng sắn trồng khoai và dựng chòi vọng cảnh làm thơ. Tác phẩm ông để lại cho đời là “Lạp Phong văn cảo” và “Hạnh Am thi cảo”