Lược trích trong cuốn “Nghệ An đất phát nhân tài” của Ninh viết Giao
Ảnh của Phlanhoa
Nói đến sông Lam mà không nhắc đến cửa Hội thì thật là không phải, vì cửa Hội là nơi cuối nguồn con sông Lam hoà vào biển lớn.
Ngày xưa, vào thời nhà Đường (Trung Quốc) cai trị dân ta, cửa sông Lam không phải là cửa Hội bây giờ và gọi là Đan Nhai, cửa Đan Nhai nằm vào khoảng xã Nghi Xuân – Nghi Lộc bây giờ, sau này biển mới lùi xuống tận chòm Hải Giang như hiện tại.
Hai bên cửa Đan Nhai có một số làng mang tên Đan đó là Cổ Đan của huyện Nghi Lộc; Đan Phố, Đan Phổ, Đan Trường, Đan Uyên, Đan Minh của huyện Nghi Xuân. Lịch sử cũng để lại dấu tích rằng người dân tộc Đan Lai ở Con cuông hiện nay có gốc gác tại làng Đan Lai, đó là một làng ngư bên cạnh cửa Đan Nhai, vào một hôm bão tố, người dân Đan Lai vì thương người gặp nạn, nên đã cưu mang một toán cướp biển, sau đó chuyện đến tai nhà vua, vì sợ bị chu di tam tộc, nên trong đêm đã lặng lẽ rời làng kéo nhau đi ngược dòng sông Lam rồi vào sông Giăng lên Con cuông trú ẩn (một số ít lên Nghĩa Đàn thành người Thổ). Có điều thú vị là năm 1973, tại hội nghị xác định thành phần dân tộc tổ chức tại Cửa Lò, người Đan Lai ở Con Cuông, người Thổ ở Nghĩa Đàn và người Nghi Lộc nói chuyện với nhau không cần phiên dịch mà vẫn hiểu đuợc các từ ngữ của nhau…
Đến cửa Hội là nhìn thấy Song Ngư (hai hòn ngư), đó là sự tích ông Đùng gánh núi lấp biển, vì hai hòn núi to quá biển không nhận chìm đuợc nên hòn núi vẫn nổi một nửa trên mặt biển như bây giờ. Vào nhũng ngày nắng đẹp, du khách đến đây sẽ thấy biển trời hoà quyện vào nhau xanh thẳm một màu, những cánh hải âu dập dờn trên sóng thơ mộng và hữu tình biết bao.
“Cửa Hội khó vào, cửa Trào khó ra”
Đảo song Ngư sừng sững chắn lối trước cửa biển, khiến cho thuyền bè muốn vào sông Lam gặp không ít khó khăn, địa thế ấy trong lịch sử cửa Hội đã thành cửa quân ra quân vào của nhiều triều đại vua chúa. Nào là Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Minh Tông , Trần Anh Tông, Trần Duệ Tông rồi Lê Thánh Tông… đều đã kéo quân qua nơi đây. Rồi các tướng lĩnh tài ba khác như Phạm Tu, Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Trần Quốc Khang, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Lê Khôi… cũng đã từng ra vào cửa Hội, Nguyễn Huệ ba lần kéo quân ra Bắc đều qua cửa Hội, đặc biệt lần tiêu diệt 20 vạn quân Thanh đã dừng chân nơi đây tuyển mộ thêm năm vạn thuỷ quân do đô đôc Lộc chỉ huy.
Thực dân Pháp vào trấn Nghệ An cũng bắt đầu từ cửa Hội, bởi vậy trận đánh đầu tiên của nhân dân Nghệ Tĩnh chống thực dân Pháp cũng diễn ra ở cửa Hội.
Còn nhiều những dấu ấn lịch sử khác nữa cho cửa Hội mà tôi không thể kể hết trong bài viết này…

Cửa Hội chiều hoàng hôn