Bài và ảnh của Phlanhoa
Ra khỏi những căn nhà đó, tôi lại vẫn chỉ có mỗi câu hỏi trong đầu “khi thiết kế gian bếp, kiến trúc sư có hỏi ý kiến các bà nội trợ không nhỉ ? Người ta thiết kế gian bếp cho đẹp hay cho tiện dụng đây ?”...
Có một lần, cô bạn rủ tôi cùng đi với cô tham quan khu chung cư cao tầng để mua căn hộ, chả là mô đen mới hiện nay các gia đình là phải sống tại các chung cư hiện đại, tầng càng cao càng tốt.
Một căn hộ với mẫu thiết kế lạ, theo giới thiệu là mẫu bắt chước từ Tây phương. Bước vào cửa, đập vào mắt tôi là một khoảng không gian rộng xuyên suốt từ đầu đến cuối căn hộ, phòng khách và phòng bếp được hòa nhập làm một, có chăng sự riêng rẽ là chỉ bếp được ngăn hờ bằng một quầy bar (tủ rượu) như trong nhà hàng, phần gian phòng ngoài cùng ngay cửa bước vào đặt salon để ấn định nơi tiếp khách, đoạn giữa dùng làm lối giao diện các phòng ngủ của các thành viên trong gia đình, đoạn cuối phía sau cái quầy bar (tủ rượu) là bếp nấu. Tất cả các phòng ở của các thành viên trong nhà đều mở cửa thông ra lối dao diện chung giữa phòng lớn đó. Như vậy ta có thể hiểu cái khoảng không gian lớn đó như là một cái sảnh dùng để sinh hoạt chung cho cả nhà. Cái quầy bar làm cho căn hộ trở nên sang trọng, bắt mắt. Màu sắc của căn phòng nói chung là ổn, cô bạn tôi hỏi :
- Cậu thấy thế nào ? hiện đại đó chứ ?
- Hiện đại thì có, nhưng nếu tớ có tiền sẽ không mua căn hộ kiểu này.
- Vì sao vậy ?
- Vì có nhiều vấn đề không ổn trong sinh hoạt
- Tớ không hiểu ?
- Có gì đâu mà không hiểu :
- Thứ nhất xét về mặt phong tục tập quán, người Phương Đông rất kỵ người lạ nhòm trực diện vào cái bếp của chủ nhà; mà cứ cho là cậu đã có tư tưởng tiến bộ không duy tâm duy vật gì đi chăng nữa thì :
- Thứ hai, nếu bạn mời khách đến nhà ăn cơm, bạn để cho khách ngồi chơi nói chuyện với chồng, còn mình thì băm băm, chặt chặt ầm ĩ, rồi xào rán dậy mùi nghi ngút xông mũi ông khách quý chừng cỡ vài tiếng đồng hồ rồi mới cho ăn, chẳng khác nào Trạng Quỳnh cho vua ăn mầm đá xưa kia. há chăng đó là lịch sự hay thiếu lịch sự ?
- Thứ ba, tuy là một gia đình, nhưng mỗi một thành viên đều cần có một khoảng trời riêng để thư giãn, quãng riêng đó, không thể cứ phải đóng im ỉm cửa 24/24 trong ngày, như thế khác nào nhà tù. Còn nếu mở cửa thì dại mồm lỡ chồng cậu vội vàng mi cậu một cái mà quên đóng cửa, bị bố mẹ chồng, hay con từ phòng đối diện nhìn sang thì có hay không ? Cậu có đảm bảo mình luôn luôn cẩn thận đóng cửa trước khi làm chuyện ấy không ?
- Thứ tư, khách đến chơi không phải lúc nào cũng cần thiết là cả nhà phải tiếp đón, ví dụ như bạn của con thì con tiếp, bạn bố mẹ thì bố mẹ tiếp, cũng có nhưng lúc cần tâm sự riêng. Nếu đang tâm sự mà có người khác đi qua rồi buộc phải chào hỏi, buộc phải dừng câu chuyện đang thú vị để chờ sự di chuyển của các thành viên trong gia đình đi xa hơn mới tiếp tục lại thì có ổn không ?
- Thứ năm, rồi có một hôm osin của cậu vì một lý do đặc biệt nào đó xin nghỉ đột xuất, cậu cuống lên sau giờ đi làm về với đủ thứ việc nhà, cái bếp chưa kịp dọn rửa thì đã phải đi làm chiều, khách lại đến vào đúng thời điểm đó thì sao nhỉ ?
- Bây nhiêu đó cho cậu suy nghĩ, tớ không hiểu khi thiết kế, các vị kiến trúc sư có tham khảo nguyện vọng của các bà nội trợ không nhỉ, mà sao lại tạo ra mẫu mã những căn hộ kỳ quặc làm vầy ?
…
Tôi đã từng đến các căn hộ tạm gọi là biệt thự, diện tích nhà không đến nỗi nào, nhưng chủ yếu làbiểu diễn phần trang trí, còn phòng ốc thì bé tí, phòng ngủ thường chỉ từ 9 – 12m2, chăn gối mùng mền cũng xoàng xĩnh, trong lúc đó cái cầu thang thì thật là mỹ miều, bóng loáng. Và đặc biệt là cái bếp rất nhỏ, bàn ăn chỉ cách chỗ nấu khoảng 80 cm, nên dù dụng cụ bếp núc rất sáng bóng, vẫn không khỏa lấp được mùi hôi hám tỏa ra từ bếp nấu.
Một số căn bếp khác thì lại quá gọn gàng sạch sẽ, người ta chỉ trưng bày những tiện nghi hiện đại ra bên ngoài như lò nướng, lo vi sóng, máy rửa chén vv… toàn loại đắt tiền. Nhìn qua ước tính cũng ngót trăm triệu cho các dụng cụ hiện đại đó chứ chẳng chơi. Tôi nhìn mãi, tuyệt nhiên không thấy chai lọ, dao kéo và các dụng cụ thao tác cho việc chế biến xào nấu đặt đâu. Hỏi ra thì mới biết nó được cất trong những hộc tủ kín đáo có cửa kính màu che đậy (theo kiểu đẹp thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại í mà), chỉ chủ nhân mới biết cái mới lộn xộn đó nằm đâu. Nhưng thực ra là do dấu quá kín, đôi khi chủ nhân của cái bếp cũng không nhớ được mình đã để nó góc nào. Tôi đặt ra tình huống, nếu đang nấu mà cứ phải lục tủ lấy thứ nọ thứ kia thì e là tìm được gia vị thì đồ ăn đã cháy mất, nên tình huống tiếp theo của gia chủ sẽ là “thôi khỏi gia vị cũng được”. Tôi có hỏi :
- Sao trước khi nấu không lôi ra ngoài sẵn đi?
Thì được trả lời:
- Lôi ra đến khi lại ngại cất vào, mất công quá, với lại lôi ra để đầy nền bếp hết cả chỗ để rau dưa, chỉ khi có khách khứa mới cần cầu kỳ.
Tuy nhiên đến hôm có khách khứa, do cất kín quá lại chủ quan thiếu kiểm tra, chủ nhà vẫn đinh ninh gia vị còn đủ, chỉ đến lúc nấu, lục ra thì ôi thôi nó mốc hết cả rồi, lúc đó đi mua không còn kịp, nên lại đành chặc lưỡi “thôi khỏi gia vị cũng chẳng chết ai” nấu đại như mọi ngày vậy !?
Ra khỏi những căn nhà đó, tôi lại vẫn chỉ có mỗi câu hỏi trong đầu “khi thiết kế gian bếp, kiến trúc sư có hỏi ý kiến các bà nội trợ không nhỉ ? Người ta thiết kế gian bếp cho đẹp hay cho tiện dụng đây ?”.
Đối với những người chú tâm trong việc bếp núc, nội trợ như chúng tôi thì có nhận xét, thời gian cho cả nhà sống nhiều nhất trong một ngày chính là căn bếp; tiếp đến là phòng ngủ, sau rốt mới là phòng khách. Như vậy khi thiết kế, gian bếp cần phải được đầu tư nhiều nhất, gây cảm hứng nhiều nhất cho các bà nội trợ; Phòng ngủ cũng là nơi sau gian bếp phục vụ sức khỏe cho chính chủ nhà. Một bữa ăn ngon miệng, đâu chỉ là ngồi đâu ăn cũng được, một quãng không gian thoáng đãng với ánh sáng màu sắc mát dịu sẽ làm cho ta ăn uống ngon miệng hơn; một giấc ngủ yên lành sẽ đến tốt hơn khi phòng ngủ thơm tho, thoáng khí và rộng rãi…
…
Căn bếp yêu cầu gì ?
- Trước tiên nói về phong thủy, phải có luồng khí riêng tách biệt không cùng với luồng khí của căn hộ, để khi xào nấu không có hiện tượng cả nhà thơm lừng từ phòng ngủ đến phòng khách (Lại nói tạt qua về chức năng cái máy hút khói tí, cái máy này thường được thiết kế đặt trên tầm ngọn lửa khoảng 70 – 80 cm, như vậy chẳng khác nào chặn ngang tầm mắt người nấu bếp rất vướng víu khó chịu, đã thế tiếng động của nó thật là ồn,khiến cho các bà nội trợ chẳng buồn bật lên khi nấu, hóa ra lại thêm một thứ thiết bị đắt tiền nhưng chỉ để bày trí cho sang là chủ yếu. Tôi nghĩ chẳng lẽ các kỹ sư thiết kế không đủ khả năng thiết kế cho những chiếc máy đó hút khói ở tầm cao hơn và ít ồn hơn ư ? hay là vì họ thiết kế không có tham khảo người đứng bếp ?)
- Thứ hai hệ thống tủ treo tường cần được tính toán chi tiết độ dày, độ cao làm sao cho người đứng bếp không bị những cánh cửa đập vào đầu, dễ dọn dẹp vệ sinh …và những ngăn đựng bên trong cũng cần phải làm sao đó thể đựng được nhiếu thứ đồ vật cao thấp khác nhau. Ngoài ra phải có phần giá đựng gia vị và các dụng cụ như dao kéo…ngang với tầm tay tại nơi chế biến thực phẩm, đảm bảo phải bày ra trước mắt để có thế nhìn thấy và lấy được ngay khi đang nấu nướng.
- Bồn rửa bát chén hình lòng chảo, độ nhẵn bóng cao, sẽ tiết kiệm được nước, đồng thời dễ chùi rửa vệ sinh hơn bồn hình vuông. Giữa hai bồn rửa cần phải có thêm một bồn con ở giữa hai bồn lớn để hòa xà phòng khi rửa. Rất tiếc không hiểu sao không có nhà SX nào bán bồn rửa hình lòng chảo cả?
- Bóng đèn phải được lắp sao cho ánh sáng có thể rọi thẳng xuống nơi nhặt rửa thực phẩm và nơi bếp nấu.
- Mặt nền bếp không hẳn là một mặt phẳng với độ cao bằng nhau, nơi đặt bếp ga phải ở giữa, bên phải là mặt nền để chế biến, tiếp đến là nơi để gác những thực phẩm sau khi rửa cho dốc nước; rồi bồn rửa; bên trái bếp ga là bàn đựng thức ăn đã chế biến, phần này cần thiết kế cao hơn 20cm để đảm bảo vệ sinh cho thức ăn.
- Không nhất thiết phai tách biệt hai phòng ăn và nấu, nhưng cần thiết phải có một bức bình phong chắn hờ cao hơn nền bếp một chút để tạm dấu đi những thứ lộn xộn chưa kịp dọn rửa trong quá trình nấu nướng. Bàn ăn phải đặt cách chỗ nấu tối thiểu là 2,5 – 3m để không bị ảnh hưởng mùi của những thứ trong bồn bát chén chưa kịp rửa…
- Nơi đặt bàn ăn càng thông thoáng, màu sắc ấm cúng dịu êm sẽ càng giúp cho ta ngon miệng, nếu đủ rộng để kê thêm bộ bàn trà thì quả là tuyệt vời…