Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Giai thoại về O Nhẫn ở phường vải Đan Du – Kỳ 2
 
(22h: 21-09-2010)
Lược trích trong “Hát ví phường vải” của Ninh Viết Giao


Trừ trời cao năm tấc cho én nhạn lượn bay,
Tản văn hữu võ, ai đến đây ta cũng không trừ.

O nhẫn và cả Trạch

 

Cả Trạch tức Nguyễn Đức Trạch, con trai ông quan phủ Triệu ở chợ Voi. Cả Trạch mê tài, mê tiếng o Nhẫn, thường tìm vào Đan Du hát ví với o. Lần đầu tiên tới phường vải, o Nhẫn hỏi cả Trạch ở đâu, Cả Trạch thật thà trả lời:

 

Bây giờ ta nói thật với thuyền quyên,

Anh là con quan phủ Triệu ở miên chợ Voi.

 

Cha của cả Trạch là Nguyễn Đức Huy, đậu tới tiến sĩ và được cử làm quan tri phủ ở Triệu Phong – Quảng Trị nên nhân dân mới gọi là quan phủ Triệu. Khi về hưu ông ở quê vợ là chợ Voi. Tiếng quan phủ Triệu ai ai mà không biết, nhưng o cứ giả vờ như không biết, hát châm chọc:

 

Chữ rằng : Mạnh mẫu trạch lân,

Cớ chi quan phủ Triệu lại ở gần chợ Voi?

 

Cả Trạch  trả lời:

 

Chữ rằng vương thổ vương dân,

Cho nên quan phủ Triệu mới ở gần chợ voi.

 

Hát đối với nhau đã nhiều lần, cả Trạch những muốn gạ gẫm:

 

Tương phùng tương ngộ tương tri

Đường kia nỗi nọ chưa có chi là tình.

 

O Nhẫn nói rõ lòng mình:

 

Chưa chi mới gọi là tình,

Có chi chi đã gọi mình bằng chi.

 

Lần đó cả Trạch đang có tang mẹ, nhưng không kiềm chế nổi cơn mê hát, nên mò đến phương vải. O Nhẫn phủ đầu:

 

Chữ rằng xuất mẫu vô tang,

Chàng không như Tử Tưởng, thiếp hỏi chàng nghĩ sao?

 

Xuất mẫu là mẹ đi lấy chồng khác, theo lệ xưa, trường hợp mẹ đi lấy chồng thì con không phải để tang nữa. Đàng này cả Trạch không phải trường hợp đó mà cũng phá tang. Cả Trạch lúng túng trả lời :

 

Ai không bố mẹ sinh thành,

Ai không hiếu nghĩa,

   mà em lại nhắc đến chuyện sử kinh muôn đời.

 

Nhưng o Nhẫn đâu có bằng lòng với cách trả lời như vậy:

 

Đọc câu lục lục giả nga,

Cù lao chín chữ chàng còn nhớ qua những gì?

 

Trong Kinh Thi, “lục nga” là bài thơ nói về công ơn cha mẹ. chín chữ cù lao ý cũng như vậy. Cả Trạch lảng tránh:

 

Anh hùng còn phải lo xa,

Trong thời ni em hỏi thơ “lục nga” làm gì.

 

Nhưng o Nhẫn đâu có chịu:

 

Nước nhà ai cũng lo chung,

Chàng sớm hoa tối nguyệt, thì chí anh hùng ở đâu?

 

Cả Trạch biết không thể hát gì hơn, đành lủi thủi ra về. Tuy thế trong các cuộc hát đối, cũng có lúc o Nhẫn bị lâm thế bí bởi cả Trạch có thầy gà. Đó là lần thấy cả Trạch cứ lằng nhằng theo đuổi, o Nhẫn ra điều kiện:

 

Ngũ sự lư hương đồng,

Anh muốn chơi hương án phải về chồng tiền trăm.

 

Cả Trạch được thầy gà bày cho liền hát;

 

Anh đây hai bàn tay trắng, hai nắm tay không,

Tiền trăm đâu có mà em bảo chồng,

Anh về tắm sạch ngồi đồng,

Rồi trèo lên hương án dạo bốn vòng cho em coi.

 

Cho đó là một câu hát vớ vẩn, o Nhẫn hát:

 

Thiệt vàng chẳng phải thau đâu,

Xin đừng thử lửa cho đau lòng vàng.

 

Nghe hai chữ “thiệt vàng”, cả Trạch liền buông một câu đùa cợt có phần khiếm nhã:

 

Thiệt vàng sao lại nghe tiếng xòe,

Hay là anh thợ bạc đã đổ hàn the vô rồi

 

Lần đó cả Trạch bị o Nhẫn giận mất một thời gian mới làm lành lại được.

 

 

O Nhẫn và đầu huyện Hiến:

 

Đầu huyện Hiến quê ở Nghi Xuân, là bạn văn chương với phó bảng Kỷ. Ông thi đỗ đầu huyện nên nhân dân gọi là ông đầu huyện. Nghe tiếng o Nhẫn, đầu huyện Hiến tìm vào phường vải Đan Du, tưởng o Nhẫn là người chợ Voi, tên chữ làng là Tuần Tượng nên hát:

 

Trông về Ngàn Hống xa xa,

Anh muốn trèo lên Tượng Lĩnh, bẻ cành hoa cát đằng.

 

Làng Voi là làng giàu có, nhiều nhà quyền quý, lại biết đầu huyện Hiến nhầm lẫn, nên o Nhẫn hát:

 

Chàng ham nơi rộng cổng cao tường,

Sao chàng không nghĩ đến quê hương ít nhiều.

 

Biết sư nhầm lẫn của mình đã bị o Nhẫn buông lời trách cứ, đầu huyện hiến thanh minh:

 

Cảnh quê hương anh vẫn đẹp nhiều,

Vào đây anh thấy cảnh Lam kiều cũng vui.

 

O nhẫn phê phán:

 

Rồng mây chi mà trèo trẹt băng truông,

Nhút chua, cơm hẩm ở quê hương thiếu gì.

 

Thấy đó là lời phê phán cay độc, có hát nữa cũng chẳng mặn mà gì, đầu huyện hiến rút lui không đến nữa.

 

 

O Nhẫn và Đặng Hoán

 

Đặng Hoán ở làng Phú Dẫn, huyện Kỳ Anh, muộn vợ và cũng là tay mê hát ví. Một lần đến phường vải Đan du, o Nhẫn hỏi:

 

Trăng lên khỏi núi trăng cao,

Em hỏi người quân tử đã có ý trung nhân nào hay chưa?

 

Đặng Hoán tinh nghịch đáp:

 

Bữa mai bữa mốt vào Cầu

Thuận đường anh sẽ hỏi cả chính lẫn hầu một khi.

 

O Nhẫn đáp:

Cam lòng chịu tiếng bấy lâu,

Đường chính thê em không ngọi, việc nàng hầu ta hãy khoan.

Ghi chú: chữ “không ngọi” tiếng Hà Tĩnh nghĩa là  “chẳng mơ tới”

 

Lúc sắp ra về, Hoán hỏi:

 

Mai về em có dặn chi không,

Để bút nghiên anh ghi lấy, kẻo trong lòng hay quên

 

O Nhẫn thấy mối tình bâng quơ, chưa có gì là gắn bó nên khuyên nhủ:

 

Khuyên chàng xuống thủy lên sơn

Đừng trọng tài khinh nghĩa thì hơn em dặn dò.

 

Đặng Hoán nhận thấy sự hững hờ trong lời khuyên của o Nhẫn, biết có lăm le đến nữa cũng chẳng hay ho gì hơn, nên bỏ cuộc.

 

 

O Nhẫn làm thấy gà

 

Thầy gà, hay còn gọi là thầy bày, là vị quân sư quạt mo của phường hát. Thường thì mỗi bên nam nữ đều có một người già dặn, trải qua kinh nghiệm nhiều năm làm kép chính của phường hát. Khi về già sẽ không hát mà đứng sau hậu trường mớm lời cho những người trẻ khi họ gặp bí bách. O nhẫn cũng vậy, khi bóng xế chiều tà, o ở sau hậu trường tiếp tục giúp sức cho các nam thanh nữ tú duy trì cuộc hát. Ví dụ:

 

Một lần cô gái hỏi bạn trai:

 

Hỏi anh ai râu dài ba thước,

Vú ai dài đo được sáu gang,

Ai thác ba năm mà sống lại rứa chàng,

Nghe tin anh văn rèn võ luyện,

Anh hãy kể rõ ràng cho em nghe?

 

O Nhẫn gà cho bọn trai đáp lời:

 

Ông Tào Tháo bên Tàu râu dài ba thước,

Bà Triệu ta vú đo được sau gang,

Thác ba năm sống lại là Phạm Tải đó ơ nàng.

Anh đây không văn rèn võ luyện,

Anh cũng kể được rõ ràng cho em nghe.

 

Tại một cuộc hát ví khác, cô gái cũng hỏi bạn trai:

 

Anh ăn cam không biết đường cam khổ,

Anh chê lương mặc lụa thì lụa cũng là tầm,

Một năm mười hai tháng, tháng mô không rằm rứa anh?

 

Bọn trai bí quá phải cho người lẻn đi hỏi, o Nhẫn gà:

 

Em ngồi gốc cây sung, ăn sung không biết đường sung sướng,

Em chê chài ôm lưới mà lưới cũng là gai,

Một năm mười hai tháng, tháng thụ thai không rằm.

 

Lại tại một cuộc hát ví khác nữa, bọn trai hỏi bạn gái:

 

Gặp nhau đây ta hỏi khẽ ai đây,

Hỏi sông sâu hay cạn, mạn đò đầy hay đò vơi?

 

O Nhẫn gà cho các cô gái trả lời:

 

Sông Ngân Hà thủy khẩu chưa khai,

Đò thanh tân đang đứng bến, đã chở ai đâu mà vơi đầy.

 

Những cuộc hát đối đáp của o Nhẫn với các Đồ Nghệ văn nho còn nhiều lắm. Giờ đây, bà con nhân dân Nghệ Tĩnh còn lưu truyền nhiều câu hát ví của o Nhẫn, coi o là ngôi sao sáng của làng ví. Qua các câu hát, chúng ta cũng thấy được sự vận dụng kiến thức sách vở của o Nhẫn vào hát đối đáp một cách thông minh, tài tình.  Bản lĩnh của o Nhẫn đúng như o từng tuyên bố;

 

Trừ trời cao năm tấc cho én nhạn lượn bay,

Tản văn hữu võ, ai đến đây ta cũng không trừ.

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Giai thoại về O Nhẫn ở phường vải Đan Du – Kỳ 1 (17h: 19-09-2010)
 Nguyễn Du với phường vải Trường Lưu - Phlanhoa (17h: 10-08-2010)
 Nước chảy cho đá trôi nghiêng - Nguyễn Tất Thứ (15h: 04-08-2010)
 Nước chảy cho đá trôi nghiêng - Nguyễn Tất Thứ (15h: 04-08-2010)
 Giai thoại Phan Bội Châu - Lược trích trong cuốn "Hát phường vải" của Ninh Viết Giao (10h: 30-07-2010)