Bài viết của Trần Hậu Thàng (cuốn “Làng cổ Hà Tĩnh”)
Nhất khoa thành đạt thiên hạ hữu
Thập bát trường đăng thế gian vô.
(Có học trò đỗ đạt ở một khoa thi thì thiên hạ đã có, nhưng có học trò đỗ đạt ở 18 khoa thi liên tục thì chưa đâu trên thế gian có cả)
Làng Chợ Cồ thuộc xã Thạch Quý, nay là phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh, xa xưa có tên là Yên Quý. Trước và sau cách mạng tháng 8.1945, làng có tên Khang Quý, một trong số mưới một làng thuộc xã Trung Tiết. Sau ngày giải phóng miến Bắc, phong trào hợp tác hóa phát triển, làng lại mang một tên mới, hợp tác xã Quyết Thắng.
Người trong làng và người trong vùng khi xưa quen gọi là làng Chợ Cồ, vì làng có chợ đặt trên dải cát Cồn Cồ.
Chợ Cồ có tự bao giờ? Trong cuốn gia phả họ Lê có ghi: “Ngài Lê Văn Lúa, vị tiên tổ của họ cùng con cháu xiêu bạt về đây dựng quán bán nước cạnh gốc cây thị cổ thụ và được giao quản lý Chợ Cồ”.
Từ đó đến nay, họ Lê đã có tới 14, 15 đời cháu chắt. Như vậy Chợ Cồ đã có cách đây không dưới 300 năm.
Chợ Cồ trù phú lắm. Bao quanh chợ là những hàng cây cổ thụ. Cây thồng, cây sanh cao chót vót, về chiều bóng ngả về tận làng Thúy Hội. Cây thị sum suê tỏa bóng mát một vùng chợ, vòng gốc to đến mười sải tay, đã tồn tại cùng với chợ Cồ đã ba bốn trăm năm nay. Nhiều lều quán bán hàng vây quanh chợ lâu ngày ổn định thành một xóm chợ, sau này gọi là xóm Nam.
Sự trù phú của chợ Cồ bắt nguồn từ vị trí của làng. Làng chợ Cồ vừa là vùng phụ cận tỉnh lỵ, vừa tiếp giáp với 12 làng thuộc 6 xã của huyện Thạch Hà. Chợ đặt trên đất của làng như là cái cầu nối, trao đổi điều hòa hàng hóa giữa tỉnh lỵ với một vùng nông thôn rộng lớn. điều đó cũng làm cho ta hiểu vì sao đã vài ba lần một số người định dời Chợ Cồ về một địa điểm khác, quyết tâm lắm mà vẫn không thành.
Địa hình làng chợ Cồ cũng khá ấn tượng. Giải Cồn Cồ cát trắng, dải dân cư nghi ngút tre xanh và dải Sác Đồng Coi lênh láng nước bạc như là ba dải lụa màu chạy song song bên nhau theo hướng Tây Bắc đông Nam, thoai thoải dần về phía Đông. Xen giữa các giải lụa là đồng lúa xanh/ vàng rực rỡ.
Dải Sác giống như một khúc sông đã cạn. Nó không có nguồn mà chỉ nối với sông Cả từ cống Kinh Thượng, uốn lượn qua các làng Đông Nam, Thúy Hội, chạy qua địa phận làng Chợ Cồ khoảng hai cây số rồi uốn khúc lượn qua làng Thượng, làng Trung, làng Hạ, đổ nước qua cống Đồng Môn ra cửa Sót. Phải chăng ngày xưa con sông Cả, một con sông lớn của Hà Tĩnh đã chạy qua làng chợ Cồ. Sau đó nó đổi dòng chảy để lại hình hài dải Sác chua mặn và để lại các dấu tích như Bến Lội, Bến Suối, Đội Lở, Đồng Coi mênh mông. Nếu vậy có thể Bến Lội, Bến Suối xa xưa đã từng đón thuyền bè về đây ăn hàng Chợ Cồ.
Đồng voi vốn là vùng đất hoang được nhân dân các làng xung quanh khai khẩn để sản xuất. Trên mình nó để ại dấu tích các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất đai. Đó là cuộc tranh chấp ruộng đất, lúc đầu là giữa một số người, sau chuyển thành giữa các làng, mà quyết liệt và dai dẳng là cuộc đấu tranh giữa người làng Chợ Cồ và người làng Nam. Vào đầu thế kỷ XX, Tri phủ Thạch Ha cho đắp cái bờ Đạc lớn như một con đê, kéo thẳng từ làng thượng đến làng Thúy Hội, dài khoảng hai cây số, làm giới hạn địa phận của làng.
Đó là cuộc đấu tranh của dân làng chống lại việc mấy ông trên Tổng cậy quyền cậy thế về chiếm đoạt Đồng Voi. Họ nói là sung vào công điền, nhưng lại bắt dân nộp tô cho họ. cuộc đấu tranh này khá quyết liệt và dai dẳng mà đỉnh cao là vào những năm ba mươi. Dân làng mời một số cụ giáo Lê Văn Lan, cụ giáo Trần Hậu Tịnh làm đại diện đứng kiện cho làng và lôi kéo thêm lực lượng các làng trong xã Trung Tiết cùng đấu tranh. Cuộc đấu tranh này chấn động đến triều đình Huế và thắng lợi thuộc về nhân dân. Đồng Voi được trả lại cho chính những người đã dày công khai phá, cải tạo nó. Một phần Đồng Voi được chia cho một số người ở các làng trong xã Trung Tiết cùng canh tác.
Các cuộc đấu tranh đòi chủ quyền bình đẳng và công bằng xã hội như trên đây, thể hiện ý thức dân chủ của người làng Chợ Cồ. Ý thức xã hội này vốn có từ lâu, gắn liền với quá trình hình thành tồn tại và phát triển của làng. Đây cũng là cơ sở để người làng Chợ Cồ đoàn kết gắn bó với nhau trước những hử thách, mở rộng quan hệ giao lưu trao đổi làm ăn, tiếp nhận cái mới cái hay, phát triển ngành nghề đa dạng phong phú.
Người làng chợ Cồ làm nông nghiệp là chính, ngoài ra còn làm thêm nhiều ngành nghề khác nhau.
Nghề làm nón là đặc trưng của làng nghề chợ Cồ. nón Chợ Cồ đã từng nổi tiếng khắp vùng hàng mấy trăm năm nay. Làm nón có nhiều khâu, nhiều việc, có những việc người già, trẻ em cũng làm được, có những việc chỉ có những người có trình độ tay nghề cao mới làm được. Cố Tri, Cố Bích, Cố Ẩn, Cố Toản…là những nghệ nhân của làng nghề, gắn bó cả đời mình, cả nhiều thế hệ của gia đình với nghề làm nón. Cố Tri chuyên làm những chiếc nón cưới, nón lễ đắt tiền và đã có những chiếc nón đạt giải trong các kỳ thi đấu xảo của tỉnh. Đáng tiếc là các vi nghệ nhân này đã quá cố, nghề làm nón mai một dần.
Nghề xây dựng, mộc, nề có truyền thống lâu đời và ngày càng phát triển. Các đời thợ cha con, ông cháu, anh em nối tiếp nhau trưởng thành, cống hiến cho xã hội những bàn tay vàng. Việc cha con cố Mận, ông Tâm cùng được tuyển chọn vào đoàn thợ tỉnh Hà Tĩnh đi Hà Nội tham gia xây dựng lăng Bác Hồ, được coi là vinh dự của cả làng.
Nghề đúc rèn được du nhập về làng khoảng giữa thế kỷ XIX. Trong làng có lúc bảy tám tò, riêng nhà cố Bích có đến ba lò, chuyên sản xuất công cụ làm nông và dụng cụ sinh hoạt, phục vụ cho bà con của một vùng rộng lớn. Cố Nhị, thọ 90 tuổi, đã có 80 năm làm nghề đúc rèn. Lúc ít tuổi, cố thổi bệ phụ giúp cha, khi khỏe mạnh cố cải tiến công nghệ đúc rèn, về già cố chỉ bảo, hướng dẫn dạy nghề cho cháu chắt.
Những nghề chỉ có dăm bảy gia đình làm, hay thu hút lao động nông nhàn như bánh tráng, đan lát, làm đó, làm nhủi, đan lưới, võng gai, đẽo cày…thì phát triển nhiều lắm và khá linh hoạt, bổ sung thêm đướng nét chọ bộ mặt nghề nghiệp của làng. Nhưng nét đẹp của văn hóa làng Chợ Cồ phải nói đến nghề dạy học và nghề chữa bệnh, vừa lâu đời vừa nổi tiếng.
Xưa nay, thời nào trong làng cũng có những người làm nghề dạy học. Riêng họ Lê mười ba cửa, cuối thế kỷ XVIII có bảy cụ tú mở lớp nổi tiếng hơn cả. Học trò rất đông, người trong tỉnh, người ở các tỉnh lân cận, có cả những người từ tỉnh quảng Nam lặn lội ra tìm thầy học đạo. Ở nhà thờ họ Lê còn lưu giữa câu đối:
Nhất khoa thành đạt thiên hạ hữu
Thập bát trường đăng thế gian vô.
(Có học trò đỗ đạt ở một khoa thi thì thiên hạ đã có, nhưng có học trò đỗ đạt ở 18 khoa thi liên tục thì chưa đâu trên thế gian có cả)
Đó là câu đối của một học trò thặng thầy, ca ngợi tài năng dạy học của cụ Tú Hạp, giỏi đến mức cả 18 khoa thi, khóa nào cũng có học trò của cụ đậu đạt, một điều hiếm có trong thiên hạ.
Còn nữa…