Trích trong cuốn “Nghệ An đất phát nhân tài” của Ninh Viết Giao
Làng Quỳnh Đôi ở Quỳnh Lưu xưa nay nổi tiếng là một làng văn học, có nhiều người đỗ đạt theo “Từ thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi” (XNB Nghệ Tĩnh, 1988), ông Hồ Sĩ Giang cho biết: “tính từ năm 1944 đời Lê Nhân Tông đến lúc bỏ thi cử chữ Hán, Quỳnh Nho có trên 1000 người đậu tú tài đến tiến sĩ. Gần đây sách :”Đời nối đời vì nước” (của Hoàng Thanh Đạm và Phan Hữu Thịnh, NXB Nghệ An, 1996) “thống kê 14 họ ở Quỳnh Đôi thì trong thời gian trên, có 1137 người thi đỗ, trong đó tiến sĩ 12, phó bảng (và hội thí Tam trường) 92, cử nhân 210, tú tài 823. họ Hồ nhiều người thi đỗ hơn cả, có đến 560, họ Nguyễn 177, họ Dương 156, họ Phan 84, họ Hoàng 39…” Hai tác giả cũng lưu ý người đọc “con số trên là số lần trúng tuyển”. chúng ta chưa bàn về các con số đó.
Tại khoa thi hương (Đinh mão năm Gia Long thứ 6) toàn Nghệ An có 8 người đỗ cử nhân, thì tại làng Quỳnh Đôi có ba người ghi tên trên bảng; có thời gian ba khoa liền, làng Quỳnh có người đỗ thủ khoa tại trường Nghệ (
Dương quế Phổ thủ khoa năm mậu dần (1878), Nguyễn Quý Yêm đỗ thủ khoa năm nhâm ngọ(1882 – đời Tự Đức), Phan Đình Phát thủ khoa năm giáp thân (1884 – đời Phúc Kiến).
Kinh kỳ dệt gấm thêu hoa,
Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời.
Được như vậy hẳn không phải chỉ do đất cát, thành hoàng, thổ địa, long mạch, hướng làng, mà căn bản do tinh thần hiếu học và khổ học của nhân dân Quỳnh Đôi.
Trước kia ở Quỳnh Đôi nhiều gia đình nghèo lắm, có cụ chỉ có một cái quần và một cái áo dài, ngày nào giặt quần cụ phải ngồi nhà. Có cụ vừa đi học, vừa đi bắt cua đồng, hái rau má nấu canh ăn trừ bữa. Có cụ đi học về liền kéo khố, vác cuốc, xách giỏ ra đồng mót khoai. Cái cảnh lấy khoai làm cơm; lấy ánh trăng, bắt đom đóm, thắp hương làm đèn; thầy là bạn, sách học nhờ…ở Quỳnh Đôi không hiếm. Và cái cảnh vừa làm thầy đồ để kiếm bát cơm lay lắt qua ngày, vừa làm nho sinh để tiếp tục công việc nấu sử sôi kinh của mình, nhiều cụ cũng phải trải qua. Gia phả họ Văn ghi về cụ nghè Giai như sau: “Năm 16 tuổi, mồ côi cha, lại gặp năm mất mùa đói kém, mẹ góa con côi, cảnh nhà khốn khó, cụ phải vào làng Đông Chử huyện Nghi Lộc, tìm nơi dạy trẻ kiếm ăn. Mỗi ngày được hai bát cơm nguội và vài củ khoai, mùa rét chỉ mặc một manh áo cánh và cái quần mỏng. đói rét đến thế là cùng mà cụ vẫn vui tươi, lại càng cố công học tập, văn chương tỏ ra tài giỏi, nghĩa lý nhiều chỗ phát minh”.
Nhưng người được bà con làng Quỳnh nhắc đến nhiều nhất và thường lấy đó làm một tấm gương để răn dạy con cháu về tinh thần hiếu học, khổ học là Hầu Thượng Bụt, tức Hồ Sĩ Dương. Ruộng đất không có, cha mất sớm, mẹ Bụt phải bán hàng nước ở chợ Nồi để kiếm kế sinh nhai. Cứ phiên chợ, mà chợ Nồi ngày nào cũng có phiên, buổi sáng Bụt xách ấm nước đi bán rong, buổi chiều Bụt gánh nước đổ đầy thùng. Nhà cũng không có, mẹ Bụt và Bụt phải ở nhờ đình chợ. Mặc dù ban ngày bận bịu luôn tay, nhưng tối lại khi nằm co mình trên chiếc võng gon, Bụt vừa đung đưa vừa hát nghê ngao câu:
Ngày thời việc nước đảm đang,
Tối thời võng giá nghênh ngang đình Nồi.
Rồi lại hát câu:
Bây giờ đi nước mỏi vai,
Mai sau đi hán đi hài mỏi chân.
Trong làng có một cụ đồ, tử sĩ xa gần đến học đông lắm. Những lúc có việc đi qua, Bụt thường đứng bên ngoài nghe thầy giảng bài rồi về nhà lấy lá đa lá cáo, bắt chước bọn học trò viết chữ nguệch ngoạc. Thấy con thích học, bà mẹ cũng chắt chiu tằn tiện cho con đến trường để kiếm năm ba chữ. Bụt mừng lắm và học rất tấn tới.
Một sự việc đẩy tinh thần học tập của Bụt lên bước cao hơn là một hôm, có ba chiếc cáng đòn cong, cáng ba cô con gái con một ông quận ở Phú Nghĩa đi qua Quỳnh Đôi. Sĩ tử trong trường anh nào cũng xí xào, dòm ngó. Anh nọ thách anh kia ra xin trầu. cuối cùng họ thách Bụt. Tuổi thanh xuân đầy tự tin và cũng đầy tự ái nữa, Bụt ra thật. Xin cô đi đầu không cho, xin cô thứ hai cũng không cho. Đến co ba, bỗng chiếc cáng đòn cong được lệnh dừng lại. Cô Ba mở hộp lấy một miếng trầu tươi rói trao cho Bụt, khiến cho bọn học trò trố mắt nhìn kinh ngạc.
Về nhà Bụt bảo mẹ đi hỏi cô Ba cho mình. Có đâu cóc dám với tới trời, bà mẹ nghĩ con mình dớ dẩn, nhưng Bụt cứ khẩn khoản. Bà mẹ thấy con ráo riết phải chiều lòng con, song mấy lần sắm trầu cau rồi để đến héo vàng, bà mẹ vẫn không dám vào nhà ông Quận. Cho đến một hôm, do người lích gác thấy người đàn bà ngày nào cũng xơ xẩn trước cổng mới hỏi sự tình, rồi cho vào. Bà mẹ thưa với ông Quận xin làm án chém con mình đi. Ông Quận nghe chuyện nổi giận đùng đùng cho rằng cô Ba lăng loàn, dám tự ý trao trầu cho trai nên đuổi ra khỏi cửa và phán “để nó đi theo cái thằng không nhà ấy”. Bà quận xúc vội cho con bơ muối với lý do sợ con gái về Quỳnh Đôi lạt lẽo, kỳ thực là bà đã dấu trong bơ cho con mấy làng vàng. Mẹ Bụt mời ông quận đền chơi Quỳnh Đôi, ông bĩu môi nói rằng “bao giờ trải chiếu hoa từ Phú Nghĩa đến Quỳnh Đôi, ta mới lên”.
Được vợ thì mừng, nhưng cũng buồn vì bị sĩ nhục, Bụt càng cố công học tập. Còn cô Ba chính tên là Trương Thị Thành, như nàng Cúc Hoa trong tích “Tống Trân - Cúc Hoa”, dốc chí thờ mẹ, nuôi chồng ăn học, không nề vất vả gian khổ, bỏ hết ngoài ta những lời xì xào bán tán. Khoa thi hương năm Ất dậu (1645), Bụt đỗ giải Nguyên. Khoa nhâm thìn (1652), thi Hội, Bụt đậu tiến sĩ cập đệ. Được phong quan đến chức Tham tụng hộ bộ thương thư kiêm Đông các đại học sĩ, tước Duệ quận công, lại được tặng là Thái bảo binh bộ thượng thư. Đỗ cao, làm quan cao, bụt còn là một học giả nổi tiếng, chính Bụt là tác giả các bộ sách : Trung hưng thực lục; Hoan châu phong thổ ký, Hồ thượng thư gia lễ…
Những bà mẹ, những cô gái nuôi con, nuôi chồng chí tình như mẹ và vợ Bụt ở Quỳnh Đôi không hiếm. Điều này đã trở thành truyền thống ở Quỳnh Đôi. Nhưng nổi nhất Quỳnh Đôi là con gái họ Dương, ở làng có câu ca dao:
Dù ai cho bạc cho vàng,
Không bằng con gái họ Dương đến nhà.
Chính những bà mẹ, những cô gái ấy là nguồn nuôi dưỡng bao người con đã làm rạng rỡ đất Quỳnh Đôi như hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống, Phạm Đình Toái, Hồ Phi Tích, Văn Đức Giai, Dương Quế Phổ, Hồ Văn Trung, Hồ Bá Ôn, Hồ Bá Kiện…có người là nhà nho nhưng là nhà văn, nhà sử học, nhà dân tộc học; có người là nhà nho, nhưng là nhà lãnh tụ cần vương, tham gia Đông du…
Và Quỳnh Đôi còn nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú, dũng cảm như cụ Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Mậu…
Có điều người ta vẫn ca ngợi đất Quỳnh Đôi nhiều nhất vẫn là việc học, vì thế có câu:
Đi ra thiên hạ mà coi,
Không đâu bằng đất quỳnh Đôi nữa mà
Trai học hành bút nghiên sách vở…
(Theo một bài vè nói về Quỳnh Đôi)
Chính người Quỳnh Đôi cũng tự hào về mình:
Làng ta khoa bảng thật nhiều,
Như cây trên núi, như diều trên không.