Tác giả: ĐINH ĐÀI (cuốn Làng cổ Hà Tĩnh)
Làng Phúc Lộc - Kẻ Rục, xưa thuộc xã Phúc Hải, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ. Từ 1921 chuyển về huyện Can Lộc, nay thuộc xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh. Kẻ Rục, theo lời truyền, có tên Hán-Việt là Dục Mai, và Nhà Dào là Giao Tác. Có câu hát phường cấy Nghi Xuân ngày trước:
“Dục làm sao, Dào làm vậy,
Nuôi con cho nậy, đi cấy Dục , Dào.”
Phúc Lộc đông giáp làng Tiếp Võ, tây giáp đồng xã Thái Yên, nam giáp đồng làng Dao Tác và một phần cảu làng Phúc Xá (Kim Lộc) bắc giáp đồng làng Gia Thịnh ( Đức Thịnh) và làng Tràng Cần ( có xóm mới nay dời bên kia sông Nhà Lê, ven đường 8 thuộc xã (ức Thuận).
Phúc Lộc – Kẻ Rục ở vào nơi thấp nhất trong vùng Phúc Hải, Nguyệt Ao, còn Phúc Xá (Nhà Từa) cao nhất.
Phúc Lộc thường bị lụt sâu nên có câu:
“Kẻ Rục trúc cổ xuống ao,
Nhà Dào lao xao đi vếch (vớt)
Nhà Từa ngốc nghếch đi chôn”
Từ xa xưa, thỷ tổ các dòng họ mời về đây, đã lập trang trại ở xứ Đồng Phải, nơi cao ráo nhất. Đồng Phải trước mé nam, có dãy trọt Đồng Ruồng. Đồng Phải sau mé bắc, có dãy trọt Do. Phái tây giáp nghĩa địa làng Thái Yên. Khu dân cư có long ngư hội tụ, về phái đông làng là dãy trọt Đường Hà.
Nhưng khu đất này hẹp, người tăng nhanh, mùa hè thiếu nước trầm trọng nên dân làng dời xuống ở sát dòng nước chảy từ sông Minh Lang qua Yên Phúc Kẻ Dè về Đò Trai, nối với khe Bát Ngoạt chảy xuống cầu Đôi đến làng Bình Lạng Đò Vọt của làng Phúc Lộc. Vườn ông tổ họ Trần ở xóm Ngoài. Phía bắc xóm có con lũy cao to, cây cối um tùm, tre pheo rậm rạp, cản gió bão đông bắc và một phần gió nóng mùa hè. Bên lũy có con hói sâu tiêu thủy của đội đồng cao. Từ khi có trạm bơm điện của hợp tác xã Hồng Phúc, con hói này trở thành kênh chính đưa nước sông Nhà Lê vào đồng. Con lũy cũng được tạo thành đường giao thông nội đồng. Phía tây vườn họ Trần Vạn có cồn cao tới 4-5m, trên mặt rộng khoảng 10m2. Đó là kho chứa lúa của bà Lê Thị A Ve. Nền kho này và nền tế Thần Nông đều xây bằng đá ong, nay đã bị san bằng làm vườn ở. Phía đông xóm là vườn “ông Hâu” người họ Nguyễn, nhà giàu, mua hậu để được làng làm giỗ. Phía bắc xóm nay có trạm bơm điện, và phía nam là đò ngang qua sông Nhà Lê, nay là cầu xi măng Hồng Phúc. Giữa xóm Ngoài và xóm Trong xưa có đội ruộng Nương Hồ, nay đã thành đất ở.
Phía tây xóm Trong là dải Trọt Voi, phía đông là sông Nhà Lê xưa có dãy nương um tùm rậm rạp. Từ đò Rục ( nay là cầu Hồng Phúc), đi theo dọc bờ sông là đến làng Phúc Lộc, giáp với đền làng Giao Tác. Giữa hai ngôi đền, người ta đào con hói Trước thông với sông Nhà Lê để tiêu, dẫn thủy và cho thuyền buôn qua lại. Trên bờ hói là con đường “ phụng nghinh” để rước sắc Thần từ đình Trung đến đền làng trong kỳ tế lễ. Phía tây có hai xóm: xóm Ràn( xóm 3) ở mé Bắc, đối xứng với xóm Ngoài (xóm 1); xóm Chùa ( xóm 4) ở mé Nam, gần đối xứng với xóm Trong ( xóm 2). Xóm Trửa ở giữa các xóm 1, 2, 3, 4, gần sát con đường rải nhựa, có nhiều nhà nền rất cao, ít khi ngập lụt. Theo truyền ngôn, ngày trước có vài ba nhà giàu buôn bán đồ sánh sứ từ ngoài Bắc vào, chở thuyền vào hói Trước của làng rẽ lên hói Cơn Chanh về xóm Trửa để bốc hàng. Ngày nay người ta còn đào được một số hũ sành đựng đầy tiền đồng.
*****
Làng Phúc Lộc có 20 dòng họ, chưa kể một số hộ mới đến vài ba năm lại nay:
- Họ Trần ( Vạn) ông Cao cao tổ tên tự Chân Điệu, quan võ, được phong “ Tán trị công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Kim ngô vệ Đoán sự ty Phó đoán sự( hàm Chánh lục phẩm).
- Họ Trần đại tôn, thủy tổ là Chân Chính sinh 4 người con: Trưởng là Trần Mậu Dy, di cư ra Hải Dương; Trần Mậu long (1520-1570) từ xã Yên Hồ dời về Phúc Lộc. Hiện có 2 chi. Chi 2 đời lê có ông Trần Văn Khải là võ quan, chức Đội trưởng. Hiện nay trong họ có nhiều người học hành thành đạt.
- Họ Đinh đại tôn, gốc ở Diễn Thành, Yên Thành, Nghệ An, về làng Đông Khê (Đức Thủy, Đức Thọ) sau mới về Phúc Lộc. Chi giáp, có hai ông Đăng Phong và Đang Toản đỗ Tú tài Hán học.
- Họ Lê(trưởng) gốc ở Cổ Nhuế, Đông Sơn, Thanh Hoa; hai anh em vào làng Dục mai, nhà ở xứ Nương Tiên. Ông em ở lại làng Dục, ông anh lên xã Cổ Ngu, ở xóm Chùa( nay là Đức Thủy). Gia phả cho biết, tổ họ này sống thời phân tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) sợ liên lụy(?) chạy vào đây. Có câu nói về họ này:
“ Không ngon cũng có thể khoai mài
Không khôn cũng thể con ngài( người ) họ Lê”
Con cháu có nhiều người thành đạt.
- Họ Nguyễn( Xướng) gốc Thổ Hoàng ( Hương Khê), đến đây đã 11 đời. Họ này ít người vì từ đời thứ nhất đến đời thứ 6 đều độc đinh, sau cũng sinh đẻ ít.
- Họ Trần ( Tước) gốc Tĩnh Gia, Thanh Hóa đấn đây đã 11 đời.
- Họ Nguyễn( tộc trưởng Nguyễn Khổn) từ xã Ân Phú( Đức Thọ) xuống, có vị cao tổ là Nguyễn Xuân Hòe, đi lính được phong Ưu binh Phấn lực tướng quân, bá hộ.
- Họ Lê Hữ (Trạch) gốc Nam Định, về Tiên Điền, Nghi Xuân, đời thứ 3 có người đỗ Tú tài, lên Dục Mai dạy học từ 1806 rồi lập nghiệp. Người con thứ 3 của cố Tú là thợ sơn.
- Họ Phan ( tộc trưởng Phan Cường) thủy tổ là Phan Sỹ Long gốc Hoa thành, Yên Thành Nghệ An bây giờ, vào lập nghiệp ở làng Dao Tác năm Canh hưng thứ 11 (1750) nay đã 9-10 đời.
- Họ Phan(Kiệm) gốc ở Bùi Xá, Đức Thọ, hai anh em là bô đội chống Pháp, về ở đây.
- Họ Đồng Cảnh từ xã Tháu Yên sang, nay đã 8-9 đời có ông Đồng Cảnh Thịnh đỗ Thánh chung năm 1944.
- Họ Võ gốc chợ Vi ( xã Kim Lộc) sang lập nghiệp nay đã 4 đời.
- Họ Đồng Ngọc gốc ở Thái Yên sang Phúc Lộc đã 4 đời. Ông tổ ngày trước ở chùa. Nay có nhiều người học hành thành đạt.
- Họ Đặng gốc Bùi Xá, Đức Thọ về đây đã 4 đời.
- Họ Hoàng. Tổ là Hoàng Tuế gốc xã Đức La, Đức Thọ bây giờ, đến đây năm 1970, sau cùng một số người gai nhập Thiên Chúa giáo.
- Họ Hoàng gốc xã Vượng Lộc ra ở đây đã 4-5 đời.
- Họ Nguyễn, thủy tổ là Nguyễn Tiến Bích, có người nói gốc Thổ Hoàng, Hương Khê, có người lại nói gốc Phổ minh, Can lộc, về đây nay đã 7 đời.
- Họ Thái. Hiện nay không còn ai.
- Họ Nguyễn. Ông Nguyễn Viết Lương bộ đội phục viên quê xã Thái Yên, lấy vợ kế họ Đinh rồi ở lại đây.
- Họ bùi. Tộc trưởng là Bùi Hòa, thương binh.
- Họ Nguyễn. Ông Nguyễn Tài Lương quê xã Trung Lương, hồi chống Mỹ đi theo xưởng rèn Trung Lương sơ tán vào đây, lấy vợ họ Nguyễn, rồi ở lại đây.
- Họ Nguyễn. Ông Nguyễn Tiến Thản dời lên phường nam Hồng rồi vào nam và ra sống ở nước ngoài.
- Họ Nguyễn( của ông Nguyễn Văn Nghiễm) gốc xã Tiên Điền, Nghi Xuân đến đây đã 4 đời.
*****
Từ bao đời, dân Phúc Lộc chỉ biết bám vào ruộng đồng, lấy nghề nông làm gốc. Theo các cụ già thì xưa cũng có một vài người giàu có: Ông họ Nguyễn cúng cho làng 12 mẫu ruộng hậu để được làng làm giỗ. Số ruộng này một phần cũng được chia cho dân nghèo. Bà lê Thị A Ve có kho thóc lớn. Có năm đói kém, bà bàn với làng cho mõ rao xin mượn mỗi nhà một đôi gióng gánh, có bồ mượn bồ, có thúng mượn thúng, và nhờ đến kho xúc lúa gánh ra cồn Bốm tập trung lại chờ đưa sang bán ở chợ Hôm. Nhưng khi mọi người gánh lúa đến đủ, bà mới nói:” Lúa này là của bà con, cứ gánh về mà ăn, anh gánh được nhiều lấy nhiều, gánh được ít lấy ít”. Nhờ vậy mà dân làng qua cơn đói kém.
Nghề nông bấp bênh chỉ làm được một mùa tháng năm nên hầu hết mọi nhà đều thiếu ăn. Hàng năm, cả làng cứ phải thuê phường cấy Nghi Xuân để kịp cấy cho xong trước tiết Tiểu Hàn một tuần để ra Đồng Thành cày thuê cấy mướn, kiếm tiền gạo về ăn tết.
Trong làng cũng có một số người làm nghề phụ, nhưng không phát triển được. Thợ mộc chỉ có anh em con cháu cố Kiều, cố Mộc, cố Tĩnh… họ Phan; thợ sơn đồ gỗ cũng chỉ cha con anh em dòng họ Lê Hữu, nay đã mai một; thợ nề có từ lâu đời trong một số dòng họ, nhưng gần đây lại phát triển mạnh, có nhiều người coi như nghề chính, làm ăn chuyên nghiệp. Lớp trẻ tổ chức những tổ làm nhà, làm cầu cống, làm ăn trong vùng và sang sang cả bên Lào nữa. Bắt cá, bắt ếch, câu lươn, đánh chim nhiều người làm ăn, nhưng chỉ là kiếm thêm chút ít cải thiện bữa ăn mà thôi. Nay dân làm nghề chài lưới trên sông Nhà Lê đầu là người từ các nơi đến…
Dân chỉ chí thú làm ăn, còn việc học hành thì không quan tâm lắm, ngày trước một số gia đình cùng nuôi thầy cho con học, nhưng chỉ để kiếm dăn ba chữ mà thôi. Đời Nguyễn chỉ họ Đinh có hai người đỗ tú tài và một người thi hỏng. Vì bị làng kiện, cả 3 anh em đều bỏ làng vào Quảng Ngãi dạy học, làm thuốc, không về nữa. Người ta kể rằng: Ba thầy đi đò qua sông Nhà lê, ném hòn đá xuống nước và thề: “ khi mô đá nổi, Kẻ Rục mới có tứ, cử”. Từ đó về sau, trong làng không ai học hành thành đạt nữa. Một đoạn vè nói về việc này do cố Lê Hùng đọc lại:
‘ …Ba thầy thua tất cả
Mới bỏ làng ra đi,
Qua bến đò sông Lê
Mới ném đá xuống thề:
“Đá nổi lên mới về
Làng này có tú cử
Mới hòng thi tú cử”
Người ta nói làng chỉ coi trọng người có tuổi thọ, mà coi thường người có học nên mới vậy. Thời tân học, cả làng cũng chỉ có hai người đỗ Thành chung vào năm 1944 là Đồng Cảnh Thịnh, Đinh Đài.
Ông Đồng Cảnh thịnh sau cách mạng được bầu vào ban chấp hành Tỉnh đoàn Thanh niên Hà Tĩnh, sau sang làm việc ở Ty Văn hóa một thời gian rồi mất. Các con ông đều học hành thành đạt. Ông Đinh Đài sau khi đỗ vào Đà Nẵng thi vào ngành Bưu điện, làm việc ở Sài GÒn. Nhật đảo chính, ông về địa phương tham gia Mặt trận Việt Minh chỉ huy tự vệ xã Phúc Hải trong ngày Tổng khởi nghĩa(8/1945), làm Phó chủ tịch xã Minh Tân. Sau đó ông đi học trung cấp nông lâm, về làm việc ở Nghệ An, và tiếp tục đi học Đại học nông nghiệp I Hà Nội, về làm việc tại Viện khoa học nông nghiệp, được đề bạt làm trưởng bộ môn Di truyền học, lai tạo giống vùng Bắc Trung bộ, nghỉ hưu năm 1982.
Ngày trước, đi đến đầu làng Phúc Lộc – Dục Mai, người ta thấy cây đa to cao, thân gốc 3-4 người ôm không phỉ, bên cạnh có cái giếng sâu, nước trong veo, một sân đền rộng…
Cảnh ấy nay không còn nữa.
Đền làng xây dựng từ lâu, có ngôi thượng đường toàn bằng gỗ mít, chạm trổ hình “ Lưỡng long triều nguyệt” rất đẹp, Trước cửa có đắp hình tướng. Ngôi trung điện và ngôi hạ điện đều cao đẹp, trong đặt bàn thờ và nhiều tự khí đều sơn thiếp lộng lẫy. Trước đền với hai cột hoa biểu cao vút… Vào khoảng 1947-1948, đồ thờ tự hợp về làng Phúc Hội, nhà cửa bị dỡ phá hết.
Chùa Phúc Lộc cũng ở đầu làng, nay là xóm 4, có hai nhà, thượng đường có bàn thờ và nhiều tượng Phật, tự khí; hạ đường ba gian lợp tranh, trong treo quả chuông đồng 4 vú rất to, mặt chuông có khắc tên nhưng người quyên cúng và mấy chữ “ Bồng lai Phúc Lộc tự”. Trước chùa có tam quan lợp tranh và cây đa cổ thụ như cây đa đầu làng. Trong vườn chùa có nhà ông sãi, người lo việc hương đèn ngày rằm, mồng một. Cứ 5 năm một lần, làng làm chay cúng vong hồn vào rằm tháng bảy.
Nhà Văn Thánh xây trên nền cao, ngoảnh mặt ra đội nương “ Mạ chạy”, tương truyền xưa là nơi quan quân tập phi ngựa. Lễ tế do Văn hội làm.
Ngoài ra, lại có nền tế Thần Nông gọi là nền Phát lát. Lễ tế Thần Nông vào ngày mồng 4 tháng giêng, có cỗ cơm trắng đơm vào đĩa đặt lên mâm, xung quanh đĩa bày những bát chè đậu xanh, lại có cả con cá chép rán mặn bằng bột nếp đặt trên đĩa lớn. tế xong, làng cử hai trai xuống dãy ruộng phía trước cắm cây cờ giấy ngũ sắc để yểm hoàng trùng phá lúa.
Hội võ tế ở đền làng.
Ngoài tết Nguyên Đán và lễ làm chay 5 năm một lần vào rằm tháng bảy, còn có tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch. Đúng trưa ngày này, người ta đi bứt các loại cây ( tử ô, canh giới, ngải cứu, lá tre v.v…) phơi khô để dành làm thuốc giải nhiệt, cảm mạo.
Sau tết, thường có lễ mừng lão, cụ nào lên Thủ chỉ, làng đặt làm cây thẻ sơn son thiếp vàng khắc hai chữ” Thủ chỉ” và cây cờ vuông thêu hai chữ “ Thủ chỉ” rước đến nhà làm lễ mừng.
Từ sau ngày Cách Mạng tháng Tám, nhất là từ ngày đổi mới, làng Phúc lộc có những thay đổi lớn, đời sống được nâng lên mọi mặt.